[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


25 tháng 10 2011

"Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng"

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), ngày 12/11/1961 Hội nghị đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến AnLào Cai đã ra Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh, trong đó có việc “phối hợp điều hòa nhân lực và phát triển kinh tế giữa hai tỉnh” với 5 năm (1961-1965) vận động 8-9 vạn nhân dân Kiến An lên Lào Cai[1]. Chủ trương này của Đảng và của 2 tỉnh được nhân dân hưởng ứng và một số gia đình họ Lương gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng đã lên lập nghiệp, mở ra phái Lương Đức Lào Cai ngày nay.
Đầu những năm 1960, trong những năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, Chiến Thắng chủ yếu khai hoang nội xã tại Kim Côn[2], chưa có hộ nào lên Lào Cai, kể cả đợt dân An Lão đi nhiều trong năm 1962. Người dân Chiến Thắng (trong đó có con cháu Lương tộc) rời quê lên Lào cai đợt đầu là vào tháng 02/1964. Sau này, nhiều người con của Lương tộc đã lên từng đợt rải rác đi tự do trong các năm 1967, 1971. Các hộ này tập trung chủ yếu ở các xã Phong Niên, Xuân Quang, Trì Quang, Phố Lu, Sơn Hải thuộc huyện Bảo Thắng.
Trong đợt tháng 02/1964, sau khi khảo sát, thành uỷ Hải Phòng[3] đã lấy 19 hộ, 99 khẩu thuộc 3 xã của An Lão lên Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai khai hoang lập ra HTX An Phong. Trong đó xã Chiến Thắng (đều ở làng Hương tức thôn Phương Lạp[4]) có 9 hộ, là: Lương Đức Duẩn (8 khẩu), Lương Đức Thông (6 khẩu), Lương Đức Thân (7 khẩu), Lương Đức Rật (Dật, 8 khẩu), Lương Đức Thiếp (7 khẩu); họ Đặng Văn Nhỡ (7 khẩu, Đặng Văn Thoả (5 khẩu), Đặng Thị Nguyên (3 khẩu), Nguyễn Văn Ngà (5 khẩu). An Thái có 5 gia đình, một số hộ độc thân (Ơn, Mậm,Dâng, Ngần) thành 23 khẩu. Mỹ Đức có 5 gia đình gồm 20 khẩu. Trong các gia đình từ làng Hương ra đi có 2 cặp anh em ruột là Thân-Dật, Nhỡ-Thỏa đồng thời đây cũng là những con cô con cậu. Gia đình mẹ con Đặng Thị Nguyên, gia đình Lương Đức Thiếp thì họ cả 2 bên! .
Từ trước Tết Giáp Thìn, mọi công việc đã chuẩn bị xong: lãnh đạo HTX trên quê mới được đặt là “AN PHONG”[5]; Đặng Văn Nhỡ được chỉ định là Phó Chủ nhiệm, Lương Đức Thân là Kế toán; đất ruộng trả lại Hợp tác; vườn, nhà và đất ở các gia đình nhượng lại cho anh em trong họ. Sau Tết một số thanh niên (Lương Đức Hỗ, Lương Đức An, Đặng Thị Cầm, Nguyễn Thị Chuốt) đã lên trước để phát đường, dựng lán.
