[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


09 tháng 5 2009

DANH NHÂN HỌ LƯƠNG

Trải bao dâu bể cơ trời.
Tộc lương cũng góp bao người nổi danh.

90. LƯƠNG LONG:
梁隆 là người Giao Chỉ từng lãnh đạo Khởi nghĩa (178-181) tập hợp nhân dân các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố chống lại chính quyền đô hộ Đông Hán (東漢, 25–220) . Lực lượng nghĩa quân lên tới hàng vạn người, liên kết với người Ô Hử (tổ tiên người Tày) ở biên giới Việt-Trung, người Choang ở Quảng Tây, nổi dậy đánh chiếm được các quận huyện và nhiều vùng đất từ Giao Chỉ đến Hợp Phố và từ Cửu Chân đến Nhật Nam. Thứ sử Giao Châu là Chu Ngung phải đóng cổng thành cố thủ và xin viện binh. Mùa hè năm 181 Đông Hán vương cử Lan Lăng, Chu Tuấn mang 5000 quân sang đánh dẹp, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.

91. LƯƠNG ĐĂNG:
梁登 (? - ?), hoạn quan, người hiệu đính lễ nhạc thời Lê Sơ. Năm 1437, Nguyễn Trãi và Lương Đăng định nhã nhạc, nhưng ý kiến khác nhau, Nguyễn Trãi xin từ việc. Cuối năm đó, Lương Đăng soạn xong các loại nhã nhạc dùng trong tế giao, tế thái miếu, ngụ tự, khi có nhật thực và nguyệt thực, khi đại triều, thường triều, đại yến, trong cung... cùng các nghi thức, quy chế tế lễ. Từ đó về sau, vua Lê bãi bỏ hát chèo, không tấu tục nhạc trong cung đình nữa.

92. LƯƠNG NHỮ HỘC:
梁汝鵠 (tự: Tường Phủ, hiệu: Hồng Châu; 1420 - 1501), nhà văn, ông tổ nghề khắc ván in Việt Nam. Người huyện Trường Tân, trấn Hải Dương (nay là xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Đỗ Thám hoa (1442) đời Lê Thái Tông, làm quan đến chức Thị lang, gia Trung thư lệnh và Đô ngự sử. Lương Nhữ Hộc hai lần đi sứ sang Trung Hoa (1443 và 1459), đã học được nghề khắc ván in sách. Về nước, truyền nghề cho dân làng Liễu Chàng, Hồng Lục, làm nên trung tâm khắc ván in chữ và sau này là tranh khắc của cả nước. Phường thợ quê ông đã khắc chữ in bộ “Đại Việt sử kí toàn thư”. Lương Nhữ Hộc trở thành “Tổ sư” nghề in khắc ván từ đấy. Hiện nay vẫn còn đền thờ Lương Nhữ Hộc ở Liễu Chàng. Tác phẩm có: “Cổ kim chế từ tập”, tập hợp các “chế từ” từ thời cổ đến thời Lê; “Hồng Châu quốc ngữ thi tập” là tập thơ chữ Nôm. Cả hai tác phẩm này đều đã thất lạc. Hiện nay chỉ còn lại 6 bài phú chữ Hán trong “Quần hiền phú tập” và 6 bài thơ chữ Hán trong “Trích diễm thi tập” và “Toàn Việt thi lục”.

