[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


09 tháng 5 2009

Biến cố THỜI THƯỢNG TỔ LẬP NGHIỆP

Mất mùa, loạn lạc, chia ly .
Tha hương tìm chốn lập quê, gây dòng.
1. Lược sử VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1533-1789:
Ðến đầu thập lục thế kỷ XVI, bởi vì vua nhà Lê hoang dâm vô độ, bỏ việc triều chính đổ nát, cho nên trong nước loạn lạc, nhà Mạc nhân dịp này đoạt ngôi. Nhà Lê tuy đã mất ngôi, nhưng lòng người còn tưởng nhớ đến công đức của vua Thái Tổ và vua Thánh Tông, cho nên lại theo phò con cháu nhà Lê ở phía nam, lập ra triều đình riêng ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, để chống lại nhà Mạc. Đất nước chia ra thành hai miền: Nam triều và Bắc triều; hai bên đánh nhau trong năm sáu mươi năm trời. Nhà Lê nhờ có họ Trịnh giúp nên dứt được nhà Mạc, tưởng giang sớm thống nhất như cũ, ai ngờ họ Trịnh và họ Nguyễn lại sinh lòng ghen ghét, gây nên mối oán thù, rồi mỗi họ hùng cứ một phương, chia nưóc ta làm hai mảng: họ Nguyễn giữ xứ Nam, họ Trịnh giữ xứ Bắc. Từ đó giang sơn chia rẽ, Nam Bắc phân tranh. Nhà Hậu Lê từ khi Trung Hưng lên, con cháu vẫn giữ ngôi vua, nhưng quyền chính trị nằm cả trong tay họ Trịnh. Còn ở phía nam, từ sông Linh Giang trở vào là cơ nghiệp của họ Nguyễn. Tuy vậy, hai họ chỉ xưng chúa, chứ không xưng vua, và bề ngoài vẫn tôn phù nhà Lê.
Ở ngoài Bắc, về cơ bản họ Trịnh với tài năng quân sự và thái độ cứng rắn của Trịnh Tùng đã cơ bản dẹp tan được chính quyền nhà Mạc ở kinh đô và đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng các dư đảng nhà Mạc thì vẫn nổi lên khắp các tỉnh trung du và miền núi Việt Bắc. Nhà Lê Trịnh vẫn phải nhiều lần phái những đội quân lớn do Thái phó Thanh quận cộng Trịnh Kháng và các thuộc tướng Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Cảnh Kiên, Tạ Thế Phúc, Nguyễn Khải, Nguyễn Hắc, Nguyễn Duy Thì... đem quân đánh Mạc. Cũng vào thời này vấn đề tranh giành quyền lực và xung đột giữa họ Trịnh ở Ðàng ngoài và họ Nguyễn ở Ðàng trong bắt đầu đặt ra với việc Nguyễn Hoàng tự ý bỏ vào Thuận Quảng. Nhân cơ hội ấy dư đảng của nhà Mạc lại nổi lên. Trong tình hình đó, Vua Lê Kính Tông cùng với Trịnh Xuân (con thứ của Trịnh Tùng) mưu giết Trịnh Tùng nhưng không thành. Trịnh Xuân bị giam vào nội phủ, còn vua Kính Tông bị bức thắt cổ chết ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Mùi.
Sau khi Lê Dụ Tông (huý là Duy Ðường, con trưởng Lê Hy Tông, 1705-1728) lên ngôi đổi niên hiệu là Vĩnh Thịnh, thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao vì chiến tranh Trịnh - Nguyễn tạm dừng. Trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành, Trung Quốc thì trả lại đất. Nhà vua giũ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị lúc bấy giờ người phải kể đến công lao giúp chính của chúa Trịnh Cương (1709-1729). Trịnh Cương cùng với các bồi tụng và tham tụng: Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Cơ đều là người giúp việc rất đắc lực và liêm khiết, họ chủ trương cải cách trên nhiều lĩnh vực kinh tế-tài chính, thi cử, tổ chức hành chính, và quan lại... Nhưng các cải cách đó chưa thu được kết quả thì Trịnh Cương qua đời.
