Theo cổ truyền, người Việt rất coi trọng mồ mả của người thân. Bởi thế mới có câu “Người ta sống về mồ mả chứ không ai sống về cả bát cơm” nên mồ mả của thân nhân là cả một mối quan tâm của Việt nhân.
Nhân việc gia đình, chép lại hiểu biết của bản thân cũng như việc đã từng áp dụng thực tế để nhớ.
1.Từ một thực tế:
Người Việt nói chúng và những gia đình ảnh hưởng nhiều của Nho giáo thường đau đáu hoài bão:
- Kiếm được một kiểu đất tốt để đặt táng cho cha mẹ, gọi là để báo hiếu;
- Cốt sao cho gia đình, chi phái, dòng họ được phồn thịnh, vinh quý muôn đời.
Nhưng không phải ai cũng chết tại gia để gia đình lo tang ma rồi tìm đất chôn cất, lập mộ. Trên thực tế, nhiều người chết trận, chết đuối ở sông, ở biển, chết do tai nạn, lạc đường, thú vồ, mối xông, chết trong các vụ “thảm họa”,... mà gia đình dù cố mấy cũng không tìm được thi xác hoặc không xác định được thi xác. Cũng có khi gia đình đã làm ma, lập mộ nhưng do nước ngập, đất lở, do chạy lọan, do san lấp đất đai,…mà mộ bị thất lạc, không thể tìm được!
Đến khi con cháu “có điều kiện” rất muốn tìm lại mộ phần của tiền nhân hoặc khi trong số hậu duệ có ai đó bị “trục trặc” mà thầy phán là “động mộ” lại chả biết mộ ở đâu mà tạ, mà lễ! Người già ngày càng thưa vắng, trí nhớ thì mù mờ, thầy bà phán lung tung, nhà ngoại cảm chỉ tứ phía,…chỉ còn cách lập “mộ vọng” rồi “chiêu hồn nhập cốt” hay “chiêu hồn nạp táng” để yên lòng người đang sống!
2. Về mặt thuật ngữ:
- Mả 𡏢 là từ thuần Việt chỉ nơi chôn thi hài đã đắp cao thành mô.
- Mộ phần (H: 墓墳, A: The tomb, P: Le tombeau) là cái mả đắp cao lên.
- Mộ vọng (H: 望/风墓, A: wind tomb, P: tombeau à vent) là mộ không có hài cốt, mộ tượng trưng còn gọi là mộ gió để tưởng niệm người đã khuất khi không tìm được thi thể để an táng.
- Mộ bia (H: 墓碑, A: The tombstone, P: La pierre tumulaire) là tấm đá đặt trước mộ, trên đó có ghi tên tuổi, chức phận của người chết.
- Mộ chí (H: 墓誌, A: Epitaph, P: Épitaphe) là bài văn ký sự ghi trên bia đặt nơi mộ, nói về quê quán, phẩm tước và công nghiệp của người chết.
- Lăng 陵 là ngôi mộ được xây to, hoành tráng. Trước kia, từ thời nhà Hán chỉ Mộ Vua mới gọi là lăng.
- Chiêu hồn nhập cốt (H: 招魂入骨, A: Call the souls of the dead to their bones, P: Appelez les âmes mortes à leurs os) là mời gọi linh hồn của người chết về để nhập vào xương, hình hài người thân đã chết vừa tạo ra.
- Chiêu hồn nạp táng (H: 招魂納葬, A: Evoke the souls of the dead to the tomb, P: Évoquer les âmes des morts au tombeau) là mời gọi linh hồn của người chết về để nhập vào mộ.
- Vọng bái (H: 望拜 , A: To prostrate oneself from far away, P: Se prosterner de loin) là trông về phía xa mà lạy khi không thể đến được.
- Vong hồn - Vong linh (H: 亡魂 - 亡靈, A: Soul of dead person, P: L'âme du mort) là linh hồn của người chết.
- Nhập quan (H: 入棺 /入殮 , A: To coffin a body, P: Mettre en bière) là đưa thi hài đã bọc, bó bằng vải vào quan tài.
