Người Việt Nam,
ngoài việc giỗ Tổ dòng họ mình. Ai cũng biết đến ngày Giỗ Tổ chung của cả nước.
Đó là Giỗ Tổ Hùng Vương. Nhân ngày này, ôn và chép lại những điều hiểu biết của
mình về thời kỳ mở nước từ đất Phong Châu ấy.
Từ bao đời
nay, với nếp quen phụng thờ và tưởng nhớ tổ tiên, nhân dân ta vẫn giữ trọn niềm
tin sắt đá, niềm yêu kính vô ngần và hình tượng hoá người lập quốc đất Việt thành
các nhân vật tiêu biểu: VUA HÙNG. Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân (貉[1]龍君, con
Kinh Dương Vương 涇陽王祿續 và Long nữ 龍女) và Âu Cơ (甌姬, con
gái Đế Lai 帝來) được xem như
là thủy tổ người Việt[2], cha mẹ của các Vua Hùng.
Chắt lọc những
chi tiết cốt lõi trong truyền thuyết, kết hợp với kết quả nghiên cứu hiện đại,
chúng ta đã chứng minh được: rằng có một thời đại Hùng Vương trong lịch sử. Cụ
thể là: đến đầu thời kỳ đồ đồng (青铜时代, Bronze Age <2100 tCn) có khoảng 15 nhóm Lạc Việt 貉(駱?)越 trong những
nhóm mà sử cũ gọi là Bách Việt 百越 sống trên vùng núi phía bắc và châu thổ sông
Hồng. Đây là giai đoạn “tiền quốc gia”, cư dân sống tập trung hơn và chuyển
sang Chế độ phụ quyền với các bộ lạc nhỏ, riêng lẻ như: bộ Rồng, bộ Chim, bộ
Dâu, bộ Rùa...Vào khoảng thế kỷ VII tCn, do sự phát triển xã hội, nhu cầu thủy
lợi, bảo vệ làng chạ và bằng sự vượt trội của bộ lạc Vũ Minh của mình, Hùng Tạo
Vương (雄造王, 660 – 569 tCn) thâu tóm phần đất của bộ
tộc quanh vùng và hơn 12 nhóm Âu Việt 甌越 sống ở vùng Đông Bắc vào trong nhà nước sơ khai Văn Lang (文郎, TK VII
tCn - 258 tCn) thành người
chỉ huy quân sự và chủ trì các nghi lễ tôn giáo, đóng đô ở Phong Châu 豐州. “Quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh sông Hồng
gắn liền với quá trình liên kết các địa phương thành lãnh thổ Văn Lang, quá
trình đấu tranh và dung hợp các bộ lạc, các nhóm dân cư lại thành cộng đồng cư
dân Văn Lang, chủ nhân của nền văn minh ấy”[3]
Như thế ước từ bộ tộc quần tụ quanh
đất Phong Châu, thu hút các bộ tộc xung quanh chuyển mình hình thành Nhà
nước đầu tiên gắn liền với sự hình thành quốc gia, bộ tộc là trên cơ
sở phân hóa xã hội kết hợp với nhu cầu xây dựng các công trình thủy
lợi và nhu cầu tự vệ chống ngoại xâm phương Bắc. Đó là cả một quá
trình lâu dài với cppng lao ban đầu của thủ lĩnh bộ Văn Lang.
Nước ta khi đó,
về địa giới: Theo sử cũ và cuốn Việt Sử Diễn âm thì :
Đông từ Đại Hải cõi phong,
Tây từ Ba Thục về cùng trong tay.
Nam chí Chiêm
Thành xa thay,
Bắc thì lại giáp bên nay Động Đình.
Thực ra địa giới này là quá rộng. Ngày nay
nhiều nhà sử học cho rằng đó là địa giới của nước Xích Quỷ con Văn Lang chỉ bao
gồm vùng đất mà nay là phần lớn Bắc bộ,
bắc Trung bộ.
Văn Lang được chia
làm 15 bộ là: Giao Chỉ 交 趾, Chu Diên 朱 鳶, Vũ Ninh 武 寧, Phúc Lộc 福 祿, Việt Thường 越 裳, Ninh Hải 寧 海, Dương Tuyền 陽 泉, Lục Hải 陸 海, Vũ Định 武 定, Hoài Hoan 懷 驩, Cửu Chân 九 真, Bình Văn 平 文, Tân Hưng 新 興, Cửu Đức 九 德; bộ nơi vua đóng đô gọi là Văn Lang 文 郎.
