Dân gian cho
rằng ngày tam nương 三娘日 là những ngày
rất xấu, đại kị khi khởi sự làm một việc quan trọng, như: khai trương, xuất
hành, cưới hỏi, sửa chữa hay cất nhà,....
Theo nguyên
nghĩa, “tam nương” là “ba người đàn bà” và được gán cho ba “tuyệt thế giai nhân”
thời Cổ đại bên Trung Hoa, là Muội Hỉ 妺喜, Đát Kỷ 妲己 và Bao Tự 褒姒 là nguyên nhân
làm sụp đổ ba triều đại trước đế chế bên Trung Hoa là: Hạ (夏,2205–1767 tCn), Thương (商, 1766–1122 tCn) và Tây Chu (西周,Zhou, 1122–771 tCn).
1. Ba tuyệt sắc làm đổ nước khuynh thành
1. Muội
Hỉ 妺喜 vốn là mĩ nhân người nước Hữu Thi 有施- một chư hầu của nhà Hạ. Khi Hạ Kiệt 夏桀[1] (tức Lý Quý 履癸, 1818 – 1767 tCn) đánh nước Hữu Thi, nước Hữu Thi không chống nổi dâng Muội Hỉ và
xin Hạ Kiệt lui quân. Hạ Kiệt được nàng Muội Hỉ bèn tha cho nước Hữu Thi. Muội
Hỷ có sắc đẹp tuyệt trần nên được Hạ Kiệt sủng ái, ngày đêm đắm chìm trong tửu
sắc, quên việc chính sự quốc gia. Muội Hỷ xúi giục nhà vua làm những điều tàn
ác. Trong đó có việc xây cung điện nguy nga và lộng lẫy, bên ngoài có đài cao ở
bằng ngọc trắng gọi là “Dao đài” 姚台 để Muội Hỷ ngồi ngắm cảnh. Đồng thời lập “Tửu trì” (酒池, ao rượu) rộng lớn đến mức có thể đi thuyền ngắm cảnh. Trên bờ làm bằng
bã rượu có 3000 trai gái theo tiếng trống nhoài mình xuống theo tư thế trâu uống
nước, chân chổng lên trời, thò cổ chúc đầu xuống ao để uống rượu. …Khiến cho
lòng dân càng ngày càng oán thán.
Sau này, đất Manh Sơn bắt chước Hữu Thi, dâng 2 người con gái đẹp là
Uyển và Viêm để xin Hạ lui quân. Hạ Kiệt bằng lòng nhận mĩ nữ và không đánh
chiếm Manh Sơn nữa. Từ đó Hạ Kiệt quay sang sủng ái hai người con gái này và
lạnh nhạt với Muội Hỷ. Điều đó làm cho Muội Hỉ oán Hạ Kiệt.
Trong khi đó
Thành Thang 成湯[2] nước Thương ngày càng lớn mạnh. Thương Thang sai hữu tướng Y
Doãn 伊尹 đến kinh đô
nhà Hạ trá hàng. Y Doãn đã lợi dụng và khai thác sự hờn oán của Muội Hỉ đối với
Kiệt, nhận được nhiều tin tức về nội tình triều đình nhà Hạ. Sau khi đạt được
mục đích, Y Doãn trở lại giúp Thành Thang. Theo kế sách của Y Doãn,Thành Thang tìm cách liên minh
với các bộ tộc, tạo vây cánh và mang quân đánh diệt các nước chư hầu thân với
Hạ rồi đánh bại Hạ Kiệt trong trận quyết định ở Minh Điều vào năm 1761 tCn. Hạ
Kiệt và Muội Hỷ bị đuổi đến vùng biên giới hoang vu Nam Sào. Chẳng bao lâu sau,
Hạ Kiệt và Muội Hỉ một thời xa hoa, tàn bạo đã chết trong sự cơ cực.
Vì vậy, sắc
đẹp yêu mị của Muội Hỉ được sử sách xưng là “Thiên cổ đệ nhất Hồ ly tinh” 千古第一狐狸精.