93. LƯƠNG THẾ VINH:
梁世榮 Tên chữ là Cảnh Nghị (hiệu: Thuỵ Hiên; 1440 - ?), nhà thơ, nhà văn hoá Việt Nam. Người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu, và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim. Năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), được vua Lê Thánh Tông ban tặng Cờ hoa Tam Khôi cho ba vị đỗ đầu:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh - (Thiên hạ đều biết tên)
Làm quan các chức: Trực học sĩ viện Hàn lâm, Thị thư, Chưởng viện sự, là sái phu trong Hội Tao đàn. Nổi tiếng thần đồng, học rộng, tài trí khoáng đạt, bình dị, được vua và dân coi trọng. Thơ, văn, kí, bia, giáo khoa nhà chùa, văn từ bang giao, vv. do ông viết nặng tính chất quan phương, tôn giáo. Có ý nghĩa trong sự nghiệp trước tác của Lương Thế Vinh là cuốn “Đại thành toán pháp”, “Khải minh Toán học” biên soạn về toán học; “Hí phường phả lục” khảo cứu về hát chèo; “Thiền môn Khoa giáo” (còn gọi là Thích điển Giáo khoa), Bài tựa sách :Nam Tông Tự Pháp Đồ”, “Thập giới Cô hồn Quốc ngữ văn” viết về Phật học. Lê Quý Đôn khen Lương Thế Vinh là người “tài hoa danh vọng bậc nhất”, nhất là lĩnh vực Toán học, đến nay người ta còn gọi là “Trạng Lường”. Ông nổi tiếng bởi lời tiên đóan khi Vua Lê Thánh Tông (có nhiều vợ với 14 người con trai), thường mãn nguyện nói với các quan rằng: Trẫm có lắm con trai, cơ nghiệp sau này vững bền không phải lo gì nữa ông thẳng thắn tâu : Lắm con trai chỉ là đầu mối của loạn lạc. Chỉ hơn 10 năm sau cái chết của Thánh Tông, điều Trạng Lường nói đã thành hiện thực.
Ông còn là bác họ và thày dạy của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng.
Khi ông qua đời, nhiều nơi thờ làm phúc thần, Vua Lê Thánh Tông rất mực thương tiếc và viết một bài thơ khóc Trạng:
Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta

