Buổi tối có “khách” là chú em ruột cùng thằng cháu gọi bằng bác. Cu cháu lái xe không uống gì, còn 2 anh em với lý do “làm mấy tợp đẩy con Cô Rô Na xuống” nên cưa mỗi người 2 ly “sữa chua”.
Xong bữa, 2 bác cháu nó đi có việc còn mình lên giường “tư duy”! Đang mơ màng tiếng sấm đì đùng thúc giật cả mình, bật dậy và nhớ ngay đến câu ca đã học và thuộc từ thời xa lắc:
“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ,
Hễ nghe sấm động phất cờ mà lên.”
Máu “tìm hiểu” nổi lên vả lại cũng “đẫy giấc” rồi nên ngồi ngay vào máy!
Mở máy, nhớ ra việc tìm hiểu về mưa đá đã có thu hoạch và lưu tại đây. Nay qua câu này tìm hiểu mấy vấn đề sau:
1.Về ngữ nghĩa
Ngoài những từ, ngữ đã tìm hiểu, phân tích ở bài trước, nay tìm hiểu thêm mấy từ liên quan đến câu ca dao:
- DÔNG (H: 雷暴, A: Thunderstorm, P: Orage) là hiện tượng khí tượng phức hợp gồm chớp và kèm theo sấm do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra. Nó thường kèm theo gió mạnh, mưa rào, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng.
Dông đầu mùa thường xảy ra khi có các hệ thống thời tiết như không khí lạnh ở phía bắc hoặc rãnh thấp trong đới gió tây trên cao di chuyển sang ảnh hưởng đến thời tiết địa phương hoặc có sự kết hợp của cả hai hệ thống thời tiết này. Khi các hệ thống thời tiết này hoạt động mạnh thường gây ra các hiện tượng thời tiết như mưa rào, kèm gió mạnh, đôi khi có kèm theo mưa đá…
- SẤM (H: 雷, A: Thunder, P: Tonnerre) là âm thanh gây ra bởi tia sét khi không khí bị giãn nở đột ngột. Tùy thuộc vào khoảng cách và bản chất của những tia chớp, âm thanh đó có thể dạng thanh ngắn hoặc dàng âm trầm lớn kéo dài hoặc ngắn. Đồng thời tiếng sấm thường đi sau ánh sáng của tia chớp lóe lên.
-SÉT hay TIA SÉT (H: 闪电, A: Lightning, P: Foudre) là sự phóng điện giữa các đám mây tích điện trái dấu hoặc giữa đám mây với mặt đất trở thành plasma và phát sáng và khi đó hiệu điện thế giữa hai đám mây có thể lên hàng triệu vôn.
Tốc độ lan truyền của ánh sáng nhanh hơn so với tốc độ lan truyền của âm thanh nên ta thấy tia chớp trước khi nghe tiếng sấm. Vì sự khác biệt này, người ta có thể tính toán được tia chớp cách bao xa bằng đo thời gian giữa việc nhìn thấy tia chớp lóe lên và âm thanh sấm nghe được.
-LÚA CHIÊM: hằng năm, “đất tổ” của nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc bộ, có hai vụ lúa cổ truyền là vụ mùa (Hè Thu, cấy tháng 6 – 7, gặt tháng 9, 10) và vụ chiêm (Đông Xuân). Trong đó, vụ chiêm thường được gieo cấy vào cuối năm âm lịch và thu hoạch vào tháng 5, 6 hè năm sau.
Ngược dòng lịch sử, thuở xưa, Bắc bộ chỉ có giống lúa cần nhiều nước nên hàng năm gieo cấy mỗi vụ vào mùa mưa nhiều, gọi là vụ mùa. Khi “bình Chiêm”, năm 1069 quan quân Đại Việt (大越, 1054–1400 và 1428–1804) ngoài nô lệ, các sản vật khác, có đem giống lúa từ đất Chiêm Thành (占城, Campanagara, 877-1693) quen chịu khí hậu khô của Trung bộ về gieo cấy vào mùa ít mưa (Đông Xuân) thấy thích hợp nên đã phát triển. Lâu dần gọi chệch đi là “vụ chiêm” và thành ngữ “Chiêm Nam mùa Bắc” ý là vậy.
