[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


09 tháng 2 2018

THỜ CÚNG GIA TIÊN NGÀY TẾT

Tín ngưỡng dân gian hòa quện với tôn giao ngoại nhập phù hợp giúp người Việt càng tin vào sự trường tồn, linh thiêng của Tổ tiên, Thần Phật. Từ đó hình thành nên tục Thờ cúng và theo thời gian, thờ cúng tổ tiên trở thành mĩ tục, một tín ngưỡng đặc trưng, thành một tôn giáo đặc biệt gọi là “Đạo Hiếu”[1].
Với người Việt, nhận thức và nghi thức đó đã trở thành “Lễ nghi phong hóa” (H: 禮儀風化, A: Ceremonies and manners, P: Cérémonies et moeurs) tức là cách thức bày ra trong sự cúng tế cho được trật tự, trang nghiêm, kính cẩn đã thành phong tục tạp quán của cả dân tộc. Đó là vấn đề Tâm linh (H: 心靈, A: The soul, P: L' âme), là điều thiêng liêng đã thấm vào máu thịt, vẫn âm ỉ trong nhân gian chỉ chờ dịp là bùng lên tỏa sáng như bản chất vốn có của nó.
Việc việc tế lễ thờ phụng (H: 祭禮, A: The cult and sacrifice, P: Le culte et le sacrifice) mang bản chất là Lưu giữ ký ức về tổ tiên, thần linh, Nhắc nhở ý thức về cội nguồn; Gặp gỡ của thế giới hữu hình với vũ trụ thần linh, nối Tổ tiên với con cháu,... hằng mong nhận được sự “Phù hộ độ trì” (H: 扶護度持, A: To aid and to protect, P: Aider et protéger) của Tiên Tổ, các Đấng Thần, Thánh đối với những người hành lễ.
Đặc biệt trong những dịp lễ tết không có gia đình nào không có bàn thở tổ tiên trong nhà với trầu cau, chè, rượu, nước, hoa quả, nến,...đồ mặn là những lễ vật biểu trưng cho lòng thành dâng lên ông bà tổ tiên.
Ngày Tết Nguyên đán việc thờ cúng, lễ bái được tiến hành tại Từ đường (H: 祠堂, A: The ancestral temple, P: Le temple des ancêtres) tức Nhà thờ họ thờ từ Cụ Thủy tổ trở xuống, tại Gia từ 家祠 của mỗi gia đình thờ cúng trong quan hệ 4 đời, kể từ gia chủ hay đơn giản hơn là tại Ban thờ của các tiểu gia đình. Dù ở đâu thì cũng phải có ban thờ, những người con mới ra ở riêng, nhà gần cha mẹ cũng phải lập ban thờ, thờ Thổ Công, Thần linh nơi ở và cả tiên tổ (con đâu cha mẹ đó).
Những vật phẩm bầy ra khi thờ cúng còn được gọi là “lễ vật” (H: 禮物, A: The offering, P: L'offrande) hay Tế phẩm  (H: 祭品, A: The offerings, P: Les offrandes) là những phẩm vật dùng để dâng lên cúng tế; tượng trưng Tam bảo của con người là: Tinh (thể xác), Khí (chân thần), Thần (chân linh).
1. Bàn thờ ngày Tết:
Trên ban thờ, tùy gia cảnh nhưng phải có Tự khí (祀器, đồ thờ) và có thể đó là bộ Tam sự (bát hương, hai cây đèn, tam sơn đặt rượu, nước và trầu cau) , Ngũ sự (bát hương, hai cây đèn, lọ hoa, mâm ngũ quả, tam sơn đặt rượu, nước và trầu cau), Hoàng phi, Câu đối có khi có cả Bát bảo. Những đồ thờ đó đã được lau chùi sạch sẽ, rút tỉa chân hương trong ngày 23/Chạp.
Tối thiểu trên bàn thờ thường phải đảm bảo 05 yếu tố: Kim (tự khí làm bằng kim loại) - Mộc (đồ bằng gỗ) - Thủy (chai rượu, chén nước) - Hỏa (đèn, nến) - Thổ (bát hương sành sứ). Ví dụ:
- Hai ngọn đèn có thể thay bằng hai cây nến (không đùng nến điện)[2], khi thắp sáng lên tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, gọi là “Nhật Nguyệt quang minh”, soi tỏ con đường để thế giới hữu hình biết lối đi về, chứng giám và phù hộ cho con cháu sức khoẻ dồi dào, làm ăn thịnh vượng.
- Lọ đựng hương bằng sành sứ, gỗ hay đồng, đặt bên phải bàn thờ.
- Hai cây Vàng đặt hai bên nhưng cây bên trái cao hơn cây bên phải bởi “Thà cho Long cao ngàn trượng chứ không để Hổ ngẩng cao đầu”.
- Lọ hoa, mâm Ngũ quả[3] đặt theo nguyên tắc “Đông bình, Tây quả” tức bên trái (của bàn thờ) đặt lọ hoa, bên phải đặt mâm quả bởi bên trái là “tả” hướng Đông thấy mặt trời trước bên “hữu” là hướng Tây mà có hoa rồi mới có quả[4].
- Đĩa đựng lá trầu, quả cau đặt bên phải, cốc nước tinh khiết đặt bên trái ban thờ cũng theo nguyên tắc “tả chiêu hữu mục” và vì nước là nguồn gốc của sự sống, trầu cau là kết quả của sự sinh thành.
- Bánh kẹo, Mứt Tết, chè,...
- Nhiều nhà còn dựng 2 cây mía trước bàn thờ để làm gậy chống cho các cụ và xua đuổi ma quỷ.
2. Mâm cơm cúng :
Mâm cúng đồ mặn phải đặt ở bàn thấp hơn. Tuỳ từng hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà các mâm cỗ cúng lớn nhỏ khác nhau, nhưng thường phải có:
- Bánh chưng, thịt lợn, đĩa giò, bát canh, đĩa xào, dưa hành và cơm tẻ. Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài và con người mỗi năm một tuổi. Thịt lợn chế biến thuộc về âm, dưa hành thuộc về dương, âm dương hài hoà tượng trưng cho sự phát triển. Cơm tẻ là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ lẽ sinh sôi. Nếu có gà phải là gà trống chưa đạp mái, xếp cánh tiên, luộc chín, sau khi cúng sẽ xem chân gà để đoán điềm hay dở[5]. Cũng có nhà gà chặt miếng bày lên đĩa.
- Đĩa muối tượng trưng có sự đậm đà, nuôi sống con người (quê tôi không dùng nước mắm khi cúng).
- 5 cái bát con, 5 đôi đũa, 5 chén uống rượu bởi các cụ ta xưa ngồi mâm 5.
3. Các Lễ cúng:
Sau hốm Tiễn Ông Táo về giời, Tết Nguyên đán thường tổ chức 4 ngày và lễ cúng gia tiên cũng được trình tự cúng trong 4 ngày với những ý nghĩa khác nhau:
- Chiều 30 Tết cúng tất niên, tức là cúng trình với ông bà, tổ tiên năm cũ đã hết, chuẩn bị sang năm mới.
- Đêm 30 cúng giao thừa, thời điểm chuyển tiếp năm cũ sang năm mới. Riêng cúng Giao thừa có cả cúng ngoài trời với đồ khô, có sẵn (như Bánh chưng, Mứt, Kẹo, lon Bia, lọ Hoa...mà không dùng đồ nấu nướng bởi các Quan Hành khiển đi giao ban, vội không thể vào nhà gia chủ được) và cúng trong nhà (có mâm cơm cúng).
- Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm; Chiều cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều.
- Ngày mùng 2 Tết có 2 lễ cúng: buổi sáng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện.
- Ngày mùng 3 là ngày cuối của Tết, cúng Tạ, Hóa vàng tiễn các Cụ.
Chú ý các mâm cúng không dùng lại đồ đã cúng. Thực ra bây giờ con cháu bận, chả ai ăn được nên thường chiều 01, ngày 02 ít chú ý còn lễ Hóa vàng thì tùy gia đình.
4. Nghi thức:
- Đặt lễ vật lên ban thờ, kiểm tra đủ.
- Lên đèn, rót rượu.
- Thắp hương với số lẻ nén: đốt một nén hương là “tâm hương”, thể hiện sự đốt cháy niềm tin vào những ước vọng trong sự thờ cúng; đốt 3 nén hương thể hiện khái niệm tam tài “thiên, địa, nhân” tức trời, đất và con người trong mối đồng giao cộng cảm. Không nên thắp nhiều hương quá, quỷ thần vào theo. Khi hương cháy đều phẩy cho tắt, cắm ngay ngắn vào bát hương theo thứ tự: giẵ-trái-phải.
- Chờ cho những nén hương thắp lên cháy quá 2/3 thì người gia trưởng tới trước ban thờ tạ lễ và hạ cỗ xuống.
- Sau khi tàn hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là “hoá vàng”[6], còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Tục truyền rằng làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất. Hành động đó được cho là sự hòa quyện Nước-Lửa (âm dương) và Trời-Đất-Nước (Tam Tài).
- Mọi người trong gia đình “thụ lộc”.
- Lương Đức Mến, cẩn soạn sau Tết Ông Công-



