Đại cương:
1. Số lượng các vị Phật theo kinh điển mô tả là hằng hà sa số (nhiều như cát sông Hằng), do vậy tìm hiểu khởi nguồn của chư Phật là không thể, quá phạm vi kiến thức mà một chúng sinh có thể biết. Tuy nhiên 3 Vị thường được nhắc tới, thờ chung trong bộ tượng Tam thế Phật (H: 三世佛, A: The Brahmanist Trinity, P: La Trinité Brahmaniste), là:
- Đại diện Phật quá khứ là Nhiên Đăng Cổ Phật (H: 燃燈古佛, Phạn: Dipankara, Pali: Dīpamkara, A: Dipankara, Ancient Buddha, P: Dipankara, Bouddha Ancien) là vị đầu tiên của 24 vị Phật trước đức Phật lịch sử Thích Ca;
- Đại diện Phật hiện tại là Phật Thích Ca Mâu Ni còn gọi là Phật Tổ (H: 佛祖, A: The founder of Buddhism, P: Le fondateur du Bouddhisme);
- Đại diện các vị Phật vị lai là Di Lặc Tôn Phật (H: 彌勒/彌勒王佛, Phạn: maitreya, Pali: metteyya, A: Maitreya-Buddha, P: Maitreya-Bouddha) là vị Phật kế tiếp Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, làm nhiệm vụ cai quản Càn khôn Thế giới và cứu độ chúng sinh.
2. “Thích ca Mâu ni” thường được dùng để chỉ vị Phật lịch sử đã từng sống trên Trái Đất này, nhằm phân biệt với các vị Phật khác.
Dù có nhiều truyền thuyết khác nhau, nhưng hầu hết các học giả đều công nhận ông đã sống và truyền dạy giáo lý dưới thời cai trị của Tần Bà Sa La 頻毘娑羅 (Bimbisāra, 558 491 tCn) và qua đời trong thời gian đầu của triều đại A Xà Thế 阿闍世 (Ajātaśatru, 491 – 461 tCn), người kế thừa của Tần Bà Sa La trong vương quốc Magadha 摩揭陀 (Magádha,TK VI tCn - TK VI).
Thích Ca Mâu Ni (H: 釋迦牟尼, Phạn: śākyamuni, Pali: sakkamuni, dịch nghĩa là “Trí giả trầm lặng (muni) của dòng Thích Ca”. Đây là danh hiệu của Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Phạn: siddhārtha gautama, H: 悉達多 瞿曇), người sáng lập Phật giáo (H: 佛敎 , A: Buddhism, P: Bouddhisme) sau khi từ bỏ các vị thầy và tự mình tìm đường giải thoát.
1. Gia thế và quê hương:
Dòng Thích ca vốn là Vương tộc, cai trị một trong 16 vương quốc của Ấn Độ thời cổ, ngày nay thuộc miền Nam Nepal. Kinh đô thời đó là Ca Tì La Vệ (Phạn: kapilavastu), là nơi Phật sinh ra và trưởng thành. Vua cha là Tịnh Phạn (H: 淨飯, Phạn: śuddhodana, Pali: suddhodana), trị vì tiểu vương quốc Thích Ca (H: 釋迦, Phạn: śākya); Mẹ là Hoàng hậu Ma Da (H: 摩耶夫人, Phạn, Pali: māyādevī), thuộc thị tộc Koli láng giềng sinh ra ông khi Hoàng hậu lấy Vua đã hơn 20 năm..
Thời bấy giờ, tiểu vương quốc dòng Thích Ca có một Hội đồng Trưởng lão tham gia quốc sự, nhưng vương quốc này bị phụ thuộc vào nước Kiêu Tát La (Phạn: kośala). Ngay trong thời Phật còn tại thế, tiểu vương quốc Thích Ca bị một quốc vương của Kiêu Tát La đem quân xâm chiếm và tiêu diệt gần hết. Sau khi Phật thành đạo và trở lại Ca Tì La Vệ giảng dạy, nhiều vị trong dòng dõi Thích Ca xin gia nhập Tăng Già. Tại đó, người thợ cạo Ưu Ba Li (Phạn: , Pali: upāli) xin gia nhập, trở thành tăng sĩ trước và vì vậy được xem cao quý hơn các vị lĩnh đạo trong hoàng gia gia nhập sau.
