Vùng Phong Niên, Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) hầu như ai cũng biết gia đình từng được UBND huyện xác nhận kỷ lục hộ gia đình có nhiều người có trình độ Đại học và trên Đại học nhất. Nhưng nếu tiếp xúc lần đầu, ai cũng ngỡ ngàng khi biết người đứng tên chủ hộ gia đình đó lại là một mẹ tôi bà mù chữ. Ấy là Cố Lương Đức Thân chi thê Phạm Thị Uyển 故梁德親之妻范氏婉, vừa đón Đại thọ 大壽 tuổi 90 Tết Quý Tị 2013.
Ngày 26/7/2013 Mẹ tôi, Phạm Thị Uyển (thứ 4 từ trái sang)
nhận GIẤY KHEN của UBND huyện Bảo Thắng về thành tích xây dựng nông thôn mới.
|
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở xã Cốc Tràng, tổng Cao Mật (nay là thôn Cốc Tràng, xã Chiến Thắng), huyện An Lão, thành phố Hải Phòng nhưng do cha mẹ mất sớm, từ nhỏ, mẹ tôi không được đi học. Lớn lên, lấy chồng về Phương Lạp (nay là Phong Hạ) cùng tổng thì bố tôi tham gia công việc kháng chiến rồi dạy Bình dân học vụ, công tác thôn xã, gần như một mình mẹ tôi phải chăm lo cho con cái, lao động sản xuất, do vậy dù đã từng theo Bình dân học vụ nhưng chữ nghĩa chẳng nhớ được bao nhiêu.
Tháng 2 năm 1964, nghe theo tiếng gọi của Đảng, mẹ tôi cùng bà tôi chồng bồng bế 4 anh em tôi lên khai hoang tại thung lũng La Cà Bốn, xã Phong Niên. Mẹ tôi là lớp người đầu tiên trong 21 hộ, 93 người với 35 lao động chính ngày ấy khởi thủy công việc lập nên thôn An Phong. 90 tuổi, 49 năm gắn bó với vùng quê mới, trải qua bao khó khăn gian khổ, mẹ tôi đã cùng bà con trong thôn và con cháu làm nên kỳ tích hôm nay.
Tuy gần như mù chữ nhưng với bản tính của một người nông dân hiền lành chất phác, ham làm đầy trách nhiệm, mẹ tôi đã có những suy nghĩ, việc làm vượt hơn hẳn cả một số người được học hành cùng thời. Với chúng tôi, mẹ tôi luôn chắt chiu động viên, tạo điều tốt nhất cho con cháu học hành từ việc ăn uống đến áo quần, thời gian. Những ngày mới lập thôn An Phong, bố tôi là Kế toán, thuộc diện cán bộ khung xây dựng HTX nơi quê mới, gia đình gương mẫu, nên nơi ăn ở được bố trí tại địa điểm sâu, xa, khó khăn nhất của thôn, cách xa đường Quốc lộ trên 2km. Đường rừng, xa trường lớp tôi sang Sơn Hải cách nhà hơn 20 km, bên kia sông Hồng để học tiếp lớp 2, năm sau mới về nhà. Những năm 1965-1967, chưa có đồng hồ, dựa vào các canh gà gáy, mẹ tôi gọi tôi, sau đó tôi cùng Thuộc tôi đi từng nhà gọi các bạn, các em đi lên Cốc Tủm học; lối đi cỏ rậm phải che áo mưa để cản sương, trời rét phải bỏ than vào ống bơ để sưởi; giấy viết rồi ngâm vôi, phơi khô dùng lại, đốt củi lấy ánh sáng để học; nhiều hôm trời mưa lớn, nước suối dâng cao, trẻ lớn phải cõng trẻ nhỏ mà lội qua...Mỗi bận chúng tôi về muộn, mẹ sốt ruột nhưng không buộc con nghỉ học như một số người khác. Gian khó thế, nhưng tất cả đều chịu khó và học rất khá, hầu như phần thưởng các kì của Trường Cấp I Phong Niên đều về An Phong (trong đó phần lớn là anh em tôi). Từ sự động viên, tạo điều kiện của mẹ tôi, anh em tôi đều học hành tiến bộ. Khi các con đã trưởng thành, mẹ tôi tiếp tục động viên, tạo điều kiện, tiếp lửa cho các cháu hăng say học tập. Tuổi đã cao, con cháu dần trưởng thành, tham gia công tác xã hội, nay chỉ còn mình mẹ tôi tự chăm sóc bản thân trong ngôi nhà cũ tại nơi đã khai sơn lập nghiệp.
