Phân cấp địa giới hành chính là sự phân chia các đơn vị hành chính thành từng tầng, cấp theo chiều dọc: cấp hành chính ở trên (cấp trên) sẽ có quyền quyết định cao hơn, bắt buộc đối với cấp hành
chính ở dưới (hay cấp dưới). Đây chưa hẳn là sự phân quyền.
Từ xưa đến nay sự phân cấp và địa danh, địa giới các địa phương luôn có thay
đổi theo từng thời kỳ:
1. Phân cấp hành chính thời phong kiến hay
là thời đại tự chủ 自主時代 được tính từ khi Việt Nam giành được độc lập sau thời kỳ Bắc thuộc 北屬時代 đến khi người Pháp xâm lược Việt Nam hoàn toàn Việt Nam (938 - 1886)
1.1. Thời nhà Đinh - Tiền Lê:丁朝, 968–980 và 前黎氏, 980-1009:
Nhà Đinh chia cả nước ra làm 10 Đạo 道, dưới Đạo là Châu 州, Động 峒, nhà Tiền Lê kế tiếp duy trì như
nhà Đinh.
1.2. Thời nhà Lý 李朝, 1010–1225:
Khởi từ Thái Tổ Lý Công Uẩn (李公蘊太祖, 974-1028) đến Lý Chiêu Hoàng tức Chiêu Thánh
Công chúa Phật Kim (昭皇昭聖公主佛金, - 1218-1278). Đầu thời nhà Lý, chia cả nước ra thành 24 Lộ 路, (ngoài ra còn có Phủ, Châu) dưới trung ương, nhưng các sách như Cương
mục và Toàn thư chỉ chép ra 12 lộ, còn lại 12 lộ không rõ tên. Toàn
thư ghi các 12 lộ 路, 6 phủ 府, 25 châu 州 như sau:
Các Lộ: Lộ Thiên Trường, Lộ Quốc Oai, Lộ Hải Đông, Lộ Kiến Xương, Lộ Khoái, Lộ
Hoàng Giang, Lộ Long Hưng, Lộ Bắc Giang, Lộ Trường Yên, Lộ Hồng, Lộ Thanh Hóa,
Lộ Diễn Châu
Các Phủ : Phủ Đô Hộ; Phủ Ứng Thiên; Phủ Phú Lương; Phủ Nghệ An; Phủ Thiên Đức và Phủ Trường Yên
Các Châu: Châu Thảng Do; Châu Thất Nguyên; Châu Định Nguyên; Châu Trệ Nguyên; Châu Quảng Nguyên; Châu Tây Nông; Châu Vạn Nhai; Châu Vũ Lặc; Châu Vũ Ninh; Châu Đăng Châu ; Châu Lộng Thạch; Châu Định Biên; Châu Văn Châu; Châu Lạng Châu; Châu Chân Đăng 眞灯州 (hay Đạo Lâm Tây 林西道); Châu Phong,; Châu Bố Chính; Châu Lâm Bình; Châu Minh Linh; Châu Vị Long; Châu Đô Kim; Châu Thường Tân; Châu Bình Lâm; Châu Vĩnh An.
Chú ý: Châu Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh là 3 châu lấy được của
Chiêm Thành năm 1069; Đạo Lâm Tây lấy được sau khi Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông đánh bại Đại Lý vào
các năm 1014 và 1037.
Về sau sáp nhập và đổi tên một số
đơn vị hành chính như: phủ Nghệ An thành trại Nghệ An, Châu Lâm Bình, Minh
Linh, Bố Chính gộp lại thành trại Tân Bình, Châu Định Nguyên, Bình Nguyên gộp lại
thành trại Quy Hóa.
1.3. Thời nhà Trần 陳朝, 1225-1400
Nhà Trần chia các đơn vị hành chính
dưới trung ương là: 9 Lộ, 4 Phủ, 7 Trấn 鎭.
