Mượn trên mạng |
Trong thiên giới, vật chất và muôn loài đều trải qua các trạng thái Sinh - Thành - Vượng - Tử và Jean Léopold Nicolas Frédéric, Baron Cuvier (tức Georges Cuvier, 1769 –1832), nhà tự nhiên học và động vật học nổi tiếng người Pháp đã đưa ra thuyết Ðại biến Ðịa chất (Geological catastrophe) theo chu kỳ. Một cách đại để, thuyết này ứng hợp với nguyên tắc biến động theo Tam nguyên Cửu vận ở Ðông phương.
Quy luật khắc nghiệt của sự sống diễn ra theo chiều dài của thời gian và chiều rộng của không gian. Để tồn tại và phát triển, con người tự ngàn xưa, tuy tìm mọi cách chế phục nhưng vẫn phải nương thuận theo quy luật của tự nhiên, vì họ hiểu như trong Li Lâu thượng 離婁上, Mạnh Tử (孟子, 372–289 tCn) đã viết: rằng順天者存, 逆天者亡 “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (Kẻ nào thuận theo thiên nhiên thì sống, kẻ nào đi trái ngược lại thì chết).
Muốn đạt điều đó phải nắm được quy luật, nắm được “ý trời”. Mà muốn vậy, các nhà triết học phương Đông cho rằng phải hiểu, dựa vào hệ thống Kinh dịch, Hà đồ, Lạc thư, Âm dương, Ngũ hành, Thiên can, Địa chi để vận dụng. Từ đó lấy vượng khí đến cho bản thân, tổ chức, góp phần mang lại “Ngũ Phúc” cho mình và xung quanh.
1. Thời gian:
Từ rất xa xưa, người cổ đại đã nhận ra được các sự việc xẩy ra có trình tự trước sau và thấy sự thay đổi của sáng, tối, đêm; của thời tiết, khí hậu. Đồng thời cũng dần nhận thức được sự thay đổi đó luôn gắn với sự chuyển vận của mặt Trời, mặt Trăng, các hành tinh và các vì sao. Từ nhận thức, phân biệt ban đầu đại lượng vô cực này là quá khứ, hiện tại, tương lai nhân loại đã hình thành nên khái niệm Thời gian 時間 và phép đo nó.
Để nhận biết, “đong đếm”, ghi nhớ, ngoài mốc tự nhiên là NGÀY (sáng tối) con người định ra các mốc “nhân tạo” là THÁNG (nguyệt, 月), NĂM (niên, 年) trong phép làm lịch 曆法 gắn liền với thiên văn, chiêm tinh học. Khi cần chia nhỏ đơn vị thời gian dưới ngày người ta định ra giờ, phút, giây; trên năm hợp thành Giáp (12 năm), Hội giáp[1], Thập kỉ (10 năm), Thế kỉ (100 năm), Thiên niên kỉ (1000 năm). Nếu Dương lịch (陽曆, The sun calendar/Le calendrier solaire) lấy có con số đặt tên cho ngày, tháng, năm (1, 2, 3...) thì Âm lịch (陰曆, lunar calendar/ Le calendrier lunaire) lại lấy tên của 10 Can十天干 phối với 12 Chi được 1 vòng gồm 60 cặp trong “chu kỳ Giáp Tý” 甲子 để đặt tên khi hết sẽ quay trở lại. Một chu kỳ 60 danh pháp đó gồm: Giáp Tý 甲子, Ất Sửu 乙丑,...Nhâm Tuất 壬戌, Quý Hợi 癸亥.
Trong Phong thủy chú ý đến Vận 運, Nguyên 元 tính theo Âm Dương lịch 陰陽曆[2]. Sự phân chia thời gian theo nguyên vận là một bước tiến lớn và nó có ứng dụng nhiều trong khoa học Phong thủy, nó cho rằng chu kỳ 180 năm với những biến cố trên quả đất và ảnh hưởng lớn đến con người và mọi sinh vật sống theo nguyên lý “Cùng tắc biến, biến tắc thông”.
