[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


20 tháng 4 2023

DÒNG VĂN ÚC VÀ CẦU KHUỂ

Quê tôi có con sông, nhỏ thôi nhưng khá nổi danh, có mặt trong câu ca dao mà trên đất tỉnh Kiến An (01/1888-10/1962) xưa không mấy ai là không thuộc và tên con sông đó được xếp ngang với những địa danh: núi Ông Voi, Đài Thiên văn!.

Đó là sông Văn Úc (tên cổ viết theo Hán tự là Uất Giang 郁江, người dân quen gọi tắt là sông Văn hay sông Úc). Khác với các con sông khác đều bắt nguồn từ vùng núi cao, ở xa cửa sông, riêng sông Văn Úc bắt nguồn ở đồng bằng, không xa nơi nó đổ ra biển là mấy và nằm trong trong địa bàn Hải Phòng nên dòng chảy khá phẳng lặng. 

 Nơi bắt đầu sông Văn là đoạn giao nhau giữa sông Gùa (Hương) và sông Rạng (ngã ba Cửa Dưa) thuộc địa phận xã Thanh Xuân (xưa là tổng Lại Xá, huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương nay là huyện Thanh Hà, Hải Dương). Vùng này được bao bọc xung quanh bởi các con sông trong hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng (phía bắc là sông Rạng, phía Nam là sông Văn Úc, phía Tây là sông Thái Bình) có một đặc sản nổi tiếng là vải Thiều Thanh Hà[1]. Sông Văn Úc  là ranh giới tự nhiên giữa các huyện Thanh Hà (Hải Dương) và An Lão (Hải Phòng), huyện An Lão và huyện Tiên Lãng, huyện Kiến Thụy và huyện Tiên Lãng. Quốc lộ 10 băng qua sông bằng cầu Tiên Cựu tại đoạn xã Đại Thắng, Tiên Lãng và xã Quang Trung, An Lão. Trên sông có các cây cầu: Quang Thanh, nối huyện An Lão (Quang Hưng) và Thanh Hà (Thanh Cường) trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khánh thành vào ngày 17 tháng 7 năm 2021); Tiên Cựu (nối 2 huyện An Lão và Tiên Lãng; và cầu Khuể, nối Tiên Lãng và An Lão thuộc Hải Phòng

Một nhánh của sông Văn Úc tách ra tại cuối xã Tân Viên đầu Chiến Thắng (cửa Bát Trang) thành sông Đa Độ 多渡[2]  phía dưới nơi xuất phát của Lạch Tray. Đa Độ chảy qua huyện An Lão và huyện Kiến Thụy rồi lại đổ vào sông Văn Úc ở nơi giáp xã Ngũ Đoan và Đoàn Xá của huyện Kiến Thụy (có cống Cổ Tiểu) trước khi ra biển Đông ở cửa Văn Úc (lớn hơn nhiều so với đoạn ra biển của sông Thái Bình).

Văn Úc là con sông dài 57 km, quanh co và uốn lượn là nhánh cấp 2 của sông Thái Bình. Dòng sông cuộn sóng chở phù sa ra biển, góp phần tạo ra những bãi sông màu mỡ, những vùng triều mênh mông, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản, đa dạng sinh thái cho khu vực hai bên dòng sông và cửa biển.

Đây cũng là nơi đưa bèo lục bình xanh[3] từ các nhánh của nó ra biển. Loại bèo này sinh sản rất nhanh thường vào dịp cuối mùa xuân, đầu mùa hè và kéo dài đến gần cuối mùa thu. Khi đó, chúng trôi, cuộn lại thành đống cao hoặc trôi thành từng bè dài hàng chục cây số, rộng từ 250-300m và phủ dày đặc chiếm gần hết mặt sông. Điều đó dễ làm nghẽn dòng chảy, gây khó khăn cho việc đi lại trên mặt nước của các con thuyền, phà.

