[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


05 tháng 8 2014

Sự HÌNH THÀNH và PHÁT TRIỂN của tục THỜ CÚNG LỄ BÁI

Người phương Tây coi trọng ngày sinh còn người phương Đông coi trọng ngày mất của tiền nhân và sùng kính các đấng Thần linh vì họ cho rằng có linh hồn nên chú tâm việc thờ cúng, tế lễ. Song hiểu cặn kẽ về việc này để làm đúng xem ra đâu phải dễ!

1. Từ sự Sùng bái và Niềm tin:
Cho đến nay, tôi chưa tìm thấy tư liệu nào chỉ rõ việc Thờ, Cúng, Lễ, Bái chữ là Tế Lễ (H:祭禮, A: The cult and sacrifice, P: Le culte et le sacrifice) hay Tế tự (H : 祭祀, A: The cult and sacrifice, P: Le culte et sacrifice) được bắt đầu từ bao giờ, khởi nguồn từ đâu?. Nhưng trên thế giới người ta đã chứng minh được rằng: Thời cổ đại, dân gian tin và tôn xưng một con vật hay một vật thể, một hiện tượng thiên nhiên để thờ phụng, đó là sự bái vật. Đây chính là ý nghĩa của từ “Totem”[1], một thuật ngữ có gốc từ ngôn ngữ của người bản địa Châu Mỹ có nghĩa là “động vật, cây cỏ, đồ vật hoặc hiện tượng tự nhiên mà tộc người nguyên thủy coi là biểu tượng thiêng liêng của bộ tộc mình và tin rằng những thứ đó có mối liên hệ siêu tự nhiên và có sự gần gũi máu thịt”[2]. Từ đó sinh ra tục thờ cúng.
Trên đất Việt Nam, Thủa sơ khai, khi vừa thoát thai thời mông muội, cư dân còn ít, họ sống thưa thớt trong các hang động ở vùng rừng núi trung du Bắc bộ ngày nay, giữa những cánh rừng rậm, đầy hoang thú và luôn gặp thiên tai. Lúc đó những nhóm, bầy người chưa quy tụ thành làng xóm nên còn sợ đủ thứ và khi gặp thú dữ, dông bão, sấm sét, lũ lụt... họ chỉ biết bỏ chạy, phó mặc hay bái lạy cầu xin. Khi “may mắn” thoát chết đã nẩy sinh ý niệm “bái vật”, sợ các “tinh”.
Rồi đêm ngủ trong cơn mộng, họ gặp nhiều cảnh lạ, đôi khi thấy có người chết đi sống lại nên người ta tin rằng con người có linh hồn và phần hồn thiêng là không chết. Hồn chỉ lìa khỏi xác, nó ngay bên cạnh chỗ ở của người còn sống chỉ có điều không nhìn thấy được, nó thuộc về Thế giới vô hình. Dân gian tin rằng: Hồn thiêng của kẻ ác có thể làm hại người, còn Hồn thiêng của ông bà cha mẹ luôn bên cạnh, cảm thông và luôn giúp đỡ kẻ còn sống nhất là giữa những người thân thích vượt hiểm, tránh họa, gặp may.
2. Tín ngưỡng thờ Đa Thần:
Từ việc tin có thế giới vô hình, tin có yêu tinh, người xưa tin có thần biển, thần sông, thần suối, thần núi, thần cây, thần bếp, thần đất, thần gió, thần mưa…Tin có Thần, người Việt muốn an lành đã thờ nhiều Thần khác nhau. Khi chuyển từ săn bắn hái lượm, sống trong hang động sang trồng cấy lúa nước ở trong lều lán, họ đã đẩy một số con vật hiền lành gần gũi với cuộc sống như Chim, Rắn,...một số cây cối như Đa, Lúa,...lên thành biểu trưng rồi phong Thần và tôn thờ. Chính vì vậy, cho đến nay người Việt vẫn tin rằng tổ tiên người Việt thuộc “họ Hồng Bàng” 鴻龐氏 (tức có nguồn gốc là một loài chim nước lớn, lưng và cổ màu tro, cánh đen bụng trắng, mỏ dẹp, chân ngắn, khi bay sắp thành hàng), thuộc giống “Rồng Tiên” 龍仙.
