Trước khi làm Lễ Khánh thành,
sau đó là nghi thức Cúng bà nội, xin phép Mẹ, Dì, các ông bà thông gia với bố
mẹ và quan viên khách, tôi có đôi lời với các em, các cháu.
1. Giỗ Vọng và việc này tại Lào Cai:
“Thờ
Cúng Tế Lễ” hình thành ngay
từ buổi sơ sử của người Việt. Từ tục “thờ Vật”, “thờ Thần”, “thờ Trời”, “thờ
Nhân Thần” và những hoạt động giải trí “tiêu hao sinh lực thừa” xen thời gian
hái lượm, săn bắn, trồng cấy dần hình thành tập tục, nghi thức thờ cúng Tổ
tiên. Theo thời gian, tín ngưỡng dân gian hòa quện với tôn giáo ngoại nhập phù
hợp nên người Việt tin vào sự trường tồn, linh thiêng của Tổ tiên, Thần Phật và
tục Thờ cúng trở thành mĩ tục, một
tín ngưỡng đặc trưng, một tôn giáo đặc biệt gọi là “Đạo Hiếu”[1]; có tác dụng giúp hậu thế:
Lưu giữ ký ức về tổ tiên, thần linh; Nhắc nhở ý thức về cội nguồn; Trau dồi ý
chí phấn đấu.
Tuy có thời kỳ xao nhãng nhưng
Mĩ tục này sẽ hiện hữu, đồng hành chưa biết tới bao giờ! Thực tế chứng minh
rằng: những gia đình thuộc dòng Khoa
bảng 科牓[2],
thuộc diện “danh gia vọng tộc” 名家望族 hay ít ra được ban phẩm hàm 品銜 Bá hộ 伯户[3]
thời xưa và nay là những gia đình thành đạt, có của ăn của để thường chú trọng
và có điều kiện thực hiện các Nghi thức cẩn thận hơn. Sau đó, chính việc làm
của các gia đình này lại có tiếng vang, có tác dụng, ảnh hưởng tới chúng dân
trong vùng.
Nhưng nếu ai, nhà nào cũng cúng
cha mẹ ông bà thì bất hợp lý nên sinh ra tục “Hợp tự” 合祀. Đây
là gộp chung việc tưởng niệm ngày
mất của các bậc tiền nhân nhiều đời lại để giỗ chung thay cho từng giỗ một, có ý nghĩa thiết thực, có tính khả thi
cao. Nhưng lệ đó chỉ dòng đích mới được thờ và phối thờ tại Từ đường 祠堂 và con cháu dòng này thừa kế trông nom việc thờ
cúng. Các dòng thứ muốn thờ cúng cha ông mình lại xây một Từ đường mới 宗堂. Như vậy, theo thời
gian số Từ đường sẽ tăng nhiều và ở nơi quê gốc thì mật độ sẽ quá dầy, bất khả
thi. Khắc
phục tình trạng trên, trong thời hiện đại, nhiều nơi tiến hành hợp tự vào nhà
thờ họ (Đại tôn Từ đường). Theo đó, những người mất, dầu dòng đích hay
dòng thứ, thuộc chi trên hay chi dưới…khi hết vòng tang đều được rước Linh vị
từ nhà con trai Trưởng vào thờ ở nhà thờ họ. Tại đây Linh vị 靈位 xếp theo thứ tự trên
dưới (đời càng xa càng ở trên cao) và nguyên tắc “Chiêu mục” 昭穆 (lẻ tả, chẵn hữu).
Ý nghĩa của việc sắp xếp này là con cái ở dưới cha mẹ, cháu chắt về với tổ
tiên, anh em sát bên nhau, tượng
trưng sự đoàn tụ ở cõi âm.
Họ nào cũng vậy, sau một thời gian tụ cư quanh nơi quê gốc, một
số con cháu tản đi nhiều nơi và hình
thành các chi phái mới. Người ở xa, hoặc ở gần nhưng do kinh tế khá giả, cháu
con đông nên cúng riêng mà không hợp tự. Đặc biệt, từ đầu thế kỷ XX việc xa quê do nhiều lý do (di cư, đi khai hoang, do nhà nước điều động…)
mới xuất hiện, đôi khi cả 1 chi phái tụ cư xa cố hương và việc lập bàn thờ vọng xuất hiện. Như vậy việc
này không phải là cổ truyền, chưa thành phong tục phổ biến. Việc con cháu cúng
tế trước bàn thờ vọng gọi là “Vọng bái” (H: 望拜, A: To prostrate oneself from far away, P: Se prosterner de loin), nghĩa là vái lạy từ xa.
Việc Giỗ vọng này cũng không trái
thuần phong mĩ tục. Do vậy, trước kia là bố tôi từ năm 1987, nay anh em tôi thực hiện việc giỗ ngành và các Cụ nhà tôi tại Lào Cai,
chứ không hợp tự về Từ đường ở quê dưới Hải Phòng. Chúng tôi từng tổ chức giỗ Tổ vào Rằm tháng Giêng. Trong
đó dịp giỗ Thủy tổ Lương
tộc 粱皋密肇祖 粱公宅 năm Bính Thân (丁亥年 正月大 丙申日, tức là vào Thứ
Bẩy, ngày 03 tháng 03 năm 2007), đại diện 15 hộ Lương tộc trên Lào Cai tiến
hành việc Giỗ vọng 望拜 tại
nhà bố mẹ tôi ở thôn An Phong. Những người dự họp đã nhất trí cùng Cung tiến từ
đường Lương tộc tại quê bức Hoành phi mang dòng chữ 海德山功 (“Hải Đức Sơn Công”). Nghĩa là “Công
Đức Tổ tiên dài cao như núi, rộng sâu như biển. Trong đó vừa có chữ 功 “Công”, chữ 德 “Đức” là tên lót trước kia và hiện nay của
dòng tộc, lại có chữ 海
“Hải” chỉ nơi quê gốc, chữ 山 “Sơn” chỉ một phái con
cháu khai hoang ở Lào Cai. Công việc hoàn thành vào 16/5/2007 (30/3/Đinh Hợi).
