[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


13 tháng 9 2011

Người con gái họ Lương độc nhất vô nhị

Do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nên các sử gia thời quân chủ ít chép vào chính sử các sự kiện liên quan đến các nhân vật lịch sử nữ, trừ Hoàng hậu, Hoàng phi hay Công chúa nổi tiếng. Nhưng dân gian lại không câu nệ khuôn phép này nên câu chuyện về người con gái họ Lương ở đất Ý Yên, được nhà Lê phong là Kiến Quốc Phu nhân vì có công giúp nước lập mưu giết giặc Minh được lưu truyền tới tận ngày nay.
Tuy "Đại Việt sử ký" không có một chữ nào về bà nhưng các tài liệu viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hay những tư liệu dã sử, sự tích Đền miếu, Lễ hội và trong nhân dân quanh vùng đều truyền tụng về sắc đẹp, phẩm hạnh, sự mưu trí và công lao to lớn của bà. Người đời cung kính gọi bà là Nguyệt Cô, Nguyệt nương, Lương thị và cũng có sách chép bà tên là Lương Thị Huệ! Nhưng đó là một nhân vật có thật, một liệt nữ đáng tự hào của dân Việt nói chung, Lương tộc nói riêng! Khi lượm lặt qua những tư liệu thành văn và chưa thành văn, tổng hợp lại cũng có thể dựng lại được câu chuyện về Bà. Tôi đã làm việc đó trong tháng Tám, tháng Chín năm 2011 này.
1. Bối cảnh lịch sử:
Năm Ất Dậu (1405) Hoàng đế nhà Minh là Chu Lệ - Minh Thành Tổ, lấy chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”, sai Chu Năng, Trương Phụ và Mộc Thạnh, Lý Bân, Trần Húc thống lĩnh 20 vạn quân chia làm 2 đạo sang đánh Đại Việt. Sau khi bắt cha con Hồ Quý Ly (tháng 6 Đinh Hợi 1407) đưa về Bắc quốc, Trương Phụ chia nước ta thành 17 phủ, 5 châu bổ nhiệm quan cai trị.
Để dễ bề kiểm soát Đại Việt, năm Đinh Hợi, 1407 tướng Minh là Mộc Thạnh sai lấy đất ở núi Thiên Kiệu (tên Nôm là núi Bô) và phá tháp Chương Sơn (xây từ đời Lý) đem về đắp thành Cổ Lộng ở vị trí xung yếu. Do tầm quan trọng như vậy nên thành được quân Minh xây rộng hơn một trăm mẫu, trong có lũy cao, ngoài là hào sâu, rất kiên cố: đắp bằng đất cao 7 thước 3 tấc, có 8 cửa đặt tên theo bát quái, chu vi 200 trượng 8 thước 8 tấc; xung quanh hào rộng 4 trượng, sâu hơn 6 thước.
Thành nằm bên bờ sông Đáy, giữa cánh đồng làng Cách (tên nôm của ba làng Bình Cách Thượng, Bình Cách Hạ và Thọ Cách thuộc xã Thọ cách và Bình Cách, nay thuộc địa phận Ý Yên, Nam Định), kề đường Thiên lý. Đây là Thủ phủ của Kiến Bình đồng thời là doanh sở của Giao Châu hậu vệ, thuận cho việc kiểm soát giao thông thủy, bộ giữa Đông Đô (Hà Nội) và Tây Đô (Thanh Hóa). Đông thời do là vùng tụ hội của nhiều dòng chảy về sông Đáy như sông Nguyệt Đức, Hoàng Long, Sinh Quyết, tạo thành một loạt ngã ba sông hiểm yếu như Gián Khẩu, Đồng Định, Non Nước dẫn đi nhiều ngả lên phía Ninh Bình, Hà Nam lại nằm giữa một vùng chiêm trũng của Nam Định xen lẫn đồi núi bao bộc, khiến cho Cổ Lộng trở thành căn cứ quân thủy. Đây từng là nơi cố thủ của Mộc Thạch khi thua trận ở Bô Cô trước sự tấn công của Giản Định đế Trần Ngỗi.
Ở thành Cổ Lộng, giặc Minh hàng ngày đi cướp lúa gạo, trâu bò của dân. Chúng còn kiểm soát rất ngặt, không cho phép dân chúng rèn gươm đao, chế tạo xe thuyền, hy vọng triệt hết mọi nguồn vũ khí của nghĩa quân, và không còn ai có thể chống lại chúng nữa. Thành Cổ Lộng trấn giữ con đường từ thành Đông Quan vào đến Thanh Hóa. Dân chúng đi qua phải vào trình báo với quân lính nhà Minh. Do vậy đây là điểm xung yếu đối với cả quân đô hộ và nghĩa quân kháng Minh.