94. LƯƠNG ĐẮC BẰNG và 14 chước trị bình:
梁得朋 (1472 - 1522), danh thần đời Lê sơ, người làng Hội Triều (Hoằng Hoá, Thanh Hoá). Năm Kỷ Mùi 1499, ngày 10/7, mới 28 tuổi, trong khi ứng chế với đề 五王帐”Ngũ Vương trướng” được ưu hạng, được thưởng bậc nhất đỗ Bảng nhãn (榜眼, tức là Trạng nguyên 狀元 dưới triều Lê) đời Cảnh Thống 景統 Lê Hiến Tông. Từng cùng các đại nho: Đông các học sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Lê Ngạn Tuấn, Lê Mậu Thưởng, Nguyễn Xung Xác, Hàn lâm viện thị thư Nguyễn Tôn Miệt, Đông các hiệu thư Đặng Tòng Củ, Đặng Minh Khiêm, Lương Đắc Bằng, Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Viên, Vũ Châu, Hiệu thảo Nguyễn Mẫn hoạ lại bài thơ ngự chế: 觀架亭中秋玩月 Quan Giá đình trung thu ngoạn nguyệt 15 vần của Vua. Sau đó được bổ làm Tả thị lang Bộ Lễ 禮部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Giáo dục nay), sau làm Tả thị lang Bộ Lại 吏部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay). Tháng 11 Kỷ Tỵ 1509, được Giản Tu Công Dinh (trá xưng là Cẩm Giang Vương) sai viết hịch dụ đại thần và các quan tố cáo Đoan Khánh Uy Mục đế và kêu gọi mọi người khởi binh đánh đổ Uy Mục (1505-1509), lập Tương Dực làm vua (1509-1516). Thời Tương Dực, làm Thượng thư Bộ Lại 吏部尚書 (như Bộ trưởng Nội vụ nay), tước Đôn trung bá. Những năm làm quan thấy tình hình đất nước trong cảnh rối ren, giặc bên ngoài chưa yên, quyền thần đánh lẫn nhau, chém giết nhau dưới cửa khuyết, chốn Kinh sư đẫm máu, cái điềm vận nước ngày một suy đã xuất hiện, tháng 10 năm Canh Ngọ (1510) Lương Đắc Bằng đã dâng bài sách “Trị Bình” 14 mục lên vua 洪 順 Lê Tương Dực .
Mở đầu Trị bình thập tứ sách 治平十四冊, Lương Đắc Bằng chỉ rõ “Thánh quân ngày xưa không cho thiên hạ thịnh trị mà quên lòng răn ngừa; hiền thần ngày xưa không thấy vui thành công mà quên lòng can gián. Vì thế thời Ngu Thuấn đã thịnh trị mà Bá Ích vẫn can vua: “Chớ ham nhàn rỗi, chớ đắm vui chơi, không trễ không lười, để công việc quốc gia bê trễ”. Đế Thuấn nghe lời mà ngăn ngừa những việc đáng răn, do đó đã trở thành bậc thánh lớn. Đời Văn Hán Đế (179-163 tCn) dân đã giàu có đông đúc rồi mà Giả Nghị vẫn dâng kế sách nói rằng đất nước đang ở trong tình trạng “để lửa gần củi” Văn Đế nghe lời can này mà lo nghĩ việc đáng lo, do đó nên bậc vua hiền”. Lương Đắc Bằng chỉ rõ tình hình đất nước từ khi vua lên ngôi: “Khí hòa thuận chưa điều tiết, việc binh đao chưa dẹp yên, triều cương chưa cất nhấc, quân chính chưa sửa sang, tai dị thường xuất hiện, đạo trời chưa được thuận, đạo đất chưa được yên, kẻ gian phi lén phát, bọn nghịch tặc manh lòng, lòng người chưa yên ổn...”. Từ tình hình thực tế của đất nước, của bản triều, Lương Đắc Bằng đã dâng lên vua 14 kế sách như sau:
“1. Hết lòng răn sợ để dập tắt biến cố tai dị.
2. Dốc lòng làm điều hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu.
3. Xa bỏ con hát, sắc đẹp để giữ vững căn bản lòng người.
4. Trừ bỏ gian nịnh để nguồn gốc phong hóa được trong sạch.
5. Dè sẻn trong việc ban đặt quan chức để cẩn thận việc khuyên răn.
6. Công bằng trong việc bổ dụng để trong sạch đường làm quan.
7. Tiết độ trong việc dùng tiền tài để khuyến khích thói kiệm phác.
8. Khen thưởng người tiết nghĩa để trọng đạo cương thường.
9. Cấm ăn của đút để trừ bỏ thói tham ô.
10. Sửa võ bị để nước mạnh thế chống giữ.
11. Lựa chọn người can ngăn ở Ngự sử đài để cổ vũ chí khí người mạnh dạn dám nói lời ngay thẳng.
12. Giảm nhẹ việc lực dịch để nuôi dưỡng sức dân.
13. Ban hành pháp luật đúng đắn để thống nhất tâm chí bốn phương.
14. Cẩn thận pháp độ để mở đời thịnh trị thái bình”.
Với tất cả tài trí, tâm huyết của mình, Lương Đắc Bằng đã khái quát được tất cả các việc cần làm để ổn định triều chính, ổn định xã tắc, quan tâm đến dân tình. Tuy kế sách trên không thể thực hiện đầy đủ do hạn chế của thời cuộc, song lịch sử vẫn ghi nhận Lương Đắc Bằng là một nhà cải cách xuất sắc gần hồi thế kỷ XVI. Những đề xuất của Lương Đắc Bằng mà ngày nay suy ngẫm ta vẫn thấy nhiều điều còn mang tính thời sự nóng hổi.
Vua xem khen nhưng không dùng. Nhận thấy dù đem hết tâm sức ra giúp nước cũng không thể vãn hồi được tình thế. Chính cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim đã viết như sau : “Giữa thời biến loạn, giặc giã nổi lên, vua thì xa xỉ vô độ. Triều đình tuy có các ông Lê Trung, Lương Đắc Bằng v.v... nhưng người thì già chết, người thì xin thôi quan về...”. Do vậy Cụ Lương Đắc Bằng cáo quan về nhà, mở trường dạy học và nghiên cứu lý số. Nguyên khi làm quan, Cụ thường được vua cử đi sứ Trung Hoa và làm tròn sứ mệnh ngoại giao và trong một dịp đi sứ, cụ có mang về bộ Thái Ất Thần Kinh để tham khảo. Cụ rất thanh liêm và trọng đạo đức, dù làm quan mà gia cảnh rất nghèo, con phải đi gặt thuê để sống. Vừa dạy học, Cụ vừa tiếp tục nghiên cứu cuốn sách trên cho nên tinh nghề lý số, việc gì cũng tính biết được trước. Nghe tiếng và mến mộ Cụ nên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) tìm vào Thanh Hóa theo học. Nhận thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm tính tình khoáng đạt và thích lý số, nên Cụ truyền dạy và trao cho toàn bộ Thái Ất Thần Kinh. Sau này cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên 狀元, làm quan đến chức Lại bộ Thượng Thư 吏部尚書, tước Trình Quốc Công, người đời thường gọi là Trạng Trình, cụ có truyền lại cuốn “sấm Trạng Trình” 狀程讖 tiên đoán việc đời sau. Khi mất, Lương Ðắc Bằng dặn lại Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau phải trông nom con mình là Lương Hữu Khánh. Cụ Trạng đã làm theo lời dặn của thầy (về gia thế Cụ và mối quan hệ với NBK xem thêm dưới và Lào Cai Lương Đức Gia phả). Đại Việt sử ký viết cụ mất năm Bính Tuất, 1526 đời Lê Cung Hoàng vào dịp Trần Cao đã kéo quân uy hiếp kinh thành.
Lương Đắc Bằng được một số chi họ suy tôn là Thượng Thủy Tổ dòng họ Lương. Làng Hội Triều có 14 dòng họ cộng cư chung sống. Làng chia làm 7 xóm: xóm Nghè, xóm Trường, xóm Trung Lương, xóm Quán, xóm Đá, xóm Đình và xóm Sau và họ Lương là dòng họ đến làng Hội Triều đầu tiên. Tiếp theo là họ Trương, họ Lường, họ Hoàng Đình. Đồng thời họ Lương là họ có nhiều vị đỗ đạt nhất và cũng là họ danh giá nhất làng. Họ Lương Hội Triều nổi tiếng với Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh, Lương Khiêm Hanh, Lương Đạt đều là Tiến sĩ. Ngày xưa các cụ cho đất Hội Triều là: “Song long đáo hải; Lưỡng phượng trình tường”.