Ngày 16 tháng Giêng, tức thứ Sáu 28/02/1964, Ban Khai hoang Thành phố đưa ô tô về Quán Hương đón các hộ ở Chiến Thắng. Các gia đình ra đi vào  mang theo toàn bộ gia sản vốn chẳng nhiều nhặn gì. Người trong họ, ngoài làng tiễn đưa rất đông. Từ Hải Phòng lên Hà Nội thay đầu máy rồi lên ga Lào Cai. Trên tầu các gia đình được xếp chung một toa và không phải chuyển tầu. Tới ga Phố Lu, hộ Lương Đức Thiếp xuống ga và theo đường bộ vào Bắc Ngầm để xuống Thái Vo thuộc xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng
Các gia đình còn lại theo tầu tới chiều tối 01/3 đến ga Lào Cai[6]. Tất cả được đưa về nghỉ tại Nhà trọ bên Phố Tèo[7], gần ngay đầu cầu Kiều. Tiếng là phố nhưng nền, tường nhà đều bằng đất, có sàn lửng làm tầng để ngủ. Đây là phố cổ, nằm dọc biên giới ở bờ Đông-Nam sông Nậm Thi và hồi ấy đa số là người Hoa làm ăn, sinh sống. Cầu Kiều[8] bắc qua sông Nậm Thi sang Trung Quốc ở gần Đồn Biên phòng và cạnh nhà Trọ, phía đầu cầu bên ta có câu Thơ của Hồ Chí Minh viết rất to trên tường: “Mối tình Hữu nghị Việt –Hoa, Vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Phía đối diện là thị trấn Hà Khẩu 河口 thuộc tỉnh Vân Nam 云南 nước bạn.
Sau này, tôi được biết, lịch sử đã chứng tỏ rằng sự ảnh hưởng 2 mặt của vùng đất Nam Chiếu, Điền, Đại Lý xưa hay Vân Nam sau này với Lào Cai là rất lớn. Tx Lào Cai là nơi Nậm Thi giao lưu với Hồng Hà. Cầu Cốc Lếu (gốc cây Gạo) nối 2 bờ sông Hồng ngày ấy còn là cầu treo[9] đã từng mang tên gợi một thời ai oán- cầu “Giời ơi”:
Ai đưa tối đến chốn này,
Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai.
Sau 2 ngày Ô tô tải của tỉnh đưa về Phong Niên theo QL 4 (đường 70 sau này)[10]. Đường đất, chỉ có 2 vệt bánh xe là nhẵn, còn giữa cỏ mọc, hai bên cây rừng phủ rợp bóng. Chiều, đến Km 37[11] số thanh niên tiền trạm và chính quyền địa phương ra đón. Các gia đình được chia ra ở tạm trong mấy gia đình họ Mồ, họ Vàng[12] người Nùng ở phía bên trái đường, lối vào cạnh cột mốc. Đây là địa bàn thôn Cốc Sâm. Các gia đình này đã được quán triệt, vận động trước và lại ở ngay cạnh được Quốc lộ nên cũng tiến bộ nhiều do đó đón tiếp đồng bào khai hoang  không e dè sợ bị chia đất, cai trị như một số nơi.
Các ngôi nhà người Nùng 2 mái lợp tranh, tường, nền đất không có cửa sổ nên rất tối nhưng nhà rộng, đủ chỗ chứa 2, 3 gia đình khai hoang. Cán bộ dặn kĩ người mới đến không được ngồi ở ngưỡng cửa quay lưng vào. Bàn thờ và trước cửa treo giấy đỏ viết chữ Nho. Quanh nhà trồng nhiều ổi, chuối mà chỉ thấy chuối lốp quả rất to. Không có ao và cũng chẳng thấy giếng. Nước ăn được đựng trong các ống bương có tay xách bằng cành hay buộc dây do phụ nữ lấy và vác từ suối về. Họ không dựng bếp riêng mà đun nấu ngay trong nhà, lúc nào bếp (kiềng bằng gang) cũng có cây củi to âm ỉ để giữ lửa. Lợn gà thả rông. Kể cả trâu cũng thả trên rừng, mỗi con đeo một chiếc mõ bằng gỗ hay tre ở cổ luôn khua lách cách theo bước đi hay các lắc đầu của trâu, tối về gia chủ cho ăn muối, sáng ra lại thả trên rừng, khác lạ là có cả trâu trắng. Khi bừa dùng trâu kéo bừa nằm 2 hàng răng bằng gỗ, người bừa đứng lên lấy sức nặng đè đất và chỉ huy trâu chứ không phải bừa đứng răng sắt như ở xuôi. Riêng ngựa được chăn và tối cho vào chuồng đóng dóng, ăn cỏ thái ngắn và ngô hạt, dao thái cỏ lớn hơn dao thái thuốc lào ở quê. Mỗi nhà có tới 5,7 trâu, 1-2 ngựa và rất nhiều chó. Ngựa chủ yếu dùng thồ hàng hay đi chợ. Lúa nương gặt về từ trong năm bó thành từng cum, xếp một ít trên gác, khi cần dùng ăn đưa xuống vò lấy thóc đem cối giã gạo bằng sức nước đầu xóm để giã[13]. Còn phần lớn các cum lúa đều để tại kho trên nương. Nương ở rất xa và đều có lán để nghỉ trưa và đôi khi cả ngủ đêm để canh nương và đỡ tốn công đi lại. Trong nương ngô trồng kèm cả bí đỏ, đu đủ; cạnh nương lúa có trồng mướp, đậu đũa (khác với giống cây ở xuôi).
