[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


04 tháng 2 2021

Mưa buồn lại NHỚ TẾT XƯA

Chả còn mấy hôm là “鼠去牛來辭舊; 龍飛鳳舞慶新春” (Thử khứ Ngưu lai từ cựu tuế; Long phi Phượng vũ khánh tân Xuân) mà Còi tôi tạm dịch là “Chuột lủi, Trâu về biệt năm cũ; Rồng bay Phượng múa mừng Xuân sang” tự dưng lại nhớ đến nao lòng về những cái Tết hồi mình còn “cắp sách đến trường”.

Những cái Tết khi còn ở dưới quê Hải Phòng chả còn nhớ mấy bởi ngày đó mình còn nhỏ, chưa đến 9 tuổi. Nhiều kỷ niệm sâu sắc là những năm sau 1965, khi gia đình lên khai hoang ở HTX An Phong, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

1.    Háo hức chờ và chuẩn bị cho Tết

Hồi ấy, bố mẹ tôi ngày nào cũng đi làm “để lấy điểm”, chúng tôi đi học xa nhà (4 km) và người lớn bận, trẻ con học đều đến gần Tết mới được nghỉ, cũng chả mấy nhà cúng ông Công ông Táo vào 23 như sau này!.

Tầm 25 tháng Chạp, bà tôi thường nhắc “sắp Tết rồi” và sau đó chúng tôi mới được nghỉ! Bố tôi tính chuyện đụng lợn với ai, mẹ lo tích gạo tẻ, gạo nếp. Tôi nhớ, chỉ ngày Tết nhà tôi mới không ăn cơm độn sắn! Nghỉ học mấy anh em tôi “hành quân” bộ ra Phố Lu (18 km đường rừng) để xem và sắm Tết.

Chợ Lu ngày đó lớn nhất vùng, họp dưới gốc Đa mà bây giờ là đường to vào cây 2 và có bán đủ thứ: kẹo cồ, kim chỉ, gương lược, đồ dùng học tập, hương, quần áo, dép, diêm, muối, pháo…Chúng tôi lại gặp được nhiều tộc người mà Đội tôi ở không có. Đó là người dân tộc H’ Mông, người Mán họ, Mán đỏ… Anh em tôi, vì bố mẹ chỉ cho ít tiền nên phần nhiều “ngắm” là chính, có mua vài thứ chả đáng kể nhưng thế nào cũng có bao diêm đem về làm pháo, một ít pháo tép lẻ vỏ mầu hồng xinh xinh! Tôi thường ra Hiệu sách nhân dân đầu phố ngang mua mấy tờ tranh và khẩu hiệu đỏ về trang trí nhà.

Về nhà, anh em tôi phụ giúp thầy bu chuẩn bị Tết. Cũng chả phải sắm sửa gì, chỉ là lấy thêm củi, giã gạo và lấy lá dong! Có năm chúng tôi làm “kế hoạch nhỏ” theo trường là lấy lá dong bán! Nhiều nhà hôm 29 Tết còn dùng vôi vẽ cây cung ở ngõ giương bắn ra ngoài để “xua đuổi tà ma”!

Khoảng 28 Tết, tôi giúp thầy bắc chõ để có rượu Tết. Ngày ấy toàn nấu rượu bằng sắn tươi đã ủ men trong cái vạc lớn, bên trong là chõ gỗ do chú tôi đục từ một khoanh gỗ lớn ra. Bên trên cái chõ có đặt một chảo đựng nước có tác dụng làm lạnh để ngưng đọng hơi thành rượu chẩy qua “ba ba gỗ” ra ngoài. Khi chảo nước đó nóng, dùng ống hút hình chữ L làm bằng 1 đoạn tre to, 1 đoạn nhỏ tháo ra dùng làm nước tắm và nếu nóng quá thì cho thêm nước lạnh khác vào! Đến 29 là gói bánh chưng. Ngày ấy chả có thịt, thầy tôi băm tóp mỡ trộn với đỗ làm nhân mà thường chỉ gói có mấy cái. Có năm, nhà trồng giàn đậu ván, thầy tôi lấy hạt đậu ấy làm nhân. Bánh bị đắng nhưng chúng tôi vẫn ăn ngon lành. 

2.    Đêm Giao thừa

Hồi đó, nhà tôi cũng như mọi nhà khác chả ai cúng 23 bởi ngày ấy người lớn vẫn đi làm, chúng tôi vẫn đến lớp, Tận 30 Tết, thầy tôi mới bày giường thờ, tôi đem dán những tranh, câu đối mua ở Lu về. Không nhớ từ ai nhưng từ nhà bác, bố đến chú tôi đều không có bàn thờ riêng mà nối cột quân với cột hiên sau của gian giữa thành nơi thờ cũng, gọi là giường thờ! Trên đó đặt mâm cỗ cúng khi nhà có việc, còn ngày thường chỉ có bát hương!. Hồi ấy cũng chả có Đào, Quất gì. Có chăng là một cành đào khẳng khiu, để “xua đuổi tà ma”! Xóm tôi cúng chả có lệ dựng cây mía hai bên bàn thờ, nhưng mâm “ngũ quả” cũng có nhưng khá sơ sài!. Trên đó thường có gói chè vuông vuông, bao thuốc Tam Đảo và hiếm khi có Mứt bởi 2 nhà mới được 1 hộp. Mấy nhà mới được bánh pháo tép, mua về gỡ ra chia nhau. Mấy cậu em tôi lo tìm giấy quấn pháo!

