Chuyện vui kể rằng: có cụ già nói "năm nào tới sinh nhật Cụ cũng được gia đình hoặc tự tổ chức và đã thực hiện được đúng 20 lần", chẳng ai tin. Nhưng đó lại là sự thật! Bởi có một hiện tượng đặc biệt trong phép ghi lịch là có tháng nhuận, ngày nhuận nên có những ngày 4 năm mới xuất hiện 1 lần!. Kéo theo đó là bao nỗi suy tư: “nhuận” là gì? vì sao có “nhuận”? khi gặp năm có “ngày nhuận”, “tháng nhuận” vận hạn sẽ ra sao và việc cúng giỗ thế nào?...Đâu phải ai cũng rõ và đã sớm thống nhất được với nhau.
1. Về ngữ nghĩa:
“Nhuận” chữ Hán viết là 閏, có nghĩa là “thừa”. Thực ra tuy gọi là “năm nhuận” (H: 閏年, A: Leap year, P: Année bissextile) nhưng chỉ là hiện tượng có “ngày thừa” 閏日, “tháng thừa” 閏月 trong năm đó so với các tháng, các năm bình thường khác, chứ không phải là thừa năm!
Như vậy: Năm nhuận theo dương lịch là năm chứa một ngày dôi ra còn theo âm lịch là năm có chứa tháng thứ 13.
Theo nguyên lý đó thì năm nay cả âm lịch (Nhâm Thìn, có nhuận tháng) và dương lịch (2012, có nhuận ngày) đều là năm nhuận.
2. Nguyên do có năm nhuận:
Thời gian vốn tự nhiên sinh ra nhưng lịch lại do con người lập nên. Con người lập ra lịch để ghi thời gian. Để làm lịch con người đã dựa vào ba đơn vị đo vốn được hình thành từ hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ, không phụ thuộc vào sự áp đặt của con người: ngày (chu kỳ tự xoay quanh trục của trái đất), tháng (âm lịch là chu kỳ mặt trăng chạy một vòng quanh trái đất), năm (chu kỳ trái đất quay một vòng quanh mặt trời). Vì thế, lịch gắn liền với khoa học thiên văn và liên quan tới khí hậu trên trái đất.
Việc đo thời gian được ấn định theo thiên văn, theo thời tiết và phép làm lịch đã quy định có sự lặp lại theo chu kỳ nhất định. Nhưng ba đơn vị thời gian thiên văn: ngày, tháng, năm không thông ước với nhau, không thể tìm ra một số nào chia hết cho cả 3 đơn vị này. Do vậy trên thực tế thì các mùa và các sự kiện thiên văn không lặp lại chính xác sau một số nguyên các ngày nên sau một khoảng thời gian nhất định sẽ xẩy ra sai số lớn. Vì vậy cần phải thêm vào một ngày hoặc một tháng để chỉnh lại các sai số do làm tròn.
2.1. Đối với Dương lịch:
Dương lịch (陽曆, The sun calendar/Le calendrier solaire) hiện tại mà chúng ta đang dùng là lịch của người La Mã cổ đại. Phép tính lịch này lấy năm Xuân phân làm cơ sở, có độ dài bằng vòng quay của Trái đất quanh Mặt trời. Cũng bởi dựa vào chu kỳ mặt Trời mà mặt Trời 日 thuộc Dương 陽 nên đây còn gọi là Lịch Thái Dương. Lịch La Mã được Romulus (người sáng lập thành Roma, khoảng 753 tCn) tạo ra dựa trên hệ thống âm lịch của người Hy Lạp.
Khi làm lịch, người La Mã thời đó chưa biết là Trái Đất quay xung quanh Mặt trời và năm của họ chỉ có 304 ngày, được chia thành 10 tháng chứ không phải 12 tháng với tên của các tháng là Martius, Aprilis, Maius, Junius, Quinctilis, Sextilis, September, October, November và December. Trong đó tên chỉ 4 tháng đầu là tôn vinh các vị thần còn 6 tên chỉ 6 tháng cuối có nghĩa đen là tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10.
