[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


25 tháng 1 2023

Tìm hiểu về NGÀY NƯỚC KÉM

Thuở nhỏ, đâu như hồi 8, 9 tuổi gì đó, khi còn ở quê dưới Hải Phòng tôi đã nghe bà Nội nói ngày 5 Tết là ngày “nước kém”, chả nên làm gì! Nhớ vậy nhưng chưa rõ vì sao? Lớn lên và dần tìm hiểu tôi mới ngộ ra một số điều:

Nước: Xứ ta là xứ Nông nghiệp mà việc trồng cấy cây Lúa, Hoa mầu phụ thuộc nhiều vào “nước”. Ảnh hưởng cực kỳ lớn của nước đã được cổ nhân đúc kết:  “nhất nước, nhì phân, tâm cần, tứ giống”.

Từ đó có khái niệm Con nước là từ thuần Việt chỉ một chiều nước xuống (từ trong sông ra biển) hoặc nước lên (từ biển chảy vào sông). An Lão, Hải Phòng quê tôi là vùng “nước lợ”, gần cửa Văn Úc mà biển vùng này theo “chế độ Nhật triều” (khác với phía Nam là “bán Nhật triều”), tức ngày chỉ có 2 con nước: nước xuống trong 12 giờ và nước lên trong 12 giờ. Khi chăn trâu ở bờ đê bên Tả sông Văn Úc hay thả cho trâu ăn ngời bãi bơn ngoài đê, hồi 7, 9 tuổi tôi thấy rõ điều này. Hiện tượng đó gọi là “Thủy triều” mà lứa chúng tôi được học từ những bài Địa lý sơ đẳng, trong đó giải thích rằng: do ảnh hưởng của mặt trăng (lực hấp dẫn), của gió, của mùa, của dòng biển và sức hút của Trái đất. Khi vào học ĐHQY tôi rõ rằng: cơ thể con người có đến 70% là nước nên sức hút đó ảnh hưởng đến con người là phải!.

Ngày con nước lên là khi mặt trời và mặt trăng nằm cùng 1 phía so với trái đất, Thủy triều đạt cực đại. Khi đó, theo như lưu truyền trong dân gian Việt Nam được coi là ngày cực kỳ xấu, trăm sự đều kỵ, nhất là rơi vào giờ con nước xuống. Các cụ ta vẫn có câu: “Dù ai buôn bán trăm nghề, phải ngày con nước đi về tay không” hay câu “Dù ai giao hợp vợ chồng, phải ngày con nước khó lòng nuôi con”. Sau khi đạt cực đại, Thủy triều xuống và khi đó là con nước xuống.

Cũng vì coi trọng như vậy nên cổ nhân đã, qua quan sát và tích lũy kinh nghiệm biết tính ngày con nước. Theo đó, ngày đó rơi vào 6 cặp tháng như sau: Tháng 1+ 7 : ngày con nước rơi vào mùng 5 – 19; Tháng 2 + 8 : ngày con nước rơi vào mùng 3 - 17 – 29; Tháng 3 + 9 : ngày con nước rơi vào 13 – 27; Tháng 4 + 10: ngày con nước rơi vào 11 – 25; Tháng 5 + 11: ngày con nước rơi vào mùng 9 – 23; Tháng 6 + 12: ngày con nước rơi vào mùng 7 - 21. Tất cả tính theo lịch Âm và cũng vì nó theo từng tháng khác nhau nên còn gọi là ngày Nguyệt kị..

Kết quả tính toán đó được ghi vào lịch thư và đó là ngày nước kém - xấu (sinh được 1 con nước); trước ngày con nước 1 hôm là ngày chết con nước - Cực Xấu (trăm sự ko nên làm); đến ngày thứ 3 là được 3 con nước (là ngày nước bình, không lên, không xuống, là ngày không đẹp); từ ngày thứ tư sẽ bắt đầu tính là ngày nước lên mọi sự sẽ tốt. Đến ngày thứ 6-7 là ngày nước cường - Cực Đẹp (trăm sự đều tốt); sau đó, từ ngày thứ 8 nước bắt đầu xuống, mỗi ngày xuống 1 con nước sẽ xấu dần theo con nước đến 7 ngày tiếp lại là chu kỳ mới.

