Trong đời người, ai cũng trực tiếp hay gián tiếp thực hiện nhiều
nghi thức theo lệ tục. Những nghi thức ấy gói trong “Lục lễ” 六禮, gồm: quan (冠, phép tắc cư xử giữa
những người trong họ và trong xã hội), hôn (婚, việc cưới vợ cho
con trai hay việc gả chồng cho con gái khi đến tuổi trưởng thành), tang (喪, việc để tang, cúng
tế và chôn cất người chết), tế (祭, việc tế lễ, tổ chức
cúng tế Trời Đất và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi Đình, Miếu, Chùa, Thất),
hương ẩm 乡饮酒, tương kiến 相见 của đời người thì Hôn lễ là lễ rất quan trọng.
1. Lệ tục trong cưới
xin:
1.1. Hôn nhân (H: 婚人/婚禮, A: Marriage - Marriage ceremony, P: Mariage - Cérémonie de mariage) là việc
cưới vợ gả chồng cho con trai và con gái, việc kết nghĩa hai họ; là sự cam kết
đồng ý giữa hai cá nhân Nam và Nữ về các khía cạnh luật pháp, xã hội và tôn
giáo; nó là nền tảng của gia đình trong hầu hết các dạng hình xã hội hậu nguyên
thủy.
Trong dân gian, từ
xưa cổ nhân đã cho rằng “Đồng tính bất hôn, ác bất thực dã” 同姓不婚,恶不殖也, nghĩa là những người cùng Huyết thống (H: 血統 ,
A: The consanguinity, P: La consanguinité) không được phối hôn 配婚 với nhau để tránh điều di hại cho con cháu cũng như phạm
và chuẩn mực đạo đức.
Tín ngưỡng, đạo đức, kinh nghiệm đều biết rằng tình trạng
hôn nhân cận huyết, tức trai giá lấy nhau trong phạm vi 3 đời sẽ phương hại đến
tông pháp, đến thuần phong mỹ tục và nòi giống. Muốn tránh những điều đó, tốt
nhất là không kết hôn trong phạm vi 5 đời, tức là những người có chung ông Kỵ 暨 (H: 高祖, A: Great-great-grandfather, tức Cao Tổ)
không được kết hôn với nhau.
Đây không chỉ là phong tục, tín ngưỡng dân gian mà đã được
nâng lên thành đạo luật từ thời quân chủ. Cụ thể:
Ngay trong BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC (tức Quốc triều hình luật 國朝刑律) thời Lê sơ (後黎朝, 1428–1527) trong 13 chương đã giành 2
chương là “Hộ hôn” và “Điền sản” bàn về hôn nhân, gia đình; về việc hương hỏa,
tế lễ, thừa kế và sở hữu tài sản.
Ngày nay trong LUẬT
HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH số 22/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 và BỘ LUẬT DÂN SỰ
số: 33/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005 đều giành những Chương, Điều cụ thể,
tiến bộ, đầy tính nhân văn nhưng rất nghiêm minh về vấn đề này.
1.2. Trong lịch sử, hôn nhân thường là
thỏa thuận xã hội giữa một người đàn ông (chồng) và một người đàn bà (vợ) trừ
chế độ đa thê là có một người đàn ông lấy nhiều vợ, nhưng cũng có khi một người
đàn bà lấy nhiều chồng. Trong một số nước phương Tây hiện nay, hôn nhân đồng
tính được công nhận là một kiểu hôn nhân. Hôn nhân có thể là kết quả của tình
yêu hay sự xếp đặt và khởi đầu bằng việc cưới xin. Việc cưới này gọi là Hôn lễ
(H: 婚禮, A: Marriage ceremony, P: Cérémonie
de mariage) tức là việc tổ chức đám cuới theo nghi lễ cổ truyền, hay theo
nghi thức của tôn giáo.
1.3. Theo truyền thống, muốn thành đôi
lứa phải trải qua Lục lễ danh nghi (H: 六禮名儀,
A: The six ceremony of marriage, P: Les six cérémonies de mariage) . Đây
không phải là 6 lễ của đời người mà 6 lễ trong việc cưới gả, nên mới có câu
“Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất” 六禮不备貞女不出, tức “6 lễ mà không hoàn hảo thì con gái chưa về nhà chồng” trong “Tam
thư lục lễ” 三書六禮.
