Pano tự đặt để minh họa bài viết |
Vì sự tách nhập, đổi tên các đơn vị hành chính mà bao nhiêu người gặp rắc rối với giấy tờ liên quan đến nhân thân.
1.Ví dụ chuyện gia đình tôi gặp phải:
1.1. Quê tôi khi tôi sinh là thôn Phương Lạp, xã Chiến Thắng, huyện An Lão, tỉnh Kiến An. Giờ vẫn ở đó nhưng địa danh thì thay đổi nhiều lần và hậu quả là con cháu tôi bị mấy cán bộ trẻ “bắt bẻ” về hồ sơ, lý lịch. Cụ thể:
- Từ 1966, Phương Lạp nhập với Mông Tràng Hạ thành Phương Hạ, còn đâu thôn Phương Lạp?.
- “Cấp hành chính” bên trên thay đổi nhiều:
+ Huyện An Lão có thời kỳ nhập với Kiến Thuỵ thành An Thuỵ (1969-1980).
+ Khi HĐCP ra Quyết định số 71/QĐ-CP ngày 05/3/1980 lập huyện An Thuỵ, Đồ Sơn và Kiến An thì An Lão thuộc Kiến An.
+ Đến 8/8/1988 tái lập huyện An Lão theo Quyết định số 100/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
+ Từ 1963 tỉnh Kiến An nhập vào Hải Phòng nên An Lão thuộc Hải Phòng, Kiến An chỉ là tên một thị xã (sau là quận) ngang cấp huyện An Lão!
1.2. Tháng 8/1997, Kiến An, Đồ Sơn nâng thành Quận, lập quận mới Dương Kinh thì một số thôn, xã của An Lão được cắt về đó và địa giới An Lão thu hẹp lại.
- Lương Đức Mến, sau ngày QTHP 2018-
Khi đó quê em rể tôi là Phù Lưu (Phù Lưu, Quy Tức, Đồng Tải, Nguyệt Áng, Phủ Niệm, Phù Liễn) vốn là một xã thuộc An Lão lại về quận Kiến An, xã thành phường! Nay mà khai hay gặp giấy tờ có ghi là Phù Lưu, huyện An Lão là rắc rối ngay!
1.3. Nơi gia đình cha mẹ tôi ở từ 1964 vốn là một thung lũng nhỏ (Na No Bon) thuộc thôn Cốc Sâm xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Gần 60 năm qua cũng thay đổi nhiều lần về cấp hành chính và tên gọi:
- Thoạt kỳ thủy là HTX khai hoang An Phong (người An Lão lên Phong Niên).
- Năm 1965, 1966 nhập với HTX Vĩnh Hồ thành HTX An Hồ với 3 Đội, nơi tôi ở thành Đội 2 (Đội 1 là Vĩnh Hồ cũ ngoài Km 38, Đội 3 là 8 hộ người An Lão lên 1965 ở xóm trong).
- Từ 1966, Phong Niên tách thành 2 xã (Quyết định số 307/QĐ-NV ngày 20/9/1966 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ): Phong Hải (Tiền Phong, Tổng Gia, Ải Dõng, Ải Nam, Cống Hồ, Vĩnh Phong, Vi Quang, Tam Thắng) và Phong Niên (Tân Phong, Tân Thắng, Cốc Tủm, Cán Hồ, Làng Cung, Cốc Sâm và An Hồ), nơi tôi ở thuộc Phong Niên.
- Đầu những năm 1970 Phong Niên tiến hành hợp nhất toàn xã thành một HTX, nơi nhà tôi ở được gọi là Đội 9.
- Giữa những năm 1970, đồng bào Nam Hà (nay là Hà Nam) lên khai hoang đông, lập nên HTX trồng cây Công nghiệp Hải Phong thì những nơi chuyên nông nghiệp đổi thành HTX Hồng Phong. Khi đó trong vùng nhà tôi ở những hộ làm nông nghiệp thuộc Đội 7 của Hồng Phong.