[1] “Tôn giáo” này không có giáo lý và giáo hội chặt chẽ ngoài gia đình và gia tộc . Nhưng đó là niềm tin sâu sắc vào sự thiêng liêng; sự hướng thượng của đời sống tâm linh con người và giáo lý “uống nước nhớ nguồn”.
[2] Bởi đèn điện là lửa âm và nên dùng hoa tươi bởi hoa nhựa là vật âm, vật chết, hút nhiều âm khí.
[3] Mâm ngũ quả, gồm có 5 loại quả có màu sắc tượng trưng cho 5 yếu tố: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thuỷ, (nước), Hoả (lửa), Thổ (đất). Màu xanh thuộc về hành Mộc là nải chuối màu xanh ôm gọn lấy quả bưởi có màu vàng tượng trưng cho hành Thổ ở giữa trung tâm. Màu đỏ thuộc hành Hoả là quả hồng chín mọng hoặc quả quýt bầy xung quanh. Màu trắng thuộc hành Thuỷ, như quả lê, quả táo. Màu đen thuộc hành Kim như quả nho.
[4] Đấy là với Ban thờ rộng chứ khi ban thờ hẹp có thể đặt mâm Ngũ quả ở giữa vẫn cắm được hương thì cứ việc đặt.
[5] Dùng Gà làm lễ vật bởi Gà là con vật thân thiện, được thuần hóa từ thời con người còn “ăn hang ở lỗ” nên có thể thay mặt chủ nhân đi “hầu” đối tượng cúng. Mặt khác, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ thì Mặt Trời là đấng Thiêng liêng có quyền năng tối thượng đem lại ánh sáng, sự sống cho nhân gian và chúng sinh mà Gà Trống lại có quyền năng “đánh thức” ông Mặt Trời dậy nên Gà Trống được coi trọng cũng như Con Cóc được tin là có quyền “nghiến răng” gọi trời mưa!
[6] Chữ là “Cung phần sớ văn” (H: 恭焚疏文, A: To burn respectfully the petition to God, P: Brûler respectivement le placet au Dieu).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!