[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


10 tháng 1 2021

ĐÁM CƯỚI CHẢ GIỐNG AI

Sắp đến Tết Tân Sửu 2021, trên MXH lại rộ lên những bình loạn về Mậu Thân 1968, về “Sự kiện Đồng Tâm 09/01/2020”,…

Riêng tôi, tự dưng nhớ lại sự kiện cách đây 39 năm về đám cưới của mình, một đám cưới thời bao cấp mà lại chả giống ai.

1.Trước hết, về chuyện “Ăn hỏi và dẫn lễ”:

Chuyện rằng: chỉ còn ít hôm nữa là Tết 1982 (Nhâm Tuất) nhưng vì công việc lại kỷ luật ngày đó rất nghiêm nên không xin phép nghỉ được. Việc xác minh Lí lịch của vợ tôi bây giờ, Lưu Long làm đã xong, Phòng Tổ chức-Chính trị đã duyệt hôm 22 Tết, nhưng “thời chiến” nên đơn vị chưa cho tôi nghỉ lo việc trăm năm.

Do vậy, chuyện “ra mắt” và báo cáo gia đình chưa xúc tiến !.

Mãi tới thứ Ba 19/01/1982 (25 Tết) chúng tôi mới cùng được nghỉ. Hai đứa không sắm gì, cũng chưa kịp ra ủy ban, chỉ báo cáo nhanh với cơ quan 2 bên rồi ngược tầu về ngay.

Trên tầu gặp Nguyễn Bá Hanh (học cùng tôi năm cấp II, nhà cùng Phong Niên, sau lấy Vân là con gái thầy Nhẫn (lãnh đạo SGD tỉnh HLS) và khi đó đang công tác tại Sở Giáo dục Hoàng Liên Sơn; đến năm 1988 (sau khi học ĐHCĐ ở LX về, chuyển vào Lâm Đồng)) tôi viết thư về nhà nói ý định cưới và “phân công” trách nhiệm cho gia đình và các em: hình trang trí tôi tự cắt từ Yên Bái mang lên, gia đình mổ lợn, thực phẩm nhờ Thím, gạo nhờ Dì, rượu Cô đem sang,…. Tôi và HM xuống ga Lu, qua phà, đạp xe tiếp lên Gia Phú bên hữu ngạn sông Hồng.

Đến Bến Đền đã 10 giờ đêm. Khi đó gia đình nhà HM còn ở tạm ở lán nương trong lòng hồ Chính Tiến (sau Nông trường Phú Xuân giải thể nên khi đó hồ cạn trơ thành ruộng, các hộ vào làm thành ruộng) nên chúng tôi phải lần mò, vượt đồi mãi, gần nửa đêm mới tới nhà.

Nhạc phụ chắc cũng chả nhận ra con rể vì mới gặp một lần dưới Hà Nội,cách đó mấy năm khi HM ốm, nằm điều trị tại BV Việt Nam-Cu Ba, gần ga Hàng Cỏ !.

Tôi từng được cha dạy: “Phối thất chi tế, vạn phúc chi nguyên”, việc hôn nhân là cội nguồn của mọi hạnh phúc, đó là công việc trọng đại nhưng vì thời gian, vì hoàn cảnh công tác nên khó có thể vẽ ra nhiều thứ được. Hơn nữa ngày xưa các cụ đặt ra đủ lệ bộ thiêng liêng, đôi khi phiền toái để nhằm làm cho đôi trẻ thấy có trách nhiệm với nhau, với gia tộc và với phép nước.

Chúng tôi đương nhiên nhận thức được nên khỏi cần phải thử thách" và tôi đã thuyết phục được bố mẹ vợ, không chờ xin ý kiến anh Cả (tên là Hồng ở Xuân Tư, anh đã mất năm 1998). Nhạc mẫu ra điều kiện : tổ chức cưới gấp thế, thì vợ tôi phải tự đi mời bà con để chứng minh rằng “bụng không vượt mặt”, chúng tôi chấp nhận và đồng ý luôn cả việc không có hồi môn, hồi meo gì !

