Ngày 24 Tháng 9 năm 2011, Thường trực Ban Liên Lạc (BLL) họ Lương Việt Nam đã họp để đánh giá kết quả các hoạt động của dòng họ trong dịp kỷ niệm 570 năm ngày sinh của trạng nguyên Lương Thế Vinh, mà tâm điểm là việc tổ chức hội thảo tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngày 28 Tháng 8 Năm 2011 .
Tham dự hội nghị có ông Lương Sỹ Pháp, Chủ tịch Hội Đồng Trưởng lão họ Lương Việt Nam.
Hội nghị đã nghe Ông Lương Đức Kỳ , Q/ Trưởng Ban Liên lạc Họ Lương Việt Nam, phó Ban tổ chức Hội thảo và ông Lương Phương Hậu trưởng ban Tổ chức hội thảo báo cáo tổng hợp tình hình và kết quả tổ chức Hội thảo. Hội nghị đã thảo luận và thống nhất đánh giá như sau:
I. VỀ CHỦ TRƯƠNG
Năm 2011, họ Lương chúng ta có 2 sự kiện kỷ niệm lớn: 400 năm ngày mất của Quận công Lương Văn Chánh (19/9 âm lịch) và 570 năm ngày sinh của Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1/8 âm lịch). Về giỗ cụ Lương Văn Chánh, vì trùng với kỷ niệm 400 năm ngày thành lập tỉnh Phú Yên, và khánh thành khu tưởng niệm mới được đầu tư lớn, nên được Nhà nước và tỉnh Phú Yên chủ trương tổ chức các hoạt động quy mô lớn, Dòng họ ta chỉ hưởng ứng để tham gia tốt các ngày lễ trọng mà địa phương tổ chức và chính thức mời dòng họ tham dự. Nhưng về 570 năm ngày sinh của Lương Trạng nguyên, BLL họ Lương VN được UBND tỉnh Nam Định cho biết là không có tổ chức các hoạt động kỷ niệm lớn, chỉ tạo điều kiện cho UBND Huyện Vụ Bản đứng ra làm lễ dâng hương tại đền thờ, và họ cũng không mời dòng họ ta tham gia. Nhận thấy rằng, đây là một dịp hiếm có (10 năm 1 lần), trong nhiệm kỳ này chúng ta không làm thì sẽ bỏ mất thời cơ để giáo dục truyền thống vẻ vang của dòng họ và nâng cao vị thế dòng họ trong cộng đồng các dòng họ cả nước.
Vì vậy, thể theo nguyện vọng của nhiều bậc lão thành, và các nhân vật chủ chốt của các dòng họ ở nhiều vùng miền, sau khi bàn bạc rất kỹ tại 2 lần hội nghị của Ban thường trực BLL và Hội đồng trưởng lão, ngày 30/7/2011 đã thống nhất chủ trương BLL họ Lương VN chủ động đứng ra tổ chức các hoạt động kỷ niệm 570 năm ngày sinh Lương trạng Nguyên. Mục tiêu của hoạt động là nhằm nâng cao vị thế của dòng họ Lương trong cộng đồng xã hội, tăng cường mối quan hệ, giao lưu giữa các dòng họ trong cả nước, thu thập thêm các tư liệu của dòng họ phục vụ cho biên soạn cuốn sách " Họ Lương Việt nam- truyền thống và đương đại". Các hoạt động bao gồm:
- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông;
- Tổ chức hội thảo toàn quốc về thân thế và sự nghiệp Lương Trạng Nguyên;
- Tổ chức dâng hương tại nhà thờ cụ Trạng;
- Tổ chức gặp mặt giao lưu các dòng họ;
- Tập hợp tài liệu để biên soạn cuốn chuyên khảo về Lương Thế Vinh.
II - VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC.