95. LƯƠNG HỮU KHÁNH:
梁有慶 (thế kỉ 16), nhà thơ Việt Nam. Người Thanh Hoá, con bảng nhãn Lương Đắc Bằng; học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lương Hữu Khánh là bậc danh thần khai nghiệp thời Lê Trung Hưng. Sáng tác chỉ còn vài bài thơ, phú; đáng chú ý là bài thơ “Quan sử”, dài 400 câu, bút pháp gân guốc, thể hiện niềm tự hào về lịch sử của dân tộc từ Kinh Dương Vương đến Lê Trung Hưng.
Sử cũ chép: Cụ tính tình cương trực, thanh liêm, cụ nối được chí hướng của cha, luôn luôn gìn giữ truyền thống gia phong, tôn trọng đạo đức. Tính tình lại giản dị, an nhiên, nếp sống thanh cao, hào sảng.
Sách Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính cũng có chép giai thoại về cụ :
1. Gia đình có cha là đại quan, nhưng thanh liêm nên lúc nhỏ nhà túng bấn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cụ học rất giỏi, nổi tiếng hay chữ từ nhỏ nhưng nghèo quá phải đi cày mướn gặt thuê, hoặc tìm đến trường làm văn bản mướn kiếm tiền độ nhật. Cụ có sức khoẻ mạnh, nên gặt nhanh chóng được nhiều thửa ruộng, rồi nằm ngủ ngay tại chỗ, gối đầu lên bờ ruộng.
2. Một hôm, cụ qua chuyến đò sông Tam Kỳ, gặp mấy hoà thượng đi đám chay về và mang túi oản. Thấy cụ cứ nhìn, nhá sư biết cụ đói, cho vài phẩm oản, nhưng cụ không nhận vì ít quá, không đủ no. Nhà sư ngạc nhiên, biết cụ là học trò, yêu cầu cụ làm bài thơ Nho tăng đồng chu (học trò, nhà sư cùng thuyền), nếu xong trước khi đến bến, sẽ tặng cả túi oản. Cụ đọc ngay :