Dưới thời cầm quyền của Trịnh Giang (1729-1740), tình hình trong nước lại mất ổn định. Giang là kẻ vô cùng bạo ngược, không việc gì là không làm: sát hại công thần, tự cho thi tiến sĩ ở phủ đường... giết vua nọ lập vua kia... Vì thế tháng 12 năm Mậu Ngọ 1738 một người tôn thất nhà Lê là Lê Duy Mật và Duy Quý (con Lê Dụ Tông), Duy Chúc (con Hy Tông) cùng một số quần thần bàn mưu đốt kinh thành nhưng việc không thành, họ phải vượt biển chạy vào Thanh Hoá. Giang cho quân đuổi theo nhưng không kịp. Sau vụ đó, Duy Mật bèn chiếm cứ miền thượng du vùng Tây Nam chống nhau với nhà Trịnh ròng rã 30 năm trời.
Từ ngày làm việc bạo nghịch giết vua, Trịnh Giang lấn quyền vua ngày càng quá quắt. Thêm vào đó lại chơi bời dâm dục không còn mức độ nào cả. Vì thế Giang bị mắc chứng bệnh kinh quý, sợ sấm sét. Bọn hoạn quan là Hoàng Công Phụ đánh lừa Giang: chúng đào đất làm cung thưởng trì dưới hầm cho Giang ở. Từ đó Giang không bước chân ra ngoài, Công Phụ cùng đồng đảng của hắn càng có dịp chuyên quyền, lũng đoạn triều chính. Các quan đại thần kế tiếp nhau người bị giết, người bị phạt. Chính sự trái ngược, thuế khoá nặng nề, lòng dân mong chóng nổi lên loạn lạc. Lúc ấy hàng loạt cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra ở khắp nơi: Vùng Hải Dương có Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh, ở vùng Sơn Nam có Hoàng Công Chất... họ đều lấy danh nghĩa “phò Lê”. Dân ở vùng Ðông Nam, người đeo bừa, người vác gậy đi theo, chỗ nhiều đến hơn vạn, chỗ nhỏ cũng hàng ngàn hàng trăm. Quân khởi nghĩa vây các cấp, các thành, triều đình không thể ngăn cấm được.
Đến thời Lê Hiển Tông (1740-1786) trong nước gặp nhiều việc: bốn phương quân khởi nghĩa nổi lên liên tục không lúc nào yên. Nhưng nhờ có tài giúp đỡ của Minh Vương Trịnh Doanh (1740-1769) nên 10 năm sau đất nước đã trở lại yên bình, dân yên cư lạc nghiệp, người bấy giờ cũng ca ngợi là thời thái bình.
Tháng 12 năm Tân Mão (1771) Trịnh Sâm (1767-1782) sai giết Thái tử Duy Vĩ, tháng Giêng năm Quý Mão (1783) lập Duy Khiêm làm Hoàng thái tôn, truất Duy Cận làm Sùng Nhượng công.
Lúc đó Nguyễn Huệ đã cưới công chúa Ngọc Hân. Ông có hỏi Ngọc Hân về việc các hoàng tử, công chúa rất khen Duy Cận là người tốt. Nguyễn Huệ muốn bàn luận lại việc lập người nối ngôi, triều đình lo sợ, không biết làm thế nào được, các người trong họ tông thất đều trách móc công chúa làm hại mưu kế lớn của xã tắc. Công chúa sợ, trở về xin với Nguyễn Huệ, Nguyễn Huệ nhận lời, bèn phò Thái tôn lên ngôi Hoàng đế, đổi tên là Duy Kỳ. Lấy niên hiệu là Chiêu Thống. Khi Nguyễn Nhạc ra Thăng Long, Lê Chiêu Thống đem trăm quan thân hành đón tiếp ở ngoài cửa Nam Giao. Sau khi cùng Nguyễn Nhạc đàm đạo việc nước vua Lê xin cắt đất cho Nguyễn Nhạc để khao quân. Nguyễn Nhạc từ chối. Rồi Nguyễn Nhạc cùng vua Lê ước hẹn đời đời làm láng giềng hoà hiếu. Nhưng khi Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân thì hào mục ở các nơi lại nổi dậy cát cứ, họ Trịnh cùng Trịnh Bồng trở lại Thăng Long tự lập làm nguyên soái và lấn át nhà vua như trước, khiến cho triều đình rối ren, chém giết lẫn nhau. Nguyễn Huệ lại phải kéo quân ra Bắc dẹp nội loạn, chiêu tập các cựu thần văn võ nhà Lê, lấy Sùng nhượng công Lê Duy Cận đứng Giám quốc và để Ngô Văn Sở quản lĩnh binh chúng rồi kéo quân về Nam.
