Đã bao lần đón Tết Táo quân, nhiều bận viết Sớ, soạn Văn khấn ngày cúng Ông Công Ông Táo mà lần nầy
vẫn thấy nao nao, vợ con đi chợ sắm vẫn cứ thiếu. Đành lại bổ túc thêm.
1. Tâm linh Việt:
Do cư ngụ ở nơi giao thoa giữa hai
trong 4 nền văn minh của thế giới cổ đại[1] là Trung Hoa và Ấn Độ[2] nên người Việt Nam sớm tiếp thu văn hóa nhân
loại để biến cải thành bản sắc của mình. Thời sơ sử (các liên minh bộ lạc được thiết lập) tín ngưỡng dân gian được hình
thành trên cơ sở tín ngưỡng thờ Thần được ảnh hưởng chủ yếu đến từ nền văn minh
Ấn Độ cổ đại, khúc xạ qua sắc dân Cổ Mã Lai[3]. Sau này, trong thời kỳ Bắc thuộc (北屬時代,207 tCn-938) lại ảnh hưởng văn hóa Hoa Hạ 华夏 với Nho giáo (H: 儒敎,
A: Confucianism, P: Confucianisme) chủ trương trọng người
chết như người sống[4],
Phật giáo ( H : 佛敎 , A: Buddhism,
P: Bouddhisme) coi trọng Tứ ân (H: 四恩, A: The four favours, P: Les
quatre faveurs), trong đó có “Phụ mẫu ân” 父母恩 nhằm trợ
duyên cho ông bà, cha mẹ tu tập theo Phật cho vong linh được siêu thoát, tái
sinh và Lão giáo (H: 老敎, A: Taoism,
P: Taoisme) lại mong người chết mau
về với cõi Tiên, cõi Trời.
Những vấn đề trên hình thành nên tục Tế lễ thờ phụng (H: 祭禮, A: The cult and sacrifice, P: Le
culte et le sacrifice) và được bổ
sung, hoàn thiện, lưu truyền trong tâm khảm người dân, là đạo lý không thể xóa bỏ của người Việt[5]. Đó là vấn đề Tâm linh (H: 心靈, A: The soul, P: L' âme), là điều thiêng liêng thấm vào máu thịt mỗi người. Nhưng là lưu truyền trong dân gian nên đương nhiên có dị
biệt từng vùng miền, dòng họ. Song giống nhau ở mục đích, tác dụng, nơi tiến
hành và đúc kết thành “Lễ nghi phong hóa” (H: 禮儀風化, A: Ceremonies and
manners, P: Cérémonies et moeurs)
để sự cúng tế được trật tự, trang
nghiêm, kính cẩn. .
Ngoài thờ Tổ tiên (H: 祖宗, A: The ancestors, P: Les
ancêtres) những người theo Phật giáo hay không theo tôn giáo nào ở ta còn
thờ Thần linh (H: 神靈, A: The spirits, P: Les esprits, các Đấng thiêng
liêng trong thế giới vô hình);
thờ Phật (H: 佛, A: Buddha, P: Bouddha); thờ Thổ công - Thổ
địa - Thổ kỳ (H: 土公 - 土地 - 土祇, A: The Genii of the home,
P: Les Génies de la maison, ba vị Thần coi việc nhà cửa trong mỗi gia
đình, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nói nôm na là Ba vị Táo).
2. Từ ngoại nhập thanahf tín ngưỡng dân gian:
Lệ cúng ông Công, ông Táo tuy có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng
với người Việt thì sự tích Táo quân mang
đậm tính thuỷ chung, tình nghĩa, là chuyện “hai ông và một bà”, có họ tên cụ
thể, tượng trưng là 3 cỗ “đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nhà bếp. Do vậy
mới có câu: “Thế gian một vợ chồng, không như Vua Bếp hai Ông một Bà”. Ba vị đó được dân Việt suy tôn là thần Đất,
thần Nhà, và thần Bếp núc nhưng do ảnh hưởng của tuyết Ba ngôi 三位一体 nên dân gian gọi chung là Ông
Táo và Bài vị có khi ghi chung là Định Phúc Táo Quân 定福灶君. Tuy vậy trong khi khấn cúng (dịp Tết Táo Quân cũng như các dịp cúng bái
khác) vẫn cung thỉnh cả 3 vị, bởi mỗi người giữ một việc:
- Phạm Lang làm Thổ
Công 土公, trông coi
việc bếp, gọi là: “Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân” 東厨司命灶甫神君.
- Trọng Cao làm Thổ
Địa 土地, trông coi
việc nhà cửa, gọi là: “Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần” 土地龍脈宗神.
- Thị Nhi làm Thổ Kỳ 土祇, trông coi việc chợ búa, gọi
là: “Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần” 五方五土福德正神.