2. Đát
Kỷ (người Việt quen gọi Đắc Kỷ)
妲己 là một nhân
vật trong huyền sử Trung Quốc. Theo đó, Đát Kỷ là con cáo cái thành tinh (狐狸精, hồ ly tinh), có phép hóa ra mỹ nhân và trước
khi làm cung phi cho Trụ Vương (紂王,ở ngôi từ 1154
- 1123 tCn hoặc 1075- 1046 tCn)[3] đã từng bị đày ở lãnh
cung. Sau được Trụ vương đưa về cung và rất cưng chiều. Đát Kỷ cùng Trụ Vương tạo
ra “nhục lâm” 肉林, là 1 cánh
rừng mà trên các cành cây treo đầy thịt đã chế biến, đi dưới cánh rừng ấy có
3000 người “trâu uống rượu” ở “tửu trì” theo nhịp trống. Đặc biệt số này một
nửa là nam, một nửa là nữ đều khỏa thân, đuổi nhau vừa ăn thịt treo trên cây,
vừa uống rượu ở tửu trì, lại vừa từng đôi làm tình với nhau. Trụ Vương và Đát
Kỷ vừa uống rượu vừa thưởng thức, có khi còn chạy lại gần xem cho đã. Trụ Vương
còn xây cung: “Lộc Đài” 琭台
vuông
mỗi chiều 3 dặm, cao ngàn thước, qui mô lớn chưa từng thấy, phải hàng vạn thợ
xây trong 7 năm mới xong.
Đại thần trong
triều bấy giờ bị tàn sát vô tội vạ, nhiều người rất căm giận. Tây Bá Cơ Xương (西伯姬昌, 1090 – 1050 tCn) giả cách quy phục rồi
ngầm tập hợp lực lượng chống lại. Khi Cơ Xương mất, con là Cơ Phát 姬發
lên
ngôi, được sự phò tá của thừa tướng Khương Tử Nha 姜仔呀[4] mang quân đi
đánh Thương. Do Trụ vương mất lòng người, các chư hầu ủng hộ Cơ Phát. Tại trận
quyết định ở Mục Dã, quân Cơ Phát dù ít hơn vẫn đại thắng quân Thương. Tướng sĩ
của Trụ vương trở giáo hàng Cơ Phát. Kinh đô Triều Ca thất thủ, Trụ Vương bèn
mặc áo dát ngọc leo lên “Lộc Đài”, châm lửa tự thiêu, Đát Kỷ cũng tự thắt cổ
chết.
Cơ Phát lên
làm vua, lập ra nhà Chu , tức là Chu Vũ Vương (周武王, trị vì: 1134 – 1116 tCn hoặc 1046 – 1043 tCn
hoặc 1027- 1025 tCn).
3. Bao
Tự (褒姒, ?-771
tCn) tương truyền là đứa trẻ sinh ra từ dãi Rồng được vợ chồng
người nước Bao đem về nuôi. Sau được Bao Quýnh dâng cho vua Chu U Vương (周幽王, trị vì: 781 – 771 tCn)[5] để chuộc tội vào năm 779
tCn. Vua rất mê Bao Tự và nàng sinh được con trai là Cơ Bá Phục. Mặc dù Chu U
Vương đã có hoàng hậu họ Thân, sinh được thái tử Nghi Cữu 姬宜臼 nhưng do sủng ái Bao Tự, U vương muốn phế bỏ Thân Hậu và Thái tử
Nghi Cữu để lập Bao Tự là Hậu và Bá Phục là Thái tử.
Tuy ở ngôi tột
đỉnh nhưng Bao Hậu rất ít khi cười. U vương tìm mọi cách để làm Bao Tự cười
nhưng đều không thành. Theo lời Quắc công Thạch Phủ, Chu U vương sai đốt lửa
cho chư hầu mang quân đến để cho Bao Tự cười. U vương làm theo. Việc này nhà
thơ Lý Bạch (李白,701- 762) viết: “Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên
kim” (Ngàn vàng đổi lấy một nụ cười người
đẹp). Quân chư hầu mấy nước lân cận trông thấy các cột lửa cháy, ngỡ là có
giặc bèn mang quân ứng cứu. Đến kinh thành, thấy mọi người vẫn đi lại bình
thường, không có giặc giã gì, các chư hầu ngơ ngác nhìn nhau. Bao Tự ở trên đài
trông thấy bật tiếng cười lớn làm U vương vô cùng vui. Xong U vương lệnh cho
các trấn chư hầu rút quân về vì không có giặc. Từ lần Bao Tự cười, U vương rất
mừng, lại sai đốt lửa phong đài lần nữa và các chư hầu lại bị lừa. Từ đó các
chư hầu mất lòng tin vào thiên tử nhà Chu .