Tuy nhà Hồ mất, nhưng ách đô hộ của nhà Minh chỉ được yên ổn trong khoảng 4 năm (1414-1417). Dưới ách đô hộ tàn bạo của nhà Minh, nhiều cuộc nổi dậy của người Đaị Việt dưới sự lãnh đạo của các hậu duệ nhà Trần và sĩ phu yêu nước vẫn liên tục kháng chiến chống Minh, khôi phục cơ nghiệp Đại Việt.
Sau thất bại của của Trần Ngỗi (còn gọi là Trần Quỹ, con thứ của vua Trần Nghệ Tông, xưng là Giản Định đế), Trần Quý Khoáng (cháu Trần Nghệ Tông) tiếp tục khởi nghĩa, xưng Trùng Quang đế được đông đảo nhân dân ủng hộ. Các con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân là Đặng Dung và nguyễn Cảnh Dị cũng theo về. nghĩa quân kiểm soát được vùng Thanh - Nghệ và Thuận - Quảng, có lần tiến ra tới Bình Than (Hải Dương) mưu lấy lại nước, khôi phục cơ nghiệp nhà Trần.
Nhà Minh sai Trương Phụ và Vương Hữu đem đại binh sang cứu viện cho Mộc Thạch. Do có nội phản, nghĩa quân thua to, Vua Trùng Quang và các tướng Trần phải ẩn nấp trong rừng và đều bị bắt giải về Trung Quốc. Giữa đường vua Trùng Quang Trần Quý Khoáng và tướng Ðặng Dung nhẩy xuống biển tự tử, các thủ lĩnh đều bị bắt và bị giết, nghĩa quân tan tác. Nhà Trần chính thức chấm dứt từ năm 1413, trại Tân Bình (Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) lại trở về Chiêm Thành.
Dẹp xong các cuộc khởi nghĩa, Trương Phụ tàn sát những người ứng nghĩa và cả dân thường rất tàn bạo (chặt đầu, đốt xác, cuốn ruột vào cây...) để khủng bố tinh thần người Việt.
Những cuộc khởi nghĩa chống Minh của nhà Hậu Trần thất bại, vì nó đã diễn ra lẻ tẻ, rời rạc, thiếu phối hợp và thiếu đoàn kết. Nó đánh dấu sự suy tàn và bất lực của tầng lớp quý tộc dòng dõi “Đông A” kiêu hùng một thủa trước những đòi hỏi mới của lịch sử.
Tuy các cuộc khởi nghĩa của hậu duệ nhà Trần đã thất bại nhưng đông đảo giới sĩ phu đã có thái độ phản kháng, bất hợp tác với địch, họ truyền nhau tâm niệm: “Muốn sống ẩn vào rừng núi, muốn chết làm quan triều Minh”.
Song bên cạnh việc đàn áp tàn bạo, các tướng nhà Minh như Hoàng Phúc, Trương Phụ đã thiết lập bộ máy cai trị và huy động được một lực lượng người Việt giúp việc khá đắc lực như Mạc Thúy, Lương Nhữ Hốt, Trần Phong... nên tinh thần chống đối của người Việt lúc đó đã lắng xuống khá nhiều so với thời nhà Hồ mới mất. Một lớp nhân tài nổi lên chống đối trước đây đã bị tiêu diệt hoặc vô hiệu hoá. Một số cuộc khởi nghĩa chống Minh vẫn hoạt động nhưng lẻ tẻ và không có khả năng mở rộng.
Trong bối cảnh đó nổi bật nhất và đi đến thắng lợi là cuộc Khỏi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Năm Bính Thân 1416, Lê Lợi và 18 người đã tổ chức Hội thề Lũng Nhai (làng Mé, cách Lam Sơn 10km), nêu cao quyết tâm đoàn kết diệt giặc, đặt cơ sở cho sự hình thành lực lượng nòng cốt lãnh đạo khởi nghĩa. Đầu năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi nhân dân đứng lên cứu nước. Theo thời gian, lực lượng nghĩa quân Lam Sơn đã tăng lên hàng vạn, có cả quân bộ lẫn quân thủy, tạo nên bước nhảy vọt về chất.