- Cung phần sớ văn (H: 恭焚疏文, A: To burn respectfully the petition to God, P: Brûler respectivement le placet au Dieu) tức xin đốt sớ văn cúng đi.
- Phá thổ (H: 破土) là công việc phá hay đào đất để chôn cất, xây, và đắp mộ. Chỉ về công việc cho âm trạch, khác với “động thổ” ở dương trạch.
- Tế bạt vong hồn (H: 濟拔亡魂 , A: To save the soul, P: Sauver l'âme) là cứu giúp linh hồn người chết cho vượt lên trên, thoát khỏi địa ngục.
- Tạ lễ (H: 謝禮 , A: To thank with a present, P: Remercier pour un present) là lễ tạ thổ thần sau khi hoàn thành công việc kiến trúc, cơ sở; nghi lễ cử hành cúng tế này còn gọi là Điền lễ. Sau khi hoàn thành phần mộ và cử hành cúng tế còn gọi là Hoàn phần 還墳.
- Tế mộ 祭墓là việc cúng tế khi đắp xong phần mộ, hoặc là việc tảo mộ trước và sau Thanh minh.
- Tế tự (H: 祭祀 , A: The cult and sacrifice, P: Le culte et sacrifice) là cúng tế, tôn thờ người chết.
2. Thủ tục lập mộ vọng:
2.1. Làm hình nhân:
Có nhiều cách tạo hình nhân, thông dụng là:
- Vỏ quả dừa khô làm đầu có 3 lỗ tạo thành hình tam giác đều (2 lỗ mắt, đầu chóp nhọn vỏ dừa làm mũi, còn một lỗ dưới làm miệng, các cành thân dâu hoặc cành thân cây núc nác làm xương. Trong đó: cắt, vót thành những lóng, tương ứng với xương sống, xương cánh tay, chân..., cành nhỏ hơn, vót kỹ và đặt vào làm những dẻ xương sườn. Cách này phổ thông ở miền Bắc.
- Dùng cành dâu làm xương rồi lấy đất sét nhào nhuyễn trộn bông hoặc giấy bản để kết dính với nhau không bị nứt, nặn thành hình của người chết giả cốt; đất ngã ba đượng mang về trộn với trứng gà so nặn thành tim, phổi; dùng đất, tro than của cây Xoan đặt vào chỗ gan; chỉ tơ làm ruột và gân. Sau đó dùng tăm cây dâu vẽ mắt, mũi, miệng, tóc. Việc khai khiếu (hai tai, hai đầu vú, mũi, rốn, hậu môn, bộ phận sinh dục) được thực hiện rất tỉ mỉ, riêng bộ phận cuối sau khi làm xong phải che đậy lại. Cách này miền Trung hay làm.
- Lấy tro nếp hoặc tro thường sạch, mới cho vào đầy tiểu sành nhỏ tượng trưng như toàn thân xương cốt người mất được hỏa thiêu.
- Lấy đất sét sạch tại vườn nhà, nền nhà gia chủ khoảng 2,6-3 kg. Vo tròn lại như dáng người
Do người chết lại trở về với đất, xương cốt, tro cốt đều hòa vào lòng đất, mọi hình tướng đều tan hết chỉ còn phần hồn nên làm theo cách thứ 3, 4 là tốt nhất.
Thi hài tượng trưng đó được khâm liệm, đưa vào tiểu sành. Trên hình nhân (tro cốt) có phủ lên linh vị viết trên giấy kim tuyến, nội dung giống như linh vị đặt ở bàn thờ. Làm lễ để vong hồn nhập vào hình nhân (tro cốt) rồi làm lễ an táng như thông thường.
2.2. Chuẩn bị lễ
- Lễ thức mời Phật, Địa tạng vương Bồ tát.... gồm xôi, chè, hoa, cháo, nước thanh thủy, trầu cau…tại Mộ
- Lễ cúng tổ tiên: 1 con gà hoặc thịt lợn, rượu, bánh chưng (xôi), nến, gạo, muối, cháo, cơm canh, bánh, trái cây, trứng gà 5 quả, kim ngân, mã mũ.
