Các con đường truyền bá của Phật giáo (trích từ vi.wkipedia) |
Như thường
lệ, trước mỗi tối trước khi đi ngủ đều kể cho cậu Đích một câu chuyện. Hôm thì
Tôn Ngộ Không, khi Thạch Sanh, bữa đọc Truyện Kiều…Tối hôm nọ kể chuyện Tấm Cám
khi đến đoạn “Bụt hiện lên hỏi”, cu cậu bật dậy: “Ông kể sai rồi, bà bảo Phật
hiện lên cơ”.
Nghe bé con
phản ứng, chợt nghĩ: dù đã “quy”, được Thượng tọa Thích Thanh Điện chủ trì chùa
Tân Bảo cấp điệp là Diệu Thiên từ tháng 5/2015 (năm 2559 Phật lịch) nhưng bà Nội
cháu chắc cũng chưa rõ quá trình từ “Bụt” chuyển gọi “Phật”!.
1. Trước hết, giải thích từ ngữ:
- “Bụt” hay
“Bụt Đà” là từ được phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn
(zh. Phạm/Phạn ngữ 梵語; sa. saṃskṛtā vāk संस्कृता वाक्, một cổ ngữ của Ấn Độ) là “बुद्ध” (Buddha, bậc giác ngộ) mà chữ Nôm viết là: 孛 hoặc 侼 . Từ này được
sử dụng rộng rãi trong dân gian ngày xưa.
- “Phật” là
chữ viết tắt của Phật Đà, âm Hán Việt của chữ Hán là “佛陀” và đây là
chữ mà người Hoa phiên âm từ
gốc “Buddha”. Đây là từ dùng phổ biến trong Phật tử và xã hội ngày nay.
- Cả 2 từ
này còn gọi là: Bậc giác ngộ 覺悟者, Giác giả 覺 者, người tỉnh thức,…tuy nhiên cũng có thể được dùng để nói về
những bậc thần thánh Việt Nam
nhân từ, chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu.
2. Lược sử
quá trình du nhập Đạo Phật vào nước ta:
2.1. Thuở quốc sơ, trong
đời sống tâm linh, ngoài tục thờ đa thần bản địa, người Việt đã biết đến Đạo Phật bởi các nhà sư bên Ấn Độ vào nước ta theo đường
biển ngay từ đầu công nguyên. Chặng đầu họ đã vượt qua biên giới ở Bắc
Ấn, sang Miến Điện rồi vào vùng Phù Nam (नाम, Phnom, một quốc gia cổ ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông, 1-680)
sau đó ngược ven biển Đông lên phía Bắc và vào Văn Lang (文郎, nhà nước của các Vua Hùng 雄王, tiền thân của nước Đại Việt 大越). Điều nầy
để lại dấu tích bằng:
- Theo Ngọc phả Hùng Vương 雄王玉譜: thời Hùng Vương thứ VII là Hùng Chiêu vương 雄昭王 đã biết đến các danh từ như Tây Vực, Biển Giác, Bát nhã , Niết bàn, cầu kinh xướng kệ, ăn ở
chay tịnh...Như vậy, Phật giáo , A:
Buddhism, P: Bouddhismeđược du nhập vào đất Việt từ rất sớm.
- Truyện cổ
tích Chử Đồng Tử 褚童子 học đạo của
một nhà sư Ấn Độ là Phật Quang 佛 光 tại núi Quỳnh Viên (Quỳnh Vi) vào thời Hùng Vương thứ 18. Sau
khi truyền pháp, Phật Quang tặng cho Chử Đồng Tử chiếc gậy và cái nón lá.
- Truyền thuyết về Thạch Quang Phật (石光佛, Phật đá tỏa sáng) và Man Nương Phật Mẫu
xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La (S. Kaudinya) trong khoảng các
năm 168-189 kể rằng: có người con gái tên A Man, con gái Tu Định ở làng Mãn Xá,
bị sư (Khâu Đà La, cao tăng Ấn Độ, đến
Giao Châu vào thời Sĩ Nhiếp (士燮/士爕", 137 - 226))) phạm mà có thai, sinh ra một đứa con
gái. Sư đem dấu trong Nhà sư bèn mang đứa bé ấy đến bên gốc cây Dung Thụ (cây
dâu) ở ngã ba sông rồi đọc kệ, cây bỗng mở rộng thân mình, ôm đứa bé vào lòng.