Hai bên bờ sông là bãi, ngoài Cói[4] mọc tự nhiên, người dân trồng rất nhiều chuối và khoanh đất làm ao đầm để nuôi trồng thủy sản. Có những đầm mùa hè để khô, nhưng mùa thu lại đầy nước. Đó là đầm Rươi[5]. Khi nước lên, rươi ngoi lên theo rồi tự đứt thành từng đoạn, người dân ra vớt mang về ăn hoặc bán…Gạo xát ra từ thóc thu được từ những ruộng lúa cấy trong các đầm Rươi ngày nay đã trở thành đặc sản (chắc bởi không có ngấm hóa chất?)!

Giữa sông là bãi bơn[6] mọc đầy sú vẹt nhưng khi thủy triều lên thì bơn chỉ còn lờ mờ vài ngọn cây sú vẹt. Đây là bãi thả chăn trâu của lũ trẻ 5, 6x.

Những năm gần đây, mỗi lần về quê tôi đều ra khu vực Bến Khuể nhưng không thấy Sú, Vẹt, Cói đâu nữa (!) còn Rươi thì được nuôi trong đầm ao, có chủ!

Xuôi ra cửa biển 1,5 km nữa, phía trái đê, trong đồng là ngang địa phận thôn Tôn Lộc 尊祿, nơi ngành Cả Chi Hai lên lập nghiệp cách nay khoảng hơn 100 năm. Sâu trong đồng là Cốc Tràng (谷場, bãi chim Cốc)[7], giáp Cao Mật thuộc xã An Thọ. Nơi đây có chùa Tôn Lộc nằm trong Kỳ viên thiền tự 奇园禅寺, có tháp Bảo Minh 寶明塔 bằng đá với hơn 400 năm lịch sử. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử kháng chiến (bởi quyết định số 3025 /QĐ - UB ngày 30/10/2001 của UBND thành phố Hải Phòng) và đang được trùng tu, mở rộng từ 2016 nhưng khi tôi vãng thăm (chiều 10/3/2023) vẫn chưa xong (!). Tôn Lộc và Cốc Tràng là 2 thôn riêng, có thời sáp nhập gọi là Cốc Lộc (!).

Văn Úc ở hạ lưu nối Tân Trào (Kiến Thụy) với Hùng Thắng (Tiên Lãng) có phà Dương Áo 陽襖. Tại ngã tư thủy bộ này, chính quyền xưa đã lập Văn Úc tả đồn 文郁左臋, Văn Úc hữu đồn 文郁右臋. Xuôi thêm ta lại gặp sông Đa Độ vốn tách ra từ Văn Úc (Bát Trang) vòng lượn khúc khuỷu lên phía Bắc rồi lại quay Nam đổ vào Văn Úc. Cửa Văn Úc (thời Nguyễn gọi là Dương Úc 陽郁) ở phía Nam xã Đại Hợp (Kiến Thụy) và bắc xã Vinh Quang (Tiên Lãng) đổ ra biển Đại Bàng 大旁.

Do ở vị trí thiết yếu nên  cửa Văn Úc đã từng ghi dấu ấn trong những cuộc trường chinh kháng chiến của dân Việt. Đáng kể nhất là nơi đây gắn với sự tích và chiến công của quan Phụ chính Ngô Lý Tín (吳履信, 1126- 1190) hiện còn dấu tích thờ phụng tại Đền Gắm (ở thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng). Đó là một trong năm ngôi đình, đền thuộc “ngũ linh từ” 五領祠 của huyện Tiên Lãng, đền Gắm được xây dựng trên chính mảnh đất mà Tín Công đã cắm đất làm nhà, mở trường dạy học, dùi mài kinh sử, rèn luyện binh thư, võ nghệ và nổi danh khắp vùng. Tuy là nơi thờ vọng nhưng đền Gắm có phần mộ của Tín Công thuộc hậu cung của đền.

