[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


07 tháng 11 2012

VIỆC CÚNG GIỖ VÀ HÔN NHÂN TRONG QUAN HỆ 5 ĐỜI

Với người Việt, có những quy định về cúng giỗ, cưới xin liên quan đến quan hệ trong tộc họ, đặc biệt mối quan hệ trong vòng 5 đời mà không phải ai cũng thấu tỏ. Đây không chỉ là yếu tố tâm linh, đạo lý mà còn là thuần phong mỹ tục, là vấn đề khoa học và pháp lý.

1. Hệ thống tôn ti trong gia tộc:

Do ảnh hưởng của Nho giáo mà ở Việt nam, hệ thống tôn ti 倫序 trong gia tộc được cổ nhân phân biệt rất chi li trong 9 thế hệ gọi là Cửu đại 九族 hay Cửu huyền 九玄, gồm: cao , tằng , tổ , cha , MÌNH , con , cháu , chắt 曾孫, chút 玄孫. Cụ thể:

TRÊN MÌNH
MÌNH
DƯỚI MÌNH
Kỵ
Cụ
Ông
Cha
Tôi
Con
Cháu
𡥙
Chắt
𡦫
Chút
Cao tổ
高祖
Tằng tổ
曾祖
Tổ
Phụ
Ngã
Tử
Tôn
Tằng tôn
曾孫
Huyền tôn
玄孫
Great-great-grandfather
Great-grandfather
Grandfather
Father
I
Child
Grandchild
Great-grandchild
Great-great-grandchild
Theo đó, trật tự ngôi thứ  倫序 của người Việt trên ta hai đời là đời Ông (Hán: 上第二世爲祖, Nôm:  𠁀𠄩𨕭 𠁀 ) , dưới ta hai đời là đời cháu (H: , N:  𠁀𠄩𠁑 𠁀 𡥙)  và từ mình ngược lên 4 đời (tức đến đời Kỵ 高祖) là thân thuộc, hiểu tương đối rõ. Đấy là 5 đời 五代[1] gần gũi, hay được xưng, hô trong việc họ.
Song nay ít người nắm chắc được vấn đề xưng hô đó nên dễ nhầm, đặc biệt nếu sính dùng chữ và sao chép văn bản để lại của tiền nhân một cách máy móc.
Nếu người chép Gia phả hay đề chữ trên Bia mộ hoặc bản Khấn cúng (chữ Hán hay chữ Quốc ngữ, âm Hán Việt hoặc âm Nôm) ghi Cụ mình là Tằng Tổ khảo, ghi Ông nội là Tổ khảo, ghi Bố là Hiển khảo…thì đúng ra đến đời con mình phải nâng lên thành: Cao tổ khảo, Tằng Tổ khảo, Tổ khảo; đến cháu mình nâng thành:  Cao Tằng tổ khảo, Cao tổ khảo, Tằng Tổ khảo;… đời chắt, chút, chít mình nâng nữa (Huyền, Viễn…?) dần bí từ!…Nhưng ở các thế hệ sau này nếu con cháu mình không hiểu, khi Tục biên, bổ sung Gia phả hay khấn cúng cứ chép lại nguyên văn như bản “mình” cộng thêm các bản “con cháu mình” đã soạn thì sẽ có rất nhiều “Cao tổ khảo”, “Tằng Tổ khảo”;…mặc dù những người cùng được gọi là “Cao tổ khảo”…đó không phải là anh em mà là bố-con, ông-cháu... Khi đó một nhầm lẫn nghiêm trọng xẩy ra là lẫn hết thế thứ (cháu chắt xếp chung đời với Cụ, Kỵ…) và cháu xa đời lại vẫn gọi cụ Tổ như đời Cha, Ông mình đã gọi!. Không hiểu như vậy, sau khi cúng xong mà gia đình thực hiện nghi thức “Cung phần sớ văn” (H: 恭焚疏文, A: To burn respectfully the petition to God, P: Brûler respectivement le placet au Dieu, tức kính cẩn đốt Sớ văn) các Cụ có đồng ý mà chấp nhận không?
Đây là tình trạng chung của nhiều gia đình, dòng họ[2], kể cả những gia đình mà trong họ có người có trình độ đến Cử nhân, Tiến sĩ Tân học[3]!.
Như vậy rõ ràng cách viết, gọi trên là bất lợi, chỉ đúng trong 5 đời ở gia đình hay Tiểu chi còn trong cúng Tổ và ghi bia mộ, chép Gia phả Đại tôn là không hợp, gây khó cho đời sau. Ngày nay nên ứng dụng cách đánh số để chép Gia phả sẽ tốt hơn[4] và người còn sống (trên, ngang hay dưới người chép) vẫn vào Phả được. Sau này khi con cháu nối nhau hay Tục biên Gia phả thấy cần thiết vẫn bổ sung tiếp chỉ tăng số đời lên. Khi sử dụng bản Chúc văn có sẵn trong mỗi dịp cúng giỗ cũng vậy.
2. Trong việc cúng giỗ:
Người Việt vốn coi “Hiếu hậu vi tiên”  孝厚為先 nên là một trong những dân tộc có tục thờ cúng tổ tiên sâu đậm và gần như trở thành một tín ngưỡng: Đạo ông bà. Nhưng điều không có giáo lý, không phụ thuộc vào quan điểm chính trị… “Đã nói tới tín ngưỡng dĩ nhiên có vấn đề tin và không tin.” Tín ngưỡng này bắt nguồn từ quan niệm “vạn vật hữu linh” 萬物之靈, đó là niềm tin về sự bất tử của linh hồn như Nguyễn Du (阮攸, 1766–1820) đã viết  trong Truyện Kiều 傳翹: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”  𣨰罗体魄群罗精英. Do vậy dân ta có tục tưởng niệm người đã mất bằng cách “giỗ”  