Để thực hiện các nội dung hoạt động trên, BLL đã huy động toàn thể các ủy viên thường trực tại Hà Nội và một số cá nhân nhiệt tình khác vào các ban điều hành công việc. Mọi công việc đều được thông báo và hội ý với ông Lương Văn Thái, hiện đang ở Tp. HCM. Về nhân sự được phân công như sau : Ông Lương Đức Kỳ, phụ trách điều hành chung, ông Lương Phương Hậu chuyên trách tổ chức hội thảo, ông Lương Chí Phương, phụ trách cơ sở vật chất và kinh tế cho các hoạt động. Các ông: Lương Đại Dũng, Lương Văn Quynh, Lương Tự Lập, Lương Văn Phúc, Lương Võ Trân, Lương Tiến, các bà Lương thị Minh, Lương Kim Oanh, phụ trách từng mảng công việc cụ thể. Nhờ có kế hoạch tỷ mỷ, chỉ đạo sát sao, sự phối hợp giữa các bộ phận tương đối nhịp nhàng.
Ban chỉ đạo đã làm việc cụ thể với :
- Hội KHLS Việt Nam;
- UBND tỉnh Nam Định;
- BLL họ Lương Cao Phương,Vụ Bản;
- Trường THPT Lương Thế Vinh;
- Tạp chí Xưa và Nay;
- Đài Truyền hình Việt Nam.
- Trung tâm Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Nói chung, mọi công tác tổ chức đều được tiến hành an toàn, chu đáo, bố trí thời gian, địa điểm hợp lý, không có sự cố gì đáng kể. Khâu đối ngoại thu được hiệu quả tốt, nhờ có cách làm việc khoa học, chân tình, tranh thủ được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các đơn vị phối hợp, đặc biệt là với Hội KHLSVN và với trường Lương Thế Vinh. Khâu đón tiếp các khách xa, đưa đón đại biểu, phát tài liệu, thu ngân...đều diễn ra thuận lợi. Công việc điều hành các buổi hoạt động chung tốt, có chất lượng.
III. VỀ HỘI THẢO TẠI VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM
3.1 – Thành phần tham gia hội thảo :
a- Các tổ chức
- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
-Viện Sử Học,
-Viên Hán Nôm,
-Trường PTTH Lương Thế Vinh tại Hà Nội .
-Phóng viên các đài truyền hình VTV, TTXVN, HN Các báo ND,HNM,TN,TP, DT, Đất ViệT, CAND, ….
- Câu Lạc bộ các dòng họ.
- Trung tâm bảo tồn, bảo tàng các di sản văn hoá.
- Tỉnh Nam Định
- Huyện Vụ Bản
- Các tổ chức xã hội, các trường mang tên Lương Thế Vinh , Hà Nội ,Vụ Bản Nam Định và Hải Phòng .
- Tạp chí Xưa và nay.
- Đại diên các họ bạn . Họ Bùi, họ Trần , họ Vũ ( Võ), họ Thân , họ Dương, họ Trịnh .
b- Các Đại diện, báo cáo viên
Ban Tổ chức đã mời được các Nhà khoa học nổi tiếng nhất trong lĩnh vực lịch sử, hoạt động xã hội có liên quan, như : GS.VS. NGND Phan Huy Lê, GS.NGND. Đinh Xuân Lâm, PGS.TS. Hà Đình Đức; Nhà sử học Dương Trung Quốc; các PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, Tạ Ngọc Liễn, (Viện Lịch sử), PGS.TS. Đinh Khắc Thuân (PTBT Tạp chí Hán Nôm), PGS.TS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường DL PTTH Lương Thế Vinh, Nhà giáo Bùi Văn Tam v.v..
c- Đại diện và bà con trong dòng họ
Ban tổ chức Hội thảo đã phát đi 250 giấy mời và đã đón tiếp:
- Các đoàn con cháu họ Lương đến từ 24 Tỉnh,Thành phố, gồm : Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và Thái Nguyên..
Tổng số đại biểu tham dự hội thảo khoảng 150 người (có đăng ký và không đăng ký).