Tất Đạt Đa Cồ Đàm là tên phiên âm từ tiếng Phạn Siddhārtha Gautama của vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Tất Đạt Đa (Phạn: siddhārtha) có nghĩa là “người đã hoàn tất (siddha) ý nghĩa (artha)”. Đôi lúc ta cũng tìm thấy cách dịch ý Nhất thiết nghĩa thành, Thành tựu chúng sinh dịch từ dạng dài của tên Phạn ngữ là sarvārthasiddha. Như vậy Tất Đạt Đa Cồ Đàm là tên của vị Phật lịch sử, từng sống trên trái đất, người sáng lập Phật giáo.
2. Sinh trưởng:
Thời điểm chính xác năm sinh và năm mất theo lịch hiện đại của ông không được ghi nhận rõ. Một số tài liệu thống nhất rằng:
Tất Đạt Đa sinh khoảng năm 644 trước Công nguyên trong một gia đình hoàng tộc thuộc dòng Thích Ca (Phạn: śākya) tại Ca Tì La Vệ (H: 迦毘羅衛, Phạn: Kapilavastu) thuộc Nepal ngày nay. Cha của Ngài là vua Tịnh Phạn (H: 淨飯, Phạn: śuddhodana), mẹ là hoàng hậu Ma Da (H: 摩耶夫人, Phạn: , Pali: māyādevī), đản sinh Tất Đạt Đa trong khu vực vườn Lâm Tỳ Ni (H: 嵐毘尼, Phạn: lumbinī), thành quốc Ca Tỳ La Vệ (H: 迦毘羅衛, Phạn: Kapilavastu, Pali: Kapilavatthu), một tiểu quốc nằm ở vùng biên giới Ấn Độ-Nepal ngày nay. Đây là khu vực nằm giữa dãy Himalaya (H: 喜馬拉山, Phạn: himālaya) và sông Hằng (sa gaṅgā), chịu ảnh hưởng khí hậu gió mùa: tháng 5 có thể nóng tới 40 °C, trong mùa đông nhiệt độ xuống tới 3 °C.
Về ngày sinh, trong kinh sách của Phật giáo đều không nêu rõ Đức Phật sinh vào ngày nào mà chỉ nêu Ngài đản sinh vào một ngày trăng tròn tháng Vèsaka theo lịch Ấn Độ[1]. Trong đó “Vesak” là tiếng Sinhala có thể được đọc trại ra từ Vaishākha trong tiếng Pali, là tên gọi của tháng Hai lịch pháp Ấn Độ giáo và cũng theo lịch này thì “ngày trăng tròn” là ngày 08 tháng Vaisakha[2]. Đây là bắt đầu sáu tháng nóng bức khó chịu nhất trong năm.
Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên họp tại Colombo (Sri Lanka, 25/5 - 08/6/1950), 26 nước thành viên thống nhất: “Đại hội Phật giáo Thế giới này, trong khi ghi nhận lòng biết ơn về nghĩa cử bao dung của Ngài, vị vua tối cao của Nepal trong việc chọn ngày lễ hội trăng rằm Vesakha làm ngày lễ toàn quốc của Nepal, Đại Hội đồng thời thỉnh cầu quốc trưởng của tất cả các quốc gia trên thế giới có sự hiện diện của Phật tử dù ít dù nhiều, hãy tiến thêm bước nữa chọn ngày rằm của tháng năm âm lịch làm ngày lễ công cộng để vinh danh Đức Phật, người đã được thế giới thành tâm kính cẩn coi là một bậc vĩ nhân của nhân loại.”. Đến Đại hội Phật giáo Thế giới năm 1960 họp tại Phnompênh (Campuchia), căn cứ vào quyết nghị tại Đại hội Phật giáo Thế giới lần 2 họp tại Đông Kinh (Nhật Bản) năm 1952 đã thống nhất lấy ngày rằm tháng Tư theo lịch mặt trăng làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh[3] của giới Phật tử toàn thế giới[4]. Từ đó cả thế giới, trong đó có Việt Nam đều lấy ngày Rằm tháng Tư âm lịch làm ngày Phật đản Hội. Việc nhớ 08/4 là theo lối cũ.