- Lễ tạ: các Quan, Thần linh xứ mộ nơi mộ mới xây cho vong. Tùy thầy, tùy nơi, tùy gia cảnh nhưng thường có: 2 cốc nến màu đỏ, 2 gói trà, 2 bao thuốc lá, 1 mâm trái cây, 3 quả cau, 3 lá trầu xếp có cánh dài và đẹp, 10 bông hoa màu đỏ; Nửa lít rượu, 10 lon bia, 5 chén rượu, 1 con gà trống thiến luộc nguyên con và đặt lên mâm xôi trắng. Đồ hàng mã cần chuẩn bị: 5 bộ quần áo, mũ và hia loại to có kèm kiếm, roi, ngựa và cờ lệnh, 5 con ngựa, mỗi con sẽ có một màu khác nhau, 1 cây hoa vàng hoa đỏ, 5 tờ giấy 5 mầu.
3. Nghi thức “chiêu hồn nạp táng”.
3.1. “Chiêu hồn nhập cốt”
Tạo hình hài xong, thầy cúng làm nghi thức gọi, mời hồn về nhập vào “cốt” xác cho người chết招魂入骨. Đến đây, nghi thức nhập hồn cho người chết đã xong.
Người chết được tạo hình hài và lễ nhập hồn xong coi như là một thi hài nên cũng làm đầy đủ các thủ tục như một đám thông thường.
3.2. Yết cáo gia tiên
Trước khi lập mộ cũng tương tự như khi yết các thực hiện các phần việc quan trọng khác,
3.3. Hạ huyệt hay nạp táng
Tùy gia cảnh và điều kiện thực tế có thể xây mộ riêng cho 1 vong hoặc mấy vong chung một mộ hồn hay mỗi chi họ xây chung một mộ to hoặc cả dòng họ xây riêng một mộ to để cho các hồn vong mất mộ nhập vào cũng được. Khi đó chỉ việc ghi họ tên, năm sinh, năm mất của vong vào sớ đặt vào nấm, tiểu riêng hay chung theo thứ tự tuổi, thời gian mất hoặc bề bậc.
Có mộ, dù là mộ vọng thì hồn có nơi an nghỉ là vong hết khổ, không còn phải bơ vơ mà người sống cũng thêm phần an ủi. Đây không phải là một sự Vọng chấp (H: 妄執 , A: To hold the vainness, P: Tenir la vanité), là khư khư giữ lấy cái hư giả mà cho là thật mà là một phương thức mà cổ nhân đã định ra, làm theo từ ngàn xưa trong những hoàn cảnh bắt buộc, với nghi thức khá hoàn hảo.
3. 4. Lễ tạ long mạch tại địa điểm lập mộ vọng
Thường phải mời thầy pháp với nghi thức cẩn trọng.
4. Văn khấn
4.1. Gọi hồn
- Châm bó hương, hua lên rồi hô: Ba hồn bảy vía vong hồn (nam) hay Ba hồn chín vía vong hồn (nữ) Lương Đức (Thị) X , … tuổi, mất ngày… tháng… năm… hiện ở đâu xin mời về nhập vào tiểu, về được nhập mộ mới xây từ đây, mộ mới là nhà của hồn mãi mãi. Mộ mới xây ở NTND thôn… Nhà thờ họ là nơi con cháu các chi trong họ cúng bái phụng thờ và giao lưu với hồn! Hồn ơi hồn hỡi! Khắc nhập! Khắc nhập!
- Lời khấn: Hôm nay ngày lành tháng tốt, xin thỉnh Đức Phật trời, Đức Địa tạng vương Bồ tát, Thần hoàng bản thổ, Thần linh thổ địa, bà Chúa đất cai quản nơi đây…, Quan Dẫn hồn sứ giả ngự trên cao về dự lễ chiêu hồn, thụ hưởng phẩm vật .
Xưa kia gia đình tín chủ có người tên là ......quê quán tại ......, con ông ............., con bà ................ sống tại làng, dòng họ nội tộc họ ......, trong lúc… đã đại nạn lâm chung, , do thất lạc mộ phần,….
Nay cháu con sắm lễ, nhờ thầy kêu thay gợi đỡ, làm phép chiêu hồn nạp táng cho hương linh…về ngự tại mộ phần xây ở…... Vậy hãy mau mau 3 hồn bảy vía để gửi hồn vào phần cốt mới.