Trong cuộc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ Hai, tháng 1/1285, trước thế giặc mạnh, hai Vua Trần Nhân Tông (陳仁宗, 1258 – 1308) và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông (陳聖宗, 1240 – 1290) bỏ thuyền đi bộ đến Thuỷ Chú ( , vùng Yên Hưng, Quảng Ninh nay) sau đó dùng thuyền ra sông Nam Triệu (南趙江, từ ngã ba xã Vũ Yên, huyện Thủy Nguyên chảy ra biển) vượt biển Đại Bàng (大旁海, vùng biển ngoài cửa sông Văn Úc) vào Thanh Hoá 清化. Toa Đô  唆都元帥 và Ô Mã Nhi 烏馬兒 truy đuổi nhưng không tìm thấy. Gần 2 tháng sau khi rút về Thanh Hóa, quân Trần phản công ngược ra Bắc, giải phóng Thăng Long 升龍. Cửa Văn Úc trở thành điểm đưa Vua Trần thoát thế gọng kìm và đón trở lại phản công theo khí thế Đông A (東阿=). Ba năm sau, cũng tại cửa sông này, trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, quân dân Đại Việt đánh chìm 300 chiến thuyền của quân xâm lược. Trận đánh ngày 13/02/1288 chính sử nhà Nguyên, bộ “Nguyên sử” 元史  ghi chép và gọi tên là trận Tháp Sơn 塔山.

Dọc 2 bên sông, ngoài bãi là con đê đắp từ lâu đời mà chưa tìm thấy tư liệu để chép cụ thể hơn. Đây là công trình thuỷ công xây dựng dọc theo bờ sông tương tự đập đất về mặt xây dựng. Nó có tác dụng ngăn nước, để bảo vệ vùng đất thấp ven sông lũ lụt, thuỷ triều, sóng bão, nối công trình thuỷ công dâng nước của đầu mối với bờ.

Trên địa bàn xã Chiến Thắng đê dài 5km, có 4 cống, 4 trạm bơm điện, 2 hệ thống mương chính là mương Thống Nhất và mương Kim Cao dẫn nước vào đồng. Ở vùng đồng bằng, không đồi núi, ít chỗ chơi thì sườn đê, mặt đê gắn với trẻ chăn trâu bởi thú thả diều, chọi cỏ gà. Đây còn là huyết mạch giao thông quan trọng nối liền các vùng ven sông Úc. 

Phía ngoài đê là bãi qua một đoạn sông ăn vào nông là bơn. Bên trong đê là ruộng đồng làng xóm mà theo thứ tự từ thượng nguồn xuống thuộc xã Chiến Thắng là: Tân Thắng (mới lập 1988), Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng, Phương Hạ (quê tôi, vốn từ 2 thôn trước 1966 là Phương Lạp và Mông Tràng Hạ), Tôn Lộc và Cốc Tràng (quê mẹ tôi) sau đó là xã An Thọ (có thôn Cao Mật) là những thôn, xã mà trước CM tháng 8/1945 thuộc Tổng Cao Mật 高密 và tổng Đại Phương Lang 大方榔 cùng huyện An Lão 安老.

Theo các bậc cao nhiên thì việc qua lại sông Văn Úc trước tiên là những con đò vì vậy đoạn mà đường liên huyện An Lão, Tiên Lãng 354 vắt qua đê Tả  Văn Úc vùng này gọi là “Bến Khuể”.