Có nhiều truyền thuyết về thái tử Tất Đạt Đa. Có thuyết cho rằng một đêm bà mẹ nằm mơ thấy một vị Bồ Tát với dạng con voi trắng nhập vào người mình. Thái tử sinh ra từ hông bên mặt của mẹ, sau đó đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất, nói: “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn”, nghĩa là “Trên trời dưới đất chỉ có ta là người đáng tôn kính” và dưới mỗi bước chân của thái tử phát sinh một đoá sen. Ngày nay, trong tranh tượng còn thấy tích này.
Ngay lúc sinh ra, Tất Đạt Đa đã có đầy đủ hảo tướng (Tam thập nhị hảo tướng). Các nhà tiên tri cho rằng Ngài sẽ trở thành hoặc một đại đế hay một bậc giác ngộ. 7 ngày sau khi sinh thì mẹ mất, Tất Đạt Đa được người dì là Ma Ha Ba Xà Ba Đề (H: 摩呵波闍波提, Phạn: mahāprajāpatī) chăm sóc.
3. Trưởng thành và tu hạnh:
Năm lên 16, Tất Đạt Đa kết hôn với công chúa Da Du Đà La (H: 耶輸陀羅, Phạn: yaśodharā) của thị tộc Koli. Ông đã sống một cuộc sống thanh tịnh dù là một thái tử đến năm 29 tuổi cho đến khi bắt đầu lên đường tìm chân lý đích thực.
Vua cha Tịnh Phạn không muốn thái tử đi tu nên dạy dỗ cho con rất kỹ lưỡng, nhất là không để Tất đạt đa tiếp xúc với cảnh khổ. Tuy thế, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, thái tử phát tâm rồi từ biệt hoàng cung, sống cảnh không nhà. Tương truyền rằng, bốn cảnh ngộ vừa kể là những cảnh tượng do các vị thiên nhân tạo ra nhằm nhắc nhở Tất đạt đa lên đường tu học Phật quả. Thái tử thấy rằng ba cảnh đầu tượng trưng cho cái Khổ trong thế gian và hình ảnh tu sĩ chính là cuộc đời của Tất đạt đa.
Năm 29 tuổi, sau khi công chúa Da Du Đà La hạ sinh một bé trai được đặt tên là La Hầu La (H: 羅睺羅, Phạn: rāhula), Thái tử quyết định lìa cung điện, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Tất Đạt Đa quyết tâm tìm cách diệt khổ và tìm mọi đạo sư với các giáo pháp khác nhau.
Theo truyền thống Ấn Độ bấy giờ chỉ có con đường khổ hạnh mới đưa đến đạt đạo. Các vị đạo sư khổ hạnh danh tiếng thời đó là A La La Ca Lam (阿羅邏迦藍, Phạn: ārāda kālāma, Pali: āḷāra kālāma) và Ưu Đà La La Ma Tử (優陀羅羅摩子, Phạn: rudraka rāmaputra, Pali: uddaka rāmaputta). Nơi A La La Ca Lam, Tất Đạt Đa học đạt đến cấp Thiền Vô Sở Hữu Xứ (Phạn: ākiṃcanyāyatana, Pali: ākiñcaññāyatana), nơi Ưu Đà La La Ma Tử thì học đạt đến cấp Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Phạn: naivasaṃjñā nāsaṃñāyatana, Pali: nevasaññā nāsaññāyatana).
Nhưng Tất Đạt Đa cũng không tìm thấy ở đó lời giải cho thắc mắc của mình, nên quyết tự mình tìm đường giải thoát và có năm Tỳ kheo (năm anh em Kiều Trần Như, Phạn: Koṇḍañña) đồng hành. Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Tất đạt đa nhận ra đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ, bắt đầu ăn uống bình thường, năm tỉ khâu kia thất vọng bỏ đi.
