[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


10 tháng 1 2023

Chị tôi RA ĐI

Tôi lớn nhất nhà nên trên tôi không có anh hay chị gái ruột. Do vậy, con gái cô ruột tôi (quê tôi, chị gái bố cũng gọi là ) thành chị gái gần gữi nhất của tôi. Hầu như mấy tháng tôi lại từ thị xã (nay là thành phố) tỉnh lị Lào Cai qua An Tiến, Sơn Hải thuộc Bảo Thắng thăm chỉ một bận.

Mấy tháng nay chị trở bệnh nặng, con gái lớn của chị là Mường đưa sang nhà (bên Phố Lu) để tiện chăm sóc và cấp cứu khi cần vì nhà cháu ngay sát BV huyện. Chiều 09/01/2023 (tức 18 tháng Chạp, thứ Hai) cháu Thắng Lan (con anh Tầu, tức Thanh, tái giá với chị Tho ở Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội vừa mới lên Sơn Hải sáng nay theo điện của con cháu) thoại cho tôi bảo  “Cô cháu yếu lắm rồi, chỉ còn thoi thóp và đã đưa về Sơn Hải”. Tôi thay đổi kế hoạch và sáng hôm sau về nhà Mẫu thân tôi ở Phong Niên, dọn dẹp nhà cửa, rửa đồ tế khí, chỉ để nguyên Bát hương, đem phơi. Sau đó tôi ra Phố Lu qua cầu ngược lên Sơn Hải vào thăm chị ở An Tiến, gần cây xăng. Lúc này chị đã không biết gì, các cháu đang mở radio để cho chị nghe tiếng tụng kinh hộ niệm. Ngó một lát gương mặt hốc hác đen sạm của chị, tôi ra ngoài, bùi ngùi ngược thành phố và biết rằng đây là lần gặp mặt cuối cùng với chị !.

Tầm hơn 20 giờ một chút, khi đang xem bóng đá trận bán kết AFF Cup 2022 Thái Lan – Malaysia, tôi thấy em trai ruột chị là anh Tầu điện bảo : “Cô Phường đã ra đi hồi 8 giờ tối vừa rồi”. Chưa kịp hỏi xem đằng chồng nhà chị ở quê lên kịp không (lúc trưa thấy các cháu bảo đang lên) tôi thoại ngay cho các em tôi ở Phong Niên và Chủ tịch HĐHHP xã Sơn Hải. Với các em, tôi định rõ : công việc Mừng thọ trên xã cứ tiến hành theo Kế hoạch đã định của địa phương (có mẹ tôi tuổi 100), ai sang Sơn Hải là mũi riêng. Bây giờ ngồi vào trước máy gõ những dòng này.

Cô ruột tôi 梁氏巿 Sinh năm Giáp Dần, Duy Tân thứ 8 (1914). Như vậy tên của cô, bố và chú tôi sẽ là: ,,, với nghĩa: Vui vẻ, họp chợ, thương yêu , yên vui. Các bậc cao niên kể rằng : sau khi bà nội tôi sinh 2 gái (Ri, Thị), ông nội tôi bỏ ra ngoài Vàng Danh, Cẩm Phả làm phu mỏ Than. Mãi khi cụ Mạo sai con là Liêm (tuy là cháu gọi ông tôi bằng chú nhưng còn hơn cả tuổi ông) ra tìm và rủ ông về vào dịp Hội thả Diều của làng. Từ đó bà tôi sinh tiếp bố và chú tôi và cũng vì vậy, bố tôi cách cô tới 6 tuổi.

Cô tóc dài, mỗi lần gội đầu phải kê ghế để đứng chải tóc. Lớn lên trong khốn khó, không được học hành, phải cùng mẹ bươn chải nuôi em từ nhỏ. Người đảm đang, có trách nhiệm với việc họ, việc làng, hơi “khó tính”, ít hợp với con cái[1]. Vất vả đường chồng con.

