[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


27 tháng 11 2012

Tìm hiểu về việc chọn bạn đời của người xưa

Lá bài thứ 6 The Lovers
(lấy điển tích về Adam và Eva)
trong 22 lá bài của
nhóm Major Arcana
trong Bộ bài bói,
tiên đoán số mệnh Tarot
Chẳng cần khảo sát ngoài xã hội, chỉ cần xem trong mỗi dòng họ, chi phái cũng thấy hiện trạng khá nhiều gia đình luôn trục trặc, thậm chí đến đổ vỡ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giai đoạn “tiền hôn nhân” đôi trẻ, hai gia đình chưa có sự tìm hiểu kỹ càng hay cố xếp cho đôi đũa lệch vào với nhau. Từ hiện tượng đó tự dưng muốn tìm hiểu xem người xưa tìm và chọn bạn đời ra sao?
Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội, trong cái tế bào ấy thì cặp “Vợ Chồng” là Ty thể bộ (mitochondria) tổng hợp ATP, nguồn năng lượng cần thiết cho các hoạt động và sự nhân lên của tế bào và là vật liệu di truyền. Trong những lúc rảnh bồng cháu, khi nghỉ phép ngẫm lại thấy quá đúng nhưng cũng giật mình bởi nhiều lẽ: từ việc chọn bạn, rồi Hôn nhân đến đạo nghĩa vợ chồng nay có lắm “chướng tai gai mắt” mà điều đó đâu chỉ ở ngoài xã hội mà có ngay trong gia tộc, tiểu chi minh!
Ai cũng có gia đình nên xây dựng gia đình là một đề tài rộng rãi mà bất cứ ai cũng có ít nhiều kinh nghiệm. Dù sao những kinh nghiệm chắt lọc, bồi đắp qua bao thế hệ được đúc kết thành những thành ngữ, chép trong sử sách vẫn là những kinh nghiệm, bài học đắt giá nhất.
1. Tìm trong quá khứ:
Việc gì cũng vậy, muốn xét chuyện nay phải ôn lại xem người xưa nghĩ và nói gì về việc này. Đây không phải là lệ cổ mà học theo, làm theo những gì cha ông ta đã chắt lọc, bồi đắp từ bao đời nay. Từ xa xưa, trong “túi khôn” của mình cổ nhân đã đúc kết[1]: 觀今宜鑒古,無古不成今 (Quan kim nghi giám cổ, vô cổ bất thành kim). Nghĩa là: thấy ngày nay thì nên xem xét ngày xưa, không có ngày xưa thì không thành ngày nay được bởi thời gian là liên tục chuyển tiếp giữa quá khứ , hiện tại và sau này , nếu không có xưa thì nay không có, nói chi tới ngày mai.
Nhưng kinh nghiệm của loài người 人類 thì mênh mông, mỗi nơi, mỗi vùng, mỗi tôn giáo, tầng lớp có những kinh nghiệm riêng không thể ai nghiên cứu, biết hết được. Ở đây chỉ khảo cứu những kinh nghiệm mang tính phổ quát đã đúc kết nên thành ngữ, ca dao hay trong những tác phẩm kinh điển 經典 trong văn hóa phương Đông 東方. Cũng bởi tìm hiểu kinh nghiệm thời xưa mà cổ nhân phương Đông khi đó chưa dùng chữ Latin để ký âm tiếng Việt và kinh nghiệm của người Hoa thì phải dùng dùng chữ Hán nên trong bài có nhiều Hán tự 漢字 là lẽ đương nhiên.
Chúng ta học kinh nghiệm sống của người xưa nhưng cuộc sống luôn vận động, biến đổi mỗi thời mỗi khác nên cũng cần có thái độ cầu thị 求是, cập nhật 及時 sao cho hợp lý nhất.