6 Lễ đó gồm:
- Nạp thái 納釆, còn
gọi là lễ Dạm hỏi hay lễ Chạm ngõ;
- Vấn danh 問名: nhà
trai hỏi tên, ngày, tháng, năm sinh, thân thế, sự nghiệp của cô gái để đem về
so tuổi xem có xung khắc không;
- Nạp cát 納吉: nhà
trai so tuổi rồi xin quẻ bói biết thuận hợp hay xung khắc rồi báo cho nhà gái;
- Nạp trưng 納徵: nhà
trai đưa sính lễ sang cho nhà gái để xin
dẫn cưới;
- Thỉnh kỳ 請期: nhà
trai chọn sẵn 2, 3 ngày đến trình cho nhà gái biết ngày, giờ, tháng, năm, nhà
trai đến làm các lễ tiếp để nhà gái chọn;
- Thân nghinh 親迎: nhà
trai đưa chú rể sang làm lễ tại nhà gái để xin rước cô dâu về nhà chồng và nó
gồm 3 phân đoạn: Xin dâu, Ðón dâu, Ðưa dâu.
1.4. Ngày nay, tục lệ cưới xin đã có
phần đơn giản, nhanh gọn và tiết kiệm hơn nhiều, nhưng không vì thế mà mất đi
bản sắc văn hóa của dân tộc. Do vậy một số Lễ vẫn phải theo, là:
- Lễ chạm ngõ (còn gọi là xem mặt, dạm ngõ, gồm lễ NẠP THÁI
và VẤN DANH xưa) : là một lễ nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai
gia đình, thông qua đó hai gia đình có thể biết rõ về nhau hơn (về gia cảnh,
gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của
hai gia đình.
- Lễ ăn hỏi (gồm lễ NẠP CÁT và NẠP TỆ xưa): Còn được
gọi là “lễ Đính hôn” là một thông báo chính thức về sự kết giao của hai gia
đình và hai họ. Khi đó cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của
chàng trai đi hỏi và trên thực tế, nó đã bao hàm cả lễ dẫn cưới. Nên trong các
nghi thức ở lễ ăn hỏi ngày nay phải có cả những nghi thức của lễ dẫn cưới. Chú
ý số mâm quả (hoặc tráp) thường là số
lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11 vẫn chỉ là Lễ Ăn hỏi không phải đây là số lễ như có
người hiểu. Trong các tráp này có trầu, cau; bánh cốm; mứt sen; rượu; chè;
thuốc lá; bánh phu thê (bánh xu xê), bánh đậu xanh, lợn sữa quay, tiền dẫn
cưới. Riêng tiền dẫn cưới phải để trong 3 phong bì (1 đặt tại nhà cô dâu, 1 bên gia đường họ Nội, 1 bên Gia đường họ Ngoại
của cô dâu) và mỗi phong bì đặt số lẻ đẹp tiền (như 999.000 hay 1.599.000
hoặc 3.333,000 đ)v.v.
Nhận lễ và yết cáo Tổ tiên xong, nhà gái phải trả lễ một
phần cho nhà trai (riêng cau phải xé
không cắt và tráp đựng lễ không đạy nắp). Sau đó nhà gái thường làm cơm thết đãi rồi chia trầu
biếu quà cho họ hàng lân xóm.
- Lễ cưới gồm lễ
THỈNH KỲ và NGHINH HÔN xưa. Đây là đỉnh điểm của quy trình tiến tới hôn nhân,
là hình thức liên hoan, báo hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình, công bố
sự thành hôn của đôi trai gái. Nó bao gồm: Lễ Vu quy, Lễ Xin dâu thực hiện tại
nhà gái trong đó có việc “liên hoan” và gia đình nhà gái trao của Hồi môn (H: 回門, A: To come back
home, P: Rentrer chez-soi) cho cô
dâu; Lễ Rước dâu đi từ nhà Giá về nhà trai; Lễ Thành hôn (hay Tân hôn): tổ chức
tại Hôn trường bên nhà Trai. Nhưng nhiều người không hiểu nên ở bên nhà gái
cũng đề chữ và mời khách dự “Lễ Thành hôn”, “Lễ Tân hôn”-người biết mà khó tính
lại bảo như vậy nhà gái “quỵt” cỗ!!!