Cùng với nghĩa quân Lam Sơn, phong trào đấu tranh của dân ta rộ lên ở khắp nơi. Một loạt các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã bùng nổ, trong đó, tiêu biểu nhất là: khởi nghĩa của Phan Liêu và Lộ Văn Luật (1419 – 1420), khởi nghĩa Phạm Ngọc (1419 – 1420), khởi nghĩa Lê Ngã (1419 – 1420), Phong trào Nghĩa binh “áo đỏ” ở Thái Nguyên năm 1410,…Các cuộc khởi nghĩa được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, với nhiều hình thức: gia nhập nghĩa quân, ủng hộ tiếp tế lương thực thực phẩm, phối hợp đánh giặc. Trong đó, nổi lên những tấm gương dũng cảm như bà hàng nước Lương Thị Minh Nguyệt ở thành Cổ Lộng, cô gái họ Đào ở Hưng Yên,…Đào Đặng (Hưng Yên) xinh đẹp, hát hay thường được mời đến hát mua vui cho quan quân nhà Minh. Đêm đến, sau những buổi ca hát, tiệc tùng, nhiều kẻ chui vào bao vải ngủ để tránh muỗi. Cô cùng trai làng bí mật khiêng quẳng xuống sông.
2. Chuyện kể về "Nữ Tình báo đầu tiên của Việt Nam":
Hồi ấy, tại thôn Ngọc Chuế thuộc làng Chuế Cầu, tổng Tử Mặc (nay là Yên Nghĩa), Ý Yên  gia đình ông bà họ Lương sinh được một người con gái, gọi là Lương Thị Cô, có sức khỏe, thông minh và xinh đẹp, gọi là Lương Thị Minh Nguyệt 梁氏明月.
Cha mẹ cô muốn gả con cho một nhà thế gia vọng tộc ở huyện bên, song cô một hai xin được lấy chồng người làng, dù nghèo để được gần gũi cha mẹ. Thế là cô đẹp duyên cùng chàng Đinh Tuấn ở xóm trên. Từ khi xuất giá, nàng hết đạo thờ chồng, trên thuận dưới hòa, họ hàng nhà chồng đều quý mến.
Nhà ở gần thành Cổ Lộng qua một cánh đồng, chứng kiến mọi nỗi đau khổ của dân làng phải phục dịch, bị đánh đập tàn nhẫn khi xây thành và hạch sách khi đi ngang qua thành, nên Nguyệt nương rất căm phẫn chúng và thường nói với chồng: “Tang bồng hồ thỉ là trí làm trai, vải tơ tần tảo là phận làm gái. Nhưng ngày xưa đã có bà Trưng, bà Triệu cũng yếm khăn mà vượt cả đàn ông, tên tuổi lưu truyền sử sách...”. Thành ý của bà hợp với tâm nguyện của chồng, nên Đinh Tuấn hết lòng ủng hộ vợ.
GIẶC ĐẾN NHÀ, ĐÀN BÀ CŨNG ĐÁNH !
Vốn là cô gái xinh đẹp, những lúc qua thành Cổ Lộng, Nguyệt Cô thường bị bọn lính Minh trêu ghẹo. Bà bàn với chồng tìm cách mua chuộc, lấy lòng bọn quân lính trong thành Cổ Lộng để dò la tin tức, có dịp báo thù và góp công với nước. Ông Đinh Tuấn liền bảo vợ rằng: "Nếu muốn làm như thế, thì phải mở quán bán hàng, ở ngay phía ngoài thành mới được."
Được lời như mở tấm lòng, bà mở một quán bán nước, quà bánh, rượu phía cửa Càn (cửa Nam) ngay ở bên thành để nắm tình hình địch cụ thể, mưu việc lớn. Còn ông Đinh thì ngầm liên kết với những người có tâm huyết trong vùng để chờ thời cơ hành sự. Lâu ngày, Nguyệt nương đã làm quen được với một số lớn tướng sĩ va quân lính nhà Minh và quán của bà hầu như đã hút hết hồn vía của bọn quan lính người Minh đóng trong thành. Những toán lính khi kéo ra khỏi thành thế nào cũng phải rẽ vào quán vừa uống rượu, nước vừa ngắm nhìn trêu ghẹo giai nhân. Mà khi đã ghé vào đó thì chúng thường là say khướt từ sáng đến tối, ba hoa đủ mọi chuyện. Những cuộc hành binh tới các vùng lân cận để cướp bóc của cải, cưỡng hiếp đàn bà con gái của chúng cứ thu hẹp dần.
Tự tin, đầu lĩnh quân Minh còn cho phép Nguyệt Cô và người giúp việc mang rượu thịt vào bán cho những người ở trong thành, vì bận canh gác mà không ra quán được. Hơn nữa lũ lính Minh vốn rất sợ muỗi nên sắm mỗi tên một cái túi ngủ. Đêm đêm, trừ những tên đến phiên gác, còn thì chui hết vào trong túi, nhờ người bên ngoài thắt nút lại cho kín. Bà và vài người nữ giúp việc lại được chúng tín cẩn giao việc này. Do đó mà mọi ngõ ngách, chỗ nào giặc chức lương thực, vũ khí trong thành Nguyệt Cô đều biết rõ.
