Do ảnh hưởng của
văn hóa Hoa Hạ, lại kết hợp với văn hóa bản địa nặng tính chất làng xã của nền
văn minh lúa nước nên người Việt có khá nhiều tục lệ. Trong số những lệ tục đó,
theo thời gian và do thời cuộc, có cái nay đã đi vào quên lãng, không còn phù
hợp. Ngược lại những lệ đã trở thnahf “Thuần phong mỹ tục” thì vẫn được duy trì
cho phù hợp hơn. Đáng tiếc, do điều kiện kinh tế phát triển nhưng một số mặt
VHXH lại có biểu hiện không theo kịp nên xuất hiện nhiều lệ mới, phục hồi làm
biến dạng nhiều tục cũ.
Lược thuật lại đầu
việc vài lệ tục thường gặp trong Cưới xin, Sinh dưỡng, Chúc Thọ, Tang ma, Thờ
cúng (nội dung chi tiết quá dài, đã từng
bàn nhiều lần) để nhớ, tiện thực hiện.
1. Lệ tục trong cưới xin:
Hôn nhân là sự cam kết đồng
ý giữa hai cá nhân Nam và Nữ về các khía cạnh
luật pháp, xã hội và tôn giáo; nó là nền tảng của gia đình
trong hầu hết các dạng hình xã hội hậu nguyên thủy. Theo truyền thống, muốn thành đôi lứa phải trải qua Lục lễ danh
nghi (H: 六禮名儀, A: The six ceremony of marriage, P: Les six cérémonies de mariage),
gồm: Nạp thái 納釆, Vấn danh 問名, Nạp cát 納吉, Nạp trưng 納徵, Thỉnh kỳ 請期, Thân nghinh 親迎. Ngày nay, tục lệ cưới xin đã có phần đơn giản, nhanh gọn và tiết kiệm hơn
nhiều, nhưng không vì thế mà mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc. Do vậy một số Lễ
vẫn phải theo, là:
1.1. Lễ chạm ngõ (xem mặt, dạm ngõ) : là một lễ nhằm chính thức hóa quan hệ
hôn nhân của hai gia đình, thông qua đó hai gia đình có thể biết rõ về nhau hơn
(về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn
tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình.
1.2. Lễ ăn hỏi : Còn được gọi là lễ đính hôn là
một thông báo chính thức về sự kết giao của hai gia đình và hai họ. Khi đó cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của
chàng trai đi hỏi và trên thực tế, nó đã bao hàm cả lễ dẫn
cưới. Nên trong các nghi thức ở lễ ăn hỏi ngày
nay phải có cả những nghi thức của lễ dẫn cưới. Chú ý số mâm quả (hoặc tráp) thường là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11 vẫn chỉ là 1 lễ
(Lễ Ăn hỏi) không phải đây là số lễ
như có người hiểu. Trong các tráp này có trầu, cau; bánh cốm;
mứt sen;
rượu; chè; thuốc lá; bánh phu thê (bánh xu xê), bánh đậu xanh, lợn sữa
quay, tiền dẫn
cưới. Riêng tiền dẫn cưới phải để trong 3 phong bì (1 đặt tại nhà cô dâu, 1 bên gia đường họ
Nội, 1 bên Gia đường họ Ngoại của cô dâu) và mỗi phong bì đặt số lẻ đẹp tiền ( như 999.000 hay
1.599.000 hoặc 3.333,000 đ)v.v.
Nhận lễ và yết cáo Tổ tiên xong, nhà gái phải trả lễ một phần cho nhà trai (riêng cau phải xé không cắt và tráp đựng lễ không đạy nắp). Sau đó nhà gái thường làm
cơm thết đãi rồi chia trầu biếu quà cho họ hàng lân xóm.
1.3. Lễ cưới là đỉnh điểm của quy trình tiến tới hôn nhân, là hình thức liên hoan, báo
hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình, công bố sự
thành hôn của đôi trai gái. Nó bao gồm: Lễ Vu quy do nhà gái mở tiệc mời thông báo việc con gái đi lấy chồng với họ hàng và bạn bè; Lễ xin dâu do nhà trai thực hiện tại nhà giá; Lễ rước dâu là việc nhà gái đưa, nhà trai đón dâu đi từ nhà gái về nhà trai; Lễ Thành hôn: được nhà trai tổ chức tại Hôn trường bên nhà Trai, có đoàn nhà gái sang dự.