- Lễ lại mặt: có
thể là Nhị hỉ (sau ngày cưới 2 hôm)
hoặc Tứ hỉ (nếu sau 4 hôm) đôi vợ
chồng trẻ về bên nhà bố mẹ vợ làm lễ gia tiên, thăm hỏi và biếu quà cho họ hàng
rồi dự bữa ăn với gia đình.
- Kỷ niệm ngày cưới:
thực hiện dịp 25 năm (đám cưới Đồng),
30 năm (đám cưới Bạc), 40 năm (đám cưới Vàng), 50 năm (đám cưới Kim cương) sau ngày cưới. Đây
là lệ không bắt buộc, nhưng nên làm để giáo dục con cháu.
2. Việc tìm hiểu,
tính ngày chọn giờ của đôi bên:
2.1.Từ yếu tố tâm linh, theo nhau nên tất cả các đám cưới
thì trước khi tổ chức, tuy mức độ khác nhau nhưng hai bên gia đình đều thực
hiện việc tìm hiểu gia cảnh nhau, tìm hiểu về đôi trẻ, so tuổi.
- Trước hết là xem hai nhà có “môn đăng hộ đối” (門燈戶對, nhà cửa, gia thế, địa vị hai gia đình cưới gả phải tương
đương, xứng đáng với nhau) không?
- Tiếp là xem tư
chất đôi trẻ có tương đồng, gần nhau về gia phong, về đạo đức, nghề
nghiệp…đảm bảo quyết định sự hạnh phúc của đôi trẻ.
- Xem Cung, Mệnh (dựa
vào năm sinh) người tương lai là bạn đời của con mình xem thuộc về xem
tương đồng, hay xung hình sát nhau.
Theo kinh nghiệm dân gian và do còn nặng về Nho giáo nên cổ
nhân thường lấy theo Tam mệnh thông hội: “Mệnh Nam nên Vượng, vượng thì Phúc, suy
thì Nguy. Mệnh nữ nên Suy, suy thì Phúc, vượng thì nguy” bởi nữ thuộc Âm
cần Nhu, nam thuộc Dương, cần Cương. Trái quy luật sẽ không tốt (cả mái hại sống). Một gia đình hưng
thịnh là gia đình mà người vợ có số “Vượng
phu ích tử” 旺夫益子.Việc xác định xung
hợp tuổi vợ chồng chủ yếu dựa vào quan niệm Hợp-Xung, Sinh-Khắc của Âm dương
ngũ hành và Bát quái của Thiên can hay Địa chi năm sinh.
Chú ý tránh xấu trước, tìm tốt sau nhưng cùng cặp tuổi mỗi
thày, mỗi sách sẽ cho kết quả khác nhau đôi khi là trái ngược nên đừng quá câu
nệ vào “số Tử vi” của đôi trẻ. Ví như với nữ sinh 1988:
+ Nếu kết quả so tuổi (1981/1988) cho THIÊN Y thì sẽ được
TỐT, bởi:
Nước gặp gió to
dậy sóng lên
Thiên Y chấn -
Khảm số làm nên
Cháu con đông đúc
tài miên thạch
Hoả quế y quan rực
trước thềm.
Nhưng sách khác lại cho ra TUYỆT MẠNG: Có thể bị tuyệt tự, tổn hại con cái, không sống lâu, bịnh tật, thối
tài, ruộng vườn súc vật bị hao mòn, bị người mưu hại ảnh hưởng tới người nhà.
Ứng vào năm, tháng Tỵ, Dậu, Sửu.
+ Nếu kết quả so tuổi (1982/1988) cho SINH KHÍ thì sẽ được TỐT, bởi:
Sinh khí một vầng
ánh sáng tươi
Đẹp duyên cầm sắc
số do trời
Cửa cao nhà rộng
con hiền hiến
Lộc thọ vinh sang
phúc hưởng đời
+ Nếu kết quả so tuổi (1983/1988) cho LỤC SÁT thì sẽ được
XẤU, bởi:
Lục sát tương hình
kết lứa đôi
Công danh sự
nghiệp nước mây trôi
Mẹ cha con cái đều
suy bại
Khốn khổ bi ai
suốt cuộc đời
+ Nếu kết quả so tuổi (1984/1988) cho TUYỆT MẠNG thì XẤU, bởi:
Mộc khắc Kim
thương quá rõ ràng
Chấn Đoài tương
hợp khó bình an
Nếu không nghèo
khó nhiều bệnh tật
Ắt cũng chia ly
người mỗi đường
+ Nếu kết quả so tuổi (1985/1988) cho NGŨ QUỶ thì XẤU, bởi:
Khẩu thiệt giao
tranh có đấu tranh
Vợ chồng ngũ quỷ
hoạ trường sinh
Cửa hàng ruộng đất
rồi tiêu sạch
Từ biệt sinh ly
khó tạo thành
Nhưng sách khác lại cho ra PHỤC VỊ là TỐT: Tiểu phú, Trung thọ, sanh con gái nhiều, con
trai ít. SInh con quý, dễ nuôi.