- Thời kỳ 1976-1991 xã, huyện tôi thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn bởi sự hợp nhất Lào Cai- Yên Bái và một phần Nghĩa Lộ.
- Sau khi tái lập tỉnh Lào Cai (01/10/1991) được mấy năm thì đơn vị cơ sở dưới xã thống nhất gọi là thôn và nơi tôi ở thành thôn An Phong từ đó.
Như vậy, từ HTX, trở thành Đội rồi thành Thôn và địa danh cũng thay đổi mấy bận gây nên những thắc mắc về lịch sử không đáng có! Theo xu thế chung, An Phong sắp tới sẽ nhập với thôn khác, lại thay tên...
1.4. Chính vì huyện An Thụy và tỉnh Hoàng Liên Sơn nay không còn nên khi thấy trong hồ sơ con tôi ghi quê quán xã Chiến Thắng, huyện An Thụy, thành phố Hải Phòng và nơi sinh là Bệnh viện tỉnh Hoàng Liên Sơn thì cán bộ nhân sự bảo là sai, buộc phải đính chính nhưng thực ra là đi xác nhận sự biến động đó!
1.5. Sau chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979 Si Ma Cai (huyện biên giới, thành lập 11/1966) sáp nhập trở lại huyện Bắc Hà đến ngày 18/8/2000 lại tách thành 2 huyện và khi đó Bắc Hà (mới) không còn giáp Trung Quốc nữa. Em họ tôi năm 1979-1985 đóng quân tại Bắc Hà nhưng năm 2001, cán bộ chính sách bảo Bắc Hà không có xã biên giới nên không được hưởng chính sách công tác tại vùng biên! Lại phải giải trình, đi lấy xác nhận!!!
1.6. Ngay nơi tôi đang ở từ 1994: vẫn số nhà 328 đường Hoàng Liên thuộc địa phận phường Kim Tân, thị xã (từ 30/11/2004 là thành phố) Lào Cai nhưng ban đầu là Tổ 17, sau đổi tên Tổ dân phố thành Tổ 22 và bắt đầu từ đầu 2018 là Tổ 21. Mọi giấy tờ liên quan đến nhà đất, nhân thân đều sửa lại. Liệu đời cháu chắt tôi mai sau có gặp rắc rối gì không?
2. Đôi điều kiến nghị:
2.1. Với lãnh đạo:
- Nên để ổn định cấp hành chính một thời gian dài, đủ tối thiểu 2 thế hệ (khoảng 50 năm) chớ nhập-tách, đặt mới liên tục, dân chả nhớ kịp!
- Khi tách, nhập hoặc thêm đơn vị hành chính mới gắn với việc đặt tên cho nó cần nghiên cứu kỹ đặc điểm địa lý, dân cư, lịch sử, văn hóa,...mà định cho thích hợp cũng như chọn một cái tên dễ nhớ, giầu tính nhân văn. Tránh "tư d uy nhiệm kỳ", theo phong trào.
- Khi có thay đổi về địa dư, ranh giới, địa danh, cấp hành chính... cần đưa ra trưng cầu dân ý thực sự, sau đó lưu chi tiết, phổ biến rộng rãi.
- Lập một cơ quan gồm những có trình độ, kiến thức thực sự về những vấn đề đó để xây dựng Đề án, lộ trình cụ thể, thiết thực chứ đừng đơn thuần chạy theo "nhiệm vụ chính trị", ý chủ quan của lãnh đạo đương thời!
2.1. Với lớp trẻ, nhất là người làm việc có liên quan:
- Phải tự học, tự tìm hiểu về dư địa chí quê quán, nơi mình sinh ra, lớn lên, trưởng thành để hiểu và tự hào.
- Cần nghiên cứu, tra cứu kỹ trước khi “hành dân”.
- Chịu khó tự lưu trữ, tìm hiểu từ nhiều nguồn, tránh những tranh luận vô bổ.
- Lương Đức Mến, sau ngày QTHP 2018-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!