Ngay đầu cầu phía Chiến Thắng và dọc đê có 4 Lô cốt (blockhaus) là công trình quân sự do Pháp xây dựng kiểu nửa nổi, nửa chìm có lợi dụng sườn đê để che chắn. Lô cốt này được đổ bê tông dầy, có lỗ châu mai để bắn ra nhiều phía, có nhiều ngách làm nơi nghỉ ngơi cho quân sĩ và sau này là chỗ trẻ con ẩn nấp chơi trận giả khi chăn trâu. Đây chính là hệ thống Đồn Khuể án ngữ đường sông từ Hải Dương ra biển, con đường bộ từ Kiến An sang Tiên Lãng. Hai Lô cốt Pháp xây hai bên đường 354, nằm ngay trên rìa đê (nay là đầu đường lên cầu Khuể), rất kiên cố. Giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, đêm 25/9/1949 đồn Khuể bị dịêt. Đây là trận binh biến để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong việc gây nhân mối trong hàng ngũ địch kết hợp với lực lượng tiến công từ ngoài vào[8]. Để ghi nhớ trận binh biến đó và phù hợp với hoàn cảnh mới, xã Cảnh Hưng (bên trái đường 354 nối Kiến An với Tiêng Lãng, gồm: Phương Lạp, Mông Tràng Hạ, Cốc Tràng, Tôn Lộc, Cao Mật) và Kim Lĩnh Thượng (bên hữu đường 354 nối Kiến An sang Tiên Lãng, gồm: Mông Tràng Thượng, Côn Lĩnh, Kim Côn) nhập lại mang tên mới là xã Chiến Thắng (từ 05/10/1950), giáp với xã An Thọ.

Nên biết rằng: Hải Phòng với mật độ sông ngòi dày đặc là hạ du của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình đổ ra Biển Đông theo 5 cửa chính (Lạch Huyện, Nam Triệu, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và Thái Bình). Do vậy vùng “nước lợ” Bến Khuể gần cửa sông Văn Úc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều của bão, lụt là dễ hiểu. Nhân đây mở ngoặc nói về “BÃO”. Đó là “trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực đoan với xoáy thuận nhiệt đới đặc trưng bởi một vùng khí áp thấp tại tâm bão, gió giật mạnh và hệ thống mây phát triển mạnh theo hình xoắn ốc đi kèm với giông và mưa lớn trên diện rộng.

Nhớ lại, nơi đây, 11h30 đêm tháng 7/1978 cơn “bão ma” đi qua làm lật đò đã cướp đi 20 khách đò trong lúc dòng sông đang chảy mạnh ra biển, ngày hôm sau người ta chỉ tìm thấy xác con đò nát và một thi thể ở trong rừng đước. (Chưa tìm thấy đầy đủ tư liệu thành văn về cơn bão này và thiệt hại của nó với vùng Bến Khuể nên cứ để tạm như vậy).

Từ Bến Khuể vào sâu trong đồng theo tỉnh lộ 354 là nghĩa trang nhân dân  nằm cạnh Nghĩa trang liệt sĩ, trong NTND đó có phần mộ của các bậc tiền nhân trong gia đình mà bố và chú tôi quy tập hồi lên Lào Cai, tháng 2 năm 1964. Khi soạn Gia phả tôi đã nhiều lần ra khu vực này điền dã để chép chính xác danh tính và ngày mất của Tiền nhân mà mình cần tìm hiểu!

Vào sâu nữa, cách bờ sông 1 km là nơi vào thế kỷ XVIII Thượng tổ họ Lương đến khai hoang, dựng lên dòng họ Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão ngày nay. Sông Văn Úc và Bến Khuể còn gắn với dòng họ Lương bởi những truyền ngôn về ngày giỗ và nghi thức giỗ Tổ[9].

Khi tôi nhận thức được thì việc đi lại qua đôi bờ của dòng Văn Úc là những chiếc phà chạy không ngơi nghỉ. Phà Khuể nối An Lão (Chiến Thắng) với Tiên Lãng (Thị trấn) ngày xưa còn gọi là phà “khổ”. Cái tên đó gợi nhớ nỗi khổ đi qua phà là chờ đợi, có khi hàng giờ mới qua được sông. Có lần vào mùa nước rươi, nước sông tràn lên phủ kín cả mặt bến phà. Nhiều người tháo giầy để lên xe rồi dắt xe lội bì bõm vào nhà chờ đợi qua phà. Vào những lúc giao ca giữa giờ trưa, công nhân lái phà nghỉ, người dân đành phải nghỉ theo, chen chúc trong nhà chờ. Vì vậy,người dân “ốc đảo” Tiên Lãng mới có câu ai oán: “Qua phà “Khổ” về đến đất Tiên”! 