Khi chuyển khỏi cuốc sống hang động, sống trong nhà quy tụ thành trại, xóm người Việt nhận thức được các hiện tượng thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, nhận ra ngày đêm...gợi cho họ tin có một đấng cai quản vũ trụ. Họ gọi đấng tối cao đầy quyền lực ấy là “Ông Trời”. Chính Ông nắm số phận con người trong tay, cai quản và sai phái đồ đệ là những vị Thần gây họa, tạo phúc cho nhân gian. Từ đó sinh ra tục thờ “Trời”, cầu Trời ban phúc lành cho ông bà cha mẹ, bản thân và con cháu. Việc “thờ Vật”, “thờ Thần”, “thờ Trời” được để lại dấu ấn trên các hình vẽ ở trống Đồng. Chính việc thờ Thần Mặt Trời và một số vật thiêng liêng khác có liên quan đến nông nghiệp, như: con Cóc cầu mưa, con Nai cầu khô ráo, con Gà Trống đánh thức Mặt trời của người Việt cổ là hạt giống đầu nẩy sinh tục Thờ cúng.
Sau này, khi đã hình thành các làng, chạ dần tiến tới nước, trong những thủ lĩnh dạy dân làm ăn, tổ chức chống muôn thú, thiên tai, địch họa có nhiều người đức cao, tài lớn được nhân dân suy tôn và ngưỡng vọng, Khi họ chết dân gian đã tôn họ thành “Thần”, thờ cúng họ đó là “Nhân Thần”. Mặt khác, nơi nào có con người sinh sống và được tổ chức thành xã hội thì từ những hoạt động cộng đồng vui mừng tự phát ban đầu dần hình thành những nghi thức, trong đó có nghi thức trong hoạt động “thờ” là “Cúng, Tế”. Đồng thời, nghề nông cần nhiều nhân lực nên gia đình thường nhiều con. Trong gia đình, Cha mẹ lúc sống là người chủ lực làm ra của cải nuôi sống con cái nên con cháu thường kính hiếu để tỏ lòng biết ơn. Đến khi ông bà cha mẹ chết  đi, con cháu tin hồn thiêng các ngài không chết  vẫn ở gần mình nên con cháu  sùng bái  hồn thiêng để tỏ lòng biết ơn mà còn mong hồn cha mẹ khôn thiêng phù hộ cho.
Từ các tục “thờ Vật”, “thờ Thần”, “thờ Trời”, “thờ Nhân Thần” và những hoạt động giải trí “tiêu hao sinh lực thừa” xen thời gian hái lượm, săn bắn, trồng cấy dần hình thành tập tục, nghi thức thờ cúng Tổ tiên. Như vậy, ngay từ thời kỳ nông nghiệp manh nha, trước khi chịu ảnh hưởng của Văn hóa Trung Hoa và các Tôn giáo từ nước ngoài vào, dân Văn Lang đã có tín ngưỡng, đó là việc tôn thờ ba loại quyền năng thiêng liêng: “Thiên Thần” 天神, “Vật Thần” 物神[3] và “Nhân Thần” 人神[4] và sùng bái Tổ tiên.
Xã hội Việt từ cổ đại đã tồn tại mối quan hệ xây dựng trên cơ sở huyết thống, tôn kính và biết ơn là những tình cảm  đặc biệt của người Việt xưa và nay đối với Trời và Tổ Tiên. Từ đó hình thành nên tục Thờ cúng và theo thời gian, thờ cúng tổ tiên trở thành mĩ tục, một tín ngưỡng đặc trưng, thành tôn giáo gọi là “Đạo Hiếu”[5].
3. Hình thành và tồn tại của tập tục:
Sau buổi sơ sử mà tín ngưỡng dân gian được hình thành trên cơ sở tín ngưỡng Đa Thần 多神như đã lược thuật, dưới thời Bắc thuộc, nước ta chịu ảnh hưởng của Nho giáo (H: 儒敎,  A: Confucianism, P: Confucianisme), Phật giáo (H : 佛敎 , A: Buddhism, P: Bouddhisme) và Lão giáo (H: 老敎, A: Taoism, P: Taoisme). Các tôn giáo này đến nước ta qua những thời kỳ khác nhau và có ảnh hưởng khác nhau đến việc hình thành, phát triển văn hóa Việt, tam hồn người Việt. Nho giáo chủ trương trọng người chết như người sống[6] ảnh hưởng tới hành vi; Phật  giáo  coi  trọng Tứ ân (H: 四恩, A: The four favours, P: Les quatre