𣋼. Giỗ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt quan trọng nhất trong việc thờ cúng Tổ tiên, nhằm tưởng nhớ đến những người đã mất. Theo tục lệ, ngày giỗ là “chung thân chi tang” 終身之喪 có nghĩa là ngày tang trong suốt cả đời người. Mỗi năm gia đình làm giỗ là để nhắc nhở con cháu về những người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ. Việc này được tiến hành vào ngày mất (忌日”kỵ nhật” hay , Cát kị) tính theo âm lịch (hay còn gọi là “ngày ta”) là một trong những nghi thức quan trọng trong tục thờ cúng tổ tiên. Việc này là một nghĩa vụ của đạo hiếu từ phong tục đã được chế định trong cổ luật và ngay trong thời @.
Nhưng theo thời gian, cháu Đích tôn trong những đại tộc nhận cúng rất nhiều người ở nhiều đời nên trong một năm có rất nhiều ngày giỗ, thậm chí có ngày trùng nhiều giỗ. Do vậy không kham nổi về tài chính, không đủ thời gian nên cổ nhân đã chọn cúng giỗ theo nguyên tắc “Ngũ Đại Mai Thần Chủ”五代埋神主.Theo nguyên tắc này, mỗi gia đình chỉ cần cúng giỗ: cha mẹ (đời 2), ông bà (đời 3), cụ ông cụ bà (hay cố 4 đời) và kỵ (hay can 5 đời, tức Cao tổ), còn cụ ta chỉ con ta cúng, đến đời cháu ta, cháu sẽ chôn Bài vị (H: 神主, A: The tablet of the dead, P: La tablette du mort)  Cao tổ đi.
Những bậc trên Cao tổ gọi chung là Tiên tổ được rước Bài vị vào thờ chung tại một nhà gọi là Tổ đường (H: 祠堂, A: The ancestral temple, P: Le temple des ancêtres) mỗi năm tế một lượt. Đó là thực hiện việc “hợp tự” hay “hiệp  kị” 祫忌 thành “Góp Giỗ làm Chạp” và thường là ngày giỗ cụ Tổ khai sáng 肇祖/始祖 hay người có công lớn với dòng họ, địa phương.
3. Trong hôn nhân :
Hôn nhân (H: , A: Marriage, P: Mariage) là sự cam kết đồng ý giữa các cá nhân Nam và Nữ về các khía cạnh luật pháp, xã hội và tôn giáo, là nền tảng của gia đình trong hầu hết các dạng hình xã hội. Trong lịch sử, hôn nhân thường là thỏa thuận xã hội giữa một người đàn ông (chồng) và một người đàn bà (vợ) trừ chế độ đa thê là có một người đàn ông lấy nhiều vợ, nhưng cũng có khi một người đàn bà lấy nhiều chồng. Trong một số nước phương Tây hiện nay, hôn nhân đồng tính được công nhận là một kiểu hôn nhân. Hôn nhân có thể là kết quả của tình yêu hay sựu xếp đặt và khởi đầu bằng việc cưới xin. Việc cưới này gọi là Hôn lễ (H: 婚禮, A: Marriage ceremony, P: Cérémonie de mariage) tức là việc tổ chức đám cuới theo nghi lễ cổ truyền, hay theo nghi thức của tôn giáo.
Từ xưa cổ nhân đã cho rằng “Đồng tính bất hôn, ác bất thực dã” 同姓不婚,恶不殖也, nghĩa là những người cùng Huyết thống  (H: 血統 , A: The consanguinity, P: La consanguinité) không được phối hôn với nhau để tránh điều di hại cho con cháu cũng như phạm và chuẩn mực đạo đức.
Tín ngưỡng, đạo đức, kinh nghiệm đều biết rằng tình trạng hôn nhân cận huyết, tức trai giá lấy nhau trong phạm vi 3 đời sẽ phương hại đến tông pháp, đến thuần phong mỹ tục và nòi giống. Muốn tránh những điều đó, tốt nhất là không kết hôn trong phạm vi 5 đời, tức là những người có chung ông Kỵ (H: 高祖, A: Great-great-grandfather, tức Cao Tổ ) không được kết hôn với nhau.
Vấn đề thờ cúng Tổ tiên, tránh kết hôn cận huyết không chỉ là phong tục, tín ngưỡng dân gian mà đã được nâng lên thành đạo luật từ thời quân chủ. Cụ thể ngay trong BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC (tức Quốc triều hình luật 國朝刑律)thời Lê sơ (後黎朝, 1428–1527) trong 13 chương đã giành 2 chương là “Hộ hôn” và “Điền sản” bàn về hôn nhân, gia đình; về việc hương hỏa, tế lễ, thừa kế và sở hữu tài sản. Ngày nay trong  LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH số 22/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 và BỘ LUẬT DÂN SỰ số: 33/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005 đều giành những Chương, Điều cụ thể, tiến bộ, đầy tính nhân văn nhưng rất nghiêm minh về vấn đề này.
-Lương Đức Mến, Thu 2012-