Cha Thân Hậu
là vua nước Thân bất bình, liên hệ với nước Tằng và hai tộc Khuyển, Nhung bên
ngoài kéo vào đánh úp Hạo Kinh. Tình hình nguy cấp, Chu U vương vội cho đốt lửa
phong đài để hiệu triệu chư hầu tới cứu, nhưng các chư hầu đã từng bị lừa nên
tưởng vua đùa, không mang quân tới nữa. Chu U vương không chống nổi quân địch,
đành mang Bao Tự và thái tử Bá Phục bỏ chạy, bị quân Khuyển Nhung đuổi theo
giết chết ở núi Ly Sơn. Con nhỏ Bá Phục và em ông là Trịnh Hoàn Công Cơ Hữu
cũng bị giết trong trận này. Riêng Bao Tự bị vua Khuyển Nhung bắt về cung.
Quân Khuyển
Nhung cướp phá giết người kinh thành. Thân Hậu ân hận mang họa cho dân Cảo Kinh
bèn viết thư triệu các nước chư hầu Tấn, Tần, Trịnh đến đánh quân Khuyển Nhung.
Quân ba nước kéo đến đánh tan quân Nhung. Vua Nhung bỏ chạy. Bao Tự thấy quân
các nước kéo vào cung bèn thắt cổ tự vẫn. Con trưởng U vương là Cơ Nghi Cữu được
lập làm vua, tức là Chu Bình Vương (周平王, trị vì: 770-720 tCn).
Đây là vị vua thứ 13 nhà Chu và là vua đầu tiên thời kỳ Đông Chu
(東周, 770-256 tCn) trong lịch
sử Trung Hoa.
2. “Tam nương nhật” là những này nào:
Về nguồn gốc
của ngày tam nương có nhiều cách lý giải khác nhau. Có thông tin cho rằng đó là
ngày ba người con gái trên nhập cung và cũng có ý kiến cho rằng đó là ngày sinh
và ngày mất của ba người. Vì trong một tháng có 6 ngày tam nương nên ý kiến sau
có thể coi là hợp lý hơn. Nhưng ngày nào liên quan tới ai chưa tìm thấy tài
liệu nào giải thích!
Chúng ta biết
rằng lịch Trung Hoa khởi nguồn từ đời Hoàng Đế 黃帝[6], bổ sung dưới đời Chu (周,1122–256 tCn) nhưng chưa ổn định
và lịch được tính toán đầu tiên là lịch Tứ phân (四分, sìfēn) bắt đầu khoảng năm
484 tCn và cũng chưa có Thiên Can, Địa Chi; chưa chia ngày ra thành giờ. Sau này lịch phát triển mạnh ở đời Hán (漢朝,206 tCn. - 220) và dần ổn định ở triều Tấn (晉朝,280-420). Lịch Thái sơ (太初, Tàichū ), sự khởi đầu vĩ đại, niên hiệu của Hán Vũ đế năm 104 tCn và đây cũng là khoảng thời gian, các Ðạo sĩ hay Chiêm tinh
gia làm việc có phương pháp và khoa học hơn, đã khám phá được chu kỳ vận chuyển
của các hành tinh trong Thái Dương hệ, phát minh ra Lục thập Hoa giáp, đồng
thời xuất hiện các khoa lý số như Kỳ Môn Ðộn Giáp, Thái ất Thần toán, hay Lục
Nhâm Ðại Ðộn v.v.