Năm 1962 từ Mĩ Đức, bà đem theo con trai cùng gia đình con gái lên khai hoang ở Sơn Hải[2], thuộc Đội An Lão. Hoàn cảnh “mẹ goá con côi” nên dù có ở quê mới vẫn không mấy khá giả. Khi các gia đình ở Chiến Thắng, Mỹ Đức lên lập HTX An Phong bên Phong Niên vào 2/1964, bà đã tích cực giúp giống rau, ngô, sắn. Năm 1966 bà chuyển sang gần nhà tôi ở An Phong, Phong Niên[3]. Đến khi con rể (Phạm Bá Ruân) tái ngũ lại về Khánh Địa (Soi Chát), Sơn Hải (khi ấy thuộc Nông trường Hà Nội) ở cùng con và cháu. Nông trường Phú Xuân đắp đập làm hồ nước dâng cao đường vào khó khăn. Khi con trai lấy vợ, ở riêng thì bà vẫn sống một mình. Thu nhập chủ yếu là rau và hoa quả trong vườn, có ít ruộng.

Bà mất 5 giờ 30 sáng 06-Giêng, Nhâm Thân (Chủ nhật 9/02/1992) sau mấy tháng ốm dài. Hôm cúng 49 ngày có cả Sư thày từ Nam Hà lên làm lễ[4]. Mộ táng tại Khánh Địa, Sơn Hải gần nhà con trai ở. Ngày 27/12/2007 (đêm 18 rạng 19/11 Đinh Hợi): gia đình thực hiện việc cải táng cho cháu nội bà là Nguyễn Văn Toàn đã kết hợp chuyển hài cốt Lương Thị Thị ra nghĩa địa chung của thôn[5].

Đời chồng trước: họ Nguyễn, người làng Yên Tử, Tiên Lãng, đi lính (làm tới Cai, tục gọi là Cai Tề) và chết trận ở Cao Bằng (kị 23/8). Do kinh tế khó khăn, hoàn cảnh xa quê nên họ mạc ở quê còn ai gia đình con cháu sau này cũng không tìm biết được[6].

Với ông này, bà sinh nhiều bận[7], đến trưởng thành còn 1 con gái là Phường. Khi ông Cai Tề mất,  cô tôi đem 2 con về bên ngoại (Làng Hương) buôn bán với mẹ đẻ, tức bà Nội tôi. Khi cô tái giá đem theo con gái về Lang Thượng[8].

Đời chống thứ hai Người Lang Thượng[9], Mĩ Đức, An Lão, tên là Nguyễn Văn Khuể (B.Đườn)[10]. Mất 27 tháng Giêng năm Ất Mùi[11] (19/02/1955). Sinh nhiều nhưng lớn lên chỉ còn 1 nam là Tầu[12].

Chị Nguyễn Thị Phường: theo hồ sơ “gia đình người có công” thì chị sinh năm 1940, nhưng có lúc chị bảo chị sinh năm đói Ất Dậu 1945; Còn Dâu trưởng nhà chị (vợ bác Phạm Bá Huy) bảo 2 chị em bằng tuổi nhau, nghĩa là cùng tuổi con Hổ (Mậu Dần,1938)! Mà có lẽ chị cầm tinh con Hùm thật!

Chồng chị là Phạm Bá Ruân, bộ đội phục viên người làng Lang Thượng. Năm 1962 lên Sơn Hải, Bảo Thắng. Đến 1967 P.V. Ruân tái ngũ[13] và hi sinh năm 1969. Từ năm 1995 chuyển từ Soi Chát ra An Tiến, cùng xã Sơn Hải cư trú bên hữu đường thị xã về Phố Lu. Đến 11/2008 BCH Đoàn các Cơ quan Trung ương và xã tặng tiền xây nhà tình nghĩa và chị cư ngụ tại đó (gần cây xăng Sơn Hải, bên phải đường 4E hướng từ Lào Cai về Phố Lu) từ bấy đến nay.

Anh chị sinh được 6 con:

+ Mường (chồng là Lý Tài Nguyên, người Dáy ở Bản Cầm, Dược sĩ Đại học) hai VC đều công tác tại BV huyện Bảo Thắng và LTN đã mất do K từ 2018. Các cháu có 1 trai (Trung-SN 1985), 2 gái (sinh đôi, lập nghiệp ở Hà Nội).