Xin Phật trời, Địa tạng vương Bồ tát, các Chư vị linh thần… phù hộ và che chở cho hòn…. được về đây nhập cốt, nạp táng vào mộ phần mới.
Mộ này là nhà của hương linh….Còn nơi con cháu các chi trong họ cúng bái phụng thờ và giao lưu vong là ở Từ đường dòng họ .
4.2. Văn khấn tạ mộ:
“Nam mô a di đà phật!
Đệ từ con xin kính lạy:
- Chín phương Trời, năm phương Đất và Chư Phật mười phương;
- Đức Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần;
- Ngài Đương cai Kỷ Hợi niên Chí đức Tôn thần: Tạ Đảo Đại tướng quân; Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn Hành Binh chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan;
- Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Long mạch Tôn thần cai quản cai quản xứ…;
- Ngài Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ; Quan Dẫn hồn Sứ giả Ngũ đạo Tướng quân, quan Đường xứ Thổ địa Chính thần cùng liệt vị tôn thần cai quản nghĩa địa …
Hậu duệ tôn xin Kính lạy hương linh:
- Lương tộc lịch đại Tổ tiên;
- Họ tên người vừa lập mộ.
Hôm nay là ngày…tháng…năm…, nhằm tiết …..
Chúng con là:……………
Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc tạ mộ phần.
Nguyên Chi phái chúng con có ngôi mộ của … do chiến tranh, loạn lạc, lụt lội, dựng xây nên nay cháu con chưa biết mộ phần ở nơi đâu trên đất quê hương. Trong lòng mỗi cháu con nhớ thương đấy, chỉ biết luôn trăn trở bởi lực bất tòng tâm.
Nay chúng con đồng tâm hiệp lực, góp công góp của, nhờ thầy cậy thợ đã xây khu mộ vọng ở Nghĩa trang nhân dân ….để làm nơi cư ngụ phần hồn cho các bậc tiền nhân của chi phái.
Nay công việc đã hoàn thành, chọn được ngày lành tháng tốt, gia chủ chúng con lòng thành lễ vật dâng lên trước án thành tâm kính mời: Ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần; Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương; Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa; Ngài Định phúc Táo quân, các ngài Địa chúa long mạch Tôn thần và tất cả các vị Thần Linh cai quản ở trong khu vực này.
Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi, công việc hanh thông, chủ thợ được bình an, ngày tháng hưởng phần lợi lạc, âm phù dương trợ, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm, âm siêu dương thái.
Tín chủ lại xin phổ cáo với các vị Tiền chủ, Hậu chủ và các vị Hương linh khuất mặt lẩn khuất quanh đây, các linh hồn chiến sĩ trận vong vì nước, các oan hồn uổng tử không nơi nương tựa, xin cùng tới đây thụ hưởng lễ vật, độ cho tín chủ cũng như chủ thợ đôi bên, khiến cho an lạc, công việc chóng thành, muôn sự như ý, từ đây hoạn lộ hanh thông, Đông thành Tây tựu, trú sở cát tường.
Cầu tiên tổ phách thể bình yên, phần mộ vững bền. Chúng con xin vì hương linh phát nguyện tu nhân tích đức, làm duyên làm phúc cúng dâng Tam Bảo, giúp đỡ cô nhi quả phụ, tế bần cứu nạn, hiếu thuận tông nhân để lấy phúc này hướng về tổ tiên.
Cúi xin linh thiêng chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho con cháu, qua lại soi xét cửa nhà, che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điềm lành mang đến, điềm giữ xua đi. Độ cho gia đạo hưng long, quế hòe tươi tốt, cháu con vui hưởng lộc trời, già trẻ nhuần ơn Phật Thánh.
Chúng con cùng toàn thể gia quyến tuân theo nghi lễ sắn sửa hương hoa lễ vật dâng lên án tọa Tôn thần cùng chư vị uy linh, kính cẩn tâu trình.
Kính cáo Sơn Thần, Thổ Thần, Long Mạch và các vị Thần linh, cúi xin chứng minh, phù hộ cho toàn gia chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, mọi việc hanh thông.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe.
Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.”
Khấn xong đốt hóa trước mộ.
5. Chuyện gia đình tôi:
5.1. Bên Nội
Ông Nội tôi, 第五代祖 梁德楨[1] khoảng 1926-1927, vào mùa thả diều, cùng với mấy người trong Tổng bỏ nhà ra đi, nói là đi “Tân Thế giới”[2]. Không ai can được. Hôm đó là ngày 29 tháng Giêng. Từ đó không về và cũng không tin tức gì.
Chờ 6, 7 năm sau, biết cụ đã mất, gia đình tổ chức “chiêu hồn nạp táng” 招魂納葬. Mời 7 sư làm chay, cầu siêu[3] trong mấy ngày đêm liền. Cúng xong dùng cành dâu làm xương, vỏ dừa làm sọ (xương dâu, đầu gáo)[4] mà mai táng. Lấy ngày 29/Giêng làm ngày Giỗ hàng năm. Mộ vọng đó, khi nhà tôi lên Lào Cai vào 2/1964 đã quy tập và đến 1994 xây cùng 6 ngôi mộ khác đặt cạnh nhau nhìn ra sông Văn Úc gần tường bên phải Nghĩa trang Liệt sĩ. Về sau có người cùng Tổng, cùng đi với ông ngày đó kể lại là: ông định đi vào Nam tới đồn điền cao su làm phu, nhưng chuyến đó tầu bị đắm (người kia ốm ở lại không đi nên thoát). Sau này đi xem, nhiều thày phán là cụ được “thuỷ táng” và con cháu có số tha phương.
5.2. Bên Ngoại
- Có 7 người mất từ lâu mà mộ phần thất lạc hoặc chưa từng có, là:
+ Mẹ vợ ông Nội vợ húy Thạnh (sống cùng ông bà Nội của Vợ tôi);
+ Ông Nội vợ (Đệ Nhị đại Tổ họ Phạm gốc Chính Lý) Phạm Văn Tuệ;
+ Bà Nội vợ: Trần Thị Liễu, em ở cùng bà Trần Thị Điều;
+ Bác ruột: Phạm Văn Hướng cùng Tổ cô: Phạm Thị Lụa và Phạm Thị Huệ.
- Sau một thời gian chuẩn bị họp thống nhất trong anh chị em và các cháu, lo đất, kinh phí, thủ tục tâm linh, từ 14/11/2019 (18/10 năm Kỷ Hợi) vợ chòng tôi sau đó là các em, các cháu từ Lào Cai về quê cùng các em ở quê đã tiến hành mọi nghi thức, và tiến hành xây 7 nấm trong một khu ở Nghĩa trang nhân dân Xóm 8 thôn 4 xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đến ngày 18/11/2019 (22/10 Kỷ Hợi) hoàn thành, tiến hành Tạ mộ, hoàn Long mạch và ra về. Việc quét sơn, chăm sóc tiếp giao lại cho các em ở quê.
Nhìn chung công việc hoàn thành tốt đẹp, vượt dự kiến cả về huy động kinh phí, quy mô diện tích, thời gian và kỹ thuật, chất lượng. Đúng là Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.
Nhân đó, chép lại hiểu biết của bản thân cũng như áp dụng thực tế để nhớ.
-Lương Đức Mến, tháng 10 Kỷ Hợi 2019-
[1] Tôi phải dùng chữ Nôm ghi tên, không dùng chữ 正 , vì cụ không phải là con cụ Giáo Chinh (征).
[2] Để vơ vét của cải bù vào hao hụt ngân sách do Chiến tranh, từ năm 1929 thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai. Trong bối cảnh đó nhiều Mỏ được mở rộng, nhiều đồn điền trồng cây công nghiệp được khai phá. Nhu cầu phu rất nhiều.
[3] Một nghi thức Phật giáo mong cho linh hồn người đã mất siêu thoát.
[4] Có người cho rằng chính vì thế mà con, cháu tôi hầu như đều hơi bẹp đầu cả.
Cảm ơn tác giả rất nhiều ạ
Trả lờiXóa