3.2 – Nội dung Hội thảo :
Chương trình tiến hành Hội thảo đã được xây dựng và bàn bạc cẩn thận,cùng với kinh nghiệm tổ chức của Hội KHLS và Người điều hành nên chương trình gọn nhẹ không rườm rà, đúng trọng tâm, đầy đủ nội dung.
Trong chương trình có thêm phần biểu diễn văn nghệ của học sinh trường Lương thế Vinh, trao tặng kỷ niệm của Hội KHLS VN, lẵng hoa của tạp chí xưa và Nay, tăng thêm phần trang trọng. Hội thảo tiến hành từ 8h30' đến 11h30'.
Ngoài lễ dâng hương và lời chào mừng của đại diện BLL họ Lương VN, các tham luận bao gồm:
1) Hành trạng và sự nghiệp của Lương Thế Vinh của PGS TS Nguyễn Minh Tường –Viên Lịch Sử Việt Nam .
2) Lương Thế Vinh nơi hội tụ những phẩm chất và truyền thống của họ Lương Việt Nam , của GS TS Lương Phương Hậu
3) Lương Thế Vinh , Văn gia nổi tiếng đời Lê. của PGS TS Tạ Ngọc Liễn
4) Trường tôi mang tên Lương Thế Vinh, của PGS TS Văn Như Cương. Hiệu Trưởng Trường PTTH DL Lương Thế Vinh Hà Nội
5) Lương Trạng Nguyên và ảnh hưởng của Ngài đến hậu thế, của nhà giáo,Cử nhân sử học Bùi Văn Tam .
6) Tài liệu Hán Nôm của Lương Thế Vinh tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, của PGS TS Đinh Khăc Thuân, PTBT Tạp chí Hán Nôm , Viện Hán Nôm.
7) Bản Tổng kết hội thảo của GS NGND VS Phan Huy Lê Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam
GS Phan Huy Lê đã tổng kết hội thảo (xem toàn văn trong trang Web holuong.org), và để đánh giá kết quả hội thảo, xin trích kết luận của GS. Phan Huy Lê:
“Với tư cách là các nhà khoa học và qua Hội thảo này chúng ta cũng đã có sự nhìn nhận và đánh gia đúng mực về Lương Thế Vinh để tôn vinh ông xứng đáng với sự cống hiến và di sản ông để lại cho hôm nay :
- Trước hết. Lương Thế Vinh là nhà tài năng lớn, trước tác uyên thâm , vừa là một nhà Bác học trên nhiều lĩnh vực , kể cả toán học, vừa tài hoa đa diện . Tôi không muốn dùng từ đa dạng mà là đa diện) trên mọi phương diện , trên rất nhiều lĩnh vực.
- Ông là một nhân cách lớn, là một người thanh liêm nhưng rất cương trực, không chấp nhận những xấu xa của xã hội mà nhất là chốn khoa trường, đấu tranh chống lại các hủ tục đó. Một con người sống trong chế độ Quân chủ mà thực hiện tư tưởng của kẻ sĩ, của người quân tử thời bấy giờ, tức là phò Vua nhưng mà đưa lại lợi ích cho Quốc gia, cho nhân dân.
- Lương Thế Vinh là một nhà Chính trị, nhà Ngoại giao, nhà Thơ, nhà Văn lớn , nhà Toán học có tính chất khai mở và có thể là nhà lý luận về nghệ thuật.