1.4. Lễ lại mặt: là Nhị hỉ hoặc Tứ hỉ, sau ngày cưới đôi vợ chồng trẻ về bên nhà bố mẹ vợ làm
lễ gia tiên, thăm hỏi và biếu quà cho họ hàng rồi dự bữa ăn với gia đình.
1.5. Kỷ niệm ngày
cưới: thực hiện dịp 25
năm (đám cưới Đồng), 30 năm (đám cưới Bạc), 40 năm (đám cưới Vàng), 50 năm (đám cưới Kim cương) sau ngày cưới. Đây
là lệ không bắt buộc
2. Lệ tục sinh dưỡng:
Người Á Đông vốn rất coi trọng việc có con nối dõi tông đường nên coi một người
mà “Vô hậu kế đại” (H:無後繼代,A: Without
posterity, P: Sans postérité) là mắc tội lớn với tổ tiên. Do vậy người
Việt rất chú trọng những tục lệ khi trong gia đình có người nằm ổ.
2.1. Xin quần áo cũ cho trẻ sơ sinh: Khi chuẩn bị
sinh, bố mẹ trẻ xem trong bà con, họ hàng, làng xóm nhà
ai có con cái bụ bẫm, hay ăn chóng lớn, ít khóc ít quấy, ao ước sắp tới con
mình đẻ ra cũng được như thế thì xin một cái áo, hay cái quần, cái tã cũ của
đứa bé về sửa sang lại để dùng cho con mình để lấy “khước”.
2.2. Yết cáo tổ
tiên: Theo lệ cũ chỉ sau khi đối chiếu gia phả, kiêng kị các trường hợp
phạm huý (đặt tên trùng với tên huý của
tổ tiên và thân nhân gần gũi nhất, kể cả nội ngoại) mới chính thức đặt tên
huý cho trẻ sơ sinh, yết cáo tổ tiên và xin vào sổ họ. Lễ này thường đơn giản:
nén hương, cơi trầu, chén rượu, đĩa hoa quả…sao cho gia đình nghèo nhất trong
họ cũng không gặp phải điều gì phiền phức.
2.3. Cúng
hạn: Tổ chức vào thời điểm: khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (tẩy tam 洗三, ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng), 100 ngày (“bách nhật” 百日, ngày
đầy tuổi tôi) và 1 năm (ngày thôi nôi).
Đồ lễ tùy nơi, tùy gia cảnh nhưng chú ý cần 12 phần bằng nhau cho 12 bà mụ và 1
phần lớn hơn cho bà Chúa thai.
2.4. Sinh nhật: là lệ mới xuất
hiện thành trào lưu do ảnh hưởng của văn minh phương Tây, thực hiện theo Dương
lịch và chỉ làm khi chưa đến tuổi 50. Riêng năm 36 tuổi, 49 tuổi thì có lễ sinh
nhật gọi là “Môn hạm tử” (門檻子, ngạch cửa)
3. Lệ Mừng Thọ:
3.1. Ý nghĩa nhân
văn: Khi còn nhỏ và lúc trẻ đến ngày sinh ta tổ chức Sinh nhật
nhưng từ năm mươi tuổi trở đi không làm sinh nhật nữa, mà gọi là “Mừng Thọ” 可稱 (Tố
Thọ 做壽). Ngày ấy, có
mời thân bằng quyến thuộc đến dự. Sau đó, cứ mười năm tổ chức mừng thọ một lần,
gọi là “Đại sinh nhật” (sinh nhật lớn
大生日). Người Việt sẵn
vốn nặng lòng với đạo hiếu 孝道 nên rất tôn
trọng người cao tuổi, (“Kính lão đắc
thọ”, “kính già già để tuổi cho”) và việc chúc thọ là tấm lòng hiếu thảo
của con cháu đối với Ông Bà Cha Mẹ.
