[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


20 tháng 3 2022

SẮM VÀ BẦY LỄ KHI CÚNG GIỖ

Hiếm có một gia đình nào trên đất Việt mà không từng một lần cúng giỗ hay dự việc giỗ cúng để tỏ lòng hiếu nghĩa đối với người đã khuất, nhớ tới công lao sinh thành, dưỡng dục và dựng xây gia tộc của tiền nhân.

Theo truyền thống, mỗi năm mọi người phải thực thi việc cúng giỗ bốn đời: Kỵ (ông - bà), Cụ (ông - bà), Ông nội - Bà nội và Cha - Mẹ. Đây là giỗ trọng, không thể bỏ được. Nhưng, nhất là hiện nay, khi anh em tản mát nhiều nơi, phần lớn chỉ thực hiện giữ được việc Giỗ hai đời là Ông Bà và Cha Mẹ. Việc này, thực hiện tại nhà con Trưởng song do con cháu sinh sống ở xa, cách trở lại bận bịu thì “con đâu cha mẹ đấy giỗ theo “cụm cũng không sao !.

Việc đó đã và sẽ bàn, trong bài này chỉ nói riêng về việc SẮM và BẦY LỄ. Ngoài những biến tấu theo chiều dài lịch sử (thời gian), theo vùng miền (không gian), riêng việc sắm và bày đặt, dâng lễ cũng “tam sao thất bản nhiều. Tại đây chỉ bàn về những điều chung nhất, đã trở thành “thuần phong mỹ tục (H: 純風美俗, A: The simple and good manners, P: Les moeurs bonnes et simples), được hình thành chắt lọc qua bao đời.

Cổ nhân có câu: “phi vật bất thành lễ” 非物不成禮, nên khi tiến hành cúng lễ phải sắm Lễ vật (H: 禮物, A: The offering, P: L'offrande). Đó là những vật phẩm bầy ra khi thờ cúng,  còn được gọi là Tế phẩm  (H: 祭品, A: The offerings, P: Les offrandes) là những phẩm vật dùng để dâng lên cúng tế. Những vật phẩm này dâng lên với mong muốn để Tam bảo (H: 三寶, A: Three treasures, P: Trois trésors) của người được thờ cúng gồm Tinh (, tinh anh của thể xác, cúng bằng Hoa), Khí (linh hồn tức chân thần, cúng bằng rượu), Thần (chân linh, cúng bằng Trà/Chè) luôn được gìn giữ, và luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần tạo được chân thần huyền diệu, hương linh họ được thanh thản, siêu thoát.

Vật không thể thiếu là nén hương, cách thắp hương thành tâm nên mới gọi là “Tâm hương” (H: 心香, A: The incense of true heart, P: L'encens du vrai coeur) và luôn thắp với số lẻ (3, 5, 7) để cắm vào bát hương. Đừng thắp cả bó mà vô hình trung rước cả “ma đói, quỷ khát” vào nhà.

Tiếp, khi cúng lễ bao giờ cũng có nến, nước, rượu, hoa quả, trầu cau, gạo, muối, cơm canh, vật phẩm mà khi sống người hưởng giỗ ưa thích cùng với những đồ tế lễ khác như tiền Địa phủ và mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy).  

Sau khi tàn tuần hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là “hoá vàng”, còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Chữ việc này là “cung phần sớ văn” (H: 恭焚疏文,A: Palace in the moon, the moon, P: Palais dans la lune, la lune). Vì vậy mới nói đã cúng là phải có sớ ! Quá trình đốt vàng mã cần lấy cây gậy sạch mà “gẩy”. Tục truyền rằng làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất. Hành động đó được cho là sự hòa quyện Nước-Lửa (âm dương) và Trời-Đất-Nước (Tam Tài) mang tính triết lý sâu sắc cũng là mong có “phản ứng hoa học” xẩy ra để đồ cũng biến thành đồ thật!. Còn que sẽ thành dùng làm đòn gánh để “người âm” gánh đồ đi, việc “gẩy” thực chất là tạo Oxy cho cháy hết!