+ Nếu kết quả so tuổi (1986/1988) cho HOA HẠI thì XẤU, bởi:
Hoạ hại trùng
phùng kéo tới đây
Chấn Khôn khó hợp
nợ duyên này
Sống lâu thêm khổ,
giàu ly biệt
Con cháu vô can bị
vạ lây
+ Nếu kết quả so tuổi (1987/1988) cho PHÚC ĐỨC thì TỐT, bởi:
Phước đức cũng nhờ
ở tổ tông
Tốn khi phối hợp
đẹp mây rồng
Cửa nhà thịnh
vượng cháu con quý
Đại phú do thiên
tiểu phú cần
+ Nếu kết quả so tuổi (1988/1988) cho PHỤC VỊ thì TỐT, bởi:
Rừng cao gió lạnh
vụt ào ào
Hoá trái tơi bời
cành lá hao
Lập nghiệp gian
nan mới đạt chí
Phước lành cũng
được hưởng về sau
2.2. Tính năm, tháng cho con gái xuất giá
Cổ nhân từng nói “Lấy vợ xem tuổi đàn bà” nên trước hết cần
tính xem người sẽ làm vợ năm đó có dính
“Kim lâu” không.
- Việc tính Kim lâu cho nữ xuất giá khác với cách tính tuổi Kim lâu của Nam giới khi làm nhà. Lấy số tuổi ta dự định cưới gả theo âm lịch chia cho 9, nếu dư 1, 3, 6, 8 là Kim lâu mà
người xưa kiêng không cho cưới. Như vậy Kim lâu nữ là những năm người con gái
có tuổi ta là 17, 19, 21, 24, 26, 28, ...Được số tuổi nhưng gặp năm xung tuổi
cũng không cho cưới. Tuyệt đối tránh
cưới gả trong năm bị Tam tai. Nếu gả cưới trong những năm bị hạn Tam tai, một
trong hai sẽ bị họa tai bất ngờ, làm cho cả vợ lẫn chồng gặp nhiều trắc trở về
lãnh vực tình cảm và tài chính. Tính hạn tam tai trong cưới xin như khi làm
nhà.
- Tính năm xong, khi chọn tháng tùy
tuổi nữ mà chọn theo bảng sau:
TUỔI NỮ
|
THÁNG KỴ, KHÔNG NÊN
|
THÁNG LỢI, NÊN
|
||||
PHU CHỦ
|
THÊ CHỦ
|
CÔNG CÔ
|
NHẠC THÂN
|
ĐẠI
LỢI
|
TIỂU LỢI
|
|
Tý-Ngọ
|
4, 10
|
5, 11
|
2, 8
|
3, 9
|
6, 12
|
1, 7
|
Sửu-Mùi
|
1, 7
|
6, 11
|
3, 9
|
2, 8
|
5, 11
|
4, 10
|
Dần-Thân
|
6, 12
|
1, 7
|
4, 10
|
5, 11
|
2, 8
|
3, 6
|
Mão-Dậu
|
3, 9
|
2, 8
|
5, 11
|
4, 10
|
1, 7
|
6, 12
|
Thìn-Tuất
|
2, 8
|
3, 9
|
6, 12
|
1, 7
|
4, 10
|
4, 11
|
Tị - Hợi
|
5, 11
|
4, 10
|
1, 7
|
6, 12
|
3, 9
|
2, 8
|
Nhưng thực tế tháng 7 mọi người lại kiêng do “Ngâu”, tháng 4, 5, 6 nóng quá, mấy ai cưới
xin. Như thế đủ biết tất cả chỉ là tham khảo.
