[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


21 tháng 2 2018

Tìm hiểu về LỄ HỘI GẦU TÀO CỦA NGƯỜI MÔNG ở Lào Cai

Quang cảnh Lễ hội Gầu Tào tại Phong Niên tết Mậu Tuất 2018
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông nhằm Cầu phúc hoặc Cầu mệnh, được cộng đồng dân tộc Mông gìn giữ từ lâu đời. Mấy năm nay được phục hồi, tổ chức nhiều ở Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Riêng xã Phong Niên (thuộc huyện Bảo Thắng) quê tôi tổ chức mấy năm liền thu hút đồng bào Mông từ khắp tỉnh, có cả người Yên Bái, Hà Giang và nhiều du khách!

1. Tên gọi và nguồn gốc:

Theo tiếng Mông, “Gầu Tào” (GrâukTaox) có nghĩa là “địa điểm chơi”. Những nơi gần biên giới Việt Trung, còn gọi lễ hội này theo tiếng Quan Hỏa là Say Sán hay Sải Sán, nghĩa là đạp núi, đi chơi núi.

Thông thường, khi một gia đình người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt…, họ sẽ lên một địa điểm chọn sẵn, thuận tiện khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.
 Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có hoàn cảnh như trên cùng tổ chức.
2. Thời gian và sự chuẩn bị:
Lễ hội được tiến hành vào tháng Giêng hàng năm, trong ba năm liền - mỗi năm người ta trồng một cây nêu để ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc.
Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là “Hấu Tào” (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ, quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.
Để tổ chức lễ Gầu Tào, gia chủ phải mời chủ lễ (Trứ Tào) giúp chủ trì lễ hội và một người phụ nữ giúp việc (Nẹ Tào), đều phải là những người có gia cảnh yên ấm, hạnh phúc, kinh tế khá giả; cùng với hai thanh niên, nam nữ, giúp chủ lễ là Tú Tào và Sảy Tào.
Mọi việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp năm trước với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu. Cây nêu được chọn từ cây tre, gọi theo tiếng Mông là “Sung lùng trử” là từ gốc Hán, có nghĩa là cây Long Thượng.
Ngày chặt tre để dựng nêu, chủ nhà bày mâm lễ để chủ lễ và những người giúp việc tiến hành nghi thức cúng. Gia chủ mời chủ lễ uống rượu và sau hai ly rượu, chủ lễ bắt đầu hát bài “sây giể” (xem bói) về lý do làm lễ Gầu Tào. Sau đó, chủ lễ xòe ô, hát bài “sáy dìn sê” (đi tìm cây nêu) và dẫn đoàn người đến chỗ cây tre đã chọn, để chặt tre. Cây tre làm nêu phải thẳng, đều dóng, cao từ 9 - 12m, không sâu bệnh, không cụt ngọn, không ra hoa, ngọn cây hướng về phía mặt trời mọc. Khi cầu Phúc, người được nhờ chặt tre là anh trai, chị dâu (những người có con cả trai, cả gái) còn cần cầu mệnh thì phải cử hai thanh niên khỏe mạnh trong dòng họ chặt cây về dựng nêu.
Nghi lễ chặt tre diễn ra ngay tại gốc tre, người chủ lễ làm lễ và cầm ô che, vừa hát bài “chía dìn sê” (chặt cây nêu) vừa đi quanh gốc tre, sau mỗi vòng lại chặt một nhát. Hết bài hát, người ta chặt tiếp để sao cho tre được đổ về phía mặt trời mọc và có người đỡ lên vai để tre không chạm đất.
Sau đó, thân tre được tỉa nhẵn, còn ngọn tre để nguyên cành lá để tượng trưng cho “bờm rồng” hay sự linh thiêng. Chủ lễ che ô cho cây, hát bài “cứ dìn sê” (vác cây nêu) để mọi người vác ra bãi hội, gốc hướng phía trước, ngọn phía sau, không chạm đất và không nghỉ giữa đường.
Lễ dựng nêu được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 29 tết tại địa điểm mở hội chọn sẵn và đã được đánh bớt gốc cây, dọn sạch các bụi cây lúp xúp. Cây nêu được chôn ngay trên đỉnh đồi. Nếu lễ hội được tổ chức suốt ba năm liền thì mỗi năm chỉ dựng một cây nêu, nếu lễ hội chỉ tổ chức gộp một lần thì phải chôn dựng ba cây nêu theo hình tam giác cân ở giữa đỉnh đồi.