Nang trung kinh sử kiệp kim cương,
Nhĩ ngã kim đồng phiếm nhất hàng
Hội si cù đàm khanh khoái lạc,
Vị long hoàng các ngã xu thương
Duy biên nhĩ thượng cừu Hàn Dũ
Vãng sự ngộ do hận Thủy Hoàng
Nhất ngộ vô đoan này tiễn biệt
Nhĩ thành phúc quả ngã vinh xương.
Dịch:
Một hòm kinh sử, túi kim cương
Người tớ cùng sang một chuyến đường
Trong hội cồ đàm người thoả thích
Trên ngôi đài các tớ nghênh ngang
Chuyện xưa ngươi vẫn căm Hàn Dũ
Việc trước ta còn oán Thủy Hoàng
Gặp gở một lần rồi tiễn biệt
Kẻ tròn quả phúc, kẻ vinh xương.

Giai Thoại Văn Học Việt Nam, Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch biên soạn, NXB Văn Học 2001, còn chép thêm như sau : "Thơ làm xong, các nhà sư đưa hết túi oản cho cụ, và cụ ngồi ăn hết sạch. Các nhà sư càng thấy lạ, Có nhà sư tặng thêm cho cụ quan tiền, và dặn sau này làm nên nghiệp lớn, có đánh dẹp đâu, xin chừa nhà chùa ra. Cụ đã y theo lời dặn ấy, về sau mỗi khi tiến quân đánh Mạc, cụ đều ra lệnh cho quân sĩ hết sức bảo vệ chùa chiền".