Đêm Giao thừa, anh em tôi ngủ từ sớm, chỉ có thầy tôi thức, sắp xếp nốt bàn thờ và cắm hương khấn mời các Cụ. Nhớ lại ngày đó hiếm khi mổ lợn nên năm nào “chọc tiết” mà “hòng tiết canh” thầy tôi lầm rầm suốt! Dồi lợn chả có hành như sau này mà dùng rau muống, lá cúc tần,... mà sao thấy ngon tệ; riêng cái bong bóng lợn phải giành cho con chủ lợn. Nhận về chủ nhân cái bọng đái ấy cùng lũ lau nhau vò sạch bằng tro rồi rửa sạch, thổi lên thành quả bóng, trẻ cả xóm đá thoải mái! !

3.Tết thực sự

Sáng mùng Một, chả hẹn mà anh em tôi đều dậy sớm, chưng bộ tươm nhất và cố không “nói gở” nhưng chả quên đốt pháo và nhặt pháo xịt!

Nhà tôi có bà Nội ở cùng, bà là người cao tuổi và có vai vế nhất Xóm, nên khi nhà tôi vừa ăn sáng thì bác, chú thím, các em tôi sang chúc Tết Bà, Thầy Bu tôi và chúng tôi! Mọi người chúc, mừng tuổi Bà và anh em tôi, nhưng chỉ là tiền hào, tiền xu!

Sau khi thưởng thức chén rượu mừng Xuân, theo chú thím tôi, chúng tôi rồng rắn đi chúc Tết mấy nhà quanh đó và trưa ở nhà ai thì hạ cỗ ngày tại đó! Chả có “zdo, zdo” với mâm cao cỗ đầy như ngày nay!

Mồng Hai, mấy anh em tôi vượt rừng ra Lu rồi qua sông Hồng ngược lên Sơn Hải chúc Tết Cô tôi (chị gái bố)  ở Cánh Địa, chiều tối mới về đến nhà.

Thầy tôi có ông bác mất chưa có vợ con nên thầy tôi giữ phần hương khói. Cụ mất vào mồng Bốn Tết nên nhà tôi thường kết hợp “hóa vàng” vào ngày đó. Nhưng thường là tôi vắng mặt bởi hôm ấy phải lên lớp rồi! Mồng Năm là ngày nước kém chả ai lại mở đầu năm học mới!

Hồi còn “đương”, sau khi thắp hương mồng Một tại nhà xong tôi vào cơ quan và các kíp trực kéo nhau đi một lượt chúc các phòng, ban, lãnh đạo đến trưa quay về nhà là kễnh bụng!

4.Vĩ thanh

Ngày nay, cuộc sống nhiều tiện ích, sản vật sẵn nên không khí Tết lại chả nồng ấm như xưa! Pháo đã cấm từ lâu, hàng hóa ê hề, ới là có. Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả chúng tôi cũng chả ai thiết tha, thèm muốn miếng giò, lát bánh,…nữa bởi ngày thường cũng đầy!

Cái đại gia đình từ Thầy Bu tôi giờ đã thành 7 Trung gia đình và mỗi gia đình con đó lại thành 2, 3 Tiểu gia đình. Anh em, Con cháu tôi ở khắp nơi từ Hà Nội đến thành phố và các huyện thuộc tỉnh Lào Cai. Chỉ còn Mẹ và một số em ở lại cái nơi chúng tôi đã trưởng thành trong những năm 196x, 197x đấy!

Cuộc sống thời @ cũng các mối quan hệ mới cuốn hút nên dù có muốn, chúng tôi cũng không thể tổ chức lại những cái Tết thực sự như xưa. Cũng là đón Tết, nhưng bây giờ đơn giản hơn từ khâu sửa soạn, sắm Tết đến khâu đón Tết và thực thi Tết! Cũng chẳng rõ từ bao giờ, khái niệm “ăn Tết” đã được thay thế dần bởi cụm từ “nghỉ Tết, chơi Tết”. Mâm cơm ngày Tết của chúng tôi ngoài có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, chén rượu,… còn có bia, rượu, Xúc xích, Lạp xường,...nhưng hầu như chỉ gắp cho có lệ!

Cũng lạ cái là sáng Mồng Một, phố tôi ai cũng ngóng, chả dám mở cửa “xông” nhà khác nên có Tết đến tận 9 giờ sáng phố mới có người đi nhiều. Hàng phố kéo đến chúc Tết đông, có nhà chả đủ chỗ ngồi, cắn hạt dưa, nhón cái kẹo rồi “zdo zdo” ly rượu vang và chia tay sang nhà khác!. Có Tết quay về nhà đã say mềm do nặng một bụng đủ loại rượu. Trẻ con nhận mừng tuổi là xem và xướng to là “bao nhiêu”, làm có bà mẹ ngượng chín mặt!

Thường đến mồng Hai, cả nhà tôi mới kéo về nơi tôi từng ở từ 1964 đến 1973 để “xông” nhà mình, chúc Tết Mẹ, thắp hương gia tiên và tiến hành luôn thủ tục mà hồi thầy tôi còn sống thường làm vào mồng Bốn!

Tự dưng nhớ đến cái Tết xưa, dịp sum họp gia đình, là Tết đoàn viên!

-         Lương Đức Mến, sau Tết ông Công Canh Tý, tháng 02/2021-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!