Sau này, khi nhận ra lịch La Mã một năm thiếu 60 ngày so với chu kỳ quay của Trái Đất, hoàng đế thứ hai của La Mã là Numa Pompilius (715 tCn-673 tCn) đã thêm hai tháng có tên là January và February và đặt ở cuối của lịch và mỗi năm có 365 ngày, đó là Lịch Numa. Theo học giả Sacrobosco (thế kỷ 13) thì sơ đồ nguyên thủy của các tháng trong lịch này là rất đều, xen kẽ các tháng dài và ngắn. Từ tháng 1 đến tháng 12 thì độ dài các tháng là: 30, 29, 30, 29, 30, 29, 30, 29, 30, 29, 30, 29, tổng cộng 354 ngày
Theo thời gian, tới khi Julius Caesar (7/100 tCn-3/44 tCn) lên nắm quyền thì lịch đã bị lệch mất 80 ngày so với mặt trời (lệch mùa) và nếu không có sự sửa đổi ngay lập tức thì lịch sẽ còn lệch hơn nữa trong tương lai. Do vậy, nhà Thiên văn học người Alexandria (Ai Cập) có tên là Sosigenes đã được Caesar giao việc nghiên cứu chỉnh sửa lại lịch cho chính xác. Sosigenes đã xác định lại chính xác lịch hiện tại mỗi năm thiếu 1/4 ngày. Ông đã và đồng thời xếp lại thứ tự tháng (đẩy January và February lên đầu) và đặt ra quy định tháng Hai có 28 ngày và cứ 4 năm một lần thì tháng 2 sẽ lại có 29 ngày để bù cho 1/4 ngày bị dư ra của một năm. Lịch này gọi là lịch Julius, được Julius Caesar giới thiệu năm 46 tCn và có hiệu lực từ năm 45 tCn.
Để thực hiện cải cách này, có một năm (rất có thể tương ứng với năm 46 tCn) đã được kéo dài 445 ngày. Tháng sinh của Caesar, Quintilis, được đổi tên thành Julius; ngày sinh của ông 12 tháng 7 trở thành quốc lễ của La Mã. Sacrobosco cho rằng Julius Caesar đã thêm 1 ngày vào mọi tháng, ngoại trừ tháng Hai, tổng cộng là 11 ngày nữa, tạo ra năm có 365 ngày. Ngày nhuận có lẽ đã được thêm vào tháng Hai trong năm nhuận: 31, 29 (hay 30), 31, 30, 31, 30, 31, 30, 31, 30, 31, 30. Như vậy tháng 8 (tháng Augustus) ngắn ngày hơn tháng 7 (tháng Julius) nên sau đó Hoàng đế La Mã Augustus (63 tCn-14) đã đổi độ dài các tháng là : 31, 28 (hay 29), 31, 30, 31, 30, 31, 31, 30, 31, 30, 31. Đây chính là độ dài các tháng mà ngày nay chúng ta đang dùng.
Nhưng độ dài của năm mặt trời là 365,242216 ngày cho nên lịch Julius dài hơn khoảng 0,0078 ngày trong một năm, tức là khoảng 11 phút 14 giây. Để bù vào sự khác biệt này thì cứ 400 năm ta sẽ bỏ bớt đi 3 ngày năm nhuận. Cho đến năm 1582 (sự sai biệt đã lên đến 10 ngày). Vào năm đó, Hoàng Gregory XIII (1502-1582) quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó để cho lịch và mùa màng tương ứng trở lại. Sau ngày 4 tháng 10 năm 1582 là ngày 15 tháng 10. Lịch đã sửa mang tên lịch Gregory và được áp dụng cho đến bây giờ. Độ dài của năm được xác định chính xác bằng 365,2425 ngày, vì thế đến thời điểm áp dụng lịch Gregôriut thì thời gian theo lịch Juliut đã chậm đi 10 ngày. Để loại trừ sai, lịch đó đã quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó để cho lịch và mùa màng tương ứng trở lại và quy định: tại Roma, Espagne và Portugal, cũng như các nhà thờ Thiên chúa giáo thì ngày hôm sau của thứ năm 4/10/1582 là 15/10/1582; chu kì nhuận xác định là: 400 năm chỉ có 97 năm nhuận. Quy tắc xác định lịch này như sau: Các năm không nhuận có 365 ngày: các tháng 4, 6, 9, 11 có 30 ngày, tháng 2 có 28 ngày, 7 tháng còn lại có 31 ngày; riêng năm nhuận có 366 ngày do thêm 1 ngày vào tháng 2 để có 29 ngày.
