Có một câu thành ngữ khá phổ biến nói về quan niệm của tiền nhân trong việc “gả
chồng cưới vợ cho con” nhưng lại… phổ biến
là bị nói sai.
Sắp
đi dự lễ Vu quy của cháu gái, ngồi chép lại hiểu biết và quan niệm của mình về
câu thành ngữ này:
1. Nguyên
nhân nhiều dị bản: theo khảo cứu của tôi thì đây là một thành ngữ được mượn của văn hóa Trung Hoa mà gốc là "門當戶對" (MÔN ĐƯƠNG HỘ ĐỐI). Sang ta do tam sao thất bản nên rất nhiều người nói, dùng sai (kể cả người đầy bụng chữ).
Trong đó dị biệt là các từ “ĐĂNG/ĐƯƠNG” và “HỘ/HẬU” mà thành ra các câu: “ 門燈戶對” (MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI) , “門燈後對" (MÔN ĐĂNG HẬU ĐỐI)… và người
khác nghe, thấy “hay hay” lại bắt chước!.
2.
Nghĩa của các chữ Hán cấu thành câu
thành ngữ và dị bản của nó:
2.1.
“Môn”
門 có nghĩa
là cửa (2 cánh) đặt ở các khu vực, những chỗ then chốt, như lí môn 里門 cổng làng, thành môn 城門 cổng
thành, đạo nghĩa chi môn 道義之門 cái then chốt đạo nghĩa, nhà họ
nào có tiếng tăm lừng lẫy gọi là “danh môn” 名門 …
2.2.
“Hộ”
戶/ 户 cửa
có một cánh, chỉ nơi ra vào nhà; còn có nghĩa là căn hộ, nhà ở, gia đình,
như: muôn nhà nghìn hộ 千家 萬戶 ,
hộ khẩu 户口 ...
2.3.
“Hậu”
có nhiều chữ cùng âm. Trong đó phải kể đến những chữ “có thể liên quan” là: 厚
nghĩa là dầy; 后 là vợ Vua, 后土 là Thần đất; 後 là sau, như nói về địa vị trước sau thì dùng
chữ “tiền hậu” 前後,
nói về thì giờ trước sau thì dùng "tiên hậu" 先後; 後
còn là Con nối.
2.4.
“Đương”
當/当 là hợp, xứng đối, đương đối, ngang nhau, như "tương
đương" 相當
cùng xứng nhau, “ưng đương” 應當
nên phải, v.v.
2.5. “Đăng” 燈 là đèn, cái đèn, như: Đèn điện : 電燈, hoa đăng 花燈, đèn cồn,…
2.6. “Đối”
對 hai bên sóng với nhau, như “đối
liên” 對聯 là
câu đối.
Như
thế, rõ ràng chữ “hậu” chả liên quan gì trong văn cảnh với các chữ còn lại. Nó
là nói sai và trở nên phổ biến là do không hiểu rõ lại bắt chước, theo nhau!
3.
Nghĩa của câu thành ngữ:
3.1.
“Môn
đương hộ đối” 門當戶對 là:
giữa Cổng và cửa nhà tương xứng, nhà nào thì cửa đó. Nhà lớn, cửa bé, nhà nhỏ,
cửa to là không cấn xứng. Nó không đẹp về thẩm mỹ, không hợp về phong thủy.
3.2.
“Môn
đăng hộ đối” 門燈戶對 là ở cửa có treo đèn và trong nhà
có treo câu đối thể hiện nhà có gia sản, hiểu biết, tỏ rõ sự sang trọng, có văn
hóa thuở xưa.
3.3. “Môn đăng hậu đối” 門燈後對 là ở cửa có treo đèn và phía sau nhà có treo câu đối thì vô lý quá! Ai lại đi treo Câu đối ở sau nhà bao giờ!
