Chế độ Tang phục (H : 喪服, A: The mourning clothes, P: Les
vêtements de deuil) gọi tắt là “Phục chế” 服制 là hệ thống quy định về phục
sức, thời gian để tang 居喪 cho từng quan hệ thân thuộc cụ thể (phục tự 服序)[1].
Mỗi việc như vậy đều cần được tiến hành chu đáo, có trật tự theo Nghi thức (H: 儀式, A: The protocol, P: Le protocole) chuẩn mực. Đúng như Alexandre
de Rhodes viết trong tác phẩm “Lịch sử vương quốc xứ Đàng Ngoài từ Thế kỷ XVII:
“Có lẽ không một quốc gia nào mà tại những vùng đất có người ở, người ta thực
hiện nhiều bổn phận, tôn kính đối với linh hồn, thể xác của người chết hơn cư
dân ở vương quốc An Nam…” .
Những quy định đó, ngoài mục
đích để biểu thị tình cảm, thái độ với người chết, còn là để phân biệt mối quan
hệ thân sơ với người chết và rất thiêng liêng. Do vậy nó được quy định khá chặt
chẽ, tuy mỗi thời, mỗi vùng có khác nhau theo thời gian 历代 và không gian 同代.
1. Phục chế thời xưa:
1.2. Lược sử hình thành và phát triển:
Lịch sử đã chứng minh
rằng: trên cơ sở nền văn hoá Đông Sơn (mang
tên địa điểm phát hiện di chỉ ở Thanh Hóa)[2],
nhu cầu trị thủy và đấu tranh chống xâm lăng đã hình thành nhà nước sơ khai Văn
Lang 文郎 đầu tiên của người
Việt, đóng đô ở Phong Châu và nền văn minh lúa nước, văn hóa làng xã trở thành
cốt lõi văn hóa Việt. Ban đầu, trong đời sống tâm linh, người Việt cổ có tục
thờ đa thần 多神 của văn hóa bản địa sau lại tiếp thu ảnh hưởng của
văn hóa Ân Độ[3], đặc biệt là văn
hóa Hoa Hạ 華夏 nên nước
ta là
nước đa tôn giáo .
Do ảnh hưởng của 2 nền
văn hóa lớn lại kết hợp với văn hóa bản địa nặng tính chất làng xã của nền văn
minh lúa nước nên người Việt có khá nhiều tục lệ. Trong đó có tục về việc tổ chức
Tang lễ sao cho trọn vẹn.
Ban đầu dân ta tiếp thu từ
sách bên Tầu truyền sang. Nhưng sách đó với nhiều quy chế cổ trong Tam lễ phức
tạp, khó thực hiện; gây phiền nhiễu nên dân chúng thực hiện tùy hoàn cảnh và
thiếu thống nhất ngay trong từng gia đình, làng xã. Từ đó các triều đại Đại Việt
đã xây dựng các bộ Luật có nói về phục
chế gia lễ Việt Nam như Nguyễn thị gia huấn 阮氏家訓, Hoàng Việt luật lệ 皇越律例 chuẩn hóa quy chế các nghi lễ theo quan điểm của Nho
giáo (H: 儒敎, A: Confucianism, P: Confucianisme)
.
Để phục vụ cho quảng đại quần
chúng, các nhà Nho Việt Nam tiếp thụ văn hóa Trung nguyên mà phần phục lễ chủ yếu
thông qua Văn Công gia lễ 文公家禮 soạn sách với cách tư duy của
người Việt, tạo điều kiện để người đọc dễ dàng tra cứu theo các mối quan hệ.
Trong đó phải kể đến: Thượng thư Gia lễ 家禮 của Đông các Học sĩ 東閣學士Thượng thư 尚書Duệ Quận công 睿郡公Hồ Sĩ Dương (胡嘉杨, 1621 - 1681)[4]
, Gia
lễ tiệp kính của Ngô Doãn hay Thanh
thuận Gia lễ[5]
của Bảng nhãn 榜 眼Thượng thư bộ Công 工部 尚書Lê Quý Đôn (黎貴惇, 1726 - 1784)[6],...
nhưng vẫn chưa thống nhất và còn khó hiểu, khó áp dụng bởi ít được “Việt hóa”.