Sau khi thiên văn học của châu Âu được giới thiệu vào Trung Hoa bởi các
giáo sĩ dòng Tên, chuyển động của cả Mặt Trời và Mặt Trăng bắt đầu được tính
toán bằng các hàm lượng giác trong lịch Thời Hiến (時憲 Shíxiàn) năm 1645 của nhà Thanh (清朝,
1644 - 1911), lịch này được lập bởi giáo sĩ Adam
Schall von Bell, tên Trung Hoa là Thang Nhược Vọng (汤若望,
1591-1661). Chuyển động thật của Mặt Trời (biểu kiến) bấy giờ được sử dụng để tính tiết khí. Lịch
Gregory được công nhận bởi Trung Hoa Dân Quốc中華民國, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1912 và bắt buộc sử dụng từ ngày 1
tháng 1 năm 1929. Lịch cũ và lịch Gregory thông thường sẽ đồng bộ trở lại sau
19 năm (chu kỳ Meton). Như vậy, mỗi tháng có 29 ngày (tháng thiếu) hoặc 30 ngày (tháng đủ), ngày đầu tháng bao giờ cũng
trùng với ngày không trăng (ngày Sóc, 朔), giữa
tháng trăng tròn (Vọng,望). Năm ÂL gồm 12
tháng, 354 - 355 ngày và so với chu kì khí hậu, hụt khoảng 11 ngày, vì vậy ngày
tháng không trùng hợp với các mùa và khí hậu.
Từ đó, các nhà
làm lịch đã tính ra một loại lịch giống như âm lịch
(tháng theo tuần Trăng) vừa lấy năm
theo vòng thời tiết như dương lịch bằng cách
đặt thêm tháng nhuận để năm của âm lịch không sai nhiều với chu kì khí hậu. Đó là Âm Dương lịch 陰陽曆 và lịch này này được áp dụng từ thời Minh (明朝,1368 – 1644) và hoàn chỉnh như ngày nay dưới triều Thanh (清朝, 1644 - 1911).
Do vậy thời
Muội Hỉ 妺喜, Đát Kỷ 妲己 và Bao Tự 褒姒 làm khuynh đảo triều cương chưa có lịch như thời nay. Các mốc thời gian viết trên
phần chỉ năm cũng chỉ là ước đoán chứ nói gì đến tháng ngày. Vậy những chuyện
đó chỉ là do các nhà Nho, Chiêm tinh viết ra dựa theo Sử ký 太史公書 của Tư Mã
Thiên (司馬遷, 145 – 86 tCn) viết từ năm 109 đến 91 tCn
và Phong thần diễn nghĩa 封神演義,
một
tiểu thuyết thần quái viết[7] vào thời nhà Minh (明朝, 1368–1644) hay tổng hợp
từ những huyền thoại lưu truyền trong dân gian. Tuy thế nhưng tín ngưỡng dân
gian này đã lưu truyền ở Trung Hoa và lan sang Việt Nam từ bao đời nay. Dân gian có câu
“có kiêng có lành” là ứng vào việc này!
Một tháng có 6
ngày Tam Nương, mỗi tuần (10 ngày: Sơ,
Trung, Hạ) có 2 ngày tính theo lịch âm. Cụ thể đó là các ngày 3, 7, 13, 18,
22, 27 nó không phụ thuộc vào Lá số tử vi của người chủ trì hay thực hiện.
Những ngày này
mà tiến hành các công việc như: xây nhà, gả con, xuất hành, khởi nghiệp, giới
thiệu sản phẩm mới, sáp nhập công ty…thì xác suất thất bại hoặc phải làm đi làm
lại là rất cao, thậm chí gây thảm họa.
3. Vài sự kiện gắn với ngày Tam nương:
Có thể chỉ là
sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng khi nhớ lại 3 vụ thảm họa liên quan đến biển cũng
để lại nhiều điều đáng suy ngẫm.
1. Vụ
chìm tầu ngầm Kursk
Tàu ngầm Kursk[8] bắt đầu được Nga cho đóng
vào tháng 3 năm 1990 tại Severodvinsk, gần Arkhangelsk và được hạ thủy vào
tháng 5 năm 1994 với mục tiêu trở thành vũ khí tiêu diệt các siêu hàng không mẫu
hạm của Hải quân Mỹ. Một năm sau đó, tàu Kursk được biên chế vào Hạm đội Biển
Bắc của Hải quân Nga.