Các Lộ: Lộ Đông Đô; Lộ Bắc Giang; Lộ Lạng Giang; Lộ Lạng Sơn; Lộ Long Hưng; Lộ Khoái Châu; Lộ Hoàng Giang; Lộ Hải Đông; Lộ Tam Giang.
Các Phủ: Phủ Kiến Xương; Phủ Kiến Hưng; Phủ Tân Hưng; Phủ Thiên Trường
Các Trấn: Trấn Thiên Quan; Trấn Quảng Oai; Trấn Thiên Hưng; Trấn Thanh Đô; Trấn Vọng Giang; Trấn Tân Bình; Trấn Thuận Hóa.
Ngoài ra: Trấn Thuận Hóa có được sau khi Chiêm Thành cắt dâng năm
1307; Trấn Tân
Bình là đổi tên từ trại Tân Bình thời Lý.
Đơn vị hành chính dưới Lộ, Phủ, Trấn:
là Châu, dưới Châu là Huyện 縣.
1.4. Thời nhà Hậu Lê 後黎朝, 1428-1788
Vua Thái Tổ Lê Lợi 黎太祖利, 1338- 1433) đã chia cả nước
ban đầu thành 4 đạo 道, đến năm 1428 chia thành 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc (tương ứng với Bắc Bộ ngày nay) và Hải Tây (từ Thanh Hóa vào đến Thuận Hóa). Dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu
và cấp cơ sở là xã 社.
Năm 1466 vua Lê
Thánh Tông Tư Thành 黎聖宗思誠, 1442
– 1497) chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên 承宣道, đổi trấn thành châu, đổi lộ thành phủ. Các đơn vị hành chính trực thuộc
dưới cấp trung ương (triều đình) là
thừa tuyên rồi đổi thành xứ 処. Quy mô và diện tích các thừa tuyên/xứ tương đương với
2,3 tỉnh hiện nay.
Ví dụ: xứ Sơn Nam
tương ứng với: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên; xứ Nghệ An tương ứng với Nghệ An,
Hà Tĩnh; xứ Thuận Hóa tương ứng với Quảng Bình, Quảng
Trị, Thừa Thiên; xứ Quảng Nam tương ứng với Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Các Thừa tuyên: Thừa tuyên Thiên Trường (năm 1469 đổi thành Sơn Nam); Thừa tuyên Bắc Giang (năm
1469 đổi thành Kinh Bắc); Thừa tuyên Quốc Oai (năm 1469 đổi
thành Sơn Tây); Thừa tuyên Nam
Sách (năm 1469 đổi thành Hải Dương 海陽鎭); Thừa tuyên An Bang hay Yên Bang; Thừa tuyên Lạng Sơn; Thừa tuyên Thái Nguyên (năm 1469 đổi thành Ninh Sóc); Thừa tuyên Tuyên Quang; Thừa tuyên Hưng
Hóa 興化鎭; Thừa tuyên Thanh Hóa, còn gọi là Thanh Hoa (sau nhập thêm phần đất Thanh Hoa Ngoại, ngày nay là tỉnh Ninh Bình, từ
xứ Sơn Nam vào); Thừa tuyên Nghệ An; Thừa tuyên Thuận Hóa; Thừa tuyên Quảng
Nam (lập năm 1472, sau khi đánh bại Chiêm
Thành).
Ngoài ra: Trung Đô là khu vực kinh đô của triều đình, còn có tên gọi
là Đông Kinh, nay là Hà Nội, năm 1469 đổi thành phủ Phụng
Thiên.
Hồi mới dựng nước (trước 938) và các thời (吳 氏, 939 -965), nhà Hồ (胡 氏, 1400 — 1407), nhà Hậu Trần (陳 後, 1407 — 1413), nhà Tây
Sơn 西山朝, 1788-1802)… và
một số thời kỳ lệ thuộc ngoại bang khác do ít biến động lại khó tìm hiểu nên không
kê cứu ra đây.