2. Thủa xưa chọn bạn khó khăn:  
Thời nào cũng vậy, lứa tuổi thanh niên là đông nhất và sôi động nhất trên nhiều mặt. Những Nam thanh nữ tú (H: 男清女秀, A: Good looking boy and pretty girl, P: Beau jeune homme et charmante jeune fille) tức những trai xinh gái đẹp trong lao động, sinh hoạt gặp nhau và nẩy nở tình cảm. Mỗi dịp hội, hè, lễ Tết người người đi vãng cảnh, xem hội, đặc biệt là giới trẻ. Chẳng thế mà Nguyễn Du (阮攸,1766–1820) đã tả cảnh này trong một tiết Thanh Minh  清明[2] bằng những vần thơ rất nhộn nhịp:
𧵆 賒 奴 񠜁
Gần xa nô nức yến anh[3],
𢀦 𨔈
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
𤓛 𤓛
Dập dìu tài tử, giai nhân[4],
 

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm[5].
Nhưng xưa kia các cụ dạy: “Nam nữ thụ thụ bất thân” 男女授受不親 như vậy đến việc đưa và nhận vật gì trai, gái còn không được dùng tay trao, nhận một cách thân cận để  tránh sự khêu gợi dục vọng dâm tà còn đâu việc tìm hiểu, đụng chạm dễ dãi như thời nay.
Song không phải vì thế mà họ cam “Đoạn tình yểm dục” (H:  斷情掩慾, A: To cut off all sentiments and to master all passions, P: Couper tous les sentiments et contenir toutes les passions), cắt đứt các thứ  tình cảm, đè nén lòng ham muốn mà bản năng luôn thúc đẩy người ta tìm ra giải pháp. Việc chọn cho mình một người bạn đời, một cuộc hôn nhân hạnh phúc để có một mái ấm gia đình hoàn tòan như ý là ước muốn của mọi người không phải thời nay mới có. Cho dù không quá cầu toàn và rào ngăn là thế nhưng các cụ ta vẫn: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Đồng thời do tâm lý Á Đông, nhiều khi “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”  情 𥪝   𩈘𠲖 nên cổ nhân sinh ra một lớp người chuyên chắp nối cho đôi trẻ. Người đó, việc đó Hán tự ghi bằng chữ 媒.Chữ này phiên thiết là 莫桮切(mạc bôi thiết), cấu tạo bởi 从女某聲  (tòng nữ mỗ thanh), âm Hán Việt là “môi”; nghĩa chữ này là: 謀也,謀合二姓 (mưu dã, mưu hợp nhị tính),tức là làm mối 做媒 se duyên giữa hai nhà. Không phải bây giờ mới có “kinh tế thị trường” (H: 市场经济, A: Market economy, P: Économie de marché) mà từ xa xưa đã có cảnh “có ba trăm lạng việc này mới xuôi 𣎏𠀧𤾓两役㖠  買吹 bởi thế, để tìm được người con gái “đắt giá” có bà mối rất khắt khe, xem người con gái như món hàng:
䋦強𢯝𩅘扒拪
Mối càng vén tóc bắt tay,
湼𢞂如菊命𤷍如枚
Nét buồn như cúc, mình gầy như mai.
怛都斤色斤才
Đắn đo cân sắc cân tài,
押宫琴月此牌𦑗詩
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ[6].
Bằng cách này hay cách khác, nhà nào cũng mong “trai lớn cưới vợ, gái lớn gả chồng”. Chả thế mà  có người (tôi quên tên tác giả) đã viết:
Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương,
Nữ đại bất giá như tư diêm phạm thủ[7].
Hay như có câu ca dao đã ví:
Tròng trành như nón không quai,
Như thuyền không lái như ai không chồng.
Thời trước, muốn thành đôi lứa phải trải qua Lục lễ danh nghi[8]  (H: 六禮名儀 , A: The six ceremony of marriage, P: Les six cérémonies de mariage), gồm:  Nạp thái 納釆, Vấn danh 問名, Nạp cát 納吉, Nạp trưng 納徵, Thỉnh kỳ 請期, Thân nghinh 親迎 có bước thứ hai là để nhằm việc này.
