Về chuyện tìm hiểu nhau để đi đến hôn nhân, Ca dao có câu:
“Thương nàng, nàng cứ làm ngơ,
Bao giờ kết tóc xe tơ hỡi nàng.”
Như vậy việc kết duyên được tạo bởi “kết tóc” và “xe tơ”.
1. Tuổi cập kê của Nam , Nữ và việc KẾT TÓC
Ngày xưa, các tội nhân thường bị cạo đầu (khôn hình 髠刑), nhẹ hơn thì bị cắt râu (nại hình 耏刑) còn chúng dân bình thường, dù nam hay nữ đều để tóc dài.
Con trai đến 20 tuổi phải được làm lễ đội mũ (quán lễ 冠禮) hay còn gọi là “lễ trưởng thành”. Trong nghi thức này bộ tóc dài được kéo lên cao và búi lại, rồi đội mũ lên để biểu thị làđã trưởng thành. Vì thế con trai hai mươi tuổi được gọi là “nhược quán” 弱冠, chưa đến hai mươi tuổi gọi là “vị quán” 未冠.
Con gái chưa đến tuổi trưởng thành thường được gọi là “nha đầu” 丫头, chỉ một kiểu búi tóc bởi những người hầu gái thường giúp chủ nhân chia tóc thành hai phần và cột lại thành hai bên đối xứng trên đỉnh đầu, phân nhánh giống như chữ “nha”丫. Hầu gái gọi là “nha hoàn” 丫環 vì đầu có hai trái đào. Khi người đến mười lăm tuổi, con gái được cử hành “lễ cài trâm” (kê trâm tử lễ 笄簪子禮). Trong nghi thức này người ta cuộn tóc thành một búi, rồi cài thêm một cái trâm vào, để biểu thị là đã trưởng thành. Vì thế con gái mười lăm tuổi được gọi là “cập kê” 及笄.
Con trai con gái, sau khi kết tóc được coi là đã trưởng thành, có thể tính chuyện hôn nhân. Những người kết hôn gọi là vợ chồng kết tóc và đêm tân hôn, tóc của cô dâu, chú rể được các nữ tỳ buộc vào nhau. Cho nên kết tóc là ý nói kết thành vợ chồng.
Từ “kết” 結 trong từ “kết tóc” bao hàm ý nghĩa vững chắc, kết hợp, kết giao có trong từ KẾT HÔN結婚 kết làm vợ chồng, chỉ sự kết làm vợ chồng.
Tô Vũ (蘇武140 – 60 tCn) trong bài Biệt thi kỳ 2 別詩其二 (Thơ từ biệt kỳ 2) có câu: 結髮為夫婦,恩愛兩不疑” (Kết phát vi phu phụ, Ân ái lưỡng bất nghi) Nghĩa là: Kết tóc thành vợ chồng, Ân ái chẳng nghi ngờ.
Do đó, mọi người thường gọi những cặp vợ chồng kết hôn lần đầu tiên sau khi trưởng thành là “kết phát phu thê” (結髮為夫妻, vợ chồng kết tóc).
Khi người chồng vì lý do nào đó mà kết hôn lần thứ hai thì gọi là “tục huyền” (續絃, nối lại dây đàn), người vợ đi bước nữa gọi là “tái tiếu” (再笑, lại vui uống rượu) và không phải là vợ chồng kết tóc nữa.
2. “Ông Tơ bà Nguyệt” và chữ XE TƠ
“Ông Tơ bà Nguyệt” gọi tắt là “Nguyệt lão” 月老hoặc là “ông già ngồi dưới trăng”, là thần nắm giữ việc mai mối hôn nhân, là “bà mối” trong thiên hạ. Cổ nhân tin rằng hôn nhân do Trời định và được “ông tơ bà Nguyệt” xe duyên.
Ðiển tích: Theo sách Tục u quái lục續幽怪錄: Vi Cố đời Đường đợi người mối ở chùa Hưng Long để đi xem mặt vợ thì gặp một ông già ngồi dưới bóng trăng xem sách, vai đeo một bị tơ hồng. Hỏi thì ông già nói: sách là sổ biên tên trai gái phải làm vợ chồng với nhau. Vi Cố mừng lắm nói: Thưa cụ, xin nhờ cụ coi giúp xem cháu phải lấy ai? Ông già đáp: Anh sẽ lấy vợ hiện mới ba tuổi, ở với Trần thị bán rau ngoài chợ, vì tôi đã lấy dây tơ hồng buộc chân hai người rồi. Vi Cố hỏi: Xem mặt được không? Ông già đáp: Được. Đến sáng ông già dẫn Vi Cố ra chợ, chỉ một đứa bé mặt mũi lem luốc bẩn thỉu nói: Vợ anh đó. Rồi biến mất. Vi Cố giận lắm, sáng sớm hôm sau, ra cho mướn người đâm đứa nhỏ, nhưng không chết. 14 năm sau, Vi Cố lấy cháu quan thứ sử Tương chấu là Vương Thái, thấy vợ lúc nào cũng đính một cái hoa bằng vàng lên sóng mũi, hỏi chuyện thì mới rõ là đứa nhỏ mình muốn đâm, vì có thẹo nên dùng cái hoa ấy để che. Từ đó Vi Cố chịu là duyên số.
Xe tơ: Là lấy sợi tơ hồng cột chặt chân 2 người Nam Nữ cho thành vợ chồng. Sợi chỉ đỏ Hán tự viết bởi chữ “xích thằng” 赤繩 nên trong Truyện Kiều Nguyễn Du có thuật: Lúc tình đến độ, Kim Trọng ướm chuyện trăm năm:
便低 嗔 𠄩 調
“...Tiện đây xin một hai điều,
臺 𦎛 𤐝 典 𨁪 䕯 朱 庒
Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?"
thì Thúy Kiều thỏ thẻ thưa:
油 欺 蘿 𧺀 𥿗 紅
“...Dù khi lá thắm chỉ hồng,
𢧚 庒 𪰛 拱 在 𢚸 媄 吒
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”.
Trong đoạn trên, câu “lá thắm chỉ hồng” được dịch từ thành ngữ “紅葉赤繩” (Hồng diệp Xích thằng) theo điển tích Vi Cố kể trên.
Do vậy, xưa trước khi “hợp cẩn” đôi lứa mới cưới phải làm lễ Tơ hồng, tức tế Nguyệt lão.
3. Vĩ thanh
Từ hình tượng “kết tóc”, “xe tơ” nói trên, trong Ca dao có câu:
“Một lòng kết tóc xe tơ
Một niềm chỉ đợi chỉ chờ một anh”.
Với nhận thức đó nên xưa nay người Việt xem chuyện hôn nhân là “một Duyên, hai Nợ, ba Tình” và rất trân quý tình nghĩa đó. Nhưng quan hệ giữa vợ chồng thời nay lại ngày càng không được sâu đậm nữa! Những lễ giáo và quan niệm về đạo đức truyền thống đã bị coi là “lạc hậu”, dần bị rơi rụng, biến thái!
Buồn thay!
- Lương Đức Mến, cuối mùa Cưới 2018-2019 -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!