Nguyên tắc xác định năm nhuận theo lịch Gregory: các năm chia hết cho 4 (như năm 1964, 1980, 2004, 2012…) là năm nhuận, nhưng với các năm chia hết cho 100 thì phải đồng thời chia hết cho 400 mới là năm nhuận. Theo đó các năm 1700, 1800, 1900, 2100, 2200… không là năm nhuận vì không chia hết cho 400, còn các năm 1600, 2000 hay 2400, 2800… là năm nhuận ! Theo nguyên tắc này thì trung bình một năm có 365 + 1/4 − 1/100 + 1/400 = 365,2425 ngày, tức là 365 ngày 5 giờ 49 phút và 12 giây.
Lý do nằm sau quy tắc này như sau:
Lịch Gregory được tạo ra để đảm bảo ngày xuân phân ở châu Âu rơi vào ngày 21 tháng 3, để đảm bảo ngày lễ Phục Sinh có thể điều chỉnh theo ngày xuân phân một cách rõ ràng hơn.
Một năm xuân phân (tính giữa hai điểm xuân phân kế tiếp nhau) là khoảng 365,242375 ngày.
Quy tắc tính năm nhuận theo lịch Gregory lấy một năm trung bình là 365,2425 ngày.
Sự sai khác rất nhỏ này (trên 0,0001 ngày) có nghĩa là sai số thời gian sẽ tích lũy đủ một ngày trong khoảng 8.000 năm. Nhưng trong thời gian của 8.000 năm thì độ dài của một năm xuân phân cũng sẽ thay đổi theo một lượng mà người ta không thể dự báo chính xác trước. Vì thế quy tắc tính năm nhuận của lịch Gregory là đủ thỏa mãn.
2.2. Đối với Âm Dương lịch
Lịch gắn bó Thái âm (Mặt trăng) với Thái dương ( Mặt trời) và được gọi là “Âm dương lịch”. Nhưng phiền phức là để đạt được mục đích ấy là khó, vì số Tuần Trăng và Thời tiết đều là số có phần lẻ. Cụ thể:
Tuần Trăng hay Sóc sách : 29,530588 ngày trung bình;
Thời tiết hay Tuế chu : 365,242216 ngày trung bình
Nếu như Dương lịch đã qua nhiều lần đổi thay như đã nói thì Âm lịch cũng trải qua nhiều thay đổi, sửa chữa. Chúng ta đã biết: năm Mặt Trăng (年 nián) là từ Tết Nguyên Đán này đến Tết Nguyên Đán tiếp theo, được sử dụng để tính ngày. Năm Mặt Trời (歲 suì) có thể là chu kỳ giữa hai Lập xuân liền nhau hay chu kỳ giữa hai Đông chí, dùng để tính tháng. Âm Dương lịch 陰陽曆 này được áp dụng bởi AL phối theo DL từ thời Minh (明朝,1368 – 1644) và hoàn chỉnh như ngày nay dưới triều Thanh (清朝,1644 - 1911). Đó là hệ lịch giống như âm lịch (tháng theo tuần Trăng) vừa lấy năm theo vòng thời tiết, không sai lệch nhiều với thời tiết 4 mùa nên cứ 3 năm rồi 2 năm âm lịch người ta phải cho thêm một tháng nhuận để năm âm lịch và dương lịch không sai nhau nhiều (tam niên nhất nhuận, ngũ niên tái nhuận). Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, năm âm lịch vẫn chậm hơn so với năm dương lịch.
Khắc phục tình trạng trên bằng cách cứ 19 năm lại có một lần cách thêm một tháng nhuận theo quy luật nhuận là tháng theo tiết khí mà không có trung khí. Với cách đặt nhuận như vậy, cuối một chu kì tổng số ngày theo ÂDL và theo năm Xuân phân xấp xỉ bằng nhau nhưng trong từng năm của chu kì thì ngày tháng vẫn sai nhau.