3.2. Cấp độ mừng
Thọ Chữ 壽 “THỌ” phân ra
nhiều bậc, để biết mức độ thọ nhiều tuổi, ít tuổi v.v… nhưng nhiều người chưa
rõ nên dễ dùng lầm. Do vậy cần hiểu để sử dụng cho đúng ngữ cảnh. Ví dụ:
- “Khao lão” 犒老 là lễ tổ chức lần đầu khi vào lão,
thường là vào dịp 50 tuổi, gọi là “Noãn thọ” (暖壽, thọ ấm áp) hay “Bán
bách thiêm thọ” (半百添壽, thọ nửa trăm).
- “Chúc Thọ” 祝壽 là lễ mừng người thọ từ 60 tuổi trở lên.
- “Trung Thọ” 中壽 là lễ mừng người thọ từ 70 tuổi trở lên.
- “Thượng Thọ” 上壽 là lễ mừng người thọ từ 80 tuổi trở lên.
- “Đại Thọ” 大壽 là lễ mừng người thọ từ 90 tuổi trở lên,
gọi là “Ráng”.
- “Lão thiêm thọ”
(thọ đỏ) 絳老添壽. Gọi tắt là
"Lão thọ".
100 tuổi, xưng là
“Kỳ Di” 期頤 (thuật ngữ
riêng). Ngoài ra:
- “Vạn Thọ” 万壽, “Trường Thọ” 長壽 chỉ những bậc đã sống từ trăm tuổi trở
lên.
- “Phúc Thọ” 福壽 là chỉ cho những bậc có phước nhiều, làm
phúc nhiều trong cuộc sống, 考終命: Lão chung mệnh
(Vui hết tuổi trời).
- “Khánh Tuế” 庆岁 hoặc “Khánh Thọ” 庆壽 để mừng cho các bậc đã thượng thọ hay
đại thọ được tổ chức long trọng, tôn kính.
- “Đạo Thọ” 導壽 là chỉ những bậc tu hành nhiều năm,
người có nhiều công đức hoằng dương Chính Pháp, phụng sự chúng sinh v.v…
3.3. Tổ chức Lễ
mừng thọ: Có nơi lấy năm có số tuổi tròn chục như 50, 60, 70 tuổi các cụ để
mừng thọ, nhưng lại có nơi chọn những năm 49, 59, 69 tuổi để mừng thọ, vì họ
cho rằng, số chín là số “lớn nhất” trong dãy số, mang đến nhiều điều tốt lành
hơn. Tập quán ấy gọi là “cửu bất khánh thập” (九不慶十, mừng chín không mừng mười).
Dù mốc tuổi nào thì thường nhằm ngày xuân (dịp
Tết Nguyên đán). Đây là dịp con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ. Lễ tổ chức to
hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình vì có người sống thọ. Chú ý:
khi dâng trướng mừng không viết “thọ 70 (75, 80…) tuổi” như viếng đám hiếu mà
ghi là “Thọ tuổi 70 (75, 80….)”.
Khi các cụ bảy,
tám mươi tuổi được mời cùng con cháu và bà con đến “NHÀ VĂN HÓA” thôn họp mặt.
Hội Bảo thọ và các đoàn thể chúc mừng, trao Thư của Hội người cao tuổi, chụp
ảnh, tặng quà lưu niệm. Tại gia đình, con cháu làm lễ cáo gia tiên sau đó thực
hiện việc chúc thọ. Con cháu tặng hoa, bà con biếu quà thường là “phong bì”.
Việc dâng bức trướng câu đối tùy nhà nhưng phải hợp gia cảnh. Tôi thường tự
soạn và thiết kế lấy chứ nhiều nhà mua về thấy nó khách sáo và đôi khi phản
nghĩa nữa!
Nhiều quan chức
dịp mừng thọ cha mẹ trở thành cái cớ để đàn em trả ơn hay hối lộ. Có gia đình
đua nhau, phải bổ bán kinh phí lo các cỗ mặn sau tiền mừng không đủ sinh ra cãi
nhau...Những cái đó làm mất dần ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của việc mừng thọ.