Trước tình hình ấy, Thọ Mai cư sĩ 壽梅居士Hồ Sĩ Tân 胡嘉賓[7] đã biên soạn cuốn Thọ mai Gia lễ 壽梅家禮[8]. Sách này chú ý tham khảo,
vận dụng Chu lễ và Gia lễ của tiền nhân nên có tiến bộ so với các tập sách trước
nó, dễ hiểu, gần gũi với phong tục tập quán hơn nên nó nhanh chóng được dân
gian tiếp nhận và lưu truyền. Nhưng Thọ Mai gia lễ từng bị Phạm Đình Hổ (范廷琥, 1768-1839)[9]
đả kích kịch liệt vì cho rằng đã đưa ra những cách thức lạ kỳ, quê kệch...Song
trong dân gian vẫn lưu truyền và dưới triều Nguyễn, Thọ Mai Gia lễ được sử dụng
như là luật lệ về tang ma.
Thời cận đại, có Phan Kế
Bính[10],
năm 1915 soạn ra cuốn Việt Nam phong tục
nghiên cứu nghiêm túc, có tính phản biện về thuần phong mỹ tục của Việt Nam[11].
Việc này tồn tại từ bao đời
và đã trở thành “Lễ nghi phong hóa” (H: 禮儀風化, A: Ceremonies
and manners, P: Cérémonies et moeurs)
tức là cách thức bày ra trong khi tiến hành sao cho được trật tự, trang nghiêm,
kính cẩn.
Tựu trung các sách đó đều xây dựng nên Ngũ
phục đồ thuyết 五服圖說 với năm hạng bậc về tang phục (từ trọng phục đến khinh phục) ứng với
thời hạn để tang cho từng đối tượng thân sơ (lấy bản thân làm trung tâm): trảm
thôi 斬衰, tư thôi 齊衰, đại công 大功, tiểu công 小功, ti ma 緦麻. Trong mỗi hạng tang phục có thể có “Tứ chế” 四制 hoặc “Tam chế” 三制
(chính phục 正服, gia phục 加服, giáng phục 降服, nghĩa phục 義服) cùng quan hệ thân thuộc tương ứng.
1.2. Phục chế và tôn giáo:
Các sách viết về Tang chế
hay sự thực hiện trong dân gian đều chịu ảnh hưởng của 3 tôn giáo lớn du nhập
vào nước tà từ hàng nghìn năm nay. Đó là: Nho giáo (H: 儒敎, A: Confucianism, P: Confucianisme), Phật giáo (H : 佛敎 , A: Buddhism,
P: Bouddhisme) và Lão giáo (H: 老敎, A: Taoism, P: Taoisme).
Ngược dòng lịch sử chúng ta
biết rằng: Nho giáo truyền vào Việt Nam từ đầu thế kỷ I; Đến thế kỷ II, có thêm
Phật giáo, sang thế kỷ III Lão giáo và Đạo giáo cũng có mặt ở Giao Châu còn
Thiên Chúa giáo Thiên Chúa giáo hay Công giáo (H: 天主敎/公敎, A: The Christianism/ Catholicism, P: Le Christianisme/Catholicisme) mãi thời cận đại (TK XVI) mới có mặt
tại Việt Nam. Từ đó đến nay 3 tôn giáo cũ này phát triển mỗi thời tùy mạnh yếu
khác nhau nhưng đều ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội, chính trị, tôn
giáo của Đại Việt. Thực tế gồm ba bước:
- Tam giáo đỉnh lập: 三敎頂立 Nho, Phật, Lão cùng ở cái
thế chân vạc, mối quan hệ giữa chúng thường là phân lập, thảng hoặc có chỉ
trích nhau, phê phán nhau, cũng không ngoài mục đích khẳng định bản thân;
- Tam giáo dung hợp 三敎溶合 (còn gọi là “tam giáo hỗn
dung” hay “tam giáo nhất gia”): tư tưởng Nho, Phật, Lão xâm nhập vào nhau, bổ
trợ cho nhau, chung sống cùng nhau;
- Tam giáo đồng nguyên 三敎同原 (còn gọi là “tam giáo nhất
nguyên”, “tam giáo hợp lưu”, “tam giáo đồng quy”, “tam giáo nhất trí”, “tam
giáo nhất thể”)...cho rằng điểm xuất phát của Nho, Phật, Lão từ một cội nguồn
mà ra; 3 tôn giáo này gặp gỡ, hội tụ của
với nhau, được coi như cùng trở về một mối, đồng nhất với nhau, không phân biệt,
không mâu thuẫn, không xung đột với nhau. Đó thực chất là Tam giáo vô dị thuyết
三敎無異說, tức học thuyết của Tam giáo không có gì khác biệt
nhau, mỗi tôn giáo có thế mạnh riêng, trong đó “Nho trị thế, Phật trị tâm, Lão
trị thân” (儒治世 佛治心 道治身 lấy Nho trị đời, lấy Phật trị
tâm, lấy Đạo trị thân). Chính việc tam giáo “cầu đồng tồn dị” để xích lại gần
nhau trong tiến trình lịch sử đã tạo nên sức mạnh vì mục đích nhân văn, vì cuộc
sống con người.