Về xã hội:
chế độ phụ hệ đã được xác lập, 3 tầng lớp xã hội là quý tộc, nô
tỳ và dân tự do của công xã nông thôn được hình thành. Tục xăm mình, ăn
trầu, cưới hỏi đã hình thành và củng cố từ thời này.
Về tổ chức
Nhà nước : Mặc dù còn rất sơ khai nhưng đã có triều đình, đã cố
kết được lòng người, thức dậy ý thức cộng đồng từ tình cảm cộng
đồng. Trong triều, Hùng Vương là người đứng đầu, quan văn gọi là Lạc Hầu
貉 候, tướng võ gọi là Lạc Tướng 貉 將 (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng 雄 將). Con trai vua gọi là Quan Lang 官 郎, con gái vua
cả gọi là Mị Châu 媚 珠, thứ gọi là Mị Nương 媚 娘. Quan coi việc gọi là Bồ Chính 蒲 政, đời đời cha
truyền con nối, gọi là phụ đạo 父 道.
Về tình
hình chính trị thời này trong Việt Sử Diễn âm[4]
đã viết :
Hùng Vương trị vì nhà quan,
Quét không tám cõi sạch tan la trần.
Về trạng
thái kinh tế từ đồng thau đến sơ kì đồ sắt, nghề nông đã phát triển
bên cạnh việc tiếp tục săn bắn, đánh cá.. Người dân đã biết chế tác
ra công cụ thích hợp cho sản xuất, trang sức và lễ nghi, đã biết tập
hợp sức mạnh để chế ngự thiên nhiên, chống ngoại xâm.
Các vua Hùng
nối nhau làm chủ đất Lạc Việt 貉越 đều gọi là
Hùng Vương 雄王,truyền được 18 đời[5].Đến năm 257 tCn,
theo lời khuyên của Phò mã chồng Mỵ Nương là Tản Viên Sơn Thánh 傘圓山聖, để tránh cuộc chiến huynh
đệ tương tàn và trước nguy cơ xâm lăng của đế chế Tần (秦,778
-207 tCn) nơi phương Bắc, Hùng Tuyền Vương (雄璿王,
?- 258 tCn) nhường ngôi cho Thục Phán 蜀泮 và An Dương Vương (安陽王, 257 tCn – 208 tCn)
hợp nhất Lạc Việt với Âu Việt 甌越 thành nước Âu
Lạc (甌貉, 257 tCn - 207 tCn). Việc này không phải
là kết quả của một cuộc chiến tranh thôn tính, tiêu diệt mà là sự
hợp nhất về cư dân và đất đai của Lạc Việt và Âu Việt.
Thời kỳ này
không chỉ phản ánh qua các truyền thuyết, chuyện cổ tích mà còn được các triều
đại quân chủ sai tập hợp soạn lại thành các Ngọc phả. Ngọc phả Hùng Vương ghi
chép lại những gì lưu truyền trong dân gian được các soạn giả thu thập, hệ
thống hoá; là bản văn liệt kê thế thứ các vua Hùng[6] mà khi nghiên cứu nó sẽ
ngộ ra nhiều điều[7].
Thời kỳ Hùng
Vương 雄王时代 là một giai
đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc; là thời kỳ xây dựng nên nền tảng của
dân tộc Việt Nam,
nền tảng văn hóa và truyền thống yêu nước. Sự hình thành nền Văn minh sông
Hồng từ những bước chuẩn bị và nguồn gốc của Văn hóa Đông Sơn. Như
vậy, tuy chỉ mới là nhà nước phôi thai đầu tiên nhưng nhà nước Văn Lang
đã cố kết được lòng người, thức dậy được ý thức cộng đồng từ
tình cảm cộng đồng, các Lạc dân đã hiểu được sức mạnh của cộng
đồng trong việc làm thủy lợi, trao đổi sản vật và đấu tranh giữ gìn
bản làng, đất nước.
Chính nền văn minh lúa nước, văn minh làng xã
hình thành sớm và hình thái Nhà nước sơ khai là thành tựu có ý
nghĩa lịch sử lớn lao của thời kì dựng nước, giữ nước. Nó chứng
tỏ nền văn hiến lâu đời và sự dựng nước sớm của dân tộc ta, nó tạo
nền tảng vững bền cho toàn bộ sự sinh tồn và phát triển của Quốc
gia, dân tộc. Vì vậy mặc dầu gặp muôn vàn can qua, Việt Nam vẫn giữ
được tiếng nói, được bản sắc và sự độc lập của dân tộc của mình.