Và chắc cũng do giao thông cách trở bởi sông Văn Úc mà người dân bên Chiến Thắng quê tôi, dù có quan hệ họ hàng bên Tiên Lãng nhưng cũng ít lại qua và hiểu nhiều về nơi đây. Ngay như tôi, tiếng là được đi nhiều lại ham tìm hiểu, ghi chép mà vùng đất, con người, lịch sử nơi đây với tôi vãn còn đầy khoảng trống, bí ẩn. Kẻ cả những chuyện liên quan đến gia đình, dòng họ!

Phà Khuể ngày ấy do Cty đường bộ Hải Phòng quản lý và là phà không tự hành, tức là chỉ có xác phà, sử dụng ca nô kéo. Nên việc lên xuống phà rất cần quy lát: “xuống phà xe trước người sau/lên phà người trước xe sau vội gì” để nhắc nhở người dân tuân thủ quy định khi lên xuống phà, tránh tai nạn, đặc biệt khi nước cạn, nhiều vật cản,...

 Lái xe dù kỳ cựu đến đâu mà chưa từng lên xuống phà cũng rất khó khăn, đặc biệt khi quađoạn gồ gấp nối giữa thân phà với lưỡi phà. Bản thân tôi đã 2 lần gặp sự cố xe mình đang đi. Đó là: Trong dịp cưới con gái, sau khi tổ chức Lễ THÀNH HÔN tại nhà Trai ở Thụy Xuân, Thái Thụy, Thái Bình vào ngày 26/10/2009 (tức là ngày 09/9/Kỷ Sửu) cả đoàn nhà gái sang Hải Phòng trên một xe 45 chỗ từ Lào Cai xuống, thăm quê hương. Khi từ Phà lên Bến, lái xe quên đi “chéo” để giảm độ gồ gấp nơi khớp nối nên “sát xi” xe đã “sạt” gầm. Năm sau, khi qua phà hồi 5/2010 cũng tương tự nhưng với xe con!

Ngày nay, Cầu Khuể to lớn  đã thay thế bến phà đi vào lịch sử. Cầu được đặt tại vị trí cách bến phà 72 m về phía thượng lưu, nơi dòng sông rộng hơn 700 m và sâu hơn 10m; khởi công ngày Phụ nữ Việt Nam, 20/10/2007 và được khánh thành sau đó 3 năm vào sáng 6/10/2010. Sự kiện khánh thành cầu Khuể đáp ứng được mong muốn của nhân dân hai bên bờ, nhân dân các huyện phía Nam Hải Phòng và việc này đã được khắc ghi trên tấm bia đá đặt trong chùa Thắng Phúc[10] ngay gần đê (huyện Tiên Lãng).

Năm 2007 khi phê duyệt dự án, cầu Khuể chỉ có phần cầu và đường dốc cầu với tổng mức đầu tư 236,460 tỷ đồng. Sau đó, đến năm 2009, khi quá trình thi công cầu Khuể bước vào chặng nước rút, cử tri 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo kiến nghị tỉnh lộ 354 quá hẹp và đã xuống cấp nên cần tiếp tục cải tạo nâng cấp với quy mô đường cấp 3 đồng bằng để phù hợp với cầu Khuể, bảo đảm năng lực khai thác và an toàn giao thông trên toàn tuyến. UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh dự án, bổ sung công trình cải tạo nâng cấp 6,5km đoạn đường từ cầu Đen (huyện Tiên Lãng) đến đầu cầu Nguyệt (huyện An Lão nâng tổng mức đầu tư lên 479, 008 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách thành phố[11].

