[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


24 tháng 12 2020

Cảm nhận về NOEL

1.Nô en (A: Christmas, P: Noël, H: 诞节) là Việt ngữ phiên âm từ tiếng Pháp “Noël” (gốc từ tiếng Latinh nātālis (diēs) có nghĩa là “ngày sinh”) chỉ ngày Lễ Giáng Sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh. Đây là một lễ hội thường niên kỉ niệm ngày sinh của Giêsu (Jesus, Jesus Christ, 耶稣), được cử hành chính vào ngày 25 tháng 12 như một lễ kỉ niệm tôn giáovăn hóa ở nhiều nước trên khắp thế giới.

Có nhiều giả thuyết nói về nguồn gốc và ngày sinh của Jesus nhưng đa số tin rằng, “Đấng cứu thế” là người người Do Thái (A: Jews, P: les Juifs, H: 犹太人) vùng Galilea (phía bắc Israel), được sinh ra tại Bethlehem (gần Jerusalem) thuộc xứ Judea, Đế quốc La Mã (ngày nay là 1 thành phố của Palestine) vào khoảng giữa năm 7 tCn và năm 2 và được đặt nằm trong một máng cỏ. Từ Thế kỷ XVIII, lễ Giáng sinh được chọn vào ngày Đông chí - mà theo lịch thời đó, ngày này rơi vào 25 tháng 12.

Ngày lễ Giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được kể từ sau giờ Kinh Chiều (khoảng chiều tối) ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là “lễ vọng” và thường thu hút nhiều người tham dự hơn.

Một số biểu tượng của Noel thường thấy là: Vòng lá mùa Vọng, Hang đá và Máng cỏ, Cây Giáng sinh, Thiệp Giáng sinh, Quà Giáng sinh, Chợ Giáng sinh. Liên quan đến việc tặng quà cần chú ý đến truyền thuyết xưa, rằng Ông già Noel thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông Giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc bít tất.

Ngày này, người ta thường cử hành: Cầu nguyện, dự lễ, sum họp gia đình, gặp gỡ, tặng quà, trang trí nhà cửa và nó liên quan đến Mùa Giáng sinh, Đêm Giáng sinh, Mùa Vọng, Lễ Truyền tin, Lễ Hiển linh, Yule.

2. Noel với thế giới:

Ở hầu hết các quốc gia Âu Mỹ, ngày lễ Giáng Sinh là ngày nghỉ lễ chính thức có trả lương cho những người lao động.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và Công giáo (H: 天主敎(公敎), A: The Christianism (Catholicism), P: Le Christianisme (Catholicisme)) không phải là quốc giáo nhưng từ lâu, Lễ Giáng sinh, dù không phải là ngày nghỉ chính thức nhưng dần dần được coi như một ngày lễ chung, là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngày này, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Một số công ty, tổ chức tư nhân có thể cho nhân viên nghỉ trong ngày Giáng sinh. Trong những ngày này, cây thông Noel (cây thật hay nhân tạo) được trang trí ở nhiều nơi. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây. Trong đêm Giáng Sinh, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke,...Một số nơi có “dịch vụ” đóng ông già Noel chuyển quà tới trẻ em, làm chúng rất háo hức chờ đón!

Riêng những người Công giáo thì chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường giáo xứ hoặc giáo họ của mình như người Âu Mỹ!.

3.Nhớ lại:

Hồi còn ở dưới quê Hải Phòng, thôn Phương Lạp nhà tôi gần nhà thờ Kim Côn (đặt tại thôn Kim Côn cùng xã Chiến Thắng, gần nhà bác rể tôi), nhà thờ Văn Khê (đặt tại thôn Văn Khê xã An Thọ cùng huyện An Lão, cạnh nhà dì ruột tôi). Đây là 2 nhà thờ lớn trong vùng, đều thuộc Hạt Nam Am, Giáo phận Hải Phòng nên tôi đã từng nhìn thấy nhà thờ, đã đến tận nơi và từng được dẫn vào khuôn viên, trong cả Nhà Thờ. Giáo xứ Kim Côn và Văn Khê trước đây là một cộng đoàn lớn, khá nổi tiếng trong vùng. Nhưng phần đông Giáo dân đã di cư vào Nam hồi 1954 nên sau này Nhà Thờ thì rộng mà giáo dân thì thưa, sinh hoạt tôn giáo cũng khiêm tốn.

Với lại, do hồi đó bản thân còn nhỏ (chưa đến 10 tuổi, mải chơi, bận học, theo bố đi văn nghệ, theo bà lên Chùa) nên với "bên Đạo" chỉ có ấn tượng về vị trí ngay đầu làng, về những cái tháp cao và tiếng chuông Nhà thờ chứ chả có kỷ niệm vào về Noel cả.

