[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


01 tháng 1 2022

Lại chuyện LỆCH PHA

Hôm nay, thứ Bẩy đã là Tết Dương, 01/01/2022.

Nhưng theo lịch Âm, hôm nay mới là 29 tháng cận cuối, nghĩa là còn cả tháng nữa mới đến TẾT NGUYÊN ĐÁN: Mồng Một Tết là thứ Ba ngày 01/02/2022, tức là còn 31 ngày nữa. Do vậy, Còi tui có nhời rằng:

Nguyên niên, chưa phải đầu năm,

Chẳng do các cụ tính nhầm mà ra.

Mà do lịch Tây, lịch Ta,

Khác nhau cách tính, đâm ra thế này:

Trâu Vàng còn dẫm ở đây,

Mà Hai Hai đã tới ngay tức thì!

Rõ ràng hai lịch lệch pha,

Thời gian “chồng lấn” những là tháng hơn !

Nhân đây, xin nhớ lại là: để đo và ghi lại thời gian (A: Time, P: Temps, H: 時間), con người sáng tạo ra phép làm lịch, hay Lịch pháp (A: Calendar, P: Calendrier, H: 曆法) và việc ghi lại các sự kiện gọi là Lịch thư (H: 曆書, A: Almanac, P: Almanach). Trong lịch sử và trên thế giới có nhiều loại lịch bởi nhiều phép làm lịch. Nhưng, hiện nay có 2 loại lịch đáng chú ý, là:

Dương lịch (陽曆, The sun calendar/Le calendrier solaire) được tính dựa vào chu kỳ mặt Trời nên gọi là dương lịch bởi “dương quang” 陽光 là “ánh sáng mặt trời”.

Lịch đang dùng là lịch Gregorius áp dụng từ 15/10/1582, do Giáo hoàng Grégoire XIII (1572-1585) đề xướng. Trong đó một năm chia 12 tháng gọi tên bằng các con số từ 1 đến 12 thời gian tiến triển theo đường thẳng (linear). Các năm Dương lịch lấy sự kiện Thiên Chúa giáng sinh (sinh ra Đức Chúa Jésus Christ, 耶蘇教主) làm mốc, do đó các năm có thể biểu diễn trên một trục đại số, từ - vô cực đến + vô cực. Trái đất mất 365,242 ngày để quay 1 vòng quanh mặt trời. Nghĩa là cứ sau 1 năm sẽ dư ra khoảng ¼ ngày, nên sau 4 năm sẽ dư ra 1 ngày, đó là “năm nhuận”, tháng Hai có 29 ngày.

Có điều những năm trước Công nguyên người ta chú ý viết từ BC (Before Christ, tức trước Thiên Chúa) còn năm từ Công nguyên trở đi AD (Anno Domini, tức Kỷ nguyên của Chúa) người ta nói và ghi thẳng tên năm! Ví dụ, không cần viết AD 2022 hay 2022 CE mà viết luôn 2022!

Âm lịch (, lunar calendar/ Le calendrier lunaire) được tính dựa vào chu kỳ mặt Trăng nên gọi là âm lịch bởi “thái âm” 太陰 chỉ “mặt trăng”.

Nhưng lịch âm hiện dùng là Âm Dương lịch (陰陽, lunisolar calendar) bởi nó vừa lấy tháng theo tuần Trăng vừa lấy năm theo vòng thời tiết bằng cách đặt thêm tháng nhuận để năm không sai nhiều với chu kì khí hậu. Lịch này được áp dụng bởi từ thời Minh (,1368 – 1644) và hoàn chỉnh như ngày nay dưới triều Thanh (清朝, 1644 - 1911).