Cầu dài 787 m, rộng 11 m, tĩnh không 10m. Kết cấu cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng và dầm super-T, móng cọc khoan nhồi đường kính 1,2m gồm 12 trụ 2 mố với 13 nhịp vượt sông Văn Úc, nối liền 2 huyện Tiên Lãng và An Lão. Đường dẫn hai đầu cầu có bề rộng nền đường 12m, phần xe chạy rộng 7m. Chiều dài đường dẫn bờ An Lão là 205m, bờ Tiên Lãng là 306,5m nối vào đường tỉnh lộ 354. 

Cây cầu đã phá cái thế “ốc đảo”, bốn bề bị bao bọc bằng sông rộng, biển lớn của Tiên Lãng. Từ đây 2 huyện phía Nam của Hải Phòng (Tiên Lãng, Vĩnh Bảo) gần với trung tâm hơn và sự gắn bó An Lão - Tiên Lãng càng mật thiết hơn!

Vui một tí: nếu coi con đường liên huyện 354 như một nét sổ thì các con đường liên thôn vùng Chiến Thắng là những nét ngang mà nét thứ nhất là đường nối Kim Côn với Cốc Tràng cắt 354 tại ngã tư Quán Hương, nét thứ hai là đường đê Tả Văn Úc nối Tân Thắng với Tôn Lộc giao 354 tại Bến Khuể; còn sông Văn Úc là nét trên cùng ta được chữ ghi bằng Hán tự là . Chữ này, với phiên thiết “thư cửu thiết” 書九切 nên có âm “thủ” nghĩa là “cánh tay” và có mã U+624B, thuộc bộ “thủ” 4 nét.

Những địa danh liên quan đến Văn Úc kể trên tôi từng đến hồi trước 9 tuổi khi chưa lên Lào Cai và sau này từng đến (đi qua, chiêm bái 1 lần hay đặt chân đến, ngắm nhiều lần, sống nhiều ngày). Gần đây và thăm viếng nhiều nơi trong vùng là vào tháng 4/2015 khi tôi cùng mẹ, vợ và em gái về quê nhận mộ tiết Thanh minh, thông qua Gia phả, giỗ Tổ ngành, thăm bà con họ mạc, tham quan một số thắng tích cả An Lão và bên Tiên Lãng cũng như Bến Khuể.

Từ sau những năm 199x, đi công tác và có dịp qua quê nhiều và chả có lần nào về quê mà tôi không thăm lại sông Văn Úc, Bến Khuể và Cầu Khuể mà lần nào cũng thấy mới, lạ, háo hức!.

-Lương Đức Mến, đêm Cốc Vũ, 01/3/Quý Mão-

[1] Cây vải, còn gọi là lệ chi 荔枝 (Nephelium litch hay Litchisinensis) là loài duy nhất trong chi Litchi thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae). Đây là loài cây ăn ăn quả quý thân gỗ. Quả chín ăn ngon, bổ, đặc biệt là bổ não, có tác dụng chữa bệnh đường ruột vì vậy người Quảng Đông cho rằng ăn một quả vải bằng giữ ba ngọn đuốc trong người (一啖荔枝三把火, nhất đạm lệ chi tam bả hỏa). Trồng vải còn là nguồn cung cấp nhiều mật tốt cho nghề nuôi ong và cho gỗ tốt. Vải khô, vải hộp là hàng xuất khẩu có giá trị...

Tương truyền cây vải thiều được chuyển ra trồng từ miền Châu Hoan (Thanh Hóa) ra có mặt ở vùng này từ thời Mai Hắc Đế (梅黑帝, ?–722). Nhưng có tài liệu viết rằng cây vải thiều có nguồn gốc Trung Quốc do ông Hoàng Văn Cơm ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đem về cách nay khoảng 150 năm. Do đặc điểm thổ nhưỡng nên cây vải gặp đất hợp phát triển và hình thành nên hương vị riêng, độc đáo.

[2] Vì có nhiều bến đò sang ngang hay còn gọi là Cửu Biều 九裒 bởi nó uốn 9 khúc. Khi đến ngã ba các xã Tân Viên, Tân Dân, Mỹ Đức nó nhận thêm nước của sông Ba La, là con sông cũng khởi từ Văn Úc tại nơi giáp ranh Tân Thắng (thuộc Chiến Thắng) với Đại Điền (của Tân Viên).