faveurs), trong đó có “Phụ mẫu ân” 父母恩 nhằm trợ duyên cho ông bà, cha mẹ tu tập theo Phật cho vong linh được siêu thoát, tái sinh ảnh hưởng tới việc tu thân còn Lão giáo thì ảnh hưởng tới lối sống người Việt lại mong người chết mau về với cõi Tiên, cõi Trời. Chính giáo lý của các tôn giáo trên đã được những trí thức, giáo sĩ của tôn giáo đó dùng giáo lý tôn giáo mình để lý giải niềm tin, tín ngưỡng, tập tục dân gian Việt cổ. Theo thời gian, người Việt  chịu ảnh hưởng Phật Giáo về mặt tâm linh, chịu ảnh  hưởng Nho Giáo về mặt luân lý giao tiếp xã hội, chịu ảnh hưởng Lão Giáo về mặt lối sống và duy trì tín ngưỡng dân gian về mặt mê tín dị đoan. Điều đó giúp người Việt càng tin vào sự trường tồn, linh thiêng của Tổ tiên, Thần Phật.
Đạo này có từ khi Quốc Tổ Hùng Vương 雄王肇祖,tuy đã lập nước nhưng duy trì một nền hành chính tản quyền 散权制: Vua chia quyền, phong các tộc trưởng làm Lạc Hầu, Lạc Tướng trực tiếp cai trị các tộc và lập điện Kính Thiên 敬天殿 trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh tế lễ Thần Trời và được củng cố khi Thục Phán dựng “Cột Đá Thề” trên núi ấy hứa cúng giỗ các vua Hùng, thờ cúng Tổ Tiên và nó là đạo lý không thể xóa bỏ của người Việt[7].
Dưới thời Phong kiến tự chủ, triều trình đã chủ trương thống nhất, điển lệ hóa các phong tục trong dân gian. Thời Lê Trung hưng (中興後黎朝, 1533–1789), trong Bộ luật Hồng Đức[8] tại điều 339 quy định “con cháu phải thờ cúng tổ tiên ông bà” và được các triều đại sau duy trì. Nhưng việc tế lễ thờ phụng (H: 祭禮, A: The cult and sacrifice, P: Le culte et le sacrifice) vốn được hình thành, bổ sung, hoàn thiện, lưu truyền trong lòng dân nên đương nhiên có dị biệt từng vùng miền, dòng họ và theo thời gian. Song giống nhau ở mục đích, tác dụng, nơi tiến hành. <
Trong thời Cận đại, trước biến cố của lịch sử, sự giằng xé văn hóa Đông-Tây,  trong những đắm chìm của cơ cực, một bộ phận tiến bộ trong tầng lớp sỹ phu Nho học cuối cùng của chế độ phong kiến thời kỳ suy tàn đã đột nhiên thức tỉnh và hội nhập với thế giới hiện đại. Chính họ đã là người khai sáng cái mới, chắt lọc cái cũ để thổi vào luồng sinh khí mới trong đời sống tâm linh Việt, quyết tâm canh tân đất nước. Nhưng hiệu quả chưa nhiều do chính quyền và người dân chưa mấy mặn mà.
Trong những năm 1945-1985, do chiến tranh, loạn lạc, do ấu trĩ của thời cuộc mà vấn đề này bị xem nhẹ, để lại hậu quả không ít trên nhiều mặt. Đặc biệt, có một vài “Trí thức nửa vời”, các ông “quan cách mạng” nông cạn, học hành chắp vá lợi dụng việc này kiếm lời hay tỏ ra thành kiến, bôi bác và kết án…, quá tả khi thực hiện chủ trương “Bài phong đả thực”, coi một số “Thuần phong mĩ tục” thành “mê tín dị đoan”. Vì thế có nơi, có lúc có người không dám thắp nhang, thờ cúng Tổ tiên; Chùa chiền, nhà Thờ, Ðình, Miếu, Từ Ðường, bàn thờ trong tư gia bị dẹp bỏ…Nền Từ đường họ tôi được chia cho dân, Chùa, Đình làng phá bỏ những năm 1960 trong hoàn cảnh đó. Bởi thế việc Thờ, Cúng, Lễ, Bái vốn thiêng liêng, giầu giá trị nhân văn bị hiểu lệch và làm sai trong thời gian dài. Song, đi từ tín ngưỡng dân gian đến ảnh hưởng của tôn giáo, việc “Thờ Cúng, Tế Lễ” của người Việt có quá trình hình thành, phát triển lâu dài, có chọn lọc, kế thừa vững chắc và với người Việt, nhận thức và nghi thức đó đã trở thành “Lễ nghi phong hóa” (H: 禮儀風化, A: Ceremonies and manners, P: Cérémonies et moeurs) tức là cách thức bày ra trong sự cúng tế cho được trật tự, trang nghiêm, kính cẩn đã thành phong tục tạp quán của cả dân tộc. Đó là vấn đề Tâm linh (H: 心靈, A: The soul, P: L' âme), là điều thiêng liêng đã thấm vào máu thịt, vẫn âm ỉ trong nhân gian chỉ chờ dịp là bùng lên tỏa sáng như bản chất vốn có của nó.
Từ sau 1986 trở đi việc này đã được cải hiện và nhiều tập tục nhân văn đã được phục hồi. Nhưng người hiểu rõ ý nghĩa và giá trị vấn đề thì ít, người hiểu thiếu đầy đủ, lệch lạc, có thể coi thường nhưng cũng có khi thái quá lại lắm. Với những người xa quê lâu ngày; ông, bà, cha, mẹ mất sớm, trước vốn khó khăn nay mới đủ ăn… thì càng lơ mơ về ý nghĩa, giá trị và cách thức của các “Lễ nghi phong hóa” thiêng liêng này. Khi “Phú quý sinh lễ nghĩa” 富貴生禮義 nhưng ít người thấu tỏ, chỉ bảo chân tình trong buổi “loạn thầy, bà”, lắm người “bỗng dưng được Cô cho lộc”…lại thêm sách báo không thiếu điều nhảm nhí, sao chép sai lạc đầy rẫy như hiện nay thì vấn đề Thờ, Cúng, Lễ, Bái dễ tạp nham, không tạo được niềm tin vững chắc cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, trong thời “kinh tế mở” đã xuất hiện ngày càng lắm người lợi dụng niềm tin và sự hiểu biết thiếu căn bản nhưng lại hay bắt chước của đa số dân chúng nên đã lái nhiều vấn đề “Tâm linh” (H: 心靈, A: The soul, P: L' âme) thành “tín ngưỡng mù quáng” để trục lợi. Thực tế đã có những nghi thức vô nghĩa, những đồ lễ ngoại lai…khiến cho việc Thờ, Cúng, Lễ, Bái trở nên bí hiểm, lắm thủ tục nhiêu khê, tốn kém. Điều này vừa thiệt cho tín chủ vừa ảnh hưởng đến xung quanh, đến xã hội!.
Do vậy, việc thờ cúng, lễ bái đã được chắt lọc từ ngàn đời, được hấp thụ tinh hoa từ các tôn giáo và lân bang trở thành một trong những Gia Bảo 家寶 tinh thần đáng quý của Tổ Tiên để lại mà lớp hậu sinh cần coi trọng, tất nhiên có cải tiến cho phù hợp với thời đại. Ngoài thờ Tổ tiên (H: 祖宗, A: The ancestors, P: Les ancêtres) những người theo Phật giáo hay không theo tôn giáo nào ở ta còn thờ Thần linh (H: 神靈, A: The spirits, P: Les esprits, các Đấng thiêng liêng trong thế giới vô hình); thờ Phật (H: , A: Buddha, P: Bouddha); thờ  Thổ công - Thổ địa - Thổ kỳ (H: 土公 - 土地 - 土祇, A: The Genii of the home, P: Les Génies de la maison, ba vị Thần coi việc nhà cửa trong mỗi gia đình, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nói nôm na là Ba vị Táo), Thành hoàng làng[9] .
Như vậy, có thể nói “Thờ Cúng Tế Lễ” hình thành cùng với sự có mặt của con người ngay từ thuở sơ khai (trước cả tôn giáo) và sẽ còn hiện hữu, đồng hành chưa biết tới bao giờ! Do vậy, muốn phục hồi, phát huy giá trị tốt đẹp vốn có của nó, từng người, mỗi gia đình, dòng họ… cần có những hiểu biết nhất định sẽ vừa tránh mất tiền, vừa tránh vô tình làm giảm giá trị truyền thống lại giúp ích được nhiều cho bản thân, gia đình, cộng đồng trong cuộc sống, công việc.