Với chiều dài
154 mét, cao 4 tầng, rộng 18,2 mét, trọng tải 23.860 tấn, tàu Kursk là loại tàu
ngầm lớn thứ 3 của thế giới với trị giá lên tới 1 tỉ USD. Tàu có thể hoạt động
độc lập 120 ngày. Vũ khí chính của Kursk là 24 tên lửa siêu âm có cánh P-700
Granit có khả năng phóng từ các ống phóng được đặt nghiêng 40 độ ngay cả khi
tàu đang lặn. Tên lửa P-700 Granit có tầm bắn 600km và mang đầu nổ xuyên phá
nặng 750kg có khả năng làm tê liệt một chiếc hàng không mẫu hạm chỉ bằng một
phát bắn. Tàu ngầm nguyên tử Kursk cũng được trang bị 24 tên lửa chống tàu ngầm
và ngư lôi đa năng có thể tự tiêu diệt mục tiêu đối phương trong khoảng 50 -
80km. Ngoài ra, Kursk còn được bố trí hai máy phóng ngư lôi cỡ 650mm và bốn máy
phóng cỡ 533mm dùng để phóng ngư lôi chống ngầm hoặc tên lửa diệt hạm tầm ngắn
như RPK-2 Viyuga hay RPK-7 Vorobei với tầm bắn từ 45km đến 120km. Tàu Kursk
chính là chiếc tàu ngầm hạt nhân tối tân và hiện đại nhất của Hải quân Nga thời
bấy giờ và nó được thiết kế để chiến đấu chống lại những chiếc tàu nổi loại
lớn, chủ yếu là tàu sân bay.
Nhiệm vụ chính
của Kursk là
theo dõi các tàu sân bay của đối phương ngoài đại dương. Chiếc tàu này từng có
thành tích theo dõi, giám sát thành công hạm đội 6 của Mỹ tại biển Địa Trung
Hải trong chiến tranh Nam Tư năm 1997.
Ngày 12/8/2000
(tức 13/7 Canh Thìn) tàu Kursk rời
cảng tham gia cuộc tập trận của Hạm đội phương Bắc. Đây là cuộc diễn tập mùa hè
lớn nhất -chín năm sau khi Liên xô sụp đổ- có sự tham gia của bốn tàu ngầm tấn
công, tàu chỉ huy hạm đội Pyotr Velikiy (“Pyotr Đại đế”) và một đội tàu nhỏ
hơn.
Tàu Kursk ra
biển để thực hiện diễn tập bắn thuỷ lôi giả vào chiếc Pyotr Velikiy, một tàu
tuần tiễu lớp Kirov .
Vào lúc 11:28 giờ địa phương (07:28 UTC), có một vụ nổ trong khi đang chuẩn bị
phóng thuỷ lôi. Chiếc tàu này đã bị chìm xuống độ sâu hơn 100m và ở khu vực
cách eo biển Kola hơn 170km trong Biển Barents[9] đem theo sinh mạng của
toàn bộ 118 thủy thủ trên tàu. Cho đến nay đây vẫn là thảm họa tồi tệ nhất
trong lịch sử hạm đội tàu ngầm Nga và nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn còn nhiều giả
thuyết khác nhau.
Dù nguyên nhân
của vụ nổ tàu ngầm Kursk
có thể mãi là điều bí ẩn thì thảm họa này cũng đã xẩy ra và con tầu đó rời Cảng
vào đúng ngày Tam nương Trung tuần của tháng Cô hồn năm Canh Thìn.
2. Đại
thảm họa động đất miền Đông Nhật Bản
Động đất và
sóng thần Tōhoku 2011 東日本大震災
là
một trận động đất mạnh 9,0 MW ngoài khơi Nhật Bản xảy ra lúc 05:46 UTC (14:46
giờ địa phương) vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 (7/02 Tân Mão). Trận động đất có vị trí tâm chấn nằm cách ngoài khơi
bờ biển phía Đông bán đảo Oshika, Tōhoku 72 kilômét tại độ sâu 32 kilômét. Trận động đất đã gây ra
sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia,
bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Sóng thần cao đến 38,9 m đã đánh
vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất, tại một vài nơi sóng thần tiến vào đất
liền 10 km.