Những ngày tiết khí là cái cốt cho dương lịch. Âm dương lịch do đã có nhuận để đuổi kịp dương lịch này phải lấy giờ chuẩn, ngày chuẩn theo phép tính múi giờ. Chính quy luật nhuận này cùng với quy ước pháp định múi giờ (Việt Nam múi giờ 7 còn Trung Quốc là múi giờ 8) đã tạo nên sự khác nhau giữa lịch âm của chúng ta với lịch âm Trung Quốc. Dù Việt hay Hoa thì mỗi năm có 12 tháng, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu, 29 ngày. Cứ 19 năm thì nhuận 7 lần, mỗi lần nhuận một tháng. Tháng đầu năm là tháng Giêng và tháng cuối năm là tháng Chạp không bao giờ được lấy làm tháng nhuận. Ngày đầu năm, ngày mùng Một Tết, là ngày đầu tuần trăng thứ nhì sau ngày tiết Ðông chí (Winter solstice, thường xem như là ngày mà đêm dài nhất trong năm). Tùy theo tuần trăng ở ngày Ðông chí mà ngày đầu năm sẽ đến trong khoảng 30 đến 59 ngày sau ngày đó. Do đó ngày mùng một Tết chỉ có thể nằm trong khoảng 20 tháng 1 đến 21 tháng 2 dương lịch. Tháng âm lịch thường đi sau tháng dương lịch một hay hai thứ, như tháng ba âm lịch ứng với tháng tư hoặc tháng năm dương lịch.
Nguyên tắc tính nhuận: việc đặt ngày trong Âm dương lịch theo nguyên tắc “Sóc-Vọng”, sao cho các ngày đầu tháng luôn không có trăng; có 2 loại tháng: tháng thiếu 月小 có 29 ngày, tháng đủ 月大 có 30 ngày; thường số tháng đủ nhiều hơn số tháng thiếu một chút. Năm nhuận có 13 tháng, có hai tháng trùng tên, tháng thứ nhì là tháng nhuận và tháng nhuận cũng theo nguyên lý “sóc vọng” và “thiếu-đủ” trên. Tùy theo tháng nhuận, năm nhuận có từ 382 đến 385 ngày. Trong 19 năm dương lịch có 228 tháng dương lịch, tương ứng với 235 tháng âm lịch, thừa 7 tháng so với năm dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. Bảy tháng trước đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9 hoặc 8, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm.
Với năm âm lịch, muốn tính năm nhuận chỉ việc lấy năm dương lịch tương ứng với năm âm lịch chia cho 19, nếu số dư là một trong các số: 0, 3, 6, 9 hoặc 11, 14, 17 thì năm âm lịch đó có tháng nhuận.
3. Năm 2012:
Dương lịch: Lấy năm sinh của Chúa Jêsu (Đức Chúa Jésus Christ, 耶蘇教主, Gia Tô Giáo Chủ) làm năm khởi đầu, trước năm đó gọi là trước Công nguyên (tCn). Công Nguyên 公元 là kỉ nguyên bắt đầu bằng năm theo truyền thống được cho là năm sinh của Chúa. Các năm trước đó được gọi là trước Công Nguyên hay trước Tây lịch. Khái niệm Công Nguyên được tu sĩ Dionysius Exiguus đặt ra vào thế kỷ 6 khi ông tính lịch cho các ngày lễ Phục Sinh và được dùng với các lịch Julius và Gregory, theo đó Chúa sinh ngày 25/12 năm 753 Rome nên năm Rome thứ 754 trở thành năm 1 (không có năm 0). Các nhà làm sử áp dụng thông lệ này vì nó được dùng lần đầu bởi tu sĩ Bede trong tác phẩm Historia Ecclesiastica Gentis Anglorum (Lịch sử giáo hội của người Anh, 731). Ông ta không dùng số 0, mặc dù ông đã biết số 0 vào lúc đó, vì việc đếm số cho năm bắt đầu từ 1 chứ không phải 0. Sau đó người ta nhận thấy rằng Dionysius đã tính lầm ít nhất 4 năm. Năm 2000 đáng lý ra phải là năm 2005. Chữ tương đương với Công Nguyên trong tiếng Latin là Anno Domini, viết tắt AD hay A.D., nghĩa là Năm của Chúa hay Kỉ nguyên Kitô. Nó được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh, thường đặt trước số năm, ví dụ AD 128.