Ðể khôi phục lại Lê Chiêu Thống, tháng 7 năm Mậu Thân (1788) Hoàng thái hậu nhà Lê sang nhà Thanh xin quân cứu viện. Sau khi lấy lại được Thăng Long, dựa vào thế quân thanh vua Lê đã trả thù tàn bạo những người đã theo Tây Sơn, vì thế dân tình trong kinh ngoài trấn đều chán nản, rời rạc và lo sợ. Mồng 1 Tết năm Kỷ Dậu 1789, quân đội Tây Sơn do Hoàng đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy kéo ra Bắc đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh. Các tướng nhà Thanh sống sót chạy về nước kéo theo vua bán nước Lê Chiêu Thống cùng bầy tôi 25 người. Nhà Lê mất. Sau 5 năm sống lưu vong nhục nhã và phẫn uất trên đất Thanh, tháng 10 năm Quý Sửu 1793, Lê Chiêu Thống chết ở Yên Kinh (Trung Quốc), thọ 28 tuổi. Tháng 8 năm Giáp Tý 1804 triều Nguyễn đã cho đưa thi hài Lê Chiêu Thống về nước, chôn tại lăng Bàn Thạch. Trên bài vị thờ tại lăng đề là Nghị hoàng đế.

2. Tình hình cụ thể GIAI ĐOẠN 1739-1769:
Đây là thời kỳ mà phong trào nổi dậy của nông dân miền Bắc Đại Việt thời vua Lê chúa Trịnh, hay thời Lê mạt, trong 2 đời vua Lê là Lê Ý Tông và Lê Hiển Tông, 3 đời chúa Trịnh là Trịnh Giang, Trịnh Doanh và Trịnh Sâm.
Hoàn cảnh
Từ khi kết thúc chiến tranh phía nam với họ Nguyễn và dứt được việc cát cứ ở Cao Bằng của họ Mạc, các chúa Trịnh là Tây Định vương
Trịnh Tạc và Định Nam vương Trịnh Căn ra sức củng cố chính quyền Bắc Hà. Đến chắt Trịnh Căn là Trịnh Cương tiếp tục xây dựng nền thịnh trị ở Đàng Ngoài.
Năm
1729, An Đô vương Trịnh Cương mất, con là Trịnh Giang lên thay, tức là Uy Nam vương. Từ khi Trịnh Giang cầm quyền, chính sự Bắc Hà bắt đầu suy. Giang phế bỏ vua Lê Duy Phường làm Hôn Đức công năm 1732 và sau đó giết chết, lập anh Duy Phường lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông (1732 - 1735). Không chỉ vua Lê, các đại thần như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn vốn có uy tín với đời trước cũng bị giết hại. Giang tiêu dùng xa xỉ, vì thế thuế má một ngày một nhiều, sưu dịch một ngày một nặng khiến nhân dân Đàng Ngoài vô cùng cực khổ. Đồng thời, nạn đê vỡ xảy ra liên miên uy hiếp thường xuyên đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân. Lịch sử từng ghi nhận: Từ cuối niên hiệu Vĩnh Hựu đời Lê Hiến Tông (1735-1740), trộm giặc các nơi nổi dậy, vùng Hải Dương càng nhiều hơn, dân gian bỏ cả cấy cày, các thứ tích trử ở làng xóm hầu như hết sạch; chỉ có vùng Sơn Nam còn hơi khá một chút. Dân phiêu tán dắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa no, Nhân dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ, đến nổi ăn cả thịt rắn, thịt chuột, chết đói chồng chất lên nhau; số dân còn lại mười phần không được một. Làng nào vốn có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại độ năm ba hộ mà thôi. Lúc ấy, làng xóm tiêu điều tan tác, tính theo số xã thì nhân dân phiêu tán nhiều nhất có đến 1.730 làng, phiêu tán vừa có đến 1.961 