+ Miền: Hai đời chồng (1LS, 1 bỏ) được 2 gái, ở với mẹ ở An Tiến, Sơn Hải. Gái lớn tên Quyên lấy chồng ở Vĩnh Yên, gái sau là Hậu, lập nghiệp ở Sa Pa.

+ Tiến: Vợ là Ngạn, được 3 con ở Soi Chát, Sơn Hải. Trước từng lái máy ủi ở Công trình tuyển quặng, sau nghỉ việc. Mất 22/9/2008 (23 tháng 8 Mậu Tý) sau một thời gian dài nằm viện do rối loạn chức năng gan.

+ Quân: mất năm 1991 do bệnh cột sống.

+ Trường: Vợ là Tâm được 2 con (đã mất 1) ở Soi Chát, Sơn Hải .

+ Vinh: Vợ là Hường được 1 trai, 1 gái, nhà ở Soi Chát[14].

Nhìn chung, giống như mẹ, chị khá lận đận kể cả ở quê dưới Hải Phòng cũng như lên khai hoang ở Lào Cai. Kinh tế dạng chỉ đủ ăn, con cái có trai, có gái đấy nhưng hầu như trông cậy cả vào gái lớn nhưng từ ngày chồng cháu mất cũng hạn chế phần nào.

Lạ cái, chị chưa phải lớp người quá cao tuổi lại vợ bộ đội mà lại không biết chữ !

Vĩnh biệt chị! 

Lạ nữa, cũng như chị họ Phạm con anh Cả Mẹ tôi (chị Bộn) và mấy chị dâu họ Lương (vợ anh Đào), em trai con bà Dì ruột (Chuân) ở quê Hải Phòng,..., tôi cũng là một trong những người thân có mặt trước lúc họ về với Tổ tiên được ít giờ!

Chẳng phải do bói toán gì nhưng chắc do tôi luôn nghĩ và làm theo nguyên tắc: còn sống gặp được nhau, dù người tỉnh, người mê và với thời gian rất ngắn sẽ quý gấp vạn lời viếng ai oán và tiếng khóc sụt sùi khi người thân đã về cõi Vĩnh hằng” nên được trời xui đời khiến!

-            Lương Đức Mến, đêm chị mất-



[1] Nhưng bù lại cô rất chiều và quí tôi.Năm học 1964-1965 tôi học ở đây.Khi có cãi nhau giữa tôi và anh Tầu thì bao giờ anh cũng phải nhận  phần đòn.Thủa nhỏ đã vậy,lớn lên cũng thế.Cô đã từng xuống Yên Bái thăm vợ chồng tôi. Khi tách tỉnh Hoàng Liên Sơn (10/1991),gia đình tôi đến Tx Cam Đường hôm trước, 3 hôm sau Cô lên thăm ngay

[2] Là khu vực khá bằng phẳng ở bên Hữu ngạn sông Hồng,. Trước 1966 nằm trong xã Sơn Hà.

Khi gia đình tôi lên khai hoang, do đường xa, rừng rậm lại có một mình nên năm Lớp 2 (1964-1965) tôi học tại đây do thày Chin dạy.

Ngày đó Sơn Hải (Có nghĩa là từ biển lên rừng)  tổ chức mô hình giống kiểu Công xã hay nông trang bên Liên Xô,Trung Quốc. Dân cùng huyện lên được bố trí ở cùng Đội: An Lão, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng,Vĩnh Bảo theo đúng các huyện của tỉnh Kiến An cũ, nhà theo kiểu phố, mãi đến năm 1967 mới xếp lại nhà theo ý gia chủ. Hồi ấy SH là một trong những xã mạnh của huyện.Tôi đã từng dự một đám cưới một lúc 2 đôi tại Hội trường với Băng rôn: “Thụy-Chuyền, Chắp-Chón chan hòa niềm vui

[3]  Nền nhà là ao lớn phía sau nhà Bố tôi và cửa nhà bà Hội sau này.

[4] Sư lên Chùa bên Phong Niên, tiện dịp, mẹ và dì tôi nhờ sang cúng giúp.

