[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


22 tháng 3 2023

Về Cụ BÁ ỔN

Hôm Giỗ Tổ ngành ở quê (sáng 19/02 Quý Mão, tức thứ Sáu ngày 10/3/2023) có người hỏi tôi về cụ Bá Ổn. Tôi xin lược chép lại những gì tôi tiếp nhận từ Gia phả của Phụ thân tôi để lại và Gia phả ngành để nhớ và phổ biến thế này:

Cụ là con cả cụ Hòa (kị 04/9 hay 03/7 ?) và cụ bà Nguyễn Thị Tích 阮氏昔 (15/6), anh trai cụ Lương Đức Mục (, chuyển sang Tứ Kỳ, Hải Dương, sinh 3 Nam đã đi Tân thế giới, 3 gái ở bên Hải Dương không có thông tin)

Cụ Ổn là cháu Lương Đức Xưng 梁德称 với bà hai Nguyễn Thị Dụng. Cụ kị 27/02 (hay 27/Giêng). Cụ là Tổ Ngành Nhất của Chi Hai.

Là chắt Tổ Chi Hai 第二支祖 là Lương Công Tú 梁公秀, con thứ Ba của Tổ (đời thứ Hai họ Lương Chiến Thắng 第二代祖), thuỵ Đức Long[1] 德隆, hiền thục, gia tài giầu, muộn đường con cái. Kị ngày 29/5 (24/5 ?). Mộ phần tại bản quán.

Cụ Tú lấy 4 vợ (Nhượng, Dụng, Châu, Chiền), sinh 6 nam (Xưng, Hanh, Lân, Mã, Ly, Phượng). Con cháu cư ngụ Mông Tràng Hạ, Hương Lạp và xóm Trại (Tôn Lộc) cùng Tổng Cao Mật (nay là xã Chiến Thắng). Về sau một số con cháu vào Nam (1954, 1975), lên Lào Cai (1964-1971),... số đông vẫn ở lại quê.

Đúng ra việc Giỗ Tổ Ngành Hai là vào ngày 24 (có chỗ viết 29) tháng 5 (ngày kị của Tổ phụ  Lương Công Tú) và do hậu duệ cụ Hợp đảm trách. Nhưng con cháu cụ Hợp (con cụ Xưng) theo Đạo, đi Nam năm 1954 và 1975 nên dòng Trưởng chẳng còn ai ở lại quê. Em là Hoà (em cụ Hợp, sinh 8 nam là Thắng, Liên, Tuế, Sắc, Nhương, Toại, Chuyển, Thiểm) giữ phần hương khói, ở xóm Trại.

Quan viên họ thấy tháng 5 bận thu mùa nên đã chuyển việc giỗ họ từ ngày kị Tổ phụ sang ngày kị Tổ mẫu (19/2) và thực hiện tại nhà Lương Đức Thực (đời thứ 7, là con ông Tơn, cháu cụ Huỳnh, chắt cụ Tuynh, chút cụ Hanh) ở Hạ.

Sau khi L.Đ.Thực mất, từ năm 2006 chuyển sang nhà con Lương Đức Bường là Lương Đức Thành (đời thứ 8 tính từ cụ Tổ chung và là đời thứ 7 tính từ cụ Tổ ngành hưởng giỗ), nghi lễ thường đơn giản. Theo thứ tự các đời tính từ cụ Tổ xuống là: Nghệ - Tú – Xưng – Hòa - Ổn – Liên – Bường –Thành).

Trên Lào Cai khá đông con cháu đã thực hiện trong các năm 1989, 1993, 2007, 2022 tại Phong Niên, nhưng chưa thành phổ biến và một số thành viên chưa tích cực tham gia.

Do năm Giáp Ngọ (ứng với 2014 dương lịch) nhuận tháng Chín cho nên ngày Thanh Minh 2015 (05/4) rơi vào trung tuần tháng Hai âm lịch mà cụ thể là Chủ Nhật, ngày 05/4/2015 tức ngày 17/2 Ất Mùi gần ngày Giỗ Tổ Chi Hai (19/02). Dịp này, đoàn Lào Cai đã lần đầu về dự[2] Giỗ Tổ Chi. Tại buổi giỗ này, ý tưởng, kế hoạch lập Gia phả Chi (ngành) do Lương Đức Mến đưa ra được mọi người ủng hộ.

Cụ Ổn trong Phả đồ Chi Hai

Cụ Ổn 梁德稳 (đời thứ Năm) từng làm Chánh tổng 正總 tước Bá hộ 伯户.

Từ Phương Lạp, Mông Tràng Hạ, Cụ Ổn đưa gia đình xuống vỡ hoang cạnh Cốc Tràng, gần đê lập ra xóm Trại (Tôn Lộc, cách làng cũ 1, 5 Km). Về thời điểm cụ xuống khai hoang, lập ra xóm Trại không thấy chép trong Gia phả và chưa kê cứu được. Chỉ biết thôn có 6 dòng họ[3] với 98 hộ và 500 nhân khẩu sinh sống trên 28,35ha. Phía bên phải đường từ Cốc Tràng xuống xóm Trại có Chùa Tôn Lộc nằm trong Kỳ viên thiền tự 奇园禅寺, có tháp Bảo Minh 寶明塔 bằng đá với hơn 400 năm lịch sử. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử kháng chiến[4] và đang được trùng tu, mở rộng từ 2016 nhưng khi tôi thăm (chiều 10/3/2023) vẫn chưa xong.