4. Lệ tục trong tang ma:
Giữa người sống
và người chết là xa cách vĩnh viễn: Sinh ly tử biệt (H: 生離死別,A: Separation in
life and separation in death, P: Séparation
du vivant et séparation de la mort). Do vậy việc tổ chức tiễn đưa người vừa
chết rất được chú trọng gọi là Cư tang 居喪 hay Tang lễ (H: 喪禮, A: Funeral rites,
P: Rites funèbres), tức nghi thức làm
một đám tang. Trong đó cần chú ý :
4.1. Khi người
thân hấp hối: gia chủ cần: Dời người sắp mất sang phòng chính tẩm, Hỏi xem có dặn dò trối trăng gì không, Chuẩn bị mọi thứ để tắm gội và khâm liệm, Hạ thi thể xuống đất, nhờ người Xem ngày giờ, báo chính quyền, họ mạc.
4.2. Khi đã tắt thở, thực hiện các lễ:
- Lễ mộc dục 沐浴 khi tắm gội cho người vừa chết thường vừa để sẵn một con dao nhỏ, một vuông vải
(khăn), một cái lược, một cái thìa, một ít đất ở ông đồ rau, một nồi nước ngũ
vị hương và một nồi nước nóng khác. Lấy vuông vải dấp vào ngũ vị, lau mặt, lau
mình cho sạch rồi lấy lược chải tóc lấy sợi vải buộc tóc, lấy khăn khác lau hai
tay hai chân, lại lấy dao cắt móng tay móng chân, mặc quần áo cho chỉnh (LLVT mặc quần áo của lực lượng). Móng
tay móng chân gói lại trên để trên, dưới để dưới, để vào trong quan tài; dao,
lược thìa và nước đem đi chôn; rước thi thể đặt lên giường.
- Chờ nhập quan: Ðắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiêc ghế con
phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên
bát cơm và thắp hương. Chuẩn bị ảnh, khung đế gắn ảnh người quá cố (thay cho Hồn bạch 魂帛 xưa), vải, xô đủ xé khăn tang, mua giấy
bản, chè khô hoặc bỏng để trị quan. Thành lập Ban Lễ tang, xác lập tang chủ (trưởng nam), chủ phụ (vợ người chết hay vợ tang chủ); tướng
lễ, hộ tang (chỉ huy, quán xuyến, sắp xếp
việc thực hiện lễ tang), tư thử (đăng
kí, biên chép khách đến viếng), tư hóa (theo
dõi việc chi tiêu). Báo tang, tức Cáo phó (H: 告訃,A: Death notice,
P: Avis de funérailles): trình báo cho thôn, xã, thông báo bà con, họ mạc, con cháu xa gần. Thống nhất thủ tục và Danh sách con cháu.
- Chuẩn
bị nhập quan: Trải giấy bản kín 2 lượt, rắc bỏng hay trà khô vào quan
tài trên lớp này xưa còn đặt tấm ván Thất
tinh. Xong làm Lễ phạn hàm 飯含: dùng thìa xúc gạo đã xát cho sạch và 3 đồng tiền mài cho
sáng vào miệng tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt, để tiễn vong hồn đi đường xa
được siêu thoát và no đủ khi sang thế giới bên kia. Ngoài ra, phía trong áo quan thường có lót lá chuối, giấy bản,
chè búp, bỏng nếp hoặc khăn vóc áo nhiễu...Xong việc Thầy cúng cầm một nắm hương đang cháy đọc
chú phù trên con dao rồi chém khẽ 3 nhát vào trong quan tài sau đó ném nắm hương
vào trong quan tài (chú ý hỏa hoạn)
nhằm xua đuổi thần sùng, quỷ tinh rời áo quan. Lúc đó tang chủ ném một nắm gạo,
muối ra đường để tống tiến tà ma, yêu quỷ.
- Lễ khâm liệm, 衾(小 斂, 大 斂) : Các con vào, con
trai bên trái, con gái bên phải thực hiện việc quỳ, bái, đứng, đi theo hiệu lệnh của người chấp sự. Sau đó các con cháu tránh ra hai bên,
người giúp việc cởi bỏ dải buộc hàm, phủ vuông vải lên mặt, đi găng, đi tất cho
người mất rồi đặt thi thể vào vải mà liệm lại. Quá trình Liệm không được để nước
mắt con cháu rỏ xuống di hài để tránh không mát, con cháu khó làm ăn.
