[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


29 tháng 11 2022

Tìm hiểu về PHẬT GIÁO VỚI LƯƠNG TỘC

Dự Đại hội đại biểu Lương Việt Nam lần thứ III về đang mệt nhưng cũng phải “khoe” ngay với các cháu ảnh chụp tại Đại hội. Cháu tôi (10 và 7 tuổi) tìm ra ngay ông nội trong những ảnh chụp có cả một rừng người !. Bỗng dưng bé 7 tuổi hỏi: trong họ nhà ta có “sư” à ông?

Nhận lại ảnh cháu chỉ, tôi giảng giải sơ lược và 2 cháu tôi tỏ ra có vẻ hiếu. Ngày hôm sau tôi bổ sung, chỉnh sửa, nâng cấp những điều đó và lưu tại đây:

Ngoài Đạo thờ cúng ông bà, Đạo Thờ Thần (Thổ công, Thần tài, Nghệ sư) là tín ngưỡng cổ xưa, mang đậm bản sắc dân tộc, ở Việt Nam có các tôn giáo lớn là: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Nho giáo, Đạo giáoTin lành, Đạo Cao đài, Đạo Hòa hảo ...trong đó có Phật giáo tức Đạo Phật được du nhập từ Ấn độ sang từ rất lâu rồi và hiện nay có rất đông tín đồ.

Đây là tôn giáo phát triển mạnh mẽ trải qua nhiều thời kì lịch sử cho đến thế kỉ 20 là giai đoạn chấn hưng. Các tông phái Phật giáo lớn tại Việt Nam như Thiền tông đề cao “Phật tại tâm”, Tịnh độ tông dựa trên tha lực của phật A Di Đà, Mật tông hòa lẫn vào tín ngưỡng dân gian như cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, trị ma, chữa bệnh…và Nam tông là phật giáo nguyên thủy, thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay. 

Người sáng lập ra đạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa (Shidartha) sinh năm 624 trước công nguyên thuộc dòng họ Thích Ca (Sakyà), con vua Tịnh Phạn Vương Đầu Đà Na (Sudhodana) trị vì nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavasu) xứ Trung Ấn Độ lúc đó và hoàng hậu Ma Da (Maya).

Đạo Phật là một tôn giáo hoà bình, hữu nghị, hợp tác. Gần hai ngàn năm có mặt ở Việt Nam, đạo Phật đã trải qua nhiều thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc, song thời nào Phật giáo cũng lấy đức Từ bi để giáo hoá chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Phật giáo Việt Nam đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Trong “ba mươi năm dân chủ cộng hòa” (1945-1975), Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng. Nhiều chùa chiền, tự viện cùng toàn dân “tiêu thổ kháng chiến”, trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, Đảng viên và là cơ sở cách mạng; không ít nhà Sư “cởi áo cà sa” trở thành những chiến sĩ cách mạng, xung phong lên tuyến đầu chống giặc, cứu nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhiều nhà Sư chiến đấu anh dũng, hi sinh thân mình vì độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân. Cùng đọc lại bài thơ của Liệt sĩ Thích Thông Thiết (1905-1952) sẽ cảm nhận rõ điều đó:

“Cởi áo cà sa, khoác chiến bào

Tuốt gươm, cầm súng dẹp binh đao

Ra đi quyết rửa thù đất nước

Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.

Nói đến Đạo Phật, thuật ngữ cần biết là “Sư” chỉ người đi tu theo đạo Phật ở chùa, còn “nhà sư” là danh xưng gọi người đó một cách kính trọng.

Các Sư và Phật tử đều có pháp danh, pháp hiệu, pháp tự. Trong đó Pháp danh là tên được vị Sư đặt cho một người theo đạo Phật phát nguyện làm lễ quy y Tam Bảo và thọ năm giới căn bản (gồm: Không sát sanh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không uống rượu) được đặt theo phả hệ truyền thừa của mỗi dòng phái;  Pháp tự khi thụ 10 giới và được dặt theo từng lớp (lứa) đệ tử theo bài kệ; Pháp hiệu được bổn sư hoặc chư Tăng ban cho thường dựa vào công hạnh hoặc một đặc điểm nổi bật nào đó khi làm Tỳ kheo tức xuất gia đi tu và từ đó pháp hiệu được chư Tăng (nam) Ni (nữ) sử dụng trong đời sống thường nhật.