làng. Tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 2 (Tân Dậu 1741) đời Lê Hiển Tông (1740-1786), dân Hải Dương bị đói, triều đình bèn hạ lệnh lấy thóc trong kho chia ra phát chẩn cho dân phiêu tán ở tứ trấn; trong kinh kỳ cũng cứ 10 ngày phát chẩn một lần.Nghiêm trọng nhất trong giai đoạn này là nạn đói năm 1681. Nạn đói bắt đầu ở trấn Hải Dương sau lan dần ra khắp Đàng ngoài. Sử cũ chép: “Dân bỏ cả cày cấy, thóc lúa dành dụm trong xóm làng đều hết sạch, duy có Sơn Nam còn khá hơn. Dân lưu vong bồng bế nhau, dắt nhau đi kiếm ăn đầy đường… Dân phần nhiều sống nhờ vào rau, quả, đến nỗi ăn cả chuột, rắn”. Riêng ở vùng Hải Dương, “Ruộng, vườn đã biến thành rừng rậm, những giống gấu chó, lợn lòi…sinh tụ ra đồng. Những người dân sống sót phải bóc vỏ cây để đun, bắt chuột đồng để ăn”.
Những nạn đói kéo dài, khủng khiếp ấy đã làm nhiều người chết đói, người sống sót qua các nạn đói cũng không còn kế sinh nhai phải bỏ xóm làng, đồng ruộng đi kiếm ăn khắp nơi, sang các vùng trung du và ven biển, tạo thành một tầng lớp nông dân đông đảo. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, nhân dân các làng nói chung, dòng họ Lương nói riêng cũng cùng chung cảnh ngộ ấy.
Những biến cố lịch sử từ năm 1737 – 1739 và 1740 ngoài việc “Trộm cướp”, “Giặc giã” xảy ra liên miên ở các vùng, đáng kể nhất là cuộc đấu tranh của nông dân phát triển rộng khắp ở Đàng ngoài.
Khái quát về phong trào
Năm 1737, nhà sư Nguyễn Dương Hưng nổi dậy khởi nghĩa ở
Tam Đảo. Năm 1739, Vũ Đình Dung nổi dậy ở Ngân Già (nên bị gọi là giặc Ngân Già), hậu duệ nhà Mạc (đã bị đổi họ) là Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển cùng Vũ Trác Oánh nổi dậy ở Hải Dương. Theo “Lê Triều dã sử”, Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển tin theo Sấm Trạng Trình có câu: “Phá điền thiên tử xuất, bất chiến tự nhiên thành” (Vỡ ruộng thiên tử ra, không đánh tự nhiên thành) nên dựng cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa này sau đó không lâu bị dẹp nhưng thuộc hạ của hai người là Hoàng Công ChấtNguyễn Hữu Cầu tiếp tục tập hợp lực lượng và trở thành hai cánh quân khởi nghĩa lớn và làm hao binh tổn tướng của chúa Trịnh nhiều hơn cả.
Tại Tam Đảo, sau khi Nguyễn Dương Hưng thất bại,
Nguyễn Danh Phương nổi dậy và cũng trở thành một cuộc khởi nghĩa lớn trong nhiều năm. Tôn thất nhà Lê là Lê Duy Mật cũng định làm binh biến ở Thăng Long để lật đổ họ Trịnh nhưng không thành nên rút ra ngoài khởi nghĩa, cát cứ suốt 30 năm.
Ngoài những cuộc khởi nghĩa trên còn một số khởi nghĩa khác. Phong trào khởi nghĩa trải rộng khắp Bắc bộ vào tới
Thanh Hoá, Nghệ An. Các cuộc khởi nghĩa phần đông vin cớ “phù Lê diệt Trịnh”. Nhân dân mặt đông nam mang bừa vác gậy đi theo quân khởi nghĩa, toán nào đông thì kể có hàng vạn người, toán nào ít thì cũng có đến hàng trăm hàng nghìn người, rồi đi cướp phá ở các hương thôn và vây các thành ấp, quân triều đình đánh dẹp không được.