Theo đó, Chu kỳ vòng thời gian có: một Vận là 20 năm với vận đầu tiên từ năm Giáp Tý 2997 tCn[3], 3 vận họp lại thành một Nguyên là 60 năm (Đại vận大運), 3 nguyên (Thượng nguyên 上元, Trung nguyên 中元, Hạ nguyên 下元) hợp lại thành Chính nguyên 正元 hay Tam nguyên cửu vận 三元九運 là 180 năm theo 9 cung Bát quái, 3 Chính nguyên họp lại thành Đại nguyên (大元, 540 năm).
Quá trình đó, mỗi sao trong Cửu tinh sẽ làm chủ vận trong 60 năm khi nó bay vào cung trung tâm thay thế sao trước đó, lần lượt 9 sa thực hiện một vòng bay vào trung tâm vừa hết 540 năm, một Đại nguyên. Sự vận động này diễn ra theo chiều thuận: 60 năm đầu tiên sao Nhất Bạch Thủy tinh bay vào cung trung tâm thì 60 năm tiếp theo sao Nhị Hắc Thổ tinh sẽ bay vào thay thế … lần lượt trong Cửu tinh. Tất cả mọi nguyên六十花甲trong Tam Nguyên Cửu Vận đều bắt đầu từ năm Giáp Tý甲子kết thúc ở năm Quý Hợi癸亥theo Can chi năm âm lịch干支紀年法và là sự kết hợp giữa cửu tinh (Nhất Bạch, Nhị Hắc, Tam Bích, Tứ Lục, Ngũ Hoàng, Lục Bạch, Thất Xích, Bát Bạch, Cửu Tử) và sáu mươi Giáp Tý.
Nghiệm trong quá khứ từ khi có sử đến nay thấy rằng có những sự trùng hợp nhất định theo chu kỳ của vòng Nguyên, Chính nguyên hay Đại nguyên[4].
Như vậy, trong thời cận, hiện đại và tương lai gần (dài 180 năm) ta đang ở Đại nguyên thứ 84, gồm có:
- Thượng Nguyên上元:
+ Vận 1: Nhất nhập giữa năm 1864 (Giáp Tý) - 1883 (Quý Mùi),
+ Vận 2: Nhị nhập giữa năm 1884 (Giáp Thân) - 1903 (Quý Mão) ,
+ Vận 3: Tam nhập giữa năm 1904 (Giáp Thìn) - 1923 (Quý Hợi).
-Trung Nguyên 中元:
+ Vận 4: Tứ nhập giữa năm 1924 (Giáp Tý) - 1943 (Quý Mùi) ,
+ Vận 5: Ngũ nhập giữa năm 1944 (Giáp Thân) - 1963 (Quý Mão),
+ Vận 6: Lục nhập giữa năm 1964 (Giáp Thìn) - 1983 (Quý Hợi) .
- Hạ Nguyên下元:
+ Vận 7: Thất nhập giữa năm 1984 (Giáp Tý) - 2003 (Quý Mùi),
+ Vận 8: Bát nhập giữa năm 2004 (Giáp Thân) - 2023 (Quý Mão),
+ Vận 9: Cửu nhập giữa năm 2024 (Giáp Thìn) - 2043 (Quý Hợi).
Có hai quan điểm giải thích về nguồn gốc của Tam nguyên, cửu vận:
Thứ nhất : Trong Âm Dương lịch cứ 60 năm bằng một Hoa giáp, 3 lần tuần hoàn của Hoa giáp bằng 180 năm và từ đó ra đời Tam nguyên, Cửu vận.