1.5. Thời nhà Nguyễn 阮朝,1802-1945,
1.5.1. Vua Gia Long Nguyễn Ánh (嘉隆阮福暎, 1762 –1820) chia cả nước thành 23 trấn, 4 doanh (dinh) 營.
a/ Bắc Thành (Bắc Bộ ngày nay) gồm
11 trấn, hợp thành tổng trấn:
Ngũ nội trấn: Sơn Nam Thượng, Sơn
Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương.
Lục ngoại trấn: Tuyên Quang, Hưng
Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Thái Nguyên.
b/ Miền Trung gồm 7 trấn và 4 doanh:
4 doanh trực lệ (直隸四營, Trực lệ tứ doanh): Quảng Đức (tức vùng Thừa Thiên),
Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam. Dinh Quảng Nam năm 1808 đổi thành trấn Quảng
Nam, dinh Quảng Đức năm 1821 đổi thành phủ Thừa Thiên.
7 trấn: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng
Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận. Sau này, Quảng Nghĩa do kỵ húy tên Chúa
Nguyễn Phúc Toản nên đổi thành Quảng Ngãi.
c/ Gia Định Thành (Nam Bộ ngày nay),
bao gồm 5 trấn, hợp thành tổng trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (sau chia ra Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường (sau này là Định Tường) và Hà Tiên.
1.5.2. Từ năm 1831-1832, vua Minh Mạng Phúc Đảm (明命阮福膽, 1791 – 1841) lần đầu tiên chia thành 31
đơn vị hành chính cấp tỉnh 省 gồm 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên, trực tiếp dưới cấp trung ương
(triều đình). Dưới tỉnh là phủ, huyện 縣.
a/ Bắc Kỳ gồm 13 tỉnh (Bắc Kỳ thập tam tỉnh, 北圻十三省, 1831): Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Hóa, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam
Định, Ninh Bình, Quảng Yên, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
b/ Miền Trung gồm 11 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị
(5 tỉnh này lập ra năm 1831, các tỉnh còn
lại lập ra năm 1832), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên,
Bình Thuận. Ngoài ra vẫn tồn tại phủ Thừa Thiên ngang cấp tỉnh, trực thuộc kinh
sư. Thời kỳ 1853-1876, tỉnh Quảng Trị đổi thành đạo Quảng Trị, thuộc phủ Thừa Thiên. Từ ngày 6 tháng 6 năm 1884, miền
Trung có 12 tỉnh, trong đó hai tỉnh mới là Thừa Thiên và Quảng Trị.
c/ Nam Kỳ gồm 6 tỉnh (Nam Kỳ lục tỉnh, 南圻六省1832): Phiên An (năm
1836 đổi thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà
Tiên.
2. Phân cấp hành chính thời Pháp thuộc 法屬時代 (1863
- 1945).
Sau khi chiếm hoàn toàn Việt Nam,
người Pháp chia cả nước ra làm 3 kỳ (tương
đương với 3 quốc gia) và cùng với Campuchia, Lào trở thành 5 xứ trực thuộc
Đông Pháp (Indochine française).
- Tonkin (Bắc kỳ): từ Ninh Bình ra
bắc là xứ bảo hộ bởi Pháp (protectorat)
- Annam (Trung kỳ): từ Thanh Hóa
vào Bình Thuận là một xứ bảo hộ
- Cochinchine (Nam kỳ): từ Đồng Nai
vào Hà Tiên là một thuộc địa (colonie) và hoàn toàn thuộc Pháp
Trị sự các kỳ gồm có Thống đốc (Gouverneur)
ở Nam kỳ, Thống sứ (Résident supérieur) ở Bắc kỳ, Khâm sứ (Résident
général, sau 1888: Résident supérieur) ở Trung kỳ tương đương với
“thủ tướng”. Dưới các kỳ là các tỉnh với một viên Công sứ (Résident)
tương đương với “tỉnh trưởng/chủ tịch tỉnh” người Pháp đứng đầu. Quy mô và vị
trí các tỉnh tương tự các tỉnh ngày nay.