Âm lịch không gọi tên năm tháng theo số mà dùng tên ghép gồm hai chữ dựa trên hệ thống can chi (10 thiên can 天干 và 12 địa chi 地支) và hết một vòng được một chu kỳ 60 năm được gọi là một hoa giáp 花甲 (hoặc hoa giáp tý 花甲子). Như thế, thời gian tiến triển theo chu kỳ có tiểu vận (20 năm), đại vận (60 năm), cửu vận (180 năm)...Năm ta đang sống là năm Tân Sửu 辛丑 (cầm tinh con Trâu mà là “Trâu trên đường”, nạp âm là Bích thượng THỔ tức Đất Tò vò), năm tới là Nhâm Dần 壬寅 (cầm tinh con Hổ - “Hổ qua rừng”, nạp âm là KIM bạch Kim tức Vàng pha Bạc) thì 60 năm trước (1961, 1962) đã thế và 60 năm sau (tức 2081, 2082) lại y vậy!. Điều đó thuận cho việc chiêm bói song sẽ khó khăn trong việc ghi chép sự kiện lịch sử khi 60 năm nó lại quay về trùng tên!.

Tháng là khoảng thời gian xấp xỉ một vòng quay của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất nên tháng được hiểu theo nghĩa là tuần trăng. Nó gồm:

- Tháng giao hội: chu kì một tuần trăng, là khoảng thời gian giữa hai lần liên tiếp Mặt trăng quay trở lại vị trí Sóc (không trăng) dài 29,5306 ngày.

- Tháng vũ trụ: thời gian một vòng quay đúng (so với các sao) của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất, dài 27,321 ngày.

- Tháng cận điểm: khoảng thời gian giữa hai lần Mặt Trăng đi qua liên tiếp cận điểm của Bạch đạo, dài 27,5546 ngày.

Nguyên tắc đặt tên của tháng âm lịch cũng như việc đặt tên năm, nghĩa là theo Can Chi 干支.

Trong Thập nhị Địa chi cổ nhân đã gắn với 12 con vật, bao gồm cả vật nuôi lẫn thú vật hoang dã, vừa có thật vừa tưởng tượng, đều đáp ứng nguyên tắc âm dương, chẵn lẽ. Nghĩa là Âm lịch hiện tại có các tháng: Tý (là tháng có chứa tiết Đông chí), Sửu , Dần , Mão , Thìn , Tị , Ngọ , Mùi , Thân , Dậu , Tuất , Hợi (Thiên khai ư Tý, Ðịa tịch ư Sửu, Nhân sinh ư Dần) tương ứng với các “con vật cầm tinh” là: Chuột , Trâu , Hổ , Mèo , Rồng , Rắn , Ngựa , Dê , Khỉ , Gà , Chó , Lợn . Ngoài ra, trong văn học, chiêm bói người ta còn gọi tên các tháng âm lịch theo lối duy danh khá khó nhớ!

Sau này, học theo lịch Dương, người ta cũng gọi tên tháng Âm bằng các con số, nó gồm: Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bẩy, Tám, Chín, Mười. Tức là không có tên “tháng Mười Một”, “tháng Mười Hai”.

Như tháng âm lịch ta đang sống (sau tháng Mười và trước tháng Chạp) là tháng Một hay tháng Canh Tý năm Tân Sửu! Chứ không có “tháng mười một năm 2021 âm lịch” như nhiều người hay nói hoặc một số lịch, sách viết tam toạng! Khổ nỗi, dân gian quen gọi tháng âm lịch này là tháng 11, gọi riết thành quen và một số sách, lịch cũng in thế đâm ra lại là đúng. Ai gọi hoặc viết là “tháng Một” thành ra “lạc lõng”, bị cười chê!

Vì vậy, khi ở những năm xa hơn về sau này, gia chủ và “thầy” đều quên mà chả ai chịu hiểu rằng: những người sinh/tử từ 01/01/2022 đến 31/01/2022 là trong kỳ “chồng lấn” lịch, không phải cầm tinh con Hổ, tuổi Nhâm Dần. Thực ra những người sinh/tử khoảng 01/01/2022-31/01/2022 vẫn trong năm Tân Sửu, ẩn con Trâu!

Cái rắc rối ở việc “chồng lấn lịch” và cái “nguy” của việc “lệch pha” là ở chỗ đó!

-Lương Đức Mến, 01/01/2022, tức 29 tháng Canh Tý, năm Tân Sửu-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!