Thời giờ vùn vụt đưa trôi,
Vắng Cô nay đã Hai mươi năm tròn.
Hải Phòng, cũng như đa phần các tỉnh đồng bằng Bắc bộ chị và em bố đều gọi bằng “cô”. Do vậy chị gái ruột bố tôi, Lương Thị Thị, sinh năm Giáp Dần, Duy Tân thứ 8 (1914) chúng tôi gọi bằng “cô” từ quê và lên Lào Cai cũng không đổi, mặc dù nhiều người cười và không hiểu. Lai lịch và đường chồng con của cô tôi đã chép trong Gia phả ở Đời thứ Sáu. Nhân Kỷ niệm ngày mất lần thứ 20 của Cô, tôi chép thêm vài chuyện.
Thứ Nhất, về cái Tên: Lương Thị Thị nhưng chính các con cô do ít học, lại không ai chỉ dẫn cụ thể nên cứ ngỡ cô tên là Thi. Hôm con dâu của cô là chị Nguyễn Thị Đê mất (21/3/2011, tức 17/02 Tân Mão), khi đưa đám ra mộ ở nghĩa trang thôn, anh em tôi mới phát hiện ra việc khắc sai tên cô trên bia mộ. Bên nội anh Thanh (tức Tầu, con trai cô) còn lý sự: “Thị chỉ là chữ đệm, ai lại hai chữ Thị Thị liền bao giờ”. Lúc đó tôi mới bảo: chữ Thị thứ nhất chỉ tên lót ghi bằng chữ Nho là 氏, với nghĩa “đàn bà, phụ nữ” còn chữ Thị thứ hai, chỉ tên thì chữ Nho viết khác, là 巿 với nghĩa “chợ, mua bán” và tên của cô, bố và chú tôi sẽ là: Di 怡, Thị 市, Thân 親, Dật 逸 với nghĩa: Vui vẻ, họp chợ, thương yêu, yên vui. Việc này tôi đã chép vào Gia phả. Dù chẳng biết chữ Hán nhưng nghe có lý, mọi người mới hiểu và nhất trí sửa lại bia.
Thứ Hai, chuyện khi tôi ở nhà cô: Hồi gia đình tôi mới lên An Phong, Phong Niên, Bảo Thắng (02/1964) tôi đang học dở lớp 2 ở quê (Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng) nhưng khi đó nơi gia đình tôi khai hoang rừng rậm, thú dữ nhiều, trường học lại mãi trên Cốc Tủm, cách nhà 4 km nên bố mẹ tôi không cho tôi đi học. Đến năm học 1964-1965, bố tôi đưa tôi từ Phong Niên sang Sơn Hải bên kia sông Hồng ở nhà cô để học lại từ đầu lớp 2. Hồi đó, Sơn Hải còn thuộc xã Sơn Hà (được chia tách bởi Quyết định số Số: 18-NV ngày 19 tháng 01 năm 1965 của Bộ Nội vụ). Cô tôi lên đây từ 1962, ở Đội An Lão (người dân cùng huyện thuộc Kiến An cũ đều ở chung một Đội). Lớp ghép 1-2 tôi học do thày Chin (người Tầy) dạy ở nhà kho Đội (vị trí nay Nhà Văn hóa thôn An Tiến, xã Sơn Hải). Có thể nói cô rất chiều và quí tôi, khi có cãi nhau giữa tôi và anh Tầu thì bao giờ anh cũng phải nhận phần đòn. Có lần cô dặn ở nhà đốt lò cho khô, ấm để cô rấm chuối. Đốt xong, hăng hái tôi và anh Mấm (con bác Đanh là anh ruột chồng thứ hai của cô) khiêng mấy buồng chuối đưa vào lò. Khi cô về, chuối đã thâm đen!