Không đạt giải thoát với cách tu khổ hạnh, Tất Đạt Đa từ bỏ phép tu này. Quả quyết rằng mình đã đi đến chỗ cùng cực của công phu tu khổ hạnh và khổ hạnh không dẫn đến giác ngộ, Ngài tìm phương pháp khác, và nhớ lại một kinh nghiệm thời thơ ấu, lúc đang ngồi dưới gốc cây mận.
Sau đó Tất Đạt Đa ăn uống bình thường trở lại, đến Giác Thành, ngồi dưới gốc một cây Bồ đề ở Bồ Ðề Ðạo Tràng (Boudha Gaya) và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Sau 49 ngày thiền định—mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu—Ngài đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35. Từ thời điểm đó, Tất Đạt Đa biết mình là Phật, là một bậc Giác ngộ, và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh. Đồng thời kinh nghiệm giác ngộ của mình không thể dùng ngôn từ hay bất cứ một cách nào khác để truyền đạt nên Phật tiếp tục yên lặng ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ đề. Cuối cùng, được sự thỉnh cầu nhiều nơi, Phật mới quyết định chuyển Pháp luân (H: 法輪, Phạn: dharmacakra, Pali: dhammacakka, nghĩa là bánh xe pháp). Phật giờ đây mang danh hiệu Thích Ca Mâu Ni—”Trí giả của dòng dõi Thích ca”.
Sau đó Phật gặp lại năm vị Tỉ khâu, các vị đó nhận ra rằng Phật đã hoàn toàn thay đổi. Qua hào quang toả ra từ thân Phật, các vị đó biết rằng người này đã đạt đạo, đã tìm ra con đường thoát khổ, con đường mà các vị đó không thể tìm ra bằng phép tu khổ hạnh. Các vị đó xin được giảng pháp và vì lòng thương chúng sinh, Phật chấm dứt sự im lặng.
Đức Phật bắt đầu giảng pháp bằng cách trình bày con đường dẫn đến kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát. Trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, Đức Phật giảng Tứ diệu đế, Duyên khởi và quy luật Nhân quả (Nghiệp). Tại vườn Lộc Uyển ở Sarnath gần Ba la nại (Benares hay Varanasi ), Đức Phật bắt đầu những bài giảng đầu tiên, gọi là “Chuyển Pháp luân”. Năm vị Tỳ kheo đó trở thành năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật và là hạt nhân đầu tiên của Tăng già.
Sau đó Đức Phật thuyết pháp từ năm này qua năm khác, hay lưu trú tại Vương Xá (H: 王舍城, Phạn: rājagṛha) và Phệ Xá Li (H: 吠舍釐, Phạn: vaiśālī), sống bằng khất thực, qua nhiều nơi. Đệ tử của Phật càng lúc càng đông, gồm 4 thành phần: tỳ kheo (nam tu sĩ), tỳ kheo ni (nữ tu sĩ), ưu bà tắc (nam cư sĩ), ưu bà di (nữ cư sĩ).
Trong số các đệ tử của Ngài có vua Tần Bà Sa La (H: 頻婆娑羅, Phạn: bimbisāra) của xứ Ma Kiệt Đà. Vị vua này đã tặng cho Tăng đoàn một tu viện gần kinh đô Vương xá.
Các đệ tử quan trọng của Phật là A Nan Đà (H: 阿難陀, Phạn, Pali: ānanda, 605 - 485 tCn), Xá Lợi Phất (H: 舍利弗, Phạn: śāriputra, Pali: sāriputta, ?-?) và Mục Kiền Liên (H: 目犍連, Pali: Moggallāna, 568-484 tCn, đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc “Thần thông đệ nhất” (Manda Galỳayana), có Hiếu với Mẹ, được nhắc đến trong tục Vu Lan).
Cũng trong thời gian này, đoàn Tỉ khâu ni (tức Tỳ Kheo ni (H: 比丘尼, Phạn: bhikṣuṇī, Pali: bhikkhunī) được thành lập do di mẫu của Tất đạt đa là bà Ma ha ba xà ba đề làm ni trưởng..