Khi ấy, sau thời gian hoạt động ở vùng núi Thanh Hoá (1418-1423), tiến vào phía nam (1424-1425), thế lực của Bình Định Vương đã mạnh. Vương sửa soạn ra đánh thành Đông Quan. Trên đường tiến quân thì gặp thành Cổ Lộng chặn đường. Vương liền họp các tướng sĩ lại để bàn tìm cách phá thành Cổ Lộng, nhổ bỏ cái gai, tảng đá cản đường. Giữa lúc các tướng lĩnh đang tìm mưu hiến kế cho Vương thì Nguyệt Cô từ quê nha ra tìm đến dâng kế hạ thành. Bà nói:
- Tôi sẽ bỏ thuốc mê vào rượu cho lính canh uống, rồi đốt lửa làm hiệu để Chủ Tướng đem quân vào chiếm thành. Những nơi chứa lương thực và vũ khí đều được ghi rõ ràng trong tấm bản đồ này.
Ban đầu Bình Định Vương còn nửa tin nửa ngờ. Sau khi được biết rằng bà Lương chính là vợ ông Đinh Tuấn, người vẫn gửi tin tức giặc Minh cho nghĩa quân, Vương rất mừng. Vương cùng các tướng nghe lời tấu trình đã hết lời khen ngợi Nguyệt Cô và dặn bà về nhà theo kế mà hành sự. Đồng thời sai Đại tướng Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Bùi Hưng Nhân dẫn 5 nghìn lính tinh nhuệ, đi tắt đường rừng ra thực hiện kế sách đánh lấy thành Cổ Lộng.
Bấy giờ Trấn thủ Trần Hiệp đã thay Thái giám Sơn Thọ chỉ huy quân Minh ở thành Cổ Lộng và sự tàn bạo cùng thói dâm đãng của viên quan này đã vượt xa người tiền nhiệm. Mùa đông đến, bọn lính nhà Minh khi ngủ mỗi đứa thường chui vào một cái bao để tránh muỗi và rét, Nguyệt Cô vẫn được lũ giặc nhờ thắt nút bao. Những đêm đầu, bà thắt hờ để sáng ra bọn giặc đạp bao, nút được cởi mà chui ra. Trong một đêm đầu Đông cuối năm Bính Ngọ (cuối 1426 đầu 1427), gió heo may lạnh, bà Lương theo lệ thường đem rượu thịt vào thành bán rẻ cho bọn giặc. Bà đem theo một số cô gái trẻ nói là để múa hát cho vui. Quân tướng giặc Minh vừa được uống rượu say, vừa được ngắm người đẹp sơm buồn ngủ liền chui vào túi nhờ các giai nhân thắt túi giùm. Lần này bà Lương quấn nhiều vòng thắt nút bao thật chặt. Xong việc “chăm sóc” quan quân Minh, bà cùng các cô gái ra mở cửa thành. Ông Đinh Tuấn cùng đồng đảng đã phục sẵn dẫn Nghĩa quân xông vào. Nghe động, Trần Hiệp và bọn chỉ huy vội vàng đạp túi ngủ để chui ra. Nhưng do nút buộc quá chắc, chúng không sao ra được, nghĩa quân Lam Sơn dùng búa đập lên những túi vải như đập chuột. Lũ lính trong thành không người chỉ huy nhanh chóng tan vỡ, bị nghĩa quân giết sạch không còn một mống. Ta chiếm gọn thành, bắt sống được giặc mà không tốn một giọt máu.
<Tất cả bọn giặc đều bị khiêng vần xuống kênh dưới chân thành để đẩy ra sông Đáy. Cả một khúc kênh dài năm sáu dặm trôi dày đặc xác người, làm nghẽn cả cửa cống thông ra sông Đáy. Đến nỗi dân ở đó về sau phải đặt tên là cống Kinh Ma.
Bình Định vương lại sai phá thành, đem đất trong thành chia cho các làng xung quanh, làng nhiều làng ít căn cứ vào công đóng góp. Đường từ Thanh Hóa ra Đông Quan đã mở thông, Vương giao việc giữ thành lại cho bà Lương và ông Đinh Tuấn rồi tiến thẳng ra bắc, tiến hành chiến dịch cuối cùng: giải phóng Đông Quan (1426-1427), thu hồi non sông gấm vóc Đại Việt.
Đất nước sạch bóng quân thù, mùa Xuân Mậu Thân, 1428 khi “luận công ban thưởng”, Vua hỏi Lương thị muốn được đền đáp công lao thế nào, bà thưa:
-Việc hạ thành Cổ Lộng là nhờ Hồng phúc của Chúa công và sự góp công, góp máu của trăn họ và nghĩa quân. Vợ chồng tôi chỉ góp phần nhỏ mọn và không mong quan tước. Xin Chúa công cho được yên thú điền viên làm người dân áo vải, mãn nguyện khi thấy cảnh non nước thái bình.