Nhưng dù sao, mỗi tôn giáo đều
có một đặc trưng riêng. Với việc Hiếu, Nho giáo chủ trương trọng người chết như
người sống[12] ảnh
hưởng tới hành vi; Phật giáo coi trọng
Tứ ân (H: 四恩, A: The four favours, P: Les quatre faveurs) nên chú trọng trợ
duyên cho ông bà, cha mẹ tu tập theo Phật cho vong linh được siêu thoát, tái
sinh ảnh hưởng tới việc tu thân còn Lão giáo thì ảnh hưởng tới lối sống mong
người chết mau về với cõi Tiên, cõi Trời. Cái chết dưới cách nhìn của người
theo Công giáo thì như là một quy luật, không có gì đáng sợ. Giáo dân nhẹ nhàng
khi đối diện với cái chết, coi cái chết là về với Chúa, với sự vĩnh hằng, là sự
bắt đầu của một đời sống mới nơi thiên đàng. Do vậy, mục đích đầu tiên của Thánh
Lễ an táng là để “thờ phượng, chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa vì món
quà sự sống mà nay đã trở về với Thiên Chúa, Ngài là tác giả sự sống và niềm hy
vọng của người công chính”. Đông thời đó là việc Giáo Hội “gửi gấm người chết
vào lòng từ bi của Thiên Chúa và xin Chúa tha thứ các lỗi lầm của họ”.
Như vậy, người Việt chịu ảnh
hưởng Phật Giáo về mặt tâm linh, chịu ảnh
hưởng Nho Giáo về mặt luân lý giao tiếp xã hội, chịu ảnh hưởng Lão Giáo
về mặt lối sống và duy trì tín ngưỡng dân gian về mặt mê tín dị đoan. Trong
Tang lễ, một biểu hiện của Tam giáo đồng nguyên rõ nét là: việc báo hiếu
là của Nho giáo, các hình thức gọi hồn, phạt mộc…là của Đạo giáo, cầu siêu quy
về chùa…là của Phật giáo. Điều này mạnh đến nỗi trong nghi thức tang lễ của người
Công giáo ít nhiều có sự pha trộn, đan xen với nghi thức tang lễ truyền thống của
người Việt.
Hiện tượng độc đáo “Tam giáo
đồng nguyên” kết hợp với tín ngưỡng dân gian nên mỗi nơi mỗi vẻ, ảnh hưởng nhiều
trong cuộc sống của chúng ta ngày nay khá đậm nét cả trong Tang lễ cũng như chọn
ngày, xem giờ, đi chùa lễ phật, cúng ông bà… Ngay cả các vị chức sắc bây giờ, từ
to đến nhỏ, không ai nói ra nhưng vẫn lặng lẽ làm, hoặc bật đèn xanh cho vợ con
làm.
1.3. Phục chế và dân tộc:
“Dân tộc”, chính xác phải là
“Sắc tộc” (H: 族群, A: Ethnic group, P: Ethnie) là “cộng đồng mang tính tộc người.
Cộng đồng này có thể là bộ phận chủ thể hay thiểu số của một dân tộc sinh sống ở
nhiều quốc gia dân tộc khác nhau được liên kết với nhau bằng những đặc điểm
ngôn ngữ, văn hóa và nhất là ý thức tự giác tộc người”.
Việt Nam là một quốc gia có
nhiều dân tộc, việc xác định thành phần dân tộc theo Quyết định số 421, ngày
02/3/1979 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và theo đó, hiện nay Việt Nam
có 54 dân tộc và nhóm “người nước ngoài”.
Ngoài dân tộc Kinh là dân tộc
đa số chiếm 85,73% dân số (2009) còn có các dân tộc thiểu số. Đó là “các
dân tộc không phải là dân tộc Kinh, có ý thức về Tổ quốc Việt Nam, có tên gọi
riêng, xác định theo tiêu chí được pháp luật công nhận, phù hợp với ý thức về
dân tộc hay tộc người tự giác của đồng bào”. Dân tộc thiểu số Việt Nam sinh sống
tập trung hay xen kẽ tại các bản, buôn, phum, sóc (tương đương thôn) ở 3 vùng chiến lược là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây
Nam Bộ hay ven biển Nam Trung bộ.
Do không có tình trạng cưỡng
bức, kỳ thị, chia rẽ hoặc đồng hóa, thôn tính giữa dân tộc đa số với dân tộc ít
người nên những phong tục, tập quán, tín ngưỡng được hình thành từ lâu đời
trong đó có phong tục về tang ma vẫn được gìn giữ, lưu truyền. Bên cạnh những lệ
tục mang đậm bản sắc riêng, nhân văn cũng có không ít những phong tục, tập quán
mang tính hủ tục, lạc hậu chưa được xóa bỏ làm cản trở sự phát triển chung.