Đó là lễ Vấn danh: nhà trai nhờ người mai mối đem trầu rượu đến nhà gái để hỏi tên, tuổi, ngày sinh của người con gái là đối tượng của con trai mình. Tên để xưng khi làm lễ cáo Tổ tiên. Còn nói là ngày sinh nhưng thực ra là 4 đại lượng tính bằng Can, Chi 干支 (gọi đầy đủ là Thiên Can Địa Chi 天干地支 hay Thập Can Thập Nhị Chi 十干十二支), chữ gọi là Bát tự 八字 chỉ thời gian của năm sinh 出生年, tháng sinh 出生月, ngày sinh 出生日 và giờ sinh 出生時.Từ các thông số này, dựa vào giới tính, học thuyết âm dương, ngũ hành các “thầy” lập bảng “Bát trạch nhân duyên” 八擇姻緣 rồi suy ra “hợp”, “khắc” mà quyết định!. Chú ý rằng: việc quy đổi đơn vị thời gian tính theo cách “hiện đại” ra “bát tự” tưởng như đơn giản, chỉ theo lịch là được nhưng ở những bước “giao thời”, lại còn năm nhuận, tháng nhuận nữa nên khá phức tạp, phải hiểu đầy đủ mới đổi được. Chính vì vậy nhiều người, kể cả các ‘thầy” nếu qua loa sẽ quy sai, mà quy sai thì đương nhiên tính sẽ chẳng đúng! Song nếu quá tin vào lời phán của các thầy (mà bây giờ sao lắm thầy, bà thế!) sẽ lỡ dở mọi chuyện rồi đâm ra ân hận. Khối đôi vượt qua lờ thầy mà vẫn hạnh phúc, viên mãn đó thôi!
Hỏi tuổi còn là để sao cho xứng đôi phải lứa bởi:
“Chồng lớn vợ bé thì xinh,
Chồng bé vợ lớn ra tình chị em.”
Chọn bạn đời còn phải “xem tông”, “xem giống” nữa. Nam cần biết về cái mà Hán tự ghi bằng có cấu tạo gồm chữ “miên” đi với chữ “kì” , phiên thiết là 作冬切 (tác đông thiết),đọc là “tông”, tức xét về tổ tông 尊祖.Còn người nữ cần hiểu về “giống” của người chồng tương lai, tức . Chữ này hợp bở chữ “hòa” với chữ “trọng” âm là “chủng” (直容切, trực dung thiết) chỉ giống, loài. Tông giống tốt không những đảm bảo cuộc sống êm đẹp mà cơ bản là tính đến khả năng sinh con đẻ cái. Bởi một trong những mục đích, chức năng của cặp vợ chồng là phải “Truyền tử lưu tôn” (H:  傳子留孫, A: To bequeath to one's children and grand children, P: Léguer à ses enfants et à ses petits enfants) tức là trao lại cho con, để lại cho cháu. Những dòng họ mà các thế hệ đều độc đinh dễ có nguy cơ “Tuyệt giống dứt nòi” (H: 絕種斷內, A: To extinguish a race, P: Éteindre une race)  làm cho nòi giống đó tiêu mất hẳn. Đồng thời việc tìm hiểu kỹ “tông giống” còn nhằm tránh cái họa “loạn luân” (H: 亂倫, A: Incestuous, P: Incestueux), anh em con cháu họ gần lấy nhầm phải nhau như trong “Sự tích Trầu Cau”. Đặc biệt là với những gia đình phải “phiêu cư bạt tán” 漂漂居跋散, “tống khứ tha phương”  送去他方; những người do hoàn cảnh đặc biệt ít hoặc không còn liên hệ với dòng tộc, xã hội.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần rõ mặt mũi của đối tượng. Cứ tin quá vào mai mối hoặc lời đồn thổi sẽ gặp cảnh “người kém miệng” yên lòng lấy người “kém lưng vốn” hóa ra kẻ “sứt môi” lấy anh “gù”! Ai chả muốn thành cặp đôi đẹp trai xinh gái nhưng cũng vừa vừa thôi đừng như “Quỷ Dạ xoa” 鬼夜叉 là được bởi “cái nết đánh chết cái đẹp” mà!.  Thời trước, các gia đình giầu có rất chú trọng về Phụ đức  (H: 婦德, A: The feminine virtue, P: La vertu féminine) của người con dâu tương lai.  Phụ đức là đức hạnh của phụ nữ cần phải có Tứ Đức 四德[9] và Tam tòng 三從[10].
3. Vì sao lại cứ “Nam cương Nữ nhu”?
Xây dựng gia đình ai chả muốn sống trọn với nhau đến lúc đầu bạc răng long, đat “Bách niên giai lão” (H: 百年皆老, A: To live together in throughout life, P: Vivre ensemble dans toute la vie) nên không thể không nói đến việc lựa chọn.