Thứ hai: Trong Thái dương hệ, Thổ tinh quay một vòng quanh Mặt trời hết một khoảng 30 năm (nguồn gốc của Nhị thập bát tú ?). Mộc tinh quay một vòng quanh Mặt trời hết 12 năm là nguồn gốc sinh ra thập nhị chi (12 con giáp), thập nhị chỉ trực (phương pháp lựa chọn ngày tốt xấu), cho nên Mộc tinh còn được gọi bằng cái tên là Thái tuế.
Trong quá trình cùng cùng chuyển động quanh Mặt trời thì 20 năm Thổ tinh và Mộc tinh gặp nhau một lần và khi đó trường khí tương tác, hấp dẫn đặc biệt nên thường xẩy ra những sự kiện, biến cố quan trọng. Thời gian đó được tính là một vận.
Mặt khác, chòm sao Bắc Đẩu có 9 vì tinh tú[5], thay nhau chi phối ảnh hưởng tới Trái đất mà mỗi sao trong Cửu tinh sẽ nắm giữ vượng khí trong một vận tức là quãng thời gian vượng khí của một tinh tú là 20 năm. Bội số của 20 và 9 tạo ra thời gian của “tam nguyên” là 180 năm và 9 vận trong Phong thủy. Mỗi một sao trong Cửu tinh sẽ nắm giữ vượng khí trong một vận tức là quãng thời gian vượng khí của một tinh tú là 20 năm vận hành theo thứ tự: Nhất Khảm一坎 (Bắc phương 北), Nhị Khôn二坤 (Tây Nam西南), Tam Chấn三震 (Đông phương 東), Tứ Tốn 四巽 (Đông Nam東南), Ngũ trung cung五中宮, Lục Càn六乾 (Tây Bắc 西), Thất Đoài七兌 (Tây西), Bát Cấn八艮 (Đông Bắc東北), Cửu Li九離 (Nam phương 南).
Dựa vào Vận, Nguyên phối với Cửu tinh 九星, Âm dương陰陽, Ngũ hành 五行, Bát quái八卦các nhà Chiêm tinh 占星學, đặc biệt phái Phong thủy Huyền không 風水玄空dự đoán Cát hung cho từng thời kỳ. Thực chất do vị trí các hành tinh trong Thái dương hệ sẽ ảnh hưởng tới từ trường Trái đất và từ đó ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh,...
Nhìn chung thì Thượng Nguyên là giai đoạn nhân loại thường được an bình, ít bị thiên tai địch họa tàn hại. Tới thời Trung Nguyên tuy có những biến cố nhưng chỉ xảy ra ở vài nơi và nhân loại vẫn sống an bình. Song tới giai đoạn Hạ Nguyên (mạt pháp, phán xét, tàn tạ) là giai đoạn phát sinh ra những tai ương dịch họa, chiến tranh tàn khốc, khủng khiếp mà các kinh sách tôn giáo cổ xưa đã từng nhắc đến như là những lời khuyên răn cảnh cáo. Đặc biệt khi các hành tinh trong Thái dương hệ xếp để trở thành “Cửu tinh liên châu” thì mức nguy hại càng tăng.
2. Không gian:
Là vô cùng, vô tận gồm trước, sau, trên, dưới, phải, trái. Chúng được phân định bằng hệ thống phương hướng, có mười phương hướng chính trong không gian đó là: Bắc, Nam, Đông, Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam, chiều cao và độ sâu.
Thực tế, Phong thủy chỉ tập trung khảo sát các phương vị theo chiều ngang (360 độ) có tám phương hướng tất cả: Bắc, Nam, Tây, Đông, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam và chúng được gọi tên bằng hệ thống quẻ Dịch trong Bát quái.
