Từ Tết, hiện tương mưa đá xẩy ra đã rộ lên nhiều tin đồn, lo lắng, băn khoăn. Đêm qua “mưa đá lại về” và về khá lớn ở Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu. Tự dưng muốn tìm hiểu sâu thêm về hiện tượng thiên nhiên này.
Trước hết, về NGỮ NGHĨA cần hiểu rõ:
- Mây (A: Cloud, P: Nuage, H: 云) là khối các giọt nước ngưng tụ hay nước đá tinh thể treo lơ lửng trong khí quyển ở phía trên Trái Đất (hay trên bề mặt các hành tinh khác) mà có thể nhìn thấy.
- Mưa (A: Rain, P: Pluie, H: 雨) là một hiện tượng tự nhiên, xảy ra do sự ngưng tụ của hơi nước thành hạt có đường kính khoảng 0,5 mm trên bầu trời, dưới dạng những đám mây, khi gặp điều kiện lạnh, tạo thành giọt nước, nặng hơn không khí, và rơi xuống mặt đất một cách phân tán.
Mưa có các dạng như: mưa phùn, mưa rào, mưa đá, các dạng khác như tuyết, mưa tuyết, sương.
- Mây vũ tích (A: Cumulonimbus cloud, P: Cumulonimbus, H: 积雨云) là một loại mây dày đặc phát triển theo phương thẳng đứng rất cao liên quan đến giông và sự bất thường khí quyển, hình thành hơi nước mang các dòng khí mạnh từ dưới lên. Mây vũ tích có thể tự hình thành, trong các đám mây, hoặc cùng với các dòng gió mạnh, lạnh nên còn gọi là mây dông. Loại mây này cấu tạo bởi các hạt nước (hoặc các hạt nước chậm đông khi mây dông nhiệt độ thấp), phần trên bởi các tinh thể băng, thường có khả năng sản sinh tia sét và các loại thời tiết nghiêm trọng khác như gió giật, mưa đá, và thỉnh thoảng có lốc xoáy. Trong những trường hợp phát triển mạnh, đỉnh mây hình thành các cuộn mây, toả ra thành những tia hay sợi có hình dáng như một cái đe.
Mưa trong trường hợp này thường thành từng dải dài, mưa rào kèm theo dông với đáy thường dưới 2 km, phát triển theo chiều thẳng đứng tới 10 km (có khi 15 km).
- Mưa đá (A: Hail, P: Grêle, H: 冰雹- băng bạc) là hiện tượng mưa mưa từ mây vũ tích phát triển mạnh trong những giai đoạn chuyển mùa, dưới dạng các hạt nước đá có dạng hình cầu không cân đối với đường kính khác nhau, thường cỡ 0,5 đến gần 1 cm đường kính nhưng cũng có khi lớn cỡ nắm tay (15 - 20 cm).
Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút.
Thứ hai, VÌ SAO CÓ MƯA ĐÁ
Vào những ngày nóng ẩm, hơi nước trong không khí đậm đặc trong khi lớp khí quyển tầng thấp nhận được nhiều nhiệt năng sẽ nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng mang theo khối lượng lớn các giọt nước lên tầng trên đám mây vốn lại rất lạnh. Lúc này các dòng không khí lên xuống mãnh liệt làm phát sinh và tạo ra những đám mây vũ tích. Khi có những luồng đối lưu mạnh mẽ bên trong mây vũ tích đủ lớn khiến hạt mưa bị cuốn lên rơi xuống nhiều lần qua vùng đông kết, làm các lớp băng lần lượt phủ lên nhau cho tới khi trọng lượng “hạt mưa” thắng được sức nâng của luồng đối lưu nên rơi xuống. Khi tới tầng mây thấp, mặt ngoài của băng lại được bao bọc thêm một lớp màng nước, đồng thời lại bị các luồng nước khi mạnh, khi yếu đang không ngừng bốc lên cao tác động vào. Đến lúc này, các luồng khí không thể giữ được các băng ở trên cao và những hạt băng này bị rơi xuống mặt đất, gây ra những trận mưa đá.
Đó là mưa với những hạt “nước đá” có kích thước khác nhau, với hai dạng sau:
- Mưa đá nhỏ: dưới dạng những hạt băng trong suốt rơi xuống từ đám mây, các hạt hầu như có hình cầu, và đôi khi hình nón, đường kính có thể bằng hoặc lớn hơn 5mm.
- Mưa đá: dưới dạng những hạt nước đá, có thể trong suốt, có thể đục một phần hay tất cả. Cục đá thường hình cầu, hình nón, hoặc không đều. Đường kính từ 5mm đến 50mm. Mưa đá rơi xuống từ đám mây, hoặc rơi rời rạc, hoặc kết thành màn không đều.