Những lời giáo pháp trong thời gian ông đi truyền bá đã đặt nền tảng cho sự hình thành của Phật giáo.
4. Đấu tranh với kẻ thù :
Đức Phật cũng có rất nhiều kẻ thù muốn ám hại. Trong những kẻ thù đó, có Đề Bà Đạt Đa (H: 提婆達多, Phạn: Devadatta) là người em họ, muốn giành quyền thống lĩnh Tăng già hay là Tăng đoàn (H:, Phạn: saṃgha, Pali: saṅgha), nên rắp tâm giết hại Đức Phật nhiều lần nhưng không thành. Tuy thế Đề Bà Đạt Đa thành công trong việc chia rẽ Tăng già ở Phệ Xá Li. Đức Phật đi con đường trung đạo và tùy thuận chúng sanh, ngược lại Đề Bà Đạt Đa chủ trương một cuộc sống khổ hạnh cực đoan.
Qua 45 năm giảng dạy, nghĩ rằng các đệ tử có thể chấp lời mình nói là chân lý, chứ không phải chỉ là phương tiện giác ngộ, Đức Phật tuyên bố chưa từng nói lời nào. Lời dạy cuối cùng của Đức Phật là: “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, chịu biến hoại, hãy tinh tiến tu học (để đạt giải thoát)!”.
5. Những ngày cuối đời của Đức Phật:
Bước sang tuổi 80, sức khoẻ của Thích Ca đã trở nên rất yếu sau khi dùng bữa cúng dường tại nhà thí chủ Thuần Đà (H: 純陀, Pali: cunda). Sau này, Ngài có nhấn mạnh cho tôn giả A nan đà hiểu là Tăng chúng không nên khiển trách người thợ rèn đó đã có thiện ý tối thượng.
Đức Phật tạo điều kiện cho các chư Tỳ kheo cơ hội cuối cùng để chất vấn hay hỏi đáp Ngài nếu như có những vấn đề hay những điểm nào còn chưa sáng tỏ có thể đưa đến các kiến giải khác nhau về sau, tuy nhiên các vị đã im lặng, không có những câu hỏi hay thắc mắc nào.
Trong cánh rừng Sà La Ven phía nam thành phố, đêm rất tối và tĩnh mịch, Đức Phật nằm nghiêng bên phía hữu, hướng về phía Tây và dần nhập Niết bàn, giải thoát hoàn toàn khổ đau của cuộc sống.
Theo truyền thuyết Pali thì Đức Phật diệt độ ngày rằm tháng tư, văn bản Phạn ngữ cho rằng ngày rằm tháng 11. Trong buổi hoả thiêu thân xác của Đức Phật có nhiều hiện tượng lạ xảy ra. Xá lợi của Phật được chia làm 8 phần và nhiều thế kỷ sau đó, vua Ashoka (H: 阿育王, Phạn: aśoka, Pali: asoka, 273 – 232 tCn) Vương triều Mataga đem đi cho xây cất và tôn thờ thành 84.000 tháp.
Theo kinh Đại bát niết bàn (Pali: mahāparinibbāna sutta), Đức Phật nhập diệt tại Câu thi na (H: 拘尸那, Phạn: kuṣinagara) vào năm 486 (hay 483 trước Công nguyên). Nhưng căn cứ tiểu sử của Ngài thì Tất Đạt Đa sinh 644 tCn, thọ 80 tuổi tức Ngài mất năm 544 tCn. Tổng Hội Phật giáo Thế giới lấy năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn làm kỷ nguyên Phật lịch (H: 佛曆, A: Buddhic calendar, P: Le calendrier bouddhique) nên năm 2018 là năm 2562 Phật lịch.