Cụ lấy 3 bà là Lê Thị Lan, Đào Thị Mận, Ngô Thị Sen.

Sinh 8 nam (Thắng, Liên, Tuế, Sắc, Nhương, Toại, Chuyển, Thiểm) là tiên tổ những người họ Lương ở Tôn Lộc và một số ở Hạ; và 3 nữ. Trong đó có bác Liên là ông Nội Thành (Sơn, ở quê Phương Hạ), bác Tuế là bố đẻ anh Thuế (ở Trì Quang), bác Sắc là ông Nội Vương (lấy Phạm thị Bòn ở Cốc Tràng); còn phần đông ở Tôn Lộc.

Theo một số người nhớ lại thì cụ Bá Ổn là người có công nhiều với dòng họ: dựng lại Từ đường, cùng với cụ Bá Lăng (?) lập mưu đổ vụ người nhà cụ Cai Huỳnh đâm chết người cho nhà cụ Chánh Mai (?, có thế lực) để nhẹ tội. Nghe đâu trận này máu chảy thấm ruộng cày, Quan về bắt có 8 nam phải đi tù.

Chú ý: “Bá hộ” là phẩm hàm cấp cho hào lí hoặc kẻ giàu có, nhiều điền sản ở nông thôn Việt Nam thời phong kiến, nó ngang với “Cửu phẩm”. Tương tự phẩm hàm “Viên ngoại” bên Trung Quốc trong câu “có nhà viên ngoại họ Vương” ở Kiều!.

Về công lao của cụ Bá Ổn với Đại tôn Từ đường:

  Trước kia Từ đường 梁族祠堂 thế nào, ở đâu, dựng bao giờ chưa rõ. Gia phả Lương Hoàn có chép cụ Quản (1806-1886) có “hưng công xây dựng Từ đường” nhưng không ghi năm và là nhà thờ họ hay chi họ. Đoạn chép về cụ Tuần Ngoạn (đời thứ Tư, 1840-1905) sau khi được phong Chánh Tuần huyện (Giáp Thân 1884) đã trùng tu Từ đường. Đến tháng 10 Bính Tuất (1886), Từ đường bị “phỉ đảng” thiêu phá và bắt đi một người con gái 6 tuổi tên Thôi, năm sau gian đảng lại phá tiếp. Đến năm Thành Thái thứ 7 (Ất Mùi 1895) cụ hợp cùng các Chi tái tạo Từ đường.

Gia phả ngành Hai chép: Truyền rằng vào đời thứ Năm, Cụ Bá Ổn cùng họ mạc đã dựng lên ngôi nhà gỗ Lim 3 gian dùng làm nơi tưởng niệm tổ tiên của dòng họ. Đầu kháng chiến (1945-1954) trong một trận càn, Pháp đã đốt cháy (đây là trận càn vào Khu Hoàng Diệu hồi 14 tháng 7 Đinh Hợi  (29/8/1947)). Trong CCRĐ nền Từ đường được chia cho từng hộ. Từ đó, do hoàn cảnh kinh tế và xu thế chung nên việc thờ cúng đều tiến hành tại nhà Trưởng họ mà không có Từ đường. Tự khí 祀器 đã sắm cũng bị cháy, thất lạc không còn giữ được. Riêng ngành Lương Hoàn còn giữ được đất và dựng nhà thờ họ từ đời thứ ba bởi cụ Lương Công Quản (thân phụ Cụ Tuần Ngoạn)[5] và bảo tồn được trong CCRĐ sau 1954.

Cứ như tôi hiểu thì Xóm Trại Tôn Lộc nên tôn vinh cụ là THÀNH HOÀNG làng.

-         Lương Đức Mên, 22/3/2023-



[1] Thủa xưa nam  đến 20 tuổi phải có “Tự”, chỉ rõ chí hướng tâm tư  德隆,có hàm ý “đạo lý tốt đẹp”.

[2] Khi đó, tôi đã nghỉ hưu, mẹ sang tuổi 93 rất muốn về, “một công đôi ba việc” vợ chồng tôi đưa mẹ, có cô Thường áp tải về quê. 50 năm xa quê, đây là lần đầu gia đình nhận mộ trong ngày Thanh Minh,

[3] Trong đó có họ Hoàng, mà họ Hoàng ở đây vốn gốc họ Mạc ở Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) buộc phải đổi họ (giữ bộ “thảo ) tránh diệt tộc sau khi nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) đổ. Cùng với họ Nguyễn, họ Hoàng là hai họ có mặt khai khẩn vùng Tôn Lộc trước cả khi cụ Tổ họ Lương đưa con chấu đến khai khẩn vùng này!.

[4] Bởi quyết định số 3025 /QĐ - UB ngày 30/10/2001 của UBND thành phố Hải Phòng.

[5] Cố 梁公管 là con thứ Tư của Đệ Nhị đại Tổ Thiệu. Cụ lấy 11 bà,  sinh 8 Nam, 13 nữ và cũng là người nhận cụ Nội tôi là Lương Đức Trính làm dưỡng tử. Cố thọ 80 tuổi (1807-1887) và từng tòng chinh đánh dẹp Lê Duy Phụng  (黎維奉, ? – 1865, nổi dậy chống triều đình tại vùng Quảng Yên, Hải Dương).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!