[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


25 tháng 3 2019

Tìm hiểu quy ước NAM TRÁI NỮ PHẢI

Nếu chú ý quan sát thì chúng ta có thể thấy rằng trên các ban thờ có đặt ảnh Bố, Mẹ, trong các bức ảnh của đôi uyên ương chuẩn bị cưới chụp đúng kiểu thì người Nam bao giờ cũng ở bên Trái, còn người Nữ ở bên Phải. Trong cuộc sống hàng ngày, “quy ước bất thành văn” là Nam Trái Nữ Phải đã thâm nhập vào tất cả các khía cạnh.
Tập tục này có quan hệ vô cùng mật thiết với triết học cổ và tập tục của người xưa cũng như từ chính đặc điểm thể chất, tâm sinh lý của 2 phái.
Nhưng “Trái-Phải” là so với cái gì và do đâu lại như vậy không phải ai cũng tỏ tường.
1. Trước hết, cần chú ý rằng: “Trái - Phải” là theo hướng nhìn ra của Từ đường, Nghĩa trang, Sân khấu, Bức ảnh,...tức hướng của đối tượng được đề cập, nó ngược với hướng của người ngoài quan sát.
2. Việc này hình thành trở thành lệ tục từ rất lâu rồi và được giải thích bằng nhiều thuyết như sau:
2.1. Truyền thuyết về muôn loài:
Ngày xửa ngày xưa tại núi Côn Lôn崑崙có một cục đá lớn đã thọ khí Âm Dương 陰陽 chiếu diệu rất lâu đời, đã thâu được linh thông của vũ trụ. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần , một tiếng nổ vang, khối ấy nứt, xuất ra một Linh Chân hy hữu, là Thần mang hình hài như con người hiện đại được gọi là Bàn Cổ盤古. Thủy tổ loài người chỉ Trời là Cha, chỉ Ðất là Mẹ, muôn dân là con, rồi vạn vật hình thành.
Khi Bàn Cổ mất các bộ phận trên thân thể của ông hóa thành tinh tú, đất trời, sông núi cùng với vạn vật sinh linh. Trong đó Thần Mặt Trời là do mắt Trái, còn Thần Mặt Trăng là do mắt Phải của Người hóa thành. Mà Mặt trời tượng trưng cho Nam, Mặt Trăng tượng trưng cho Nữ.
2.2. Tục sùng bái các bộ phận sinh dục thời cổ đại xa xưa.
Trong xã hội thị tộc mẫu hệ母系制度, người ta chỉ biết có mẹ mà không biết có bố đồng thời do tỷ lệ sống còn của trẻ con rất thấp nên nữ giới, đặc biệt là đàn bà có khả năng sinh nở thì có địa vị xã hội cao hơn. Mà khi đó cổ nhân coi trọng phía bên Phải nên có câu “無出其右” “vô xuất kì hữu” tức là “không ra khỏi bên Phải của nó” nên giới nữ cũng được đặt ở phía Phải.
Sau này, khi con người đã coi trọng việc đồng áng, sang xã hội phụ hệ 父系制度, chế độ hôn nhân chặt chẽ hơn: “hôn nhân đối ngẫu”, trong mỗi gia đình đã có đủ bố mẹ-con cái và các con đã biết ai là cha đẻ của mình truyền thống “nữ bên Phải” vẫn được duy trì.
2.3. Theo “Nguyên tắc chiêu mục , đặc biệt thời Nho giáo (H: 儒敎, A: Confucianism, P: Confucianisme) thịnh hành, đó là: “左文右武, 左男右女, 左昭右穆 ”  “tả văn hữu võ, tả nam hữu nữ, tả chiêu hữu mục”, tức bên Tả (Trái, Trước) là quan Văn, giới Nam, hàng Chiêu còn bên Hữu (Phải, Sau) là quan Võ, giới Nữ, hàng Mục.
Nguyên tắc này, trong đời sống tâm linh khi đặt mộ, bài vị, ảnh thờ…là: “ ”  “Tả chiêu hữu mục”, tức bên tả (đời lẻ, Nam giới, phía Đông ) là hàng “chiêu” ở bên Trái; bên hữu (đời chẵn, Nữ giới, phía Tây 西) là hàng “mục” ở bên Phải.
2.4. Theo quan niệm Âm Dương陰陽說, trong đó căn cứ vào phương hướng của các vật thể trong tương quan với mặt trời và kích tấc, hình dạng, sự tiêu, trưởng của vật thể:
- Nếu hướng về mặt trời, hướng lên trên, đi lên là Dương, còn nếu quay lưng về mặt trời, hướng xuống dưới, đi xuống là Âm.
- Những cái gì to, dài, cao hoặc ở bên trên hay ở bên Trái là Dương, còn những gì nhỏ, ngắn, thấp hoặc ở bên dưới hay ở bên Phải thì được coi là Âm.
