Trong những ngày chuẩn bị hôn lễ cho con trai, nhớ lại ngày cưới mình mà thấy nao lòng. Vậy mà đã được gần 30 năm !
1. Gặp lại người quen cũ :
Sau 8 tháng công tác, học tập tại Viện KHHS, tôi xin và được điều về tỉnh nhà. Ngày 29/9/1981 tới Phòng Tổ chức Chính trị CA Hoàng Liên Sơn (ở km3) nộp Quyết định. Đến 21/10 bắt đầu nhận việc tại Phòng CS Điều tra xét hỏi-Khoa học hình sự và bắt đầu đời công tác.
Trước đó, vào tháng 10/1980 Phạm Thị Mến tốt nghiệp về nhận công tác tại Phòng nghiệp vụ, UBBVBMTE tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi đó đóng ở đỉnh đồi km 6 thuộc phường yên Ninh, thị xã Yên Bái (cùng khu với Tỉnh hội Phụ nữ, Ban Tuyến giáo, Báo, UBKHKT...).
Do 6 năm rèn luyện trong môi trường quân đội ở Đại học Quân y nên mấy tháng đầu tôi khó quen nếp sống, ăn uống ở tập thể CA tỉnh, thường ăn với mẹ con Vũ Thanh Bình. Một buổi vào Công ty Dược mua cồn, tôi thấy cổng UBBVBM-TE, đoán chắc HM ở đây. Hỏi ra đúng vậy. Tôi tìm và gặp lại sau năm xa nhau. Nhân nhắc lại chuyện hôm tôi vô SG thực tập (3/1979) HM không tới và những kỉ niệm cũ tôi đã viết bài thơ sau (27/10/981):
Em biết lỡ sai rồi, Trách chi hoài nữa mãi.
Lỗi lầm em đâu ngại, Chỉ sợ thiếu chân tình.
Nhắc mãi ngày xa anh: Vì bận, em không đến,
Anh-vì em lỡ hẹn, Viết bài thơ không đề.
Ở nơi xa có nghe, Tiếng nói lòng tức tưởi,
Của em-Khi thầm gọi, Đọc thơ anh gửi về.
Thương nơi tiễn mình đi, Em lại về chốn cũ,
gửi nỗi lòng dang dở: Nơi chốn ấy-phồn hoa.
Cuộc đời quay bánh xe, Anh cũng về nơi ấy,
Gặp nhau lòng khơi dậy, Kỉ niệm những ngày xưa.
2. Quyết định:
Cuối Tháng 12/81 trời rét.Tôi đi Hà nội có việc. Đồng thời cũng giả quyết xong chuyện với Hoa Phượng. Vì có hẹn nên khi HM, Hải từ Yên Bái xuống đã cùng tôi và Đỗ Thế Lộc (nay là Giám đốc BV YHCT Bộ CA) vào khu chợ Xanh dự cưới Hoàng Thị Thức. Xong việc Hải ngược trước. Hôm trở lại YB (Tối 21/12) tôi và HM đã thống nhất được với nhau.Thật là:
Dẫu đi khắp mọi nẻo đường,
Đoạn dừng bước lại: Vẫn Làng Xóm xưa.
Công Tư đẹp chuyến đò đưa,
Đời sang trang mới-Hẹn chờ Tin vui.
3. “Ăn hỏi và dẫn lễ”:
Đầu những năm 80 thế kỷ trước là những tháng năm toàn dân sau khi quân, dân ta buộc một lần nữa lại cầm súng để tự vệ, đánh trả thắng lợi sự lấn chiếm, cướp bóc dã man hiểm ác của bọn Pôn Pốt tại Biên giới Tây Nam. Tiếp theo, căn cứ nguyện vọng của nhân dân Campuchia, chúng ta đã giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng vào ngày 07/01/1979. Sau đó chúng ta lại phải chống trả và đã đánh thắng cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979. Cuộc xung đột ở biên giới phía Bắc và Tây Nam kết thúc thắng lợi, nhân dân ta bắt tay vào tiếp tục xây dựng CNXH theo đường lối đề ra tại Đại hội V (họp từ 27-31/3/1982) và đã thu được những thành tựu nhất định. Nhưng cũng bộc lộ nhiều khó khăn, yếu kém về kinh tế, văn hóa và xã hội. Do vậy cuộc sống mọi người rất khó khăn, chúng tôi càng bận và hầu như không được nghỉ việc riêng. Đồng thời mọi thủ tục, nghi lễ cưới xin, cúng bái ngày đó cũng khá đơn giản.
Chỉ còn ít hôm nữa là Tết 1982 (Nhâm Tuất) nhưng vì công việc không xin phép nghỉ được.
Việc xác minh Lí lịch của PTM, Lưu Long làm đã xong, Phòng Tổ chức duyệt hôm 23 Tết. Riêng chuyện “ra mắt” và báo cáo gia đình thì chưa làm được. Mãi Thứ Ba 19/01/1982 (25 Tết) cả 2 chúng tôi mới được nghỉ. Hai đứa không kịp sắm gì, chỉ báo cáo nhanh với cơ quan 2 bên rồi ngược tầu về ngay. Trên tầu gặp Nguyễn Bá Hanh (học cùng tôi năm cấp II, lấy Vân là con gái thầy Nhẫn. Năm 1988 chuyển vào Lâm Đồng) tôi viết thư về nhà nói ý định cưới và “phân công” trách nhiệm cho gia đình và các em. Tôi và HM xuống ga Lu đi tiếp lên Gia Phú.
Đến Bến Đền đã 10 giờ đêm. Khi đó gia đình còn ở tạm trong lán nương trong lòng hồ Chính Tiến, lần mò mãi, gần nửa đêm mới tới nhà. Nhạc phụ chắc cũng chả nhận ra con rể vì mới gặp một lần.