2.3. Xem ngày, tính giờ:
- Sau khi tránh được Năm, Tháng cần kiêng thì tính ngày,
giờ xấu tìm các ngày Thiên tảo, Địa
tảo, Thọ tử, Vãng vong, Sát chủ,
Tam nương, Nguyệt kỵ trong tháng để tránh.
Đồng thời kiêng có hung tinh (như: Trùng phục, Thiên hình, Thiên tặc, Địa
tặc, Nguyệt phá, Nguyệt sát, Nguyệt hỏa, Nguyệt yểm, Vãng vong, Sát thê, Cô
thần, Quả tú, Ly sào); ngày kỵ tuổi (Thiên
khắc, Địa xung); ngày trực Kiến, trực Phá, trực Nguy.
- Như vậy sẽ có quá nhiều ngày xấu, sao xấu nếu quá nặng nề
cầu toàn dễ hỏng việc. Do vậy, trước chọn ngày làm đám hỏi rồi mới chọn ngày
cưới gả và chọn ngày đưa rước dâu rễ. Thường thường ngày nay người ta làm chung
trong 1 ngày : vừa cưới gã vừa đưa rước dâu rễ.
- Có thể cứ chọn trong 11 ngày tốt sau đây : “ Bính Dần, Đinh Mão, Bính Tý, Mậu Dần, Kỷ
Mão, Bính Tuất , Mậu Tý, Canh Dần, Nhâm Dần, Quý Mão, Ất Tị”. Mặt khác nên
gặp các sao : Huỳnh Đạo, Sinh Khí, Tục Thế, Âm Dương Hạp , Nhân dân Hợp,
và nhất là gặp ngày Bất Tương. Nên gặp Trực : Thành.
- Việc tính giờ
tương tự việc xem ngày nhưng chú ý chặng đường đi giữa 2 nhà đảm bảo thuận lợi
và không quá ép giờ dễ xẩy ra TNGT!
Nếu không chọn được ngày, giờ Cát mà gặp việc cần kíp vẫn
có thể thực hiện được khi biết hóa giải bằng các cơ chế: Chế-Sát theo luật Tương khắc của Ngũ hành, Hoá-Sinh
theo luật Tương sinh của Ngũ hành, Tị- Hoà theo Ngũ hành hay đổi nguời
chủ trì hợp tuổi, hợp mệnh.
2.4. Xin lưu ý là
Có nhiều phương pháp chọn ngày tính giờ dựa theo Bát tự sinh
八字生 của đương số, theo tính chất công việc, phạm vi thời gian
có thể bắt đầu và thời gian phải hoàn thành…Có thể chọn phương pháp: Sinh-Khắc
theo Can Chi, Chọn sao dựa bảng Nhị thập bát Tú, Chọn ngày giờ dựa vào 12 thần
Hoàng đạo, Hắc đạo, theo 12 chỉ Trực, Phương pháp Lục diệu...Khi xem cho kết
quả khác nhau ta qui ước chọn ngày tốt (+) , ngày xấu (-) còn lưu truyền mà mình
biết sau đó chọn ngày tốt nhất (nhiều +, ít
- nhất).
Do vậy, các nội dung trên chỉ nên tham khảo hơn nữa mỗi
thầy mỗi sách và thường là xem thiếu toàn diện. Trên thực tế tôi đã chỉ ra
nhiều thầy phán rất ẩu, chọn ngày có sao Sát thê, Cô thần, Quả tú, Ly sào có con nhà người ta.
Bản thân tôi tuổi Ất Mùi mà đâu chọn được người Bính Thân, Đinh
Dậu, Bính Ngọ mà lấy! Do vợ chồng là cái duyên nợ “túc trái” nên tôi lấy vợ Mậu Tuất mà nữ tuổi Tuất lấy trai can Ất
vào thế “Nguyệt trầm thương hải, Long khố
hồng vân” !.
Việc tổ chức lễ Vu quy, Đón, Dẫn dâu, Thành hôn vào có một
ngày mà ngày áp tận của năm Âm lịch: 28 tháng Chạp Tân Dậu (22/01/1982) cũng chẳng thầy, bà làm xem
mà tự tính thấy cận Tết, hết ngày nên chọn đại!. Sau này xem lại thấy: Ngày Ất
Tỵ (Phúc đăng Hỏa), tháng Tân Sửu (Bích thượng Thổ), năm Tân Dậu (Thạch lựu Mộc). Ngày đó Can sinh Chi (Mộc, Hỏa), là ngày cát (bảo nhật); kị tuổi: Kỷ Hợi, Tân Hợi;
khắc hành Kim, đặc biệt tuổi: Quý Dậu, Ất Mùi thuộc hành Kim không sợ Hỏa; lục
hợp Thân, tam hợp Sửu và Dậu thành Kim cục; xung Hợi, hình Thân, hại Dần, phá
Thân, tuyệt Tý. Ngày có Trực: Định và Sao: Lâu (cát) trong bộ Nhị Thập Bát Tú.