Kế thừa Văn
Lang là Âu Lạc (甌貉, 257 tCn - 207 tCn), sau này con cháu Vua
Hùng giành lại quyền độc lập với danh xưng Đại Cồ Việt (大瞿越 , 968-1054), Đại Việt (大越,1054-1400,
1428-1802)và nay là Việt
Nam. Để ghi nhớ công ơn dựng nước ấy, dân Việt coi các Vua Hùng là Quốc Tổ nước
Nam
南邦肈祖, lập Đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh và định ra ngày giỗ chung của
cả nước, đó là Giỗ Tổ Hùng Vương.
[1] Chữ Lạc đúng ra đúng ra phải viết bởi chữ 駱 có bộ mã 馬 chứ không phải chữ 貉 với bộ trĩ 豸, chỉ loài chồn hay ngủ.
Đây là do sự thâm nho của Hán sử coi các nước khác là mọi rợ.
[2]
Bởi thế mới có niềm tự hào ta là “Con Rồng cháu Tiên”.
[4]
Chưa rõ tác giả và thời điểm
viết, do Nguyễn Tá Nhi sưu tầm, giới thiệu, biên dịch, NXB VHTT, Hà
Nội , 1997. Theo nghiên cứu của Nguyễn Tá Nhi thì tác phẩm này ra đời khoảng 1549-1553
[5]
Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm Trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng
Đức nguyên niên (1470), do Ngạn Xuyên NGÔ ĐỨC THỌ dịch 2011 thì 18 đời vua Hùng
gồm: 1. KINH DƯƠNG VƯƠNG 涇陽王 ở ngôi 215 năm, thọ 260 tuổi; 2. LẠC LONG QUÂN tức HÙNG HIỀN
VƯƠNG 雄賢王 ở
ngôi bốn trăm năm, sau về biển, hoá sinh bất diệt; 3. HÙNG QUỐC VƯƠNG 雄國王 hưởng ngôi
hơn 221 năm, thọ 260 tuổi; 4. HÙNG VIỆP VƯƠNG 雄曄王 hưởng ngôi 300 năm; 5. HÙNG HY VƯƠNG 雄羲王 hưởng quốc
lịch 200 năm; 6. HÙNG HUY VƯƠNG 雄暉王 hưởng nước 87 năm, thọ 100 tuổi; 7. HÙNG CHIÊU VƯƠNG 雄昭王 hưởng nước
200 năm, hoá sinh bất diệt; 8. HÙNG VĨ VƯƠNG 雄暐王 hưởng nước được 100 năm thì băng; 9.
HÙNG ĐỊNH VƯƠNG 雄定王
ở ngôi 80 năm; 10. HÙNG UY VƯƠNG 雄威王 ở ngôi 90 năm; 11. HÙNG TRINH VƯƠNG 雄禎王 ở ngôi 170 năm; 12. HÙNG VŨ
VƯƠNG 雄武王 ở
ngôi 96 năm; 13. HÙNG VIỆT VƯƠNG 雄越王 ở ngôi 105 năm; 14. HÙNG ANH VƯƠNG 雄英王 ở ngôi 99 năm; 15. HÙNG TRIỀU
VƯƠNG 雄朝王 ở
ngôi 94 năm; 16. HÙNG TẠO VƯƠNG 雄造王 ở ngôi 92 năm; 17. HÙNG NGHỊ VƯƠNG 雄毅王 ở ngôi 160 năm; 18. HÙNG TUYỀN
VƯƠNG 雄璿王
hưởng nước 115 năm.
[6]
Hiện tôi biết có 4 bản còn lưu giữ và đã được công bố là :
- “Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền”, còn gọi
là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền, soạn năm Thiên
Phúc nguyên niên (986 – thời Lê Đại Hành) .
- “Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền”, do Hàn
lâm viện Trực học sĩ Nguyên Cố soạn năm Hồng Đức nguyên niên (1470 thời Lê
Thánh Tông).
- “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền”, Hàn lâm học
sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572 thời Lê Anh Tông).
- “Ngọc phả” do Dưỡng Trai Nguyễn Tá Chính soạn thời Tự Đức.
