[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


23 tháng 8 2011

Tìm hiểu về SÓC, VỌNG

Hồi nhỏ, khi còn ở quê (trước 2/1964) thấy bà tôi thường nhắc “Mỗi tháng, hai ngày sóc vọng phải thắp hương cho các cụ tại nhà và bà lên chùa” tôi chẳng hiểu như thế nào. Sau này, khi tìm hiểu về phép đo thời gian, về tâm linh mới dần vỡ vạc ra đôi điều và thấy rất bổ ích.

Trong phép làm lịch, Lịch thư (H: 曆書, A: Almanac, P: Almanach), hiện nay phổ biến là Dương lịch (陽曆, The sun calendar/Le calendrier solaire) và Âm lịch (陰曆, lunar calendar/ Le calendrier lunaire). Trong đó việc Cúng, Giỗ, xem ngày chọn giờ lại phải dựa vào âm lịch. Âm lịch chúng ta đang dùng thực chất là Âm Dương lịch 陰陽曆 hay Âm Dương Hợp lịch (陰陽合歷, Lunisolar calendar) bởi nó dựa vào chuyển động tương đối của Mặt Trời, Mặt Trăng đối với Trái Đất và gắn bó Thái âm (太陰,Mặt Trăng) với Thái dương (太陽, Mặt trời). Lịch này làm ra cốt phục vụ việc trồng cấy của nông dân phương Đông nên còn gọi là “Nông lịch” 農歷. Âm lịch chia thời gian ra làm Hoa Giáp 花甲, Giáp 甲, Năm 年, Tháng 月, Ngày 日, Giờ 時.
Trong đó, khái niệm “tháng” xuất hiện sau khái niệm “ngày”. Tháng là khoảng thời gian từ ngày hoàn toàn không trăng này đến ngày không trăng tiếp theo. Đó chính là khoảng thời gian xấp xỉ một vòng quay của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất nên tháng được hiểu theo nghĩa là tuần trăng với chu kỳ 29,530588 ngày. Độ dài ngót 30 ngày đó là “sóc thực” 朔實 mà Hoàng Xuân Hãn gọi là “sóc sách” (朔策, viết theo “Nguyên sử”).
Nhưng mục đích của phép làm tính Âm Dương lịch là hợp một số nguyên “Ngày” thành “Tháng”, phù hợp với “Tuần Trăng” rồi lại hợp một số nguyên “Tháng” thành “Năm” sao cho phù hợp với chu kỳ thời tiết. Ta đã biết, Âm lịch theo vòng quả đất quay chung quanh mặt trời mà tính năm, theo vòng mặt trăng quay chung quanh quả đất mà tính tháng, theo vòng quả đất tự xoay mà tính ngày, cứ hết mỗi một vòng Quả Đất quay chung quanh Mặt Trời thì Mặt Trăng đã quay chung quanh Quả Đất được mười hai vòng và một phần ba vòng nữa, cho nên mỗi năm lại thừa ra hơn mười ngày. Như vậy, hai năm rưỡi thừa ra một tháng, tháng thừa ấy gọi là “nhuận nguyệt” 閏月. Để phù hợp hơn, trong phép tính Âm lịch còn có tháng đủ (Nguyệt đại 月大) dài 30 ngày và tháng thiếu (Nguyệt tiểu 月小) là 29 ngày và sinh ra “năm nhuận” 閏年. Việc tính tháng đủ, tháng thiếu, năm nhuận của Âm lịch khá phức tạp.
Nhớ rằng Dương lịch theo Mặt Trời tính năm, cứ hết một vòng Quả Đất xoay quanh Mặt Trời thì nó tự xoay mình được 365,242216 vòng. Do đó nếu 1 vòng xoay là 1 ngày thì cứ 365 ngày lại dư suýt soát một phần tư ngày, cho nên bốn năm thì lại thừa một ngày gọi là “nhuận nhật” 閏日. Ngày nhuận đó, các nhà làm lịch cho vào tháng Hai là 29 ngày, còn các tháng Hai của 3 năm kia chỉ có 28 ngày. Trừ tháng Hai còn các tháng khác của Dương lịch có 7 tháng 31 ngày (T1, 3, 5, 7, 8, 10, 12) và 4 tháng 30 ngày (T4, 6, 9, 11). Các năm mà số chỉ năm “chia hết cho 4”, trừ năm xx00, là năm nhuận.
Về thuật ngữ: người Trung Hoa gọi “Tháng” là “Nguyệt” 月 trùng với nghĩa là mặt trăng, người Việt dùng từ “Tháng” là từ âm cổ “Tlăng” sau này biến âm thành “Trăng” và “Tháng”. Còn tên gọi từng tháng đã có tìm hiểu riêng.
Trong quá trình Trái Đất vừa tự xoay quanh trục mình vừa quay quanh Mặt trời, Mặt Trăng lại quay quanh Trái Đất nên vị trí tương quan của chúng trong vũ trụ khác nhau từng thời điểm trong một Chu kỳ dẫn đến hiện tượng “Trăng tròn”, “Trăng khuyết”. Trong đó có 2 điểm quan trọng:
- Thời điểm Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời và chúng thẳng hàng nhất (Giao hội, 結合, Conjunction). Khi đó phần chiếu sáng của Mặt Trời lên nó ở phía sau nên từ Trái đất không nhìn thấy Mặt Trăng, dân gian gọi là Trăng non, chữ là Sóc nhật 朔日. Ngày ấy tính là ngày Mồng Một, khởi đầu của tháng (Nguyệt cát月吉).
- Thời điểm Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng (Xung đối, 衝是, Opposition). Khi đó phần chiếu sáng của Mặt Trời lên Mặt Trăng hướng về Trái đất nên ta nhìn rõ nhất và Mặt Trăng “tròn vành vạnh”, gọi là “vọng”, chữ Hán là Vọng nhật 望日.Ngày ấy rơi vào giữa tháng âm lịch ta gọi là Rằm. Có người cho rằng xưa gọi là ngày “đầu klăm”, sau biến bớt mà thành “ngày Rằm” hoặc rằng điệp tự “Mười Lăm” bị thu lại thành “M Lăm” rồi biến ra “Rằm”.
- Ngày cuối tháng là Nguyệt tận月盡 có thể rơi vào ngày 30 (Đại tận大盡) nếu đó là tháng đủ hay vào ngày 29 (Tiểu tận 小盡) nếu đó là tháng thiếu. Liền sát ngày Nguyệt tận là ngày Sóc tiếp của chu kỳ mới.
Khoảng giữa Hai ngày quan trọng trên người xưa cũng đã đặt ra tên gọi:
- Thời kỳ giữa ngày Sóc và ngày Vọng hình ảnh nhìn thấy của Trăng lớn dần gọi là Thượng huyền 上弦,bắt đầu từ sau ngày “Mồng Sáu thật trăng”.Tên gọi những ngày này trước số chỉ ngày có một tiền tố mà chữ Hán đọc là “Sơ” 初 còn người Việt gọi là “Mồng” hay “Mùng” và chưa rõ vì sao dân ta lại gọi thế?
- Ngược lại giữa ngày Vọng tới ngày Sóc liền kề trăng “mọc” muộn và hình ảnh nhỏ dần gọi là Hạ huyền 下弦, tính từ sau ngày “Hăm Hai gà gáy”. Những ngày này chữ Hán không ghi là “Nhị Thập…” (“二十...” mà viết là “Chấp...” (廿…”) còn người Việt lại thường đọc là “Hăm…” chưa rõ vì sao?