Năm 1964, theo gia đình lên khai hoang tại Lào Cai, vùng Phong Niên (thuộc huyện Bảo Thắng) không có nhà thờ, người bản địa không theo Đạo, người khai hoang ít người theo nên cũng chẳng biết đến nhà Thờ và Lễ Giáng sinh.

Những năm 1974-1980 học Đại học ở Hà Đông, dịp 24/12 có đi Nhà Thờ nhưng cũng chỉ theo bạn vãng cảnh. Đến 1981-1991 về công tác tại Yên Bái, lập gia đình, cũng có năm ra nhà thờ Yên Bái (thuộc Giáo hạt Yên Bái, Giáo phận Hưng Hóa, đạt tại phường Hồng Hà, thị xã mà nay là thành phố Yên Bái) dịp Noel, nhưng là đi theo phong trào, ít để tâm quan sát, tìm hiểu!

Trong những dịp đi cơ sở, nhất là từ sau ngày chuyển lên công tác tại tỉnh Lào Cai tái lập (1991) tôi từng nhiều lần ghé Nhà thờ Sa Pa, Nhà thờ Cốc Lếu thuộc Hạt Lào Cai, Giáo phận Hưng Hóa hay như dịp về quê ngoại của vợ ở Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam qua tiếp chuyện các Chánh trương Trùm trưởng ở Giáo họ Lệ Thủy (thuộc Nhà Thờ Bút Ðông, Hạt Lý Nhân, Tổng Giáo phận Hà Nội) hiểu thêm về Thiên Chủa giáo và lễ Giáng sinh.

Qua đó tôi cảm nhận được tính nhân văn của những nghi thức trong Lễ Giáng sinh, đặc biệt là với Nhà Thờ Cốc Lếu.

4. Nhà thờ giáo xứ Lào Cai thường gọi là nhà thờ Cốc Lếu, được xây dựng từ bao giờ tôi chưa biết nhưng những năm 196x, khi lên thị xã Lào Cai tôi đã thấy nó cũ lắm rồi, tọa lạc ngay cạnh Chợ lớn nhất Lào Cai bấy giờ là Chọ Cốc Lếu. Năm 1991 khi quay lại thị xã thì thị xã chỉ toàn lau sậy. Khu Cốc Lếu còn duy nhất mấy “nhà gạch” là Tháp chuông Nhà Thờ và mấy nhà Vòm kho Lương thực. Để “an cư lập nghiệp”, giáo dân, giao xứ và chính quyền địa phương đã xây lại Nhà Thờ mới và hoàn thành năm 1999. Nhà Thờ này nằm cạnh Chợ Cốc Lếu, được giới hạn bởi các phố: Sơn Tùng ở phía Bắc, Hồng Hà ở phía Đông, xa hơn về phía Nam là đường Kim Đồng, phía Tây là phố Cốc Lếu. Như thế nó vẫn tọa lạc cạnh chợ Cốc Lếu, gần bờ hữu sông Hồng và cách Cửa khẩu biên giới độ hơn km, qua cầu Cốc Lếu. Đây là nơi tụ hợp hành lễ của gần 4.000 giáo dân trong Giáo xứ và trung tâm, lị sở của Giáo hạt Lào Cai.

5. Từ sau 1999, Giáng sinh tại Lào Cai là dịp Nhà Thờ đón đông đảo giáo dân đến hành lễ (Hát thánh ca, cầu nguyện, biểu diễn văn nghệ, một số nghi lễ thiên chúa giáo) và du khách tham quan, chung vui, mua đồ kỷ niệm.

Đã 30 năm trở lại sinh sống tại thị xã (nay là thành phố) ngã ba sông biên giới, nơi Nậm Thi giao lưu với Hồng Hà, nhiều lần cùng vợ, con, cháu thưởng ngọan dịp Lễ Giáng sinh nên tôi phần nào hiểu và cảm nhận được sự ấm áp, nhân văn của Lễ này.

Để phục vụ bà con giáo dân và du khách, ngay từ đầu tháng 12, nhà thờ Cốc Lếu được dọn dẹp vệ sinh, trang trí bằng cờ đuôi nheo, đèn điện lấp lánh; Hang đá, Máng cỏ, cây thông noel lớn, hoa và những quả cầu nhỏ, khu vực sân khấu,… đã được xúc tiến và dần hoàn tất.