[7] Trong
Ngọc Phả trên nhiều chi tiết khó chấp nhận, như các vua Hùng
đều rất thọ. Ví dụ Chiêu Vương sống đến 692 năm, người yểu nhất là
Nghi Vương cũng thọ tới 217 tuổi !Ngay cả người thọ nhất mà lịch sử
chép được là Vũ Đế Triệu Đà cũng chỉ được 121 tuổi (256-136 tr.CN) .
Con số 18 dời Vua Hùng cũng có nhiều cách lý giải khác nhau:
-Trong quan
niệm xưa, số 9 và bội số của nó không có giá trị biểu đạt ý nghĩa
toán học như quan niệm hiện đại mà chỉ có giá trị như một số Thiêng
hoặc chỉ là rất nhiều.
-Có người
như ông Nguyễn Khắc Xương, con trai của nhà thơ nổi tiếng Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu, lý giải là không
nên hiểu đó là 18 Đời Vua Hùng, với mỗi đời là một vị Vua mà
cần hiểu đó là 18 Vương triều nhà Hùng với mỗi Vương triều có
nhiều ông Vua kế nghiệp nhau cùng lây tên theo vua đầu tiên. Điều này
có trong bản Ngọc phả "Thiên phúc nguyên niên" soạn đời
Lê Đại Hành đã ghi ở câu kết: "Trở nên 18 ngành đời nhà Hùng,
tỉ phù trị vì ở trong hòm Thái Bảo là 180 đời đế vương thống nhất
non sông".
-Cũng có nhiều thuyết cho rằng đó là
kết quả của cuộc chiến Thục - Hùng
Truyền thuyết về nguồn gốc người Việt Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Lạc Vương, nối ngôi vua.”
Trả lờiXóaĐến nay vẫn nhiều người, tài liệu nhắc lại mà không biết rằng nó rất “phản khoa học”, là cái cớ để đám bồi bút rận xuyên tác gốc "quái thai", "loạn luân",...!
Thực ra, việc đó nên hiểu thế này:
1. Sử cũ chép 一胞百卵 (Nhất bào bách noãn) nên xưa nay đều dịch là “bọc trăm trứng”.
Câu chuyện này có giá trị biểu hiện tín ngưỡng thờ Mẫu, tôn sùng “người đàn bà đẹp, quý phái 姬 ở đất Âu 甌” và khi giải nghĩa từ “đồng bào” trong tiếng Việt! Nhưng chữ 百 còn có nghĩa là nhiều và chữ 卵 có nghĩa là nuôi nấng.
Do vậy nói 2 người nuôi dạy nhiều người hợp khoa học hơn và thực chất thời kỳ Lạc Long Quân – Âu Cơ là thời kỳ hồng hoang của dân tộc, đất nước chưa được tổ chức thành quốc gia hoàn chỉnh, chưa có kinh đô, cư dân sống rải rác và còn trong Chế độ mẫu quyền công xã nguyên thủy.
2. Cụm từ 五十 (Ngũ thập) xưa nay đều dịch là 50 nhưng 2 lần 50 thêm con trưởng thành ra 101 chứ đâu phải 100 con.
Thực ra cụm từ này nó còn có nghĩa cổ là số giữa, một nửa!
Các cụ ta tự hào xưng Quốc gia” chứ đó là thời “tiền quốc gia” và cả thời trung đại, khái niệm quốc gia chưa rõ ràng, chưa có đường biên giới và nơi giáp giới chỉ đắp một mô đất (gọi là phong 封 tức bờ cõi) để đánh dấu. Đồng thời trong nước chưa có “Luật Cư trú”, “Luật Quốc tịch”…và quan hệ với lân bang chưa có Hòa ước Westphalia về trật tự thế giới mới (Traités de Westphalie, 1648) nên việc di cư dễ dàng.
“Con Rồng cháu Tiên”, “Giòng giống Lạc Hồng” là bởi truyền thuyết này.
3. Do vậy truyền thuyết đó nên hiểu là: Lạc Long Quân 貉龍君 lấy con gái Đế Lai (帝來, con của Đế Nghi 帝宜) tên là Âu Cơ (甌姬, người con gái đẹp xứ Âu) đẻ và nuôi dạy rất nhiều con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Nói xong chia một nửa con theo cha xuống vùng ven biển (có bản chép là về Nam Hải 南海), nửa còn lại con theo mẹ lên núi theo hướng “quy sơn, quy hải”. Con trưởng giữ vùng trung tâm ở Phong Châu 豐州, xưng Hùng (Lạc?) Vương 雄(雒?)王, nối ngôi làm chủ Văn Lang (文郎, TK VII tCn - 258 tCn) .