Chọn bạn để chơi, chọn người cộng tác mà cao nhất là chọn vợ kén chồng trước hết nên xét cả Âm Dương (H: 陰陽, A: Yin and Yang, P: Yin et Yang) và Ngũ Hành (H: 五行, A: Five primary elements, Five elements of nature, P: Cinq éléments primaires, Cinq éléments de la nature). Nếu Âm Dương, Ngũ Hành phối hợp đều thuận thì vợ chồng sẽ hạnh phúc, thành đạt. Nếu được một yếu tố tốt, một yếu tố xấu thì thuộc loại trung bình cách. Nếu cả hai yếu tố Âm Dương và Ngũ Hành cùng tương khắc nghịch lý thì rất đáng lo ngại.
Khi xét đến Âm Dương và Ngũ Hành nên nhớ thiên nhiên thật toàn mĩ khi sinh ra hai giới. Chữ Hán, thứ chữ tượng hình thâm thúy đã nêu rõ đặc tính của 2 giới với quan niệm “nam mạnh, nữ yếu”.
Phái “chân yếu tay mềm” được Hán tự chép bởi chữ . Chữ này phiên thiết là 尼呂切 (ni lữ thiết), đọc là “nữ”, có nghĩa là 婦人也,凡女之屬皆从女 thuộc về nữ; đây là chữ tượng hình 象形, mô tả “người con gái ngồi quỳ, hai tay đặt trước ngực”, thể hiện tính cách của phụ nữ: khiêm tốn và nép mình.
Còn phái ‘mày râu” ghi bằng chữ . Chữ này có phiên thiết là 那含切  (na hàm thiết ), đọc là “nam”, có cấu tạo: 从田从力 (tòng điền tòng lực), thuộc dạng chữ hội ý: 男用力於田也, có nghĩa là:  丈夫也 chỉ người đàn ông, người sử dụng sức lực  của mình để gánh vác công việc đồng áng , thể hiện sức mạnh và quyền lực.
Nghe ra thì thấy có vẻ thiên kiến nhưng đây không phải là vấn đề “Trọng nam khinh nữ” (H: 重男輕女,A: To respect men and despise women, P: Respecter les hommes et mépriser les femmes) mà là do tạo hóa 造化 sinh ra đặc tính, chức năng của hai giới khác nhau và theo tôi, khá là khoa học!. Ví dụ như bệnh Histeri[11] (H: 歇斯底里, A: Hysteria, P: Hystérie) xưa thường được xem là bệnh của phụ nữ, gây ra bởi những rối loạn của tử cung (tiếng Hy Lạpστέρα” đọc là “hystera” có nghĩa theo H: 子宫, A: Uterus, P: Utérus) mà tử cung đâu có ở phái nam!
Do vậy, theo kinh nghiệm dân gian và do nặng về Nho giáo (H: 儒敎, A: Confucianism, P: Confucianisme) nên cổ nhân tổng kết rằng trong việc chọn bạn đời cần tìm người sao cho mệnh 命根 đôi trẻ hợp nhau, chữ gọi là “tương hợp” (H: 相合, A: Compatible, P: Compatible). Trong đó theo Tam mệnh thông hội 三命通會 do tiến sĩ 進士 Vạn Dân Anh (萬民英, 1520-1570) thời Minh (明朝,1368-1644) biên soạn thì: “Mệnh Nam nên Vượng, vượng thì Phúc, suy thì Nguy. Mệnh nữ nên Suy, suy thì Phúc, vượng thì nguy”. Có vấn đề này bởi nữ thuộc Âm cần Nhu , nam thuộc Dương , cần Cương . Trái quy luật sẽ không tốt (“cả mái hại sống”).