Các chi ở quê cử đại diện đón nhận trang trọng. Ngược lại, trường hợp các ngành giỗ tổ
riêng nhưng ngày giỗ tổ gốc vẫn về dự giỗ. Ví dụ 3 ngành họ Lương Chiến Thắng (kể cả ngành 3
Lương Hoàn có Nhà thờ họ riêng) vừa giỗ tổ Ngành nhưng Rằm tháng Giêng vẫn theo giỗ
Tổ Thượng tại Từ đường.
Việc giỗ vọng hay tổ chức giỗ luân phiên từng nơi có lẽ cũng khởi
nguồn từ đây! Nhưng cũng tránh những phiền phức do “rượu vào lời ra”, tị nạnh sự đóng
góp, “bao nhiêu nước xáo đổ đầu trưởng nam”; kính chẳng bõ phiền!
2. Việc xây dựng nơi thờ tự:
Cụ Tổ khai sáng[4] ra một
dòng họ và các bậc tổ tiên (H: 祖宗, A: The ancestors, P: Les ancêtres)
trên 5 đời của mỗi chi phái, gia đình được thờ trong Từ đường (H: 祠堂, A: The ancestral temple,
P: Le temple des ancêtres) gọi là nhà thờ Đại tôn 大宗祠堂 đặt ở Tổ quán 祖贯[5]. Hoặc có dòng họ tôn xứng
những người nổi danh, có công với làng, với nước, với dòng họ làm Thủy tổ mặc
dù biết danh tính tổ tiên của vị này[6]. Còn nơi thờ cúng các ông tổ chi
gọi là nhà thờ Chi họ hay nhà thờ Tiểu tôn 祠堂. Đó còn là nơi quy tụ con cháu dòng họ, nhất là các ngày
giỗ trọng nhằm “khuếch đại” hay “nối lại” mối quan hệ họ hàng.
Theo đúng phép cổ truyền thì Từ đường phải có đủ ba gian :
- Gian giữa mở rộng ra phía sau (chuôi vồ)
để xây bệ thờ thờ Thủy tổ khai sáng dòng họ, có riêng một thần chủ (H: 神主, A: The tablet of the
dead, P:La tablette du mort) thờ vĩnh viễn 永世辰主 Thuỷ tổ dòng họ 肇祖, tức Bài vị (H : 簰位, A: The tablet of the
deceased, P: La tablette du défunt) không chuyển giao cho
ai 百世不祧支主; Hộp thần chủ được đặt
trong Long khám (龍位, có chạm hình rồng quấn xung quanh, được sơn son thếp vàng),
chỉ khi nào cúng tế mới mở ra.
- Gian bên Trái (phía Đông 東, Tả 左)[7] thờ các thế hệ ông bà Cao
tổ có con cháu nối đời (gọi là hữu tự 冇嗣) cho đến hiện tại;
- Gian bên Phải (Tây 西, Hữu 右) thờ các thế hệ ông bà Cao tổ
không con cháu nối đời (gọi là vô tự 無嗣) hay các bà cô ông mãnh[8].
Đối với họ nhà: Truyền rằng vào
đời thứ Năm, cụ Bá Ổn[9] cùng họ mạc đã dựng lên ngôi nhà 3 gian khung gỗ
Lim dùng làm nơi tưởng niệm tổ tiên của cả dòng họ. Đầu kháng chiến 9 năm (1946-1954) trong một trận càn[10], Pháp đã đốt cháy. Tự khí đã sắm cũng bị cháy,
thất lạc không giữ được[11]. Trong Cải cách ruộng đất (1953–1956) khuôn viên Từ đường đã chia cho một số hộ. Từ đó, do bận
bịu, thiếu thốn, khó khăn của thời chiến, thời bao cấp và xu thế chung của việc
họ những tháng năm đó nên việc thờ cúng đều tiến hành tại nhà Trưởng họ mà
không có Từ đường, để lại bao day dứt cho những người tâm huyết. Trong dịp Chạp
Tổ Rằm tháng Giêng Kỉ Mão (1999) toàn
họ đã nhất trí thực hiện việc xây Nhà thờ Tổ. Đây là sự Tái thiết Từ đường chứ
không phải Trùng tu, Phục chế hay Tôn tạo. Địa điểm được chọn là gần nền Từ
đường cũ (phía sau nhà Trưởng họ).
Kinh phí do con cháu đóng góp theo xuất trai đinh và Công Đức tự nguyện. Nhìn
chung trong họ chưa mấy ai giầu trội và việc huy động chưa được đều khắp nên kinh
phí thu bổ cũng như tiền Công đức nhận được còn hạn hẹp.
Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 3/1999 công trình khởi móng, nhiều con
cháu ở quê đã góp sức thi công. Ngày 12 tháng 3 Canh Thìn (16/4/2000) khánh thành với tổng chi phí khoảng 25 000 000,0đ. Đó là
một ngôi Từ đường tuy đã có: Hương án 香案, Long vị 龍位, Câu đối 楹聯, Hoành phi 橫扉 nhưng nhìn chung Tự khí 祀器 còn tương đối sơ sài, riêng Phả đồ 譜圖 dòng họ chưa đầy
đủ, thiếu một số Chi, Phái. Hôm khánh thành con cháu gần xa có khoảng 180 người
về dự[12]. Vì có Tân ước của Cộng đồng Vatican II (1968) nên nhiều con cháu theo Công giáo
cũng tham gia Giỗ họ, Công Đức xây dựng Từ đường. Con cháu các Chi đã rước các
vị Tổ Chi 第支祖 về Hợp tế. Sau đó con cháu các nơi tiếp
tục Công đức Hoành phi, Câu đối, đồ Tế khí, tiền bảo dưỡng, tu sửa, nhang đèn…
Gia từ 家祠 của mỗi gia đình
thờ cúng trong quan hệ 4 đời, kể từ gia chủ. Còn các bậc Gia tiên (H: 家先, A: The
ancestors, P: Les ancêtres) trên
nữa trong nhà mình thì theo nguyên tắc “Ngũ đại mai thần chủ” 五代埋神主 đã chôn cất bài vị (tức ông bà Cao Tổ), được hợp tự cố định vĩnh viễn tại nhà Tổ. Đây
thường là nhà trưởng nam hoặc người lập tự và thực hiện đúng kỉ niệm ngày mất.
Nay do con cái thường ở xa nới sinh thành và bận nhiều việc nên các năm thứ 5,
15, 25…gọi là giỗ chẵn, năm thứ 10, 20, 30...gọi là giỗ tròn sẽ làm lớn hơn,
con cháu đông đủ; các năm khác con cháu ở xa có thể thực hiện nghi thức giỗ
vọng hay có thể luân phiên từng nhà, từng khu vực để anh em rõ gia cảnh.
Năm 1989, 1993 bố tôi và một số người mong có một Từ đường Lương tộc trên
Lào Cai nhưng vì nhiều lí do, chủ yếu là kinh phí nên chưa thực hiện được.
Riêng thế hệ chúng tôi, tôi có ý định và đã từng bàn với anh Thuế, anh Hỗ
hôm Rằm tháng Giêng năm Ất Dậu 2005 xây nơi thờ tự chung cho các gia đình họ
Lương gốc Chiến Thắng lên Lào Cai một nơi thờ tự trong khuôn viên gia đình bố
mẹ tôi. Khi chuẩn bị nghỉ hưu (2013) tôi từng định xoay căn nhà phụ thân tôi
dựng từ 1982 thành nhà ngang (Hữu vu) và dựng mới ngôi Từ đường dịch lên phía
trên nền nhà cũ. Nhưng rồi con tôi 3 đứa học Cao học, 1 đứa Đại học tại chức,
con gái mua đất, làm nhà ở Hà Nội nên kinh phí hạn hẹp. Các em, các cháu khả
năng kinh tế chẳng dư dôi, có người không mấy mặn mà do vậy tôi bỏ ý định tâm
huyết đó mà chuyển sang sửa nhà cho mẹ tôi, xây Gia từ để anh em, con cháu các cụ nhà tôi từ Hải Phòng lên có chỗ đi về tập trung và có nơi
tưởng niệm tổ tiên ông bà.
3. Việc tu sửa nhà và xây Cung thờ của gia đình:
Ngôi nhà gia đình dựng năm 1974
bị cháy trong cuộc chiến 2/1979. Đến năm Nhâm Tuất 1982[13] dựng ngôi nhà mới trên
khu đất “mỏm đá” đã ở từ 1965 bằng gỗ 3 gian lợp tranh. Sau khi thân phụ tôi
mất (01/1997) mẹ tôi vẫn ở tại đó,
năm 1999 đổi lợp Proximang. Đây là nơi 4 anh em lớn chúng tôi trưởng thành và
là nơi sinh ra 3 em sau này. Qua thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp: mái dột, gỗ
lịa mối, mục.
Để cho ngôi nhà thêm sáng sủa,
ấm về mùa Đông, mát về mùa hè làm nơi ở cho mẫu thân, chỗ đi về cho anh em con
cháu và nơi thờ phụng tổ tiên, chúng tôi quyết định tu sửa lại. Năm nay, theo
dân gian mẹ vướng sao Kế Đô, gặp Kim Lâu thân nhưng được Tấn Tài; Trưởng Nam là
tôi Vân Hán sao chiếu, gặp hạn Tam tai cùng là Hoang ốc; Thứ Nam là Thức vướng
sao Thái Âm, Kim Lâu lục súc, nhưng gặp được Nghi. Theo tôi: Mọi hạn đã qua: mẹ
ốm 2 bận, tôi lương tụt do đã hưu, Thức chăn nuôi thất bát. Năm tháng cận kề,
cửa nhà đã hỏng, không thể đợi lâu. Tôi rất thâm câu: “Trung hiếu, nhất tâm
thiên địa bạch; Kính thành, nhị tự thánh thần tri” 忠孝一心天地白; 敬誠二字聖神知
(Một lòng trung hiếu trời đất tỏ; Thành
kính hai chữ thánh thần hay) nên tin rằng Tâm giữ sáng, sức gắng gỏi, chí
đồng lòng, trời đất Thần linh, tổ tiên thấu tỏ, độ trì ắt mọi việc hanh thông.
- Nội dung sửa: Nâng cao
30cm (chân tảng Mến TK, Thuộc đã cho đổ
BT); bỏ vách gỗ thay bằng tường bao phía sau và 1 hồi; nối gian giữa ra
phía sau thành nhà hình chữ Đinh (chuôi
vồ) làm gian thờ; thay tấm lợp cũ bằng tôn chống nóng; lát nền và hiên gạch
hoa mầu trang nhã; sắm tế khí: xây kệ thờ đặt cỗ Ỷ, sắm bàn thờ mới sơn phủ, bộ
đình hạc đné đài, 1 hoành phi và 2 câu đối, dùng lại khung di ảnh cũ.
- Kinh phí: tiền của bà (Thức bán gỗ, tiền TK), anh em, các cháu
(đã có gia đình) tự nguyện đóng góp (ĐK với Mến qua điện thoại) cung tiến,
không phân bổ.