Nhưng đó không thuộc phạm vi
của chuyên mục nên không đi sâu vào tìm hiểu phục chế của các dân tộc thiểu số.
1.4. Năm hạng bậc Tang chế theo cổ
truyền 五服圖說:
Đây chỉ tìm hiểu về cổ lễ
trong cộng đồng dân tộc Kinh ở vùng Bắc bộ và những nơi ảnh hưởng của nó. Trong
đó bao gồm cả phục chế (服制,các hạng áo tang), phục sức (服飭,bài trí tang phòng và trang sức áo tang) theo phục tự (服序, tức là liệt kê quan hệ thân thuộc theo quy tắc từ thân đến sơ, từ tôn đến
ti cùng hạng tang phục tương ứng). Về thời gian để tang có Đại tang (大喪, 1 bậc, tang 3 năm) và Tiểu tang (小喪, 4 bậc: 1
năm, 9 tháng, 5 tháng và 3 tháng) thành ra có 5 bậc, gọi là Ngũ phục 五服 như sau:
1.4.1. Trảm thôi 斬衰: cùng với tư thôi thuộc về Đại tang.
- Là áo tang bằng vải thô trắng
thật xấu, gấu áo cắt mà không viền, bỏ xủ xuống; quần xổ lai không khâu bằng phẳng.
Con trai thì đội bức cân bao trùm đầu tóc, bên ngoài có đội mũ rơm (có thể dùng dây chuối thay rơm) bện
thành hình tròn bọc vải thô; Tang cha thì con trai chống gậy trúc (người quân tử, cách đốt), tang mẹ thì chống
gậy vông (phía dưới cho có cạnh vuông, tượng
trưng mẹ hiền, liền khúc với con). Gậy có bề dài bằng khoảng cách từ gót
chân lên tới tim, gốc chống xuống đất.
Con gái thì đội mấn, cũng
làm bằng vải thô gấp chéo một đầu thành hình chóp nón.
- Mặc khi con để tang cha
trong thời hạn 3 năm, thực ra là để tang tới Đại tường thêm 3 tháng dư ai thì
mãn.
1.4.2. Tư thôi 齊衰:
- Quần áo không sổ gấu khi
đó gấu áo, quần tang có lên lai, khâu lại cho bằng phẳng; Áo xô, khăn xô có giải
sau lưng (gọi là khăn ngang) và nếu
cha mẹ đều đã mất thì hai giải bằng nhau, nếu còn mẹ hoặc còn cha thì hai giải
lệch nhau. Con trai chống gậy: tang cha gậy tre, tang mẹ gậy vông, mũ rơm quấn
đầu, dây chuối, dây đai thắt lưng.
- Dùng khi Con trai, con
gái, con dâu để tang cha mẹ (kể cả đích mẫu,
kế mẫu, dưỡng mẫu, từ mẫu và dưỡng phụ), Vợ để tang chồng. Nếu con trưởng mất
trước thì cháu đích tôn để tang ông bà nội cũng đại tang thay cha.
- Thời hạn 3 năm, đời sau giảm
bớt còn 2 năm 3 tháng (sau lễ giỗ đại tường
2 năm, thêm 3 tháng dư ai)
1.4.3. Đại công 大功: từ đây trở xuông thuộc về Tiểu tang.
- Là vải đã dệt gia công thô
dùng quấn khăn tròn, không gậy. Gồm:
* Đại công cơ niên 大功稘年:
- Dùng khi: Cháu nội để tang ông bà nội; Con riêng của vợ
để tang bố dượng nếu bố dượng có công nuôi và ở cùng, nếu không ở cùng thì
không tang, trước có ở cùng sau thôi thì để tang 3 tháng; Con để tang mẹ đẻ ra
mình nhưng bị bố rẫy (xuất mẫu), hoặc
cha chết, mẹ lấy chồng khác (giá mẫu);
Chồng để tang vợ và có gậy, nếu cha mẹ còn sống thì không gậy; Cháu để tang bác
trai bác gái, chú, thím và cô ruột; Anh chị em ruột để tang cho nhau (cùng cha khác mẹ cũng tang một năm, cùng mẹ
khác cha thì tang 5 tháng); Cha mẹ để tang con trai, con gái và con dâu cả,
kể cả con đi làm con nuôi nhà người; Chú, bác, thím cô ruột để tang cho cháu (con anh em ruột); Ông bà nội để tang cho
cháu trưởng (đích tôn); Đích mẫu, kế
mẫu, từ mẫu, tang các con chồng, thứ mẫu tang con mình và con chồng như nhau đều
một năm; Con dâu để tang dì ghẻ của chồng (tức
vợ lẽ cha chồng); Rể để tang cha mẹ vợ (vợ
chết đã lấy vợ khác cũng vậy); Nàng hầu để tang cha mẹ chồng, vợ cả của chồng,
các con chồng cũng như con mình (các họ
hàng bàng thân bên nhà chồng đều không tang).