3. Nghi thức cúng Táo
quân:
Để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm
mới, lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời được dân gian chuẩn bị chu đáo và tiến
hành trọng thể.
Lễ vật cúng Táo công gồm có: lễ mặn thường có 1 con gà trống
luộc, hoặc 1 miếng thịt luộc (thịt vai,
hoặc 1 khoanh giò), 1 đĩa xôi, 1 đĩa xào, 1 bát canh. Hoa quả (nên là ngũ quả, hoặc 1 loại có 5 quả), 5
bông hoa nhiều màu, trầu cau, rượu; 1 con cá chép sống đựng trong thố hoặc chậu
sạch có nước. Ngoài ra còn có hương đăng, trà, nước, 5 lễ tiền vàng, bánh kẹo
tuỳ tâm. Riêng vàng mã thì khác dịp cũng bái thường là có mũ ông Công ba cỗ hay
ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các Táo Ông thì có hai
cánh chuồn, mũ Táo Bà thì không có cánh chuồn. Để giản tiện, cũng có khi người
ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có
hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc
của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành: năm hành Kim (Canh, Tân) mầu vàng; Mộc (Giáp, Ất) mầu trắng; Thủy (Nhâm, Quý) mầu xanh; Hỏa (Bính, Đinh) mầu đỏ, Thổ (Mậu, Kỷ) mầu đen. Song những người làm
hàng mã muốn cho bắt mắt thường mỗi bộ 3 mũ, hia, áo mầu Đỏ, Xanh, Vàng trang
hoàng lộng lẫy, hiếm khi có mầu Trắng nên vẫn dùng. Sau khi bày lễ, thắp hương
và khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng
mã. Sau đó đem tro vàng mã cùng cá chép thả ra ao, hồ, sông, suối… để cá đưa
ông Táo lên chầu Trời.
Mấy năm lại đây, khi kinh tế khá hơn mọi nhà (nhất là ở đô thị) đua nhau sắm đủ loại
vàng mã, rất tốn kém và có khi gây hoả hoạn nữa! Chỉ “béo” mấy nhà làm mã và
khổ cho hàng xóm tro bụi bay mù trời!
4. Bài Sớ Táo quân 2014
:
Nghe
rằng:
Trời cao đức lớn, quản mọi việc đời,
Giúp kẻ lòng thành, nhiệt tâm mọi cõi.
Vậy
nhân:
Quý Tị sắp qua, Giáp Ngọ đang đến.
Vâng theo đến hẹn, Thay mặt Lương gia,
Sắp sửa lễ nghi, Dâng tâm thành thật
Tóm lược tất tật, Chuyện năm Quý Tị,
Chép ra đầy đủ, Nhờ Táo Gia đình,
Bay thẳng Thiên cung, Trước sau trình
tấu.
Sớ
rằng:
Vượt mọi khó khăn, Gia tộc nhà thần,
Trong một năm qua, Đã nhiều nỗ lực.
Tiến bộ vượt bực, Là chuyện của con:
Nhiệm vụ hoàn thành, Thưởng khen đủ
cả.
Riêng chuyện toàn gia, Gái trai đủ
mặt.
Học hành tất bật, Con cháu nêu gương:
Trọng Sinh, Hải Thương, Đã xong Cao
học.
6 cháu gái trai: Yên chuyện làm ăn;
Nguyệt đã xuất giá, về huyện Bảo Yên.
Còn mấy cháu nhỏ, Học hành chăm ngoan.
Việc họ lo toan, Trong ngoài trọn vẹn;
Nhiều chuyện hứa hẹn, Phát triển đi
lên.
Mộ Tổ vững bền, Đã xây to đẹp.
Sức khỏe gia quyến, Luôn được bình an.
Qua buổi cơ hàn, Toàn gia tấn tới.
Còn nhiều thắng lợi, Nhưng cũng khó
khăn;
Xin gắng chuyên cần, để luôn phát
triển.
Thôi để tiết kiệm, thời gian Táo nhà,
Xin tạm kể sơ, Kính nhờ tấu giúp.
Giờ
xin:
Thiêu hóa hương hoa, Cùng là vàng mã,
Đôi lời khấu tạ, Mạo muội tỏ bày,
Có sớ văn này, Kính cậy táo quân,
Tấu tới Ngọc Hoàng, Xin được ban ân:
Gia chủ năm tới, Vạn sự cát tường.
Sắp sang Tiết mới, Tín chủ cáo biệt.
Về lo đón Tết, Hứa cùng Thần Táo:
Chẳng kể gió bão, Không ngại gian
nhân;
Luôn vững tinh thần, Toàn gia tiến bộ.
Sang Tết Hoàng Mã, Đón Táo Quân về;
Phù hộ độ trì: Lộc, Thọ, Phúc đầy,
An Ninh Khang Thái!.
Cẩn sớ!