Trong cung, Trịnh Giang xa xỉ tư thông với cung nữ của cha, lại bị sét đánh tin lời hoạn quan, làm nhà hầm ở luôn dưới đất để tránh sét, còn việc chính trị thì để cho các hoạn quan là bọn Hoàng Công Phụ chuyên quyền làm bậy.
Trước tình hình đó, gia tộc họ Trịnh quyết định phế truất Giang, lập em Giang là
Trịnh Doanh lên ngôi năm 1740. Là người có tài, Trịnh Doanh bắt đầu chỉnh đốn tình hình trong nước, ra tay đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa.
Năm 1740, ở làng Ngân Già, có Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao, cướp phá rất dữ, giết chết Đốc lĩnh là Hoàng Kim Trảo. Trịnh Doanh phải tự làm tướng đem binh đi đánh, bắt được Vũ Đình Dung đem chém, và đổi tên xã Ngân Già làm Lai Cách (nay là Gia Hòa).
Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển giữ đất Đỗ Lâm ở Gia Phúc, núi Phao Sơn ở Chí Linh, làm đồn, xây lũy liên lạc với nhau, quân lính kể có hàng mấy vạn người, quân triều đình đi đánh, nhiều người bị bắt. Năm 1741 thống lĩnh
Hải Dương là Hoàng Nghĩa Bá phá được các đồn quân khởi nghĩa ở Phao Sơn, ở Ninh Xá và Gia Phúc; Nguyễn Tuyển thua chạy rồi chết, Vũ Trác Oánh trốn đi mất tích. Nguyễn Cừ thì chạy lên Lạng Sơn được mấy tháng, lại về Đông Triều, nhưng vì hết lương phải vào nấp ở núi Ngọa Vân, bị Phạm Đình Trọng bắt được đóng cũi đem về kinh hành hình.
Sau đó Trịnh Doanh còn mất nhiều năm đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa khác.
Nguyễn Hữu Cầu
Nguyễn Hữu Cầu, tục gọi là quận He, người huyện Thanh Hà (Hải Dương), trước vì nghèo nên đi làm cướp, sau theo Nguyễn Cừ khởi nghĩa. Khi Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu đem thủ hạ về giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn. Năm 1743, quận He giết được Thủy Đạo đốc binh là Trịnh Bảng, tự xưng làm Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại Tướng Quân, thanh thế lừng lẫy. Sau đó bị
Hoàng Ngũ Phúc đem binh đến vây ở núi Đồ Sơn, Hữu Cầu phá vây ra, về đánh lấy thành Kinh Bắc. Trấn phủ là Trần Đình Cẩm và Đốc đồng là Vũ Phương Đề đánh thua ở Thị Cầu phải bỏ ấn tính mà chạy; ở Thăng Long, được tin ấy rất lấy làm báo động.
Hoàng Ngũ Phúc cùng với Trương Khuông lấy lại thành Kinh Bắc, nhưng thế Nguyễn Hữu Cầu vẫn mạnh, phá quân của Trương Khuông ở làng Ngọc Lâm (thuộc huyện Yên Dũng), đuổi quân của quan thống lĩnh Đinh Văn Giai ở Xương Giang (thuộc huyện Bảo Lộc) rồi lại về vây dinh Thị Cầu. Trịnh Doanh sai Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng đem binh đến đánh bại Hữu Cầu ở Xương Giang.
Vì ngày thường cướp được thóc gạo của thuyền buôn, đem cho dân nghèo, cho nên quận He đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có. Nguyễn Hữu Cầu được các sử gia đánh giá là người kiệt hiệt, nhiều mưu mẹo nhất trong số các thủ lĩnh khởi nghĩa lúc đó. Có khi bị vây hàng mấy vòng, ông chỉ một mình một ngựa phá vây ra, rồi chỉ trong mấy ngày lại có hàng vạn người đi theo.
Năm 1746, quận He cho người đem vàng về đút lót cho Đỗ Thế Giai và người nội giám là Nguyễn Phương Đĩnh để xin hàng, Trịnh Doanh thuận cho và lại phong cho làm Hướng Nghĩa Hầu.