- Kế hoạch cụ thể: Bắt tay
chuẩn bị thiết kế, đổ tảng từ tháng 10/2014. Chủ Nhật ngày 23/11 dọn nhà, 25/11
(04/10 âm) dọn bàn thờ, dỡ nhà, nâng cột, bắn chống, cân chỉnh lại và xây cung
thờ. Công việc tiến hành xuôn sẻ. Nay hoàn thành.
Gian giữa mở rộng thành cung thờ
có kích thước theo may mắn của thước Lỗ Ban[14]. Cụ thể chiều dài 303 cm
(Lục hợp), sâu 254 cm (Đăng khoa).
4. Công sức bỏ ra:
4.1. Công: anh em, con cháu ai cũng
cố gắng. Trong đó những người đóng góp nhiều công sức là: Mến, Thường, Hoàn,
Thức, Hợp, Luân, Hải Thương, Quảng; Thuộc huy động quân đơn vị đổ tảng, đục cửa
võng, lá chắn tầu mái và khung trên cửa, sửa giường; Thuộc và Luân mỗi người đem
đến 1 cây cột thay; tôi đem bộ Salon nghiến về.
4.2. Kinh phí đóng góp: không
nêu ra đây (đưa lên Blog, in gửi từng
người).
4.3. Kinh phí đã chi (Sẽ quyết toán chi tiết). Cụ thể:
- Công thợ mộc: ; Công thợ xây: ; Công thợ mái:
- Gạch: ;
Sắt: ; Xi măng ; Cát ; Gạch lát; Sơn:
- Đồ thờ (Mến, Luân, Thường, Tràng, Hải Thương góp):
- Lễ:
5. Giới thiệu nhà và Cung thờ:
Thực hiện theo đúng Kế hoạch đã
thống nhất. Những người chủ yếu đứng ra sửa nhà gồm mẹ tôi (SN Giáp Tý-1924), tôi (SN Ất Mùi- 1955), chú Thức (SN Nhâm Dần- 1962) và đích tôn mẹ tôi (SN Ất Sửu- 1985) đều mệnh Kim. Do vậy
hợp với mầu Trắng là mầu của bản mệnh và mầu Vàng mầu của đất (Thổ sinh Kim) nên chọn mầu chủ đạo nền,
tường là Vàng nhạt. Riêng Cung thờ bài trí như sau:
5.1. Trên tường trên tranh thờ
có chữ “梁”
tức chữ Lương, tộc danh của dòng họ. Bên trên là bức Đại tự và hai bên là Câu
đối chữ Hán đã kèm phiên âm dịch nghĩa của tôi và do tôi thiết kế. Cụ thể:
+ Chữ trong bức đại tự: 梁族歷代祖先 đọc là
“LƯƠNG TỘC LỊCH ĐẠI TỔ TIÊN” (Tổ tiên
nhiều đời của họ Lương); Câu đối bên phải: 木本水源懷祖德 đọc là “Mộc bản thủy nguyên
hoài Tổ đức” (Cây có gốc, nước có nguồn
nên luôn nhớ tới ân đức của Tổ); Câu đối bên trái: 孙成子顯繼先公 đọc là “Tôn thành tử
hiển kế tiên công” (Con cháu thành đạt để
nối tiếp xứng đáng với người đi trước).
+ Câu đối Chữ Hán:
有開必先功德從來遠矣: Hữu khai tất tiên, Công
Đức tòng lai viễn hĩ;
克昌厥後子孫弗替引之: Khắc xương quyết hậu, Tử
Tôn phất thế dẫn chi.
Dịch ý: Lớp trước khai hoang
Công Đức lưu mãi mãi; Đời sau phát triển, Hiếu Hiền tích luôn luôn.
Ngoài ra có 1 ảnh chép bản HẠ
THẬP KỲ ca ngợi cụ Tổ. Nhắc lại rằng Cụ Lương Công Nghệ là Đệ Nhất đại Tổ họ Lương ở Chiến Thắng (Cao Mật xưa) 梁高密第一代
mất ngày 19 tháng 5 năm (?)
và để ghi nhớ, tri ân vị Tổ khai sinh ra
dòng họ hậu thế đã tưởng niệm
bằng nhiều hình thức. Nhưng ngày đó đúng vào dịp thu chiêm, cấy mùa bận rộn của
nhà nông nên khó tập trung đông đủ. Hơn nữa theo nguyên tắc “Ngũ đại mai Thần chủ” 五代埋唇主 thì 5 đời hợp giỗ 綜忌, dồn vào “Chạp” 腊 hết, không nhất thiết phải cúng vào ngày
kị. Do đó sau này quan viên họ đã lấy ngày Ngoại Tổ xuống thuyền trên sông Văn
Úc[15] ra đi đánh trận[16] không về (Rằm
tháng Giêng) là ngày Chạp Tổ[17]. Việc đó vừa linh thiêng tưởng niệm người có
công, vừa đúng tháng hội hè, ít ảnh hưởng đến việc sản xuất của cháu con[18].
Hiện tại, theo tôi được tiếp xúc thì trong dòng họ Lương gốc Chiến Thắng có
2 bản chép Bài thơ nói về Công Đức Tổ. Đó là bài Hạ Thập kì (賀拾祺, tức bài thơ ghi lại
những việc hay). Cả hai bản đều ghi tên tác giả là người con thứ 5 của Đệ
Nhất Đại tổ và là Tổ Chi thứ Tư là Lương Công Thiệu. Nhưng có những điểm khác biệt giữa hai tài liệu
về hoàn cảnh ra đời và 15 tiếng viết bằng chữ quốc ngữ. Nay cả 2 bản đều là phiên âm ra quốc ngữ (có cả chữ sai chính tả) không có bản chữ
Hán (hay Nôm) nên càng khó xác luận.
