Lào Cai, Yên Bái và một phần Nghĩa Lộ nhập thành HLS |
Tính đến 01/10/2011, tỉnh Lào Cai (mới) đi vào hoạt động vừa đúng 20 năm. Ngẫm lại thời gian đã qua mới thấy hết giá trị của việc tái lập tỉnh không chỉ đối với chung cuộc mà tác động tới từng người, từng gia đình, cơ quan.
Tuy là vùng đất cổ, sớm có người sinh sống nhưng “nơi ngã ba sông biên giới” Việt-Trung này trong thời sơ sử, thời Bắc thuộc cũng như thời kỳ đầu của nền quân chủ tự chủ các sách động vùng này chưa trực thuộc chính quyền trung ương mà do các tù trưởng người địa phương cai quản. Triều đình không với tay tới được nên cho hưởng quy chế Ki Mi (羈縻, Ràng giữ nhưng buông thả nhằm duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn). Ngày đó cũng chưa có khái niệm “đường biên giới” mà chỉ có “vùng biên giới” và rõ nét tại những nơi có cửa ải. Do vậy tuy sử sách chép vùng này thuộc bộ Tân Hưng thời các Vua Hùng hay đạo Lâm Tây thời Tiền Lê nhưng thực chất đây là “vùng đệm” giữa hai Vương quốc (Nam Chiếu và Đại Việt). Các tù trưởng, phìa, tạo cai quản những sách, động ở đây nộp thuế cho các thổ ty lớn của Vương quốc Nam Chiếu (vùng Vân Nam của Trung Quốc nay) hay Đại Việt tuỳ mạnh yếu các thế lực này từng thời.
Nơi biên viễn Tây Bắc này bắt đầu nội thuộc Đại Việt sau khi Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông thu hồi từ Đại Lý vào các năm 1014, 1037 và chính thức do chính quyền Trung ương Đại Việt quản lý trọn vẹn từ năm 1159 bởi cuộc chinh phục các tù trưởng người Thái, người Mông, người Dao, người Tầy của Lý Anh Tông và Tô Hiến Thành dưới thời Lý. Sau đó vào năm 1466, dưới triều Lê Thánh Tông của nhà Hậu Lê lãnh thổ vùng Tây Bắc này được tổ chức lại thành thừa tuyên Hưng Hóa, gồm 3 phủ : An Tây (tức Phục Lễ), Gia Hưng và Quy Hóa (gần như vùng Lào Cai nay), 4 huyện và 17 châu.
Nhưng với tư cách là một tỉnh và mang địa danh Lào Cai thì khởi thuỷ muộn hơn và vào thời nhà Nguyễn. Đầu tiên là ngày 24/5/1886 bởi một Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ trên cơ sở tách châu Thuỷ Vĩ, một phần châu Chiêu Tấn của tỉnh Hưng Hoá (thành lập năm 1830 dưới triều Minh Mạng). Đây cũng là thời kỳ mà triều Nguyễn đã bãi bỏ chính sách “thổ quan” (dùng người đứng đầu các họ lớn tại địa phương để gián trị), thay bằng chính sách “lưu quan” (cử quan lại triều đình người Kinh đến trực trị), đổi đặt các động, trại thành các xã và lập tổng như miền xuôi (bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 19, 1838). Tại lỵ sở có đầy đủ các cơ sở chính quyền như đồn lính, công sở, cửa quan, v.v.