(Lược đồ đi mượn) |
Việc phân chia này chưa đủ và chưa chi ly chính xác, nên các nhà phong thủy đã phân chia một lần nữa thành 24 sơn hướng trong không gian mỗi sơn chiếm 15 độ. Hệ thống sơn hướng luôn luôn cố định trong không gian, một công trình kiến trúc khi quay lưng về một sơn gọi là tọa, mặt phía trước gọi là hướng. Chúng gồm:
Tứ duy là bốn quẻ trong bát quái gồm: Càn, Khôn, Tốn, Cấn;
Bát Can là 8 Thiên can gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Canh, Tân, Nhâm, Quý;
Thập nhị Chi là 12 địa chi gồm Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
24 sơn này (8 phương, mỗi phương 3 sơn) được ghép vào Thiên - Địa – Nhân theo thuyết Tam nguyên và có thuộc tính âm dương ngũ hành. Cụ thể như sau:
+ Phương Bắc (Cung Khảm): Nhâm (Địa nguyên long, thuộc dương, 345 độ) Tý (Thiên nguyên long, thuộc âm, 360 độ hay 0 độ) Quý (Địa nguyên long, thuộc âm, 15 độ);
+ Phương Nam (Cung Ly): Bính (Địa nguyên long, dương, 165 độ) Ngọ (Thiên nguyên long, âm, 180 độ) Đinh (Nhân nguyên long, âm, 195 độ);
+ Phương Đông (Cung Chấn): Giáp (Địa nguyên long, dương, 75 độ) Mão (Thiên nguyên long, âm, 90 độ) Ất (Nhân nguyên long, âm, 105 độ);
+ Phương Tây (Cung Đoài): Canh (Địa nguyên long, dương, 255 độ) Dậu (Thiên nguyên long, âm, 270 độ) Tân (Nhân nguyên long, âm, 285 độ);
+ Phương Tây Bắc (Cung Càn): Tuất (Địa nguyên long, âm, 300 độ) Càn (Thiên nguyên long, dương, 315 độ) Hợi (Nhân nguyên long, âm, 330 độ);
+ Phương Đông Nam (Cung Tốn): Thìn (Địa nguyên long, âm, 120 độ) Tốn (Thiên nguyên long, dương, 135 độ) Tị (Nhân nguyên long, âm, 150 độ);
+ Phương Đông Bắc (Cung Cấn) Sửu (Địa nguyên long, âm, 30 độ) Cấn (Thiên nguyên long, dương, 45 độ) Dần (Nhân nguyên long, dương, 60 độ);
+ Phương Tây Nam (Cung Khôn): Mùi (Địa nguyên long, âm, 210 độ) Khôn (Thiên nguyên long, dương, 225 độ) Thân (Nhân nguyên long, dương, 240 độ).
3. Thử luận giải Vận đương đại, vận 8:
Như trên đã viết, Tiểu vận 1 của Thượng nguyên đầu tiên là năm Giáp Tý 2997 tCn[6] cho đến nay đã trải 5015 năm, qua hơn 250 Vận, 83 Nguyên, 21 Chính nguyên và 9 Đại nguyên. Do đó vòng Vận 1 Thượng nguyên đương đại bắt đầu từ Giáp Tý 1864 và có 9 vận như sau:
Vận 1: thời kỳ 1864 – 1883 chủ là sao Nhất Bạch (Tham Lang) với Bát quái, Ngũ hành là: KHẢM, THỦY 坎水;
Vận 2 : thời kỳ 1884 – 1903 chủ là sao Nhị Hắc (Cự Môn) với Bát quái, Ngũ hành là: KHÔN, THỔ 坤土;
Vận 3 : thời kỳ 1904 – 1923 chủ là sao Tam Bích (Lộc Tồn) với Bát quái, Ngũ hành là: CHẤN, MỘC 震木;
Vận 4 : thời kỳ 1924 – 1943 chủ là sao Tứ Lục (Văn Khúc) với Bát quái, Ngũ hành là: TỐN, MỘC 巽木;
Vận 5 : thời kỳ 1944 – 1963 chủ là sao Ngũ Hoàng (Liêm Trinh) với Bát quái, Ngũ hành là: TRUNG, THỔ 中土;
Vận 6 : thời kỳ 1964 – 1983 chủ là sao Lục Bạch (Vũ Khúc) với Bát quái, Ngũ hành là: CÀN, KIM 乾金;
Vận 7 : thời kỳ 1984 – 2003 chủ là sao Thất Xích (Phá Quân) với Bát quái, Ngũ hành là: ĐOÀI, KIM 兌金;
Vận 8 : thời kỳ 2004 – 2023 chủ là sao Bát Bạch (Tả Phù) với Bát quái, Ngũ hành là: CẤN, THỔ 艮土;
Vận 9 : thời kỳ 2024 – 2043 chủ là sao Cửu Tử (Hữu Bật) với Bát quái, Ngũ hành là: LI, HỎA離火.