Thương con, bố mẹ đồng ý cưới vào 28 Tết (mà còn ngày nào nữa ?).

Sáng 26 Tết, tôi đạp xe về Phong Niên. Thấy gia đình đã lo đủ. Cũng may mà năm đó mẹ nuôi được một con lợn to (169 Kg). Họ mạc, bạn bè gia đình quanh cả, không mời xa nên khỏi lo.

Phông tôi phục dựng sau này

Chiều 27 tôi, bố, thím Bính, Vinh (lấy chồng người Yên Bái, sau về Hà Nội và đã lên chức bà) sang nhà cô ruột chị bố tôi tên là Thị ở Cánh Địa (thuộc xã Sơn Hải, giáp Gia Phú) tập kết để mai sang nhà gái cho gần !. Tôi dùng chiếc xe Favorit cũ, Thức lai bố, cô Vinh đèo “túi du lịch” đựng đồ lễ, thím Bính và Luân phải về nửa đường vì 1 xe đạp bị hỏng !.

Trước lúc đi, tìm mãi không thấy đuôi lợn đâu, bố tôi chửi um lên, sau mới biết em trai tôi là Thức đã lấy chia cho trẻ con !. Bên thím Bính tôi (chú ruột tôi mất 1977, bà đến năm 1988 cũng theo ông) mổ lợn Tết, tôi sang cắt lấy đuôi, không kịp cạo lông, cầm đi luôn.

Sáng hôm sau cô Thị nấu xôi rồi sắp lễ. Thấy thủ thì to (lợn 169 Kg) đuôi thì bé (lợn 80 Kg) khó sắp nên tôi bỏ không dùng đuôi đó nữa. Có lẽ hiếm ai tự đi hỏi vợ và có cách dẫn lễ như tôi. Như vậy, lễ hỏi của chúng tôi “có đầu không có đuôi” !

2. Thứ Hai là chuyện ngày cưới:

Sáng Thứ Sáu 22/01/1982 (28 tháng Chạp năm Tân Dậu), từ Cánh Địa, tôi đi trước tiền trạm và tin vào sự dẫn đường của anh con cô tôi (quê tôi chị bố cũng gọi là cô) tên là Tầu! Ai ngờ cả đoàn đón dâu bị lạc quanh đồi Tên lửa (gần Ga Làng Vàng). Chờ lâu quá, vợ chồng tôi phải leo đồi đi tìm nên mãi hơn 11 giờ đoàn đón dâu mới tới.

Tại cái lán gia đình nhạc phụ đang ở, không thấy bát hương, lại có ông rỉ tai nói với bố tôi: nhà này đi Đạo nên bố tôi lo. Tôi bảo: không ngại, vì CA đã xác minh rồi, ông này trước hỏi HM cho con trai, không được nên định phá. Rồi tôi đi chặt chuối, “chế” ra bát hương theo kiểu sau này chúng tôi “ở riêng” dưới Yên Bái ! Cụ yên tâm, tiến hành mọi thủ tục cần thiết.

Nhà gái tổ chức ăn xong, 1 giờ xin rước dâu. Tôi lai cô dâu trên chiếc xe đạp cũ mèm, gắn với mình mấy năm Đại học. Mệt phờ. Nhà gái có vợ chồng Mạnh Mì và ai nữa tôi quên cùng đi “đưa dâu” !

Về tới nhà bên An Phong gần 4 giờ chiều, khách khứa trong Đội (chưa gọi là thôn như sau này) đã đến đông đủ !Vừa kịp.

Kíp thế mà vẫn vui, không nợ nần gì, vẫn đủ lệ bộ. Hồi đó, căn nhà cháy 02/1979 gia đình chưa làm lại nhà. Vợ chồng Thuộc-Nghị (cưới ngày 10/02/1981, tức là 06 tháng Giêng năm Tân Dậu trong khi tôi còn đang ở ĐHQY, không về dự được) dựng nhà nhỏ trên nền nhà cháy, bố mẹ và các em dựng lều ở nền cũ (nơi nhà ở bây giờ) !

Hồi tôi cưới Vợ, bà Nội và bố tôi còn khỏe. 