Nguyễn Hữu Cầu tuy đã xin về hàng, nhưng vẫn cứ cướp phá các nơi, sau lại về phá ở đất Sơn Nam. Phạm Đình Trọng đánh đuổi Hữu Cầu ở Cẩm Giàng, Hữu Cầu nhân lúc kinh thành không ai phòng bị, nên lẻn về đánh, ngay đêm hôm ấy kéo quân về bến Bồ Đề. Đến nơi thì trời vừa sáng; có tin báo, Trịnh Doanh tự đem quân ra giữ ở bến Nam Tân. Phạm Đình Trọng biết tin ấy lập tức đem quân về đánh mặt sau, Hữu Cầu lại thua bỏ chạy, về cùng với Hoàng Công Chất cướp ở huyện Thần Khê và Thanh Quan. Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc lại đem binh xuống đánh đuổi. Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hóa, Hữu Cầu chạy vào Nghệ An, hợp với thủ lĩnh khởi nghĩa tên là Diên ở Hương Lãm (thuộc huyện Nam Đường).
Năm 1751, Phạm Đình Trọng đem quân vào đánh phá trại. Hữu Cầu chạy đến làng Hoàng Mai thì bị bắt, đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh và bị hành hình. Tương truyền trước khi chết ông có làm bài thơ “Chim trong lồng” nổi tiếng.
Quận Hẻo
Nguyễn Danh Phương, tục gọi là quận Hẻo, trước làm thủ hạ của các thủ lĩnh Tế và Bồng khởi nghĩa ở Sơn Tây. Năm 1740, tướng Vũ Tá Lý đánh bắt được Tế và Bồng ở huyện An Lạc. Nguyễn Danh Phương đem thủ hạ về giữ núi Tam Đảo, một mặt thì mộ quân trữ lương và một mặt thì cho người về nói dối xin hàng. Bấy giờ Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất đang hoạt động mạnh ở đông nam nên Trịnh Doanh cho hàng.
Năm 1744, quận Hẻo đem hơn một vạn quân về giữ đất Việt Trì, sang cướp phá ở bên huyện Bạch Hạc. Bấy giờ Đốc suất Sơn Tây là Văn Đình Ức đem binh đến vây đánh, Danh Phương chạy sang giữ làng Thanh Linh (huyện Bình Xuyên, đất Thái Nguyên). Từ đó quận Hẻo lập đại đồn ở núi Ngọc Bội (giáp huyện Bình Xuyên và huyện Tam Dương), trung đồn ở đất Hương Canh, ngoại đồn ở đất Ức Kỳ, rồi tự xưng là Thuận Thiên Khải Vận Đại Nhân, làm cung điện, đặt quan thuộc, thu các thứ thuế ở đất Tuyên Quang, thanh thế lừng lẫy.
Năm 1750, Trịnh Doanh tự đem đại quân đi đường Thái Nguyên đến đánh phá được đồn Ức Kỳ. Khi quân tiến lên đến đồn Hương Canh, quân khởi nghĩa bắn súng, đạn ra như mưa, quân triều đình hơi lùi. Trịnh Doanh ra lệnh nghiêm ngặt khiến quân lính mạnh dạn xông vào, phá được đồn Hương Canh. Quận Hẻo rút quân về giữ đồn Ngọc Bội, quân Trịnh tiến lên đuổi đánh. Tướng Nguyễn Phan sai thủ hạ cầm đồ đoản binh cho tự tiện đi trước mà vào, đại quân theo sau. Quận Hẻo giữ không nổi bỏ chạy tan vỡ. Nguyễn Danh Phương chạy vào núi Độc Tôn, quân Trịnh đuổi đến làng Tĩnh Luyện ở huyện Lập Thạch thì bắt được. Trịnh Doanh mang Phương về kinh đô xử tử.
Hoàng thân Lê Duy Mật
Lê Duy Mật là con thứ vua Lê Dụ Tông. Năm 1738 đời vua Ý Tông, ông cùng các hoàng thân Lê Duy Quy và Lê Duy Chúc định mưu giết họ Trịnh, nhưng không thành phải bỏ chạy vào Thanh Hóa. Sau Duy Quy và Duy Chúc bị bệnh mất, Duy Mật giữ đất thượng du phía tây nam. Những người đồng mưu với Duy Mật đều bị họ Trịnh bắt được giết cả.