Đồng thời đây còn là thời gian mà trong 10 năm, từ 1885 cho đến 1895, Pháp (đại diện là Ðại tá Servière sau là Ðại tá Galliéni) và Thanh triều (đại diện là Tổng lý Ðại thần Thái Hy Bân 蔡希邠) đã tiến hành đàm phán “…để nhìn nhận đường biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ”. Với Công ước Pháp-Thanh phân định biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ (Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin) ký tại Bắc Kinh ngày 26/6/1877 (Công ước Constans 1877) và bổ sung ngày 20/6/1895 (Công ước Gérard 1895), lần đầu tiên biên giới đất liền Việt-Hoa đã được pháp lý hóa, chính thức xác định đường biên đã có trong lịch sử. Khu phố chợ nơi sông Nậm Thi đổ vào sông Hồng trở thành cửa khẩu từ Đại Nam thông sang Đại Thanh
Sau đó, từ Đạo quan binh thứ IV chính thức đổi thành “tỉnh dân sự Lao-Kay” bởi Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký vào ngày 12/7/1907 và các cơ quan của toà Công sứ tỉnh đi vào hoạt động từ 01/8/1907, do Công sứ Pháp trực tiếp cai trị. Vì vậy ngày 12/7/1907 được lấy làm ngày thành lập tỉnh Lào Cai.
Sau nhiều lần Pháp và triều đình nhà Nguyễn cải cách hành chính đến trước 8/1945, Lào Cai là một trong 23 tỉnh thuộc xứ Bắc Kỳ (Tonkin).
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 vùng đất “phên dậu quốc gia” này cũng từng có nhiều lần thay đổi địa giới và cấp hành chính.
Ngày 12/11/1946, bộ đội ta tiến vào giải phóng Lào Cai và các địa phương trong tỉnh khỏi sự chiếm đóng của quân Tưởng và bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng và Lào Cai là một trong 27 tỉnh của Bắc bộ trong chính thể mới.
Sau đó Pháp tái chiếm Lào Cai. Để đối phó với cuộc kháng chiến của nhân dân ta, thực dân Pháp đã lập thêm tỉnh Phong Thổ (gồm Văn Bàn, Than Uyên, Sình Hồ, Bát Xát, Cốc Lếu và Phong Thổ), cùng với tỉnh Sơn La, Lai Châu thành “Xứ Thái tự trị”. Đồng thời Pháp cũng lập ra “Xứ Nùng tự trị” gồm các châu phía tả ngạn sông Hồng thuộc Lào Cai do thổ ty Nông Vĩnh An đứng đầu.
Giữa cuộc kháng chiến, sau 265 ngày đêm chiến đấu quyết liệt trong chiến dịch Lê Hồng Phong, ngày 1/11/1950 lực lượng ta tiến vào giải phóng thị xã tỉnh lị. Từ đó tên tỉnh (gồm 7 huyện là: Bắc Hà, Mường Khương, Bản Lầu, Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, Phong Thổ và Tx Lào Cai) được chính quyền ta đã thống nhất gọi là Lào Cai cho đến ngày nay. Cuối cuộc kháng chiến, ngày 28/01/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134-SL thành lập khu Tây Bắc. Lào Cai cùng với các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu gia nhập khu Tây Bắc.
Hoà bình lập lại, ngày 19/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 230-SL thành lập khu tự trị Thái - Mèo. Huyện Phong Thổ của Lào Cai được tách khỏi Lào Cai ra nhập khu tự trị Thái Mèo. Tỉnh Lào Cai lại thuộc về Liên khu Việt Bắc. Sau đó Khu tự trị giải tán (12/1975) các tỉnh trực thuộc Trung ương.
Sau khi thống nhất đất nước,Trung ương triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng như là một cuộc “Liên hoan toàn thắng”. Sau Hội nghị dư luận “hợp tỉnh” để “đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, dựa vào những đơn vị có quy mô lớn, huyện trở thành pháo đài kinh tế-xã hội, các tỉnh được sáp nhập lại” bắt đầu râm ran trong mọi tầng lớp. Vấn đề này đã được pháp lý hóa bởi “Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ và sau khi đã nghiên cứu ý kiến của các Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tây, Nam Hà, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái, Lào Cai và Nghĩa Lộ” ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá V, kỳ họp thứ 2 đã quyết nghị hợp nhất 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ huyện Bắc Yên và Phù Yên) thành một tỉnh cùng 5 tỉnh hợp nhất khác (Cao Lạng, Hà Tuyên, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh). Theo Hồi kí của một đ/c nguyên lãnh đạo tỉnh Lào Cai và Hoàng Liên Sơn hồi đó thì ban đầu đã từng có những phương án đặt tên tỉnh hợp nhất như sau: Hoàng Liên Sơn (với nghĩa 3 tỉnh đều cùng chung dây mạch dãy núi HLS), Hồng Hà (con sông chẩy qua Lào Cai, Yên Bái), Hưng Hóa (tên thời Lê Nguyễn là địa phận của 3 tỉnh) hoặc Lào Yên Nghĩa (ghép chữ đầu 3 tỉnh dạng Hà Nam Ninh) hay Cai Bái Lộ (ghép chữ sau của tên 3 tỉnh!). Cuối cùng cái tên Hoàng Liên Sơn được chọn, là một trong 35 tỉnh và 3 thành phố hồi đó.