Đêm Tân hôn chúng tôi ngủ bên nhà Thuộc, mỗi đôi một gian. Chẳng giường, chiếu, quần áo cưới !

Khi đó Nghị vừa sinh cháu Thuận (lấy Vân Anh, nay đã có 2 nhó, nhà ở phố Mường Than, tf Lào Cai) được hơn hai chục ngày. Sáng sau, mẹ sang gọi hai đôi mới dậy. Tôi viết bài thơ:

Xuân về thêm đượm Hương say,

Vui lên em hỡi - phút giây tiên bồng.

Khi xưa hôn má em Hồng,

Nâng niu anh để làm chồng hôm nay.

Bóc tờ Lịch mới trao tay:

Đất lề, Quê thói - Đợi ngày Tròn, Vuông.

Vợ chồng tôi ới Bố Mẹ chụp hôm cưới

Bạn bè 2 đứa, vì vội không mời được ai, chỉ có mỗi Lưu Long thay mặt cơ quan CA lên dự và chụp ảnh. Cuộn Phim chụp ảnh cưới để trong Vali, Long đã làm mất khi xuôi về Yên Bái, may máy chụp ảnh Pratica để lại nên “vớt vát” được vài kiểu mới có ảnh đến hôm nay!.

Tất cả chuẩn bị và tiến hành mọi Lệ Tục chỉ có 5 ngày, đều sau khi Ông Táo đã lên Giời (thời điểm mà dân gian tin rằng không nên tiến hành những việc trọng đại!)!

 Nghĩ lại, tôi “rất phục tôi” nhưng lại nghĩ: chả hiểu sao nhiều người gần đây cứ vẽ ra lắm thứ gây rắc rối cho hai bên, nợ nần cho đôi trẻ; còn các đôi tiến hành rõ lắm thứ phiền toái, tối kém nhưng lại dễ bỏ nhau!.

3. Sau Tết chúng tôi xuống Yên Bái, đem theo “chiến lợi phẩm” cưới là một xoong nhỏ đựng mỡ lợn đã rán, 1 bộ ấm chén, cái vỏ chăn con công và bắt đầu cuộc sống mới, “có đôi”.

Vì điều kiện công tác (tôi đi Biên giới liên tục, lúc về HM lại đi cơ sở, khi 2 đứa ở nhà lại không đúng ngày) nên mãi 10/9/1982 chúng tôi mới lấy Giấy công nhận kết hôn (8 tháng sau cưới, lúc đó đã chửa được hơn 3 tháng !).

Xin được một gian tập thể, giường cá nhân, bàn ghế mượn cơ quan vợ. Thiếu thốn đủ thứ, 2 bên không ai chi viện gì.

Vợ và con gái tôi, 1984

Đến lúc con gái Huyền Thương 3 tháng tuổi (nay đã 2 nhóc, ở Hà Nội) mới đóng chiếc giường đôi đầu tiên. Lúc Hải Thương (nay cũng 2 nhóc, ở tf Lào Cai) 4 tháng, 3 mẹ con ngược Bảo Thắng “nghỉ đẻ”, ở dưới Yên Bái tôi mới thuê thợ đến đóng thêm một giường và một tủ. Ngày ấy thiếu gỗ nên giường thì thang chắp và tủ thì chả có ngăn. Những thứ ấy đến nay vẫn còn, con cái bảo bán, tôi không cho và vẫn sử dụng tại buồng tôi!

Từ tháng 2/1982 đến khi rời YB về Lào Cai (tháng 11/1991) chúng tôi chuyển chỗ ở 2 lần trong các gian tập thể của UBBVBMTE (Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ-Trẻ em mà có người đọc trại ra là U Bảo Bỏ Vợ Bỏ Mẹ Theo Em!), sau là Sở GĐ và ĐT tỉnh HLS. Hồi đó, chúng tôi không lập bàn thờ, chỉ có cái “xích đông”, Tết đến cắt khoanh chuối, dán giấy đỏ thành bát hương. Cũng như mọi CBCC khác, chúng tôi đều nuôi lợn, trồng rau, trồng chuối. Hàng ngày tôi đạp xe ra km 3 làm việc, cực nhất hôm trời rét hay mưa đất bám đầy lốp, kẹt với gác chắn bùn không thể nào quay được! Vợ tôi đi cơ sở, có hôm về muộn, các cô bảo mẫu phải đưa các cháu về nhà!