Trong cúng giỗ thường có  con vật bị giết để lấy thịt cúng tế gọi là Tế vật (H: 祭物, A: The victim of sacrifice, P: La victime de sacrifice).

Nguyên lệ này là bởi thời Thượng cổ, mỗi khi tế Trời, người ta dùng người sống làm con vật hy sinh hiến tế. Đến thời trung cổ, việc dùng người sống làm vật hy sinh hiến tế như vậy có tính dã man, nên bỏ tục lệ ấy và thay vào đó là dùng các con thú như: Lợn, gà, dê, bò, làm vật hy sinh để hiến tế. Những gia đình có điều kiện sẽ sắm đồ mặn tam sinh (H: 三牲, A: The three animals of sacrifice, P: Les trois animaux de sacrifice ) gồm 3 con vật làm thịt cúng tế là: bò, lợn, dê hoặc trâu, lợn, dê hay có người hiểu là đủ gia súc, gia cầm và thuỷ cầm.

To nhỏ tuỳ điều kiện nhưng bữa cúng cũng phải có bát cơm xới đầy có ngọn, úp lồng một cái chén khác lên trên gọi là chén cơm lồng cùng trứng gà luộc đã bóc vỏ dẹt ra trên đĩa với một ít  muối. Vì thế mới có tên cúng giỗ là “cúng cơm”.

Chú ý rằng thành ngữ “Vô vật bất linh” 無物不靈 thường dùng để chế giễu những ông quan tham nhũng, nếu không có lễ vật trọng hậu mang đến cho quan thì công việc không xong.tín ngưỡng thờ cúng của người Việt không câu nệ mâm cao cỗ đầy, “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng”. Nhưng cũng là nói về việc cầu cúng, không có lễ vật thì cầu không thiêng như đoạn đầu đã viết: “phi vật bất thành lễ” vậy!.

Đồ mặn sau khi hạ lễ sẽ được mọi người dự cúng “thụ lộc 受祿. Xưa và nay vẫn có nơi còn quy ước: người “theo giỗ” về lúc sắp “hạ lễ” (tức người đó không có cơ hội góp giỗ) thì không được chung vui, bởi “vô công bất thụ lộc” 無功不受祿!

Trong việc Thờ, việc Cúng, việc Giỗ thì làm to hay nhỏ, đồ lễ nhiều hay ít không quan trọng mà cốt là “Lễ bạc tâm thành禮薄心誠 lễ vật đơn sơ nhưng lòng thành thật, tín ngưỡng và thực hiện đúng nghi thức mới có hiệu quả và người âm về ngự trên bàn thờ chỉ hưởng hương mà thôi, còn tế phẩm người dương lại hưởng hết!.

Ngày xưa, quanh năm dưa muối chỉ dịp giỗ tết mâm cơm mới có nhiều thịt cá. Lễ phẩm cúng giỗ biểu trưng cho tấm lòng hiếu thuận của con cháu, lễ bạc mà lòng thành là quan trọng. Nhưng ngoài hoa trái, hương đèn thì nên có mâm cỗ.

Cỗ ngày Tết thường có bánh chưng, bánh dầy,...là những món để lâu vì không họp chợ nghỉ tết và những món ăn kèm thịt mỡ như dưa hành, hành cuốn, cá kho, thịt đông…Còn cỗ ngày giỗ thường đông người tham gia, là dịp các con gái, con dâu trổ tài nấu nướng vì thế mỗi gia đình hay họ tộc có những khác lạ riêng hoặc cách nấu khác nhau, từ đó các món ăn rất nhiều. Đặc biệt là trong cỗ ngày giỗ thường có những món mà người chết khi sinh tiền rất ưa thích. Vì những người thân muốn tưởng nhớ đến người đã khuất nên có khi chỉ món thường ngày hay làm như canh bánh đa, đậu phụ, rau luộc, cá kho…Ví như Ông Nội tôi mất trên sông nước nên bao giờ mâm cỗ cúng cũng có cá!