Thứ Ba, ngày cưới tôi (Thứ Sáu 22/01/1982, tức 28 tháng Chạp năm Tân Dậu): Khi đó cô đã chuyển vào Khánh Địa ở, cạnh hồ của Nông trường Hà Nội (Phú Xuân). Vì hai nhà Trai-Gái xa nhau và ngày ấy từ Phong Niên sang Gia Phú không có phương tiện giao thông công cộng, gia đình lại chả ai có xe máy nên, chiều 27 tôi, bố, thím Bính, Vinh sang nhà cô tập kết để mai sang nhà gái cho gần !. Trước lúc đi, tìm mãi không thấy đuôi lợn đâu, bố chửi um lên (Thức đã lấy chia cho trẻ con !). Bên thím Bính mổ lợn Tết, tôi sang cắt lấy đuôi, không kịp cạo lông, cầm đi luôn. Sáng hôm sau cô Thị nấu xôi rồi sắp lễ. Thấy Thủ thì to (lợn 169 kg) đuôi thì bé (lợn 80 kg) khó sắp nên tôi bỏ không dùng đuôi đó nữa. Sáng hôm sau, từ nhà cô tôi phải đi trước tiền trạm, tin vào anh Tầu dẫn đường, ai ngờ cả đoàn đón dâu bị lạc quanh đồi Tên lửa (gần Ga Làng Vàng) mãi gần 12 giờ mới tới. Mệt phờ, có lẽ hiếm ai tự đi hỏi vợ và có cách dẫn lễ như tôi.
Thứ Tư, ngày tái lập tỉnh Lào Cai: ngày 07/10/1991 gia đình tôi (chỉ có 2 vợ chồng, 2 con đã đưa lên trước ở bên Phong Niên) đến nơi tập kết ở Khu Cung ứng Mỏ, thuộc Tx Cam Đường. Chưa ổn định thì 3 hôm sau Cô lên thăm ngay. Tôi định chụp cho cô bức ảnh mầu để thay bức ảnh đen trắng chụp trong dịp cưới Thức-Đào, 12/1988 nhưng lu bu quá, chưa kịp chụp. Như thế là cô chả có tấm ảnh mầu nào và việc này làm tôi ân hận mãi.
Thứ Năm, ngày cô mất: sau mấy tháng ốm dài, Cô mất 5 giờ 30 sáng 06-Giêng, Nhâm Thân (Chủ nhật 9/02/1992). Đám tang của cô được bố và anh em tôi tổ chức khá chu đáo so với quanh vùng thời bấy giờ. Bố tôi có dâng bức trướng (vải trắng, chữ quốc ngữ mầu đen do tôi thủ bút) với lời đề "NGHĨA TRỌNG TÌNH HOÀI". Hôm cúng 49 ngày có cả Sư thày từ Nam Hà lên làm lễ. Sư lên Chùa bên Phong Niên, tiện dịp, mẹ và dì tôi nhờ sang cúng giúp. Mộ táng tại Khánh Địa, Sơn Hải gần nhà con trai ở. Ngày 27/12/2007 (đêm 18 rạng 19/11 Đinh Hợi): gia đình thực hiện việc cải táng cho cháu Nguyễn Văn Toàn đã kết hợp chuyển di cốt của cô ra nghĩa địa chung của thôn. Nhưng tên bia các cháu tôi đã khắc sai, “Thị” thành ra “Thi”.
Thế là đã 50 năm cô có mặt trên đất Lào Cai (1962-2012) và 20 năm ngày cô đi vão cõi Vĩnh hằng (1992-2012).
Kính báo cô hay: từ ngày đó đến nay, dòng Lương Đức ở Lào Cai đã phát triển mạnh, nhiều cháu yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định, đóng góp nhiều cho xã hội. Đứa cháu đích tôn dòng họ Lương ngày ấy mới học lớp 1 nay đã là một Trung úy CSKT và sắp làm bố!. Phần mộ của Bà và Bố cháu, (Mẹ và Em của cô) đã được chúng cháu quy tập, chỉnh trang thành “Lương tộc mộ Viên”. Mộ Tổ họ nhà ở quê cũng đã được xây cất đàng hoàng.
Cầu mong nơi Tiên cảnh cô được nhàn du, bù đắp lại những nỗi gian lao, vất vả, cơ cực việc đời, chuyện chồng, chuyện con nơi dương thế. Cúi xin cô linh thiêng phù hộ độ trì cho toàn gia luôn Mạnh khỏe, May mắn, Hạnh phúc, Thành đạt, mọi việc Hanh thông, ngày một thêm Của, thêm Người, dòng họ Phát triển và Trường tồn. Đặc biệt phù hộ cho các cháu gái Lương tộc xuất giá làm rạng danh nhà chồng, xây dựng gia đình Hạnh phúc, Phát triển không gian truân như các cô của cháu.
-Lương Đức Mến, trước ngày giỗ Cô-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!