Ngày 03/01/1976 Ban Bí thư chỉ định BCH tỉnh Đảng bộ Hoàng Liên Sơn để lãnh đạo việc hợp nhất 3 tỉnh sau đó, ngày 20/2/1976 tỉnh mới chính thức đi vào hoạt động khởi đầu bằng việc Hội đồng nhân dân 3 tỉnh cũ họp bầu UBND tỉnh hợp nhất. Đến tháng 8/1976 mọi việc hợp nhất đã hoàn tất, các cơ quan của tỉnh đã hoạt động tại thị xã Lào Cai. Tỉnh Hoàng Liên Sơn có 15 huyện (Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn, Than Uyên, Sa Pa, Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Bảo Yên, Văn Yên, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu) và 3 thị xã (thị xã Lào Cai, thị xã Cam Đường và thị xã Yên Bái).
Sang năm 1978, do tình hình có những chuyển biến mới, trung tâm tỉnh lỵ từ thị xã Lào Cai chuyển về thị xã Yên Bái. Trong cuộc chiến 02/1979 thị xã Lào Cai (cũ) bỏ hoang nhập với Tx Cam Đường thành Tx Lào Cai (mới).
15 năm trong ngôi nhà chung, tỉnh Hoàng Liên Sơn có những bước phát triển nhất định, đặc biệt đã góp phần cùng toàn dân đánh thắng cuộc chiên stranh biên giới và cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực tù địch (1978-1985). Nhưng thực tế thấy rõ mô hình tỉnh có địa dự rộng đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập trong khi tình hình thế giới, khu vực và toàn quốc xuất hiện những yếu tố mới.
Cuối những năm 1980, sau gần 5 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra, đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng bên cạnh những thuận lợi, có vô vàn khó khăn bởi tình hình biến động trên thế giới (Liên Xô, các nước Đông Âu tiến hành Cải tổ dẫn đến tan vỡ), trong khu vực (vấn đề Campuchia) và trong nước (khủng khoảng kinh tế, xã hội).
Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách quan trọng để đối phó với những khó khăn, thử thách mới. Trong đó, Đảng CSVN quyết định điều chỉnh chính sách đối ngoại, phá thế bất lợi, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Quan điểm này được thể hiện rõ tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, như: Nghị quyết 32 ngày 08/07/1986: "chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới dưới hình thức cùng tồn tại hoà bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ; giải quyết hoà bình vấn đề Campuchia"; Nghị quyết 13 ngày 20/5/1988 với ưu tiên hàng đầu là: Kết thúc nghĩa vụ quốc tế tại Cam-pu-chia; tái bình thường hóa quan hệ Việt-Trung và cải thiện, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Ngày 28/8/1988, Quốc hội ra nghị quyết sửa “Lời nói đầu” của Hiến pháp, bỏ đoạn nói về Trung Quốc. Sau đó, ngày 19/11/1988 Ban Bí thư trung ương Đảng đã ra Thông báo số 118-TB/TW về việc qua lại của nhân dân 2 bên biên giới Việt – Trung. Nhân dân các xã vùng biên đã dần trở lại bản làng xưa sinh sống và canh tác sau 10 năm bỏ hoang để "về tuyến 2".