[3] Tức Bèo tây (Pontederia crassipes) còn được gọi là bèo Nhật Bản là một loài thực vật thủy sinh, thân thảo, sống nổi theo dòng nước, thuộc về chi Pontederia của Họ Bèo tây (Pontederiaceae). Nó cao khoảng 30 cm với dạng lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt, gân lá hình cung dài, hẹp.

[4] Là tên gọi của một nhóm thực vật trong họ Cói (Cyperaceae), chủ yếu thuộc chi Cyperus (cùng các loài lác, cú). Tại Việt Nam  loài chủ yếu được trồng là cói bông trắng (Cyperus tegetiformis) và cói bông nâu (Cyperus corymbosus) dùng chủ yếu để lợp nhà, dệt chiếu và sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ từ cói như: Túi, làn, dép, nón cói và nhiều các mặt hàng khác được ưa chuộng.

Loại đất thích hợp hơn cả là đất phù sa ven biển hay ven sông với nước lợ, pH khoảng 6-7, độ mặn khoảng 0,15 ‰. Với 2 vụ chính là vụ chiêm (tháng 2-3), vụ mùa (tháng 7-8); cói bãi trồng tháng 5-6 khi bắt đầu có nước lũ, độ mặn giảm. 

[5] Rươi (Tylorhynchus sinensis), loài giun đốt, lớp Giun nhiều tơ (Polychaeta), sống ở vùng cửa sông nước lợ, ven biển vịnh Bắc Bộ. Thân gồm trên 50 đốt, mỗi đốt có một đôi chi bên mang một chùm tơ, là cơ quan vận động. Phần đầu được chuyên hoá với nhiều cơ quan cảm giác. Thân có màu hồng, nâu nhạt hoặc xanh lá cây. Có giới tính phân biệt rõ rệt và đã phát triển những tập tính bảo đảm cho sự thụ tinh có hiệu quả cao.

Đến mùa sinh sản vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch, Rươi từ những hang hốc ở ven bùn nổi lên mặt nước, cùng tiết trứng và tinh trùng và quá trình thụ tinh diễn ra trong nước. Quá trình này phụ thuộc vào chu kì mùa vụ, liên quan đến nhiệt độ môi trường. Độ dài ngày, ánh sáng, độ cao của thuỷ triều, tốc độ dòng nước, số lượng thức ăn... là những yếu tố sinh thái bảo đảm tỉ lệ sinh sản cho loài.

Rươi là nguồn thực phẩm có giá trị, thường trộn lẫn trứng gà rán thành chả và khá cay!.

Ngày nhỏ ở quê nhiều lần tôi đã đi vớt rươi khi đi thả trâu mà gặp. Khi đó không có dụng cụ chuyên nghiệp phải cởi cả quân làm “te” chắn. Nhưng những năm lớn lên có dịp về quê thấy rươi ít hẳn chắc do đồng đất quê tôi sử dụng hóa chất nhiều. Khi đó, ngay người dân vùng "nước lợ" quê tôi vẫn phải dùng "rươi đông lạnh" mỗi khi đãi khách!

[6] Bơn là doi đất bồi nổi giữa sông, trên đó có cây tự nhiên hay hoa mầu do dân trồng.
Bơ khu vực này gần cửa sông nên chỉ có sú vẹt, dân không trồng cấy gì. Những năm 1990s đoạn sông giữa đê và bơn đã lấp đầy thành đát làm nhà, công xưởng,...nên bơn không còn.