Đến bãi hội, người ta đào lỗ cắm cây tre, lúc này được gọi là cây nêu và không trùng với lỗ của các năm trước. Chủ lễ buộc lên ngọn nêu hai dải vải lanh màu đen (sự tập hợp lực lượng) và màu đỏ (mời tổ tiên về dự hội), một bầu rượu, ba bông lúa nếp (tượng trưng cho tài lộc) và một túm cây “sưi” (họ dương xỉ, tượng trưng cho sự sinh sôi) rồi mọi người cùng nhau dựng nêu, quay ngọn về hướng mặt trời mọc.
Lễ cúng bên cây nêu được diễn ra ngay buổi sáng hôm đó với lễ vật là gà, rượu và cơm. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã, rồi đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài “Tịnh chay” (hẹn ngày) cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng nêu tổ chức lễ tạ ơn (như đã hứa).  Khi dựng xong, gia chủ còn làm lễ cúng ở ngay chân cột nêu mời tổ tiên các thần phù hộ cho có con, mọi thành viên đều khỏe mạnh, bằng an kế tục việc làm ăn, làm mặc theo dòng họ. Cúng xong, mọi người “thụ lộc” ngay quanh gốc.
Cây nêu được dựng lên, các làng gần, làng xa , mọi người trong vùng biết năm ấy tại địa điểm đó có mở hội Gầu Tào và cùng chuẩn bị dự hội.
Không khí hội hè nhộn nhịp, mọi người thông tin cho nhau ở chợ, ở trên đường, trong xóm… về lễ Gầu Tào và tập luyện để chơi hội Gầu Tào. Người thạo múa khèn sẽ luyện lại các bài khèn, giọng khèn, động tác múa khèn và chỉ bảo cho con cháu cùng luyện tập. Người thông thạo các bài võ với các binh khí cổ truyền thì luyện lại các miếng võ, bài quyền để “khoe tài” trước thiên hạ. Thường thì các võ sư này chỉ truyền dạy cho con trai trưởng của mình, nên các môn võ cổ truyền trong ngày hội Gầu Tào ngày càng ít người biết và thực hiện. Ngày hội này cũng là dịp để nam nữ chuẩn bị quần áo đẹp, vui chơi cùng chúng bạn, gặp gỡ người yêu… để bộc bạch tình cảm qua những bài hát mà thường ngày họ không thể thổ lộ.
3. Chính Hội:
Ngày chính hội được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 4 Tết cũng có khi đến Rằm, tuỳ theo tuổi của gia chủ hợp với ngày nào. Lễ hội Gầu Tào gồm hai phần: Lễ và hội.
Chủ lễ và người giúp việc treo đồ lễ lên cây nêu, đặt tiền mã dưới gốc và quỳ xuống khấn, vái cây nêu với những từ hoa mỹ (pàng lỳ) thanh cao, những câu ví mỹ miều, những câu tục ngữ (lù txà) khoa trương.
Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, chủ lễ tuyên bố mở đám hội và việc hát mở màn lễ hội được thực hiện bởi một người thạo hát, có gia đình khỏe mạnh, kinh tế khá giả.
Tiếp theo mọi người tụ tập đến bãi mở hội hay trong các lều lợp lá cây cho người già ăn uống chúc tụng.
Các nơi khác trong bãi, tổ chức các trò chơi cho ngày hội được quy định trước. Các nơi này mỗi nơi đều có quán xử (chủ sự) quản lý chung, xừ quan (quản lý) chăm lo việc ăn uống, có hấu pầu tờ (quản củi đuốc), hấu pầu giê (trông nom xay giã dần sàng) cùng với xừ quan.
Một số địa điểm hoạt động chính: Nơi bắn nỏ, Nơi bắn cung, Sân múa khèn, Đường đua ngựa, Đám bắn thi cung nỏ, Đám chọi quay, Đám hát gầu plềnh, hát tình ca, đối đáp, trao duyên, hát vui hội hè
Mọi người dự hội đều có thể hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi...đều được chủ lễ mời rượu.
Đêm đến, khách xa, người cao tuổi được mời về nhà gia chủ. Tại bãi hội, những đống lửa được đốt lên, mọi người tiếp tục cuộc vui.
Ngày đầu tiên, sau khi làm lễ khai hội, nếu nhà thày mo ở gần thì mọi người kéo vào nhà thày làm lễ nhảy (đha thàng). Đám nhảy đồng thời cũng sẽ tiếp diễn cho đến hết hội. Những năm không có hội, mọi người vẫn kéo đến nhà thày mo cùng nhảy đồng (nhảy tập thể tốp nam hoặc tốp nữ).
Lễ hội Gầu Tào kéo dài trong ba ngày. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức 9 ngày.