Lê Duy Mật đánh thắng quân Trịnh vài trận, bắt giết được tướng Phạm Công Thế. Từ khi chạy về Thanh Hóa, Duy Mật chiêu tập binh sĩ. Năm 1740 ông mang quân đánh ở Hưng Hóa và Sơn Tây, sau lại cùng với thủ lĩnh quân khởi nghĩa nông dân tên là Tương giữ đồn Ngọc Lâu (thuộc huyện Thạch Thành). Đến khi tướng họ Trịnh phá được đồn Ngọc Lâu, Tương tử trận, Lê Duy Mật lại chạy vào Nghệ An, rồi sang Trấn Ninh giữ núi Trình Quang làm căn bản.
Năm 1764, Lê Duy Mật sai người đem thư vào cầu cứu chúa Nguyễn Phúc Khoát nhưng chúa Nguyễn không muốn gây sự với họ Trịnh nên không giúp.
Năm 1767, được tin Trịnh Doanh vừa mất, con là
Trịnh Sâm lên làm chúa, Lê Duy Mật đem quân về đánh ở huyện Hương Sơn và Thanh Chương rồi lại rút về Trấn Ninh. Trịnh Sâm cho người đưa thư sang vỗ về không được, mới quyết ý dùng binh để dứt mối loạn.
Năm 1769, Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt làm thống lĩnh đất
Nghệ An, Nguyễn Phan làm chánh đốc lĩnh Thanh Hóa, Hoàng Đình Thể làm đốc binh đất Hưng Hóa, cả ba đạo đều tiến sang đánh Trấn Ninh. Khi quân Bùi Thế Đạt và Nguyễn Phan đến vây Trình Quang. Lê Duy Mật định cứ giữ hiểm không ra đánh. Không ngờ là người con rể là Lại Thế Chiêu làm phản, mở cửa lũy cho quân họ Trịnh vào. Duy Mật biết có nội biến, bèn cùng với vợ con tự thiêu mà chết.
Hoàng Công Chất
Hoàng Công Chất vốn là thủ hạ của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ nổi lên. Sau khi cánh Nguyễn Cừ thất bại, Công Chất tự lập thành cánh quân riêng, đánh phá ở đất Sơn Nam về hạt Khoái Châu.
Năm 1745, Công Chất thắng trận, bắt được và giết quan trấn thủ Sơn Nam là Hoàng Công Kỳ. Sau đó bị quân Trịnh đuổi đánh, Công Chất chạy vào Thanh Hóa rồi ra Hưng Hóa cùng với thủ lĩnh khởi nghĩa tên là Thành chiếm giữ vùng ấy.
Năm 1751, Thành bị bắt, Công Chất chạy lên giữ động Mãnh Thiên (phía bắc Hưng Hóa), vùng Mường Thanh, rồi chiếm giữ cả mấy châu gần đấy, thủ hạ có hàng vạn người. Từ đó Công Chất cướp phá ở Hưng Hóa và Thanh Hóa. Công Chất cùng con là Công Toản làm chủ Hưng Hóa nhiều năm, rất được lòng dân Mường Thanh, được dân chúng suy tôn làm chúa.
Năm 1769, Trịnh Sâm mới sai thống lĩnh là Đoàn Nguyễn Thục đem quân Sơn Tây lên đánh động Mãnh Thiên. Khi quân Trịnh lên đến nơi thì Hoàng Công Chất đã chết rồi, con là Hoàng Công Toản chống giữ không nổi, bỏ chạy sang Vân Nam.
Hậu quả
Các cuộc khởi nghĩa nông dân
Đàng Ngoài bị dẹp yên, nạn giặc giã không còn nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Theo đánh giá của GS. Nguyễn Phan Quang trong “Phong trào khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài”, đời sống xã hội miền Bắc Đại Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chiến tranh kéo dài, đồng ruộng bị tàn phá, sản xuất bị đình đốn; người chết cho triều đình và quân khởi nghĩa rất nhiều. Cá biệt như vùng Ngân Già, sau khi khởi nghĩa của Vũ Đình Dung bị đàn áp, gần như toàn bộ làng đó bị triệt hạ, chết gần hết.