2.1. Phân cấp ở Nam kỳ
Nam kỳ là khu vực người Pháp chiếm
được sớm nhất của Việt Nam, sau khi chiếm lần lượt 3 tỉnh miền Đông và kế tiếp
là 3 tỉnh miền Tây, Pháp đã chia tách các tỉnh được thành lập thời vua Minh Mạng:
Gia Định chia ra 3 tỉnh: Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh
Biên Hòa chia ra 3 tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một
Định Tường chia ra 3 tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc
Vĩnh Long chia ra 3 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre
An Giang chia ra 3 tỉnh: Châu Đốc, Cần Thơ, Sóc Trăng
Hà Tiên chia ra 4 tỉnh: Hà Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên, Bạc Liêu
Như vậy, vùng đất Nam kỳ lục tỉnh được người Pháp chia ra làm 19
tỉnh có vị trí gần tương tự như ngày nay.
2.2. Các tỉnh mới ở Bắc kỳ
Năm 1886, sau khi chiếm hoàn toàn Bắc
kỳ, Pháp thành lập mới các tỉnh:
Chợ Bờ (tỉnh Mường), năm 1886 (sau là
tỉnh Hòa Bình), từ các khu vực người Mường của các tỉnh: Hưng Hóa, Sơn Tây,
Ninh Bình và Hà Nội cũ
Lào Cai (1886-1891, tái lập 1907) từ Đạo quan binh thứ IV (một phần của tỉnh Hưng Hóa cũ)
thành phố Hải Phòng, năm 1888 (năm 1887 là tỉnh Hải Phòng), từ vùng biển
Ninh Hải của tỉnh Hải Dương cũ
thành phố Hà Nội, năm 1888
Hà Nam năm 1890, từ phủ Lý Nhân của
tỉnh Hà Nội cũ
Thái Bình, năm 1890 từ hai phủ Kiến
Xương và Thái Bình (sau đổi thành Thái
Ninh) của tỉnh Nam Định, kết hợp với phủ Tiên Hưng từ tỉnh Hưng Yên cắt
sang.
Lai Châu, năm 1893 tách từ tỉnh Vạn
Bú
Bắc Giang năm 1895, tách từ tỉnh Bắc
Ninh
Vĩnh Yên năm 1899, tách từ tỉnh Sơn
Tây và huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên
Yên Bái (năm 1900) từ Đạo quan binh thứ IV (một phần tỉnh Hưng Hóa cũ)
Cầu Đơ, năm 1902, (sau đổi thành tỉnh Hà Đông), từ hai phủ Ứng
Hòa và Thường Tín, là phần còn lại của tỉnh Hà Nội cũ
Phú Thọ (năm 1903), từ phần đất còn lại của tỉnh Hưng Hóa cũ
Phúc Yên năm 1904
Sơn La, năm 1904 (lúc đầu tên là tỉnh Vạn Bú, 1895), tách
từ tỉnh Hưng Hóa
Kiến An, năm 1906 (trước đó là tỉnh Hải Phòng, năm 1887, rồi đổi
tên là tỉnh Phủ Liễn, năm 1902)
Hải Ninh, năm 1906
Hà Giang
Đông Giang
Các tỉnh duyên hải gần như là giữ
nguyên. Riêng các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, vào thời trước chưa được phân
chia hành chính, thì đến thời kỳ này mới được phân chia: tỉnh Kon Tum; tỉnh Đăk Lăk, được tách từ xứ Lào thuộc
Pháp năm 1904.
3. Thời kỳ 1945-1954
Sự phân cấp hành chính theo Hiến
pháp năm 1946: Nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm có ba bộ: Bắc,
Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia
thành xã (chương V, Điều thứ 57).