-Lương Đức Mến, mùa Vu Lan Giáp Ngọ 2014-


[1] Thut ngữ này vốn từ người Ojibways 奥杰拜 ở Bắc Mĩ với ý nghĩa là “huyết thống của tôi”, “chủng tộc”, tương tự từ “Kabang” 科旁 của thổ dân ở Australia. Con người đem động vật, thực vật, những vật tự nhiên hoặc hiện tượng tự nhiên dẫn làm “thân tộc”, tin tưởng vào đối tượng sùng bái, xem đó như là tổ tiên của mình. Totem là đối tượng sùng bái, lại có thể lấy làm danh xưng, huy hiệu hoặc tiêu chí của tộc, đồng thời cũng là vị thần bảo hộ của bản tộc, “Totem giáo” 圖騰敎 .
[2]  "Từ điển tiếng Việt" của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia do Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thụy, Nguyễn Đức Dương biên soạn (Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2005).
[3] Một điển hình của tục thờ Thần thờ Vật là tục thờ Mặt Trời, tế Trời của triều đình. Mặt Trời được coi như một Thần quyền thiêng liêng, một thiên thần có nhiều quyền năng: ban cho ánh sáng và hơi nóng, ban sinh khí nuôi sống muôn loài, từ con người đến muông thú cây cỏ. Hình ảnh này còn lưu trên mặt trống đồng, coi như chứng tích văn hóa cổ đại của dân tộc Việt Nam. Một số con vật được coi như đã giúp cho nông nghiệp, có liên quan đến thời tiết nắng mưa được tôn thờ. Ví dụ: mỗi khi thấy cóc nghiến răng kêu thì trời chuyển mưa nên tôn là “cậu ông Tròi” có quyền hô mưa hay khi thấy con gà trống gáy sáng là mặt Trời mọc nên coi như Gà Trống có quyền năng làm cho mặt trời mọc lên đem sự sống đến cho muôn loài.
[4] Có ba bậc Nhân thần thuộc ba phạm vi khác nhau trong cộng đồng:
- Toàn thể dân tộc, có : Quốc Tổ Hùng Vương; các vị anh hùng dân tộc, như : Hai Bà Trưng, đức Trần Hưng Đạo, vua Lê Lợi, vua Quang Trung..., các công thần danh tướng như Phạm Ngũ Lão, Lê Lai,...
- Địa phương, có Thần hoàng làng thờ ở đình làng là người có công đầu với dân làng như khai hoang lập ấp, dạy nghề sinh sống cho mọi cư dân, cứu đói năm có thiên tai mất mùa... Dân làng tôn xưng vị ân nhân và được triều đình nhà vua ban sắc phong về làng để thờ, gọi là thủ tục phong thần.
- Gia tộc, có tổ tiên được con cháu thờ ở nhà thờ do ông tộc trưởng chăm nom lo việc cúng lễ ngày tết và ngày giỗ. Có họ to đông con cháu ở xa nhau còn có nhà thờ từng chi hay từng gia đình để thuận tiện việc thờ cúng gia tiên.
[5] “Tôn giáo” này không có giáo lý và giáo hội chặt chẽ ngoài gia đình và gia tộc . Nhưng đó là niềm tin sâu sắc vào sự thiêng liêng; sự hướng thượng của đời sống tâm linh con người và giáo lý “uống nước nhớ nguồn”.
[6] Nguyên văn “kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí giã  敬其所尊, 愛其所親, 事死如事生, 事亡如事存, 孝之至也”. Tức là “Kính người trên, thương người thân, thờ người chết như người còn sống, trọng người đã khuất như người hãy còn. Đó là trọn hiếu vậy!”
[7] Ngay cả những tôn giáo bài xích thờ cúng tổ tiên, nhưng để có chân đứng trên mảnh đất Việt Nam, cũng phải thừa nhận và cho phép sự thờ cúng vô cùng thiêng liêng này.
[8] Chính xác và đầy đủ thì đó là bộ Quốc triều hình luật gồm 13 Chương với 722 điều.được ban bố lần đầu tiên trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497).
[9] Thần Thành hoàng là một vị  Phúc Thần trên cõi thiêng của làng ở ngay địa phương đó, có ba hạng:
- “Thượng đẳng thần” là những bậc thiên thần có sự tích linh dị không rõ tung tích còn gọi là Thiên thần. Hoặc các có họ tên, lịch triều từng có đại công lao khi mất đi được nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ; Ví dụ: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...
- “Trung đẳng thần” là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ có ứng nghiệm được triều đình cũng liệt vào tự điển mà phong.
- “Hạ đẳng thần” do dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong.

1 nhận xét:

  1. Mâm cơm cúng PHẢI CÓ CON GÀ:
    Thường cỗ giỗ, trước hết có một con gà trống chưa đạp mái, xếp cánh tiên, sau khi cúng sẽ xem chân gà để đoán điềm hay dở. Sau đó chặt ra đĩa thịt gà luộc lá chanh. Có nhà chặt ra thành đĩa để cúng chứ không cúng gà luộc để nguyên con.
    Dùng Gà làm lễ vật bởi Gà là con vật thân thiện, được thuần hóa từ thời con người còn “ăn hang ở lỗ” nên có thể thay mặt chủ nhân đi “hầu” đối tượng cúng.
    Mặt khác, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ thì Mặt Trời là đấng Thiêng liêng có quyền năng tối thượng đem lại ánh sáng, sự sống cho nhân gian và chúng sinh mà Gà Trống lại có quyền năng “đánh thức” ông Mặt Trời dậy nên Gà Trống được coi trọng cũng như Con Cóc được tin là có quyền “nghiến răng” gọi trời mưa!

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!