[7] Chính nơi đây cụ Phạm Đình Khanh 范廷牼, hậu duệ đời thứ 16, 17 của Phạm Ngũ Lão (范五老, 1255-1320) và là người con thứ tư của Thượng tổ Phạm Công Quý 范公貴 từ Đường Hào 唐豪 sang lập nghiệp vào năm Bính Thân, 1716. Cụ mất ngày 09 tháng Giêng năm Canh Thân, 1740. Đời sau suy tôn là Cụ Tổ họ Phạm ở đây 范谷場肇祖. Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão nhiệm kỳ 2010-2015 là Phạm Duy Đảm người Cốc Tràng nhưng không thuộc dòng họ cụ Phạm Đình Khanh.

Liền với Chiến Thắng là An Thọ, quê hương của Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn 黎克謹黃甲. Cụ Cẩn người làng Hạnh Thị 杏市 tổng Đại Phương Lang 大芳榔, huyện An Lão 安老, phủ Kiến Thụy 建瑞 (nay là thôn Hạnh Thị, xã An Thọ, huyện An Lão). Hiện Đền thờ ông đã trùng tu rất to đẹp, đàng hoàng tại quê hương. Muốn sang đây bằng ô tô phải ra đường 354, dế Chợ Thái, rẽ trái qua An Khê.  

[8] Trận này có công lao đóng góp của bố (người cùng cán bộ xã thảo và đưa thư vào cho nhân mối) và chú thím tôi (khi ấy chèo đò trên sông Khuể). Tiếc rằng chuyện đóng góp đó có truyền ngôn và ghi trong Gia phả nhưng không thấy Lịch sử Đảng bộ xã Chiến Thắng chép rõ.

[9] Một lần, trước khi xuống thuyền trên sông Văn Úc , Tổ dặn: Nếu Cụ không về thì nhớ ngày này làm ngày Giỗ. Và lần ấy cụ bị trận vong. Sau này cả họ lấy ngày Tổ ra đi đánh trận không về (Rằm tháng Giêng) là ngày Chạp Tổ, vừa linh thiêng tưởng niệm người có công, vừa đúng tháng hội hè, ít ảnh hưởng đến việc sản xuất của cháu con.

Vì vậy tôi từng tâm đắc câu nhớ về  Nội Tổ 梁皋密肇祖 梁公澤:

象山德基門戶詩禮憑舊蔭: Tượng Sơn đức cơ môn hộ thi lễ bằng cựu ấm;

郁江人脈亭皆芝玉惹莘香: Úc giang nhân mạch đình giai chi ngọc nhạ tân hương.

(Nghĩa là: “Núi Voi xây nền đức, gia tộc dòng dõi bởi nhờ ơn đời trước;  Sông Úc tạo nguồn nhân, cả nhà giỏi tài vì sức gắng lớp sau”)

[10] 勝福寺 là một ngôi chùa lớn được nhà Lý xây dựng để an trấn vùng Duyên hải của Đại Việt. Đây là một công trình Phật giáo lớn toạ lạc ven dòng sông Văn Úc cạnh bến đò An Tháp (bến Sứa), địa phận trang Mĩ Huệ thuộc Lộ Hồng Châu. Các công trình kiến trúc chùa chiền xây dựng từ thời Lý, đời Vua thứ 3 là Lý Nhân Tông (李仁宗, 1026 – 1128). Trong lịch sử, ngôi chùa nay, thời chống Pháp có 5 nhà sư là liệt sỹ hiện vẫn được thờ cúng tại đây.

Tôi đã từng đến đây và cả Đền Gắm, Đền thờ Lê Khắc Cẩn,... vào tháng 4/2025 trong lần về quê, có ảnh lưu : https://khoanhcuamen.blogspot.com/2015/04/

[11] Các đơn vị tham gia:

Chủ đầu tư công trình: UBND TP Hải Phòng

Đại diện Chủ đầu tư: Ban quản lý các Dự án Cầu Hải Phòng

Đơn vị TVTK: Công ty CP TVTK Cầu lớn-Hầm

Đơn vị TVGS: Công ty CP TVTK Đường Bộ

Đơn vị thi công: Liên danh Công ty cổ phần cầu 11 Thăng Long, Cty cầu 5 Thăng Long và Cty CP IDC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!