Tuy ngày Con nước từ xưa tới nay trở thành một trong những ngày xấu, ngày đại kỵ với các việc lớn, là những điềm báo không tốt nếu tiến hành bất cứ việc gì cũng sẽ không được thuận lợi, suôn sẻ; đặc biệt những việc quan trọng của đời người như cưới hỏi, kết hôn, khai trương, nhậm chức, ký kết hợp đồng,...Nhưng với một nước Nông nghiệp thì ngày này lại có tác dụng giúp người dân biết thời điểm nước về để phục vụ cho tưới tiêu ruộng đồng, vườn tược, đi câu và khai thác cũng như nuôi trồng thủy hải sản.  

Như vậy, việc quan trọng như ký kết, động thổ, khai trương, khánh thành, cưới hỏi...... ngoài việc xem chọn ngày theo tử vi (Hoàng Đạo, Hợp tuổi, hợp mệnh...) phải kết hợp xem cả ngày con nước tránh mọi sự làm vào ngày Chết Con Nước - Nước Kém mà nên Chọn Ngày Nước Cường - Nước Lên.

Ví dụ, sau Tết Quý Mão 2023 này thì:  ngày 05 là ngày con nước. Hôm đó là thứ Năm, ngày 26/01/2023, là ngày Giáp Thân (Tuyền Trung Thủy), có Chi khắc Can (Kim, Mộc), là ngày hung (phạt nhật), thuộc hành Thủy khắc hành Hỏa. Ngày này ứng với Trực: Nguy và Sao: Khuê (hung) trong bộ Nhị Thập Bát Tú, có các Sao xấu là: Bát Tọa, Du Họa, Hỏa Cách, Kim Đao, Long Hội, Lục Bất Thành, Mộ Nhật, Nguyệt Kị, Ngũ Ly, Phạt Nhật, Phục Tội, Sơn Ngân, Thổ Cấm, Tứ Hư, Đao Khảm Sát nên trong dân gian kiệng kị khá nhiều việc (bách sự bất nghi), đặc biệt mở kho, chi tiền, kê giường,…

Trước 01 ngày là hôm nay, 04 tháng Giêng là ngày chết con nước, là thứ Tư ngày 25/01/2023. Về Âm lịch, đó là ngày Quý Mùi (Dương Liễu Mộc), có Chi khắc Can (Thổ, Thủy), là ngày hung (phạt nhật), thuộc hành Mộc khắc hành Thổ. Ngày này ứng với Trực:  Phá và Sao: Bích (cát) trong bộ Nhị Thập Bát Tú, có các Sao xấu là: Cửu Không, Huyền Vũ, Nguyệt Phá, Phá Bại Tinh, Phạt Nhật, Thần Cách, Tứ Bất Tường, Tứ Kích, Tứ Quý Bát Tọa, Tử Biệt, Xúc Thủy Long, Đại Hao. nên trong dân gian kiệng kị khá nhièu việc (an phủ biên cảnh, an sàng, an táng, an đối ngại, ban chiếu, bàn di, bách sự bất nghi, bổ viên, chiêu hiền, chỉnh dung thế đầu, chỉnh thủ túc giáp, cầu tự, cổ chú, cử chánh trực, di tỉ, doanh kiến cung thất, giao dịch, giá thú, huấn binh, hành hạnh, hành thuyền, hưng tạo, khai cừ, khai quật, khai thương khố, khai thị, khai trì, khai tỉnh, khiển sử, khánh tứ, khải toản, khởi thủ tu tác, kinh lạc, kết hôn nhân, lâm chánh thân dân, lâm quan, lập khoán, lập trụ, mục dưỡng, nhập trạch, nạp súc, nạp thái, nạp tài, phó nhậm, phạt mộc, quan đới, thi ân phong bái, thiện thành quách, thưởng hạ, thượng biểu chương, thượng lương, thượng quan, thượng sách, thụ trụ, thủ ngư, thủ thổ, thừa thuyền, tiến biểu chương, tiến nhân khẩu, trúc đê phòng, tu cung thất, tu lục súc lan, tu sức viên tường, tu thương khố, tu trí sản thất, tuyên bố chánh sự, tuyển tướng, tài chế, tài chủng, tạo tác, tắc huyệt, tế tự, tố họa thần tượng, uấn nhưỡng, viễn hành, vấn danh, xuyên tỉnh, xuất hành, xuất hóa tài, xuất sư, yến hội, độ thủy, động thổ), đặc biệt kiện tụng, uống thuốc,…(nhưng trong cấp cứu, đièu trị theo chỉ định của y sinh thì phải khác!).

Do vậy, trong thời @ đừng quá nệ cổ mà cần biết thức thời, vận dụng cho đúng, cho hợp!

-Lương Đức Mến, 04 tháng Gieng Quý Mão-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!