Sáng thứ Hai, ngày
10/6/2013 trên Facebook (http://www.facebook.com/men.phamthi/posts/540555766007060)
tôi viết câu này:
Ai hay khi ném trái Đào,
Để cho trái Mận rơi vào tay ta.!
Sau đó nhận được
một số comment (bình luận) tôi đã trả
lời nhanh bằng comment và cả điện thoại, nay xin giải thích rõ:
Gốc của quan hệ
nhân quả trên từ mối quan hệ “Đào-Lý”. Nguyên trong Kinh thi 詩經[1] có câu : “投我以桃,報之以李”(Đầu
ngã dĩ đào báo chi dĩ lý), nghĩa là “Ném cho ta quả đào, báo lại ta sẽ cho
quả mận”. Tuy cùng lấy ý từ đây nhưng trong thơ văn chữ Hán và thơ văn chữ Nôm
lại được dùng với ý hơi khác nhau:
Hán văn nói 投桃報李 “Đầu đào báo lý” là chỉ quà tặng, đồ biếu
xén lẫn nhau.
Còn trong văn Nôm,
“lý” chỉ cây “mận” nên “đào-mận” chỉ quan hệ qua lại nam nữ. Như Truyện Kiều câu
thứ 1289 là 𣋽桃最槾燐罗: (Sớm đào tối mận lân la) là chỉ ý sớm tối
tình tự, dan díu với nhau.
Chú ý trong Truyện
Kiều câu số 1741: 㤕𠊝桃李沒梗 (Xót
thay Đào Lý một cành) thì chữ “Đào, Lý” lại là cây đào, cây mận chỉ người
phụ nữ đẹp khi cụ Nguyễn xót thay cho nàng Kiều xinh đẹp mà bị trận đòn ghen
tơi bời như gió táp mưa sa của Hoạn Thư (vợ Thúc Sinh).
Do vậy câu tôi
viết trên FB, trong bối cảnh quanh tôi cuối tháng 5 đầu tháng 6/2013 có thể
hiểu nôm na thế này:
1. “Có đi có lại
mới toại lòng nhau”;
2. “Ông mất chân
giò, bà thò chai rượu”;
3. “Ông ăn chả, bà
ăn nem”;
4. “Làm ơn há dễ
trông người trả ơn”;
5. “Không dưng ai
dễ đem phần đến cho”;
…
Chữ nghĩa vốn “ý tại ngôn ngoại” nên cần xem
đến “ngữ cảnh” nữa!
[1] Là
bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc, một trong năm bộ sách kinh điển của
Nho giáo. Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500
năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, gồm 311 bài thơ với nguồn gốc
khá phức tạp, gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình của các tác giả
thuộc mọi tầng lớp xã hội. Từ dân gian được chuyển thành văn, Kinh Thi đã trải
qua quá trình sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn công phu, từng được coi là “sách
giáo khoa” toàn xã hội, luôn được các học giả truyền tụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!