Chiều ngày kết thúc, gia chủ lễ tuyên bố lễ hạ cây nêu, rồi cầm ô dẫn đoàn người đi ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây, hát bài “khâu dìn sê” (hạ cây nêu). Cũng như nghi thức lúc chặt tre, khi hạ nêu, người ta phải cho cây ngả xuống theo hướng mặt trời mọc, thân cây không chạm đất. Thầy mo đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thầy lại hấp một ngụm nước phun ra xung quanh, rồi vác cây nêu về nhà gia chủ. Gia chủ cầm bầu rượu hạ từ trên cây nêu đi theo sau thày mo, cũng hẩy rượu ra khắp nơi.
Gần tới nơi, người ta cắt một đoạn gốc nêu dài khoảng 1m, tẽ hạt của ba bông lúa nếp và bỏ tiền vào mẹt thóc. Gia chủ đóng cửa chờ sẵn, hát đối đáp nhận cây nêu với chủ lễ, rồi mở cửa đón nhận cây nêu. Cây nêu được vác vào nhà theo hướng gốc vào trước. Chủ lễ trao cho gia chủ dải vải lanh và đoạn gốc của cây nêu: gốc cây dùng để “lát” giường ngủ, dải vải lanh dùng để may quần áo cho đứa trẻ sinh được ra nhờ cầu xin trên đồi Gầu Tào hoặc cho người khỏi bệnh nhờ khấn Gầu Tào. Mảnh vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong hồng phúc đời đời.
Trường hợp nếu là hội cầu phúc, ông chủ hội chọn một đôi trai gái, một đôi nam nữ đứng tuổi đông con và họ hàng rước nêu về gia chủ gác ở đằng sau nhà hoặc làm giát giường mong sớm có con. Nếu mở hội cầu mệnh thì rước cây nêu đến gác ở chỗ vách đá khô ráo.
4. Ý nghĩa nhân văn:
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông. Nội dung chính cho lễ hội là Cầu phúc (nhằm cầu mong có con) hoặc cầu mệnh (trừ ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, để mùa màng, vật nuôi không gặp hạn), là một hình thức của Lễ Tạ ơn.Thời điểm diễn ra Lễ Hội là tháng Giêng, các nương ngô, ruộng lúa đã thu hoạch xong, chưa cày cấy nên dễ tìm được địa điểm đủ rộng, hợp tâm linh, tiện giao thông.
Lễ hội Gầu Tào gắn liền với niềm tin của người Mông về sự ấm no, hạnh phúc, nhu cầu giao lưu, là môi trường nuôi dưỡng văn hóa, văn nghệ dân gian Mông, góp phần gắn kết khối đoàn kết cộng đồng người Mông.
 Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông có từ lâu đời, do người dân tự tổ chức và có thời gian chính quyền hạn chế. Thời gian gần đây được ngành văn hóa du lịch quan tâm khai thác bởi những nét văn hóa lành mạnh và mang đậm bản sắc của đồng bào vùng cao.
Không chỉ người địa phương háo hức và tự hào có lễ hội, mà khách du lịch kể cả người nước ngoài ai đã từng gặp và chứng kiến cũng đều thích cái bản sắc và sự hồn nhiên của nó. Đó cũng là nét văn hóa lành mạnh, niềm tự hào của đồng bào Mông trên đại ngàn Tây Bắc. Chính vì vậy, Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch từ tháng 12/2012 đã đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống.
Tuy nhiên, lễ hội Gầu Tào đang dần mai một, vì các nghệ nhân đều đã cao tuổi mà họ chỉ truyền dạy cho con trai trưởng nên đã hạn chế việc trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Hơn nữa, thế hệ trẻ ngày càng không mặn mà với việc tham gia các nghi lễ cũng như các hoạt động trình diễn truyền thống trong lễ hội.
Đặc biệt việc chính quyền đi sâu vào quá trình chuẩn bị, diễn ra Lễ hội cùng với việc “sân khấu hóa” các tiết mục dân ca dân vũ rồi áo váy của phụ nữ (hàng may sẵn của TQ) cũng “cách tân” quá; nhất là nhiều khu “vui chơi có thưởng”, “dịch vụ ẩm thực”, các quán “Thắng cố” của thương nhân...mở ra đã làm giảm ý nghĩa nguyên thủy của Lễ hội Gầu Tào.
- Lương Đức Mến, ngày 22/02/2018
 (BS từ nhiều nguồn TK và thực tế Lễ Hội Gầu Tào xã Phong Niên, Mồng 5-7 tháng Giêng Mậu Tuất)-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!