Trên cơ sở đối chiếu 2 bản và căn cứ vào lịch sử giai đoạn này, tôi cho
rằng bài “Hạ thập kỳ” do Cụ Đồ Thiệu (梁公劭, 1769 -1833)
viết bằng chữ Nôm trong thời gian dạy học tại quê nhà sau khi theo
lệnh vua tập hợp dân chúng quanh vùng cùng quan quân đánh dẹp cuộc “Ba Vành tác
loạn”[19] trở về[20]. Từ chuyện đời mình, liên
tưởng đến Ngoại Tổ khi Ngoại tham gia quân triều đình (chở lương bằng thuyền) dẹp cuộc khởi
nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu mà Cụ đã
viết bài này ca ngợi công đức Ngoại Tổ. Từ lập luận trên, qua góp ý chỉ bảo của
một số bậc túc nho (thư Điện tử hay trực
tiếp) tôi tiến hành phục tác bài thơ của Cụ Đồ Thiệu và qua nhiều lần chỉnh
sửa tôi hình dung bài thơ Ca ngợi Tổ như sau:
賀拾祺: Hạ thập kỳ
城蠬邦彾印元戎
Thành rồng vâng lĩnh ấn nguyên nhung,
低𣔧㘇㖫㗂樂翁
Đây đó vang lừng tiếng nhạc ông.
燭貴𠓇𤍶營左銳
Đuốc quý sáng loà doanh tả nhuệ,
香漕𦹳㘃𡎝東隅
Hương tào thơm nức cõi đông ngung.
𩄎潤𠤩縣𢚸民𢚶
Mưa nhuần bẩy huyện lòng dân thoả,
浪弼 𠀧㮠𩈘渃𤁘
Sóng bặt ba vành mặt nước trong.
𡻔𡶀圖山功吻 鑿
Rặng núi Đồ Sơn công vẫn tạc,
書𣘈券𨫊別包窮
Thư son khoán sắt biết bao cùng.
5.2. Giáp Hậu cung (chuôi vồ) xây bệ trên
đặt cỗ kỷ 几 còn gọi là Tay ngai. Ngai ỷ tương tự hình cái ghế ngồi,
tượng trưng cho sự hiển hiện của người đã khuất. Kỷ cao 81, rộng 47 và sâu 40
cm, trong lòng có đế Bài vị (H :簰位, A: The tablet
of the deceased, P: La tablette du défunt) lòng 21x6 cm
khắc chữ hai chữ Hán bên trên là 請
恭 (CUNG
THỈNH), 4 chữ ở giữa là 九玄七祖 (CỬU
HUYỀN THẤT TỔ) và 2 chữ ở dưới là 位 座 (TỌA VỊ) đây là thờ vĩnh viễn 永世辰主 Thuỷ tổ dòng họ 肇祖, tức Bài vị không chuyển giao cho ai, hàm ý thờ
cụ Lương Đức Trinh 第四代祖 梁德禎 và cụ bà
Nguyễn Thị Lề 阮氏 𨦙. Phía trước có đặt ba
chiếc đài có nắp và trên nắp có núm cầm. Đài làm bằng gỗ được tiện rỗng, bên
trong có 3 chén nhỏ, ngày thường đậy nắp để tránh bụi bặm, khi cúng giỗ mở nắp
đài ra kê nắp xuống dưới, đặt đài lên trên ăn khớp với nắp, rót rượu vào 3 chén
này. Hai bên ỷ có chân dung phục dựng cụ Lương Đức Trính 梁德楨 và
cụ bà Đặng Thị Chỉ là ông bà nội của
tôi. Gia phả, Văn khấn sẽ đặt tại đây.
5.3. Tiếp ỷ là án gian. Bàn này có kích thước 176 (Phú quý) x 87 (Hỷ sự) x
109 (Hưng vượng) cm. Trên đó đặt Tự khí 祀器, đảm bảo 05 yếu
tố: Kim (tự khí làm bằng kim loại) -
Mộc (đồ bằng gỗ) - Thủy (chai rượu, chén nước) - Hỏa (đèn, nến) - Thổ (bát hương sành sứ), quan trọng nhất là Bát hương. Cụ thể ở nhà này
có:
+ Bộ Tam sự bằng đồng gồm đỉnh đồng (tượng trưng cho bầu Thái cực, trầm thắp lên
tỏa khói hương là vạch nối âm dương); Hai con hạc đội đèn;
+ Bộ Ngũ sự bằng gỗ: Hai cây đèn (khi thắp lên là “nhật nguyệt quang minh” 日月光明 tức mặt trời, mặt
trăng đều sáng), Lọ lộc bình cắm hoa (bên trái), Mâm bồng đặt ngũ quả đặt bên phải theo nguyên tắc
“Đông bình Tây quả”, lọ cắm hương bằng sành sứ, đặt bên phải bàn thờ, hai đài lớn đặt 2
bên để cơi trầu và tiền vàng.
Hai cây Vàng đặt hai bên nhưng
cây bên trái cao hơn cây bên phải bởi “Thà cho Long cao ngàn trượng chứ không
để Hổ ngẩng cao đầu”. Cây vàng được hóa vào 23 tháng Chạp thay cây mới.
+ Tam sơn: biểu thị của Thiên - Địa – Nhân 天地人 trên đặt 3 bát hương mà đứng từ ngoài nhìn vào thì:
Bát nhang thờ Thổ Công-Thần linh 土土公神靈[21]: đặt cao hơn, ở chính giữa, giúp cho gia chủ phát khởi tâm từ bi, cầu
các đấng Thần, Phật giáng lâm giúp đỡ tạo quả phúc. Bát này đường kính 18-20cm,
nếu “bốc” được coi là may.
