24 Tiết khi, LĐM trình bày theo nhiều nguồn TK |
1. Tiết khí (節氣, Minor Solar Terms) là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°. Tiết khí được sử dụng trong công tác lập Âm dương lịch (陰陽合曆/ 太陰太陽曆, ngày tháng theo pha Mặt Trăng của Âm lịch còn thời gian của năm theo Mặt Trời như dương lịch) dùng tại các nền văn minh phương đông cổ đại như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, phục vụ cho việc canh tác nông nghiệp.
Vì quỹ đạo của Trái Đất là một hình elíp gần tròn chứ không phải là một hình tròn nên vận tốc di chuyển của Trái Đất trên quỹ đạo xung quanh Mặt Trời không phải là hằng số. Do đó khoảng cách tính theo thời gian giữa các tiết khí không phải là con số cố định, xe địch từ 14-16 ngày (bằng 1/24 của quỹ đạo năm).
2. Trong 24 Tiết khí đó có tiết Mang chủng (A: Mangzhong, H: 芒種).
Trong danh pháp có 芒 “Mang” là ngọn cỏ, tức là chỗ nó nhú đầu nhọn lên, là râu hay vòi nhụy của các loại ngũ cốc; 種 “Chủng” là hạt giống các loại ngũ. Dịch nghĩa một cách cụ thể, đầy đủ thì tiết Mang chủng chính là thời điểm hạt cây đã được thụ phấn, đã phát triển đến mức độ già dặn, cứng cáp và có thể dùng để làm hạt giống cho mùa sau.
Ngoài ra 芒 “mang” nghĩa là rộng lớn, cường thịnh, 種 “chủng” nghĩa là Mặt trời nên “Mang chủng” chỉ thời điểm Mặt trời bức xạ lượng nhiệt rất lớn.
Do vậy, ý nghĩa của tiết khí này là Ngũ cốc trổ bông, nó xuất hiện khi người ta nhìn thấy chòm sao Tua Rua (A: Pleiades, P: Pléiades, H: 七女), cụm sao phân tán M45 (Pleiades) trong chòm Kim Ngưu (A: Taurus, P: Taureau, H: 金牛宮), vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch.
Theo quy ước, tiết Mang chủng là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 5 hay 6 tháng 6 khi kết thúc tiết Tiểu mãn (A: Xiaoman, H: 小滿, khi Mặt trời ở kinh độ 60) và kết thúc vào khoảng ngày 21 hay 22 tháng 6 Dương lịch khi tiết Hạ chí (A: Xiazhi, H: 夏至, lúc kinh độ Mặt Trời bằng 90) bắt đầu.
Theo cách tính hiện đại, với điểm Xuân phân 春分là gốc có kinh độ Mặt Trời bằng 0°, thì thời điểm bắt đầu diễn ra tiết Mang chủng ứng với kinh độ Mặt Trời bằng 75°.
Như thế, Mang chủng là tiết khí thứ 9 trong 24 tiết khí, là dấu hiệu của mùa tiểu mạch lớn, là tiết thu hoạch của nông vụ, cũng là thời điểm gieo trồng cho mùa thu hoạch sau.
3. Ở Việt Nam, do đặc điểm khí hậu đa dạng, trong tiết Mang chủng, có nơi bắt đầu mùa gặt nhưng có nơi đã bắt đầu gieo trồng vụ mới, mạ xanh nhạt. Nông dân tranh thủ thời tiết mưa nhiều, nhiệt ẩm cao để gieo cấy, nếu chậm thì nhiệt độ không đủ, thời kì sinh trưởng của lúa bị ngắn lại nên dễ gặp sâu bệnh, khô hạn, sản lượng không cao. Khoai lang cũng nên gieo trồng ngay trong tiết Mang Chủng. Vậy nên mới có câu “Tiết Mang Chủng mau mau trồng trọt”. Tục ngữ có câu:
Tua rua thì mặc Tua rua
Mạ già, ruộng ngấu, không thua bạn điền.
Đây còn là mùa hái quả, thời điểm mận, vải chín cây và được thu hoạch, sang Hạ Chí là bắt đầu vãn dần.
Trong tiết này có ngày 05/5 âm lịch (17 hay 18/6 dương) là ngày Tết Đoan Ngọ (A: Dragon Boat Festival, P: Fête des bateaux-dragons, H: 端午節) có tục “giết sâu bọ” bằng các quả như vải, mận… Trong văn hoá Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ nên ca dao có câu:
Tháng Năm ngày tết Đoan Dương,
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
4. Trong tiết này khí hậu nóng bức, tính cách con người cũng trở nên nóng nảy hơn, nên chú ý nghỉ ngơi, thư giãn, uống nhiều nước để bù lượng mồ hôi bị mất; nên gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, đi bơi.
Tiết Mang Chủng có Thái Tuế tạo thành sát khí, nên hạn chế tiến hành các việc quan trọng như chuyển nhà, động thổ, sửa nhà… Nếu bắt buộc phải tiến hành thì nên chọn ngày lành tháng tốt mà làm, phải chọn ngày cát và giờ lành nếu không sẽ gặp nhiều xui rủi.
5. Mang chủng 2018 khởi thứ Tư ngày 06/6/2018, Âm Lịch là ngày: 23 Kỷ tị (Đại lâm Mộc), tháng 4 Mậu Ngọ (Thiên thượng Hỏa) năm Mậu Tuất (Bình địa Mộc). Kết thúc vào thứ Tư ngày 20/6/2018, theo âm Lịch là ngày: 7 Quý Mùi (Dương liễu Mộc), tháng 5 Mậu Ngọ (Thiên thượng Hỏa), năm Mậu Tuất (Bình địa Mộc).
-Lương Đức Mến, Mang chủng 2018-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!