Người con gái cần “Trạch mộc nhi thê” 擇木而棲 tức là chọn cây mà đậu, ý nói lựa chọn nơi tốt đẹp và vừa ý mà gởi thân bởi nếu chống công thành danh toại thì vợ tất được cậy nhờ vì “Phu quí phụ vinh” 夫貴婦榮. Cổ nhân cho rằng: “Thê hiền phu họa thiểu” 妻賢夫禍少, tức vợ hiền chồng ít gặp họa và “Hiền phụ lệnh phu quý, ác phụ lệnh phu bại” 賢婦令夫貴,惡婦令夫敗, người vợ hiền thục thì chồng mau thành công và ngược lại. Gia đình như thế là một gia đình hưng thịnh và người vợ như vậy là người vợ có số “Vượng phu ích tử” 旺夫益子.Sự đời “Tử ấm thê phong” 子廕妻封, con trai được nối quan chức của cha, vợ được vua phong  tước, vì người chồng có công lớn đối với triều đình chứ mấy ai nhờ lộc vợ đâu mà chọn vợ cao hơn mình!
 Song lại cần biết “Tề đại phi ngẫu” 齊大非偶耦 (giàu quá không hợp nhau) mà rất cần “môn đăng hộ đối” (H: 門當戶對, A: The two families of the same rank of society, P: Les deux familles de même rang social), tức là hai gia đình thông gia (H: 通家, A: The related families, P: Les familles alliées) có con kết hôn với nhau phải có sự ngang nhau về nhà cửa, của cải, và tương đương nhau về địa vị xã hội. Thực tế chứng minh khi đôi bên có gia cảnh quá chênh lệch kiểu “Tỉnh thiển hà thâm” 井淺河深, như giếng cạn sánh với sông sâu thì rất khó duy trì mối quan hệ của đôi bên và đôi trẻ mai ngày. Nhưng chưa đủ bởi nếu “Tình thâm duyên thiển” 情深緣淺, tuy tình cảm rất sâu sắc nhưng cái duyên lại mỏng sẽ chẳng đi đến đâu.
Ngày nay nam nữ bình đẳng, phụ nữ nhiều người thành đạt, thu nhập cao, địa vị lớn tất sẽ có quan điểm khác thủa xưa. Nhưng đó lại là chuyện khác!
4. Mọi mưu đồ xấu đều có kết thúc chẳng hay:
Thực tế không thiếu gì những cuộc hôn nhân được tiến hành do sự “chỉ hôn” 厎婚 bởi lời hứa thủa hàn vi của đấng sinh thành hay thâm hiểm hơn là những mưu toan chính trị. Người Việt chẳng ai không biết Thiên tình sử bi ai Mỵ Châu-Trọng Thủy!
Chuyện rằng nước Âu Lạc (甌雒, 258 hoặc 218 tCn-208 hoặc 179 tCn) của An Dương Vương (安陽王, ?- 208/179 tCn) có Loa Thành 螺城 vững chắc và Nỏ Thần 弓弩 huyền diệu nên đã thắng nhiều trận đánh chiếm của Triệu Đà (趙佗, 257 tCn hoặc 239 tCn - 137 tCn). Không từ bỏ dã tâm, Triệu Đà lập kế thông gia cho Trọng Thủy (趙仲始, ?-?) lấy Mỵ Châu (媚珠 ?- 208/179 tCn) và ở rể nước Nam. Lợi dụng sự mất cảnh giác, cả nể của Mỵ nương, Trọng Thủy đã lấy cắp bí mật quân sự ở Cổ Loa,đánh tráo lẫy Nỏ. Kết quả là Loa Thành thất thủ trước sức tấn công năm 208 tCn của Triệu Đà. Kéo theo là cái chết bi thương của Mỵ Châu rồi Trọng Thủy nhảy xuống giếng tự tử giữ đúng lời trước khi về nước: 夫婦恩情不可相忘 (phu phụ ân tình bất khả tương vong)kết thúc mối oan tình. Khi nhận ra lỗi lầm, Trọng Thuỷ hối hận thì đã muộn!. Ngay cả người chủ mưu là Triệu Đà tuy chiếm được đất, hoàn thành mưu đồ chính trị nhưng lại bị mất con, phải truyền ngôi cho cháu là Triệu Hồ (趙胡, 175-124 tCn). Sau này nước Nam Việt (南越, 207 - 111) của họ Triệu suy tàn bởi người con gái họ Cù 樛氏 bên Hán quốc (vợ Triệu Minh Vương 趙明王) rồi diệt vong như là một quả báo!