Như vậy vào thời kỳ này các đơn vị
hành chính của Việt Nam được phân thành 4 cấp, ngoài các cấp xã, huyện, tỉnh
như sau này vẫn còn thì còn có cấp Bộ (cả nước có 3 Bộ: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ). 65 tỉnh thời kỳ
1945-1946 là:
a/ Bắc Bộ có 27 tỉnh (Bắc Giang, Bắc Cạn,
Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Đông, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Ninh, Hoà Bình, Hưng Yên, Kiến An, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Phúc Yên, Quảng Yên, Sơn La, Sơn Tây, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Yên Bái) và 2 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng). Năm 1950, hợp nhất Phúc Yên và Vĩnh Yên thành
Vĩnh Phúc.
b/ Trung Bộ có 18 tỉnh (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Phan Rang, Bình Thuận, Kon Tum, Plây Cu, Lâm Viên (Lang Biang), Đắc Lắc, Đồng Nai Thượng).
c/ Nam Bộ có 20 tỉnh (Chợ Lớn, Gia Định, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Gò Công, Rạch Giá, Bạc Liêu) và 2 thành phố (Sài Gòn và Chợ Lớn).
Tuy nhiên, đơn vị hành chính cấp Bộ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ tồn tại trong khoảng vài năm rồi bỏ. Chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp thì lập chức Thủ
hiến cho mỗi Phần (chính là Bộ theo cách gọi của họ).
Theo Hiến pháp năm 1959, Các đơn
vị hành chính trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, khu tự trị,
thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị
xã;
Huyện chia thành xã, thị trấn.
Các đơn vị hành chính trong khu vực tự trị do luật định (chương VII,
Điều 78).
Như vậy ở thời kỳ này cấp Bộ đã không còn, nhưng lại xuất hiện
các khu tự trị. Miền Bắc Việt Nam có 2 khu tự trị, được thành lập từ năm
1955-1956: Khu tự trị Tây Bắc (ban đầu gọi
là Khu tự trị Thái Mèo) và Khu tự trị Việt Bắc. Khu tự trị Tây Bắc lúc đầu
chỉ có các cấp châu (tương đương huyện)
và xã, bỏ cấp tỉnh, nhưng đến năm 1963 đã lập lại các tỉnh.
Trong thành phố trực thuộc trung ương, thời kỳ 1954-1958 có các
cấp hành chính quận (ở cả nội thành và
ngoại thành), dưới quận có khu phố (ở
nội thành) và xã (ở ngoại thành,
ngoài ra có phố là cấp không thông dụng, như phố Gia Lâm ở Hà Nội). Năm
1958, nội thành bỏ quận, thay bằng khu phố (gọi
tắt là khu), dưới khu phố là khối dân phố, ngoại thành có quận (từ năm 1961 đổi là huyện) và xã. Năm
1974, đổi tên gọi khối dân phố thành cấp tiểu khu.
Miền Bắc Việt Nam năm 1954 có 30 tỉnh, 2 thành phố trực thuộc
Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng), 1 đặc
khu (Hòn Gai) và khu vực Vĩnh Linh:
a/ Bắc Bộ có 26 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà
Đông, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Ninh, Hoà Bình, Hưng Yên, Kiến An, Lai
Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Yên, Sơn La, Sơn
Tây, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, đặc khu Hòn Gai,
và 2 thành phố Hà Nội, Hải Phòng
b/ Trung Bộ có có 4 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình
và khu vực Vĩnh Linh (vốn thuộc tỉnh Quảng
Trị).
c/ Sau đó có sự sát nhập, giải thể như sau:
Năm 1955: tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai hợp nhất thành khu Hồng
Quảng; bỏ 2 tỉnh Lai Châu, Sơn La để lập Khu tự trị Thái Mèo.
