Nhân dịp xã Phong Niên được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới đọc lại bài viết về dư địa chí xã nhà soạn năm 2014, dịp KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP THÔN AN PHONG (1964-2014).
1. Núi rừng đất sáng từ xưa:
2. Lập nên một xã dọc bờ suối Phong:
3. Xây dựng, bảo vệ bản làng:
4. Quê hương từng bước vững vàng đi lên:
1. Núi rừng đất sáng từ xưa:
Những di chỉ khảo cổ phát hiện năm 1992[1] có niên đại thuộc văn hoá Sơn Vi (20.000 - 12.000 tCn) đã minh chứng rằng từ buổi ban sơ lịch sử vùng từ năm 1838 mang tên xã Phong Niên đã có con người khai phá. Nhưng địa danh, địa giới ra sao, bao gồm những khe, động, sách, trại, bản... nào, thuộc cấp hành chính nào thì chưa khảo cứu được.
Theo tư liệu tôi tìm được thì hồi thế kỷ XVIII vùng đất này là động 峒 mang danh Hạo Niên 暠年峒 thuộc châu Thủy Vĩ 水尾州 phủ Quy Hóa 歸化府, trấn Hưng Hóa 興化鎭. Năm 1838 Minh Mạng chuyển động thành xã 社, đổi Hạo Niên[2] thành Phong Niên 豐年[3] đặt thuộc tổng Gia Phú 嘉富總. Hồi ấy, Gia Phú là một trong 3 tổng của châu Thủy Vỹ và có 3 xã (Gia Phú, Phong Niên, Cam Đường) và 2 trại (Phố An, Làng Pha).
Xã Phong Niên 豐年社 khi đó rất rộng, bao gồm 33 làng, bản, phố, trại: Làng Đo 廊𡳢, Đo Mán 廊𡳢蠻, Hoả Thiêu 火燒, Cốc Tâm 谷心,Can Hồ Mán 干胡蠻, A Nam 亞南, A Dụng 亞用, Suối Mã 𤂬馬, Suối Khê 𤂬溪, Đồng Già 同𦓅, Sa Công Hò Mán 沙公胡蠻, Làng Múc 廊木, Làng Giàng 廊洋, Thác Đông 托東, Thác Đông Mán 托東蠻, Làng Sum 廊森, Làng Sum Mán 廊森蠻, Làng Bái Báo 廊拜報, Làng Thái Niên 廊太年, Làng A Mán 廊安蠻, Tam Hợp Mán 三合蠻, Bắc My Mán 北眉蠻, Làng Cung Mán 廊供蠻, Phố Thái Niên 庫太年, Làng Lượt Mán 廊𦀎蠻, Suối Mã Mán 𤂬馬蠻, Làng An Mán 廊安蠻, Phố Mới 鋪買, Trại Mới 寨買, Soi Mười 𤐝𨒒, Sơn Mãn 山滿, Giang Đông 江東, Cánh Chín 𦑃𠃩[4].
2. Lập nên một xã dọc bờ suối Phong:
Khi tỉnh Lào Cai thành lập (12/7/1907) thì Châu Thủy Vĩ[5]水尾chia thành 2 Châu ở 2 bên sông Hồng. Châu Bảo Thắng 保勝州 bên trái gồm 11 xã, phố trại và 30 làng, bản, phố: Lào Cai 老街, Phố Mới 鋪買, Trại Mới 寨買, Soi Mười 𤐝𨒒 , Sơn Mãn 山滿, Giang Đông 江東, Cánh Chín 𦑃𠃩, Thái Niên 太年, Phố Lu 富瀘, Xuân Quang 春光, Phong Niên 豐年.
Địa bàn xã Phong Niên khi đó gần như chỉ gồm các thôn bản của Phong Niên, Phong Hải ngày nay bởi đã hình thành các xã mới và không còn lệ vào tổng Gia Phú (thuộc châu Thuỷ Vỹ 水尾 bên hữu ngạn).