Cơ quan Cảnh
sát Quốc gia Nhật Bản đã chính thức xác nhận có 15.854 người thiệt mạng, 9.677
người bị thương và 3.155 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000
công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Trận động đất và sóng thần
đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại quốc gia này, bao gồm những hư hỏng
nặng nề về đường bộ và đường sắt cũng như gây cháy nổ tại nhiều khu vực, kèm
theo một con đập bị vỡ. Khoảng 4,4 triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng mất
điện và 1,5 triệu hộ bị mất nước. Nhiều nhà máy phát điện đã ngưng hoạt động,
và ít nhất 3 vụ nổ lò phản ứng do rò rỉ khí hydro đã xảy ra tại nhà chứa các lò
phản ứng khi hệ thống làm mát bị hỏng hoàn toàn.
Đây là ngày
Tam nương trong Thượng tuần (07) tháng 02 năm Tân Mão.
3. Vụ
máy bay Airbus PK-AXC mất tích
Chuyến bay
8501 của Indonesia AirAsia (QZ8501/AWQ8501) là một chuyến bay bằng máy bay
Airbus A320-216 của Indonesia AirAsia cất cánh từ sân bay quốc tế Juanda hồi
05:35 giờ địa phương (UTC+7) ngày 28 tháng 12 năm 2014 (07/11 Giáp Ngọ) và dự kiến hạ cánh lúc 08:30 SGT (UTC+8) tại sân bay quốc tế Singapore
Changi. Nhưng đến 07:24 giờ địa phương khi đang bay trên biển Java giữa
Kalimantan và Java, thuộc khu vực kiểm soát không lưu của Indonesia máy bay mất
liên lạc với kiểm soát không lưu. Cùng với đó là sự mất tích của bảy thành viên
phi hành đoàn và 155 hành khách.
Đây là máy bay
Airbus A320-200 với số serial 3648 và mã đăng ký PK-AXC. Nó bay lần đầu tiên
vào ngày 25 tháng 9 năm 2008, và được giao cho AirAsia vào ngày 15 tháng 10 năm
2008. Chiếc máy bay đã có khoảng 23.000 giờ bay với 13.600 chuyến bay. Nó được
bảo trì lần cuối theo đúng kế hoạch vào ngày 16/11/2014. Máy bay được trang bị
hai động cơ CFM International CFM56-5B6 và được cấu hình để chở tối đa 180 hành
khách.
Dù tin hay
không thì chiếc máy bay này đã xuất phát vào ngày Tam nương của tuần đầu tháng
11 năm Giáp Ngọ và chuyến bay đầu tiên của nó trước ngày Tam nương Hạ tuần 1
ngày (26/8 Mậu Tí) còn AirAsia nhận
nó cũng trước Tam niên Trung tuần tháng 9 là 1 ngày (17/9/ Mậu Tí).
Nhưng qua Tam
Nương lại còn ngày Nguyệt Kị, Tứ Ly, Tứ Tuyệt…tránh sao cho hết. Tốt nhất là
chọn ngày nào có ít rủi ro nhất, hợp với hoàn cảnh cụ thể từng việc, từng
người.
- Lương Đức Mến, tháng Chạp năm Giáp
Ngọ-
[1]. Hạ Kiệt là con của Hạ Phát, vốn có tên
là Lý Quý 履癸 nhưng vì là người tàn ác nên bị gọi là Kiệt, nghĩa là kẻ
độc ác ưa giết chóc. Sau quá sủng ái Muội Hỷ, tăng cường bóc lột nhân dân để
hưởng lạcbị đánh bại bởi Thành Thang (成湯, trị
vì: 1766 -1761 tCn), dẫn
đến chấm dứt của nhà Hạ, và sự ra đời của nhà Thương.
[2]. Thành Thang (成湯, trị vì: 1766 -1761 tCn hoặc 1765 -1646 tCn)
hay Thương Thang, họ Tử 子, tên thật là
Lữ 履,
là người đã lật đổ vua Kiệt tàn bạo, người cai trị cuối cùng của của nhà Hạ,
sáng lập nhà Thương.
[3]. tức Đế Tân 帝辛 tên thật là
Tử Thụ 子受, làm sụp đổ
nhà Thương 商.