- Thời gian để tang 1 năm, đến
Tiểu tường (giỗ đầu) là mãn
* Đại công cửu nguyệt 大功九月:
- Anh chị em con chú con bác
ruột để tang cho nhau.
- Thời hạn để tang 9 tháng.
1.4.4. Tiểu công ngũ nguyệt 小功五月:
- Vải trắng quấn tròn
- Ông bà cụ kỵ cũng để tang hàng cháu hàng chắt
- Thời hạn để tang: 5 tháng
1.4.5. Ti ma tam nguyệt 緦麻三月.:
- Xưa dùng vải gai sợi nhỏ,
khi: Chắt để tang cụ (Hoàng tang 黄喪) chít khăn vàng, Chít để
tang can (kỵ) nội (Hồng tang 紅喪) chít khăn đỏ.
- Thời gian để tang: 3 tháng
Nhưng có thời, có gia đình
vì quá nghèo không đủ tiền mua áo quan cho người chết, phải bó chiếu đem chôn.
Ngay cả trong lúc túng quẫn đó, người ta cũng cố kiếm một dải vải nhỏ chít lên
đầu cho đỡ tủi vong linh người chết, đỡ đau lòng người sống. Các con phải đi
chân đất, sau bỏ lệ ấy mà đi dép tết bằng cói.
2. Phục chế thời nay:
2.1. Biến đổi theo thời cuộc:
Những năm 1945-1975, do chiến
tranh, cuộc sống gian khó nên có thời gian việc hiếu bị hiểu lầm và sao nhãng. Đã một thời chúng ta ngộ nhận chữ hiếu là của
phong kiến, cần phải “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Hậu quả là chúng ta phải gánh
chịu loạn từ trong nhà loạn ra, thậm chí có chỗ thành “họ nhà tôm”.
Trong số những lệ tục xưa,
theo thời gian và do thời cuộc, có cái nay đã đi vào quên lãng, không còn phù hợp.
Ngược lại,với người Việt, đã trở thành “Lễ nghi phong hóa” (H: 禮儀風化, A: Ceremonies and manners, P: Cérémonies et moeurs) tức là
cách thức bày ra trong sự cúng tế cho được trật tự, trang nghiêm, kính cẩn đã
thành phong tục tạp quán của cả dân tộc. những lệ đã
trở thành “Thuần phong mỹ tục” thì vẫn được duy trì cho phù hợp hơn, đặc biệt
Ngũ phục chế ít thay đổi.
Từ sau khi Đảng, nhà nước ta tiến hành công cuộc
đổi mới, mọi mặt KT-CT-XH đều phát triển theo chiều hướng tích cực thì công việc
đó mới được khơi dậy và ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều vấn đề thực thi việc
Hiếu đã dần được “luật hóa”. Trách nhiệm con cái với cha mẹ, ông bà được đề cập
ngay từ đạo luật hôn nhân và gia đình đầu tiên của nước ta là Luật hôn nhân gia đình được Quốc hội nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa thứ nhất, kỳ họp thứ 11 thông qua trong phiên họp
ngày 29 tháng 12 năm 1959 và hiện nay là Luật
hôn nhân gia đình được Quốc hội nước Cùng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000. Về tang lễ có Nghị định Số: 105/2012/NĐ-CP ngày 17
tháng 12 năm 2012 của Chính phủ Về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Nhưng dân ta vốn nặng tư tưởng
lệ cổ nên cái mới chưa thành nếp. Trong số những lệ tục xưa, theo thời gian và
do thời cuộc, có cái nay đã đi vào quên lãng, không còn phù hợp. Tất nhiên những
lệ đã trở thành “Thuần phong mỹ tục” thì vẫn được duy trì cho phù hợp hơn. Đáng
tiếc, do mặt trái của cơ chế thị trường, do điều kiện kinh tế phát triển trong
khi một số mặt VHXH lại có biểu hiện không theo kịp nên xuất hiện nhiều lệ mới
kiểu “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà không phú quý cũng đua đòi, nhân danh “Thọ Mai
Gia Lễ” phục hồi làm biến dạng nhiều tục cũ. Đặc biệt gần đây xuất hiện khá nhiều
sách, tài liệu đều nói là dựa theo truyền thống có cải biên nhưng xem ra chỉ là
sao chép lẫn nhau[13]
và nhiều chỗ rất lạc hậu, sai lầm ngớ ngẩn. Do vậy, đa phần khi thực hiện các
nghi thực chỉ là “làm theo” mà không hiểu vì sao cần làm như thế nên dẫn tới bị
thô lược hay lạm dụng, hoặc làm sai lệch, không còn ý nghĩa gì. Do vậy nhiều việc
làm trái khoáy, chướng mắt, tốn kém, phiền hà mà hỏi ra thì chả ai rõ ngọn
ngành, trả lời vu vơ hoặc rất chi là phản khoa học, phản cả tâm linh. Tât cả do
thiếu hiểu biết, thiếu tri thức mà ra!