Khi Pháp tái chiếm toàn bộ Lào Cai (2/1948), Phong Niên trở thành khu du kích có các tổ chức vũ trang hoạt động mạnh mẽ, nằm cách trung tâm huyện lỵ 18 km, kéo dài từ Km 17 (Ải Dõng) đến Km 38 (Bắc Ngầm) dọc 2 bên QL4[6]. Sau khi huyện uỷ Bảo Thắng được thành lập (15/10/1948) huyện uỷ đã phân công Nguyễn Đức Thắng sau là Nguyễn Tất phụ trách địa bàn Phong Niên và nơi đây từng là nơi dừng chân của các cơ quan tỉnh, huyện khi bị tấn công mạnh (12/1949), là địa bàn hoạt động của Đại đội Thăng Bình (C670). Trong Chiến dịch Lao Hà (01/3-20/4/1949) một Tiểu đoàn của Trung đoàn 165 do Sơn Tùng chỉ huy lấy Phong Niên làm bàn đạp tiến vào bao vây Tx Lào Cai. Sau đó, ngày 10/7/1949 trên đường 4, tại địa phận Cốc Sâm, bộ đội C946 đã phục kích diệt 4 lính Pháp, 2 lính nguỵ. Từ đó hoạt động võ trang ở Phong Niên phát triển mạnh, phân tán lực lượng địch. Khu căn cứ này đứng vững vàng cả sau cả trận càn khốc liệt 7,8/1950 và cùng cả tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng hoàn toàn Lào Cai trong đợt hai Chiến dịch Lê Hồng Phong (9-11/1950).
Giai đoạn 1951-1954, Phong Niên đã góp nhiều công sức trong các cuộc tiễu phỉ, truy bắt biệt kích nhẩy dù. Đặc biệt trận đánh tan tốp 93 tên phỉ từ Mường Khương, Bắc Hà tràn xuống ngày 09/4/1951 hay làm hạn chế hoạt động của 4 tên biệt kích nhẩy dù xuống Phong Niên ngày 10/01/1954.
Trong 2 cuộc Chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mĩ, Phong Niên không bị ném bom, chỉ có máy bay không người lái bay qua nhiều lần để trinh sát và rải truyền đơn (ngày 21/9/1967 truyền đơn về Cách mạng văn hóa TQ về tình hữu nghị Việt-Trung và cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam xuất hiện ở khu Cốc Sâm, An Phong). Nhưng vì xa tỉnh, huyện lị nên không có cơ quan nào sơ tán về đây. QGPND Trung Quốc (PLA) sang giúp Việt Nam làm đường đóng dọc 2 bên Quốc lộ 4 và có những ảnh hưởng nhất định đến bộ mặt của xã. Chính QGPNDTQ đã từng giúp dân Phong Niên thu mùa khi cơn lũ ập đến[7] và khi rút đi để lại đây 1 Nghĩa trang bên trái km 35+500 và một số khu lán trại sau trở thành nhà ở của dân, kho, chuồng trại của HTX.
3. Xây dựng, bảo vệ bản làng:
Ngày 20/9/1966 Bộ Nội vụ ra Quyết định số 307/QĐ-NV tách thành 2 xã (Phong Niên và Phong Hải) với ranh giới tại Km 30+600[8], là đường phân thủy giữa lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Chẩy. Khi đó Phong Niên còn 7 thôn, gồm: Tân Phong, Tân Thắng, Cốc Tủm, Cán Hồ, Làng Cung, Cốc Sâm và An Hồ.
Đây là thời kỳ đồng bào miền xuôi lên khai hoang và đồng bào vùng cao Bắc Hà, Mương Khương di cư xuống nhiều nên dân cư ngày một đông và thêm nhiều thành phần dân tộc mới. Những năm tháng đó Phong Niên đạt được nhiều thành tích trên mọi mặt, đã từng được chọn điểm về xây dựng nông thôn và phát triển giáo dục. Trong bối cảnh đó, Trường Cấp 2 xã Phong Niên được thành lập (9/1969)[9] có đủ 3 lớp 5,6,7 trên cơ sở sáp nhập Trường Cấp 2 Phong Hải và Cấp 2 Xuân Quang (lập 9/1967). Có thời kỳ Phong Niên góp phần cùng toàn huyện, tỉnh giải quyết vụ xưng vua 8/1974-4/1975 của Đặng Văn Kẹo kéo theo nhiều người ở ở Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà tham gia, trong đó có Phàn Đắc Phù là ủy viên UBHC xã Xuân Quang giáp với Phong Niên.