Năm 1962: 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc,
tỉnh Kiến An nhập vào thành phố Hải Phòng; tái lập 2 tỉnh Lai Châu, Sơn La và
thành lập tỉnh Nghĩa Lộ thuộc Khu tự trị Tây Bắc.
Năm 1963: tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp nhất thành tỉnh Quảng
Ninh.
Năm 1965: 2 tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên hợp nhất thành tỉnh Bắc
Thái; 2 tỉnh Hà Nam, Nam Định hợp nhất thành tỉnh Nam Hà, 2 tỉnh Hà Đông, Sơn
Tây hợp nhất thành tỉnh Hà Tây.
Năm 1968: 2 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải
Hưng; 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phân ra các cấp hành chính: tỉnh,
quận (tương đương với quận và huyện ngày
nay), xã; ngoài ra còn có thị xã Đà Nẵng. Toàn miền Nam Việt Nam từ khoảng
năm 1965 chia thành 44 tỉnh.
Về mặt quân sự, trên cấp tỉnh còn có Vùng chiến thuật (lập ra năm 1961) và đến năm 1970 đổi tên
thành Quân khu. Tất cả miền Nam Việt Nam có 4 Vùng chiến thuật (Quân khu). Cấp tỉnh đóng trụ sở tại thị
xã, về mặt quân sự gọi là tiểu khu, cấp quận đóng trụ sở tại thị trấn quận
lị, về mặt quân sự gọi là chi khu.
Tỉnh Gia Định về sau cùng với thủ đô Sài Gòn trở thành Biệt khu
Thủ Đô, đứng đầu là Đô trưởng.
Từ năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt
Nam chỉ dùng tên gọi quận cho khu vực nội thành, các quận còn lại đổi
thành huyện.
5. Sau khi thống
nhất đất nước
Theo Hiến pháp năm 1980, Các đơn vị hành chính của nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị
hành chính tương đương;
Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố
trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã;
Huyện chia thành xã và thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã
chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và
Uỷ ban nhân dân. (chương IX, Điều 113).
Ngày 3 tháng 1 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam
quyết định thống nhất tên gọi các đơn vị hành chính cơ sở ở nội thành, nội thị
thuộc các thành phố, thị xã là phường (trước
đây là tiểu khu), dưới cấp quận (trước
đây là khu).
5.1.
Ban đầu:
Năm 1976 cả nước có 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh (35 tỉnh và 3 thành phố).
a/ Bắc Bộ có 13 tỉnh và 2 thành phố: Bắc Thái,
Cao Lạng, Hà Bắc, Hà Nam Ninh,
Hà Sơn Bình, Hà Tuyên, Hải Hưng, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng
Ninh, Sơn La, Thái Bình, Vĩnh Phú, và 2 thành phố Hà Nội, Hải Phòng.
b/ Trung Bộ có 10 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh,
Bình Trị Thiên, Quảng Nam-Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải,
Gia Lai-Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng.
c/ Nam Bộ có 12 tỉnh và 1 thành phố: Sông Bé,
Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang,
Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Cửu Long, Minh Hải,
Thành phố Hồ Chí Minh.
5.2.
Sau đó có sự tách nhập tỉnh:
Năm 1978: tách[1] tỉnh Cao Lạng thành
2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Năm 1979: thành lập Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh.
Năm 1989: tỉnh Bình Trị Thiên tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng
Trị và Thừa Thiên-Huế, tỉnh Nghĩa Bình tách ra thành 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định,
tỉnh Phú Khánh tách ra thành 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Cả nước có 44 tỉnh
thành.
Năm 1991: tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành 2 tỉnh Hà Tây, Hoà
Bình; tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành 2 tỉnh Nam Hà, Ninh Bình; tỉnh Hà Tuyên
tách ra thành 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; tỉnh Hoàng Liên Sơn tách ra thành 2
tỉnh Lào Cai, Yên Bái; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; tỉnh
Gia Lai-Kon Tum tách ra thành 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum; tỉnh Thuận Hải tách ra
thành 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; tỉnh Cửu Long tách ra thành 2 tỉnh Vĩnh
Long, Trà Vinh. Thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giải thể Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo.