Tóm lại Lương Thế Vinh là một danh nhân văn hoá lớn của đất nước, của dân tộc chúng ta. Lương Thế Vinh xứng đáng có vị trí phù hợp trong đội ngũ các danh nhân mà chúng ta suy tôn. Danh nhân này, tuy hôm nay chúng ta mới có một tổng kết và đề xuất , nhưng từ lâu sử sách đã ghi nhận , từ lâu dân gian đã thừa nhận . Đã đến lúc chúng ta phải phát huy các di sản và những phẩm giá tốt đẹp của danh nhân này trong cuộc sống hôm nay của chúng ta. Và tôi rất vui mừng là hậu duệ đã phát huy được điều đó, những trường mang tên Lương Thế Vinh đã làm được điều đó. Nhưng mà cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa không phải trong lĩnh vực cục bộ như vậy, mà trong con người Việt Nam nói chung , trong cái yêu cầu phục hưng đất nước hôm nay của chúng ta nói chung.
Lương Thế Vinh - Nhân dịp kỷ niệm 570 năm ngày sinh của Trạng Lường xứng đáng là một danh nhân văn hoá lớn của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.”
Các văn bản báo cáo tham luận đều được in ấn, trao cho tất cả những người đến dự. Dư luận thống nhất đánh giá, các tham luận đều được chuẩn bị tốt, có nhiều khám phá mới, tôn vinh danh nhân họ Lương. Bài tham luận của đại diện dòng họ ( GS. Lương Phương Hậu) được đầu tư công phu, trình độ cao, có tính thuyết phục, được dư luận đánh giá cao.
Ngoài ra, BLL còn tổ chức cho 1 số cá nhân dòng họ trả lời phỏng vấn các báo, đài.
3.3. Sức lan tỏa của hội thảo:
- Các đài truyền hình đã đưa tin: VTV, HTV, TTXVN, ngay tối 28/8/2011.
- Có 18 tờ báo giấy, báo mạng đã đăng bài nói về Lương Thế Vinh và Họ lương Việt Nam, ngoài các báo quan trọng của TW như Nhân Dân, Thể thao Văn Hóa, Báo Đất Việt, báo Hà Nội mới..còn có nhiều báo địa phương xa như Lạng Sơn, tạp chí sông Hương, .
- Nhiều người đã viết văn, làm thơ về Lương Trạng Nguyên gửi về trang Web dòng họ.
- Nhiều cá nhân ngoài dòng họ, trong và ngoài nước gọi điện về BLL chúc mừng.
IV. VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC
4.1. Gặp mặt các dòng họ
Chiều ngày 28/8/2011, tại nhà hàng Hải Xồm, Lê Trọng Tấn, Hà Nội BLL họ Lương VN đã tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa các dòng họ về dự hội thảo. Các đoàn đã gặp gỡ, trao đổi, biểu diễn các tiết mục văn nghệ, nghe Ban Biên soạn cuốn " Họ Lương VN - truyền thống và đương đại " báo cáo tình hình biên soạn, kế hoạch in ấn, xuất bản, những đề nghị đóng góp tài liệu và hỗ trợ kinh phí. Tiếc rằng, số người ở lại tham gia gặp mặt không đông.
4.2. Dâng hương tại Cao Phương, Vụ bản, Nam Định
Ngày 29/8/2001, (đúng ngày sinh 1/8 âm lịch), BLL đã tổ chức đoàn đại biểu các dòng họ về Cao Phương thăm quê cụ Trạng, dâng hương tại đền thờ cụ Trạng, đền thờ cụ Trinh Túc (con cả Cụ Trạng) và lăng mộ cụ Trạng. Đoàn đại biểu BLL đã tham gia lễ kỷ niệm do UBND Huyện Vụ Bản tổ chức, giao lưu với BLL họ Lương Cao Phương, được BLL họ Lương Cao Phương và bà con họ Lương Cao Phương đón tiếp và chiêu đãi thịnh tình. Chuyến đi đạt kết quả tốt, để lại ấn tượng sâu đậm về tình nghĩa dòng họ.
4.3. Hoạt động quảng bá
Đài truyền hình Việt Nam đã thực hiện bộ phim phóng sự khoa học về Trạng Nguyên Lương Thế Vinh, dài 30' do tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà biên tập, NSUT Kim Tiến đọc lời bình, sẽ phát trong 3 buổi trên kênh VTV2: 21h30' ngày 30/9, 13h ngày 3/10 và 10h 30' ngày 4/10.