Theo quy ước đó năm nay: số La Mã: MMXII, số chỉ năm là 2012 và số này chia hết cho 4 nên là năm nhuận. Tháng Hai có 29 ngày.
Đó là: Thứ Tư 29/02/2012, Ngày 8/2 âm lịch (ngày Canh Thân 更申, tháng Quý Mão 癸卯, năm Nhâm Thìn 壬辰); Giờ đầu ngày: Bính Tý; thuộc Tiết: Vũ Thủy.
Theo Âm lịch, năm Nhâm Thìn phần lớn các ngày trong năm 2012 (bắt đầu từ 23 tháng 1 năm 2012 đến 10 tháng 2 năm 2013) mà con số chỉ năm Dương lịch là 2012 khi chia cho 19 được 105, dư 17 nên năm nay âm lịch cũng nhuận.
Tháng nhuận là tháng Tư. Theo nguyên tắc đặt tên, tháng Nhuận khoongc ó tên Can Chi mà gọi theo tên tháng nó Nhuận, tức là tháng Ất Tỵ nhuận 乙巳. Nó bắt đầu từ thứ Hai ngày 21/5/2012, tức Ngày Nhâm Ngọ 壬午, tháng Ất Tỵ (nhuận), năm Nhâm Thìn, Giờ đầu ngày: Canh Tý, Tiết: Tiểu mãn và kết thúc vào thứ Hai 18/6/2012. Vì tháng Nhuận thiếu nên đây là ngày 29/4 nhuận, tức ngày Canh Tuất 庚戌, tháng Ất Tỵ (nhuận), năm Nhâm Thìn, Giờ đầu ngày: Bính Tý, Tiết: Mang chủng.
4. Tính “Cát”, “Hung”:
Năm nhuận chỉ là một thủ pháp của các nhà làm lịch nhằm làm cho năm âm lịch và dương lịch không sai lệch nhau nhiều nên có thể có năm chỉ lịch dương nhuận hoặc ngược lại có năm chỉ lịch âm nhuận. Nhưng có những năm cả hai lịch đều nhuận. Đó là những năm mà con số chỉ năm dương lịch “chia hết cho 4” và “chia cho 19 thì dư 0, 3, 6, 9, 11, 14, 17”.
Ta lại biết Lịch dương hiện tại được sử dụng ổn định từ cuối năm 1582, còn cách tính Lịch âm (thực ra là Âm dương hợp lịch) hiện nay được hoàn chỉnh từ thời nhà Thanh (清朝, 1644 – 1911) bên Tầu. Riêng với Việt Nam, việc xác định múi giờ và cách tính lịch được quy định bởi Quyết định số 121/CP ngày 8.8.1967 của Chính phủ và tái khẳng định bằng Quyết định số 134/2002/QĐ-TTg ngày 14/10/2002 của Thủ tướng. Như vậy, theo quan điểm chính thống việc xác định ngày tháng chính thức theo lịch hiện hành chỉ đúng từ sau 01/01/1968 trở đi và nhiều năm lệch ngày, tháng âm lịch so với lịch Trung Quốc.
Năm đầu tiên từ mốc đó xẩy ra hiện tượng “nhuận kép” chính là năm 1968 Mậu Thân. Năm đó tháng Hai lịch dương có ngày 29, vào thứ Năm ngày 02 tháng 02 âm còn lịch âm nhuận 2 tháng 7 và 01 tháng 7 nhuận là ngày Bính Dần, tháng Canh Thân (nhuận) rơi vào thứ Bẩy ngày 24/8/1968.
Cũng có năm theo lịch Trung Quốc là “nhuận kép” nhưng với Việt Nam thì không và ngược lại. Ví dụ năm 1984, theo Dương lịch tháng hai có 29 ngày và ngày đó rơi vào thứ Tư và là ngày 28 tháng Giêng Giáp Tý. Năm Giáp Tý đó lịch Trung có 2 tháng 10 và ngày 01 tháng 10 nhuận (Ất Hợi) là thứ Sáu ngày 23/11/1984 nhưng ngày đó lịch Việt đã là ngày 01/11 âm lịch, tức ngày Tân Dậu, tháng Bính Tý. Do vậy năm đó nước ta ăn Tết trước một tháng và âm lịch của lịch Việt nhuận vào năm sau: 1985-Ất Sửu. Năm đó âm lịch nước ta có 2 tháng 2 và 01/02 nhuận là Thứ Năm ngày 21/3/1985 nhưng lịch Tầu lại là tháng Hai thường nên vẫn cùng tên Can Chi là Kỷ Mão.