Người nữ nông đó đã là một cây cổ thụ tỏa bóng, giáo dục cháu con về đạo nghĩa, khơi gợi, động viên cháu con và mọi người trong học tập và lao động. Tuy chưa thông mặt chữ, chưa từng vào Đảng nhưng mẹ tôi đã sinh ra, nuôi dạy những thạc sĩ, bác sĩ, kĩ sư, sĩ quan…Riêng trong lực lượng Công an mẹ tôi đã có 3 con, 3 cháu là những sĩ quan sơ, trung, cao cấp có trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh, tư cách đạo đức tốt công tác ở Hà Nội, Công an tỉnh, Công an huyện nhà được tặng thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen, Huân Huy chương. Các con cháu cụ nay đủ lập thành 3 Chi bộ nếu mỗi Chi bộ từ 3 người trở lên. Tính đến 2009 mẹ tôi đã có 8 con, cháu có bằng Thạc sĩ, Đại học các ngành Luật, Y, Sư phạm, Ngữ văn, Kỹ thuật và các cháu nhỏ khác theo gương anh chị đang theo học tại các trường Phổ thông và Trung cấp, Cao đẳng, Đại học chuyên nghiệp. Đến nay danh sách này đã kéo dài và chắc chắn còn dài hơn nữa. Do vậy gia đình mẹ tôi luôn được xóm làng suy tôn là “Gia đình hiếu học” và năm 2009 mẹ tôi được UBND huyện Bảo Thắng xác nhận “Kỷ lục về hộ gia đình có người có trình độ Đại học và trên Đại học nhất”. Có được ngày hôm nay chúng tôi thấm thía và nguyện theo gương mẹ:
Gái trai phương trưởng nhờ mẹ đảm;
Nhà cửa ấm êm bởi Dâu hiền.
Kể từ ngày khởi lập, tháng 02/1964, An Phong không những tăng thêm về quy mô cư trú, đông thêm về số Hộ, số Khẩu, nhiều thêm về Diện tích canh tác, mở rộng về địa dư, tăng thêm nhiều lần về tổng thu nhập mà mọi mặt về cơ sở hạ tầng, hệ thống chính trị cơ sở và Văn hoá, xã hội cũng có nhiều biến chuyển to lớn theo hướng tích cực, nhất là sau ngày tái lập tỉnh (10/1991). Sau bao nhiêu năm chờ đợi, năm 1998 điện lưới vào tới xóm, sau đó cây cầu qua suối vào thôn đã hoàn thành với số vốn huyện cấp là 300.000.000đ. Phát huy chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và sự nhiệt thành của con cháu xa quê lối mòn được mở rộng thành đường 4,2m vào tận xóm trong được khai thông vào dịp đón Xuân Bính Tuất 2006, rồi được beton hóa năm 2012. Nhà Văn hoá thôn cũng được xây dựng, khánh thành dịp 03/02/2007. Thôn có 60 hộ thì quá nửa trong đó có mô hình chăn nuôi cho thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Cùng với đó là các mô hình phát triển kinh tế vườn rừng… Trong không khí chung xây dựng nông thôn mới, người An Phong cũng hăng hái nhiệt tình hiến đất làm đường, góp tiền dựng nhà văn hoá thôn, lập đội thu gom rác. An Phong đã trở thành “nông thôn mới thu nhỏ” của xã Phong Niên.
