Mấy hôm rày nhiều người hỏi “Năm 2014 này có nhuận
không ?” và “Vào năm nhuận có nên cưới gả, cát táng không ?”. Nên ôn lại tí
chút.
1. “Nhuận” và
cách tính năm nhuận:
Trong phép làm lịch, “Nhuận” (A: Intercalation, P: Intercalation, H: 置閏) là sự dôi ra (ngày, tuần, tháng)
so với năm thường để làm cho lịch phù hợp với các mùa thời tiết. Thực ra tuy gọi là “năm nhuận” (H: 閏年, A: Leap year,
P: Année bissextile) nhưng chỉ là
hiện tượng có “ngày thừa” 閏日, “tháng thừa” 閏月
trong năm đó so với các tháng, các năm bình thường khác, chứ không phải là thừa
năm!
Năm mặt trời hay năm thời tiết không phải là một số
nguyên các ngày, nhưng năm trong các lịch thì lại phải là số nguyên ngày. Cách
duy nhất để giải quyết sai biệt giữa năm mặt trời và năm trên lịch là biến đổi
số ngày của mỗi năm trong các loại lịch.. Việc xác định năm nào là nhuận có thể
được tính toán (lịch Julius, lịch
Gregory, lịch Trung Quốc và lịch Do Thái cổ), hoặc được xác định theo các
quan sát thiên văn (lịch Iran ).
Lịch tính thời gian theo mặt trời gọi là Dương lịch.
Trái đất quay trọn một vòng xung quanh mặt trời mất 365 ngày và 6 giờ. Năm
dương lịch có số nguyên là 365 ngày, một năm dương lịch còn thừa 6 giờ và 4 năm
dồn lại thừa 24 giờ, bằng một ngày. Do
vậy, cứ 4 năm sẽ có một năm 366 ngày, gọi là năm nhuận. Nhuận ngày dương lịch
được tính vào tháng 2, tháng có 29 ngày. Dương lịch chỉ có thêm ngày chứ không
có thêm tháng. Năm
nhuận là năm mà số chỉ năm phải chia hết cho 4, ví dụ: năm 2016 : 4 = 504
là năm dương lịch nhuận 1 ngày.
Âm lịch tính thời
gian theo mặt trăng. Một tháng mặt trăng trung bình có 29,5 ngày. Một năm âm
lịch có 354 ngày, ngắn hơn năm dương lịch 11 ngày. Cứ 3 năm lại ngắn hơn 33
ngày (hơn 1 tháng). Để âm lịch vừa
chỉ được tuần trăng, vừa không sai lệch nhiều với thời tiết 4 mùa, cứ 3 năm âm
lịch người ta phải cho thêm một tháng nhuận để năm âm lịch và dương lịch không
sai nhau nhiều. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, năm âm lịch vẫn chậm hơn so với
năm dương lịch. Người ta khắc phục tình trạng trên bằng cách cứ 19 năm lại có
một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận. Thực ra đấy là Âm
Dương lịch hiện đang sử dụng theo múi giờ Việt Nam (UTC
+ 7 G). Năm nhuận
trong âm lịch quy tắc khác với dương lịch và nó là nhuận thêm tháng. Muốn tính
năm nhuận âm lịch lấy số chỉ năm dương lịch tương ứng chia cho 19, nếu số dư là
một trong các số: 0, 3, 6, 9 hoặc 11, 14, 17 thì năm âm lịch đó có tháng nhuận.
Phật lịch
cũng có việc thêm vào 7 tháng nhuận (adhikamasa)
trong chu kỳ 19 năm và 11 ngày nhuận (adhikavara)
trong chu kỳ 57 năm, nhưng ít liên quan tới đời sống dân thường nên không tập
trung nghiên cứu
2. Nhuận cả âm
lịch và dương lịch:
Đa số trong một năm nếu năm tính theo dương lịch mà
nhuận (tháng 2 có 29 ngày) thì năm
tính theo âm lịch sẽ không nhuận (không
dư tháng) nhưng nhiều khi cả dương lịch và âm lịch đều nhuận và đó là “nhuận
kép”.
Ví dụ: năm mà số La Mã: MMXII, số chỉ năm là 2012 (chia
hết cho 4) là năm nhuận, tháng Hai có 29 ngày còn theo âm lịch, năm Nhâm Thìn
phần lớn các ngày trong năm 2012 (bắt
đầu từ 23/01/2012 đến 10/02/2013)
mà con số chỉ năm dương lịch là 2012 khi chia cho 19 được 105, dư 17 nên năm
Nhâm Thìn âm lịch cũng nhuận, có tháng tư nhuận. Gần đây về tương lai là năm
2020 Canh Tý: ngày 29 tháng 2 lịch dương là ngày thứ Bẩy, 07/2 âm còn lịch âm
nhuận 2 tháng Tư và ngày 01/4 nhuận là thứ Bảy ngày 23/5/2020, nó là ngày Bính
Dần, tháng Tân Tỵ.
Mở rộng ra, muốn tính xem năm (dương lịch) nào có “nhuận kép theo lịch Việt” từ nay đến 2060 ta
công thức: 2012 + n8 với n là số nguyên dương.
3. Năm nay có
nhuận không:
Theo cái nguyên tắc này thì năm Lịch Gregory
MMXIV dương lịch ghi là năm 2014 (chia hết
cho 19=106, bắt đầu từ thứ Tư ngày 01 tháng Chạp năm Quý Tị đến 10 tháng Một
(11) Giáp Ngọ), âm lịch ghi là năm Giáp Ngọ (甲午, bắt đầu từ thứ Sáu ngày 31/01/2014 đến thứ Tư ngày 18/02/2015), Phật lịch
tính là năm 2557 là năm nhuận theo âm lịch, tức năm Giáp Ngọ nhuận mà là nhuận
2 tháng 9.
Tháng 9 nhuận này là tháng thiếu (月小,
có
29 ngày) bắt đầu từ thứ Sáu ngày
24/10/2014 (ngày Julius: 2456955) đến thứ Sáu ngày 21/11/2014 (ngày Julius: 2456983) và nguyệt danh theo Can Chi của nó vẫn
theo tháng 9 trước, tức là tháng “Giáp Tuất” 甲戌 có thêm từ “nhuận”.
Như vậy năm nay: Dương lịch không nhuận (tháng 2 có 28 ngày) còn âm lịch có nhuận
(2 tháng 9).
4. Liên quan
đến tâm linh:
Năm nhuận chỉ là một thủ pháp của các nhà làm lịch
nhằm làm cho năm âm lịch và dương lịch không sai lệch nhau nhiều chứ không ảnh
hưởng đến vận hạn của con người hay quốc gia rộng ra là toàn thế giới cũng như ảnh
hưởng đến “cát”, “hung” của việc tiến hành trong năm đó. Lịch sử đã chứng minh
như vậy.
Có điều đối với những việc tính theo lịch âm thì Tết
và ngày cúng giỗ nếu rơi vào tháng sau tháng nhuận phải “chờ” thêm 1 tháng nữa,
còn nếu rơi vào tháng có tên nhuận phải cúng vào tháng chính.
Người việt thường kiêng tiến hành những công việc đại
sự vào tháng “thêm vào” đó nhưng từ thời kỳ thánh Patrick và Bridget trong thế
kỷ 5 người Ireland
phụ nữ chỉ có thể được cầu hôn trong những năm nhuận.
- Lương Đức Mến TH và BS-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!