96. LƯƠNG THỊ MINH NGUYỆT:
梁氏明月 Vào cuối đời Trần (Trần Quí Khoáng 1409-1413), gia đình ông bà họ Lương ở thôn Ngọc Chuế thuộc làng Chuế Cầu, tổng Tử Mặc, Ý Yên, sinh hạ được một con gái, gọi là Lương Thị Cô (sau gọi là Lương Thị Minh Nguyệt), có sức khỏe, thông minh và xinh đẹp. Cha mẹ cô muốn gả con cho một nhà thế gia vọng tộc ở huyện bên, song cô một hai xin được lấy chồng người làng, dù nghèo để được gần gũi cha mẹ. Thế là cô đẹp duyên cùng chàng Đinh Tuấn ở xóm trên. Hai vợ chồng ý hợp tâm đầu đều có lòng căm thù giặc Minh. Sau khi diệt nhà Hồ, quân Minh chiếm đóng huyện nhà và xây thành Cổ Lộng. Thành đắp trên bờ sông Đáy và kề đường thiên lý. Đá xây thành được lấy từ núi Thiên Kiệu (tên nôm là núi Bô) khá kiên cố. Xây thành Cổ Lộng, ý đồ của Mộc Thạnh hòng kiểm soát giao thông thủy, bộ giữa Đông Đô (Hà Nội) và Tây Đô (Thanh Hóa) nhà bà Lương ở cách thành không xa, bà chứng kiến mọi nỗi đau khổ của dân làng phải phục dịch việc xây thành và bị đánh đập tàn nhẫn. Bà Lương thường nói với chồng: “Tang bồng hồ thỉ là trí làm trai, vải tơ tần tảo là phận làm gái. Nhưng ngày xưa đã có bà Trưng, bà Triệu cũng yếm khăn mà vượt cả đàn ông, tên tuổi lưu truyền sử sách...”.
Vốn là cô gái xinh đẹp, mưu trí dũng cảm; những lúc qua thành Cổ Lộng, bà Lương thường bị bọn lính Minh trêu ghẹo. Từ đó bà nảy ý mở một ngôi quán bán quà bánh ngay ở bên thành để nắm tình hình địch cụ thể, mưu việc lớn. Còn ông Đinh thì ngầm liên kết với những người có tâm huyết trong vùng để chờ thời cơ hành sự. Lúc đó Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa ở Thanh Hóa. Bà Lương tìm đường vào tận bản doanh tường trình tình hình giặc ở Cổ Lộng. Lê Lợi rất mừng và giao bà toàn quyền hành sự tiêu diệt giặc.
Thế rồi mùa đông đến, bọn lính nhà Minh khi ngủ mỗi đứa thường chui vào một cái bao để tránh muỗi và rét, bà Lương thường được lũ giặc nhờ thắt nút bao. Những đêm đầu, bà thắt hờ để sáng ra bọn giặc đạp bao, nút được cởi mà chui ra. Trong một đêm đầu Đông, gió heo may lạnh, bà Lương theo lệ thường đem rượu thịt vào thành bán rẻ cho bọn giặc. Bà đem theo một số cô gái trẻ nói là để múa hát cho vui. Quân tướng giặc Minh vừa được uống rượu say, vừa được ngắm người đẹp rồi chui vào túi ngủ. Lần này bà Lương thắt nút bao thật chặt, sau đó bà cùng các cô gái ra mở cửa thành. Ông Đinh Tuấn đã phục sẵn đội ngũ từ trước, cửa thành mở, cho quân xông vào. Tất cả bọn giặc đều bị khiêng vần xuống sông Đáy...
Thành Cổ Lộng (gọi nôm là Thành Cách) đã bị bà Lương cùng chồng dùng mưu để quân và dân ta san thành bình địa, khai thông con đường từ Thanh Hóa ra Đông Quan của nghĩa quân Lê Lợi sau này. Năm Thuận Thiên thứ 5, tháng chạp (1-1432) bà Lương qua đời.
Nhân dân tôn kính gọi bà bằng tước do Lê Lợi phong: “Kiến quốc phu nhân” và Lê Thánh Tông cho lập đền thờ, xây mộ vợ chồng bà tại quê. Nhân dân quanh vùng đã quanh năm khói hương từ bấy đến ngày nay. Từ Bình Cách, qua cánh đồng Hang, theo con đường đất đi một đoạn đến thôn Ngọc Chuế là đền Kiến Quốc và lăng mộ của hai vợ chồng bà Lương được nhân dân trong vùng tôn kính lập nên để tri ân người con gái họ Lương giàu lòng yêu nước, thương dân. Lương Kiến quốc phu nhân xứng đáng được nhân dân tôn vinh xếp vào hàng các vị nữ anh hùng của đất Việt .