Gạo nương dẻo, thơm, ăn với thức ăn khô rất ngon nhưng nếp nương không dẻo và thơm bằng nếp cái. Họ dùng lá rừng trộn với gạo nếp đồ xôi mầu trong chõ gỗ trông rất đẹp. Khi đi làm, đi săn, đi đâu người dân cũng kè kè con dao (kể cả phụ nữ) bên hông và khẩu súng. Súng là súng kíp, ban đêm họ buộc đèn ló trên trán để soi đường và rọi tìm thú. Có buổi săn được lợn rừng họ mời cả đồng bào khai hoang cùng ăn. Người Nùng theo chế độ phụ hệ, đàn ông là chủ, giao tiếp với bên ngoài, biết tiếng Kinh; phụ nữ làm mọi việc suốt ngày (làm nương, lấy củi, vác nước, nấu ăn…), chỉ ở nhà trong, ít giao tiếp, ít nói được tiếng Kinh, phần nhiều phải ra hiệu bằng tay.
Đám trẻ nhỏ mau quen với nhau, dạy tiếng và trao đổi nhau về các trò đánh gụ, đánh quay, đánh khăng, đánh đáo, chơi ô hay nướng sắn, nướng ngô, làm cơm lam và một số từ thông dụng. Đồng bào còn hướng dẫn người khai hoang đi ruốc cá. Người ta dùng đá, sỏi ngăn một đoạn suối, sau đó hái lá cơi giã nát và thả xuống suối, cá bị say, lờ đờ chỉ việc vợt và bắt đem chia nhau. Suối nhỏ và nông nên ở đây không có chài, lưới. Để đưa nước về ruộng và về nhà, người ta đắp phai ở suối để nước dâng cao, đào, xẻ mương dọc sườn đồi hay dùng tre, nứa đục thông đầu mặt để làm lần dẫn nước. Khi thu hoạch lúa, người ta dùng phên nứa, cót che xung quanh và đập và cái phang bằng gỗ lấy thóc, rơm đốt thành tro bón ruộng mà không thu để đun, cho trâu ăn như ở xuôi. Cả xã chỉ có 1 HTX mua bán ở Km 33 thuộc thôn Cốc Tủm, không chợ, không người bán hàng xén như ở xuôi. Do vậy cần bán đổi hay muốn mua sắm gì người dân lên Tx Lào Cai, ra Phố Lu hay vào Bảo Nhai. Trai đi ngựa, phụ nữ ít đi và nếu có chỉ là đi bộ.
Một tuần sau, khi lều lán mà số thanh niên (An, Nhật, Cầm, Reo, Chuốt...) lên trước dựng xong, các gia đình bồng bế nhau qua một tràn ruộng, lội qua một con suối, vượt một quả đồi mọc đầy chuối rừng, nứa, cây, dây cỏ dại vào La Cà Bốn[14]
Tạm yên chỗ, Lương Đức Thông có viết thư về chuyến đi gửi về quê cho họ mạc : 
Đường đi trăm núi, nghìn trùng,
Bốn trăm cây số tới vùng Lào Cai.
Huyện Bảo thắng vừa dài, vừa rộng,
Xã Phong niên dằng dặc núi rừng
Đến La Cà Bốn lập vùng khai hoang[15]...
Cuộc sống trên quê mới của những người thuộc Lương tộc và các gia đình trên đất An Phong bắt đầu.