Lại gặp nhiều sao tốt (Lục Nghi, Nguyệt
Đức Hợp, Ngọc Đường, Tam Hợp, Thiên Phúc, Thiên Thành, Thiên Đức Hợp, Thất
Thánh, Thần Tại, Thời Âm, Tứ Tướng, Đại Minh) thích hợp với việc Cưới hỏi.
Đúng là trời giúp!
Do vợ chồng là cái duyên nợ “túc trái” nên tôi lấy vợ Mậu Tuất, cưới vào ngày “trời cho” song
tôi thấy, cho đến giờ vẫn tốt.
3. Vấn đề Đón dâu 2
lần:
3.1. Nhu cầu chọn ngày, tính giờ và lệ tục đã dẫn trên thì
không có định lệ nào về việc đón dâu 2 lần, nó không phải là “thuần phong mĩ
tục”!
3.2. Có thể do các “thầy” xem ngày bày vẽ hay gia chủ bắt
chước mọi người yêu cầu thầy chọn ngày giờ đón dâu 2 lần với ước mong “hóa giải”
được mệnh đôi trẻ không vướng tai ương khi chúng có lá số không hợp nhau!
Cũng có thể do thầy thiếu tự tin nên bày ra việc này để
phòng cho chắc ăn!
3.3. Trong đám cưới có đón dâu 2 lần thì sau khi đón dâu về
ở nhà chồng, hôm sau lại đón lại hoặc có khi làm cả trong 1 ngày.
Cả 2 lần đều có thủ tục đón dâu và lễ gia tiên như vậy liệu
các Cụ không biết đến lệ này có thụ nhận được không? Hay chỉ làm phiền toái cho
hai họ, mệt, mất thời gian cho đôi trẻ. Đấy là chưa nói đến việc nguy cơ gặp
rủi ro, tai nạn tăng thêm!
3.4. Ngoài việc xem tuổi, chọn ngày
cần chú ý chọn phái đoàn đón, dẫn dâu, đặc biệt là người Trưởng đoàn phải là
người phúc hậu, nhanh nhẹn, vợ chồng song toàn, con cái đầy đủ, mạnh khỏe.
Đồng thời trong các lễ Ăn hỏi,
Xin dâu, Vu quy…cần thực hiện kính
cáo Gia tiên bên họ nhà Gái nghiêm túc, có bài bản. Nhiều nhà bỏ qua lệ này
hay làm đơn giản, lấy lệ hoặc chủ yếu dàn cảnh quay Video, chụp ảnh.
4. Kết luận:
4.1. Người ta sinh ra, theo triết học phương Đông thì mang một
mệnh, gồm Mệnh quái theo cung Phi của Bát quái mà Nam khác Nữ khi cùng năm sinh (Càn,
Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn) và Mệnh niên theo Ngũ hành năm sinh (Kim,
Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Như thế chẳng ai cưỡng được mệnh Trời, cải được số mệnh.
4.2. Nhưng cổ nhân cũng đã tổng kết “Đức năng thắng số” nên
sống càng thanh cao, nghiệp chướng càng giảm; làm nhiều việc thiện, tu tâm tích
đức thì bớt được tai ương!
4.3. Không thể chỉ bằng việc chọn ngày, tính giờ hay tiến
hành đón dâu 2 lần mà đám cưới của đôi trẻ từ xấu, không hợp thành tốt, hợp
được!
4.3. Hiện nay nhà nước ban hành nhiều văn bản về việc thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28 tháng 3
năm 1998, Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ
tướng Chính phủ; Thông tư số:
04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ VHTTDL…) tuy trong thực
tế đã có chuyển biến nhưng chưa nhiều, chưa thành tập tục.
- Lương Đức Mến, BT từ nhiều nguồn, kể cả thực tế trong gia
tộc-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!