Pháp danh gồm hai chữ: Chữ đầu chỉ sự liên hệ đến thế hệ trong môn phái theo bài kệ của Ngài Tổ môn phái đó. Chữ thứ hai là do vị Bổn Sư chọn lựa dựa trên ý nghĩa của tên người đệ tử (thế danh) để tạo thành một chữ kép mang ý nghĩa hay, đẹp và có tính khuyến tu. 

Những người xuất gia sử dụng chữ Thích làm tộc danh cho mình vì Đức Phật mang họ Thích. Nhưng việc lấy họ Thích, không phải là một quy luật chung áp dụng cho tất cả. Có một thuyết khác giải thích về “họ Thích” là vào khoảng năm 220 - 300 có một nhà sư hiệu là Trúc Đạo Thanh hay còn gọi là Đạo Hinh, đặc biệt vị sư này còn có một tên gọi khác rất quan trọng là Thích Đạo Thanh. Vì vậy, chữ “Thích” đã được dùng làm họ của người xuất gia.

 Pháp danh của Phật tử tại gia không có chữ Thích đi trước, mà chỉ có những chữ như Cư sĩ, Đạo hữu, Tín nữ, Phật tử…ở phía trước.

Về Cấp bậc:

Trước hết, cần biết rằng:ở đây, có hai loại tuổi được đề cập đến, đó là: tuổi đời (là tuổi tính theo đời, kể từ năm sinh ra) và tuổi đạo (là tuổi tính từ ngày xuất gia tu đạo).  Nhưng đúng ra, tuổi đạo phải được tính từ năm thụ cụ túc giới và hằng năm phải tùng hạ tu học theo chúng và đạt tiêu chuẩn, mỗi năm như vậy được tính một tuổi hạ. Nghĩa là tuổi đạo còn được gọi là tuổi hạ (hay hạ lạp).

Người mới đi tu thường có tuổi đời dưới 20 phát tâm xuất gia, hay do gia đình đem gửi gắm vào cửa chùa vào chùa, sau một thời gian thử thách, được Thầy của người đó thế phát được gọi là chú Tiểu hoặc chú Điệu và được Thầy ban cho một Pháp danh.

Sau khi hoàn tất chương trình học tại chùa khoảng 2 năm, được thụ 10 giới và được Thầy gọi là Sa di (nam) hay Sa di ni (nữ), hoặc Chú (nam) hay Ni cô (nữ) cho đi thọ giới do Giáo hội Phật giáo tổ chức và lúc này Thầy sẽ ban cho Pháp Tự.

Trong thời gian làm Sa Di, chú phải hoàn tất chương trình tu học ít nhất là 5 năm sẽ được Thầy cho đi thọ giới Tỳ Kheo (nam) hay Tỳ Kheo Ni (nữ) tại Đại Giới Đàn do Giáo hội Phật giáo tổ chức gọi là Tuyển Phật Trường. Nếu đỗ, chú Sa Di được thọ giới Tỳ Kheo. Khi thọ giới Tỳ Kheo mới là chính thức trở thành một tu sĩ của Phật Giáo. Bây giờ, chú được Thầy đặt Pháp hiệu. Lúc này mới được dùng chữ Thích đứng trước.

Các cấp bậc trong Phật giáo như Đại đức, Thượng tọa và Hòa thượng đều là những tu sĩ Phật giáo, là chư Tăng, còn gọi là Tỳ kheo. Các danh xưng trên được chính thức hóa bằng quyết định tấn phong của Giáo hội đối với chư Tăng có các điều trên và đặc biệt là phải có đức độ, có công lao hoàn thành tốt các Phật sự của Giáo hội.

Đại đức (Bhadanta): Vị có đức hạnh lớn lao, cao vời, thường dùng để chỉ Đức Phật, các bậc cao tăng, thạc đức, vị Tăng thống.

Thượng tọa (Sthavira – Thera): Vị trưởng lão, có tuổi hạ cao, có vị trí cao trong Tăng chúng, thường là vị giảng dạy Phật pháp và có ít ra 40 tuổi Đời, 20 tuổi Đạo.