Gần đây nhất về trước là năm 2004 - Giáp Thân là năm “nhuận kép”. Năm đó, số La Mã ghi là MMIV là một năm nhuận bắt đầu vào thứ năm trong lịch Gregory vàlà năm 5764–5765 trong lịch Do Thái, năm 1424–1425 trong lịch Hồi giáo, năm 1382–1383 theo lịch Ba Tư, và năm 2757 Phật lịch.
Về dương lịch, năm 2004 (chia hết cho 4) tháng 2 có 29 ngày và ngày nhuận này rơi vào Chủ nhật, tức ngày 10 tháng 2 âm lịch, có Lục tự là ngày Mậu Dần, tháng Đinh Mão, năm Giáp Thân, Giờ đầu ngày: Nhâm Tý, Tiết: Vũ Thủy.
Về âm lịch (tương ứng 2004 chia cho 19 dư 9): năm Giáp Thân có 2 tháng 2 âm lịch. Ngày 1 tháng 2 nhuận là Chủ nhật ngày 21/3/2004, tức ngày Kỷ Hợi, tháng Đinh Mão (nhuận), năm Giáp Thân, Giờ đầu ngày: Giáp Tý thuộc Tiết: Xuân phân. Bởi là tháng thiếu nên ngày cuối tháng nhuận này là ngày 29 tháng 2 nhuận, vào Chủ nhật 18/4/2004, với Lục tự là ngày Đinh Mão, tháng Đinh Mão (nhuận), năm Giáp Thân, Giờ đầu ngày: Canh Tý, nhằm Tiết: Thanh minh.
Gần đây về tương lai là năm 2020 Canh Tý: ngày 29 tháng 2 lịch dương là ngày thứ Bẩy, 07/2 âm còn lịch âm nhuận 2 tháng Tư và ngày 01/4 nhuận là thứ Bảy ngày 23/5/2020, nó là ngày Bính Dần, tháng Tân Tỵ.
Như vậy muốn tính xem năm (dương lịch) nào có “nhuận kép theo lịch Việt” từ nay đến 2060 ta công thức: 2012 + n8 với n là số nguyên dương.
Năm “nhuận kép” không có hàm ý gì về thời tiết, khí hậu. Do vậy cũng không thể ảnh hưởng đến vận hạn của con người hay quốc gia rộng ra là toàn thế giới. Lịch sử đã chứng minh như vậy.
Có điều đối với người làm công ăn lương, tháng Hai dương lịchn năm đó họ phải làm thêm 1 ngày không lương. Đối với công việc tính theo lịch âm thì Tết và ngày cúng giỗ nếu rơi vào tháng sau tháng nhuận phải “chờ” thêm 1 tháng nữa, còn nếu rơi vào tháng có tên nhuận phải cúng vào tháng chính.
-BS, TH từ nhiều nguồn TK-
Thêm một “nhuận kép” nữa trong năm nay là vào ngày 30/6/2012 phút cuối cùng sẽ dài 61 giây, tức là các nhà điều khiển thời gian thêm “một giây nhuận” để bù cho những chuyển động lắc lư của Trái đất.
Trả lờiXóaViệc Trái đất lắc lư trên trục của mình và bị ảnh hưởng bởi trọng lực của mặt trời, mặt trăng cùng thủy triều đại dương làm ngừng vòng quay của trái đất một khoảng thời gian nhất định. Điều đó làm cho trái đất bị trệch nhịp so với Thời gian nguyên tử quốc tế (TAI), vốn chính xác đến nhiều phần tỉ của một giây.
Việc điều chỉnh này bắt đầu vào năm 1972 với 2 lần “giây nhuận”. Ba lần thêm “giây nhuận” gần đây là vào năm 1998, 2005 và 2008.