Bát nhang thờ Gia tiên: chính là thờ 九玄七祖[22], tức thờ Cửu Huyền Thất Tổ nội ngoại tôn
thân, ở phía tay phải người đứng lễ, hay tay trái từ trong bàn thờ nhìn ra. Bát này có đường kính 16-18 cm khi thắp mà
phát hỏa coi là gặp hạn.
Bát nhang Bà Cô - Ông Mãnh Tổ 婆祖翁猛姑 thờ những người chết trẻ, chưa vợ, chưa chồng
nhiều đời nhiều kiếp của gia tộc,
phù hộ độ trì cho con cháu, đặt
ở phía bên tay phải từ trong bàn thờ nhìn ra và
có đường kính 16-18 cm.
Khi thắp hương cắm ngay ngắn ở bát giữa trước, sau đó đến bát bên phải.
Không thổi tắt hương, không rút ra do tắt để cắm lại.
+ Phía trước đặt khay có 3 chén,
khi cúng rót rượu cùng 2 cốc nước tịnh tạo 5 ly tượng trưng cho Ngũ hành.
5.4. Ngoài cùng là bàn Cúng cơm:
với kích thước 89 (Thêm phúc), 61 (Tài lộc), 81 (Tài vượng) cm. Bàn này chỉ sử dụng khi có cỗ mặn và cỗ mặn chỉ đặt
lên đây, chỉ đặt 5 bát, 5 đôi đũa (xưa cỗ
5, ngôi ai ngồi che cửa sổ). Không đưa cỗ mặn lên án gian bởi ban đó thờ cả
Phật (chủ khách hòa minh) mà Phật thì
ăn chay.
5.5. Ngăn giữa hậu cung và nền
nhà cũ là cửa võng có kích thước 174 cm (Thiên
khố) cao 87 cm (Hỉ sự), phía
trong treo Y môn mầu đỏ (chưa sắm).
- Bên trên có bức Hoành phi, hai
bên là hai câu đối thông dụng bằng đồng:
+ Hoành phi: 德旒光 Đức Lưu quang (Đức độ toả sáng)
+ Câu đối: 祖功宗德千年盛
: Tổ công tông đức thiên niên thịnh (Tổ
tiên công đức ngàn năm thịnh). Cũ: Tổ Đức Tông công thiên tải trạch.
子孝孫賢萬代榮 : Tử hiếu tôn hiền vạn đại
vinh (Con cháu hiếu hiền muôn thuở vinh).
Cũ: tử thừa tôn kế vạn niên Xuân.
+ Kèm 2 mâm đồng khắc chữ 德 Đức,
chữ Tâm 心
nhắc phương châm sống.
- 3 chữ thêu chữ thập: 福禄壽 (Phúc, Lộc, Thọ) VC Hải Thương cung tiến
5.6. Hai bên
tường của Hậu cung có bảng Sơ đồ phả hệ Đại tôn (toàn họ với đại diện các Trưởng tính đến Đời thứ Tám, đặt bên trái)
và Tiểu chi (ngành Út của cụ Hanh, tính
đến đời thứ Chín đến cháu Trai, gái, dâu rể Ngoại, đặt bên phải). Trên Phả đồ 2
có đôi câu đối: 高密本枝承旧荫 (Cao Mật bản
chi thừa cựu ấm); 老街香火壮新基 (Lão Nhai hương hỏa tráng tân cơ). Nghĩa là: “Tổ
tiên tạo phúc dày bền cành gốc nơi Cao Mật; Con cháu xây nền vững, mãi khói hương
chốn Lào Cai.”
Hai bức này do tôi thiết kế,
trình bày bằng trình CorelDRAW nhưng còn thiếu một sô thành viên. Sơ bộ cụ
Trính-Chỉ có 4 con, 1 thế kỷ sau, nay thành 3 đại gia đình và chỉ còn dâu
trưởng; 15 Cháu nội ngoại nay còn 23 kể cả dâu rể; 41 chắt lấy vợ gả chồng
thành 74 nay còn 71; 52 chút nội, ngoại,
gái, trai đầy đủ.
6. Quy ước Cúng giỗ từ nay:
- Đây là Gia đường nhưng do phụ
thân là Trưởng chi nên có chức năng của nhà thờ Tiểu tôn. Đồng thời là nơi thờ
vọng Đức Thủy tổ Lương Công Trạch, con cháu bác Ruẩn, anh Thiếp, anh Tâm tham
dự tùy Tâm.
- Việc cúng giỗ tuy không thực
hiện tiên thường 先嘗 nhưng anh em con cháu phải nhớ ngày và hỏi Trưởng, đóng
góp tùy tâm nhưng hiện vật chỉ mang tính tượng trưng, góp tiền để người tổ chức
dễ sắm, chủ động chế biến; báo người về dự để tiện sắm cỗ và chỉ người về, có
báo trước 10 giờ mới được thụ lộc.
- Lễ phẩm khi cúng giỗ: ban
thượng bày hoa tươi; ban trung chỉ bày trầu cau, hoa, oản, trà, rượu; còn lễ
mặn để ban hạ. Mâm cỗ cúng phải có gà trống luộc, canh, xào, cơm, muối, rượu,
nước. Chỉ để 5 bát, 5 đôi đũa, 5 ly rượu bởi cỗ quê ta xưa chỉ ngồi 5 (tránh cửa sổ).
- Khi gia đình có việc: cưới, đi học, sinh con. Thăng
chức, lên lương, đỗ đạt…đến thắp hương, công đức tùy tâm. Sẽ đóng hòm, sổ Công
đức và Sổ họ (ghi tên các cháu mới sinh).
Khi số tiền đủ và có tài trợ sẽ thực hiện việc tuyên dương các cháu học giỏi,
Mừng Thọ, Mừng Song hỉ tuổi Vàng của người trong họ, Công đức việc xây Bia Tưởng niệm những người khai hoang mở ra thông An Phong ( 12 hộ tháng 02/1964).