- Lễ Nhập quan: được thực hiện vào ngày giờ
tránh phạm tuổi người chết. Khi nhập quan các con theo thứ tự quỳ 2 bên (trai phải, gái trái). Những người giúp
việc sẽ quay và đều cầm tạ quan nâng lên để đưa người vào cho êm ái, đặt cho
chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào cần lấy áo cũ của người vừa mất bổ
khuyết cho đầy đủ, rồi gấp dưới lên đầu trước, bên trái gấp trước, bên phải gấp
sau, trên đầu gấp sau cùng, sơn nẹp đóng lại. Chú ý: Những quần áo của người
đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ
vào áo quan.
Mọi việc xong thì sơn gắn quan tài cho kỹ càng, con cháu sụp lạy rồi khiêng
quan tài đặt chính giữa gian giữa, hoặc nhà còn người tôn hơn thì đặt sang gian
cạnh. Việc định hướng còn nhiều ý kiến khác nhau, theo tôi nên đặt đầu quay ra
là hợp vì khi lễ sẽ vái đầu chứ không vái chân. Trên nắp quan tài đặt bát com
lồng đơm chặt (tượng trưng cho trái đất
(-) và cũng thể hiện nền nông nghiệp lúa nước, thức ăn nuôi sống con người),
1 quả trứng luộc (tượng trưng cho lưỡng
nghi bởi có cả lòng đỏ và trắng, thực ra là hút độc, khí lạnh từ thi hài ra rất
tốt), 2 chiếc đũa đầu trên chẻ bông (tượng
trưng cho mây trời+) cắm vào bát cơm (nối
thông- và + chỉ sự sinh sôi nẩy nở từ cái chết), thắp 7 (nam) hoặc 9 (nữ) ngọn nến và đặt một khoanh thân chuối để cắm hương (đại hàn dùng âm tiễn âm).
4.3. Khi chưa đưa
quan tài ra khỏi nhà: thực hiện các
công việc:
- Lễ thiết linh 設 靈: đặt bàn thờ tang phía trước quan tài có ngăn cách một y
môn. Ngoài ảnh trên bàn thờ tang cũng có mâm ngũ quả, bát hương (khoanh thân cây chuối), 2 ngọn nến, đủ
rộng phía trước để khác đặt lễ viếng (trường
hợp bàn vong nhỏ nên để một bàn khác thấp hơn để đặt lễ viếng). Người ta
còn buộc 2 cây chuối 2 bên để dùng âm trị âm. Dưới gầm bàn vong nên đặt một
chậu nước để khi rút chân hương dúi tắt tránh hỏa hoạn.
- Lễ thành phục 成服: do ông thầy chủ lễ, sau đó con cháu mặc đồ tang theo Ngũ phục 五 服 để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng.
Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người
hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách.
- Thổi Kèn giải: phường kèn (nay gọi
là Đội Nhạc hiếu) do gia chủ thuê túc trực bên linh cữu thổi kèn đánh trống
khi làm các lễ hay khi có khách đến viếng hoặc khóc thay những những người phải
chịu tang chưa về hoặc không thể về kịp.
- Chuyển cữu: Thường 12 giờ đêm dâng trầu rượu làm lễ khấn gia tiên rồi
con cháu trong nhà khiêng quan tài nhấc lên xoay một vòng đặt lại như cũ
-“Triêu
tịch diện” 朝夕面 : Buổi sáng dậy
bưng khăn lược vào linh sàng, quỳ khóc ba tiếng rồi quấn màn lên cáo từ rồi vắt màn, dọn chăn gối, chiều tối lại đắp chăn thả chiếu,
màn xuống. Thờ như lúc sống, chỉ lạy hai lạy (chỉ sau khi an táng, làm lễ thành phục xong mới lạy bốn lạy theo nghi
lễ người chết).