Lê Thái tổ không tiện nài ép, phong cho Đinh Tuấn làm Kiến Quốc công, Trung Dũng Đại tướng quân, được ban Quốc tính; phong bà làm Kiến quốc Trung liệt Phu nhân.
Vua ban ân rằng muốn thưởng nghìn vàng hay đất đai, cho phép bà được tuỳ chọn. Nguyệt nương xin ban một con ngựa, sau lưng cột một giỏ trấu, vừa phi ngựa vừa rắc trấu xuống đường, trấu rắc đến địa phận làng nào thì làng đó sẽ là đất phong của bà. Bình Định vương vui vẻ đồng ý. Bà phóng ngựa từ làng Duối, vòng qua làng Nhuộng, làng Bần, làng Mai ước chừng vài chục dặm, xuống đến tận làng Bo thuộc địa phận Phong Doanh thì túi trấu mới rắc còn non nửa. Nhưng bỗng nhiên con ngựa bị dây cỏ quấn vào chân, bốn vó loạn xạ rồi ngã kềnh ra, què mất hai vó trước, túi trấu đổ vung vãi hết xuống mặt ruộng. Đất phong của bà dừng lại ở cánh đồng mà về sau có tên là cánh “Ngựa què”. Những ruông bà dùng trấu đánh dấu dân vẫn được cày cấy như thường, nhưng phải nộp thuế cho Phu nhân.
Tháng Chạp năm Thuận Thiên thứ 5 (01/1432, Nhâm Tý), Lương thị mất. Vua phong sai quan Khâm mạng cùng Trấn Thần về làng Chuế Cầu là lễ quốc tế, truy phong lên tước Vương, sắc cho dân làng Chuế Cầu lập đền thờ hai vị trên nền nhà cũ và cấp 100 mẫu ruộng tốt làm tự điền để lo việc đèn hương. Về sau Lê Thánh Tông phong hai ông bà là Phúc Thần làng Chuế Cầu.
3. Vinh danh của hậu thế:
Người đời phong Nguyệt nương là “Người đàn bà hạ thành Cổ Lộng” và tôn kính gọi bà bằng tước do Lê Lợi ban: “Kiến quốc phu nhân”. Lê Thánh Tông cho lập đền thờ, xây mộ vợ chồng bà tại quê được nhân dân quanh vùng quanh năm khói hương.
Dấu vết của toà thành Cổ Lộng do quân Minh đắp từ đời Vĩnh Lạc nay còn thấy ở xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và khu đất có ngôi quán trước cổng thành ấy, từ đó tới nay, thời nào cũng có hai cây cổ thụ. Các cánh đồng trong vùng khi cày đất thường nhặt được gươm cũ.
Từ Bình Cách, qua cánh đồng Hang, theo con đường đất đi một đoạn đến thôn Ngọc Chuế là đền Kiến Quốc và lăng mộ của hai vợ chồng bà. Tại đây có Đền Kiến Quốc (tục gọi đền Ruối) thờ Lương Thị Minh Nguyệt với Lễ Hội đền Ruối diễn ra vào ngày 25 tháng 11 và 16 tháng 2 trong đó Chính hội là ngày 25 tháng 11 âm lịch.
Lương Kiến quốc phu nhân xứng đáng được các triều đại sau sắc phong, nhân dân tôn vinh bởi lòng yêu nước, thương dân và tinh thần mưu trí, gan dạ; xếp vào hàng các vị nữ anh hùng của đất Việt. Vị vua anh minh Lê Thánh Tông từng ca ngợi:
Vĩ đại thay người đàn bà giỏi,
Chí khí mạnh ngang vạn hùng binh.
Điều đặc biệt nữa là, theo PGS.TS Lê Trung Hoa, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TPHCM thì trong 448 nhân vật lịch sử trước CMT8, chỉ 1 người có họ tên 4 tiếng lại chính là bà, Lương Thị Minh Nguyệt.
Như vậy bà đúng là một nữ lưu "vĩ đại" trong lịch sử, đem lại niềm tự hào chính đáng của phụ nữ nước Nam và của mọi thành viên Lương tộc. Có lẽ từ sự tích của Bà nên mới có câu: Con gái họ Lương, chân gác bờ tường, phe phảy quạt mo...". Để kết thúc bài viết người biên soạn chuyện này mạo muội dâng hai câu:
Quả cảm cơ mưu xứng danh nòi giống Việt;
Đằm duyên, tốt tính ngời sáng tộc dòng Lương.  
(Lương Đức Mến, Những ngày dự Đại hội Phụ nữ cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc)