Về phía Trung Quốc, lúc này đã từng bước thích nghi với thế cục bớt căng thẳng với Việt Nam. Quan hệ Trung – Xô cải thiện chậm so với quan hệ Mỹ – Xô, làm cho vị thế của Trung Quốc trong quan hệ giữa ba nước lớn bị ảnh hưởng, cần thích ứng mới. Sự điều chỉnh chiến lược này đã được xác định tại Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Đới Hà tháng 9 năm 1988, và được công khai hoá tại Quốc hội Trung Quốc tháng 3/1989. Ngày 24/12/1988, sau 10 năm đối đầu gay gắt và sau 8 năm một mực từ chối đàm phán với ta, đây là lần đầu Trung Quốc nhận đàm phán với Việt Nam về vấn đề Campuchia và về bình thường hoá quan hệ hai nước, thực hiện bước chuyển sách lược ở Đông Nam Á phục vụ cho việc chuyển chiến lược chung của Trung Quốc trên thế giới và trong quan hệ với Xô, Mỹ.
Chính tư tưởng “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” đã trở thành cú hích thúc đẩy công cuộc đổi mới và sự phát triển toàn diện của đất nước, quê hương và trong mỗi cơ quan, đơn vị; trong từng gia đình, cá nhân.
Từ 17 đến 27/6/1991 Đảng ta họp Đại hội lần thứ VII đưa lại nhiều thay đổi quan trọng, trong đó có phương sách đối ngoại.
Việc tại Hội nghị Thành Đô ngày 3-4/9/1990, đại diện lãnh đạo cấp cao Việt-Trung ký kết Kỷ yếu hội nghị đồng thuận bình thường hóa quan hệ hai nước tạo ra bước ngoặt quan trọng. Tiếp theo, ngày 08-10/08/1991 Vòng 5 đàm phán Việt – Trung cấp Thứ trưởng tại Bắc Kinh về bình thường hoá quan hệ hai nước đã có bước tiến lớn. Đồng thời, sau nhiều nỗ lực của quốc tế, ngày 23/10/1991, Hiệp định hoà bình Campuchia được ký kết tại Paris (Pháp). Đây là những cơ hội tốt để TQ và VN xích lại gần nhau hơn, tạo tiền đề ổn định xã hội, phát triển kinh tế.
Cùng với sự chuyển biến đó, quan hệ ngoại giao nhân dân vùng biên ấm dần, tình hình phát triển kinh tế các huyện phía bắc Hoàng Liên Sơn sôi động lên. Kết hợp với các yếu tố khác, yêu cầu tái lập Lào Cai đã chín muồi.
Trong bối cảnh đó, “Sau khi nghe Tờ trình của Hội đồng Bộ trưởng, ý kiến của Hội đồng nhân dân các tỉnh, báo cáo của Uỷ ban thẩm tra phương án điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ý kiến của các đại biểu Quốc hội”, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá VIII ngày 12/8/1991 ra Nghị quyết trong đó có nội dung:
“…2. Chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh, lấy tên là tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai:
a. Tỉnh Yên Bái có 8 đơn vị hành chính gồm thị xã Yên Bái và 7 huyện : Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Yên Bình, Trấn yên, Văn Yên, Lục yên, có diện tích tự nhiên 6.625 km2 với dấn số 530.000 người.
Tỉnh lỵ: thị xã Yên Bái
b. Tỉnh Lào Cai có 9 đơn vị hành chính gồm thị xã Lào Cai và 8 huyện: Bát Xát, Sapa, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Than Uyên, có diện tích tự nhiên 7.500km2 với số dân 470.000 người.
Tỉnh ly: thị xã Lào Cai.”