- Với giới tính: Nam được coi là Dương, Nữ được coi là Âm (có khả năng mang thai nên tuy 1 mà 2).
- Số Lẻ, bên Trái, phía Đông, có Trước thuộc Dương còn số Chẵn, bên Phải, phía Tây, ra Sau thuộc Âm.
2.5. Theo mục tiêu cuộc sống: phụ nữ yêu bằng Trái tim mà Tim ở bên Trái nên muốn người Chồng gần bên đó còn đàn ông cần người “tay hòm chìa khóa”, cần một trợ thủ như “cánh tay Phải” của mình nên muốn Vợ sát bên Phải mình.
Tình dục Nam là mạnh mẽ, ưa chinh phục và thuộc về bên Trái, sự dịu dàng, mong được chiều chuộng của người phụ Nữ thuộc về bên Phải.
Thực tế cuộc sống yêu cầu người Chồng phải quyết đoán, tiêu biểu cho sức mạnh của cả gia đình còn người Vợ nên nhu thuận, lấy đức làm đầu. Song không được thái quá, là hỏng!
3. Nguyên tắc chiêu mục trong việc xếp hàng khi cúng lễ, đặt mộ, bài vị, ảnh của cặp vợ chồng được thể hiện ở các việc:
- Trong lễ Ăn hỏi, Xin dâu: đoàn nhà trai ngồi dãy bàn bên Trái, đoàn đại diện nhà gái ngồi bên Phải  hướng từ ban thờ nhìn xuống;
- Trong việc đeo nhẫn cưới: Nam trái nữ;
- Khi chụp ảnh chung, khi nằm ngủ...: chồng ở bên Trái của vợ, vợ ở phía bên Phải của chồng là phù hợp với: “Nam dương, Nữ âm” sẽ thuận hơn;
- Khi sắp hàng trong lễ hội, lễ tang, cầu cúng: nam đứng bên Trái, nữ bên Phải theo hướng từ lễ đài, ban thờ nhìn ra;
- Khi đặt mộ, ảnh, bài vị thì vợ ở bên phía tay Phải của chồng (trợ thủ thứ nhất) và chồng ở bên phía tay Trái của vợ (phụ nữ yêu bằng Trái tim).
4. Mở rộng ra, trong các nghi lễ, trong cuộc sống thường nhật ta cũng thấy:
- Trong bài trí bàn thờ, ngoài nguyên tắc đặt ảnh “Nam tả Nữ hữu” còn có nguyên tắc “Đông bình Tây quả” nghĩa là: bên Trái (phía Đông) đặt lọ Hoa, bên Phải (phía Tây) đặt mâm Quả bởi ngày xưa đa phần dân ta làm nhà hướng Nam!
- Để phù hợp đặc điểm sinh lý và thể chất từng giới nên đàn ông và phụ nữ được phân công những nhiệm vụ khác nhau. Từ đó dẫn đến việc cài khuy bằng tay nào cũng khác nhau (Nam Trái, Nữ Phải) và đương nhiên vì thế việc đơm cúc áo của nam và nữ trên tà áo cũng ngược nhau.
- Trong thuật xem chỉ tay cũng áp dụng: Trai tay Trái, Gái tay Phải.
- Trong cuộc sống hàng ngày: tại nhà vệ sinh công cộng, các cặp đôi tham dự một số nghi lễ, lên xuống cầu thang,... đàn ông thường ở bên Trái, phụ nữ thường ở bên Phải. Nếu vị trí bị đảo ngược, người hiểu sẽ cười và nói rằng nó vi phạm tục “nam Trái nữ Phải”.
- Khi treo cờ có Quốc kỳ thì Quốc kỳ luôn ở bên Trái nhìn từ dưới lên, từ ngoài vào còn các Cờ khác treo bên Phải;
- Khi tiếp quốc khách: quốc kỳ, nguyên thủ quốc gia của nước chủ nhà ở phía bên Trái theo hướng nhìn ra phía trước còn khách ở vị trí bên Phải;
- Trong các văn kiện có ký kết giữa hai bên thì bên chủ nhà ngồi ký phía Trái vào góc Phải tờ giấy cần ký; bên khách thì ngược.
- Nếu đều là khách thì người có địa vị cao hơn sẽ ở bên Trái theo hướng nhìn ra, còn người kia thì ngược lại. Nếu ngang nhau thì luân phiên đảo vị trí. Ví dụ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội (DPRK–USA Hanoi Summit Vietnam, 조미 2 수뇌상봉) vào ngày 27 và 28 tháng 2 năm 2019 thì trong các cuộc gặp một-một giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un luôn có sự luân phiên Trái-Phải về chỗ ngồi!
- Lương Đức Mến, Bs từ nhiều nguồn TK, 3/2019-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!