[4]. Tức Tề Thái Công, tên thật là Khương
Thượng 姜尚,
tự là Tử Nha 子牙; còn gọi là Khương Thái Công 姜太公; Thái Công
Vọng 太公望,
Lã Vọng 吕望, Thượng Phụ 尚父, Sư Thượng Phụ 师尚父
[5]. tên thật là Cơ Cung Tinh 姬宮湦, là vị vua thứ 12 của nhà Chu cũng là vị vua cuối cùng
của thời kỳ Tây Chu 西周 trong lịch sử Trung Quốc.
[6]. Chữ hoàng 黃 ở đây chỉ
sắc vàng, gọi nôm na là ông Vua Vàng, khác với hoàng 皇 trong hoàng
đế 皇帝 là tên gọi cho vua Trung Quốc kể từ thời
nhà Tần
[7]. Có thuyết nói là Hứa Trọng Lâm (許仲琳; 许仲琳), hiệu là
Chung Sơn Dật Tẩu (mất 1566), người Phủ Ứng Thiên huyện Trực Lệ biên soạn.
Thuyết khác lại cho rằng tác giả rất có thể là Lục Tây Tinh (陸西星; 陆西星), hiệu
Trường Canh (mất 1601), người huyện Hưng Hóa, tỉnh Giang Tô viết.
[8]. Tên đầy đủ Атомная подводная лодка
"Курск" (АПЛ "Курск") trong tiếng Nga, là một Project 949A
Антей (Antey, Antaeus nhưng cũng được biết theo tên hiệu NATO cho Oscar II). Nó
được đặt theo tên thành phố Kursk
của Nga, nơi đã diễn ra trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử quân sự, diễn ra
năm 1943.
Chủ nhật 01/02/2015 âm lịch là 13/Chạp, tức ngày Mậu Thân, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Ngọ.
Trả lờiXóaGặp Sao: Hư; Trực: Nguy; là Ngày Hoàng Đạo (Tư Mệnh)
CÁT THẦN: Ngũ Phú - Tư Mệnh Hoàng Đạo - Thiên Quý - Thiên Quan - Phục Sinh - Hoạt Điếu - Mẫu Thương - Đại Hồng Sa
Việc Nên Làm:
nghi kinh lạc, uấn nhưỡng, khai thị, lập khoán, giao dịch, nạp tài, khai thương khố, xuất hóa tài, tài chủng, mục dưỡng, nạp súc, di cư, nhập trạch;tế tự, kì phúc, cầu ân, tự thần trí tế;
HUNG THẦN: Tam Nương - Cửu Không - Thổ Cấm - Lôi Công
Việc Không Nên Làm:
Tác sự cầu mưu định bất xương, Nghinh thân giá thú rã uyên ương, Xây nhà dựng cửa giảm nhân đinh, Viễn du phó nhậm bất hồi hương.;
Thân bất an sàng quỷ túy nhập phòng (ngày chi Thân không nên kê giường, quỷ ma vào phòng).
Trả lờiXóaCòn một Tam Nương khác mà Từ điển Cao Đài giải thích đại ý như sau:
Trả lờiXóaTam Nương (H: 三娘, A: Third Muse, P: Troisième Muse) là vị Tiên Nữ thứ ba trong Cửu vị Tiên Nương 九位仙娘 giúp việc cho Đức Phật Mẫu trong cung Diêu Trì (H: 瑤池宮 , A: Palace at the lake of jade: Palace of Buddha-Mother, P: Palais au lac de jade: Palais de Bouddha-Mère).
Tam Nương ít khi giáng cơ dạy đạo, chỉ giáng cho thi chung với Cửu vị Tiên Nương. Tam Nương cầm bửu pháp là quạt Long Tu Phiến, đón tiếp các chân hồn lên tầng Trời thứ ba là Thanh Thiên, dùng thuyền Bát Nhã đưa các chơn hồn đi qua biển khổ sang bờ giác ngộ, qui hồi cựu vị.
Tại Đền Báo Ân (H: 報恩祠 , A: The Temple of Gratitude, P: Le Temple de Reconnaissance), Tam Nương mặc áo vàng, tay cầm Long Tu Phiến, ngồi bên tay mặt của Đức Phật Mẫu.
Nhưng vị Tiên Nữ thứ ba này không liên quan đến “Tam nương nhật”.