Đó chỉ là phần nghi thức còn
quy định về tang phục ít biến đổi.
2.2. Ngũ
phục thời @ :
Theo tôi, người có tâm, có
tri thức, có bản lĩnh không hành động a dua theo đám đông, hầu tránh gánh nặng
không đáng có; tránh những tín điều lầm lạc, ngu muội. Trước mỗi lễ nghi, phong
tục, tập quán ta cần có ý thức tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để rõ ý nghĩa tâm
linh, cơ sở khoa học, thực tiễn của hành vi cần phải thực hiện. Điều đó vừa giữ
được truyền thống của ông cha, của “nếp nhà” vừa là một hành vi văn hóa, khiến
cuộc sống thêm thi vị đúng với nghĩa cuộc sống của con người. Tại sao mỗi người
không tực học hỏi, rút kinh nghiệm để nhớ và thực hiện trong gia tộc, bạn bè
thân hữu nhằm “Gia sự hà tất vấn ngoại nhân” 家事何必問外人 mà có hỏi thì cũng có cơ sở cân nhắc, xem
xét trước khi áp dụng.
Ngày nay, đồ tang đã được cải
tiến và đơn giản nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình giữ phong tục cũ theo
đúng 5 loại tang phục. Do đó cần lên danh sách con cháu, tính số người chịu
tang mà làm, không được làm thừa. Đồ tang được may bằng vải xô hoặc vải phin trắng
sử dụng đúng khi nhìn vào bộ trang phục, người ngoài có thể phân biệt ai là con
trai, con rể, con dâu, ... của người chết:
- Con trai: áo xô, nùn rơm[14]
quấn đầu, dây chuối, dây đai thắt lưng, gậy tang (để tang Cha: gậy tre, để tang Mẹ: gậy vông[15]),
khăn ngang buộc đầu (nếu cả bố mẹ đã mất
thì 2 dải buông bằng nhau, nếu 1 người còn thì để lệch).
- Con gái, con dâu: áo xô, đội
mũ mấn là miếng vải xô chiều ngang khoảng 30 cm chụp lên đầu[16].
- Con trai, con gái và vợ
người chết còn có một dải xô trắng chiều ngang khoảng 30 cm, dài hơn 1m, theo
chiều dài gập lại vài lần để hình thành một chiếc khăn có chiều ngang khoảng 5
cm, chít quanh đầu, buộc múi ở phía sau, bỏ thõng hai đầu khăn xuống lưng, gọi
là khăn ngang[17].
- Con rể: áo phin, khăn buộc
đầu song hiện nay các gia đình đều chỉ có 1-2 con, có khi lại toàn gái nên nhiều
nơi con rể cũng có tang phục như con trai[18].
- Anh chị em, người ngang
hàng: khăn trắng bản to quấn quanh đầu.
- Các cháu: khăn trắng, bản
nhỏ quấn quanh đầu.
- Chắt: khăn màu vàng quấn
quanh đầu.
- Chít: khăn mầu đỏ quấn
quanh đầu.
Trong trường hợp người chết,
bố mẹ còn sống thì gia đình phải để khăn chịu tang bố mẹ cho người chết.
Chú ý :
- Sau ngày lễ tang, vợ con
người chết còn chít khăn ngang cho tới 100 ngày, áo quần để xổ gấu, sống áo dài
để hai nẹp máy ra ngoài (như mặc áo trái).
Khi đội mũ cát hay mũ phớt, phải quấn khăn trắng quanh mũ hoặc may một khoanh
băng đen (rộng khoảng 4 cm) có thừa
ra hai đuôi ngắn về phía sau, lồng vào mũ.
- Hiện nay, tang phục đơn giản
nhiều: dùng áo xô nhưng bỏ hai tay áo, đi giày dép bình thường; nhiều người
không đội mũ rơm, không chống gậy. Ngày thường để trở bằng cách dùng miếng vải
đen rộng chừng 8 cm máy thành nhiều nếp đeo quanh cánh tay hay đính ở trước ngực
một miếng vải đen nhỏ.