Để thực hiện quyết nghị của Quốc hội, ngày 30/8/1991, tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ra nghị quyết chỉ đạo việc chia “tách tỉnh Hoàng Liên Sơn”. Như vậy quyết nghị của Quốc hội, nghị quyết của tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn là “chia tỉnh” nhưng một thuật ngữ thường được sử dụng là “tái lập tỉnh Lào Cai”. Cũng bởi việc “chia tỉnh” mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ V mới họp được Vòng 1 (22-24/4/1991) còn vòng 2 không được tổ chức mà tổ chức sau tại các tỉnh mới tái lập. Với Lào Cai, Vòng 2 này được xác định là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X khai mạc ngày 09/01/1992, tại Hội trường mỏ Apatít Việt Nam. Đây chính là Đại hội mở đầu quá trình lãnh đạo tái thiết xây dựng lại tỉnh Lào Cai, xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (1991 - 1996); từng bước xây dựng vị thế mới Lào Cai trên khu vực biên giới Tây Bắc của Tổ quốc.
Từ Hoàng Liên Sơn chia ra Lào Cai, Yên Bái |
So với Lào Cai ngày mới thành lập (1907) hay trước khi nhập tỉnh Hoàng Liên Sơn (1976) thì địa bàn Lào Cai mới không còn quản lý huyện Phong Thổ (về Lai Châu, nay là địa phận thị xã Lai Châu và huyện Phong Thổ) nhưng lại thêm đất đai và con người của huyện Than Uyên (vốn thuộc Nghĩa Lộ), Văn Bàn (vốn thuộc Yên Bái) và Bảo Yên (thành lập năm 1966 trên cơ sở một số xã tách từ huyện Lục Yên và các xã hữu ngạn của Văn Bàn thuộc Yên Bái). Đến nay Lào Cai là một trong 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương của CHXHCN Việt Nam.
Dù với thuật ngữ “chia tỉnh Hoàng Liên Sơn” hay “tái thành lập” các tỉnh Lào Cai, Yên Bái thì tỉnh Lào Cai mới đã “lấy lại tên”.
Thực ra, việc chia tách tỉnh đã "râm ran" bàn luận từ lâu và trong mỗi người dân, trong từng cơ quan, đơn vị đã "rục rịch" có sự chuẩn bị cả về tư tưởng, nhân sự và cơ sở vật chất (chia nhau "đi", "ở") nên sau khi có quyết định chính thức của Quốc hội, mọi công việc diễn ra mau chóng.
Ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động. Mấy ngày đầu các cơ quan đầu não của tỉnh vẫn đóng tại thị xã Yên Bái. Sau đó chuyển dần lên Lào Cai, tập kết tại xã Xuân Quang, thị trấn Phố Lu, thị trấn Tằng Loỏng và thị xã Lào Cai (Cam Đường cũ) trong đó Công an tỉnh ở cả 3 nơi. Đến năm 1993 các cơ quan mới chuyển hết lên thị xã Lào Cai (cũ). Mọi hoạt động của tỉnh Lào Cai sau những ngày bịn rịn chia tây ở Yên Bái, ngày tất bật sắp xếp nơi tập kết...dần ổn định và đi vào xây dựng mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội... và ngày càng đổi thay mau chóng.
Nhìn lại chặng đường qua thấy rõ việc chia tỉnh là phù hợp và chắc chắn không có bước ngoặt này thì bộ mặt vùng đất mà ngày nay là tỉnh Lào Cai không thể có được diện mạo như ngày hôm nay.
Rõ ràng sự phân chia địa giới đâu chỉ căn cứ vào “cảm tính chủ quan” của người cầm quyền; đơn thuần dựa vào các đường “phân thủy”, “hợp thủy” sẵn có mà phải hội đủ các yếu tố: từ địa lý, phong thủy đến lịch sử rồi văn hóa vùng miền. Mọi sự “chia”, “nhập” vô lối, theo quy luật sẽ bộc lộ bất hợp lý ngay và đều phải trả giá.
- Lương Đức Mến, Kỷ niệm 20 năm ngày rời Yên Bái lên Lào Cai-
Tại sao không lấy ngày 01/11/1991 (Kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh Lào Cai, 01/11/1950) làm ngày tái lập tỉnh mà lại chọn ngày 01/10?
Trả lờiXóa