-Tản mạn mùa cưới 2012-


[1] Cổ huấn 古訓 trong “Tăng quảng hiền văn” "增廣賢文 là tác phẩm Khuyết danh gồm 350 câu ngạn ngữ dân gian phản ánh đời sống tâm lý của người dân Trung Quốc trong xã hội xưa, là sự thể hiện tư tưởng của Nho Giáo, Đạo Giáo, Lão Giáo…được đời sau coi như là một “túi khôn” của tiền nhân.
[2] Là một trong số hai mươi tư tiết khí của Âm lịch các nước phương Đông. Tiết thanh minh là một tiết thuộc mùa Xuân, vào thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết Xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết Cốc vũ bắt đầu. Thường vào khoảng đầu tháng ba âm lịch có ngày Tết Thanh minh (đừng nhầm với 03/3 âm là ngày Hàn thực)!
[3] Hai loài chim nhỏ thường bay thành đàn về mùa Xuân, đây ngụ ý nói người đi chơi Xuân đông đúc từng đoàn.
[4] Trai tài gái sắc.
[5] "nêm" là những mảnh gỗ mỏng đóng trên hai mặt thớt cối xay lúa khít nhau như những hàng răng. Chữ Hán có câu: "Xa mã như thuỷ, y thường như xỉ", ngựa xe đi lại như nước chảy, áo quần chật khít nhau như những răng lược. Mà “áo” chỉ học trò (áo xanh), tức nam còn “quần” chỉ nữ (quần thoa, quần hồng) nên cả câu ý nói ngựa xe qua lại liên tiếp như nước chảy, khách du xuân áo quần đẹp đẽ chen khít nhau như những mảnh nêm ở trên mặt thớt cối xay.
[6] Thử đánh đàn, đề thơ trên quạt
[7] Con  tư diêm có đặc  tính  là ai vỗ đầu nó  thì nó chịu  theo
[8] Đây không phải là 6 lễ của đời người (gồm: quan 冠, hôn 婚, tang 喪, tế 祭, hương ẩm 乡饮酒, tương kiến 相见) mà 6 lễ trong việc cưới gả. Lục lễ này được  đặt ra bởi Chu Hi (朱熹, 1130-1200) đời nhà Tống (南宋, 1127-1279) trong cuốn sách: Văn Công Gia Lễ 朱文公家訓/文公家禮. Cổ xưa rất coi trọng lục lễ nên có câu “Lục lễ bất bị, Thục nữ bất xuất” tức Sáu lễ chưa đầy đủ, hoàn hảo gái hiền chẳng đi về nhà chồng. Lục lễ rất phiền phức khó khăn, không phù hợp với phong tục và tạp quán của dân tộc ta nên được cải biên nhiều bởi người Việt vốn thực tế, phóng khoáng, không nhắm mắt rập khuông theo sách vở mà luôn tâm niệm: “Rộng làm kép hẹp làm đơn” để quyết định nghi thức.
[9] Có nguồn gốc từ Chu lễ, gồm:
Phụ công 婦功: nữ công, gia chánh phải khéo léo. Tuy nhiên các nghề với phụ nữ ngày xưa chủ yếu chỉ là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi họa.
Phụ dung  婦容: dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân
Phụ ngôn 婦言: lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng
phụ hạnh 婦行: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt
[10] Có nguồn gốc từ Nghi lễ, gồm:
Tại gia tòng phụ (在家從父): người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha.
Xuất giá tòng phu (出嫁從夫): lúc lấy chồng phải theo chồng.
Phu tử tòng tử (夫死從子): nếu chồng qua đời phải theo con trai.
Quy định tam tòng khiến người phụ nữ khi xuất giá lấy chồng thì hoàn cảnh tốt hay xấu thế nào cũng đã trở thành người nhà chồng, chứ không nương nhờ ai được nữa.
[11] Tiếng Việt còn gọi là chứng Ictêri hay chứng cuồng loạn là một trạng thái của tâm thức, biểu hiện là sự kích động thái quá, không thể điều khiển được các cảm xúc.

1 nhận xét:

  1. Tôi nhớ, nhà thơ Tố Hữu đã viết về chuyện MCTT bởi đoạn sau:
    Tôi kể bạn nghe chuyện Mỵ Châu
    Trái tim lầm chỗ để trên đầu
    Nỏ thần sơ ý trao tay giặc
    Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!