Trịnh Doanh ra lệnh đổi tên làng đó từ Ngân Già thành Lai Cách với ý miệt thị (lai cách mang nghĩa là “không ai đến”). Hoặc như khởi nghĩa quận He bị dẹp, mộ cha của thủ lĩnh Nguyễn Hữu Cầu bị tướng Phạm Đình Trọng quật lên tiêu huỷ. Những việc làm đó càng làm khoét sâu mối thù hận trong dân chúng bị bóc lột và đàn áp.
Về phía triều đình, để có lực lượng đối phó với các cuộc khởi nghĩa,
Trịnh Doanh ưu đãi tướng sĩ để khuyến khích sự hăng hái của họ. Binh lính nòng cốt là lính Thanh - Nghệ, vì cậy có công nên trở thành kiêu binh. Mặt khác, vì muốn dẹp loạn bằng mọi giá, chúa Trịnh đã hạ lệnh đốt hết sổ sách thư từ, thu nhặt hết chuông khánh trong các chùa để đúc binh khí.
Hoà bình được lập lại nhưng sức mạnh của Đàng Ngoài bị xói mòn khá nhiều, không còn khả năng phục hồi như thời
Trịnh Cương trước đây.
Nhận định
Tới năm 1751, cơ bản các cuộc khởi nghĩa bị dẹp yên, chỉ còn Lê Duy Mật và Hoàng Công Chất dựa vào địa thế nơi xa xôi, hiểm yếu vẫn cầm cự được tới đầu thời Trịnh Sâm.
Các cuộc khởi nghĩa bùng phát rầm rộ cuối thời Trịnh Giang, xuất phát từ nỗi bất bình của nhân dân bị bóc lột bần cùng. Tuy nhiên, theo các nhà sử học, sau đó các cuộc khởi nghĩa không có được sự liên hợp cần thiết để đủ sức đánh đổ chính quyền Lê-Trịnh.
Mặc dù giữa các nhóm khởi nghĩa có sự phối hợp, như giữa Lê Duy Mật với Hoàng Công Chất, giữa Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu, với thủ lĩnh Thành... song đó chỉ là sự liên hợp, nương tựa tức thời, sự hợp tác hành động chứ không phải thống nhất về tổ chức. Giả sử các lực lượng khởi nghĩa hợp nhất tôn Lê Duy Mật làm chủ, bên dưới là các tướng Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, Công Chất, Hữu Cầu, Danh Phương... và quân số gần chục vạn người thì chính quyền Lê-Trịnh sẽ gặp phải khó khăn vô cùng lớn, tương tự như sau này Tây Sơn lấy danh nghĩa tôn Nguyễn Phúc Dương để nổi dậy.
Không chỉ Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ, dường như những người kế hai ông là Công Chất và Hữu Cầu và các thủ lĩnh khởi nghĩa khác cùng quá tin vào sấm Trạng Trình để mình được làm “thiên tử” nên không ai muốn đứng dưới ai. Do đó, thực chất các cuộc khởi nghĩa vẫn có tính độc lập và chúa Trịnh, bên cạnh việc điều chỉnh chính sách để giảm bớt gánh nặng cho dân, đã biết cách tận dụng điểm yếu này để tiêu diệt từng cuộc khởi nghĩa. Việc Trịnh Doanh, tại từng thời điểm, cho thủ lĩnh này hay thủ lĩnh khác giảng hoà, phong chức chính là cách chia bó đũa để bẻ từng chiếc.
Lê Duy Mật, hoàng tử con vua Lê, từng đứng ra cầu viện chúa Nguyễn đánh Trịnh nhưng
Nguyễn Phúc Khoát từ chối, dù tiềm lực của Đàng Trong lúc đó đã mạnh lên nhiều (đã mở đất tới Nam Bộ). Điều đó càng cho thấy việc “Phù Lê” của họ Nguyễn không có thực mà vẫn chỉ là chiêu bài chính trị để cai trị miền nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!