5 nhận xét:

  1. Cám ơn bài viết của tác giả Lương Đức Mến , chân thực sâu sắc và đầy ý nghĩa . Dòng tộc Lương từ thời Bà Trưng cho đến ngày nay , thời nào cũng có những nhân vật trọng yếu tham gia phò tá dựng nước và giữ nước . Xin mời các nhà nghiên cứu và các bạn trong và ngoài họ Lương tham gia đóng góp những thông tin quý giá như các làm của Ông Lương Đức Mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn những bài viết đã cho chúng tôi hiểu biết thêm nhiều về Danh nhân lịch sử của dòng họ Lương chúng ta.

      Xóa
  2. Ngày 25 tháng 11 năm Quý Sửu (1433) niên hiệu Thuận Thiên thứ VI, hai ông bà bỗng nhiên không bệnh mà qua đời. Vua Lê Thái Tổ sai quân về tang chế theo tước Vương, phong làm Nhị vị Phúc thần. Cho lập đền thờ Kiến Quốc, xây hướng chính nam ở làng Ngọc chuế, mộ táng sau đền, lại đem 100 mẫu ruộng tốt dâng vào việc tế tự.
    Đến đời Lê Thánh Tông, vua cho tu sửa lại đền Kiến Quốc, trong đó khắc đôi câu đối nổi tiếng: “Thiên cổ danh truyền thần nữ tướng;Ức niên trách nhuận cố hương nhân" và truyền Tiến sĩ Lê Tung (khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức) viết bài minh, ghi công đức bà Kiến Quốc, trong đó có câu: Vĩ tai liệt phụ; Khí hùng vạn binh !
    (Nguồn: http://dantri.com.vn/van-hoa/khai-hoi-den-tho-nu-tinh-bao-dau-tien-trong-chinh-su-viet-nam-1388356288.htm)

    Trả lờiXóa
  3. Năm Mậu Thân (1428), Vua Lê Thái Tổ đã ban tước danh cho bà Lương Thị Minh Nguyệt là Kiến Quốc Trinh Liệt Phu Nhân; ban cho ông Đinh Tuấn (chồng bà) tước danh Kiến Quốc Trung Dũng Công Thần. Cũng nhờ công bà, nhân dân nơi đây được vua ban cho 200 mẫu ruộng tốt để làm ăn sinh sống.

    Ngày 25/11 năm Quý Sửu (1433), hai ông bà qua đời. Vua Lê Thái Tổ sai quân về tang chế theo tước Vương, phong làm Nhị vị Phúc thần. Cho lập đền thờ Kiến Quốc (nay là đền Ruối), ở làng Ngọc Chuế.

    Cũng từ đó cho đến nay, cứ đến ngày 25/11 âm lịch hàng năm, dân làng Ngọc Chuế cùng các thôn trong xã lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ và tri ân vợ chồng Liệt Nữ Minh Nguyệt.

    (nguồn: http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/ky-niem-570-nam-ng224y-mat-nu-t236nh-b225o-dau-ti234n-trong-ch237nh-su-n20131230162315072.htm)

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!