Thường cỗ giỗ, trước hết có một con gà trống chưa đạp mái, xếp cánh tiên, luộc chín, sau khi cúng sẽ xem chân gà để đoán điềm hay dở. Dùng Gà làm lễ vật bởi Gà là con vật thân thiện, được thuần hóa từ thời con người còn “ăn hang ở lỗ” nên có thể thay mặt chủ nhân đi “hầu” đối tượng cúng. Mặt khác, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ thì Mặt Trời là đấng Thiêng liêng có quyền năng tối thượng đem lại ánh sáng, sự sống cho nhân gian và chúng sinh mà Gà Trống lại có quyền năng “đánh thức” ông Mặt Trời dậy nên Gà Trống được coi trọng cũng như Con Cóc được tin là có quyền “nghiến răng” gọi trời mưa! Nhiều nhà và cả nhà tôi, thời nghèo kho, không có gà cả con nên chặt ra xếp vào thành đĩa chứ không cúng gà luộc để nguyên con. Dù để nguyên con hay chặt miếng thì khi “thụ lộc” mới rắc lá chanh thái chỉ!

Cẩn trọng khi DÂNG CÚNG GIA TIÊN

Trong việc cúng ông bà, chẳng nên làm lấy có hay chỉ để khoe khoang với thiên hạ. Phải lấy tâm thành, kính trọng làm gốc. Người xưa quan niệm rằng trong lòng nghĩ thế nào quỷ thần đều biết rõ (Tâm động quỷ thần tri 心动傀神知).

Thức ăn các thứ, nói chung là đồ lễ dâng cúng gia tiên bao giờ cũng thanh khiết và dành riêng, không được để con cháu đụng tới.

Các thức ăn đã nấu nướng xong, phải đem cúng trước rồi con cháu mới được ăn. Cũng như lúc ông bà còn sống, ông bà cha mẹ chưa ăn thì con cháu không được phép động tới. Để tránh tình trạng lỗi lầm do không biết của các cháu nhỏ, các thức ăn nấu nướng xong phải được múc ra dành cho việc cúng lễ.

Cúng bái chỉ làm cho có hình thức, thiếu lòng thành kính tức là thiếu sự hiếu thảo ngay lành. Không một vị tổ tiên nào chứng giám cho những con cháu có cúng mà không có kính. Thà chén cơm dĩa muối mà lòng thành hơn mâm cao cỗ đầy mà tâm địa dửng dưng.

 Cụ thể:

- Không để mâm cơm đặt trực tiếp lên ban thờ, nhất là khi gia từ không có ban thờ Phật riêng hay dưới đất mà đặt trên một cái bàn thấp hơn ban thờ.

- Trong mâm cơm cần có đầy đủ các móm luộc, sào, rau, thịt, canh, 5 bát on kèm 5 đôi đũa, 5 chén uống rượu (xưa các cụ ngồi cỗ 5), đĩa muối, đĩa trà..... tùy tâm từng nhà. Cạnh bát canh hay đĩa, bát cơm to cần có thìa xới!

- Không được nếm hay động miệng vào thức ăn khi chưa thắp hương. Bao giờ thắp hương xong mới được ăn.

- Không bao giờ dùng xôi đỗ đen hay các món canh cua, riêu ốc.

- Trong gia đình tôi không bao giờ đưa nước mắm vào mâm cỗ cúng.

Mâm cho người nhận giỗ:

- 1 bát cơm lồng chắc vì thế mới có tên cúng giỗ là “cúng cơm”,

- 1 quả trứng gà luộc bóc vỏ dẹt ra trên đĩa với một ít muối hạt,

- 1 bát canh (có thìa), 1 đĩa thức ăn mặn hay món mà sinh thời người đó ưa,

- 1 cái bát, 1 đôi đũa,

- Mấy lát gừng (9 lát cho nữ, 7 lát cho nam).

Phần Nghi thức (H: 儀式, A: The protocol, P: Le protocole) là cách thức làm lễ cho đúng phép trong thờ cúng tuy không quá cầu kỳ đã và sẽ đề cập ở các bài khác. Trong đó đáng chú ý là ngày Tiên thường, Tiểu tường, Đại tường, Chính kị, các vấn đề về Gửi giỗ, Phẩm vật, Văn khấn, Hóa vàng.

-Lương Đức Mến, 18/02 Nhâm Dần-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!