[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


02 tháng 7 2019

Luận về ĐỜI MỘT CON NGƯỜI

Không phải vô cớ mà trong tiếng Việt, khi muốn nói đến một người cụ thể thì “tên” thường đi với “tuổi” và nghiễm nhiên ai “có tên tuổi” tức người đó có danh tiếng, uy tín!. Đây là điểm khác giữa người giầu “để lại danh gì với núi sông” với kẻ trọc phú!.  Đồng thời các cụ ta xưa phân biệt rất rõ: Thân xác cha mẹ sinh, tên cha mẹ đặt nhưng tính nết và tuổi tác lại do trời ban, xã hội chi phối, bản thân luyện rèn!
 Từ xa xưa, cổ nhân đã biết: người ta “Sinh tử bất kỳ (H: 生死不期, A: The birth and death come unexpectedly, P: La naissance et la mort arrivent inopinément), tức không ai có thể tự định đoạt ngày sinh, ngày mất cho mình được. Đồng thời, sống trong sinh giới, con người phải tuân theo quy luật: “Nhân sinh Bách tuế vi kỳ” (H: 人生百歲為期, A: Hundred years are the limit of life, P: Cent ans sont la limite de la vie), nghĩa là con người sống một trăm năm là kỳ hạn, chẳng ai cưỡng được[1]! Tức là, ai cũng trải qua bốn giai đoạn “Sinh-Lão-Bệnh-Tử” 生老病死. Sau khi “Sinh” để có mặt trên đời rồi theo thời gian con người trở thành “Lão”, tiếp sẽ đi đến kết cục “Bệnh” rồi dẫn đến “Tử”. Tất yếu đó phù hợp với quy luật tạo hóa (H: 造化 , A: The creation, Creator, P: La création, Le Créateur)[2]
Chính vì vậy, con người mới đo thời gian sống bằng TUỔI. Tùy lĩnh vực mà sử dụng nhiều loại tuổi khác: Tuổi thời gian (dương tính từ khi snh ra, âm tính từ lúc thụ thai), Tuổi sinh lý (phụ thuộc vào nhiều yếu tố), Tuổi trí lực (trình độ nhận thức, mức thông minh), Tuổi tâm lý (phát triển trí lực theo độ tuổi), Tuổi xã hội (năng lực ứng xử).
Nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Hoa cổ đại, người sáng lập ra Nho giáo 儒教là Khổng Tử (孔子, 551-479 tCn) đã  “tổng hợp” trong  Luận Ngữ 論語sự phát triển con người về trí lực - tâm lý - xã hội và đề cập tới những mục tiêu cụ thể, trong từng giai đoạn. Đó là: “十有五而志於學,三十而立,四十而不惑,五十而知天命,六十而耳順,七十而从心所欲, 不逾矩” (theo âm Hán Việt là: thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lậptứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ).
Sử dụng câu đó của Đức Khổng, đi sâu vào từng giai đoạn:
1. Giai đoạn HỌC TẬP: “Thập hữu ngũ nhi chí vu học” 十有五而志於學- nghĩa là 15 tuổi thì để hết tâm trí vào việc học. Việc học ở đây không phải là chỉ học chữ, học nghề mà còn là học đạo, học đối nhân xử thế, học làm người, học hiếu lễ… Ở tuổi này, lực học và hạnh kiểm là “thước đo” đánh giá giá trị con người, là niềm tự hào hay nỗi xấu hổ của phụ huynh. Nhưng, cũng nên nhớ rằng các cụ ta xưa mới nói “Tiên học lễ, hậu học văn” vì như Chủ tịch Hồ Chí minh từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng”.
Nói cách khác, thiếu thời cần tập trung vào việc học hành, tu dưỡng, xác định chí hướng và tích lũy kiến thức. Nhưng tuổi thiếu niên, nhi đồng còn chưa thực sự tự giác mà chỉ khi tới 15 tuổi, mới có thể tự mình nhận thức để chuyên tâm vào việc học. Những câu chuyện về Thần đồng lưu truyền trong dân gian hay chép trong sử sách chỉ là cá biệt!