97. LƯƠNG VĂN CHÁNH:
梁文正 (?-1611) là một võ quan nhà Lê và là người có công với sự nghiệp chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên.
Ông sinh khoảng thập niên 40 của thế kỷ thứ 16. Quê ở làng Tào Sơn, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa (có tài liệu ghi ở xã Phượng Lịch - Hoằng Hóa - Thanh Hóa). Năm Mậu Ngọ 1558, Lương Văn Chánh đã theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá. Đến năm 1578, Lương Văn Chánh đem quân tiến đến Sông Đà Diễn (hay Đà Rằng) đánh chiếm được Hồ Thành do vậy được thăng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân. Sau đó ông được giao trông coi huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (giờ thuộc tỉnh Bình Định). Năm 1593, nhà Lê Trung Hưng thu phục được Thăng Long trong tay họ Mạc, Nguyễn Hoàng đem quân ra giúp Trịnh Tùng và chúc mừng vua Lê. Lương Văn Chánh tháp tùng Nguyễn Hoàng, lập được nhiều chiến công ở Sơn Nam và Hải Dương trong hai năm 1593 và 1594 và được vua Lê Thế Tông tấn phong Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân cai quản 4 về Thần Vũ, tước Phù Nghĩa hầu vào năm Quang Hưng, thập cửu niên thập nhị nguyệt sơ ngũ nhật (Quang Hưng, năm thứ mười chín, ngày mồng Năm tháng Mười Hai Bính Thân, 1596).
Đến năm 1597, ông Lương Văn Chánh đang là Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đưa chừng 4.000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông đến đèo Cả (địa bàn tỉnh Phú Yên ngày nay), từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông Cái.Ông mất ngày 19 tháng 9 năm Tân Hợi (1611) tại thôn Long Phụng, thuộc xã Hòa Trị ngày nay; được nhân dân an táng, lập đền thờ nhớ ơn và suy tôn ông là Thành Hoàng.
Đến khi Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627 – 1672) chấm dứt, vào năm Chính Hoà thứ mười (1689) chúa Nguyễn mới truy phong cho cho Lương Văn Chánh tước Bảo quốc chi thần (thần bảo hộ đất nước). Đến năm 1693, ông lại được phong một lần nữa tước Bảo quốc Hộ Dân chi thần (thần bảo hộ đất nước và dân chúng). Sau đó suốt từ 1689 đến 1767, Chúa Nguyễn đã 5 lần gia phong cho Lương Văn Chánh, tước vị cuối cùng là Phù Quân công, Thần Bảo Hộ Dân, Hựu Thuận Phong Công, Tỉnh Tiết.
Đến thời Nhà Nguyễn, ông đã được gia phong thêm 6 lần nữa, vào các năm Minh Mệnh thứ ba (1822), Thiệu Trị năm thứ ba (1843), Tự Đức năm thứ ba (1850), Tự Đức năm thứ ba mươi ba (1880) Đồng Khánh năm thứ hai (1887), và Duy Tân năm thứ ba (1909) với danh hiệu Dục bảo Trung hưng Thượng đẳng thần.
Để tưởng nhớ người có công khai hoang vùng đất Phú Yên, hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức cúng tế, chăm lo giữ gìn, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lương Văn Chánh.Với tầm vóc của một di tích lịch sử, Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam đã công nhận khu mộ và đền thờ Lương Văn Chánh là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trường Trung học phổ thông đầu tiên của Phú Yên cũng mang tên ông, đó là Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh .

98. LƯƠNG VĂN CAN :
梁文肝(1857 - 1927), người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, sinh năm Đinh Tị. Ông là một sĩ phu yêu nước, tiến bộ, ủng hộ phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng. Năm 1907, Lương Văn Can cùng một số sĩ phu chủ trương làm cách mạng bằng con đường phát triển văn hoá. Trường Đông Kinh nghĩa thục mở ở Hà Nội do Lương Văn Can phụ trách đã thu hút được nhiều người tham gia ủng hộ, tác động to lớn trong việc truyền bá tư tưởng mới ở Hà Đông, Sơn Tây và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ông còn là tác giả của các cuốn sách đầy giá trị như Quốc sự phạm lịch sử, Hán tự tuyệt kinh, Ấm học tùng đàm, Gia huấn,...
Lương Văn Can bị bắt đi đày an trí ở Cao Miên 10 năm, mất ở Hà Nội. Các con ông: Lương Trúc Đàm, Lương Nhị Khanh, Lương Ngọc Quyến đều hy sinh vì nước.

99. LƯƠNG TRÚC ĐÀM:
梁竹談 (tên thật: Lương Ngọc Liêu; hiệu: Trúc Đàm; 1875 - 1908), nhà văn Việt Nam. Con nhà yêu nước Lương Văn Can. Người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Đỗ cử nhân (1903). Tác giả cuốn “Nam quốc địa dư” (chữ Hán), tập hợp những bài Lương Trúc Đàm giảng ở trường Đông Kinh nghĩa thục, nhằm cổ động lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc trong đông đảo quần chúng.