Năm con gái 10 tuổi mới có đất “mặt phố” (được cấp), dựng căn nhà gỗ 2 gian và thêm 10 năm nữa mới xây được nhà. Nơi chúng tôi ở từ 1993 đến nay vẫn mang số 328 Hoàng Liên thuộc phường Kim Tân, thị xã (nay là thành phố) Lào Cai nhưng khi thuộc tổ 7, lúc là 17, rồi 22, sau lại 21 và từ cuối 2019 đến nay là tổ 14 !.

Ôi, những cái Tết, đám Cưới nghèo khi xưa sao mà ấm cúng, chân chất và đáng nhớ!

4. Chuyện cưới với anh em tôi

Bố mẹ tôi sinh 9 bận nhưng nuôi đến trưởng thành có 7, trong đó 5 nam nên dân làng bảo “nhà ông bà có Ngũ Hổ”!

5 anh em tôi, ngày ấy

4.1. Hầu như 5 anh em tôi đều tự lực, chủ động trong việc xây dựng cuộc sống, mưu sinh bởi bố mẹ đều yếu, ít va chạm. Trong việc lấy vợ, ít khi thấy vai trò ép buộc của bố mẹ mà người “đàm phán”, sắp xếp phần đa là của tôi, một trưởng thế!

4.2. Các đám cưới liên quan nhiều đến mùa Xuân

-Chuyện tôi đã viết ở trên.

-Trai thứ 2 là Thuộc, có “cảm tình” với cô hàng xóm là Lữ Thị Nghị từ lâu. Đám cưới từng được dự định nhưng rồi cuộc chiến 2/1979 xẩy ra nên phải tạm ngưng. Sau khi đối phương là PLA rút, về lại Lào Cai, đến ngày 10/02/1981, tức là ngày 06 tháng Giêng năm Tân Dậu tổ chức hôn lễ ở ngay trên nền nhà bố mẹ bị cháy 2/1979. Tết đó, tôi có về nghỉ tại nhà nhưng đã xuống trường ĐHQY (chờ nhận Bằng TốT nghiệp) từ hôm 04. Tôi có ra ga Hàng Cỏ tìm gặp nhạc mẫu Thuộc từ Hải Phòng lên gửi quà chứ không về dự được.

VC và con gái tôi ngày cưới T-Đ

-Trai thứ 3 là Thức, lấy Phạm Thị Đào (người Phố Lu, khi đó làm việc tại Công ty Thương Mại Hoàng Liên Sơn, trên lưng đồi Km6, gần khu Tập thể vợ chồng tôi ở). Hôn lễ tổ chức tại Yên Bái ngày 18/12/1988 (tức Chủ nhật ngày 10 tháng Một năm Mậu Thìn).

-Còn Trai thứ 4 cưới vợ vào mùa Thu, ngày 30/9/1988 (20 tháng Tám Mậu Thìn), Trai thứ 5 cưới vợ vào mùa Hè, ngày Chủ Nhật 11/7/2004 (24 tháng 5 năm Giáp Thân).

Tất nhiên, 3 đám cưới sau thì nghi thức, cỗ bàn và áo quần có khá hơn, thậm chí khá hơn nhiều so với đám cưới của vợ chông tôi, song cơ bản vẫn là chân chất, không rinh rang!

Dẫu chặng đường qua có những gập ghềnh, khúc quanh và phía trước còn dài nhưng 7 gia đình chúng tôi cũng tạm được gọi là yên ổn, chả xấu hổ với đời!

GHI CHÚ: các ảnh trong bài đều là ảnh đen trắng chụp đúng dịp, được Còi tôi lưu giữ, lấy ra; thực hiện việc tẩy mốc, bù bong và đổ mầu 01/2021.

-         Lương Đức Mến, ngày đầu năm 2021-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!