Những con người tiên phong ấy, với nghị lực và ý chí đã cố gắng trụ bám, nhen nhúm và định hình một cuộc sống mới.. Họ là những người đi đầu trong công cuộc khẩn hoang dựng xóm, lập làng, đắp xây cuộc sống và góp phần giữ đất quê hương, trụ lại mãi. Sự quyết tâm, bền gan, hiến kế, góp công, góp của và máu xương của mọi người nên đây đã phấn đấu thành một trong những thôn khá của xã. tổ chức buổi gặp mặt kỉ niệm 40 năm ngày khai hoang, mở đất An Phong. Và buổi gặp mặt đó được tiến hành sau Tết Giáp Thân 2004 tại nhà Lương Đức Tràng. Sau đó đã Kỷ niệm 45 năm tại Nhà Văn hóa thôn vào sau Tết Kỷ Sửu 2009 được lãnh đạo xã, huyện tới dự và đánh giá cao. Hôm 03/3/2013 khi lên dự Đại hội đại biểu Hội Đồng hương Hải Phòng tại Lào Cai nhiệm kỳ II (2013-2018) Đoàn đại biểu huyện An Lão, trên đường về Hải Phòng đã vào thăm thôn An Phong, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng là nơi mà người dân An Lão (ở xã Chiến Thắng, Mỹ Đức, An Thái) lên khai hoang lập ra vào tháng 2/1964. Tuy được báo trước có 1 giờ nhưng bà con đã tập trung đông đủ đón đoàn tại Nhà Văn hóa thôn. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra ấm tình quê hương, mẹ tôi cùng các lão nông, lần đầu gặp lãnh đạo cấp cao như vậy của quê hương đã đề xuất nhiều nguyện vọng, ý kiến hay, trong đó có việc mời đại biểu huyện nhà lên chung vui với bà con dịp Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập thôn vào tháng 2/2014 tới.
Không được học nhưng nghe con cháu nói chuyện mẹ tôi hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa 10) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gọi nôm là Nghị quyết “tam nông” và sẽ mang lại đổi thay căn bản cho thôn làng nên mẹ tôi càng động viên con cháu, bà con cố gắng hơn để An Phong đạt và giữ vững chắc các Tiêu chí về nông thôn mới. Trong sự chuyển mình ấy, đóng góp khai đất, hình thành và củng cố phát triển An Phong là của mọi người, mọi thế hệ trong mọi gia đình. Nhưng công lớn thuộc về thế hệ đi đầu, những người trong nhóm 12 hộ ngày ấy và trong đó có công vững chí, bền gan suốt 49 năm qua của mẹ tôi !. Điều kỳ lạ là những năm gần đây, khi Chùa Liên Hoa 莲花寺 ở km 36 chính thức được công nhận là nơi thờ tự đạo Phật bằng văn bản số 55/SNV-TG ngày 27/01/2010 của Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai thì từ những lờ Kinh thuộc lòng chiếu vào những quyển chữ to do Ban Hộ tự cấp và con cháu mua biếu thì cụ lại “tái biết chữ”, khác với “tái mù chữ” của nhiều người!
Bản thân mẹ hồi trẻ là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, xây dựng thôn xóm, tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Ngày nay, đặc biệt việc hiến đất, bàn bạc, vận động con cháu ủng hộ tiền. công làm đường đi, đường điện, dựng nhà Sinh hoạt cộng đồng mấy năm gần đây. Ghi nhận đóng góp đó, chính quyền, Hội Phụ nữ thôn xã, huyện đã nhiều lần biểu dương, khen thưởng cho mẹ. Mới đây nhất, tháng 7/2013, mẹ tôi được UBND huyện Bảo Thắng tặng Giấy khen về nêu gương sáng trong xây dựng nông thôn mới. Thật là:
Dẫu không Bia đá, Đỉnh đồng,
Mà thôn xóm vẫn trong lòng khắc ghi.
Mà thôn xóm vẫn trong lòng khắc ghi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!