Đây cũng là tuổi mà con người đã phát triển về sinh lý (“nữ thập tam, nam thập lục”), ngày xưa đủ điều kiện lập Gia thất (H: 家室, A: The family, to built a family, P: La famille, fonder une famille), tức lấp vợ, lấy chồng nên lại phải học cả việc làm chủ gia đình.
Tất nhiên, sau đó việc học là suốt đời. Như Vladimir Ilyich Lenin (Влади́мир Ильи́ч Ле́нин, 1870-1924) từng nói: “Учиться, учиться и учиться”, đã được Việt hóa là: “Học, học nữa, học mãi”
2. Giai đoạn LẬP NGHIỆP: “Tam thập nhi lập” 三十而立- 30 tuổi có thể tự lập (lập thân, lập nghiệp). Một người, học mãi cũng chỉ là lý thuyết suông, “Trói gà không chặt” mà khi sức tự lập đã chắc và vững phải ra đời, cần tạo “công ăn, việc làm”, củng cố gia thất, ổn định nuôi sống bản thân và gia đình, xác định vị trí của mình trong xã hội. Đay là giai đoạn thể hiện năng lực mỗi cá nhân.
Lập nghiệp là cả một quá trình, có thành công, có vấp ngã và điều quan trọng là phải biết luôn học hỏi, vươn lên, đứng dậy, tích lũy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, “tuổi” này còn phụ thuộc vào năng khiếu của từng người, từng lĩnh vực, hay tùy theo từng gia đình, khu vực, quốc gia. Có những ngành nghề như nghệ thuật có thể phát lộ từ sớm (“thầy già, con hát trẻ”), hay thời @ thì tin học và kinh doanh qua mạng có thể thành đạt từ rất trẻ…
  3. Giai đoạn TRƯỞNG THÀNH: “Tứ thập nhi bất hoặc “四十而不惑”- 40 tuổi không còn nghi hoặc, tức là đã chín chắn, lịch duyệt. Từ kiến thức đã học, từ kinh nghiệm thực tiễn, ở tuổi này con người mới có thể hiểu thấu mọi sự, phân biệt được việc phải-trái, đúng-sai, tốt-xấu, nên-không nên,… Do đã có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, nên đối với những việc diễn ra trong xã hội có chính kiến rõ ràng, kiên định, không còn nghi ngờ gì nữa.
 Đó là độ tuổi đẹp nhất trong đời người nhưng nếu không viết tiếp tục phát huy, lao động mà còn mê muội thì là lãng phí tiền của và công sức ăn học, lại còn phụ lòng biết bao người. Sự “từng trải” là yếu tố để mọi người nhận xét, đánh giá. Đây cũng là thời kỳ cần nhất sự cải hạnh (H: 改行, A: To change the conduct, P: Changer de la conduit) để sửa đổi tính nết, một việc làm suốt đời!.
Nhưng nay cũng có người học nhiều thứ, có nhiều bằng cấp nhưng chẳng sâu,  không “Tâm”, thiếu “Đức”,…nên khó thành công, lại rất dễ chơi vơi, thành kẻ thất bại, phản phúc.
4. Giai đoạn PHÁT TRIỂN: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” 五十而知天命- 50 tuổi có thể biết được thiên mệnh, thấu hiểu chân lý của tạo hóa, biết rõ sứ mệnh của mình; đã nắm vững quy luật tự nhiên và xã hội, biết được xu thế của thời cuộc, nên công việc thường thuận lợi và dễ dàng đi đến thành công. Xã hội nhìn nhận con người ở giai đoạn này bằng sự gia sản, vị thế mà người nào đó đạt được! Có được cái danh “ông nọ bà kia” chắc chắn sẽ có vị thế!
