24 Tiết khí (節氣, Minor Solar Terms) trong năm tính theo lịch Dương và phục vụ việc gieo trồng, thu hoạch. Bên cạnh đó, theo lịch Âm (thực ra là Âm Dương lịch) còn có những ngày “tết” nữa. Trong năm có nhiều cái tết mà tên số chỉ tháng, chỉ ngày theo âm lịch trùng nhau, ví dụ: Tết Hàn thực (寒食节, 03/3), Tết Đoan Ngọ (端午, 05/5), Tết Thất Tịch (七夕, 7/7), Tết Trùng Cửu (重九/重陽, 09/9), Tết Trùng Thập (重十/十成/雙十, 10/10).
Nam mô A di Đà Phật! (3 lần)
- Lương Đức Mến (bs từ nhiều nguồn tk)-
1. Danh pháp:
Tết Đoan Ngọ (A: Dragon Boat Festival, P: Fête des bateaux-dragons, H: 端午節) hoặc Tết Đoan Dương 端陽tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông.
Trong tên gọi tết này thì 端 “đoan” nghĩa là ngay thắng, đầu mối, mở đầu, 午 “ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều, Lịch cũ gọi tháng năm gọi là “ngọ nguyệt” 午月 nên Đoan Ngọ là đầu tháng 5.
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương 端陽 bởi hai số “5” đều thuộc dương, lại là ngày mở đầu cái nắng, nóng và khi đó hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc.
Nó rơi vào ngày 05 tháng 5 âm nên còn gọi là Tết Đoan Ngũ 端五, Trùng Ngũ 重五.
Thời tiết vào dịp này ở Đông Nam Á rất nóng, côn trùng và sâu bọ nở ra nhiều, nông dân cần phải tìm cách trừ diệt để bảo vệ cho sự canh tác, trồng trọt. Có lẽ vì sự kiện này mà người ta còn xem Tết Đoan Ngọ là “ngày giết sâu bọ”.
Từ đó cho thấy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông, gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày Hạ chí (A: Xiazhi, H: 夏至, lúc kinh độ Mặt Trời bằng 90 độ). Nó nằm trong tiết Mang chủng (A: Mangzhong, H:芒種, 05(06)/6-21(22)/6 Dương).
2. Nguồn gốc:
Bên Trung Hoa có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc cái Tết này được ghi chép từ cuối thời Đông Hán (東漢, 23 - 220).
Thuyết được nhiều người biết đến cho rằng nguồn gốc của lễ tiết này có “liên quan” đến sự tưởng niệm một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của nước Sở (楚國, 1030–223 tCn) là Khuất Nguyên (屈原, 340 – 278 tCn).
Ông là tác giả bài thơ Ly Tao 離騷, nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn vua Hoài Vương (楚懷王, ?- 296 tCn, trị vì: 328 -299 tCn) không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Dân làng ở đó đã mang thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Để cho cá và các linh hồn của ma quỷ không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng mái chèo của họ. Sau đó để tưởng nhớ, tỏ rõ sự tiếc thương một người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.
Người Việt Nam ăn Tết này từ xa xưa và trong văn hoá Việt thì ngày này lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ nên dân gian đã lưu truyền câu ca dao:
Tháng Năm ngày tết Đoan Dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp. Người ta còn tắm cho trẻ vào buổi sáng để tránh rôm sẩy.
Do vậy dân Việt còn gọi ngày này là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.
Trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan ngọ” tác giả Nguyễn Ngọc Thơ giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”. “Tết Nửa Năm” (cũng có nơi là gọi là Giữa Năm) được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác.
Tóm lại, về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm khẳng định: Tết Đoan ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông Dương. Trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, NXB TP HCM, 2004, tác giả luận giải: Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết .
Trong cuốn “Lễ tết Trung Hoa” của W. Eberhard (Chinese Festivals, N.Y. 1952) viết: “Đoan ngọ là tết của phương Nam , tết cầu may, tết của sự sống” (Double fifth is a Southern festival, lucky festival or festival of the living).
Tác giả Nghê Nông Thủy, thuộc Hội Dân tộc học Trung Quốc cũng thừa nhận: “Tết Đoan ngọ là cống hiến to lớn của người Bách Việt đối với văn hóa Trung Hoa” (Hội Dân tộc học Trung Quốc, 2011).
“So với người Trung Quốc, người Việt Nam thiên hẳn về lối sống dân gian, tư duy tổng hợp – trừu tượng và truyền thống văn hóa truyền miệng đã giúp gìn giữ phong tục ngày tết này mà không cần thiết gắn liền với các nhân vật lịch sử. Ngược lại, Trung Quốc dân số đông, dân tộc đa dạng, việc chính thức hóa một phong tục dân gian bằng thao tác gắn chúng với các nhân vật lịch sử có chức năng tích cực, nhất là trong chức năng đại đoàn kết dân tộc” (trích An Nam phong tục sách, Mai Viên Đoàn Triển, NXB Hà Nội, 2008).
...
Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng như hiện nay.
3. Lệ tục trong ngày Đoan Ngọ:
Trong mùng 5 tháng 5, nhiều nơi có tục làm mâm cỗ cúng gia tiên; treo lá ngải cứu trước cửa nhà; làm túi ngũ sắc đeo cho trẻ em; lên rừng hái thuốc; khảo cây lấy quả (một người trèo lên cây, một người ở dưới dùng sống dao gõ vào thân cây hỏi lý do ít quả và đe dọa chặt cây nếu cây không sai quả, người trên cây sẽ hứa cho quả sai); hoặc có nơi làm thịt vịt, thịt ngan để mang về bên nhà mẹ, nhà vợ…
Người miền Bắc thường “giết sâu bọ” ngay khi thức dậy vào sáng sớm bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả…
Với trẻ em: sáng sớm ngủ dậy khi trẻ còn ở trên giường cho trẻ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay, đánh răng rửa mặt. Ngày nhỏ chúng tôi thường được dặn ra hứng nước mưa tắm cho đỡ rôm sẩy.
Với người lớn: sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ gồm:
- Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.
- Các loại hoa quả gồm các loại quả mùa hè như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối...Tuy nhiên mận và vải là hai loại quả không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.
- Xôi, chè, bánh ú tro (còn gọi là bánh tro hay bánh gio).
Cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ chính Ngọ (12h trưa) ngày 5/5 Âm lịch.
Bài cúng Tết Đoan Ngọ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
- Con lạy chín phương Trời, năm phương Đất, mười phương Chư Phật.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Ngài Đương cai Mậu Tuất niên Chí đức Tôn thần: Khương Vũ Đại tướng quân; Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá Hành Binh chi Thần, Thành Tào Phán quan.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần cai quản xứ Kim Tân.
- Con kính lạy Lương tộc lịch đại Tổ tiên, Hiển khảo, chư vị Hương linh.
Tín chủ chúng con là: Lương Đức Mến, tuổi Ất Mùi sinh năm 1955 nguyên quán: Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng cùng vợ, co trai con dâu và các cháu.
Hiện ngụ tại: SN 328 đường Hoàng Liên thuộc địa phận tổ 21, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Hôm nay là ngày Đoan Ngọ năm Mậu Tuất, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngày Thần thời gian, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ Lương gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng,
độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an.
Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
_ Cẩn cốc-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!