V. VỀ THU, CHI TÀI CHÍNH PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM
Trong điều kiện thời gian và những thông tin còn nhiều hạn chế, nhưng cuộc hội thảo đã nhận được sự giúp đỡ rất quý báu của bà con họ Lương xa gần gửi tiền hỗ trợ cho BLL Họ Lương Việt Nam tổ chức thành công hội thảo.
Để tỏ lòng biết ơn đến tất cả các vị, chúng tôi xin phép được cung cấp một số thông tin về sự giúp đỡ của quý vị như sau:
- Ủng hộ 10 Triệu đồng : Cụ Lương Hữu Pháp, Tp Hồ Chí Minh.
- Ủng hộ 5 Triệu đồng : Họ Lương Vinh Quang, Tiên Lãng.
Ông Lương Văn Tự, Hà Nội
Ông Lương Phương Hậu , Hà Nội
Bà Lương Khánh Lợi , Hà Nội
Cụ Lương Thế Sự, Hà Nội
- Ủng hộ 4 triệu đồng : Ông Lương Văn Hơn , Cao Bằng,
- Ủng hộ 2 Triệu đồng: Cụ Lương Vĩnh Khang, Hà Nội,
Cụ Lương Sỹ Pháp, Hà Nội,
Ông Lương Ngọc Khuê, Hà Nội,
Ông Lương Quang Khải, Hà Nội,
Ông Lương Quốc Triệu, Hà Nội,
Ông Lương Văn Tuấn, Thừa Thiên- Huế.
- Ủng hộ 1 triệu đồng : có 21 vị (có danh sách kèm theo )
- Ủng hộ 500 ngàn đồng: có 26 vị (có danh sách kèm theo )
- Đa số các vị ủng hộ từ 100 nghìn đến ba trăm nghìn.
Tổng số tền thu được là 96 Triệu đồng chẵn, tổng chi phục vụ cho hội thảo là 93. triệu đồng .
VI. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Dù gặp rất nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, nhưng với chủ trương đúng đắn, sự đồng tâm hiệp lực và tinh thần trách nhiệm cao của các ủy viên thường trực BLL dòng họ, với những kết quả đã nói trên đây, chúng ta khẳng định rằng các hoạt động kỷ niệm 570 năm ngày sinh lương Thế Vinh, mà trung tâm là Hội thảo Trạng nguyên Lương Thế Vinh Thân thế và Sự nghiệp, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào ngày 28 Tháng 8 Năm 2011, đã được tổ chức tốt và thu được thành công tốt đẹp, có tác dụng tốt trong giáo dục truyền thống và nâng cao vị thế dòng họ Lương của chúng ta trong sự nghiệp chung của toàn dân tộc.
BLL họ Lương Việt Nam và Ban tổ chức Hội thảo chân thành cám ơn đối với sự đóng góp quý báu của tất cả các vị cá nhân và chi dòng họ.
Một tồn tại cần nhắc đến là mục tiêu thu thập tài liệu và kinh phí phục vụ cho biên soạn và xuất bản cuốn sách " Họ Lương Việt Nam- truyền thống và đương đại" thì chưa có kết quả như mong muốn.
VII. MỘT SỐ CÔNG TÁC SẮP TỚI
1) Biên tập và xuất bản chuyên khảo về Lương Thế Vinh
2) Tiến hành giai đoạn cuối biên tập và thẩm định tài liệu "Họ Lương Việt Nam- truyền thống và đương đại"
3) Tiến hành để các cá nhân, gia đình và tập thể dòng họ ở các địa phương đăng ký mua và nộp kinh phí để làm thủ tục với nhà xuất bản.
TM/ BAN LIÊN LẠC HỌ LƯƠNG VIỆT NAM
Q/ TRƯỞNG BAN
Lương Đức Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!