Chữ “huyền” 弦 nguyên chỉ “dây cung” mà mặt trăng những ngày đó có hình dạng giống nửa cái cung nên gọi là “huyền”.
Người Babilon lại chia tháng thành 4 tuần trăng: tuần trăng đầu (First quarter), tuần trăng tròn (Full Moon), tuần trăng cuối (Last Quarter) và tuần trăng mới (New moon).
Do vậy nói “Sóc Vọng” là chỉ ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch và ngày này các thiên nam tín nữ đều thắp hương tại nhà hay lên chùa.
Thực tế tên gọi “Trăng non”, “Trăng đầu” và “Trăng già”, “Trăng cuối” là để chỉ hình ảnh “khuyết”, tròn” của Mặt Trăng từ Trái đất nhìn thấy được trong tháng đó chứ tuổi của “Ông Trăng” hay “Bà Nguyệt” hoặc “Chị Hằng” đều rất cao. Theo các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore của Mỹ khi phân tích một viên đá mà tàu Apollo 16 mang từ mặt trăng về trái đất cho thấy tuổi thực của Mặt Trăng là 4 tỷ 360 triệu năm!
Dù thế nào, Mặt Trăng luôn gắn với tuổi thơ, nhất là tuổi thơ nơi, những khi không có “đèn điện sáng át trăng sao”. Vào tuổi trưởng thành, làm chủ gia đình thì vầng Thái âm này và chu kỳ quay của nó gắn với ngày Sóc Vọng, gắn với việc thờ cúng hằng tháng của các Thiện nam tín nữ.
Hạ tuần tháng Ngâu Tân Mão, 8/2011
(BS từ nhiều nguồn TK).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!