Cả nước có 53 tỉnh thành.
Năm 1996: tỉnh Bắc Thái tách ra thành 2 tỉnh Bắc Cạn, Thái
Nguyên; tỉnh Hà Bắc tách ra thành 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; tỉnh Nam Hà tách
ra thành 2 tỉnh Hà Nam, Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách ra thành 2 tỉnh Hải Dương,
Hưng Yên; tỉnh Vĩnh Phú tách ra thành 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Năm 1997: tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tách ra thành tỉnh Quảng Nam và
thành phố Đà Nẵng; tỉnh Sông Bé tách ra thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước,
tỉnh Hậu Giang tách ra thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, tỉnh Minh Hải tách ra
thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Cả nước có 61 tỉnh thành.
Năm 2004: tỉnh Lai Châu tách ra thành 2 tỉnh Lai Châu mới và Điện
Biên; tỉnh Đắc Lắc tách ra thành 2 tỉnh Đắc Lắc mới và Đắc Nông; tỉnh Cần Thơ
tách ra thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Cả nước có 64 tỉnh thành.
Ngày 29 tháng 5 năm 2008, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã biểu
quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà
Nội và một số tỉnh có liên quan, theo đó hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, chuyển
toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa
Bình về thành phố Hà Nội. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm
2008.
Sau nhiều lần chia tách, nhập lại, hiện nay Việt Nam có 58 tỉnh
và 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
a/ 5 thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Cần Thơ,
Đà Nẵng,
Hà Nội,
Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh.
b/ 58 tỉnh: An Giang; Bà Rịa-Vũng Tàu; Bạc Liêu; Bắc Kạn; Bắc Giang; Bắc Ninh; Bến Tre; Bình Dương; Bình Định; Bình Phước; Bình Thuận; Cà Mau; Cao Bằng; Đăk Lăk; Đăk Nông; Điện Biên; Đồng Nai; Đồng Tháp; Gia Lai; Hà Giang; Hà Nam; Hà Tĩnh; Hải Dương; Hậu Giang; Hòa Bình; Hưng Yên; Khánh Hòa; Kiên Giang; Kon Tum; Lai Châu; Lâm Đồng; Lạng Sơn; Lào Cai; Long An; Nam Định; Nghệ An; Ninh Bình; Ninh Thuận; Phú Thọ; Phú Yên; Quảng Bình; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Quảng Ninh; Quảng Trị; Sóc Trăng; Sơn La; Tây Ninh; Thái Bình; Thái Nguyên; Thanh Hóa; Thừa Thiên-Huế; Tiền Giang; Trà Vinh; Tuyên Quang; Vĩnh Long; Vĩnh Phúc và Yên Bái.
Theo Hiến pháp và Luật tổ chức chính quyền địa phương số: 65/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 thì “Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
a) Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp
tỉnh);
b) Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc
thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
c) Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
d) Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.”.
Độ này (3/2025) đang
rộ lên việc “nhập xã”, “bỏ huyện”, “nhập tỉnh”, “chuyển tỉnh lỵ” nhưng chưa mấy ai rõ
kết quả ra sao.
-Lương Đức Mến, 19/3/2025 BS từ nhiều nguồn TK-
[1] Nếu trước đây (1976) việc nhập các tỉnh cũng như các huyện được giải thích là do
nhu cầu “tập trung cơ sở hạ tầng để đủ điều kiện tiên slên sản xuất lớn XHCN”
thì khi tách tỉnh được giải thích là để “gần dân, sát thực tế, phù hợp với năng
lực lãnh đạo”. Nhưng thực ra do mâu thuẫn, cục bộ giữa các kíp lãnh đạo xuất
thân từ các địa phương gộp lại không hoà hợp được nên phải chia ra !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!