Tôi từng được cha dạy: “Phối thất chi tế, vạn phúc chi nguyên”, việc hôn nhân là cội nguồn của mọi hạnh phúc, đó là công việc trọng đại nhưng vì thời gian, vì hoàn cảnh công tác nên khó có thể vẽ ra nhiều thứ được. Hơn nữa ngày xưa các cụ đặt ra đủ lệ bộ thiêng liêng, đôi khi phiền toái để nhằm làm cho đôi trẻ thấy có trách nhiệm với nhau, với gia tộc và với phép nước. Chúng tôi đương nhiên nhận thức được nên khỏi phải thử thách và tôi đã thuyết phục được bố mẹ vợ. Thương con, bố mẹ đồng ý cưới vào 28 Tết (mà còn ngày nào nữa ?).
Sáng 26 tôi đạp xe về Phong Niên. Thấy gia đình đã lo đủ. Cũng may mà năm đó mẹ nuôi được một con lợn to (169 Kg). Họ mạc quanh cả, không mời xa nên khỏi lo. Chiều 27 tôi, bố, thím Bính, Vinh sang nhà cô Thị tập kết để mai sang nhà gái cho gần !). Trước lúc đi, tìm mãi không thấy đuôi lợn đâu, bố chửi um lên (Thức đã lấy chia cho trẻ con !). Bên thím Bính mổ lợn Tết, tôi sang cắt lấy đuôi, không kịp cạo lông, cầm đi luôn. Sáng hôm sau cô Thị nấu xôi rồi sắp lễ. Thấy Thủ thì to (lợn 169 Kg) đuôi thì bé (lợn 80 Kg) khó sắp nên tôi bỏ không dùng đuôi đó nữa. Có lẽ hiếm ai tự đi hỏi vợ và có cách dẫn lễ như tôi.
4. Đám cưới chẳng giống ai:
Sáng Thứ Sáu 22/01/1982 (28 tháng Chạp năm Tân Dậu), từ nhà cô tôi phải đi trước tiền trạm, tin vào anh Tầu dẫn đường, ai ngờ cả đoàn đón dâu bị lạc quanh đồi Tên lửa (gần Ga Làng Vàng) mãi gần 12 giờ mới tới. Tìm mãi không thấy bát hương, lại có ông rỉ tai nói với bố tôi: nhà này đi Đạo nên bố tôi lo. Tôi động viên, không ngại, vì CA đã xác minh rồi. ăn xong, 1 giờ xin rước dâu. Tôi lai cô dâu trên chiếc xe đạp gắn với tôi cả mấy năm Đại học. Mệt phờ.
Về tới nhà gần 4 giờ chiều, Vừa kịp (ngày ấy không có ô tô cũng chẳng có xe ôm, chỉ vài xe đạp tàng). Kíp thế mà vẫn vui, không nợ nần gì, vẫn đủ lệ bộ.
Hồi đó, căn nhà cháy 02/1979 gia đình chưa làm lại nhà.Vợ chồng Thuộc-Nghị (cưới ngày 10/02/1981, tức là ngày 06 tháng Giêng năm Tân Dậu) dựng nhà nhỏ trên nền nhà cháy, bố mẹ và các em dựng lều ở nền cũ (nơi nhà ở bây giờ). Đêm Tân hôn chúng tôi ngủ bên nhà Thuộc, mỗi đôi một gian. Chẳng giường, chiếu, phòng, quần áo cưới ! Tất cả chuẩn bị và tiến hành mọi Lệ Tục chỉ có 5 ngày ! (Tôi chả hiểu sao bây giờ nhiều người cứ vẽ ra rắc rối cho hai bên, nợ nần cho đôi trẻ !). Khi đó Nghị vừa sinh cháu Thuận được hơn hai chục ngày. Sáng sau, mẹ sang gọi hai đôi mới dậy. Tôi viết bài thơ:
Xuân về thêm đượm Hương say,
Vui lên em hỡi - phút giây tiên bồng.
Khi xưa hôn má em Hồng,
Nâng niu anh để làm chồng hôm nay.
Bóc tờ Lịch mới trao tay:
Đất lề, Quê thói - Đợi ngày Tròn, Vuông.
Bạn bè 2 đứa, vì vội không mời được ai, chỉ có mỗi Lưu Long thay mặt cơ quan CA lên dự và chụp ảnh. Cuộn Phim để trong Vali Long đã làm mất.
5. Chung tay xây cuộc sống mới:
Sau Tết chúng tôi xuống Yên Bái và bắt đầu cuộc sống mới. Vì điều kiện công tác (tôi đi Biên giới, lúc về HM lại đi cơ sở. Lúc 2 đứa ở nhà lại không đúng ngày) nên mãi 10/9/1982 chúng tôi mới lấy Giấy công nhận kết hôn (8 tháng sau cưới, lúc đó đã chửa Huyền Thương được hơn 3 tháng !). Xin được một gian tập thể, giường cá nhân, bàn ghế cơ quan, thiếu thốn đủ thứ, 2 bên không ai chi viện gì.
Đến lúc Huyền Thương 3 tháng tuổi mới đóng chiếc giường đôi đầu tiên. Lúc Hải Thương 4 tháng mới đóng thêm một giường và một tủ. Từ tháng 2/1982 đến khi rời Yên Bái về Lào Cai chúng tôi chuyển chỗ ở 2 lần. Năm con gái 10 tuổi (1993) mới có đất, làm nhà gỗ, cấp biển số 328 đường Hoàng Liên và thêm 10 năm nữa mới xây được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!