Tư liệu về 18 thời Hùng Vương.
Trả lờiXóa1. Chi Càn: Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, tức Lục Dục Vương, sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr. TL) lên ngôi năm 41 tuổi, không rõ truyền được mấy đời vua, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 tr.TL) đến Đinh Hợi (2794 tr. TL) so ngang với Trung Quốc vào thời đại Tam Hoàng (?).
2. Chi Khảm: Lạc Long Quân, húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn (2825 tr. TL), lên ngôi 33 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua. Chi này ở ngôi tất cả 269 năm, đều xưng là Hùng Hiền Vương, từ năm Mậu Tý (2793 tr. TL) đến năm Bính Thìn (2525 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Hoàng Đế (Ngũ Đế).
3. Chi Cấn: Hùng Quốc Vương, húy Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ (2570 tr. TL) lên ngôi khi 18 tuổi, không rõ truyền được mấy đời vua, đều xưng là Hùng Quốc Vương,272 năm, từ năm Đinh Tỵ (2524 tr. TL) đến 2253 tr.TL. Ngang với Trung Quốc vào thời Đế Thuấn, Hữu Ngu.
4. Chi Chấn: Hùng Hoa Vương, húy Bửu Lang, không rõ năm sinh, lên ngôi năm Đinh Hợi (2252 tr. TL), không rõ truyền được mấy đời vua đều xưng là Hùng Hoa Vương, ở ngôi tất cả 342 năm, từ năm Đinh Hợi (2254 tr. TL) đến năm Mậu Thìn (1913 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Đế Quýnh nhà Hạ.
5. Chi Tốn: Hùng Hy Vương, húy Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi(2030 tr. TL), lên ngôi khi năm 59 tuổi. Không rõ truyền được mấy đời vua, đều xưng là Hùng Hy Vương ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1912 tr. TL) đến Mậu Tý (1713 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Lý Quý (Kiệt) nhà Hạ.
6. Chi Ly: Hùng Hồn Vương, húy Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu (1740 tr. TL), lên ngôi khi 29 tuổi, truyền 2 đời vua, ở ngôi tất cả 81 năm đều xưng là Hùng Hồn Vương, từ năm Kỷ Sửu (1712 tr. TL) đến năm Kỷ Dậu (1632 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời -c Đinh nhà Thương.
7. Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương, húy Quốc Lang, sinh năm Quý Tỵ (1768 tr. TL), lên ngôi khi 18 tuổi, truyền 5 đời vua đều xưng là Hùng Chiêu Vương, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Canh Tuất (1631 tr. TL) đến năm Kỷ Tỵ (1432 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Tổ Ất nhà Thương.
8. Chi Đoài: Hùng Vỹ Vương, húy Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn (1469 tr. TL) lên ngôi khi 39 tuổi, truyền 5 đời vua đều xưng là Hùng Vỹ Vương, ở ngôi tất cả 100 năm, từ năm Canh Ngọ (1431 tr.TL) đến năm Kỷ Dậu(1332 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Nam Canh nhà Thương.
...
(nguồn: http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/chu-de/1386-t%C6%B0-li%E1%BB%87u-v%E1%BB%81-18-th%E1%BB%9Di-h%C3%B9ng-v%C6%B0%C6%A1ng/)
Tư liệu về 18 thời Hùng Vương.
Trả lờiXóa...9. Chi Giáp: Hùng Định Vương, húy Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần (1375 tr. TL), lên ngôi khi 45 tuổi truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Định Vương, ở ngôi tất cả 80 năm, từ 1331 đến 1252 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Tổ Giáp nhà Ân.
10. Chi Ất - Hùng Uy Vương, huý Hoàng Long Lang, 3 đời, 90 năm, từ 1251 đến 1162 tr.TL)
11. Chi Bính: Hùng Trinh Vương, húy Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất (1211 tr. TL), lên ngôi khi 51 tuổi, truyền 4 đời vua, đều xưng là Hùng Trinh Vương, ở ngôi tất cả 107 năm, từ năm Canh Tý (1161 tr. TL) đến năm Bính Tuất (1055 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Thành Vương nhà Tây Chu.