- “Lễ chúc thực” 燭食: Các buổi tối trước
khi chưa chôn, có Trồng bó đuốc trước sân: phường bát âm tấu nhạc, con cháu thay nhau
túc trực bên linh cữu, trong nhà ngoài sân đèn đuốc sáng trưng, có thể có cảnh
chèo đò, các vãi tụng kinh. Vào giờ ăn thường
ngày các con thay nhau mời cưom, dâng trà rượu
- Viếng phúng: Khi thân bằng cố hữu đến phúng điếu, người chủ tang và người chủ phụ đứng
cạnh linh toạ và ngoảnh mặt về phía khách, hễ khách lạy hai lạy thì chủ lễ tạ
lại một lạy. Khách vái cha mẹ mình ba vái thì vái tạ một vái. Trách nhiệm tiếp
trầu, nước, cỗ bàn thuộc về người hộ tang.
Nếu có người con trai nào đi vắng chưa kịp về thì để mũ, khăn xô và gậy
cạnh hương án.
- “Yết cáo tổ tiên”: Trước ngày an táng phần lớn các gia đình rước hồn bạch đến
đặt phía trước bàn thờ, để ở dưới, không được đưa lên bàn thờ tổ. Nội dung: Báo
cáo với gia tiên có thân phụ hoặc thân mẫu về chầu tổ. Xong lại rước hồn bạch
về nhà mình, đặt lại trên linh toạ.
- Truy điệu : Trước khi di quan, ban tang lễ tiến hành Truy điệu người quá cố bao gồm việc đọc Điếu
văn, tổng họp số đoàn, cá nhân đến viếng và đại diện gia đình hiếu chủ phát
biểu cảm ơn, mời chào. Điếu văn 文弔 là văn tế được đọc trước quan tài nhắc tiểu sử và tỏ lòng
thương tiếc người chết.
4.4. Phát
dẫn:
Đúng giờ đã chọn, dưới sự chỉ huy của chấp sự: thực hiện việc khiêng quan tài ra khỏi cửa đến chỗ đặt xe tang (xưa gọi là đại dư), từ đây trở đi người
chủ tang thực hiện việc “cha đưa, mẹ đón”,
nghĩa là đưa cha thì đi sau linh cữu, đưa mẹ thì đi
giật lùi trước linh cữu. Việc lăn đường (dâu
trưởng và con gái), con cái phải đi chân đất xưa rất thịnh, nay còn duy trì
tại một số địa phương xét ra chỉ là hình thức. Thứ tự đoàn đưa tang theo nghi thức đã định cốt trang nghiêm
và xe tang(người đẩy
hoặc trên ô tô) đi êm, nhẹ nhàng, đi chậm, con cháu đi
theo linh cữu phải mặc đồ tang và con trai thực hiện việc cha đưa mẹ đón. Để tránh ma quỷ quấy nhiễu và đánh dấu đường đi
cho linh hồn người chết trửo về, thường rắn vàng thôi tiền giấy, nhất là khi
qua cầu, nơi ngã 3 ngã 7 song nay thấy rải cả tiền thật là không nên.
Khi người quá cố đã quy thì thực
hiện theo nghi lễ Phật giáo có các vãi đi theo đội cầu Bát nhã, cầm phướn vừa đi vừa tụng kinh niệm Phật để linh hồn siêu
thóat sang Tây Thiên, hưởng cực lạc. Nhưng một số nơi tục này từ 2007 thấy hơi kéo dài bởi thủ tục chèo đò rất tốn kém.
4.5. Lễ an táng, 安葬:
Thực hiện theo đúng giờ đã chọn. Trước đó có làm lễ tế
thổ thần gồm đèn, hương, vàng, trầu, rượu, lễ mặn và việc chọn vị trí, định hướng
do thầy địa lý xem.
Đưa quan tài xuống từ từ bằng 2 sợi chão, định vị theo hướng
đã chọn (cắm sẵn 2 cọc làm mốc), tháo
gỡ khóa dây, nhặt lấy hương nến, bát cơm, quả trứng rồi lấp đất. Hạ huyệt xong,
tất cả người đi đưa đều đi vòng quanh mộ một vòng, mỗi người ném xuống một hòn
đất.