Đồng thời, các Trung tâm mua sắm và giải trí trong thành phố: cây thông noel lớn đã được trang trí bởi hàng trăm bóng đèn lấp lánh, hình ảnh Ông già Noel được dựng lên,…là nơi hấp dẫn để người dân đến tham quan, mua sắm chụp hình lưu niệm.

Trên các tuyến đường lớn và các phố gần Nhà Thờ, rực rỡ cờ hoa và bóng điện cùng tiếng nhạc quen thuộc của những bài hát về giáng sinh. Nơi đây, tiểu thương và doanh nhân bày bán các mặt hàng thời trang noel, đồ chơi, quà tặng…, mở dịch vụ gửi thư tới ông già noel, nhận đóng vai Ông già Tuyết đi phát quà cho trẻ em,…Ít nơi quên lắp đặt những cỗ xe Tuần lộc, những cây thông, ông già Noel,… thậm chí cho thuê cả quần áo, mũ mầu đỏ để các em nhỏ chụp ảnh!

Với Giáo dân, giáng sinh là dịp vô cùng ý nghĩa, người người nô nức chuẩn bị tham gia các nghi thức tôn giáo mình theo để đêm 24 đến Nhà Thờ hành Lễ và họ tin rằng mọi nguyện cầu về cuộc sống đủ đầy, bình an, hạnh phúc sẽ thành hiện hữu.

Với người ngoại đạo, là dịp vui chơi, nghỉ ngơi của nhiều người dân thành phố Lào Cai, đặc biệt giới trẻ. Họ chuẩn bị quà, quần áo, mũ và đi chơi!.

Thời tiết se lạnh đêm cuối năm vùng cao rất thích hợp để mọi người đến vui lễ Gáng sinh. Ngay từ 19 giờ tối 24/12, dọc tuyến phố đi vào Nhà thờ Cốc Lếu đã rất đông người: xe chật cứng, người chen nhau đi bộ. Nhiều người diện thật đẹp, lộng lẫy, có bạn trẻ còn mặc áo váy đỏ, đội mũ ông già Noel và khoác những cái bờm tuần lộc. Từ khi khu vực đường Soi Tiền, An Dương Vương, hành lang kè bờ hữu sông Hồng thành tuyến phố đi bộ, người dân đổ dồn về đó khiến khu vực nhà thờ thông thoáng hơn.

Vào Lễ, mở đầu đêm Giáng sinh là chương trình hoan ca và diễn nguyện đón chúa Hài đồng và thánh lễ mừng Chúa giáng sinh. Ai  ai cũng say mê và cảm động trước nghi lễ mừng Thiên chúa ra đời trong hang đá, với đoàn đồng ca cất vang những bài thánh ca ca ngợi Đấng Cứu rỗi, ngợi ca niềm tin và tình đoàn kết, sống “tốt đời đẹp đạo”.

Suốt buổi Lễ, giáo dân chăm chú hành lễ, các em nhỏ vui chơi bên các biểu tượng lễ Noel, du khách chụp ảnh, ghi hình kỷ niệm. Đặc biệt, những người không làm nhiệm vụ “diễn viên”, họ chăm chú và tỏ ra thích thú với các tiết mục văn nghệ đang được biểu diễn. Trong số những người có mặt tại khu vực nhà thờ có rất nhiều khách du lịch nước ngoài, người ngoại quốc, cả người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc và du lịch tại Lào Cai. Họ chung niềm vui với người dân bản xứ và chắc chắn sẽ quên đi nỗi buồn không thể đoàn tụ cùng gia đình trong mùa Giáng sinh.

Khi 12 tiếng chuông ngân vang, tâm hồn người dự lễ thêm thanh thản, bình yên và ai ai cũng cảm nhận được không khí Giáng sinh ý nghĩa và ấm áp.

Kết thúc buổi Lễ, mọi người tỏa ra các ngả, về nhà hoặc về Khách sạn. Nhiều bạn, nhất là giới trẻ chuyển đến khu vực phố đi bộ để thưởng thức các món ăn vặt. Khi đó con đường Hoàng Liên cửa nhà tôi sáng trưng và inh ỏi tiếng ô tô, xe máy xuôi về phía Nam thành phố (tx trước kia).

Đêm nay, Giáng sinh đang đến cận kề, nhà thờ Cốc Lếu, nhà thờ, nhà nguyện các giáo họ ở Lào Cai chắc chắn đã hoàn tất việc chuẩn bị, sẵn sàng đón người dân thành phố Lào Cai và du khách đến chung vui với nhiều chương trình ý nghĩa trong đêm Noel Tươi vui, Hạnh phúc và An lành.

-Lào Cai, đêm 23 sang 24/12/2020-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!