6. Trở thành Phật Tổ:
Cuộc đời Đức Phật có nhiều huyền thoại bao phủ nhưng các nhà khảo cổ học và nhân chủng học đều nhất trí công nhận Đức Phật là một nhân vật lịch sử, đã khai sáng Phật giáo và thường nhắc đến bốn sự kiện quan trọng, cũng là bốn mốc son trong quãng thời gian nơi trần thế của Ngài. Đó là ngày:
- Đản sinh 誕生 (Đức Phật ra đời) tại vườn Lâm Tỳ Ni (嵐毘尼, Lumbini);
- Ngày thành đạo 成道 (tìm ra diệu lý) ở Bồ Đề Đạo Tràng (菩梵道場, Bodh Gaya);
- Thời gian chuyển pháp luân 弘法 (hoằng pháp) ở vườn Lộc Uyển (鹿野苑, Sarnath)
- và Niết bàn 涅槃 (nhập diệt) tại Câu Thi Na (拘尸那揭羅, Kusinagara) ở rừng Sa La dưới chân dãy Himalaya 喜马拉雅山脉 hùng vĩ.
Trong đó, ngày Đức Phật đản sinh đã trở thành ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất và thiêng liêng nhất của giới Phật tử toàn thế giới nay thống nhất là ngày Rắm tháng Tư Âm lịch. Đặc biệt, Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì kỷ niệm ngày Tam hiệp (H: 三合禮, A: The Triple Festival) gồm: cả Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết Bàn.
Ngài
Tranh PHẬT TỔ (lấy trên mạng) |
- Lương Đức Mến, Tuần Phật Đản, PL 2562 - DL 2018 - Can Chi: Mậu Tuất-
[1] Theo lịch Ấn Độ cổ đại, được gọi là “panchanga”, nó dựa trên chu kỳ mặt trăng.
Một năm có khoảng từ 365,258681 ngày đến 365,258756 ngày (năm hiện đại có 365,25636 ngày). Lịch quốc gia Ấn Độ tính theo kỷ nguyên Saka mà năm đầu tiên là vào năm 78. Ví dụ, năm 2018 Dương lịch chuyển thành năm 1940-1941 trong kỷ nguyên Saka.
Lịch này có 12 tháng (Chaitra, Vaisakha, Jyaistha, Asadha, Sravana, Bhadra, Asvina, Kartika, Agrahayama, Pausa, Magha, Phalguna) theo chu kỳ mặt Trăng. Trong đó: từ tháng thứ hai đến tháng sáu có các ngày trung bình là 30,5 ngày nên được dồn đến 31 ngày. Các tháng còn lại có 30 ngày (năm nhuận tháng Chaitra có 31 ngày).
Một ngày được tính theo thời gian từ mặt trời mọc này và tiếp theo đó. Ngày đầu tiên của Lịch quốc gia Ấn Độ trùng với ngày 22 tháng 3 của năm Dương lịch, năm nhuận bắt đầu vào ngày 21 tháng 3.
[2] Nhớ rằng, Lịch Ấn Độ lấy tháng Tí làm tháng Giêng, còn Lịch Trung Quốc thì lập tháng Dần làm tháng Giêng. Theo đó, tháng 2 là “Vaisakha” có 31 ngày và được bắt đầu từ ngày 21/4 Dương lịch và “ngày trăng tròn” là sang tháng 5 ứng với ADL là tháng 4. Còn “ngày trăng tròn” lịch Ân là 08, Lịch Trung là 15.
Như vậy rõ ràng mốc Đản sinh của Phật nếu lấy 08/2 và 08/4 AL đều không chính xác. Mà đúng ra đó là ngày 15/4 âm dương lịch đang dùng.
[3] Ngày Phật đản (H: 佛誕 , A: Buddha 's birthday, P: Jour de la naissance du Bouddha)
[4] Năm 2007 trong tháng 5 có 2 ngày trăng tròn. Đó là thứ Ba 01/5/2007 (ngày Rằm tháng Ba Đinh Hợi) và thứ Năm ngày 31/5/2007 (ngày Rằm tháng Tư Đinh Hợi). Chính chắc vì vậy mà Liên Hợp Quốc, vốn dùng Dương lịch nhưng ngày Phật đản lại ghi rõ là ngày Rằm tháng Tư theo lịch âm (vào tháng 5 Dương) thuận hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!