Như vậy, năm Mậu Tuất 2018 ta ở Đại vận thứ 84 (1984-2043)[7] do “Tam Bích Mộc tinh” ở cung trung tâm làm chủ hay năm thứ 15 Vận 8 (2004-2023) của Hạ nguyên cung Cấn艮, do Bát bạch Thổ tinh 八白土星làm chủ, tức Tam nguyên Bát vận.
- Vận khí Hạ Nguyên: biết rằng Các số1 (sao Nhất Bạch, hành Thủy), 6 (sao Lục Bạch, hành Kim), 8 (sao Bát Bạch, hành Thổ) là số của ba Cát tinh gọi là Tam Bạch là những con số tốt đẹp, may mắn.
Trong vận này Sao Bát Bạch nhập giữa, khí của nó là vượng có tác dụng mạnh nhất chi phối toàn bộ. Bát Bạch Thổ tinh tương ứng với cung Cấn của Hậu thiên Bát quái, ứng với sao Tả phụ. Khi sinh vượng nó mang lại công danh phú quý. Sự nghiệp thành công, phát điền trạch, giàu có nhất vùng. Khi khắc sát, chủ về tổn hại trẻ nhỏ, chân tay và sống lưng bị đau.
Bát Bạch Thổ tinh vốn mạnh nhất trong Tam Bạch, vì đó là con số cai quản Vận 8 đương vượng Tài tinh lại chủ Phúc Lộc nên là vận tương đối tốt. Thiếu nam sẽ thông minh, năng động, thiếu nữ cũng trở nên hoạt bát, thông minh hơn. Không lợi cho người già và trung niên, sức khoẻ giảm sút, kém năng động. Khi ở trung cung, cung Càn và cung Đoài, là sinh vượng đặc biệt vào đầu mùa xuân và mùa hè, chủ về công danh phú quý, nên lập nghiệp để vượng tài, nghỉ ngơi dưỡng sức.
- Xét trên phi tinh đồ :
(Của nhà chế ra) |
+ Phương Tây Nam: Ngũ Hoàng chiếm đóng, Ngũ Hoàng là Đại Sát tinh đi đến đâu chủ tai hoạ đến đó nên phương này chủ bệnh tật tai hoạ. Phương Tây Nam còn là phương linh thần tức là phương đối diện với phương Đông Bắc là phương Chính Thần đương vượng nên phương này cần có sông biển hội tụ, nếu không có sẽ phát sinh nhiều biến động, thiên tai, địch hoạ.
+ Phương Nam: Sao Tam Bích chiếm đóng là sao Tử Khí. Khí xấu Tam Bích đại hung chủ thiên tai, cướp bóc, Tam Bích Mộc sinh trợ cho bản cung Ly nên hoả quá vượng dễ phát sinh hoả hoạn, bệnh dịch đặc biệt là bệnh máu huyết, thần kinh.
+ Phương Đông Nam: Sao Thất Xích là sao Thoái Khí toạ lạc tại bản cung Tốn. Bản cung Tứ Lục không vượng lại bị Thất Xích Kim tương khắc nên chủ kìm hãm sự phát triển, xuất hiện chiến tranh hoặc tai hoạ, bệnh tật.