Cuộc chiến 02/1979 diễn ra dọc xã và có điểm rất ác liệt, là xã cuối cùng theo tuyến đường 7 mà PLA tràn qua (ngày 22/02). Khi đó, đại bộ phận nhân dân sơ tán (người khai hoang về quê, dân bản địa rút về tuyến sau), số ở lại chủ yếu người vùng cao, già yếu. LLVT địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực đã góp phần tiêu hao nhiều sinh lực đối phương. Một trong những trận thắng lớn của quân dân Lào Cai trong cuộc chiến này diễn ra tại Km 31, đầu xã, ngăn không cho đối phương tiến quá Bắc Ngầm. Sau khi đối phương rút (08/3), nhân dân trở lại khôi phục sản xuất và không có tranh chấp tài sản, ruộng đất gay gắt như ở một số nơi. Nhưng có những phức tạp bởi là vùng đệm giữa Phố Lu (“Hồng Công” của phía Bắc Hoàng Liên Sơn) và vùng biên Mường Khương (nơi diễn ra những vụ buôn lậu nổi tiếng).
Trong thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, con đường chiến lược Hoàng Liên Sơn I (đường Thuận Hải, tỉnh lộ 154) từ km 36 qua Tân Hồ (Phong Niên) ngược Cốc Ly (Bắc Hà), lên Tả Thàng, Cao Sơn (Mường Khương) được mở ra và khai thông[10] đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển về văn hoá, kinh tế các thôn bản trong vùng. Nhưng cũng làm cho rừng mau cạn kiệt hơn và có phức tạp mới về ANTT.
4. Quê hương từng bước vững vàng đi lên:
Trong thời kì đổi mới Phong Niên đã có những cố gắng mới, vươn lên. Xã đã có chợ, có trường Tiểu học, trường THCS; đường liên thôn đã vươn tới khắp thôn bản. Đặc biệt khi những chính sách xã hội giành cho vùng khó khăn vận hành tốt; khi chợ Cốc Ly đi vào hoạt động, thuỷ điện Cốc Ly khởi công (22/02/2005) nhiều cơ hội để Phong Niên phát triển đã xuất lộ. Tình hình văn hóa, xã hội, kinh tế chính trị được cải thiện. Song so với một số xã bạn thì tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Hiên nay, Phong Niên là xã vùng hai của huyện Bảo Thắng, hiện đang thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2 (giành cho các thôn đặc biệt khó khăn), nằm cách huyện lỵ 18 Km, phía bắc giáp thị trấn Phong Hải, phía tây giáp xã Thái Niên, phía tây nam giáp xã Xuân Quang, phía đông giáp xã Bảo Nhai. Năm 2010:
Về hành chính: có 22 thôn bản (02 thôn chuyển từ Xuân Quang về tháng 6 năm 2007), có thôn mới do dân khai hoang lên (độc lập hay xen kẽ) lập ra như Tân Phong, An Phong, Vĩnh Hồ[11]; có bản người Mông từ Bắc Hà xuống lập nên như Phìn Giàng (坪羊, Bằng Dương tức bãi đất trên cao); có bản do người Tầy, người Dao lập từ trước như: Cốc Tủm, Cốc Sâm, Làng Có, Cán Hồ, Làng Cung, Sả Hồ. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 4.255 ha, trong đó: Diện tích đất nông nghiệp: 711,84 ha, đất lâm nghiệp 1.025 ha, đất chuyên dùng: 78,43 ha, đất ở: 38,71 ha, còn lại là đất chưa sử dụng và đồi núi đá vôi. Như vậy xã tuy rộng nhưng bị chia cắt bởi núi đá, địa hình lại dốc, khe, suối nhỏ nên canh tác gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp. Trong đó sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thu nhập chính của người dân là cây lúa, ngô, mía, một số hoa màu và cây ăn quả trong đó 9 thôn vùng cao, ruộng nước ít, nguồn thu chính của bà con là từ trồng ngô trên sườn đồi, núi đá[12].