Hòa thượng (Upadhyaya – Upajjhaya): Còn gọi là Thân giáo sư, Lực sinh (tạo ra sức tu hành cho đệ tử), Y sư (hay Y chỉ sư, vị thầy mà các tu sĩ trẻ nương vào để được dạy dỗ thêm, ngoài vị bổn sư). Đây là vị đại trưởng lão trí tuệ và đức độ cao ngời. Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, Hòa thượng là vị Thượng tọa có tuổi đạo ít nhất là 40 năm (tuổi đời trên 60 tuổi)

Trở lại 3 người khoác áo Cà sa tại Đại hội đại biểu họ Lương Việt Nam lần thứ III họp hôm  27/11/2022; 3 người đó gồm: Thượng Toạ Lương Phước Toàn trụ trì chùa Tam Bảo,  Phó trưởng ban Đối ngoại Phật giáo thành phố Đà Nẵng: Thượng Toạ Thatsaphone Xayalath. Ủy viên ban đối ngoại Giáo hội Phật giáo Trung ương nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Thượng tọa Yotkeo Ngeun, Phó Trưởng ban đối ngoại Phật giáo tỉnh Savanakhet.

Nói thêm về Đại đức Thích Pháp Hiếu, thế danh Lương Phước Toàn, ѕinh năm: 1983 tại Phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng; Xuất gia năm 1990. Hiện là Trụ trì chùa Tam Bảo, Ủy viên Hội hữu nghị Việt Nam – Lào thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Việc Lương Phước Toàn được bổ nhiệm là Chủ trì Chùa Tam Bảo bằng Quyết định số 144/QĐ/BTS của BTS PG TP. Đà Nẵng ký ngày 21/8/2019; Quyết định này được công bố vào ngày 29/10/2019 tức 22/9 Kỷ Hợi.  Đại đức tốt nghiệp cử nhân Phật học tại HVPGVN – TP. HCM khóa VI năm 2009, tốt nghiệp Thạc Sĩ  Srilanka năm 2015.

Trong suốt thời gian tu học và chăm lo Phật sự tại chùa Tam Bảo, Đại đức tích cực tham gia các hoạt động xã hội của giáo hội và địa phương. Ông đã quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chùa phát triển trong các hoạt động Phật sự, văn hoá truyền thống, hộ quốc an dân, an sinh xã hội, Phật pháp nên được tín nhiệm bầu nhận nhiều trọng trách về Phật sự, về ngoại giao (đặc biệt là với Phật giáo ở Lào, Campuchia).

Về Chùa Tam Bảo Theravāda. Chùa này là một trong 20 ngôi Chùa đẹp ở vùng đất này; tọa lạc tại 323 Phan Châu Trinh,Bình Hiên,Hải Châu,Đà Nẵng 550000, Việt Nam với ĐT 0906435827, Website: https://m.facebook.com/chuatambaodanang/

Đây là tổ đình của Phật giáo Nam tông Việt ở khu vực miền Trung nước ta nên thường gọi là chùa Nam Tông hay chùa Tam Bảo Theravāda. Do mối duyên lành Chùa tam Bảo có đặc thù theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông tụng kinh Pali giống như chùa Lào Thái Campuchia nên rất gần gũi thân quen một nhà với các nước Phật Giáo láng giềng luôn xem Phật Giáo là Quốc Giáo, các chính phủ và người dân Phật giáo láng giềng rất sùng đạo Phật. cho nên văn hoá Phật Giáo rất cần thiết trong đối ngoại nhân dân mang lại tinh thần đoàn kết, gắn kết với nhân dân các nước, tốt đời đẹp đạo.

Đây chính là một ngôi cổ tự từ năm 1953 do Hoà thượng Giới Nghiêm sáng lập truyền đạo Phật Gíao Nguyên Thuỷ từ Campuchia sang Việt Nam. Chú ý rằng Đức Sư Tổ Giới Nghiêm Trụ trì sáng lập Chùa Tam Bảo cùng với Ngài Hoà Thượng Thích Thiện Tâm, và Tăng Đoàn Việt Nam đã sang Campuchia theo đoàn Nhà nước Việt Nam đã làm Thầy tế độ Giới đàn khôi phục Tăng đoàn Phật Giáo Campuchia sau họa diệt chủng do Ponpot bắt hoàn tục vào tháng 9-1979 nhờ đó Phật Giáo nước bạn được hưng thịnh tới ngày hôm nay.