Đó là mặt bằng chung, nhưng sớm muộn còn tùy người, “tùy duyên”! Tất nhiên đừng để nó đến muộn quá! Mỗi người cần tự vận trình để tận dụng câu “đức năng thắng số” 德能勝數, thay đổi số phận, tránh “nghiệp quả” xấu, hưởng “nhân quả” lành.
5. Giai đoạn ĐÚC KẾT: “Lục thập nhi nhĩ thuận” 六十而耳順 - 60 tuổi thì không còn chướng tai gai mắt, không còn thấy chuyện gì lạ; do lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh và thấu hiểu nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn. Khi đó con người đạt đến mức độ tròn trịa về mặt nhận thức, về cách diễn đạt và kinh nghiệm nên có thể hiểu thấu, ứng xử, nhận xét và phán đoán được ngay và chính xác về mọi việc. Nhưng quan trọng hơn là phải bồi dưỡng người kế tiếp trong con cháu, nhân viên để khỏi rơi vào thảm cảnh: “cha dạy học, con đốt sách”!
Tuổi này, mọi thứ đã đến đỉnh cao, không như thời trẻ hiểu biết còn nông cạn, nên trước nhiều sự việc thường cảm thấy khó chịu, bực mình. Nhưng cá biệt có người “già còn dại”, vẫn có hành vi lệch chuẩn. Dù là dạng người nào thì cũng đã chuẩn bị sang phía bên kia của cuộc đời, có hối cũng khó làm lại!
6. Giai đoạn HƯỞNG THỤ: “Thất thập nhi tòng tâm sử dục, bất du cửu”七十而從心欲,不踰矩- Tới tuổi 70, tuổi “cổ lai hy” 古來希có thể nghĩ và làm không trái phép, không để dục vọng chi phối, bởi đã đạt đến cảnh giới đắc đạo tâm tính và đạo đã hợp nhất, mọi thứ đã thành bản năng nên nghĩ gì hay làm gì cũng đều hợp đạo, không vượt ra ngoài quy tắc. Thường có tâm lý “yên phận”, không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo lý hay lẽ thường nên mới có câu “老者安之” (“Lão giả an chi”), người già lấy cái yên vui, khỏe mạnh là trọng!.
Song, vẫn có những người vào tuổi này lại “chợt lóe lên” những ý, luồng tư duy đột biến, có nhiều đóng góp lớn, “tuổi cao chí khí càng cao”!
Sáu giai đoạn trên đã khái quát đầy đủ sự phát triển của con người theo thời gian - trên tất cả phương diện, từ thể chất, tâm sinh lý đến tiềm năng, khả năng và yêu cầu. Đó là sự phân loại một cách đồng bộ - hài hòa - toàn diện dựa theo cả Đông - Tây, Kim - Cổ của con người theo thời gian mà tôi thấy tấm đắc nhất.
-Lương Đức Mến, đầu tháng 7/2019-


[1] Tất nhiên trừ các đấng trong “Tứ bất tử” (H:  四不死 , A: The four immortals, P: Les quatre immortels), gồm: Thần , Thánh , Tiên , Phật . Hoặc bốn bâc người dù đã chết mà tiếng tăm tốt vẫn lưu truyền mãi mãi trong cõi nhân gian từ đời nầy qua đời khác (Người có đạo đức lớn, Người có sự nghiệp vĩ đại, Người có văn chương truyền tụng, Người có công lớn với nhơn loại).
[2] Trừ những người chết trẻ sẽ không qua giai đoạn “lão”, những người chết “bất đắc kỳ tử” cũng không từng bị “bệnh”. Chính bởi 4 chữ này mà khi làm rui nhà hay làm cầu thang, hoặc viết chữ trên cây chồng nóc,… người ta kiêng những kích thước, số lượng là bội số của 4 mà cố lựa sao nó có 4n+1, nghĩa là rơi vào chữ “Sinh”!

1 nhận xét:

  1. https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2018545618208060&set=a.245861422143164&type=3&theater

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!