- Việc sử dụng quần áo đen mới
phổ biến ở vùng thành thị, nơi có sẵn dịch vụ cung cấp, vùng nông thôn lác đác
vài gia đình có điều kiện hay con cái thoát ly nhiều biết đến.
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, trong
tang lễ, việc bài trí tang phòng, việc dùng tang phục của con cháu rất quan trọng.
Nó thể hiện sự trang nghiêm và lòng hiếu thảo của con cháu. Những gì đầy tính
nhân văn đã được tổ tiên chắt lọc, lưu truyền từ bao đời thiết nghĩ không nên bỏ,
cần áp dụng sao cho hợp thời, hợp cảnh.
[1] Không phải “Phục chế” là làm lại
cho đúng hình dáng ban đầu của hiện vật, ví dụ phục chế hiện vật cổ, phục chế ảnh...mà
Hán tự viết là :復製
[2] Nền văn hóa cổ ở Thời đại đồ sắt, tồn tại ở một số tỉnh miền bắc và bắc
trung bộ Việt Nam (700 tCn - 100)
[3] Nền văn minh Ấn Độ thời cổ đại (còn
được gọi là Văn hóa Harappa, 3.000-1.800 tCn) là một nền văn minh nổi tiếng
bao gồm cả vùng đất ở các nước như: Ấn Độ, Pakistan, Nêpan, Bangladesh ngày
nay. Nền văn minh này sản sinh ra chữ Ấn cổ, chữ Brami, chữ Sanskrit (là cơ sở của nhiều loại chữ viết ở Ấn Độ và
Đông Nam Á sau này) và sản sinh ra nhiều tôn giáo như Ấn Độ giáo, Phật
giáo, đạo Jaina và đạo Sikh.
[4] Hồ Sĩ Dương là quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam, người
làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Ông là cháu xa của Trạng
nguyên Hồ Tông Thốc 胡宗簇.
[5] Hai cuốn Gia lễ này tôi chưa được biết, chỉ được đọc trong sách của
Hoàng Công Tuấn..
[6] tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu (允厚), hiệu Quế Đường; làng Diên Hà, huyện
Diên Hà, trấn Sơn Nam; nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Đỗ
Bảng nhãn khóa thi Nhâm Thân, 1752, được bổ làm Thị thư ở Viện Hàn Lâm dần lên
đến Thượng thư bộ Công. .là quan thời Lê
trung hưng, là nhà thơ, và là "bác học lớn của Việt Nam trong thời phong
kiến". Ông là tác giả nhiều: Các sách bàn giảng về kinh, truyện; Các sách
khảo cứu về cổ thư; Các sách sưu tập thi văn; sách khảo về sử ký địa lý đến nay
còn giá trị và nhiều tập thơ văn.
[7] Hồ Sĩ Tân (1691-1760) là con
trai thứ hai Tham nhị Hồ Sĩ Tông (con ruột
Duệ Quận Công Hồ Sĩ Dương). Năm Gíap Ngọ, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ mười (1714), Sĩ Tân dự thi Hương đậu ngay Giám
sinh (Cử nhân); năm ất Mùi (1715) thi Hội đậu Phó bảng. Mùa xuân
Nhâm Dần niên hiệu Bảo Thái thứ ba (1722)
đời Lê Dụ Tông, Sĩ Tân dự thi Đình đậu Tiến sĩ. Bước đầu Sĩ Tân nhận chức Công
khoa Cấp sự trung, sau được bổ nhiệm chức Gíam sát Ngự sứ đạo Quảng Yên, rồi
thăng Hiến Sát sứ tỉnh Thanh Hóa. Trong khi làm quan ông thường bênh vực người
nghèo khó và kẻ thất thế, thẳng tay trừng trị bọn tham quan ô lại , nên không
được cấp trên mến phục, lại bị đồng sự chèn ép, ông xin về hưu .
[8] Trước đây do viết và in bởi Hán
tự nên sách ít phổ biến, mọi người chỉ truyền khẩu nên dễ tam sao thất bản.
Ngay như tôi mãi năm 2001 mới kiếm được cuốn dạng Photocoppy mà sau này kiểm
lại thấy nó không đúng về bố cục, chi tiết so với bản có trên mạng
và được giới thiệu là dịch năm 1927.