2.Giải nghĩa câu ca dao
Lúa vào vụ chiêm được cấy vào cuối Đông đầu Xuân là thời gian rét, khô hạn và thiếu nước nên đến giữa Xuân cây lúa chỉ “lấp ló đầu bờ”, tức lớn đến ngang bờ ruộng. Đây là thời điểm cây lúa đang cần dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, làm đòng mà các chất này lại có chất được tạo nên nhờ tác nhân sấm chớp cơn giông.
Hễ nghe sấm động vào thời cây lúa làm đòng (lấp ló) tức báo hiệu mưa dông khi cây lúa sắp trổ bông (thường vào tháng 3) sẽ hứa hẹn một mùa bội thu (phất cờ).
Như thế. câu ca dao này nói về hiện tượng sau mưa rào kèm theo sấm chớp thì lúa chiêm, cây trồng rất tốt và cho năng suất cao.
Cũng bởi vây, ca dao có câu: Đói thì ăn ráy ăn khoai, Chớ thấy lúa trổ tháng Hai mà mừng. Lại có câu “Chiêm khôn hơn mùa dại” với ý là: Vụ mùa thường tốt hơn vụ chiêm, nhưng nếu vụ chiêm mà cày cấy kịp thời, biết đầu tư chăm sóc thì vẫn tốt hơn vụ mùa mà không bảo đảm “nước, phân, cần, giống”.
3.Mưa giông với vụ chiêm
Ni tơ rất cần cho cây cối mà mà cây dùng được khi nó là Ni tơ ở dạng ion như NH4- hoặc NO3+, chứ ở dạng tự do thì cây không dùng được.
Trong không khí có khoảng 80% nitơ (N2) và 20% oxi (O2). Nitơ không phải là khí trơ, nhưng nó cũng không kém trơ bởi liên kết N≡N trong N2 bình thường rất bền. Song ở nhiệt cao (có sấm) thì liên kết này bị phá vỡ liên kết, khiến xảy ra chuỗi phản ứng hoá học hình thành chất đạm tốt cho cây:
-N2 phản ứng ngay với O2: N2 + O2 → (2000 độ C) 2NO,
-NO lại phản ứng ngay với O2: 2NO + O2 → 2NO2 (khí có màu nâu),
-Nếu có mưa thì sẽ có phản ứng: 4NO2 + O2 + H2O → 4HNO3,
-Axit nitric HNO3 rơi xuống đất, dễ dàng phản ứng với nhiều chất (chủ yếu là gốc kim loại R+ hoặc NH4+) tạo thành muối nitrat: HNO3 → H+ + NO3- (NH4NO3 hay RNO3).
Cổ nhân không biết đến chuỗi phản ứng (từ N thành Đạm) liệt kê ở trên, nên cho rằng chỉ có “Thiên lôi”, tiếng sấm báo hiệu trời sắp đổ mưa mới thúc đẩy việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây lúa, giúp nó phát triển.
Như thế, tiếng sấm tháng 3 thật quý, sấm gọi mưa, thúc lúa chiêm lên nhanh làm đòng. Những trận mưa đầu mùa, ngoài làm mát không khí, cung cấp độ ẩm nó còn cung cấp 1 lượng nguyên tố cần thiết cho sự phát triển cùa cây cối, trong đó có lúa chiêm.
Đang những ngày lo ngại với dịch Covid-19 (Việt Nam đã có 66 người +) thấy “sấm động” đúng kỳ cũng hy vọng nhiều, bớt lắm nỗi lo!
- Lương Đức Mến, chưa Thanh minh nghe Sấm-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!