12. Chi Đinh: Hùng Vũ Vương, húy Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân (1105 tr. TL), lên ngôi khi năm 52 tuổi, truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Vũ Vương, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Đinh Hợi (1054 tr. TL) đến năm Nhâm Tuất (969 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Lệ Vương nhà Tây Chu.
13. Chi Mậu: Hùng Việt Vương, húy Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi (982 tr. TL) lên ngôi khi 23 tuổi, truyền 5 đời vua, đều xưng là Hùng Việt Vương, ở ngôi tất cả 115 năm, từ năm Quý Hợi (968 tr. TL) đến Đinh Mùi (854 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Lệ Vương nhà Tây Chu.
14. Chi Kỷ: Hùng Anh Vương, húy Viên Lang, sinh năm Đinh Mão (894 tr. TL) lên ngôi khi 42 tuổI, truyền 4 đời vua đều xưng là Hùng Anh Vương, ở ngôi tất cả 99 năm, từ 853 đến 755 trTL Ngang với Trung Quốc vào thời Bình Vương nhà Đông Chu.
15. Chi Canh: Hùng Triệu Vương, húy Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quý Sửu (748 tr. TL), lên ngôi khi 35 tuổi truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Triệu Vương, ở ngôi tất cả 94 năm, từ năm Đinh Hợi (754 tr. TL) đến năm Canh Thân (661 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Huệ Vương nhà Đông Chu
16. Chi Tân: Hùng Tạo Vương (Thần phả xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc, ghi đời thứ 16 là Hùng Tạo Vương, đóng ở Việt Trì, có Thạc tướng quân đánh tan giặc Man, Vua phong là Chuyển Thạch Tướng Đại Vương - ‘NgườI anh hùng làng Dóng’ Cao Xuân Đỉnh (NxbKHXH 1969 trg 126-130), húy Đức Quân Lang, sinh năm Kỷ Tỵ (712 tr. TL), 3 đời vua, lên ngôi tất cả 92 năm, từ năm Tân Dậu (660 tr. TL) đến năm Nhâm Thìn (569 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Linh Vương nhà Đông Chu
17. Chi Nhâm: Hùng Nghị Vương, húy Bảo Quang Lang, sinh năm Ất Dậu (576 tr. TL) lên ngôi khi 9 tuổi, truyền 4 đời vua đều xưng là Hùng Nghị Vương, ở ngôi tất cả 160 năm, từ năm Quý Tỵ (568 tr. TL) đến năm Nhâm Thân (409 tr. TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Uy Liệt Vương nhà Đông Chu
18. Chi Quý: Hùng Duệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 tr. TL), lên ngôi khi 14 tuổi, truyền không rõ mấy đờI vua (có lẽ 3 đời) vì ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì - Hà Nội có bài vị « Tam Vị Quốc Chúa », ở ngôi tất cả 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 tr. TL) đến năm Quý Mão (258 tr. TL). Ngang với năm thứ 17 đời Uy Liệt Vương, đến năm thứ 56 đời Noãn Vương nhà Đông Chu Trung Quốc.
Tổng cộng là 2621 năm từ 2879 đến 258 tr. TL
(nguồn: http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/chu-de/1386-t%C6%B0-li%E1%BB%87u-v%E1%BB%81-18-th%E1%BB%9Di-h%C3%B9ng-v%C6%B0%C6%A1ng/)
Như vậy, họ Hồng Bàng, trị vì nước Văn Lang, với vương hiệu Hùng Vương, không phải chỉ có 18 đời (18 ông vua) mà là 18 chi, mỗi chi có nhiều đời vua.
Trả lờiXóaĐiều này giải thích hợp lý sự tồn tại gần 3000 năm của thời đại Hùng Vương.
Đền Hùng hiện nay trong ngôi đền chính, có một bài vị chung, thờ các vị Vua Hùng, có hàng chữ « Đột Ngột Cao Sơn Cổ Hùng Thị thập bát thế thánh vương, thánh vị ». Do tục thờ cúng tổ tiên, chỉ chờ vị khai sáng đầu tiên, nên chữ « Thập bát thế » có thể hiểu là 18 Vương hiệu của các vị Tổ đầu tiên của 18 chi Hùng Vương, đã thay nhau cầm quyền trên đất nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người Việt chúng ta ngày nay.
(nguồn: http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/chu-de/1386-t%C6%B0-li%E1%BB%87u-v%E1%BB%81-18-th%E1%BB%9Di-h%C3%B9ng-v%C6%B0%C6%A1ng/)