[9] Tên chữ là Tùng Niên 松年, Bỉnh Trực 秉直, hiệu: Đông Dã
Tiều 東野樵, tục gọi là Chiêu Hổ; người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng
Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện
Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn và nhà
thơ của Việt Nam ở khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Tế tửu Quốc Tử Giám
Thị giảng học sĩ. Và nhờ đọc nhiều, đi nhiều, ông đã để lại nhiều công trình khảo
cứu, biên soạn có giá trị thuôc đủ mọi lĩnh vực: văn học, triết học, lịch sử, địa
lý,... Đồng thời sáng tác nhiều tập ký, thơ có giá trị. Đặc biệt là Vũ trung
tùy bút (雨中隨筆, Tùy bút trong mưa) là một tập
truyện bằng chữ Hán, theo thể loại ký nổi tiếng tại Việt Nam.
[10] Phan Kế Bính (1875 – 1921),
quê ở làng Thụy Khê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), hiệu là Bưu Văn, bút
hiệu Liên Hồ Tử, là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng hồi đó.
[11] Khi tiếp xúc với văn minh Phương Tây ông nhận ra: Kinh tế thay đổi thì
phong tục phải thay đổi nên đã viết nhiều bài ngắn đăng từng kỳ trên Đông
Dương Tạp Chí, vào năm 1913 – 1914. Sau đó tập hợp thành sách “Việt Nam
phong tục. Cuốn này năm 2005 tôi mới mua được. Xem kỹ thì ra, chính
trong cuốn sách này ông cũng chỉ ra những điều giả dối, phiền phức
lố bịch trong nghi thức tang ma đương thời. Thế mới biết nói nhà Nho cổ hủ
là nói liều!
[12] Nguyên văn “kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong
như sự tồn, hiếu chi chí giã 敬其所尊, 愛其所親, 事死如事生, 事亡如事存, 孝之至也”. Tức là “Kính người trên, thương người thân, thờ người chết như người
còn sống, trọng người đã khuất như người hãy còn. Đó là trọn hiếu vậy!”
[13] Bản thân tôi từng đi mua sách vớ phải những
nội dung sai của...chính mình! Ví dụ cuốn “Tìm hiểu văn hóa tâm linh của người
Việt” tác giả GsTs Cao Ngọc Lân, NCS Cao Vũ Minh-NXB Lao động xuất bản 2013 tại
T38, 39, 40, 41 (Đôi điều về Bát hương) giống hệt (có đổi vài chữ nhưng phần
mang tính “duy tâm” tôi nghe thầy tôi truyền lại vẫn giữ nguyên!) bài tôi đăng
từ 02/02/2011 ở: http://holuongduclaocai.blogspot.com/2011/02/bat-huong-viec-boc-bat-huong-va-su-dung.html. Hay các ảnh minh họa, bảng tôi tự thiết
kế và ngày 10/02/2011 đưa lên tại http://holuongduclaocai.blogspot.com/2011/02/so-o-cam-nen-mau-va-chu-viet-tren-bai.html đã được 2 tác giả trên ưu ái sao lại ở T
180, 181 (chắc cóp sau khi tôi sửa ngày 14/02/2011) mà lẽ ra bảng chỉ gõ trực
tiếp cũng được!
[14] Mũ rơm hình vành bánh xe, tết bằng rơm hay lá chuối khô, ở trên có chằng
hai dải vải xô hình chữ thập, có một quai cũng bằng vải xô để đeo dưới cằm.
[15] Chống gậy để tỏ ra là người con có hiếu, vì quá buồn thương, khóc lóc
đến nỗi ốm yếu, không đủ sức đi đứng như bình thường và thực tế là tránh ngã,
nhất là khi đi lùi, đoạn đường khó đi.
Tre tượng trưng cho người quân tử và cây tre bốn mùa không đổi mầu, ví như
tình cảm thương đau của người con không bao giờ giảm sút. Nhưng cha-con phải
“cách đốt” qua người mẹ nên là cây tre và gậy tre để tròn, tượng trưng cho trời,
ý coi cha như trời cao. Còn mẹ-con là “liền khúc ruột” nên dùng cây Vông không đốt và vông còn tên là « Đồng »
nghĩa là cùng, ý rằng lòng mẹ vẫn cùng hợp
với cha. trường hợp không kiếm được cây vông có thể dùng thân cây sắn đầu trên
vót tròn, đầu dưới vuông, theo ý “trời tròn đất vuông”.
[16] Trước kia còn quy định: nếu đã đi lấy chồng mà bố mẹ chồng còn phải về
xin phép trước!
[17] Còn bố (hoặc mẹ) buộc múi lệch,
cả 2 đã quy tiên để múi bằng.
[18] “Rể cũng như giai” có lẽ mãi mãi chỉ là ước muốn dù có tới xã hội
“công bằng dân chủ văn minh” bao nhiêu thì bao giờ vấn đề “rể là khách” vẫn hiện
hữu!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!