Cuộc ly hương này giống tiền nhân ở chỗ đều là những người kiên gan, đi tìm đất mới vì sinh kế. Nhưng khác với cuộc đi mở cõi về phía Nam của người dân Trung-Bắc hồi thế kỉ XVI-XVIII và của Tổ Lương tộc đến Cao Mật hồi thế kỉ XVIII là những cuộc di dân phần lớn tự do, dân đến lập ấp, lập làng rồi nhà nước mới quản lý. Còn cuộc khai hoang của người dân An Phong là vì sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa miền núi do Nhà nước chỉ đạo, có kế hoạch và tên làng do lãnh đạo định từ quê gốc, có từ khi họ chưa đặt chân đến vùng đất mới.
-Lương Đức Mến, thế hệ thứ Hai trên Tân quê-

[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai 1954-1975. 
[2] Đây là một thôn năm ở Tây Bắc xã, giáp với Tân Viên qua sông Đa Độ. Sau ngày đình chiến 1954, nhiều hộ dân, nhất là những người theo công giáo ở thôn này đã di cư vào Nam, bỏ đất hoang khá nhiều.
[3] Việc hợp nhất Hải Phòng- Kiến An thành thành phố Hải Phòng được thực hiện bởi Nghị quyết tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II họp ngày 27/10/1962.
[4] Năm 1966 nhập với Mông Tràng Hạ thành Phương Hạ.
[5] Tên ghép chỉ người AN Lão lên khai hoang ở PHONG Niên.
[6]  Ga cũ,  sau 1995 nơi đây thành bãi kiểm hoá Cửa khẩu. Thực ra từ "Lào Cai" chẳng có ý nghĩa gì, đó chẳng qua là những chữ được dịch qua, dịch lại khi người phương Tây đến cai trị đã latin hóa tên Hán Việt: từ xưa nơi đây đã có chợ, có phố, có đường nên khi người Hán sang gọi là "Phố cũ" (老 街) mà theo âm Hán-Việt là "Lão Nhai",. Người Pháp đến, do không phát âm được các thanh có dấu nên ghi  thành Lao Kay, sau này thời dân chủ ghi là Lao Cai. Sau này chính thức mang tên Lào Cai.
[7] Nay là phố Phạn Bội Châu, nơi có Đền Thượng thờ Trần Hưng Đạo  nổi tiếng.
[8] Cây cầu này đường bộ, đường sắt đi chung, xây từ 28/3/1898, bị phá trong CT 2/1979 đến năm 1993 mới khôi phục  ( dịp khơi thông mở lại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai ngày 18/5/1993).
[9] Đến 1966 mới xây cầu vĩnh viễn và bị phá 2/1979. Sau xây lại, khánh thành ngày 01/5/1995
[10] Đoạn Tx Lào Cai đến Km 9 bị bỏ từ 2/1979 đến 1993.
[11] Khi đường QL4 được TQ giúp nâng cấp, nắn lại năm 1966 thì đó là Km 36.
[12] Có gia đình trở về TQ trong CMVH năm 1966.
[13] Chiếc cối và khu rừng đặt cối sát cạnh phía bên phải đường đã bị mất hết dấu tích từ 1980, Từ 2004 là khu vực dừng chân của Công ty xây dựng Trạm Thủy điện Cốc Ly. 
[14] Đúng ra tên địa phương nơi  đây  là Na Cà Lao Bổn - tức khu ruộng nhiều cây bon,  song do các cụ ta nói “ngọng” giống như số đông người đồng bằng nên viết thành La Cà Bốn !. Từ QL4 ( Km 36+200) vào có lối mòn qua 01 cối giã gạo nước, lội suối và vượt qua một đồi quả cây cối,  chuối rừng mọc um tùm. Con đường này,  qua mấy lần chuyển dịch,  từ sau năm 1979 đã bỏ. Con đường vào thôn hiện nay  mới mở năm 1980, nâng cấp để ô tô vào được năm 2005, hoàn thành Xuân Bính Tuất 2006.
[15] Hồi đó tôi còn nhỏ, mới học dở lớp 2 vẫn được bác đọc cho chép. Nay chỉ nhớ được có thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!