Như vậy, từ một câu gốc Hán ngữ là 門當戶對, tức “MÔN ĐƯƠNG HỘ ĐỐI” rồi dân gian quen nói là
“MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI” xét cũng tương đương nhau. Còn “MÔN ĐĂNG HẬU ĐỐI” thì sai quá,
ai có chút hiểu biết không nên bắt chước nói theo!
4.
Áp dụng vào chuyện “dựng vợ, gả chồng”
cho con cái câu này có nghĩa là:
Nhà
cửa, gia thế, địa vị hai gia đình định thông gia phải tương đương, xứng đáng với
nhau. Đó là sự “Kết hợp hoàn hảo” để “đôi lứa xứng đôi”, tương phản với “tỉnh
thiển hà thâm” 井淺河深 (chỉ rõ cảnh “giếng cạn đối với sông
sâu”)! Điều này thể hiện tính tầng lớp trong xã hội có giai cấp,
phân biệt rõ giầu nghèo, sang hèn.
-
Trước hết là tương đương về nhà cửa, của cải để con gái làm dâu đỡ khổ, con
trai làm rể khỏi phải cưu mang và hai nhà không phải “lép vế”, xấu hổ trước nhau. Đây chỉ là với các gia đình khá
giả, còn các gia đình nghèo khó thường không để ý.
-
Sau đó là tương xứng về gia thế, địa vị, tín ngưỡng để không ngại ngần, xấu
hổ khi giới thiệu thông gia với hàng xóm, bạn bè. Do vậy, nhiều khi đôi trẻ có
duyên số phù hợp nhau, xứng đáng kết tóc xe tơ nhưng chỉ vì địa vị gia đình họ không ngang bằng nhau mà bị
ngáng trở. Đặc biệt với các gia đình có vai vế, vì vậy khi xưa Công chúa đi lấy
chồng chữ là “hạ giá”!
Tóm
lại, theo quan niệm của hôn nhân thời phong kiến, gia đình nhà
trai, nhà gái khi thông gia với nhau phải tương xứng về mặt địa vị xã hội và
tài sản, họ đều là gia đình quyền quý và giàu có ngang nhau.
5.
Ngày nay, tự do hôn nhân được đề
cao, một hôn nhân có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
- Quan
điểm truyền thống có những cơ sở riêng và vẫn đúng trong một số trường hợp nhất
định. Hơn nữa ngày nay còn mở rộng đến cả cái tương xứng của đôi trẻ. Đó là sự
tương xứng về học vấn, về nghề nghiệp, về vị trí làm việc…
- Lối
sống “thực dụng” đã biến họ thành những con người luôn kén chọn ngay cả trong
tình yêu của bản thân và con cái. Thực tế tình trạng “Nồi nào vung ấy” vẫn là
phổ biến! Ngay đã “thông cảm khi lệch nhau” nhưng trong hôn sự đôi bên vẫn chọn
những người tương xứng nhau làm Trưởng đoàn để đỡ "sái”!
- Nhưng,
một cuộc hôn nhân chỉ có “Đương”/ “đăng" và "đối" mà không có
tình yêu cũng dễ đi đến tan vỡ hoặc không thể hạnh phúc được.
- Thanh
niên thời @ vốn tri thức cao, đã tự lập trong suy nghĩ, không còn quá phụ thuộc vào gia đình. Họ quan
niệm về tình yêu và hôn nhân cũng “văn minh” hơn nên có thể làm tất cả, vượt những
"chướng ngại" để cho tình yêu thêm thắm thiết và họ tìm mọi cách để đến
được với nhau, dù cho “Hai trái tim vàng một túp lều tranh”.
Tóm
lại, Không có một khuôn mẫu tốt nào cho bất kỳ mọi cuộc hôn nhân.
Hãy làm chủ bản thân, đừng rơi vào cảnh “Trái tim lầm chỗ để lên đầu” nhưng
cũng không nên để tư tưởng “Môn đương (đăng)
hộ đối” hủy diệt tình yêu của mình để rồi tiếc nuối về sau.
-Lương Đức Mến, mùa cưới 2015-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!