- Khi dưới quê có yêu cầu thực
hiện việc họ con cháu có gia đình độc lập (nhất
là con trai) phải có nghĩa vụ đóng góp theo quy định và hỗ trợ thêm cho người
cử thay mặt chi họ về dâng cúng.
- Việc xây Bình phong, cây hương và nâng
bếp tạm hoãn bởi thời gian và kinh phí.
- Đồ tế khí Còn thiếu (Y môn, Hạc đại, thay Hoành phi Câu đối vải...): đề nghị anh em, con cháu công
đức tiếp. Hiện vật tùy tâm nhưng không nên công đức thứ đã có. Nếu liên quan
đến chữ nghĩa phải thông qua tôi. Tốt nhất là bằng tiền mặt, dễ sử dụng.
- Thiết kế và In bức trướng của
chi họ hoặc tranh thờ người mới mất (Biểu trí kỳ ai) để dùng khi trong họ có
việc.
-Kim Tân, ngày, 22/12/2014. Lương Đức Mến. Đưa lên Blog để lưu giữ-
[1] “Tôn giáo” này không có giáo lý và giáo hội chặt chẽ ngoài gia đình và
gia tộc . Nhưng đó là niềm tin sâu sắc vào sự thiêng liêng; sự hướng thượng của
đời sống tâm linh con người và giáo lý “uống nước nhớ nguồn”.
[2] Chế độ thi cử Nho học với các kỳ thi là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình và người đỗ được liệt
kê tên họ vào cái bảng danh dự nên được gọi là Khoa bảng 科牓.
[4] Theo thứ bậc trong Phả hệ 譜系thì từ mình (我, ngã) trở lên là Cha (父, phụ); Cha của cha là “Tổ” 祖, thời cổ gọi là “vương phụ” 王父; mẹ của cha là “Tổ mẫu” 祖母, thời cổ gọi là “vương mẫu” 王母; cha mẹ của tổ là “Tằng tổ phụ” 曾祖父, “Tằng tổ mẫu” 曾祖母; cha mẹ của tằng
tổ là “Cao tổ phụ” 高祖父, “Cao tổ mẫu” 高祖母…đến “Thủy tổ” 始祖 là Cụ Tổ cao nhất của một dòng họ được chép trong Gia phả. Tất nhiên, Thủy
tổ 始祖 có bố mẹ, ông bà…nhưng những người này khó xác
định do không còn tư liệu và được tôn xưng là Thượng tổ 上祖 là bậc trên của
Tổ hay Tị tổ 鼻祖 tức những vị Tổ đầu tiên.
[5] Nguyên quán cấp làng, xã, xóm, thôn lập nghiệp đầu tiên của một dòng tộc,
là tiêu chí để phân biệt các dòng tộc với nhau, xác định cội nguồn truyền thống.
[6] Việc đó thực hiện theo nguyên tắc “立嫡以長不以賢, 立子以貴不以長”“Lập đích dĩ trưởng bất dĩ hiền,
lập tử dĩ quý bất dĩ trưởng” (Lập đích lấy
trưởng không lấy hiền, lập tử lấy quý không lấy trưởng) trong “Xuân Thu
Công Dương truyện - Ẩn Công nguyên niên” 春秋公羊传 - 隐公元年 từ thời
nhà Chu (周, 1122–256 tCn). Chế độ tông
pháp này ảnh hưởng sang nước ta và dưới thời Lê (後黎朝, 1428 - 1788) cũng đề ra nguyên tắc “lập tử dĩ quí” 立子以贵.
[7] “Trái/Phải” là theo hướng mặt
tiền của Từ đường.
[8] Đây là những người chưa có tên, yểu tử, tảo vong do chết khi mẹ còn
mang thai, chết lúc nhỏ tuổi chưa có vợ con…nhưng các vong hồn này qua rất nhiều
đời đều quy tụ theo Tổ tiên tại từ đường mà dân gian thường cho rằng vong linh
họ thường xuất hiện răn dạy và độ trì con cháu trong dòng tộc., đặc biệt là Tổ
Cô (ảnh hưởng tục thờ Mẫu).
[9] Cụ Lương Đức Ổn 梁德稳 (đời thứ Năm) là con cụ Hòa, cháu cụ Xưng, chắt cụ Tú và chút của Đệ
Nhất đại Tổ Lương Công Nghệ từng làm Chánh tổng 正總,nhà
giầu nên có phẩm hàm 品銜 Bá hộ 伯户.
[10] Có lẽ đây là trận càn vào Khu Hoàng Diệu ngày 14 tháng 7 Đinh Hợi
(29/8/1947).
[11] Trong lần giỗ Tổ 1963, khi tát ao trước nhà Trưởng họ lúc “hôi cá” tôi
nhớ đã nhặt được 1 chiếc thìa khá nặng (chắc
bằng bạc?) nhưng lại mất khi chuyển lên Lào Cai vào tháng 2/1964..
[12] Dịp này ở Lào Cai tôi đưa: Mẹ tôi, Thường, Thức, Luận, Quang về dự và
công đức 1. 100.000đ.
[13] Tôi không nhớ chính xác thời điểm bố mẹ tôi dựng nhà (hồi đó tôi ở tỉnh
lị dưới Yên Bái). Hôm tháo dỡ (25/11/2014) ), sau khi dỡ gỗ gác trần ra thấy
hàng chữ Nho viết trên cây đòn nóc (Thượng
lương) bị muội khói đen do đốt sưởi rất khó đọc. Mày mò mãi, tôi đọc được
là: 歲次壬戌年四月和四日午時垃柱上樑大吉 (3 chữ nữa không đọc nổi).