+ Phương Đông: Sao Lục Bạch – Sát Khí chiếm đóng: Lục Bạch chiếm tại bản cung Chấn, hai sao Tam Bích, Lục Bạch chủ về đấu đá, Kim Mộc tương khắc nên dễ có chiến tranh, bệnh tật, nội loạn.
+ Phương Đông Bắc: Bản cung Cấn nơi sao Bát Bạch đang đương vận nên vượng khí, lại được sao Nhị Hắc hợp thập chủ thông khí, hai hành Thổ hỗ trợ nên phương này phát triển mạnh mẽ, nơi đây cũng xuất hiện nhiều nhân tài, thần đồng nhỏ tuổi đặc biệt là thiếu nam bởi quẻ Cấn đại diện là thiếu nam. Trên thế giới : khí Ðông Bắc nên Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Triều Tiên, Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ. Triều tiên, sẽ được sự giúp đỡ hổ trợ của thế giới và cả Hàn Quốc nhờ thu hút được Ðại trường khí vũ trụ Ðông Bắc. Khí vũ trụ từ Ðông Bắc tới nên phát triển mạnh đến nỗi khó ngờ tới, nhất là lãnh vực Kinh tế và điện ảnh, sáng tạo.
+ Phương Bắc: Sao Tứ Lục chiếm đóng tại bản cung Khảm - đại diện Nhất Bạch. Hai sao Tứ Nhất đi với nhau chủ thông minh anh tài xuất hiện, đặc biệt là về các lĩnh vực giáo dục, khoa học xã hội, văn chương.
+ Phương Tây Bắc: Cửu Tử Hoả Tinh là sao vượng khí chiếm đóng, vì khí của sao này hưng vượng nên phương Tây tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên Cửu tử hoả khắc bản cung Càn - Kim nên phải đề phòng nhiều tai nạn và bệnh tật, đặc biệt liên quan đến giao thông, xe cộ, thiên tai.
+ Trung cung có Bát Bạch Thổ về Ngũ Hành tương đồng với hành Thổ ở trung cung nên các khu vực miền Trung sẽ phát triển mạnh. Khu vực Trung Đông cũng có thể có hoà bình trong thời gian vận 8 và chấm dứt nhiều năm nội chiến, loạn lạc.
- Màu chi phối vận này vượng khí là màu Thổ như vàng, trắng, kem.
- Vật khí mang nhiều năng lượng và cát khí là những vật liệu thuộc Thổ, làm từ đất như gốm, đá thuỷ tinh, pha lê.
- Về kinh tế thì nông, lâm sản thu lợi, xây dựng, đầu tư xây dựng cơ bản, đường xá, quy hoạch đô thị, bất động sản, đầu tư vào khu vực miền núi, thuỷ điện, ... là các ngành nghề kinh doanh chiến lược và thu nhiều lợi nhuận.
- Sức khoẻ và quan hệ được đánh giá cao hơn tiền bạc, sẽ có nhiều đầu tư nghiên cứu cho y tế, giáo dục và vi sinh hoá.
- Số 8 là số may mắn chi phối chủ đạo trong 20 năm hạ nguyên, vì vậy nên dùng nhiều số 8 và các vật khí sau đây: Chuông khánh Bát quái, 8 đồng xu; Rùa đầu rồng ngồi trên bát quái; Nên mang theo Bát Quái như đồng xu, túi Bát Quái; Chuông gió 8 ống; Bộ Tứ Linh: Long, Phượng, Hổ, Rùa; Quả cầu thuỷ tinh; Bộ Tam Đa bằng đá; Cây nho ngọc, cây nho thuỷ tinh; BKS xe, Số Điện thoại nên có số 8,...
Việc xác định Đại nguyên, Nguyên (Đại vận), Tiểu vận chỉ có giá trị khi dự đoán thời cuộc và tính vận số cả đời người, nó tác dụng với các Chiêm tinh gia và các nhà hoạch định chính sách. Còn “thảo dân” biết một số điều tối giản để cân nhắc, tiếp thu, cải biến, chả cần và không có thể nghiên cứu sâu, chi tiết hơn.