Về dân cư, xã có 5.839 người, trong đó 6 thôn chỉ có một dân tộc sinh sống, như: thôn Cán Hồ là dân tộc Dao Tuyển, các thôn Phìn Giàng, Tân Hồ, 3 Làng Có là dân tộc Mông. Toàn xã có 1.589 hộ với tổng dân số 7.167 khẩu, gồm 8 dân tộc. Trong đó đông nhất là người Kinh (40,04%) lên trong những năm 1960, 1970 Thế kỉ trước sống ở vùng thấp, ven đường; còn người bản địa là Tầy (chiếm 3,21%), Nùng (10,49%), Dao (11,94%). Các cư dân khác, như Mông (29,54%), Phù Lá (1,49%), ít nhất là Pa Rí (0,07%) từ Bắc Hà, Mường Khương di đến trong Thế kỉ XX.
Quốc lộ 70 từ Đoan Hùng (Phú Thọ) qua Yên Bái lên ngã ba Bản Phiệt (Lào Cai) chạy qua chia đôi dọc xã với chiều dài là 7km, tỉnh lộ 154 nối từ ngã ba km36 lên dọc các thôn vùng cao của Phong Niên sang Cốc Ly được nâng cấp và hệ thống đường ngang liên thôn nối hay xuất phát từ 2 trục này, Thủy điện Cốc Ly hoạt động cùng tuyến thăm quan dọc sông Chảy tạo cho Phong Niên hướng phát triển mới. Các tuyến đường giao thông liên thôn đã được nâng cấp trong đó nhiều tuyến được rải đá cấp phối, beton hóa, ô tô đã đi đến được hết các thôn bản trong xã. Điện lưới quốc gia được đầu tư từ năm 1998. Xã có khu chợ trung tâm được xây dựng khang trang giúp cho người dân lưu thông hàng hoá, mua bán trao đổi được thuận tiện tạo đà cho kinh tế địa phương phát triển; số hộ nông dân sản xuất giỏi ngày càng tăng ở cả các thôn vùng cao. Trường học, Trạm xá xã được đầu tư xây dựng. Đời sống và sự hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân ngày một nâng cao; Tỉ lệ hộ đạt “Gia đình Văn hóa”, thôn bản, cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa ở mức ngày càng cao.
Nhưng do ngành nghề chưa phát triển mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi chưa tích cực nên chuyển biến về kinh tế còn chậm, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi chưa nhiều, chưa có doanh nhân đủ mạnh là người địa phương hay nơi khác đến mở mang kinh doanh, đầu tư xây dựng trên địa bàn, còn khoảng 20% hộ nghèo. Tình hình ANTT có những phức tạp mới. Đặc biệt việc du canh, du cư, việc tuyên truyền Đạo Tin lành trái phép, buôn bán ma túy. Trong đó có nơi, có thời điểm trở thành điểm nóng về ma tuý, từng được mệnh danh gần như là “Nà Ư của Bảo Thắng”.
Với lợi thế vốn có và trong hoàn cảnh thuận lợi chắc chắn rằng Phong Niên sẽ vững bước đi lên giầu mạnh, văn minh đúng như tên gọi 豐年 của nó[13] mà tiền nhân đã chọn là “năm được mùa” chứ không phải 風蓮 “sen trong gió” hay 風年 “gió quanh năm” như có người lầm tưởng.
- Lương Đức Mến, 10/9/2018-
[1] Tại Bắc Ngầm, gồm tám công cụ: hai chiếc rìu lưỡi ngang có nhiều vết đẽo nhỏ cẩn thận, bốn chiếc rìu lưỡi dọc và hai chiếc mũi nhọn được chế tạo từ những viên cuội hình bầu dục. Ngoài ra còn tìm thấy một hòn cuội to lạ được ghè ba mặt. Xung quanh viên cuội này còn tìm được 21 mảnh tước.
[2] 暠 và 皜 ngoài âm “hạo” có nghĩa là sáng sủa còn có âm nữa là “cảo” mà “Cảo” 杲 lại một tên húy không công bố của vua Gia Long nên năm Minh Mệnh 17/1836 định lệ kiêng húy, phải đổi.