Những năm đầu tiên thành lập Chùa Tam Bảo, được sự giúp đở rất nhiều từ vị cao tăng người Ấn Độ Narada và hoàng gia Thái Lan vào những thập niên 63, vì thế Chùa Tam Bảo là nơi lưu dấu rất nhiều kỷ vật của các Quốc Gia Phật Giáo, như Xá Lợi Phật, 2 cây Đại Thọ Bồ Đề, 2 cây Sala Long Thọ từ các nước Ấn Độ và Sri Lanka, 2 tủ kinh Tam Tạng Pali, các bộ pháp toạ bàn Phật sơn son thép vàng, lễ Dâng Y Kathina 2010 do hoàng gia Thái Lan dâng cúng. Từ năm 1990-2019 Chùa Tam Bảo được gìn giữ bảo tồn và phát huy vẻ đẹp cổ kính bởi Ngài Hoà Thượng Thích Pháp Cao, UV HĐTS TƯ, Phó Ban Trị Sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, Nguyên Trụ Trì Chùa Tam Bảo, Một Bậc Cao Tăng Trưởng Lão của GHPGVN.

Nằm trong thành Phố Đà Nẵng nhiều danh lam thắng cảnh, xanh sạch đẹp thân thiện, văn minh là trung tâm du lịch của cả nước, hằng năm nhiều đoàn Chư Tăng và Phật Tử Phật giáo trong và ngoài nước đến đã tham quan, giao lưu, học tập và làm việc, hoặc tham gia những đại lễ Phật giáo. Thường xuyên có các đoàn Phật Giáo Lào, Thái Lan, Campuchia, Sri lanka, Ấn Độ, Myanmar vv… Đặc biệt là phái đoàn Phật Giáo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cùng với Sinh Viên Lào đang sinh sống làm việc và học tập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thường xuyên đến Chùa Tam Bảo Lễ Phật Cầu nguyện an lành và tham gia các lễ Hội Phật Giáo.

Hiện nay, sư Lương Phước Toàn cùng chùa Tam Bảo hàng năm tài trợ nuôi dưỡng các sư thầy người Lào sang ở tu học đại học trao học bổng đến các sư thầy và sinh viên người Lào học tập tại Đà Nẵng; tổ chức nhiều đoàn thăm viếng lẫn nhau giữa hai bên Việt Nam - Lào. Chư tăng Lào và phật tử Lào thường xuyên về Đà Nẵng chùa Tam Bảo để tham dự những lễ hội văn hóa Phật giáo truyền thống. Đây là nét đẹp giữ gìn  văn hóa thiêng liêng Phật Giáo của người dân hai nước. Giúp cho bà con người Lào xa xứ vui an lạc dưới mái nhà tâm linh về với Đức Phật. 

 Nhắc lại rằng, hàng năm theo truyền thống, Phật giáo Nam tông bắt đầu An cư kiết hạ từ ngày 15/6 đến 16/9 Âm lịch, sau đó là đại lễ dâng y kathina vào trung tuần tháng 10 Âm lịch.

Phát huy truyền thống nồng thắm giữa nhân dân 2 nước, Đạo Phật 2 nước Việt-Lào, sau Đại hội họ Lương Việt Nam, ngày 28/11/2022 cả 3 vị sư dự Đại hội cùng Đại diện Ban Chấp hành Thế hệ trẻ họ Lương Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 vừa được bầu ra do anh Lương Thế Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Thế hệ trẻ họ Lương Việt Nam đã đến thăm và chúc mừng Đại Sứ Quán Lào tại Số 40 đường Quang Trung thủ đô Hà Nội chúc mừng ngày quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào 2/12/2022 và chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022.   

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đã tiếp đón thân mật đoàn Chư tăng Việt Nam, Lào.

-Lương Đức Mến, biên soạn từ nhiều nguồn TK-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!