- Lương Đức Mến, đêm mất ngủ, tổng hợp từ nhiều sách, tài liệu, suy ngẫm từ 10 năm trước, nay soạn lại –
[1] 60 năm Giáp Tý có liên quan tới 3 ngôi sao (thật ra là 3 hành tinh) là Thổ Tinh, Mộc Tinh và Thuỷ tinh. Thổ tinh quay quanh Mặt trời một vòng là 60 năm, còn Mộc tinh quay quanh Mặt trời một vòng là 12 năm còn Thủy tinh thì quay quanh Mặt trời 59 năm (tức gần 60 năm). Vì thế mà cứ 60 năm là đúng một chu kỳ hội họp của 3 hành tinh ấy. Chỉ cần 3 hành tinh ấy nằm trên đường thẳng hàng là đủ gây ra một sức hút, tác động ghê gớm lên quả đất mà chúng ta đang sinh sống.
[2] Là lịch kết hợp giữ loại lịch thuần âm (chỉ dựa vào mặt trăng) và lịch thuần dương (chỉ dựa vào mặt trời - thời tiết).
[3] Năm Giáp Tý đầu kỉ nguyên niên lịch phải là năm mà ngày 01 tháng Giêng là ngày Giáp Tý, tháng Giáp Tý và khi đó các hành tinh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và mặt Trăng, mặt Trời, quả đất nằm trên một đường thẳng được gọi là “Thất tinh hợp bích”, 七星合壁.
[4] Tuy cùng để đo thời gian nhưng Âm lịch và Dương lịch khác nhau ở chỗ: Âm lịch có tính chu kỳ (cyclic) các đơn vị đo được lặp lại sau một quáng thời gian nhất định có thể biểu diễn bằng vòng tròn còn Dương lịch có tuyến tính (linear) và con số chỉ thời gian (năm) không được lặp lại và có thể biểu diễn trên trục số.
Do vậy chỉ có âm lịch mới phù hợp cho việc xem ngày, chọn giờ,... .
[5] Lịch sử Trung Hoa cận đại, hiện đại có nhiều sự kiện theo chu kỳ số 9 mà gay đổ nhiều máu của chúng sinh, như: năm 1929 là năm xảy ra các cuộc chiến giữa các quân phiệt “bán tự trị”; năm 1939, đau thương trong Chiến tranh Trung-Nhật; năm 1949 nội chiến Quốc-Cộng 國共内戰; năm 1959 cuộc nổi loạn Tây Tạng 藏区骚乱, năm 1969 chiến tranh giữa Trung Quốc và Liên Sô 珍宝岛事件, năm 1979 chiến tranh biên giới với Việt Nam中越战争, năm 1989 sự kiện Thiên An Môn 六四天安門事件, năm 1999 đàn áp Pháp luân công 對法輪功的鎮壓, 2009 trấn áp Bạo loạn Tân Cương 乌鲁木齐七五事件.
[ 6] Một số người cho rằng năm khởi lịch âm là năm 2697 tCn nhưng thực ra đó là mốc bắt đầu lịch sử Trung Quốc (Hoàng Đế nguyên niên) và khi đó đã là bắt đầu của Đại vận thứ 6 (Lục Bạch-Kim tinh)!
[7] Có người viết đương đại thuộc Đại vận thứ 79 là họ theo lịch Tầu khi dựa vào truyền thuyết cho rằng năm 2697 trước Công nguyên, Hoàng đế (黃帝, 2698 – 2599 tCn) tính ra lịch pháp nên đây là năm đầu tiên để tính vận, gọi là Hoàng đế nguyên niên 黃帝元年.
Vất vả cho ông nghiên cứu, tổng hợp 10 năm. Rồi dàn cho chiêm tinh gia, thảo dân chỉ biết tối giản.
Trả lờiXóaGọi là có tóc mà không có óc.