5. Văn khấn Thổ Công (sưu
tầm, cải biên):
Nam mô a di Đà
Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật,
- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần,
- Kinh lạy ngài đương niên Đương niên Quý Tị niên Chí đức Tôn
thần: Từ giả Đại tướng Quân; Ngài Đương
niên chi Thần: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan.
- Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh, Táo phủ Thần quân; Thổ địa
Long mạch Tôn Thần; Ngũ phương Ngũ thổ, Phúc đức chính Thần,
Tín chủ con là: Lương Đức Mến sinh năm Ất Mùi 1955;
Cư trú tại: SN 328 đường Hoàng Liên, thuộc địa phận tổ 22,
phường Kim tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai,
Hôm nay là ngày Thứ năm 23 tháng 01 năm 2014, nhằm ngày 23 Giáp
Ngọ tháng Chạp Ất Sửu năm Quý Tị, tục gọi ngày Tết Táo Quân, sắp sang mới Giáp
Ngọ,
Tín chủ con cùng toàn gia, tuân theo lệ cũ, hành tâm sắm sửa :
hương, hoa, kim ngân, trà, quả, áo, mũ, hia, cá, xôi, gà, canh, muối, nghi lễ
cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần,
Đốt nén Tâm hương cung thỉnh kính mời: ngài Bản gia Đông trù Tư
mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa Long Mạch Tôn thần, ngài Bản gia
Ngũ phương Ngũ thổ, Phúc đức chính Thần, ngài là chủ sự, thương xót tín chủ:
Giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, xá
mọi lỗi lầm trong những ngày qua;cúi xin tôn thần, gia ân châm chước; Ban lộc
ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già:
An ninh khang thái, Vạn sự tốt lành, Gia đạo hưng long, lộc tài vượng
tiến, sở cầu như nguyện, mọi việc hanh thông;
Đem đến điều lành, mang đi điều dữ, thêm chức thêm tiền, thẳng
đường tiến bộ.
Bé bú mớm hay ăn chóng lớn, luôn gặp vía lành;
Người học hành mạnh khỏe chăm ngoan, đã thi là đỗ.
Chúng con người trần, lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, Dãi
tấm lòng thành cúi xin chứng giám, phù hộ độ trì.
Cẩn cáo
-Lương Đức Mến (cẩn soạn)-
[1] Bốn nền văn minh của thế giới cổ đại là:
Nền văn minh thung lũng sông Ấn, nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia),
nền văn minh Ai Cập cổ đại và nền văn minh Trung Hoa.
[2] Nền văn minh Ấn Độ thời cổ đại (còn
được gọi là Văn hóa Harappa, 3.000-1.800 tCn) là một nền văn minh nổi tiếng
bao gồm cả vùng đất ở các nước như: Ấn Độ, Pakistan, Nêpan, Bangladesh ngày
nay. Nền văn minh này sản sinh ra chữ Ấn cổ, chữ Brami, chữ Sanskrit (là cơ sở
của nhiều loại chữ viết ở Ấn Độ và Đông Nam Á sau này) và sản sinh ra nhiều tôn
giáo như Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Jaina và đạo Sikh.
[3] Theo các nhà nhân chủng học, hình dáng
thì loài người được chia thành bốn đại chủng chính, là: Đại chủng Âu (Caucasoid,
Europoid), Đại chủng Phi (Negroid), Đại chủng Á (Mongoloid),
Đại chủng Úc (Australoid).
Cổ Mã Lai (Proto-Malay,
Indonésien) là tên của chủng tộc sống vào thời kỳ đồ đá giữa (中石器時代, Mesolithic, 14.000-5.000 tCn) có
nước da ngăm đen, tóc quăn, tầm vóc thấp, cư trú trên toàn bộ vùng Đông Nam Á
cổ đại trải dài từ sông Dương Tử ở phía bắc đến các hải đảo Indonesia ở phía
nam; từ Ấn Độ ở phía tây đến quần đảo Philippines ở phía đông. Chủng này là kết
quả của sự kết hợp giữa đại chủng Mông Cổ (Mongoloids, 黃色人種) và đại chủng Úc (Austronesian, 棕色人種) khi đại chủng Mông Cổ từ vùng Tây Tạng
thiên di về phía đông nam cách đây 10.000 năm. Đây là là nguồn gốc của đại bộ
phận các dân tộc Việt Nam.
[4]
Nguyên văn “kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự
tồn, hiếu chi chí giã 敬其所尊, 愛其所親, 事死如事生, 事亡如事存, 孝之至也”. Tức là
“Kính người trên, thương người thân, thờ người chết như người còn sống, trọng
người đã khuất như người hãy còn. Đó là trọn hiếu vậy!”
[5]
Ngay cả những tôn giáo bài xích thờ cúng tổ tiên, nhưng để có chân đứng trên
mảnh đất Việt Nam ,
cũng phải thừa nhận và cho phép sự thờ cúng vô cùng thiêng liêng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!