[5] Bức ảnh khắc đá gắn trên mộ là ảnh tôi chụp trong dịp cưới Thức-Đào, 12/1988, tôi chỉ ân hận là dịp Cô lên thăm ở nơi tập kết (11/1991, khu Cung ứng, Apatit có ý định chụp ảnh mầu nhưng chưa kịp thực hiện).

Họ tên trên bia mộ, chả hỏi kỹ, các cháu khắc tên cô tôi là LƯƠNG THỊ THI và cháu và mấy anh họ Nguyễn còn Lý sự: “chẳng lẽ trong họ tên cụ lại có 2 chữ Thi”, chắc Gia phả viết sai”! Tôi giải thích: Họ tên cô tôi viết bởi Hán tự là: 梁氏巿, nếu phiên âm ra quả là có 2 âm “thị nhưng âm đầu là chữ  là chỉ “đàn bà”, chữ thứ hai là chỉ “thị xã”, “cái chợ”,…Nó đâu giống nhau!

[6] Hồi còn học cấp 3, khi lên thị xã thi HSG tôi có gặp một anh làm ở Ty Nông nghiệp tỉnh Lào Cai. Qua tìm hiểu, anh có nói anh quê Tiên Lãng, theo họ Lương thì tôi và cả chị Phường là “vai dưới" của anh nhưng theo họ Nguyễn bên Tiên Lãng thì anh phải gọi chị Phường là "chị". Anh hẹn sẽ đưa chị về nhận họ (theo anh thì chị Phường còn người chú rất gần sinh sống ở làng) nhưng chị tôi cứ lần lữa mãi và sau này tôi đã mất liên lạc với anh Dẫn nên tắc!

Chưa lý giảỉ được nhưng tôi thấy chi NTP có 3 cái giỗ trùng ngày 23/8 âm, là: giỗ bố, giỗ chồng và con trai lớn là Tiến!

[7] Cô còn 1 người con gái lớn tên là Gạt (do làm hàng xáo khi xưa cái cân chưa thông dụng, lúc bán gạo chỉ dùng cái gạt để gạt cho bằng mặt thúng). Do đó ở quê hay gọi là cô Gạt.

[8] Làng này thuộc xã Mĩ Đức, An Lão, cách Làng Hương 3 Km. Đây cũng là bản quán của một số gia đình lên An Phong cùng đợt với nhà tôi 2/1964, trong đó có người sau là bố vợ Lương Đức Luân (ông bà Bùi Văn Diêm).

[9] Làng này cách làng Hương quê tôi 3 Km. Đây cũng là bản quán của một số gia đình lên An Phong cùng đợt với nhà tôi 2/1964, trong đó có người sau là bố vợ Lương Đức Luân (ông bà Bùi Văn Diêm).

[10] Anh trai là Đanh, năm 1962 cũng lên Sơn Hải. Bác Đanh lấy 2 vợ sinh ra các anh chị: Nghía (đẻ ra Nguyên, Bạng, Bảo, …), Thành, Ngờ, Mấm, Thư.

[11] Do ốm phải đi điều trị tại BV Kiến An .Khi đó đang CCRĐ quê tôi khá căng. Vì có bố từng là Lí trưởng, bỏ đi từ hơn chục năm, nên bố và chú tôi phải trốn ra Hạ Lũng, không dám ở nhà. Biết tin bác Đườn mất, 2 ông đã bí mật mượn Xich lô chở về Lang Thượng mà không dám nhận là người nhà.

[12] Không mấy tinh nhanh nên các cụ gọi là “ngố Tầu” thành tên. Sau này khi đi TNXP anh đổi là Thanh. Sau khi vợ là Nguyễn Thị Đê mất ngày 21/3/2011 (tức 17/02/Tân Mão) tại Khánh Địa, anh Tái giá với chị Tho và dọn về ở cùng chị này gần Chợ Bún, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội.

[13] Cùng đợt trong Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn 2 này, trọng họ nhà tôi còn có Lương Đức Hỗ và Lương Đức An. Sau 1975 chỉ có Lương Đức Hỗ trở về.

[14] Theo dư luận thì không phải cùng cha với các anh chị khác.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!