Chú ý rằng kích thước viên đá phụ thuộc vào 3 yếu tố:
- Mặt đất khô nóng:
- Trên cao độ ẩm được tăng cường bởi gió từ biển thổi vào;
- Không khí lạnh xuống quá nhanh, làm cho mây dông phát triển mạnh theo chiều cao trên 10km.
Thứ ba, TÁC HẠI CỦA MƯA ĐÁ
Chưa thấy ai bảo mưa đá gây lợi, ngoài tạo ra sự thích thú cho người ưa khám phá. Ngoài tác hại của dông, các cục nước đá có trọng lượng kha khá rơi từ trên cao xuống khá nhanh (khoảng 30 - 60m/s, cá biệt có thể lên tới 90m/s) gây nên những thiệt hại nghiêm trọng cho cây cối, hoa mầu, súc vật, xe cộ đỗ ngoài trời, các công trình che mưa nắng.
Ngoài ra, mưa đá còn có thể mang theo độc tố, acid… làm hại da người, gây dị ứng,…ảnh hưởng tới chất lượng nước ao hồ, sông suối.
Thứ tư, LÀM GIẢM THIỆT HẠI DO MƯA ĐÁ
- Dựng giàn che dạng mái hình tam giác sẽ giúp giảm tác động của hạt mưa đá khi va chạm, đá sẽ rơi xuống hai bên luống cây mà không đâm thủng giàn che, phá cây trồng.
- Thường xuyên kiểm tra tình trạng mái nhà và gia cố khi cần với vật liệu có thể chống chịu với va đập nhưng lại kháng cháy, có độ bền cao, trọng lượng nhẹ và kháng tia tử ngoại (tia UV) tốt.
- Kết cấu khung nên sử dụng vật liệu chịu lực, chống ăn mòn.
- Làm mái nhà dốc xuống hai bên để giảm lực tác động từ mưa đá.
- Nếu đang đi ngoài đường mà gặp mưa đá nên dừng lại tìm chỗ ẩn, đội mũ bảo hiểm để tránh đá rơi vào đầu. Với những trận mưa đá lớn, nên tìm nơi có thể "trốn" được như gầm bàn, gầm giường, ...
- Với xe ô tô, cần đưa vào nhà xe, gara kiên cố. Nếu không có nhà xe, gara thì dùng bạt khí chạy bằng nguồn điện trên xe hoặc pin dự trữ.
Thứ năm NHẬN BIẾT DẤU HIỆU SẮP MƯA ĐÁ
Chú ý nghe thông tin dự báo có mưa dông (có thể có cả mưa đá) để sớm biết có khả năng xảy ra mưa đá và luôn chuẩn bị sẵn các phương án trú, tránh an toàn cho người, vật nuôi.
Thấy trời nổi gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông, gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục cần cảnh giác;
Tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào và cảm thấy nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể mưa đá sẽ xảy ra.
Thứ sáu, “ĐIỀM TRỜI” KHI MƯA ĐÁ
Mưa đá, như trên đã tìm hiểu, nó là hiện tượng thời tiết tự nhiên do những diễn biến bất thường của các luồng không khí nóng và lạnh.
Nhưng từ xưa, người ta tin vào thuyết “Thiên nhân cảm ứng” nên bất kỳ một dị thường nào của thiên văn, thời tiết cổ nhân đều gán cho nó là “điềm trời”, thường là diềm gở báo trước một cái xấu liên quan đến xã hội, con người. Có thể tìm thấy vô số những câu chuyện, đoạn văn chép như thể trong các cuốn sử, dã sử, tiểu thuyết lịch sử thời trung đại trở về trước.
Miền Bắc vốn quen với Tết là dịp se lạnh, mưa phùn gió bấc nên hiện tượng mưa đá, mưa giông, sấm sét trong đêm giao thừa Tết Canh Tý ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc là điều rất ngạc nhiên gây nhiều đồn đoán!
Nhưng thực ra, mặt trái của các tiến bộ thời @ cùng với việc phá rừng, …gây nên sự “biến đổi khí hậu” đã tạo ra tình trạng hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ..., liên tục, nhiều khi “trái quy luật!
Sự thay đổi này sẽ còn diễn ra trong thời gian tới. Việt Nam và cả thế giới cần có những giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu mạnh mẽ này.
Ta hãy coi hiện tượng mưa lớn, sấm sét trong đêm giao thừa Hà Nội, những trận mưa đá lớn ở Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu mấy ngày qua không phải là hiện tượng thời tiết quá bất thường, “báo trước” một đại họa nào!. Đặc biệt nó không hề là sự “cảnh báo” của Thượng đế về dịch Covid-19 khởi phát từ 12/2019!
Do vậy, chẳng có vấn đề “tâm linh” nào ở đây và nó cũng chả là điềm gở báo trước cái gì, ngoài tác hại do chính nó gây ra!
- Lương Đức Mến, biên tập thứ Ba ngày 03/3/2020 từ nhiều nguồn TK và thực tiễn đã gặp-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!