100. LƯƠNG NGỌC QUYẾN:
梁玉狷 (cg. Lương Lập Nham; 1885 - 1917), chí sĩ Việt Nam thời cận đại. Người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Con thứ của Lương Văn Can; sớm chịu ảnh hưởng tư tưởng Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (Trung Quốc). Tháng 10.1905, cùng em ruột là Lương Nhị Khanh hưởng ứng Đông du, sang Nhật Bản. Được Phan Bội Châu gửi học Trường Chấn Vũ, tốt nghiệp loại ưu (cuối 1908); tham gia Công hiến hội. Bị trục xuất, sang Trung Quốc học các trường quân sự, nhận chức thiếu tá trong quân đội Trung Hoa; tham gia Việt Nam Quang phục hội, uỷ viên quân sự Bộ chấp hành. Năm 1914, về nước gây cơ sở cách mạng tại Nam Kỳ, rồi sang Thái Lan, Hương Cảng. Lương Ngọc Quyến bị mật thám Anh bắt trao cho Pháp, đưa về Việt Nam giam ở các nhà lao Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên. Tại đây, cùng Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, hi sinh khi quân Pháp phản công chiếm lại tỉnh lị Thái Nguyên (5.9.1917). Để lại bài thơ “Cảm tác” làm khi bị giam ở Hoả Lò, Hà Nội.

101. LƯƠNG KHÁNH THIỆN:
梁慶善 (1903 - 1941), nhà hoạt động chính trị trong phong trào cộng sản Việt Nam. Quê làng Mễ Tràng, xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Năm 1925, vận động học sinh Trường Kĩ nghệ thực hành Hải Phòng bãi khoá, đòi ân xá Phan Bội Châu, bị đuổi học. Làm thợ nguội ở Nhà máy sợi Hải Phòng (1926). Gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1927). Năm 1928, thành lập cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hải Phòng. Năm 1929, vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Bị bắt sau cuộc biểu tình 1.5.1930, bị kết án khổ sai chung thân và đày ra Côn Đảo. Năm 1936, được ân xá, về Hà Nội hoạt động, tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1937 - 41, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng. Bị bắt cuối 1940 và bị toà án quân sự Pháp kết án tử hình.

102. LƯƠNG ĐỊNH CỦA:
(1920 - 1975), Tiến sĩ nông học Việt Nam. Quê xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Tạo ra một số giống lúa: nông nghiệp 1 (lai giữa Ba Thắc - Nam Bộ với Kunko - Nhật), giống lúa mùa muộn Saibuibao, giống lúa chiêm 314 (lai giữa dòng Đoàn Kết và Thắng Lợi), chọn giống từ IR8 ra dòng NN8 - 388, giống NN75 - 1 (lai giữa giống 813 với NN1) và một số giống cây trồng khác: dưa hấu không hạt, dưa lê, khoai lang, rau muống, đu đủ, xương rồng,vv. Đề ra một số mô hình canh tác: bờ vùng bờ thửa... Các công trình khoa học chính: đa bội thể ở tông Oryzeae, ảnh hưởng của ánh sáng giai đoạn trên các giống lúa khi nhận đoản quang kì, nghiên cứu tế bào học trên lúa Oryza sativa. Anh hùng lao động (1967), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1995; truy tặng).

103. LƯƠNG KIM ĐỊNH
Kim Định sinh ngày 15/6/1915 tại tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp môn Triết học tại Giáo Hoàng Chủng Viện Sait Albert Le Grand. Năm 1943 đến 1946 ông dạy triết học tại Chủng Viện Bùi Chu. Năm 1947, ông lại sang Pháp nghiên cứu về triết học 10 năm. Ông tốt nghiệp Triết học tại Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris), và tốt nghiệp Nho học tại Học viện Trung Hoa Paris (Institut des Hautes Etudes Chinoises), Paris. Năm 1958 ông dạy triết học phương Đông tại Học viện Lê Bảo Tịnh, Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh và Đại học Đà Lạt. Cùng với Nguyễn Văn Thích và giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, ông là người khai mở khoa Triết học Đông phương tại trường Đại học Văn khoa từ năm 1958 và sau này tại vài trường đại học khác. Ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam (mà ông gọi là Việt Triết hay Việt Nho). Ngày nay, tổ chức An Vi (An Việt, nghiên cứu triết học Việt Nam) xem ông như tổ sư triết học. Ông để lại ít nhất 23 cuốn sách. Ông từ trần ngày 25 tháng 3 năm 1997 tại Carthage, Missouri, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 82 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!