[1] Đây là 5 đời với nghĩa “thế hệ” trong một dòng họ chứ không phải 5 đời chỉ triều đại 朝 như: Đường , Ngu , Hạ  , Thương , Chu hay 5 đời: Tống , Tề , Lương , Trần , Tùy hoặc 5 đời: Hậu Lương 後凉, Hậu Đường 後唐, Hậu Tấn 後晋, Hậu Hán 後漢, Hậu Chu 後周 trong lịch sử Trung Quốc.
[2] Tôi có đứa cháu ngoại lập mộ cho Bố khi khắc bia ghi là “Bố Phạm Văn Hồng”, tôi bảo: thế mãi mãi đến đời con cháu mày bố mày vẫn chỉ là “bố” thôi à! Cháu ớ người ra! Nhưng sự đã rồi!
[3] Mộ Cụ Tổ khai sinh dòng họ tôi ở xã Chiến Thắng, huyện An Lão được xây vào tháng 12/2011 do cháu Trưởng họ đời thứ  9 tổ chức xây nhưng trên bia đá lại ghi chữ  “高祖考”, tứcCao Tổ khảo” trước tên Cụ!
[4] Cách chép Gia phả chính xác, khoa học lại thuận cho đời sau chép tiếp là biết được cụ nào khai sinh ra dòng họ thì xếp là Đời thứ Nhất (Đệ Nhất đại tổ 第一代祖), các Thế hệ sau chép thứ tự là Đời thứ Hai, thứ Ba… Với các cụ Tổ xa đời hơn về trước nên ghi như sau:
 Nguyên Tổ 元祖 Triệu Tổ: 肇祖 là Đức Tổ đầu tiên nhất sinh ra những người chung một họ trong một nước. Ví dụ Hồ Hưng Dật được suy tôn là Đức Nguyên Tổ họ Hồ Việt Nam, Hùng Vương là Nam bang Triệu tổ 南邦肇祖.
Thuỷ Tổ 始祖: Ông tổ, vị tổ đầu tiên của một họ. Ví dụ một số dòng họ Lương ở miền Bắc suy tôn Cụ Lương Đắc Bằng là Thuỷ Tổ.
Thượng Tổ 尚祖: là Cụ Tổ sinh ra Đệ Nhất đại Tổ mà dòng họ ở khu vực đang thờ phụng. Ví dụ Lương Công Trạch được suy tôn là Thượng Tổ 上祖梁公宅 của họ Lương xã Chiến Thắng, Hải Phòng còn con trai cụ là Lương Công Nghệ là Đệ Nhất đại Tổ 第一代祖梁公羿.
Các vị Tổ Chi theo thứ bậc anh em mà gọi là Tổ Chi Nhất, Chi Nhị…. Ví dụ: Tổ Chi thứ Nhất: Lương Công Tuấn 第一宗枝 梁公俊; Tổ Chi thứ Nhì: Lương Công Chiêu 第二宗枝 梁公昭; Tổ Chi thứ Ba : Lương Công Tú  第三宗枝 梁公秀; Tổ Chi thứ Tư: Lương Công Thiệu: 第四宗枝 梁公劭; Tổ Chi thứ Năm: Lương Công Linh: 第五宗枝 梁公怜.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!