Phiên âm: Tuế thứ Nhâm Tuất niên Tứ nguyệt
hòa Tứ nhật Ngọ thời lạp trụ thượng lương đại cát.
Dịch nghĩa: Giờ Ngọ ngày 04 tháng
Tư năm Nhâm Tuất (1982) lắp đặt cây chồng
nóc mong cho mọi việc tốt lành.
[14] Thước 52.2cm: Khoảng không thông thủy (gian, cửa, cửa sổ...); Thước 42.9cm (Dương
trạch): Khối xây dựng (bếp, bệ, bậc...); Thước 38.8cm (Âm
phần): Đồ nội thất (bàn thờ, tủ...).
[15] Tôi đoán chứng Người xuôi thuyền ra cửa bể
Kiến Thuỵ để ngược lên phía Đồ Sơn thời đó có nhiều “phản loạn” và phải chăng
có liên quan đến các cuộc khởi nghĩa ghi ở chú thích sau.
[16] Giữa thế kỷ XVIII, vùng Hải Dương có khởi
nghĩa nông dân của anh em Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ phối hợp với Vũ Thác Oánh ở
vùng Thất huyện Hải Dương, nơi đầu tiên là Chí Ninh và giương cao cờ Ninh Dân.
Cùng thời còn có khởi nghĩa nổi tiếng của Quận He Nguyễn Hữu Cầu (1741-1751) từng chiếm Đồ Sơn, Vân Đồn.
[17] Như thế: Ngày Giỗ Tổ
chung (Rằm tháng Giêng) và Tổ Ngành 3
(19/2) đều không phải ngày kị của Nội
Tổ; Ngày Giỗ Tổ và ngày Kị ông Nội tôi (29-Giêng) chỉ là ngày tưởng nhớ khi Người
rời nhà ra đi,cả 2 cụ đều “Thuỷ táng”.
[18] Đáng tiếc là các cụ không truyền lại việc
đó xẩy ra năm nào nên hiện nay khó định cấp giỗ cho từng năm. Bản phiên âm Gia
phả Lương Hoàn có ghi “đệ niên Chính nguyệt
Thập Ngũ nhật”, tôi đồ chừng thiếu một chữ chỉ thứ tự (niên
hiệu vua) ở sau chữ “đệ”. Nếu tìm thấy bản gốc có thể đoán định được năm Ngoại
Tổ hy sinh.
[19] Chỉ cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827) nổ ra tại vùng này năm Đinh Dậu, 1827
[20] Nhưng nói Cụ Đồ viết để ôn chuyện mình lại
không phù hợp với truyền ngôn về Tổ được Thuỷ táng ngay sau trận đánh hoặc đời
sau đã gắn việc Cụ Thiệu mất tại Vĩnh Bảo ngày 08/2 năm Minh Mệnh 14 (Quý Tị, 1833) trong khi được cử đi đánh
dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Lương (? -
1833) nổ ra tại Vĩnh Bảo. Hơn nữa các Cụ nhà Nho xưa không bao giờ viết thơ
tự ca ngợi mình và như thế không lý gì ngành Hai cũng lưu chép.
[21] Khí tinh anh của khí dương gọi là "thần" 神, khí tinh anh của
khí âm gọi là "linh" 靈, ý nói vật gì được khí tinh anh đúc lại hơn cả trong các vật cùng loài
với nó vậy. Như người là giống linh hơn cả muôn vật, con kỳ lân 騏驎, con phượng
hoàng 鳳凰, con rùa 龜, con rồng 龍 gọi là "tứ linh" 四靈 bốn giống linh
trong loài vật.
[22] Cửu huyền thất tổ (H: 九玄七祖, A: The ancestors of nine degrees in direct line,
P: Les ancêtres de neuf degrés en ligne
directe) gồm hai nhóm:
- Cửu huyền: Chín đời: Cao 高, tằng 曾, tổ 祖, cha 父, mình 我, con 子, cháu 孫, chắt 曾孫, chít 玄孫 chứ không phải 9 đời tính ngược từ mình lên. Do vậy lời giải thích “Thờ
Cửu Huyền là thờ Tổ Tiên chín đời trước của dòng họ nhà mình” là không chính
xác.
- Thất Tổ七祖: Là bảy ông tổ. Tổ là Ông nội của đời mình; đi ngược lên sáu đời nữa gọi
là thất tổ: Cao 高, tằng曾, cao cao 高高, tằng tằng 曾曾, tổ tổ 祖祖, cao tổ 高祖.
Như vậy, chữ “cửu huyền” bao quát hơn chữ
“thất tổ”. Vì “thất tổ” đơn thuần chỉ các thế hệ đi trước, còn “cửu huyền”
không những chỉ bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau và gồm cả bản
thân (我 ngã) là ở giữa.
Trên Internet có tác giả Trung Quốc
nói về mấy chữ này như sau :
九玄 Cửu Huyền: 子 (Tử, con), 孫 (Tôn, cháu),曾 (Tằng, chắt), 玄 (Huyền, chút), 來 (Lai, chít), 昆 (Côn, nối), 仍 (Nhưng, quay), 雲 (Vân, xa), 耳 (Nhĩ, chút chít).
七祖 Thất Tổ:父 (Phụ, cha), 祖 (Tổ, ông), 曾 (Tằng, cụ), 高 (Cao, kị), 太 (Thái, cố), 玄 (Huyền, sơ), 顯 (Hiển, rõ ).
Như vậy Cha nằm trong hệ thống Thất Tổ
và thuộc Nhất Tổ, tính ngược lên: Ông là Nhị Tổ, Cụ là Tam Tổ, Kị là Tứ Tổ, Cố
là Ngũ Tổ, tiếp Lục Tổ rồi Thất Tổ. Đây là quan niệm về hai hệ thống của Cửu
huyền thất tổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!