Ðắp mộ (hình tháp
cụt) xong, mọi người đứng vòng quanh mộ, người hộ tang, người chấp sự tiến
hành lễ thành phần. Riêng người theo đạo Phật các vãi sẽ đi xung quanh huyệt
tụng kinh cầu siêu cho người chết
Nghi thức chung như trên, nhiều nơi còn có tục riêng như
cầu kinh, yểm bùa, nhốt con gà, cài cây lá chứa, dựng cây nêu, đóng cửa mả, đốt
hình nhân... rắc vàng khẩu dọc đường, cắm hương ở các mộ xung quanh, mời người
qua đường ăn trầu hút thuốc, đãi người đắp mộ...
4.6. Rước vong về:
Sau khi đắp mộ xong bàn vong được đưa về nhà người mất sẽ
được thờ tự, có kèn trống đi kèm.
4.7. Bàn thờ người vừa mất:
Được lập riêng ở gian bên cạnh hay tại nhà ngang để tiện việc
cúng 3 ngày, cúng cơm, cúng tuần. Trên bàn thờ đặt bát hương, ảnh, lọ hoa, đế
nến. Cạnh ban thờ có treo các bức trướng mà khách viếng hôm mất, có điều kiện
nên làm đôi câu đối cho hợp cảnh hợp tình, ví dụ: chung cho bàn thờ cha mẹ “Hiếu đạo chưa đền ơn cúc dục, Khuất còn thêm
tủi phận làm con” hay: “Người về âm
cảnh thân thư thái, Kẻ ở dương gian dạ ngậm ngùi” hoặc câu tôi đang chuẩn
bị: “Dâu hiền lên chín tầng, … tộc lưu huyết lệ, Gái đảm về ba đảo, … gia
khổ tâm sầu”.
5. Tục THỜ CÚNG NGƯỜI CHẾT:
5.3. Cúng tuần 旬祭: thực hiện vào
các ngày thứ 7, 14, 21, 28, 35, 42 sau mất
5.4. Lễ chung thất (49 ngày) và tốt khốc (100 ngày) chính là cúng
Tuần 7, tuần 8 sau mất
5.5. Tiểu tường, 小祥: là giỗ đầu, cúng Tuần 9 sau mất.
5.6. Đại tường, 大祥 : là giỗ hết, cúng
Tuần 10.
5.7. Trừ phục, (đàm tế, 除服) bỏ tang, thực hiện ở tháng thứ 28.
5.8. Cải táng 改葬: Người mất, sau ba năm đoạn tang rồi hoặc một vài năm nữa thì con cái lo việc cải táng. Thường vào dịp cuối năm, trước 23 tháng Chạp vì khi đó thời tiết khô ráo. Sau đó phải tìm ngày, tìm đất, đặt hướng, chọn mầu gạch và tiến hành theo thủ tục chung.
5.9. Kị nhật, 忌日 : hay cát kị thực
hiện vào ngày mất (theo âm lịch) từ năm
thứ 3 trở đi. Ý nghĩa, đồ lễ, nghi thức đã chép kỹ tại phần cúng giỗ. Thông thường
các năm thứ 5, 15, 25.. gọi là giỗ chẵn, năm thứ 10, 20, 30...gọi là giỗ tròn
sẽ làm lớn hơn.
Trong các Lễ,
công việc trên thì trừ ngày làm lễ An táng và ngày làm lễ Trừ phục, Cải táng
cần chọn ngày lành còn Lễ chung thất, Tốt khốc, Tiều tường, Ðại tường, Kị nhật
cứ theo đúng ngày mà làm lễ.
5.10. Chăm sóc mộ phần: là một trong những hình thức thờ phụng. Việc này được thực hiện vào dịp trước
Tết, trước ngày cúng giỗ và dịp Thanh minh.
Khi mộ bị sụt hay trong gia đình có sự xấu hoặc sẽ chuyển đi
xa. Lễ gồm trầu, cau, xôi, chuối, rượu, gà, gạo, muối, vàng, mã. Đồ lễ đặt trước
mộ, con cháu khấn vái, chú ý khấn cả Thổ thần nơi đặt mộ (Dẫn hồn sứ giả Ngũ đạo tướng quân, Đương sứ Thổ địa chính thần) và
phải viết Sớ.
Chi tiết các lệ
tục, nghi thức tiến hành nhiều sách đã viết và đã có trên trang này, trên đây
chỉ nhắc lại đầu việc cho nhớ.
- Lương Đức Mến (BS dùng trong Gia tộc)-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!