Sau bị gió mưa lớn, cây trốc gốc, trôi đến bến thành Luy Lâu. Người ta vớt lên,
đẽo thành bốn pho tượng, đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện gọi
là Tứ pháp tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp để tại chùa Thiền Định (nay là chùa Diên Ứng) để thờ, mỗi khi
cầu mưa đều có linh ứng.
2.2. Còn bên
Bắc quốc, vào đời Hán Vũ Đế (漢 武 帝, 140 – 86 tCn) khi đánh Hung Nô (匈 奴, TK
III tCn-460), lấy được tượng Kim Nhân 金人, người Hán biết
người Hung Nô có lệ đốt hương thờ Phật và họ biết đến Đạo Phật từ đó. Sau đó
đến năm 2 tCn, Hán Ai đế (漢哀帝, 26-1 tCn)
sai Tần Cảnh Hiến 秦 景 憲 sang sứ Nhục Chi (肉 氏, tức 大月氏) và ông này đã học khẩu truyền được
kinh nhà Phật.
2.3. Như vậy người
Việt và người Hoa biết đến Đạo Phật gần như cùng thời nhưng từ những
nguồn khác nhau.
Luy Lâu (羸漊, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay) là trị sở của quận Giao Chỉ 交趾 sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan
trọng, một trong những trung tâm lớn nhất của đạo Phật tại phương Đông hồi đó.
Còn bên Bắc quốc thời đó có hai trung
tâm Lạc Dương (洛陽 , kinh đô nhà Đông Hán, nay thuộc Hà Nam) và Bành Thành
(彭城,thời Chiến Quốc từng là kinh đô của Sở Hoài
Vương, nay là Từ Châu thuộc Giang Tô).
Người có công gắn kết 3 trung tâm Phật
giáo lớn của đế quốc Hán (漢朝, 206 tCn–220) đầu Công nguyên là Khương Tăng Hội (康僧会, ? - 280). Ông là một thiền sư sinh
tại Giao Chỉ 交趾 và là thiền
sư đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam . Có ý kiến cho rằng ông là ông
tổ của Thiền tông Việt Nam.
3. Việc chuyển
từ “Bụt” sang “Phật”:
3.1. Ban đầu, do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ
Ấn Độ mang màu sắc của Tiểu thừa (zh. 小乘, sa. hīnayāna, bo. theg dman)
nên từ “Buddha” (bậc giác ngộ) được
phiên âm trực tiếp thành “Bụt” (đọc Nôm
chữ 孛 hoặc 侼).
3.2. Sau này, vào thế kỷ thứ 4-5, do ảnh
hưởng của Đại thừa (大乘, sa. Mahāyāna) đến từ
Bắc quốc nên “Bụt” mới được thay thế bởi từ “Phật” vốn người Hán phiên âm từ
Buddha thành “Phật đà”, “Phật đồ” 佛陀
rồi rút gọn thành “Phật” 佛.
3.3. Chính vì đến từ nhiều nguồn lại do ảnh hưởng tín
ngưỡng bản địa nên Phật giáo Việt Nam
mang những đặc điểm khác biệt so với Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo của các
nơi khác trên thế giới.
Cũng vì vậy, trong dân gian từ “Bụt” vẫn tồn tại song song
với từ “Phật” , đều dùng để chỉ những bậc thần thánh
nhân từ, chuyên cứu giúp người tốt, kẻ yếu, lúc sa cơ. Điển hình cho 2 cách gọi
là ngày Phật đản (佛诞, Rằm tháng Tư âm lịch) còn được gọi là ngày “Bụt sinh Bụt đẻ”.
- Lương Đức Mến, Đông Ất Mùi 2015, 2559 PL-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!