[3] Kinh Thi có câu: 豐年,秋冬報也 ("Phong niên, thu đông báo dã", tức “Năm được mùa, mùa thu mùa đông báo tin cho”). Tên làng xã được đặt với mong muốn được mùa, như Phong Lẫm 豐廩, Phong Mỹ 豐美.
[4] Như vậy Phong Niên khi đó bao gồm cả bên tả ngạn thành phố Lào Cai và xã Thái Niên, Phong Hải nay. Xem trong địa danh rất nhiều tên Nôm lẫn tên Hán gốc tiếng Tầy lẫn gốc tiếng Mông-Dao và nhất là nhiều địa danh kèm từ “Mán” phải chăng ngày đó người Dao chiếm tỉ lệ cao. Từ sau 1986, người Mông từ Bắc Hà xuống cư trú nhiều các thôn rẻo cao, người Dao chỉ còn lại ở làng Cung, My...
[5] Thủy Vỹ quản 3 tổng là: tổng Gia Phú (với 5 xã, trại gồm: xã Gia Phú, xã Phong Niên, trại Phủ Yên, xã Làng Pha, xã Cam Đường); tổng Ngọc Uyển (6 xã, trại, phố, vạn là: xã Ngọc Uyển, xã Sơn Yêu, trại Nam Lư, vạn Bảo Thắng, phố Bảo Thắng, phố Minh Hương); tổng Lạc Sơn (3 xã: Lạc Sơn, Đồng Quán, Trình Tường).
[6] Việc phân chia cương vực thôn bản giai đoạn này cũng như quá trình thành lập Chi bộ xã Phong Niên chưa khảo cứu được.
[7] Lứa các em tôi cũng từng được PLA cõng qua suối khi lũ về, trẻ bé không lội qua để đến lớp được.
[8] Theo Điều I, Quyết định số 307/QĐ-NV ngày 20/9/1966 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai được tách ra thành 2 xã và xã Phong Hải có 8 thôn, gồm: Tiền Phong, Tổng Gia, Ải Dõng, Ải Nam, Cống Hồ, Vĩnh Phong, Vi Quang và Tam Thắng
[9] Tôi là 1 trong 19 học sinh lớp 7 Khóa 1 của trường này chuyển từ trường Phong Hải xuống và năm đó tôi đạt giải Nhất thi học sinh giỏi Toán tỉnh Lào Cai (có đăng trên báo Lào Cai đôi mới thời đó).
[10] Đường này do lực lượng TNXP tỉnh Thuận Hải (sáp nhập 2/1976 giữa Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy; đến 1991 lại tách ra thành Ninh Thuận và Bình Thuận), kết nghĩa với Hoàng Liên Sơn cùng quân dân HLS mở từ sau 2/1979. Đến 9/1983 UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn huy động dân công và thanh niên các huyện tuyến sau lên mở rộng và nâng cấp. Đây là đường chiến lược nối thông 3 huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bắc Hà. Đường Hoàng Liên Sơn II (tỉnh lộ 155) là nối Mường Hum, Bản Sèo (Bát Xát)- Ô Quý Hồ-Sa Pa-Thanh Phú.
[11] Rất tiếc, sau khi An Hồ (An Phong+Vĩnh Hồ) tách ra thì An Phong lấy lại tên, địa danh Vĩnh Hồ mất nên ý nghĩa “người Vĩnh Bảo lên Sả Hồ” khai hoang không còn nữa mà thành An Hồ. Địa danh Sả Hồ (下河, ao dưới) được hậu thế gán cho một thôn cạnh An Phong mà xưa là xóm 8 hộ, chẳng có ao hồ gì ! Còn địa danh Làng Cung, Làng Có xuất hiện khi nào thì tôi chưa tìm thấy tư liệu.
[12] Có sử dụng tư liệu trong Khoá luận tốt nghiệp TCCT viết năm 2004 của Lương Đức Luân.
[13] Kinh Thi có câu: 豐年,秋冬報也 (“Phong niên, thu đông báo dã”, tức “Năm được mùa, mùa thu mùa đông báo tin cho”). Tên làng xã được đặt với mong muốn được mùa, như Phong Lẫm 豐廩, Phong Mỹ 豐美.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!